Hồ Sơ Bí Ẩn

“Là một dị không gian.” Tiếng nói của Diệp Thanh trả lời câu hỏi của Lưu Miểu.

Diệp Thanh đã tháo bớt một vài thiết bị nặng trên đồ lặn ra, rồi từng bước tiến về phía hòn đảo.

Trên đảo loáng thoáng xuất hiện vài bóng người.

Lưu Miểu vội vàng bám sát theo.

Trên màn hình chao đảo vang lên tiếng trao đổi của hai người họ.

“Dị không gian… là kiểu như trong phim khoa học viễn tưởng ấy hả? Thế giới song song?”

“Ở đây chỉ là một dị không gian mô hình nhỏ. Giống như xây thêm bên ngoài căn nhà sẵn có một cái sân thượng, rồi di chuyển hết đồ đạc trong nhà lên sân thượng đó. Thời gian ở đây chắc là đã dừng lại. Nhưng xem ra vẫn chưa đủ ổn định, vẫn còn liên thông với thế giới bên ngoài. Nếu một ngày nào đó, chỗ này độc lập hoàn toàn, thời gian sẽ bắt đầu trôi…” Diệp Thanh vẫn chưa nói hết câu thì những bóng người trên đảo đã trở nên rõ ràng, hiện ra trước ống kính.

Quần áo mà những người đó đang mặc không khác với người hiện đại bao nhiêu. Nhưng cũng không khớp lắm với thời điểm mà hòn đảo bị nhấn chìm như lời ông lão kia kể.

“Các người là ai?” Người đàn ông dẫn đầu đi đến hỏi, ông ta mặc quần áo mùa hè, áo sơ mi ngắn tay và quần dài rộng thùng thình, nhìn vào cũng tương tự như cách ăn mặc của Cổ Mạch xuất hiện trong video trước, nhưng có vẻ như chất lượng quần áo không được tốt, hơn nữa cũng đã khá phai màu do giặt nhiều lần.

Ông ta nói giọng vùng Bắc Đô, cũng được coi là khá tiêu chuẩn, nên mặt giao lưu không có vấn đề gì.

“Chúng tôi đến để tìm người. Chỗ của các ông… phải chăng đã có một con ma chạy ra ngoài?” Diệp Thanh hỏi.

Ống kính quét qua một vòng.

Tuổi tác mấy người đàn ông đó chênh lệch nhau không nhiều, khoảng ba mươi đến năm mươi tuổi, nhìn vào thì già hơn so với tuổi thật. Vẻ mặt họ lúc này cũng đều tương tự nhau, có kinh ngạc và hoang mang.

Chợt có một người từ trong tòa kiến trúc trên đảo chạy ra, hô hoán mấy tiếng bằng giọng địa phương, khiến người ta nghe không hiểu.

Người dẫn đầu quay qua nhìn, rồi quay trở lại ống kính nói: “Ông từ* mời các vị vào trong.”

*Người trông coi miếu thờ.

Diệp Thanh và Lưu Miểu lập tức đi theo những người đó.

Trên đảo không có ruộng vườn, ngoại trừ mấy gian nhà nhỏ, thì chỉ có một ngôi miếu thờ là kiến trúc kiên cố nhất. Ngôi miếu chiếm một diện tích rất lớn, tường bao đã chiếm hết một nửa diện tích hòn đảo. Có điều, bức tường này đều đã đổ nát, hình như từng bị ai đó phá hoại, nhưng cũng giống như do trải qua thiên tai.

Hình dáng của ngôi miếu rất đồ sộ, nhưng khi đến gần mới nhận ra, nó cũng đổ nát hệt như bức tường bao quanh. Nhà cửa đã sụp đổ quá nửa, chỉ còn lưu lại chút hình dáng ban sơ, bên trong là một đống lộn xộn, toàn là gạch vụn ngói vỡ còn sót lại. Trên con đường lát đá đã nứt toác, đâu đâu cũng thấy cây cối ngã đổ. Đây là một khung cảnh vô cùng điêu tàn.

Cùng với việc ống kính đã di chuyển vào bên trong miếu, màn hình hình như cũng được phủ lên một lớp bóng râm.

Đây không phải là âm khí của ma, cũng không giống hơi thở của sự nguyền rủa. Bóng râm như vậy chỉ giống như trên ống kính bị phủ một lớp bụi và chỉ đơn thuần là bụi, chứ không liên quan gì đến hiện tượng quái dị.

Một bàn tay lau ống kính, nhưng lớp bụi trên ấy không thể lau sạch được.

