Hộ Thiên Thần Giáo

Một buổi trưa an lành. Ánh nắng vàng rọi xuyên những nhành cây kẽ lá, chiếu sáng chan hòa trên ngôi làng Mã Điền nằm khuất biệt lập sau dãy Ngũ Hành Sơn. Tại đây, có một nông trại rộng lớn cùng rất nhiều người đang tụ tập đông đúc, đầy nô nức và rộn ràng. Vì ngày hôm nay, cô ngựa cái Hồng Hồng đang chuẩn bị sinh đứa con đầu tiên. Đặc biệt, cha của con vật sắp chào đời lại là một chú lừa đực, hứa hẹn sẽ cho ra đời một giống loài mới có ích và phục vụ công việc với năng suất cao hơn trong thời gian tới.

Người tiến hành thử nghiệm việc lai ghép chưa từng có tiền lệ này, không ai khác chính là Sỹ Phú, vị trưởng làng trẻ tuổi, rất mực tài giỏi và tháo vát. Tuy có thân hình to cao vạm vỡ cùng hai cánh tay chắc khỏe mạnh mẽ, nhưng cái cách cậu ta vuốt ve vỗ về cô ngựa Hồng Hồng thì lại hết sức dịu dàng tình cảm. Nó thở nhẹ từng hơi đều đặn, nhìn chủ nhân của mình, ánh mắt hiền hòa và tràn đầy sự tin tưởng. Đoạn, Sỹ Phú quay sang nói với những người đang có mặt:

- Hồng Hồng chuẩn bị sinh. Bà con có thể đứng xem, nhưng xin giữ trật tự tuyệt đối, tránh làm nó hoảng sợ.

Lời nói vừa dứt, không gian xung quanh bỗng chốc yên ắng hơn hẳn, chỉ còn tiếng ngựa đau đẻ rên rỉ liên hồi. Dân làng hồi hộp dõi theo từng động tác của chàng trưởng làng, cũng như lắng nghe từng nhịp thở, từng cơn quặn khó nhọc của Hồng Hồng. Sau khi xé toang túi nước ối từ nơi cửa mình cô ngựa cái, có thể thấy rõ hai cẳng chân khẳng khiu của con vật bé nhỏ đang dần dần thò ra.

- Ra rồi, ra rồi kìa - Dân làng khẽ thốt lên.

Sỹ Phú nắm lấy cặp chân nhỏ ấy, dùng sức lôi thật mạnh theo một nhịp đều đặn. Chẳng mấy chốc, cả thân hình con vật trôi tuột cả ra bên ngoài. Tới lúc này những người có mặt mới thở phào, mừng rỡ cũng nhau reo hò rất hân hoan. Một ông lão tiến đến hỏi.

- Trưởng làng, mọi thứ ổn chứ?

Sỹ Phú đáp:

- Thưa cụ, hiện con non rất khỏe mạnh. Nhưng phải theo dõi vài hôm nữa mới biết chắc được.

Ông lão lại hỏi:

- Nếu theo đúng lời trưởng làng đã nói, loài vật này sẽ mạnh mẽ và thông minh hơn lừa, lại linh hoạt và nhanh nhẹn hơn ngựa, có phải vậy không ạ?

- Vâng, thưa cụ. Cháu từng theo dõi giống ngựa lai này trong môi trường sống tự nhiên. Nó có những phẩm chất vượt trội so với lừa và ngựa thông thường, nhưng cực kỳ hiếm gặp. Quá trình lai tạo này do lần đầu thực hiện nên có chút khó khăn. Nếu thành công thì có thể rút kinh nghiệm cho những lần sau dễ dàng hơn.

Một nữ cao niên trông có vẻ tri thức, vỗ vai Sỹ Phú tán thưởng:

- Khoan nói vấn đề lai giống, chỉ riêng cái việc thụ thai cho ngựa bằng phương pháp nhân tạo mà không cần ép giao phối, đã là một sáng kiến quá hay rồi. Trước giờ nông dân chúng ta cứ nghĩ theo lối mòn, chẳng thu được kết quả là bao. Nay có trưởng làng Sỹ Phú đúng là khác hẳn.

- Với trưởng làng Sỹ Phú thì có gì mà không làm được đúng không bà con? - Một vị trung niên cũng lên tiếng khen ngợi.

Đám đông nghe vậy đều hết sức tán thành, họ đồng thanh cất lên những lời tán tụng không ngớt dành cho chàng trai trẻ.

Mọi người còn đang nói cười huyên náo thì bên ngoài có vài người phụ nữ hớn hở chạy vào tri hô:

- Bà con ơi, trưởng làng Hải Nam và các trai tráng đã về rồi.

Một dân làng ngạc nhiên hỏi:

- Việc đó, họ đã làm được việc đó rồi sao?

Đám người kia đáp:

- Phải, phải, họ đã chiến thắng trở về rồi, mau ra xem.

- Đi nào - Một giọng nói trầm tĩnh cất lên, chính là Sỹ Phú.

Cậu ta nhấc xô nước lớn, xối rửa tấm thân trần thấm đẫm mồ hôi rồi khoác hờ chiếc áo sờn, rảo bước đi trước thật nhanh không chờ đợi ai cả. Tuy vậy, mọi người đều rất hào hứng chào đón đoàn người vừa trở về kia nên chẳng mấy chốc đã theo sát kịp phía sau.

Ra đến cổng làng, ai ai cũng bàng hoàng xen lẫn hoan hỉ khi nhìn thấy năm sáu trai tráng đang hò nhau nài đàn ngựa, kéo theo một chiếc xe thồ chở xác của một con hổ to lớn dị thường trên đó. Đi hàng tiên phong là một chàng thanh niên trẻ tuổi, gương mặt vô cùng tuấn tú với cặp chân mày rậm và đôi mắt tinh anh sáng ngời; thân hình tuy hơi thấp bé nhưng thần thái và dáng dấp lại lộ rõ nét khí chất oai phong lẫm liệt, uy dũng hơn người. Y bước đến trước mặt Sỹ Phú, vẻ mặt hồn nhiên cười hỏi:

- Mọi việc vẫn ổn chứ? Hồng Hồng của anh sao rồi?

- Nó vừa sanh xong - Sỹ Phú đáp - Còn em? Mọi việc thuận lợi chứ?

- Như anh thấy - Hải Nam nói - Bọn em đã xử lý xong con hổ tinh kia rồi. Từ nay bà con đã có thể an tâm đi rừng mà không phải sợ hãi gì nữa.

- Làng ta thật may mắn khi có hai vị trưởng làng, vừa trẻ tuổi vừa tài giỏi như vậy - Một dân làng hân hoan cất lời.

- Phải phải - Một người khác nói - Từ ngày cậu Sỹ Phú và cậu Hải Nam xuất hiện, làng ta càng ngày càng ấm no và an lành...

Một người đàn ông góp lời:

- n tình lớn lao của hai vị chúng tôi chẳng thể nào đếm xuể, không biết phải đền đáp làm sao cho đủ.

Cả đám đông ai nấy cũng đều đồng thanh tán thành:

- Phải, phải đấy!

Những lời ca tụng mỗi lúc một rầm rộ, không khí khắp nơi mừng vui và rộn ràng đến khôn tả.

Hải Nam giơ cánh tay kêu gọi sự chú ý, dõng dạc lên tiếng nói:

- Cám ơn bà con đã thương yêu. Cháu và anh Sỹ Phú lưu lạc đến nơi này, không chỗ nương tựa, không người thân thích. Chính bà con là cha mẹ, ông bà, anh em, là gia đình của chúng cháu. Chút việc nhỏ này cũng chỉ là chuyện thường tình nên làm thôi. Xin mọi người đừng khách khí.

Giữa đám đông chợt có một dân làng lớn giọng lên tiếng đề nghị:

- Nói nhiều lại thành nói dở. Chi bằng hai đêm nữa là đêm trăng non đầu mùa, làng ta hãy mở tiệc hội ăn mừng trưởng làng Hải Nam chiến đại hổ thắng lợi trở về, ăn mừng cả việc trưởng làng Sỹ Phú lai tạo thành công giống gia súc mới nữa. Bà con cô bác thấy thế nào?

Hải Nam mặt mày tươi roi rói, lập tức quay sang nhìn Sỹ Phú, ánh mắt ra vẻ háo hức dò hỏi. Thấy Sỹ Phú khẽ gật đầu, y liền lớn giọng:

- Canh hai đêm trăng non, không say không về.

Tất cả mọi người nghe vậy thì như mở cờ trong bụng, hân hoan hò reo, tung hô vang trời.

Lúc này, Sỹ Phú mới ghé sát tai Hải Nam, khẽ hỏi:

- Em ổn chứ?

- Ý anh là sao? - Hải Nam thắc mắc

- Em đi đánh hổ tinh, có bị thương ở đâu không? - Sỹ Phú hỏi lại.

Hải Nam mặt hếch lên trời, cao ngạo đáp:

- Không hề! Anh nói xem, súc sinh đó làm gì bản lĩnh làm khó bổn đại gia đây.

Sỹ Phú nghe thế cũng yên tâm, nhướng mày đáp:

- Ừ.

Hải Nam vỗ vỗ khuôn ngực trần của Sỹ Phú, vui vẻ nói:

- Thôi, một lát sẽ kể anh nghe sau, mau dẫn em đi xem Hồng Hồng trước đã, đi nhanh nào.

- Ừ!

- Mà nè - Hải Nam ghét sát vào tai Sỹ Phú, tinh nghịch thì thầm - Người anh bốc mùi như ngựa chết vậy.

- Thế thì em đi xa ra anh một chút - Sỹ Phú bình thản đáp.

Hải Nam ngoác miệng cười khoái chí. Đoạn, y choàng tay ôm lấy vai Sỹ Phú, cùng cất bước quay trở về nông trại. Dân làng, tốp thì theo sau hai chàng trai, tốp thì tụ quanh xác con hổ tinh, không ngừng săm soi bàn tán rộn ràng. Từ trong đám đông, có một đứa trẻ đang mãi nhìn ngắm theo bóng dáng họ với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ. Nó nói với người phụ nữ đang bồng nó trên tay:

- Mẹ ơi, con muốn lớn lên mình cũng sẽ anh hùng giống như chú Sỹ Phú và chú Hải Nam vậy đó. Trông họ thật ngầu mẹ ạ.

- Vậy thì bé con của mẹ phải ăn thật ngoan, lớn thật mau mới được nè. - Người phụ nữ đáp.

- Nhưng mà mẹ này, khi nãy chú Hải Nam nói chú ấy lưu lạc đến nơi này, thế lưu lạc nghĩa là sao vậy hả mẹ?

- Nghĩa là hai chú không được sinh ra ở làng mình mà từ một nơi rất xa đến đây con à - Người mẹ đáp.

- Vậy nhà hai chú ấy ở đâu hả mẹ? Cha mẹ hai chú là ai ạ? - Đứa trẻ hỏi

- Chính họ còn không biết thì mẹ làm sao biết được hả con - Người mẹ đáp

- Ơ, vây là sao con không hiểu ạ? Mẹ cho con biết với mẹ, được không mẹ? - Đứa trẻ hiếu kỳ thúc giục

- Ừ, được chứ - Người phụ nữ mỉm cười, hôn lên má đứa con bé bỏng của mình.

Câu chuyện về những ngày đầu tiên Sỹ Phú và Hải Nam xuất hiện tại làng Mã Điền, từng chút một bắt đầu tái hiện qua lời kể của cô.

Sau trận mưa lớn trong một mùa lũ hơn ba năm trước, nơi bờ sông Phú Giang trôi dạt vào hai chàng thanh niên trẻ tuổi lạ mặt. Không ai biết làm cách nào họ có thể toàn mạng giữa dòng nước cuốn ác liệt như vậy. Tuy nhiên, cứu người quan trọng, dân làng Mã Điền đôn hậu đã chẳng nghĩ ngợi nhiều mà quyết định mang họ đến nhà lão Thành trưởng làng để chăm sóc. Mất gần năm ngày nằm mê man nóng sốt, hai chàng trai mới dần bình phục và từ từ thức tỉnh.

- Hai cậu thấy sao rồi? - Lão Thành trưởng làng ngồi xuống bên giường, ân cần hỏi

- Đây là đâu - Người thanh niên với mái tóc xõa dài dáo dác nhìn xung quanh

- Đầu tôi đau quá - Người thanh niên tóc ngắn cũng ôm đầu nói

- Đây là làng Mã Điền, thuộc khu vực dãy Ngũ Hành Sơn. Hai cậu tên gì?

“Tên?” - Cả hai nghe hỏi vậy, gương mặt liền thừ ra một lúc

- Tôi không biết - Người tóc dài đáp

- Tôi cũng không biết - Người tóc ngắn cũng đáp

- Hai người có quen biết nhau không? - Trưởng làng hỏi

Hai chàng trai nhìn nhau, suy nghĩ đăm chiêu hồi lâu rồi mơ mơ hồ hồ trả lời:

- Tôi cũng không chắc nữa, hình như là không - Thanh niên tóc dài lên tiếng

- Tôi không quen hắn - Thanh niên ngắn nói theo.

Những người có mặt lúc đó nghe vậy dường như đã hiểu vấn đề, nhìn nhau lắc đầu thở dài. Không rõ hai chàng trai xấu số này lý do vì sao lại rơi vào cảnh trôi dạt vô định, không ký ức, không gia quyến như vậy. Trưởng làng hỏi tiếp:

- Các cậu thấy trong người thế nào?

- Vai tôi hơi ê ẩm - Người tóc ngắn đáp

- Tôi không sao - Người tóc dài tiếp lời

Trưởng làng đại khái nắm được tình hình, bèn ân cần nói:

- Vậy tạm thời các cậu cứ ở lại đây với chúng tôi đến lúc khỏe hẳn đã, khi nào nhớ được gì đó thì tính tiếp vậy.

Hai chàng trai thần trí mơ hồ không hiểu chuyện gì, nhưng cũng đành gật đầu ưng thuận. Bất chợt từ bên ngoài có tiếng tri hô cất lên vô cùng thảng thốt:

- Bớ người ta, cứu, cứu với!

Mọi người đứng dậy chạy ùa cả ra ngoài

- Có chuyện gì? - Trưởng làng hỏi

- Làm ơn cứu với, chồng con chết mất! - Một người đàn bà nài nỉ trong tiếng khóc nức nở

- Làm ơn cứu chồng con nữa - Thêm một người đàn bà khác cũng gấp gáp nói chen vào

Trưởng làng cố gắng trấn an:

- Các cô bình tĩnh, nói cho rõ ràng. Cứ nhặng xị cả lên thì ai hiểu cái gì mà cứu, ai bị làm sao mà cứu?

Mấy người đàn bà vừa khóc lu loa, vừa rấm rứt thay nhau trình bày:

- Ông Ba Hưng, ông Năm Trí với ông Đức chồng con đi hái thuốc cho hai cậu đây ở trên đồi, bị cả đàn sói dữ nó vây kia kìa.

- Ông Ba Hưng chồng con liều mạng chạy về báo tin, bị tụi nó cắn cho sống dở chết dở, con ngựa cũng toi mất tiêu luôn trưởng làng ơi!

Trưởng là lo lắng hỏi:

- Còn anh Năm Trí với với anh Đức thì sao?

Các y thị trả lời:

- Chồng con nói hai ổng đang trốn ở trên cây cao, mà tụi sói nó rình dai quá, không tài nào xuống được hết

- Nghe ông Ba Hưng bảo mấy con sói to lắm, mà khỏe với hung dữ nữa - Vợ ông Đức than van - làm sao đây trưởng làng?

Trưởng làng nghe hiểu câu chuyện liền vội vã lớn tiếng thúc giục:

- Mau gọi trai làng mang theo giáo mác gậy gộc, bất kỳ cái gì có thể dùng để chiến đấu được, theo ta đến đó, nhanh lên!

Chỉ trong chốc lát, người ngựa đã sẵn sàng, tất cả cùng nhau chạy đến nơi hai người đàn ông đang bị vây hãm. Quả như lời kể, đàn sói có hơn hai mươi con, đứng cao ngang một người trưởng thành, trông cực kỳ hung hãn và đáng sợ. Từ xa nhìn tới có thể thấy ông Năm Trí và ông Đức đang ngồi vắt vẻo trên một nhành cây xiêu vẹo, cơ hồ không còn chịu nổi sức nặng của cả hai thêm được lâu nữa. Đám đông chùn chân, run sợ không biết nên tiến hay nên lùi. Vì cuộc sống hiền hòa của họ vốn chỉ quen săn bắt những loài hươu nai, những con thỏ, con chuột nhỏ bé, rồi lại làm ruộng trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm,... hoàn toàn không biết cách đối phó với những loài hung tợn và to lớn thế này. Dù chỉ một con trong số đó họ cũng chưa chắc chống lại được, huống chi là cả bầy vài chục con ở trước mặt.

Tất cả đều đang kinh sợ không biết phải làm gì thì từ đằng sau, có bóng ai đó cưỡi ngựa chạy vụt lên. Nghe oai oái hai tiếng, hai trai làng trong đám đông đã bị giật mất vũ khí đang cầm trên tay. Mọi người cố bình tĩnh nhìn cho kỹ thì nhận ra, đó chính là hai thanh niên mất trí đang tá túc ở nhà trưởng làng, chẳng ai biết họ đã phi ngựa theo sau từ khi nào.

Lúc này bầy ác thú đã nhận ra sự có mặt của những kẻ lạ mặt. Chúng gầm gừ hung hãn rồi lập tức bỏ mặc hai người đàn ông đang run rẩy trên cây, dồn toàn bộ sự chú ý vào kẻ địch đang lao tới. Có lẽ bản năng hiếu chiến của loài sói khiến chúng cảm thấy những con mồi sợ hãi nhút nhát không hấp dẫn bằng hai người thanh niên hừng hực dũng khí, đầy thách thức và khiêu khích kia. Hai bên nhanh chóng tiếp cận rồi vồ lấy nhau một cách vô cùng ác liệt và tàn khốc..

Chàng trai tóc dài cầm chày nhảy khỏi lưng ngựa, xoay người ở thế thấp đánh vỡ hàm sói từ bên dưới, trong khi chàng trai tóc ngắn cũng phi thân đến như diều hâu vồ mồi, dùng rìu bổ nát đầu sói từ phía trên. Từng đòn đánh ra đều vang lên những tiếng bôm bốp phầm phập đinh tai nhức óc. Máu nóng của bầy thú dữ bắn tung tóe, ướt đẫm cả mặt mũi, thân thể họ. Dân làng chứng kiến vừa kinh hãi vừa mừng vui, cảm xúc đan xen lẫn lộn. Không ai ngờ hai chàng trai kia lại có thể chiến đấu một cách uy vũ và điêu luyện như vậy. Trông họ chẳng khác gì những thần tướng oai hùng trong truyền thuyết. Từng cú đánh, từng cú chặt chém của hai người cứ như những điệu múa uyển chuyển, nội ứng ngoại hợp tương trợ lẫn nhau, vừa cực kỳ đẹp mắt, vừa mang kình lực vô cùng mạnh mẽ, tựa bài sơn đảo hải, làm rung chuyển cả một góc trời. Đàn sói lực lượng từ hai mươi mấy con chẳng mấy chốc chỉ còn sáu bảy con sống sót.

Thế cuộc gần như đã rõ hồi kết thì bất ngờ, cây chày trên tay chàng trai tóc dài bỗng nhiên gãy rắc làm hai khúc, cậu ta chưa kịp phản ứng thì hàm sói hung tợn đã ngoạm tới, tưởng chừng phen này chắc chắn sẽ lãnh trọn một nhát cắn chí mạng không thể tránh được. Nhưng thật bất ngờ, ngay lúc nguy cấp, chàng trai tóc ngắn đã thần tốc lao đến, đưa cánh tay mình chặn ngay trước miệng ác thú, những cái răng to tướng và sắc nhọn lập tức cắm phập sâu vào da thịt. Y nén đau, nhanh tay trở cán rìu chọc thủng mắt con vật, rồi gồng hết sức vung mạnh phần lưỡi rìu chặt đứt lìa cổ nó. Đoạn, y lại nắm cái đầu sói nặng nề ấy, xoay người ném bật gọng một con khác đang vồ đến, sau đó mới choáng váng ngã quỵ xuống. Máu tươi từ các vết cắn sâu hoắm bắt đầu phun ra òng ọc như suối.

Thanh niên tóc dài được che chở thoát khỏi hiểm cảnh trong gang tấc, thấy người kia vì cứu mình mà bị thương nặng, lòng chợt bối rối không biết phải làm gì. Chàng trai tóc ngắn gắng sức lên tiếng quát lớn:

- Giết hết bọn chúng nhanh đi, không là chết cả hai bây giờ.

Nghe thấy vậy, chàng trai tóc dài như bừng tỉnh. Cậu ngay lập tức nhặt lấy cây rìu, ánh mắt sắc lạnh, lao vào bầy ác thú xả từng nhát chém ác liệt như một cơn lũ quét. Dân làng chỉ kịp nghe vài tiếng gào rú rùng rợn của các con vật trước khi nhìn thấy tất cả chúng gục chết la liệt trên mặt đất, quả thật ngoài sức tưởng tượng.

Vừa xử lý xong đàn sói, thanh niên tóc dài vội buông vũ khí chạy ngay đến chỗ chàng trai tóc ngắn đang mê man, cởi phăng áo ngoài của mình buộc vào cầm máu cho y, lo lắng hỏi:

- Nè, sao rồi?

Y nhếch môi cười, thều thào đáp:

- Chưa chết được đâu. Vết thương nhỏ xíu này thì nh...

Vốn định nói "vết thương nhỏ xíu này nhằm nhò gì", nhưng chưa hết câu thì y đã không còn chịu đựng nổi mà gục đầu bất tỉnh. Dân làng hối hả kéo nhau thúc ngựa đến, nhanh chóng đưa cả hai quay về trị thương.

Từ vụ việc chấn động đó, ai nấy đều hết lòng cảm phục trước uy phong lẫm liệt và tinh thần dũng cảm của hai chàng thanh niên. Mọi người cùng thống nhất sẽ giữ họ lại sinh sống tại làng Mã Điền. Không có ký ức, không còn nhớ gì về quê hương, gia quyến của mình, hai chàng trai đành ưng thuận làm theo sắp xếp của bà con. Trưởng làng quyết định đặt tên mới cho họ, người tóc dài là Sỹ Phú, người tóc ngắn là Hải Nam.

Sau cuộc hỗn chiến với bầy sói, Hải Nam bị trọng thương và phát sốt suốt một tuần liền. Khoảng thời gian đó, Sỹ Phú lúc nào cũng túc trực chăm sóc y không rời nửa bước. Họ sống dưới cùng một mái nhà, sớm tối gần gũi, dần dần trở nên vô cùng thân thiết nên đã quyết định kết nghĩa anh em với nhau. Ngoại hình Hải Nam thấp bé, lại có vẻ nhỏ tuổi nên nhận làm em, gọi Sỹ Phú là anh.

Hai chàng trai lao động rất chăm chỉ và tháo vát, càng ngày họ càng bộc lộ tài năng và trí tuệ hơn người của mình. Hải Nam đứng ra dạy các trai làng võ thuật, kỹ năng chiến đấu và cách săn bắt các loài thú to lớn. Sỹ Phú nghiên cứu cây trồng, vật nuôi và thảo dược, giúp dân làng tăng năng suất lao động và có thêm nhiều loại nông phẩm đa dạng, hữu ích. Làng Mã Điền nhờ vậy cũng trở nên no đủ và bình yên hơn bao giờ hết. Một năm sau đó, trưởng làng tự thấy bản thân đã quá già yếu, liền mang trọng trách của mình đặt lên vai họ. Và dân làng, dĩ nhiên, đều rất tán thành và hân hoan với quyết định ấy.

.........................................................

Ánh chiều tà dần buông sau dãy núi Ngũ Hành Sơn. Người làng Mã Điền ai về nhà người nấy chuẩn bị cơm nước cho bữa ăn chiều ấm áp của gia đình. Vài lão nông tụ tập trải phản ngồi với nhau, ăn trầu, hút thuốc, ngắm hoàng hôn, bàn sự đời. Nhịp sống vô cùng chậm rãi và thanh bình.

Tại chuồng ngựa, Hải Nam vừa tất tả phụ giúp Sỹ Phú dọn dẹp gọn gàng mọi thứ xong xuôi. Thở phào một hơi dài, y ngoắc tay, bảo:

- Anh à, cho em nước uống.

- Đây - Sỹ Phú tháo ống trúc giắt bên hông, mở nắp đưa cho Hải Nam, nói tiếp - Em vừa đi rừng về, sao không vào nhà nghỉ ngơi. Việc ở đây một mình anh sắp xếp cũng được.

- Cả núi thứ phải làm, em mà không giúp anh thì chắc đến khuya mới xong quá - Hải Nam nói

- Mấy ngày em không ở nhà, anh vẫn tự mình làm hết được - Sỹ Phú đáp - Với cũng do hôm nay Hồng Hồng sinh con nên mới ra nhiều việc như vầy...

Hải Nam lại hếch mũi nói:

- Thế cứ để anh làm đến khuya thì ai sẽ nấu ăn cho em ăn đây hả? Mấy ngày nay đi rừng toàn bạ gì ăn nấy, chán chả buồn nuốt luôn.

Sỹ Phú đã hiểu cái tâm cơ của y, liền không ngại vạch trần:

- Hóa ra em giúp anh chỉ là vì cái bụng đói của em.

- Thì một công đôi việc mà. Đằng nào em cũng đã giúp anh rồi, phải cám ơn em đàng hoàng đi chứ - Hải Nam cười đáp.

- Bây giờ gần tối rồi, còn chưa tắm rửa nữa, làm sao mà kịp? - Sỹ Phú thản nhiên nói

- Chẳng lẽ anh không trữ cái gì ở nhà để nấu ăn cả sao? - Hải Nam hậm hực hỏi

- Không - Sỹ Phú lắc đầu đáp tỉnh bơ - Mấy hôm em vắng nhà, vợ chồng anh Ba Hưng, vợ chồng anh Đức, rồi cả vợ chồng anh Năm Trí, ngày ngày đều mời anh sang dùng bữa uống rượu bên nhà họ, nên anh không nấu ăn.

- Vậy ra lúc em đi vắng anh toàn đi ăn chực nhà khác thế à? - Hải Nam hậm hực hỏi.

- Anh không biết nói sao để từ chối họ - Sỹ Phú đáp - Ban nãy thằng Tuất, con anh Ba Hưng mới sang mời mình qua nhà bên đó dùng bữa nữa đấy.

Hải Nam thoáng rầu rĩ nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ, y cao ngạo nói:

- Đành vậy. Nhưng cũng không thể để mất toi công sức em giúp anh dọn dẹp chuồng ngựa được. Anh nghe đây, em cho anh một buổi sáng, đêm nay em sẽ đánh một giấc tới tận trưa mai luôn. Nhất định lúc em dậy phải có đồ ăn ngon cho em, có biết chưa?

Sỹ Phú ngó lơ chả buồn đáp lời, chỉ buông một câu hờ hững:

- Đồ con nít.

- Con nít thì sao, ai mượn lúc kết nghĩa anh nhận làm anh - Hải Nam đắc ý nói

Sỹ Phú vò sồn sột cái mái đầu vốn đã bù xù của y mà bảo:

- Thôi, mau đi tắm rửa. Cả nhà anh Ba Hưng đang đợi.

Hải Nam nhảy phóc đến ôm thấy bờ vai to lớn của Sỹ Phú đu tòn ten như khỉ, nói:

- Nè, một lát nhớ chà lưng cho em nha

- Ừ! Còn lưng anh thì sao? - Sỹ Phú hỏi

- Lưng anh rộng quá, em chà mệt lắm. Tay anh cũng dài như vậy, tự mình làm lấy đi - Hải Nam ngúng nguẩy cười đáp.

