Mẹ thích câu chuyện của mình ư? Cô thầm nghĩ, lòng đầy xúc động. Cô biết rằng câu chuyện của mình không thú vị đến thế; chỉ là cách nói chuyện của cô với mẹ đã thay đổi sau những trải nghiệm của cô ở Thư viện chữ nổi. Từ khi lên thành phố, cô lúc nào cũng nói chuyện với mẹ với thái độ cau có. Cô hay cãi trả mẹ, “Mẹ thì biết gì chứ?” Cô hay quở trách, “Sao mẹ là mẹ mà lại đi làm thế?” Cô cũng thường trả lời một cách lạnh lùng, “Mẹ biết chuyện đó làm gì?” Biết mẹ không còn hơi sức đâu để la mắng nên nếu mẹ hỏi, “Con đến đó làm gì vậy?” cô sẽ trả lời cụt lủn, “Vì con phải đến.” Thậm chí khi cô phải đi máy bay vì sách của cô được xuất bản ở nước khác hoặc cô cần ra nước ngoài dự hội thảo, nếu mẹ hỏi, “Con đến đó làm gì vậy?” cô cũng sẽ lấy giọng công việc để trả lời, “Bởi vì con có công có việc cần quan tâm mà mẹ.” Mẹ bảo cô đừng nên đi máy bay nữa. “Nếu tai nạn xảy ra sẽ có hơn hai trăm người cùng thiệt mạng đấy.” “Có việc thì vẫn phải đi chứ mẹ,” cô đáp gọn. Nếu mẹ hỏi, “Sao con nhiều việc thế?” Cô sẽ ủ rũ trả lời, “Thôi mà mẹ, con biết rồi.” Cô cảm thấy thật khó khăn khi nói chuyện của mình với mẹ. Những việc cô làm dường như không liên quan gì đến cuộc sống của mẹ.
Nhưng khi cô kể về cảm giác hoang mang lúc nhìn thấy quyển sách chữ nổi và nỗi hốt hoảng khi đứng trước hơn bốn trăm người khiếm thị, mẹ cô chăm chú lắng nghe như thể cơn đau đầu của mẹ đã tiêu tan. Lần cuối cùng cô tâm sự với mẹ về một chuyện gì đó xảy ra với mình là bao giờ? Nhiều năm nay, những cuộc nói chuyện giữa cô và mẹ đã trở nên hết sức đơn giản. Thậm chí hai mẹ con hiếm khi nói chuyện trực tiếp mà chỉ thường nói qua điện thoại. Câu chuyện của cô chủ yếu chỉ xoay quanh những việc như mẹ ăn gì, mẹ có khỏe không, bố dạo này ra sao, mẹ cẩn thận kẻo bị cảm, cô đã gửi tiền cho bố mẹ... Mẹ thì nói đến những việc như mẹ đã muối kim chi gửi lên thành phố, mẹ hay gặp ác mộng ban đêm, mẹ đã gửi gạo, gửi xì dầu cho cô, hay mẹ đã chế biến ích mẫu thảo gửi cho cô, thế nên cô đừng tắt điện thoại vì người đưa bưu phẩm sẽ gọi điện trước khi mang mấy gói đó đến.
Quyển sách vốn chỉ có một tập của cô khi chuyển sang chữ nổi lại thành ra bốn tập. Cầm cái túi giấy đựng mấy quyển sách đó, cô chào tạm biệt mọi người tại Thư viện chữ nổi, và cô vẫn còn hai tiếng trước chuyến bay về Seoul. Cô nhớ lại khi đang đứng trên sân khấu, để tránh những cặp mắt của họ, cô đã nhìn ra con đường đầy tuyết ngoài cửa sổ và thấy những con tàu lớn nhỏ đang buông neo ở bến cảng. Cô nghĩ có bến cảng ắt phải có chợ hải sản. Cô bắt taxi và bảo tài xế đưa cô ra chợ hải sản. Mỗi khi đến những thành phố khác, nếu có thời gian cô rất thích đi lòng vòng trong chợ để ngắm nghía mọi thứ. Dù là ngày giữa tuần nhưng chợ rất ồn ào đông đúc. Bên ngoài chợ, cô đứng xem hai ngư dân đang cắt khúc một con cá to đùng. Thấy con cá to quá, cô hỏi người bán hàng đó có phải là cá ngừ không. Người bán hàng trả lời đó là cá thái dương. Cô chợt nghĩ đến nhân vật nữ chính trong một tác phẩm văn học nào đó mà cô không nhớ nhan đề. Sinh ra ở một thành phố ven biển, cứ mỗi khi buồn phiền cô ấy lại tìm đến công viên đại dương đồ sộ và tráng lệ tại công viên trung tâm thành phố để trò chuyện với con cá thái dương đang bơi trong đó. Nhân vật đó thổ lộ với con cá thái dương rằng mẹ cô đã lấy hết số tiền tiết kiệm của cô rồi bỏ đi cùng một chàng trai trẻ đến thành phố khác. Trong suốt thời gian qua, cô ấy đã trách móc và oán giận mẹ nhưng thực lòng cô ấy vẫn rất nhớ mẹ. Cô ấy không nói được điều này với bất cứ ai, chỉ có thể nói cho con cá thái dương nghe. Cô băn khoăn không biết con cá trong truyện cổ giống con cá thái dương kia không? Thấy cái tên “thái dương” thật đặc biệt, cô bèn hỏi không biết đó có phải là tên thật của loài cá này không. Người bán hàng nói mọi người ở đây còn gọi nó là Mola mola. Ngay khi nghe thấy từ Mola mola, tâm trạng căng thẳng nặng nề khi ở Thư viện chữ nổi trong cô mới được giải tỏa. Vì sao cô lại nghĩ đến mẹ khi đang đi tha thẩn giữa những quầy hải sản tươi sống giá rẻ hơn ba lần so với ở Seoul bày bán đủ chủng loại, nào là bạch tuộc sống đầu to hơn đầu người và bào ngư tươi rói, nào là cá bao kiếm, cá thu và cua biển? Có phải chính con cá thái dương đã gợi cô nghĩ đến mẹ khi đi trong chợ hải sản? Cô nhớ lại cảnh cùng mẹ làm cá đuối ngoài giếng để chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên vào tất niên. Bàn tay mẹ lạnh cóng khi bóc lớp da đóng băng dính chặt cứng quanh mình con cá. Cô dừng lại trước cửa hàng có treo một con bạch tuộc đã luộc chín to bằng thân một đứa trẻ và mua một con bạch tuộc còn sống với giá mười lăm nghìn uôn. Cô còn mua thêm mấy con bào ngư vì nghĩ dù là bào ngư nuôi nhưng chúng chỉ ăn tảo bẹ biển và tảo nâu biển. Khi cô nói sẽ mang về tận Seoul, người bán hàng đề nghị cho tất cả vào một hộp giữ lạnh có giá hai nghìn uôn.
Rời chợ hải sản với chiếc hộp đựng con bạch tuộc còn sống và bào ngư trên tay, cô nhận ra vẫn còn lâu mới đến giờ máy bay cất cánh. Một tay cầm túi giấy đựng sách, một tay xách chiếc hộp, cô gọi taxi và bảo tài xế đưa cô ra bãi biển. Chỉ ba phút sau xe đã đến nơi. Bãi biển vào tháng Mười một vắng tanh, chỉ có hai cặp tình nhân đang đi dạo. Bãi cát trải dài mênh mông; khi đi về phía mép nước cô suýt ngã hai lần. Cô ngồi xuống bãi cát phẳng lì nhìn ra mặt biển bao la. Một lát sau cô ngoảnh lại nhìn về phía các dãy cửa hàng và tòa nhà chung cư hướng ra biển bên kia đường. Cô nghĩ vào những đêm hè nóng bức, mọi người ở đây hẳn đều xuống biển nô đùa thỏa thích rồi mới về nhà tắm lại. Trong lúc ngồi ngắm biển, cô lấy một cuốn sách chữ nổi trong túi giấy ra ngồi đọc một cách vô thức. Những chấm trắng khắc sâu vào các trang cứ lấp lánh dưới ánh nắng tháng Mười một.
Đưa tay lần theo những con chữ nổi không sao giải mã được dưới ánh mặt trời, cô ngẫm nghĩ xem ai là người đầu tiên dạy chữ ình. Đúng rồi, chính là anh trai thứ của cô. Hôm đó, hai anh em cùng nằm úp sấp trên sàn ngôi nhà cũ. Khi ấy, mẹ cũng ngồi cạnh hai anh em cô. Anh thứ của cô rất hiền và chịu nghe lời mẹ nhất trong số mấy anh em cô. Mẹ đã yêu cầu anh dạy chữ cho cô nên anh không thể làm trái lời mẹ. Anh tỏ vẻ uể oải, hướng dẫn cô viết đi viết lại các nguyên âm, phụ âm và số thứ tự trong tiếng Hàn. Cô cầm bút viết chữ bằng tay trái vì đó là tay thuận của cô. Cứ mỗi lần nhìn thấy cô làm vậy, anh lại lấy cây thước tre to đập vào mu bàn tay cô. Anh làm việc đó cũng theo lệnh của mẹ. Mặc dù cô thuận cả tay trái và chân trái, mẹ thường nói rằng nếu cô cứ dùng tay trái và chân trái thì sẽ có rất nhiều điều trong cuộc sống khiến cô phải rơi nước mắt. Trong bữa ăn, nếu cô dùng tay trái để xới cơm, mẹ sẽ giật lấy muôi mà ấn vào tay phải của cô. Nếu cô vẫn tiếp tục dùng tay trái, mẹ sẽ giằng muôi vụt vào tay trái của cô rồi mắng, “Tại sao con không nghe lời mẹ thế!” Những lần đó tay trái của cô cứ sưng phồng lên. Tuy nhiên, hễ thấy anh trai không để ý là cô lại vội vội vàng vàng chuyển cây bút chì sang tay trái và vẽ hai hình tròn chồng lên nhau tạo thành số 8, rồi nhanh chóng chuyển cây bút chì sang tay phải. Nhưng khi nhìn số 8 do cô viết, anh thứ biết ngay rằng cô vừa chồng hai vòng tròn lên nhau bằng tay trái thế nên anh bắt cô chìa hai tay ra rồi lấy cây thước tre đánh vào lòng bàn tay cô. Mỗi khi anh thứ dạy cô học chữ, mẹ nghĩ cách ngồi khâu tất hay bóc tỏi trên sàn nhà để xem cô nguệch ngoạc. Cô còn nhớ khuôn mặt mẹ rạng rỡ như hoa bạc hà khi thấy cô viết được tên cô và tên mẹ, và cuối cùng còn có thể lắp bắp đọc sách trước khi đến tuổi tới trường. Giờ đây, hình ảnh khuôn mặt ấy đang hiện lên trên những dòng chữ nổi mà cô không sao đọc được. Cô đứng dậy khỏi bãi cát trên bờ biển. Cô vội vàng rảo bước quay lại con đường mà không kịp phủi những hạt cát còn dính đầy quần áo. Cô quyết định không bay về Seoul nữa mà bắt taxi đến thành phố L để đón tàu về thị trấn J thăm mẹ. Vừa đi cô vừa nghĩ đã gần hai mùa rồi cô chưa nhìn thấy gương mặt mẹ.
Hình ảnh lớp học ngày xưa bỗng hiện lên trong đầu cô.
Đó là ngày mà hơn sáu mươi đứa trẻ trong lớp phải điền đơn xin vào trung học bởi nếu hôm đó mà không viết đơn thì sẽ không được vào trung học. Cô là một trong số mấy đứa không chịu điền đơn. Khi ấy cô không hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô không vào cấp hai. Cô đang cảm thấy day dứt trong lòng. Đêm hôm trước mẹ đã la hét om sòm với bố trong khi bố đang đau ốm nằm bẹp trên giường. Mẹ cô quát ầm lên với bố, “Nhà mình có của ăn của để gì đâu, không cho con gái đi học thì làm sao nó tồn tại được trên đời.” Bố cô ngồi dậy và đi khỏi nhà, mẹ tức giận nhấc cái bàn ăn trên nền nhà ném ra ngoài sân. Mẹ hét lên, “Có trụ cột gia đình để mà làm gì khi ông không cho nổi con mình đi học? Tôi sẽ đập phá tất tần tật!” Cô mong sao mẹ sẽ nguôi giận vì dù không được đi học cô cũng thấy không sao. Chưa nguôi cơn giận sau khi ném cái bàn ra ngoài sân, mẹ mở cửa nhà kho rồi lại đóng sầm vào, đưa tay giật hết đống quần áo trên dây phơi xuống, vò nhàu rồi vứt tung tóe khắp mặt đất. Rồi mẹ đi đến bên cô khi đó đang ngồi co rúm lại bên thành giếng, mẹ cởi chiếc khăn đang đội trên đầu, chìa ra bảo cô xì mũi vào đấy. Cô ngửi thấy mùi mồ hôi lâu ngày khắm khú trong cái khăn lúc nào mẹ cũng quấn trên đầu. Cô không muốn xì mũi, nhất là vào cái khăn nặng mùi đó. Nhưng mẹ vẫn bảo cô xì bằng hết nước mũi ra. Thấy cô ngập ngừng, mẹ bảo cô xì mũi thì cô mới không bật khóc. Chắc nãy giờ cô đứng nhìn mẹ với vẻ mặt như chực khóc. Bảo cô xì mũi là cách mẹ nói cô đừng có khóc. Chẳng từ chối nổi, cô đành phải xì mũi vào cái khăn. Nước mũi của cô quện lẫn mùi mồ hôi của mẹ. Mẹ vẫn đội đúng chiếc khăn ấy đi đến trường. Sau khi mẹ trao đổi gì đó với cô giáo chủ nhiệm, cô giáo đưa tờ đơn xin học tới cho cô. Vừa viết tên vào tờ đơn cô vừa ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài lớp học và thấy mẹ đang quan sát cô qua cửa kính ở hành lang. Khi bắt gặp ánh mắt của cô, mẹ cởi chiếc khăn trên đầu ra vẫy vẫy và cười rất tươi. Gần tới hạn đóng học phí cho cô, chiếc nhẫn vàng đeo ở ngón giữa tay trái vốn là món đồ trang sức duy nhất của mẹ đã biến mất. Chỉ có một khoanh tròn trên ngón tay hằn lên do nhiều năm đeo nhẫn còn sót lại.
Cơn đau đầu thường xuyên hành hạ mẹ.
Trong chuyến về thăm nhà đó, lúc nửa đêm khi thức giấc vì cơn khát, cô nhìn thấy những quyển sách của cô hiện ra lờ mờ trong bóng tối. Cô nhớ lại trước khi cùng bạn trai đến Nhật Bản nhân kỳ nghỉ phép dài của anh và ở lại đó một năm với anh, vấn đề lớn nhất đối với cô là bảo quản sách. Cân nhắc mãi, cuối cùng cô quyết định gửi hầu hết số sách cô có được trong mấy năm qua về nhà mẹ. Ngay khi nhận đống sách của cô, mẹ đã dọn sạch một phòng và bày sách trong đó. Từ đó cô không làm sao mang những cuốn sách ấy đi được nữa. Khi về thăm nhà, cô thường vào căn phòng ấy để thay quần áo hoặc để đặt túi xách. Nếu cô ngủ lại qua đêm, mẹ sẽ mang chăn chiếu của cô vào trong đó.
Khi uống nước xong và đang quay lại phòng, thấy băn khoăn không biết mẹ có ngủ được không, cô rón rén bước đến nhẹ nhàng mở cửa phòng mẹ. Hình như trong chăn không có người. Cô khẽ cất tiếng gọi mẹ nhưng không có tiếng trả lời. Cô dò tìm công tắc trên tường và bật đèn lên. Mẹ không có trong phòng. Cô bật điện trong phòng khách rồi mở cửa nhà vệ sinh nhìn vào, nhưng mẹ cũng không có ở trong đó. “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Cô vừa gọi vừa mở cửa trước bước ra ngoài sân. Làn gió ban mai lùa vào trong áo cô. Cô bật điện ngoài sân và liếc nhanh về phía tấm phản gỗ trong nhà kho. Mẹ cô ở đó. Cô lao xuống bậc thềm chạy nhanh qua sân và đến bên mẹ. Mẹ cau mày nhăn nhó y như chiều hôm qua, ngủ lịm đi, một tay đặt lên trán. Mẹ để chân trần. Mười ngón chân đang co quắp lại vì lạnh. Cô có cảm giác những câu chuyện cô chia sẻ với mẹ trong khi đi dạo quanh sân sau bữa cơm tối giản dị đã vỡ vụn. Đó là một buổi sáng sớm tháng Mười một. Cô vào nhà lấy chăn ra đắp ẹ. Cô còn mang theo đôi tất và đi vào đôi bàn chân đã lạnh cóng của mẹ. Cô cứ ngồi bên cạnh mẹ cho đến khi mẹ tỉnh dậy.
Nghĩ cách kiếm thêm tiền ngoài làm ruộng, mẹ mang chiếc khuôn làm mạch nha bằng gỗ vào để trong kho. Mẹ lấy toàn bộ số lúa mì thu hoạch được từ ngoài đồng ra xay nhuyễn, hòa với nước rồi đổ vào khuôn làm mạch nha. Khi mạch nha lên men, cả ngôi nhà sực mùi của thứ đó. Không ai thích cái mùi ấy nhưng mẹ bảo đó là mùi của tiền. Trong làng có một nhà làm đậu phụ, khi mẹ mang mạch nha lên men đến cho họ, họ sẽ bán cho nhà máy bia rồi đưa tiền ẹ. Mẹ cất số tiền đó vào trong một cái bát sứ màu trắng, sau đó chồng sáu bảy cái bát lên trên rồi đặt lên nóc chạn bát. Cái bát sứ ấy trở thành ngân hàng của mẹ. Mẹ cất tất cả số tiền kiếm được vào trong đó. Mỗi lần cô cầm giấy thông báo nộp tiền ở trường về, mẹ lại lấy số tiền dành dụm để trong chiếc bát sứ ra, đếm đếm rồi giúi vào tay cô.
Tầm giữa buổi sáng, khi mở mắt tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm ngủ trên tấm phản trong nhà kho. Mẹ đâu rồi? Mẹ không ở loanh quanh đó, nhưng cô nghe thấy tiếng dao thớt vọng ra từ trong bếp. Cô ngồi dậy đi vào trong bếp. Mẹ cô đang thái củ cải. Cách mẹ cầm con dao trong tay trông rất nguy hiểm, không hề giống cách mẹ thái củ cải để làm món củ cải trộn một cách điệu nghệ mà không cần nhìn xuống. Bàn tay mẹ cầm con dao không chắc chắn, con dao cứ liên tục trượt khỏi củ cải bập xuống mặt thớt. Cứ thế này không chừng mẹ cắt vào ngón tay cái mất. “Mẹ! Đợi đã.” Thấy không ổn, cô vội nắm lấy con dao trong tay mẹ. “Mẹ để con làm cho,” cô nói và đi đến trước cái thớt. Mẹ cô đứng tần ngần một lúc rồi lùi ra xa cái thớt. Con bạch tuột mềm oặt đã chết nằm trong cái rổ sắt đặt ở chậu rửa bát. Trên bếp ga đã đặt sẵn chiếc nồi hấp. Hình như mẹ định lót củ cải dưới đáy nồi để hấp con bạch tuộc. Cô định hỏi sao mẹ không luộc tái con bạch tuộc mà lại hấp, nhưng rồi lại thôi. Mẹ rải những lát củ cải cô đã thái xuống đáy rồi đặt một cái chõ sắt vào trong nồi. Cô cho nguyên cả con bạch tuộc lên chõ rồi đậy nắp vung lại. Xưa nay mẹ toàn chế biến hải sản như thế. Mẹ không thạo về cá mú cho lắm. Mẹ không bao giờ gọi được chính xác tên các loài cá. Với mẹ, cá thu, cá diu đao hay cá bao kiếm đều chỉ là cá mà thôi. Nhưng ngược lại, mẹ rất giỏi phân biệt các loại đậu: đậu tây, đậu nành, đậu trắng, đậu đen. Mỗi khi có cá, mẹ không bao giờ thái mỏng làm gỏi hay nướng hay kho, mà lúc nào cũng ướp với muối để hấp. Thậm chí cả với cá thu hay cá bao kiếm cũng thế, mẹ nêm cá với xì dầu có ớt bột, tỏi và hạt tiêu rồi đặt trên đĩa để hấp trên nồi cơm. Mẹ không giờ động đến món gỏi cá. Nếu thấy ai ăn cá sống, mẹ sẽ nhìn họ với vẻ mặt ghê ghê mà nói, “Họ làm gì kinh thế nhỉ?” Từ năm mười bảy tuổi mẹ đã hấp cá đuối, thế nên với con bạch tuộc mẹ cũng muốn làm như vậy. Chẳng mấy chốc mùi bạch tuộc và củ cải hấp đã lan tỏa cả gian bếp. Nhìn mẹ hấp món bạch tuộc trong bếp, cô lại nghĩ đến con cá đuối.
Người quê cô luôn có món cá đuối trong mâm cơm cúng tổ tiên. Một năm của mẹ cô trôi đi với việc làm cơm cúng tổ tiên một lần vào mùa xuân, hai lần ỗi mùa đông và mùa hạ. Như vậy nếu tính cả Tết và Trung thu, mỗi năm mẹ phải ngồi bên giếng để làm bảy con cá đuối. Những con cá đuối mẹ mua thường to bằng cái vung nồi lớn. Cứ khi nào mẹ cô đi chợ mua cá đuối đỏ về đặt ngoài sân giếng để chuẩn bị mổ, có nghĩa là ngày lễ đã đến. Vào ngày lễ tạ mùa đông, tiết trời lạnh giá đến mức nước vừa đổ vào xoong đã đóng thành băng, công việc lột da cá đuối hết sức vất vả. Bàn tay cô nhỏ bé còn bàn tay mẹ thô kệch do lao động vất vả. Khi mẹ đưa đôi bàn tay đỏ tấy lên vì lạnh lướt dao trên lớp da con cá đuối, cô sẽ dùng những ngón tay nhỏ bé của mình kéo miếng da ra. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu hai mẹ con bóc được lớp da liền một tấm, nhưng lúc nào họ cũng phải bóc thành nhiều mảnh. Mẹ sẽ lia dao một lần nữa lên mình con cá và toàn bộ quá trình trên lặp lại. Hình ảnh cô và mẹ phủ bọc trong một lớp băng mỏng ngồi ngoài sân giếng lột da cá đuối là hình ảnh đặc trưng trong mùa đông của nhà cô. Công việc lột da cá đuối diễn ra hằng năm cứ như bộ phim được chiếu đi chiếu lại. Mùa đông năm nọ, mẹ nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay đã lạnh cóng của cô khi cô ngồi đối diện với mẹ mà nói, “Không lột da thì đã làm sao chứ,” rồi mẹ thôi không lột da con cá đuối nữa mà dùng dao chặt khúc con cá. Đó là lần đầu tiên trong mâm cơm ngày lễ thấy có món cá đuối còn để nguyên cả da. Bố cô hỏi, “Con cá đuối này làm sao vậy?” Mẹ cô đáp, “Vẫn là con cá đuối thôi, chỉ có điều không lột da.” Bà bác càu nhàu tỏ vẻ không hài lòng, “Bữa cơm cúng thì phải làm cho chu đáo chứ.” “Vậy bác đi mà làm,” mẹ đốp trả ngay. Năm đó, cứ có điều gì không hay xảy ra, mọi người lại lôi chuyện con cá đuối không lột da ra. Khi thấy cây hồng trước sân không ra quả, khi anh trai cô chơi khăng bị con khăng đập vào mắt, khi bố cô phải nằm viện, rồi ngay cả khi có người họ hàng đánh nhau, bà bác đều đay nghiến rằng đó là do mẹ không lột da con cá đuối, không thành tâm khi làm cơm cúng tổ tiên.
Mẹ đặt con bạch tuộc đã hấp chín lên thớt rồi cố thái. Nhưng con dao cứ trượt đi y như khi mẹ thái củ cải. Cô lại cầm lấy con dao và bảo mẹ để cô làm cho. Cô thái con bạch tuộc nóng hổi thơm mùi củ cải rồi lấy một miếng chấm vào bát giấm ớt đưa ẹ. Dạo xưa trước mỗi bữa ăn mẹ luôn làm thế với cô. Những lúc như vậy cô thường chìa đũa ra gắp miếng thức ăn từ tay mẹ, nhưng mẹ cô bảo, “Dùng đũa gắp thì thức ăn sẽ mất ngon đấy, cứ há miệng ra mẹ đút cho.” Mẹ đưa đũa ra gắp lấy miếng bạch tuộc từ tay cô. Cô nói với mẹ, “Nếu ăn như vậy thức ăn sẽ mất ngon, mẹ cứ há miệng ra con đút cho.” Cô nhẹ nhàng đút miếng bạch tuộc vào cái miệng đang há to của mẹ. Cô cũng bốc một miếng bỏ vào miệng mình. Miếng bạch tuộc hấp vẫn đang còn nóng hổi, chín mềm và thơm phức. Cô nghĩ bụng bữa sáng chỉ ăn mỗi bạch tuộc sao? Nhưng rồi cả hai mẹ con tiếp tục đứng trong bếp bốc bạch tuộc trên thớt ăn vã. Vừa nhai miếng bạch tuộc cô vừa nhìn bàn tay mẹ khi mẹ cố cầm một miếng bạch tuộc lên nhưng cứ làm rơi. Cô cầm miếng khác lên đút ẹ. Sau đó mẹ thôi không tự bốc ăn nữa mà chờ đợi cô đút cho. Hình như bàn tay mẹ không thể tự điều khiển được nữa. “Omoni,” cô vừa nhai vừa gọi mẹ. Đây là lần đầu tiên cô gọi mẹ là Omoni thay vì Omma. “Hôm nay mẹ lên Seoul với con nhé!” cô nói. Nhưng mẹ lại rủ cô đi leo núi.
“Núi ư?”
“Ừ, núi.”
“Nhưng ở đây đâu có đường mòn để leo?”
“Mẹ đã tìm thấy một con đường rồi.”
“Lên Seoul rồi con đưa mẹ đi khám.”
“Để sau cũng được.”
“Để sau là đến khi nào?”
“Đợi cháu của con thi cử xong đã.” Mẹ đang nhắc đến con gái của anh Hyong-chol.
“Không cần anh ấy, con đưa mẹ đến bệnh viện khám cũng được.”
“Không sao đâu, mẹ vẫn khỏe mà. Mẹ đang đi khám ở chỗ bác sĩ Đông y và cũng đang áp dụng vật lý trị liệu.”
Cô không thể thuyết phục được mẹ. Mẹ cứ một mực nói để sau này sẽ đi. Mẹ nhìn cô chằm chằm và hỏi, “Đất nước nào nhỏ nhất trên thế giới?”
“Đất nước nhỏ bé nhất ư?” Lần này đến lượt cô nhìn mẹ chằm chằm vì quá đỗi ngạc nhiên, không hiểu vì sao tự nhiên sao mẹ lại hỏi thế. Cô nghĩ mãi về câu hỏi của mẹ, “Đất nước nào nhỏ nhất trên thế giới?”
Rồi mẹ lại lơ đễnh hỏi tiếp, “Khi nào con đến đất nước ấy nhớ mua ẹ một chuỗi tràng hạt hoa hồng nhé!”
“Chuỗi tràng hạt hoa hồng ấy ạ?”
“Là chuỗi tràng hạt được làm từ gỗ hồng mộc ấy.” Mẹ nhìn cô với ánh mắt thẫn thờ.
“Mẹ cần chuỗi tràng hạt à?”
“Không, mẹ chỉ muốn có chuỗi tràng hạt của đất nước đó.” Mẹ ngừng nói và thở dài. “Nếu có khi nào con đến đất nước đó, nhớ mua ẹ một chuỗi.”
Cô không nói gì.
“Vì con có thể đi đến mọi nơi mà.”
Câu chuyện với mẹ kết thúc ở đó. Khi ở trong bếp mẹ không nói thêm một lời nào nữa. Sau khi ăn sáng với món bạch tuộc hấp, cô cùng mẹ ra khỏi nhà. Hai mẹ con băng qua mấy thửa ruộng trên sườn đồi vòng quanh phía sau lưng ngôi làng và bước lên con đường mòn. Mặc dù mọi người không đi con đường đó, nó vẫn rất quang đãng. Những lớp lá sồi rụng đầy trên mặt đất êm như nhung dưới chân hai mẹ con. Đôi khi đang đi, những cành cây rủ xuống lòa xòa quệt cả vào mặt. Mẹ đi trước dùng tay gạt những cành cây thấp để lấy lối cho cô. Khi cô đi qua, mẹ lại nhẹ nhàng bỏ cành cây ra. Một con chim giật mình bay vụt ra khỏi lùm cây.
“Mẹ thường đến đây à?”
“Ừ.”
“Mẹ có đi cùng ai không?”
“Không có ai cả. Lấy đâu ra người đi cùng với mẹ chứ.”
Mẹ đi một mình trên con đường này sao? Thêm một lần nữa, thực sự cô không thể nói là cô hiểu mẹ. Con đường quá tối tăm hẻo lánh cho bất kỳ ai đi một mình. Một số chỗ tre pheo ken dày đến mức bầu trời như thể biến mất tiêu.
“Sao mẹ lại đi một mình trên con đường này?”
“Mẹ đến đây một lần sau khi bác con mất rồi từ đó thành thử hay quay lại.”
Đi được một lát, mẹ dừng bước trên một ngọn đồi. Khi bước đến bên cạnh và nhìn theo hướng mẹ đang nhìn, cô reo lên, “A, thì ra là con đường này.” Hóa ra là con đường mà cô đã quên từ lâu. Đó là con đường tắt sang nhà bà ngoại mà hồi nhỏ cô vẫn thường đi. Ngay cả khi đã có một con đường lớn chạy ngang qua làng, mọi người vẫn hay đi lại trên con đường núi này. Một lần nhà bà ngoại cô cúng đơm, cô buộc một con gà vào sợi dây thừng rồi dắt sang nhà bà trên con đường này. Cô để tuột dây làm sổng mất con gà rồi phải tìm dáo dác khắp nơi mà cuối cùng chẳng thấy. Con gà ấy đã chạy đi đâu nhỉ? Con đường mòn đã thay đổi đến thế này sao? Trước đây có nhắm mắt cô cũng đi được trên con đường này, thế mà bây giờ nếu không có ngọn đồi chắc cô đã không thể nhận ra nó. Mẹ cô đứng trên đó, dõi mắt nhìn về phía nhà bà ngoại ngày xưa. Không còn ai sống ở đó nữa. Tất cả mọi người trong ngôi làng vốn phải đếm được năm mươi nóc nhà ấy giờ đã chuyển đi hết. Dù làng còn sót lại vài ngôi nhà trống chưa bị phá nhưng không hề có dấu hiệu của sự sống. Thế là mẹ đã đến đây một mình để nhìn xuống ngôi làng chôn nhau cắt rốn giờ đã bị bỏ hoang sao? Cô vòng tay ôm ngang người mẹ và lại đề nghị mẹ lên Seoul cùng cô. Mẹ không trả lời cô mà lại nhắc đến chuyện con chó. Từ lúc để ý thấy con chó không ở trong chuồng cô rất băn khoăn nhưng chưa có cơ hội để hỏi.
Mùa hè năm trước, khi về thăm nhà cô đã thấy một con chó đang được xích bên cạnh nhà kho. Trời nắng chang chang và sợi dây xích ngắn đến mức dường như con chó có thể chết toi bất cứ lúc nào. Cô bảo mẹ tháo sợi dây xích cho con chó nhưng mẹ nói nếu tháo ra thì mọi người sẽ sợ mà không dám qua chơi. Cô bực bội nghĩ làm sao mẹ có thể xích con chó như thế được chứ, nhất là khi lại ở nông thôn... Vì con chó mà vừa về đến nhà chưa kịp chào hỏi gì cô đã cãi nhau với mẹ. Cô bảo mẹ đừng xích con chó, cứ để cho nó đi lại tự do. Còn mẹ thì khăng khăng rằng chẳng có ai, kể cả ở nông thôn, nuôi chó mà thả rông cả, nhà nào cũng xích, nếu không nó sẽ chạy mất. Cô vặn lại, “Nếu vậy phải làm cái dây xích dài hơn chứ, nếu cứ xích sát cổ nó vậy, trời nóng thế này nó sống làm sao được? Vì nó chỉ là con vật không biết nói nên mẹ đối xử với nó như vậy à?” Mẹ bảo trong nhà chỉ có mỗi sợi dây xích ấy thôi. Đó là sợi dây xích mẹ đã từng xích con chó trước. “Thế thì mẹ phải mua một sợi chứ!” Thế là mặc dù đã lâu lắm rồi mới về quê, cô không bước vào nhà mà quay xe vào thị trấn tìm mua một sợi dây xích thật dài để con chó có thể chạy loanh quanh trong sân sau. Mua dây xích về, cô lại thấy cái chuồng chó quá bé. Cô lại quay ra, nói với mẹ là cô sẽ đi mua một chiếc chuồng to hơn. Mẹ cô ngăn lại bảo ở làng bên có ông thợ mộc, mẹ sẽ nhờ ông ấy đóng ột chiếc chuồng khác. Mẹ cô không bao giờ có thể nghĩ đến việc phải bỏ tiền ra mua chuồng ột con vật nuôi. Mẹ nói, “Nhà mình có đầy ván gỗ, chỉ cần khéo đóng là có chuồng ngay, sao con lại phải bỏ tiền cho thứ đó chứ? Cứ như thể con có tiền rơi tiền vãi ấy.” Trước khi trở lại thành phố, cô đưa ẹ hai tờ ngân phiếu mười nghìn uôn và bắt mẹ hứa sẽ đóng một cái chuồng chó to hơn. Mẹ cô cầm lấy tiền và hứa sẽ làm như thế. Sau khi lên Seoul, cô mấy lần gọi điện hỏi mẹ đã đóng cái chuồng chó mới chưa. Lần nào mẹ cũng nói dối là mẹ đang định làm, nhất định sẽ làm. Đến lần thứ tư gọi điện và vẫn nhận được câu trả lời như vậy, cô nổi khùng lên.
“Chẳng phải con đã đưa tiền ẹ rồi à. Người nhà quê thật khó chịu. Con chó không đáng thương hay sao? Làm sao nó sống được trong cái chuồng chật hẹp như vậy, nhất là khi trời nắng nóng thế này? Phân đầy trong chuồng làm nó giẫm hết cả lên mà mẹ cũng không buồn dọn. Làm sao một con chó to như thế sống được trong cái chuồng nhỏ như vậy? Không làm chuồng mới thì mẹ thả nó ra ngoài sân đi! Con chó không đáng thương hay sao?”
Đầu dây bên kia hoàn toàn im lặng. Cô bắt đầu cảm thấy ân hận vì đã nói câu, “Người nhà quê thật khó chịu.”
Một lúc sau, giọng nói đầy tức giận của mẹ vang lên trong điện thoại. “Cô chỉ quan tâm đến con chó chứ quan tâm gì đến mẹ cô! Cô nghĩ mẹ cô là kiểu người đối xử tệ với con chó thế à? Cô không cần dạy tôi phải làm gì. Tôi nuôi nó theo cách của tôi!” Nói xong mẹ cô dập điện thoại trước.