Lưu Miểu đã bỏ cuộc, không lau nữa.

Có người đi vào bên trong miếu, khiến cho nền gạch bị giẫm lên phát ra âm thanh xột xoạt.

Người dẫn đường đưa Diệp Thanh và Lưu Miểu vào thẳng chính điện của ngôi miếu.

Thông thường, vị trí này là Đại Hùng bảo điện của các ngôi chùa Phật giáo. Còn ở những ngôi đền miếu, đạo quán khác thì cũng sẽ thờ vị thần linh tối cao nhất của mình ở chỗ này.

Trên mái chính điện có mở cửa sổ trên mái, ánh sáng thông qua ô cửa đó lọt vào trong chính điện, soi thẳng lên một pho tượng nằm ở trung tâm.

Vai của pho tượng cực kì rộng, hình thể toàn pho tượng cũng rất lớn, cao tầm mười mét.

Nhưng pho tượng này lại không có đầu. Trên vùng cổ to bè chỉ còn lại một vết đứt gãy nham nhở.

Bộ phận từ vùng cổ nối dài ra, chắc là cánh tay. Từ đây có thể đoán ra, pho tượng này đã khắc họa một vị thần có ba đầu sáu tay. Hiện tại, ba cái đầu đã không còn, trong sáu cánh tay cũng bị mất hết bốn cánh. Hai cánh tay còn sót lại là hai bộ móng vuốt có hình thù khác nhau, tuy đều là móng của loài chim, nhưng nếu nhìn kĩ vẫn có thể nhận ra khá nhiều sự khác biệt, ít nhất là chúng không cùng một loài chim.

Ống kính chuyển lên cao, rồi từ từ hạ xuống, nhắm thẳng vào pho tượng.

Hình thể của pho tượng căn bản là của người, vùng ngực rất dày đã bị khoét một lỗ hổng lớn, có thể nhìn thấy bức vách bị rách toạc bên cạnh pho tượng. Nhưng phần thân dưới của pho tượng không phải của người, mà là một chiếc bục do nhiều khối hình vảy cá có sáu cạnh ghép lại với nhau. Chiếc bục này cũng bị khuyết thiếu, vùng mép đã bị vỡ nát, mất hết một vòng ngoài cùng.

“Xem ra, Thần Tam Tổ trong truyền thuyết đã từng trải qua một biến đổi rất triệt để.” Diệp Thanh ngẩng đầu lên nhìn pho tượng, đột nhiên lên tiếng sau khi cúi đầu xuống.

“Sếp…” Lưu Miểu gọi một tiếng, ống kính lắc lư, nhắm về phía những người người xung quanh.

Khuôn mặt những người đó hoàn toàn không có biểu cảm, chỉ có điều thân thể nhấp nhổm bất an. Giống như đang quan sát Diệp Thanh, nhưng cũng giống như đang nhìn cái khác.

“Bốn thần thú theo quan niệm truyền thống là Long - Lân - Quy - Phụng. Thần Tam Tổ chỉ khuyết mỗi Kỳ Lân. Bản thân nó cũng đã rất hiếm thấy. Pho tượng này, ba đầu sáu tay, ba đầu chắc là Long - Lân - Phụng, còn phần thân dưới mới chính là Quy.” Diệp Thanh tiếp.

Có người vòng từ đằng sau pho tượng đi ra.

Người này ăn mặc khác hẳn những người kia, áo dài kiểu cổ đại, nhìn giống các hòa thượng trong phim. Có điều, ông ta có búi tóc, để râu và lông mày dài. Bộ dạng này lại giống đạo sĩ hơn.

Người đó lên tiếng nói chuyện bằng giọng phổ thông, nhưng khẩu âm không giống với người đàn ông lúc này, rất kì lạ.

“Cậu nói không sai. Thần Tam Tổ, ban đầu có tên là Thần Tứ Tổ. Tương truyền, thuở xa xưa, bốn bộ lạc thống trị ở phương Bắc đã hợp lại thành một thị tộc lớn. Biểu tượng của bốn bộ lạc hợp nhau lại thành Thần Tứ Tổ. Bốn bộ lạc này đã liên minh với nhau để chống lại thị tộc đến từ phương Nam. Cũng có truyền thuyết bảo rằng, vốn dĩ bốn bộ lạc này từ phương Nam di cư đến, phản bội bốn bộ tộc đứng đầu đương thời. Chiến loạn thời đó không được ghi chép, mà chỉ còn lại vài truyền thuyết. Sau khi bốn bộ tộc đó bị tiêu diệt, truyền thuyết còn lưu lại cũng không có bao nhiêu.” Giọng nói già nua chậm rãi vang lên.

Ống kính di chuyển qua, nhắm thẳng vào nhân vật cổ quái này.

Diệp Thanh cũng đang quay lại, đối diện với ông ta.

“Kỳ Lân đâu?” Diệp Thanh hỏi.

“Chết rồi.” Người đó lắc đầu: “Cũng có truyền thuyết kể rằng, bốn thần thú có thật. Bốn bộ lạc đó đã thờ phụng bốn thần thú. Duy chỉ có thủ lĩnh của bộ lạc thờ Kỳ Lân gan to bằng trời, đã lập kế giết chết thần thú. Ông ta đã uống máu, ăn thịt Kỳ Lân; dùng da và vảy Kỳ Lân làm thành áo giáp; dùng xương, răng và gân của Kỳ Lân làm rìu chiến, cung tên; đánh bại ba bộ lạc kia. Vừa đánh bại ba bộ lạc kia xong thì ông ta chết, chưa thể giết được ba con thần thú còn lại. Và chúng đã biến thành nguyên hình của Thần Tam Tổ.”

Người đó vẫy tay, ra hiệu cho Diệp Thanh và Lưu Miểu đi theo.

Ông ta đưa họ đến một bức tường đổ ở bên cạnh, chùi lớp bụi bám trên tường.

Cũng giống như Lưu Miểu khi nãy, chùi như vậy chẳng có tác dụng gì.

Nhưng sau khi đến gần, ống kính vẫn có thể ghi được hình ảnh của một bức tranh đã phai màu trên vách.

Có người xếp hàng, cũng có người đang cầm vũ khí.

Tôi không am hiểu về mảng tri thức khảo cổ, nhưng theo hiểu biết thông thường thì bức tranh như vậy, chí ít cũng phải xuất hiện sau nền văn minh công nghiệp. Rõ ràng, đây không phải là người tiền sử trong các bức tranh cổ đại. Quần áo của họ đều là chế phục thống nhất của quân đội, có vài người mặt được vẽ rất rõ, áo giáp và vũ khí đều được vẽ rất chi tiết. Đây phải là một tác phẩm nghệ thuật do một người họa sĩ có tay nghề cực cao vẽ ra.

Đến đoạn cuối cùng, trên bức vẽ mờ mờ là hình một pho tượng ba đầu sáu tay, nửa thân trên là người, nữa thân dưới là rùa. Trong ba cái đầu thì có một cái là đầu người, hai cái còn lại là đầu rồng và đầu phượng. Những màu sắc còn lưu giữ lại trên tranh cũng đa dạng, đỏ, xanh lam, xanh lục, xanh lá cây, vàng… Dù đã bị mờ, nhưng cũng đủ khiến cho người ta tưởng tượng ra được nét đẹp ban sơ của nó.

“Bức tranh tường này đã có mấy trăm năm lịch sử rồi đấy. Người trong thôn đã mời chuyên gia, mất một khoản tiền rất lớn, mỗi năm cũng phải tốn rất nhiều tiền để bảo trì nó. Cái miếu này là tài sản của tổ tiên. Mấy thôn cùng nhau coi giữ nó từ xa xưa. Tốn kém lắm, cả thôn gần như bị cái miếu này moi sạch tiền. Tôi vốn không tin mấy chuyện này. Cả thôn chẳng được mấy người đi học, nhưng đều có thể kể về lịch sử của Thần Tam Tổ vanh vách làu làu… Ông cố của tôi từng là ông từ giữ miếu. Tôi còn nhớ, trong cơn mê man trước khi mất, ông ấy đã nói với tôi, bức họa này, cả lịch sử nữa, đều được những nhà nho mời từ kinh thành viết ra, rồi dạy lại cho người giữ miếu, đời đời truyền nhau…” Người đó rút trong ngực áo ra một chiếc vảy: “Cho đến khi tôi đào được cái thứ này.”

Chiếc vảy rất lớn, to bằng bàn tay của một người trưởng thành, bên trên còn có hoa văn tròn tròn, hình như còn có phản quang nữa.

“Đây là gì?” Giọng Lưu Miểu đầy kinh ngạc: “Lẽ nào ông định nói… đây là… vảy Kỳ Lân?”

“Chứ còn có thể là gì?” Giọng người kia rất bình tĩnh.

Diệp Thanh cầm lấy chiếc vảy.

Thoáng chốc, linh hồn tôi giống như bị một sức mạnh cực lớn đánh văng ra khỏi thân thể.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui