Ta bảo ngươi mài mực chứ không phải mài bàn!
Giọng nói khó chịu của Phượng Hoàng kéo ta về thực tại.
Ta cười xuề xòa với hắn rồi mài mực nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến chuyện kia.
- Điện hạ, sao cung của chúng ta không có tiên nga thế? Có phải là do ở phương diện nào đó người bất lực tòng tâm hay không?
Ta cũng chẳng rõ “bất lực tòng tâm” dùng trong trường hợp này đúng hay không? Ta chỉ biết bốn chữ này dùng để ám chỉ việc không có khả năng xảy ra.
Cây bút trong tay Phượng Hoàng bỗng chệch ra một nét.
Hắn đen mặt nhìn ta như muốn đánh cho ta một trận, giọng âm u lạnh lẽo:
- Rảnh rỗi quá nhỉ? Chép phạt mười lần cho ta!
Phượng Hoàng ném bừa một quyển.
Ta nhìn quyển sách dày chục phân mà khóc không ra nước mắt.
Tai bay vạ gió.
Khổ thế không biết!
Phượng Hoàng có việc phải ra ngoài xử lí ta liền trưng dụng luôn chiếc bàn trong phòng để chép phạt.
Giở trang đầu tiên, ngòi bút của ta chần chừ.
Phượng Hoàng bảo ta chép phạt mười lần nhưng đâu có nói rõ là chép phạt cái gì? Mười lần quyển sách, mười lần trang sách, mười lần một câu hay mười lần một chữ?
Ta là ta thích cái mười lần một chữ.
Nhưng ý của Phượng Hoàng ra sao thì ta không biết.
Làm trái ý hắn, hắn lại nổi giận phạt nặng hơn thì sao? Ta còn đang phân vân thì Thanh Duy thượng thần ghé thăm.
Thượng thần rất hay ghé chỗ Phượng Hoàng chơi.
Theo ta thấy thượng thần là một vị tiên nhàn rỗi.
Có hôm ngài ấy dành cả canh giờ chỉ để ngắm ta… mài mực!
- Bẩm thượng thần, điện hạ có công chuyện cần ra ngoài xử lí rồi ạ.
Ta cố nhớ lại xem có cần phải hành lễ với ngài ấy cho phải lẽ hay không thì thượng thần đã xua tay.
- Khỏi cần.
Ta không tìm nó, ta tới tìm ngươi.
Ơ? Tìm ta làm gì? Chẳng lẽ lại muốn đem ta đi thử nghiệm? Ta đề phòng, dè dặt hỏi:
- Thượng thần tìm tiểu tiên làm gì ạ?
- Đi.
Ta đưa ngươi đi mở mang tri thức.
Ta ngớ người.
Đi mở mang tri thức, tới chỗ phu tử hả? Ta không đi đâu! Ta không muốn làm bài tập! Chẳng để ta kịp từ chối thượng thần đã nắm lấy tay ta.
- Lại đây, ta đưa ngươi đi tìm hiểu thất tình lục dục là cái gì!
Thế rồi ta bị thượng thần đưa đến phủ Nguyệt hạ tiên nhân hay còn được gọi với cái tên khác là Nguyệt lão.
Trên đường đi, thượng thần giảng giải cho ta rất nhiều điều đại bác uyên thâm của thất tình lục dục nhưng do trí nhớ ta có hạn nên chỉ tổng kết được rằng thất tình lục dục rất quan trọng.
Theo như thượng thần chỉ bảo thì để bù đắp cho sự thiếu hụt lục thức của bản thân thì ta phải học cái gọi là “tình” đặc biệt là tình yêu bởi ngài ấy rất mong chờ ngày được ta gọi hai từ “thúc phụ”.
Tuy nhiên đấy là những gì ta ngẫm ra chứ lời của ngài ấy khéo léo, bay bổng uyển chuyển hơn nhiều.
- ---------
Phủ Nguyệt lão
Ta ngồi trong phủ Nguyệt lão đọc, cảm nhận và suy ngẫm về mối tình Ngưu Lang Chức Nữ trong cuốn mà Thanh Duy thượng thần vừa mượn từ chỗ Nguyệt lão.
Cứ chốc chốc thượng thần lại hỏi ta thấy thế nào.
Ta đọc đến chỗ “Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông” thì thượng thần lại hỏi ta: “Thấy thế nào?” bằng đôi mắt mong chờ.
Ta ngẫm nghĩ một lát sau đó chân thành bày tỏ:
- Theo tiểu tiên thấy yêu vào mà bỏ bê công việc rồi bị phạt thế này thà không yêu còn hơn.
Mặt ngài ấy méo xệch.
Tiếp đó ngài ấy ra sức phân tích, giảng giải cho ta hiểu tình yêu là như nào, không có cảm xúc sống vô nghĩa ra sao? Ta nghe mà đầu quay mòng mòng, cuối cùng hỏi Nguyệt lão một câu:
- Vậy người tiểu tiên yêu là ai?
Đằng nào nhân duyên cũng là do Nguyệt lão quyết định.
Hỏi thẳng ông ấy là biết thôi.
- Cái này thì ta không biết.
Thế thì lạ quá.
Tất cả nhân duyên đều do Nguyệt lão tác thành sao lại không biết? Có lẽ nhìn ra sự thắc mắc của ta nên Nguyệt hạ tiên nhân liền giải thích:
- Nhân duyên đúng là do ta quản lí nhưng ta chỉ se duyên cho người phàm mà thôi.
Còn tình duyên của thần tiên ta không hề tham dự.
Ta ồ lên, vậy à.
- Thế có bao nhiêu vị thần tiên không có nhân duyên?
Thần tiên không có ai buộc tơ hồng cũng có nghĩa là tự do chọn lựa.
Giả sử như không nhìn trúng được ai thì sao?
- Kể ra cũng không hẳn nhiều nhưng cũng chẳng ít ví như…
Nguyệt lão ghé sát vào tai ta nói nhỏ: “vị đưa ngươi tới chẳng hạn”.
Nghe được thông tin này, ta thích thú nhìn thượng thần toét miệng.
- Hóa ra thượng thần kém hấp dẫn đến vậy, ngay cả chức vị thượng thần cũng không giúp được ngài thoát kiếp lẻ bóng.
Mắt ngài ấy xám xịt.
- Đấy là bản thượng thần không muốn.
Ta khí chất phong độ phi phàm như này há lại không có người chú ý.
Lời là nói cho ta nghe nhưng thượng thần lại quắc mắt nhìn Nguyệt lão như thể “ngươi nhiều lời cái gì”.
Ta bỗng ý thức được bản thân vừa lỡ lời, nói đúng chỗ không nên nói.
Ta len lén ngước mắt lên.
Chẳng những thượng thần mặt mày xám xịt mà Nguyệt lão cũng trợn mắt với ta.
Vậy là ta lại nhanh chóng cúi gằm mặt xuống suy nghĩ xem làm thế nào cho không khí bớt căng thẳng.
Đúng lúc này ta nghe thấy giọng Nguyệt lão:
- Tiểu thần còn có việc xin phép cáo lui trước.
Nếu hai vị có hứng thú với tình duyên thì có thể đến cây Nhân Duyên xem một chút.
- Cây Nhân Duyên là cây gì?
Ta đây là lần đầu nghe được tên loại cây này.
- Hứng thú sao?
Câu này là thượng thần hỏi ta chứ Nguyệt lão chưa kịp nói gì.
Ta gật đầu thay cho câu trả lời.
Mới gật có cái mà ngẩng lên đã thấy bóng lưng Nguyệt lão rời đi, đúng là việc gấp có khác.
- Vậy thì đi thôi.
Thượng thần phất áo dẫn đường.
Ta bỗng thấy tác phong này có chút giống Phượng Hoàng.
Cây Nhân Duyên thực chất là một cái cây cổ thụ không lá, không hoa chỉ trơ tọi mỗi cành.
Điểm đặc biệt của nó là trên thân cây cành nào nhánh nào cũng có thẻ tên và tất cả thẻ tên đều được nối với nhau bằng sợi tơ hồng.
Hóa ra đây chính là cách se nhân duyên cho người phàm.
Ta thích thú chạy xung quanh cái cây một vòng rồi đằng vân bay lên ngắm nghía những thẻ tên được nối với nhau.
Chỉ cần tên của hai người nào đó được nối với nhau là có thể trở thành phu thê sao?
Càng xem ta càng thấy lạ, có những chỗ tơ hồng đâu chỉ nối tên hai người với nhau nối ba người cũng có mà năm người cũng có, chỗ nhiều nhất có đến cả cụm mấy chục người luôn.
Thế này là như nào nhỉ? Mà tơ hồng cũng có nhiều màu đỏ khác nhau đấy nhé: đỏ son, đỏ yên chi, đỏ hồng, đỏ hạt dẻ.
Thắc mắc ta xuống chỗ thượng thần hỏi:
- Sao tơ hồng có nhiều màu thế, lại còn nối nhiều hơn hai người với nhau có chỗ đến cả mấy chục người nữa?
- Cái này có gì lạ đâu.
Thượng thần giải thích cặn kẽ thắc mắc cho ta.
Đỏ son thể hiện tình cảm rất tốt, hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
Đỏ yên chi thể hiện tình cảm hai bên đối với nhau chân thành nhưng lại nhiều sóng gió, trắc trở tựu chung lại là đoạn nhân duyên ấy éo le, nhiều mâu thuẫn.
Đỏ hồng thể hiện có duyên phu thê nhưng không có tình cảm hoặc tình cảm xuất phát từ một phía.
Đỏ hạt dẻ thể hiện một mối tình buồn khắc cốt ghi tâm, người nào được nối bằng sợi tơ này định sẵn không đến được với nhau.
Ngoài ra, tình yêu mà đâu chỉ quy định nhất định chỉ có hai người còn có tình tay ba, tay tư nữa mà, một ông vua còn có thể có đến ba ngàn giai nhân cơ mà.