- Ừm, thế thôi

- Em muốn ăn chè hạt sen! - Hải Nam làm giọng vòi vĩnh

- Mai anh sẽ làm cho em - Sỹ Phú đáp

- Nghĩ lại rồi, một lát em sẽ chà lưng cho anh - Hải Nam liếm mép cười nói.

Cứ vậy, cả hai cùng nhau vào trong nhà, tắm rửa sạch sẽ rồi thay trang phục gọn gàng tươm tất. Xong đâu vào đấy, Sỹ Phú nắm tay kéo Hải Nam vào phòng, ấn vai đẩy y ngồi phịch xuống giường. Hải Nam ngơ ngác, hỏi:

- Anh định làm gì?

Sỹ Phú đáp:

- Chờ anh một lát.

Đoạn, cậu mở tủ, lấy ra một chiếc hộp dúi vào tay Hải Nam rồi nói tiếp:

- Cho em.

- Cái gì đây? - Hải Nam ngạc nhiên hỏi

- Em cứ mở ra xem đi - Sỹ Phú trả lời

Hải Nam vẫn chưa hiểu gì nhưng cũng mặc kệ. Những ngón tay hiếu kỳ vội vàng bật khóa mở chiếc hộp ra. Bên trong là một vòng chuỗi được làm bằng ngà voi với họa tiết chạm khắc vàng ròng vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ và hoàn hảo đến từng nét nhỏ nhất. Chỉ những vị già làng đức cao vọng trọng hoặc những nhà tài phú mới có thể sở hữu loại trang sức tuyệt đẹp và quý giá như vậy. Một món đồ tượng trưng cho sự oai dũng và uy quyền mà bất kỳ gã đàn ông nào cũng khao khát được mang nó trên người.

Sỹ Phú nói:

- Bữa trước em bảo em thích chiếc vòng cổ gia truyền của bác Thành. Bác có ý muốn tặng em, nhưng em ngại không nhận. Anh đành cố làm một chiếc khác giống vậy…

Hải Nam hết sức thích thú, xuýt xoa tán thưởng:

- Vòng chuỗi anh làm đâu có giống chiếc của bác Thành. Nó đẹp gấp chục lần luôn đấy chứ.

- Thật sao? - Sỹ Phú hỏi

- Thật - Hải Nam đứng dậy, đưa chiếc vòng cho Sỹ Phú rồi quay lưng lại, bảo - Anh mang vào giúp em nào.

Sỹ Phú nhẹ nhàng cầm lấy, đeo nó lên cổ y rồi nói:

- Hợp với em lắm

- Thấy em có oai không - Hải Nam tươi cười hỏi

- Ừ - Sỹ Phú gật đầu

- Mà thật ra em cũng đã quên bẵng chuyện đó từ lâu rồi, anh đâu cần phải nhọc công thế - Hải Nam nói

Sỹ Phú cầm lấy cánh tay chằng chịt sẹo của Hải Nam, nhìn ngắm y mang chiếc vòng cổ hồi lâu rồi nói:

- Nhọc công gì đâu. Chuyện nhỏ thôi mà.

Hải Nam liền nói:

- Chuyện nhỏ gì chứ, có ma mới tin anh. Tưởng em không biết chắc, chiếc vòng vừa tinh xảo vừa quý như vầy, tìm vật liệu đã khó, gia công lại càng tốn công tỉ mỉ hơn nữa. Cực thân anh quá rồi, cám ơn nha.

- Em thích là được - Sỹ Phú đáp.

- Thôi mình mau đi thôi, cả nhà anh Ba Hưng đang chờ - Hải Nam thúc giục

- Không cần phải gấp - Sỹ Phú trả lời

- Gấp chứ, đã ăn chực còn để người ta đợi, kỳ lắm - Hải Nam nói.

Sỹ Phú vẫn rất bình thản, cậu bảo:

- Theo anh ra giếng, anh còn cái này cho em.

- Gì nữa đây - Hải Nam gặng hỏi

- Đi rồi biết - Nói rồi, Sỹ Phú nắm tay Hải Nam kéo ra ngoài sân sau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui