Hoa Lưu Ly Không Về


CHƯƠNG 3/12
Chị Thục loay hoay với những cây đèn cầy cắm xung quanh chiếc bánh sinh nhật của Hạnh. Buổi sáng gió biển thổi về lớn quá làm những cây đèn cầy cứ tắt mãi. Lũy đi đóng bớt một cánh cửa sổ. Chị Thục đưa tay quệt mồ hôi rịn ra chân tóc, ở trán nói:
-Thôi chờ một tí. Ðợi anh Ðồng về luôn thể.
Hạnh lăng xăng hỏi:
- Có chắc ba về được không mẹ?
- Chắc chứ. Chỉ vào sở cho có mặt một tí là được.
- Ba không về con giận ba luôn.
- Chắc ba con đã rời sở rồi, ba đang chạy quanh phố để mua quà cho con đó.
Hạnh cười:
- Quà của cậu Lũy thì con biết rồi. Một con chó chạy bằng pin. Của ba thì một tí nữa mới về. Còn dì Cúc Huyền... để con lén mở ra xem mẹ nhé.
Chị Thục ngăn:
- Không được. Dì Cúc Huyền vào kìa.
Hạnh rụt tay lại trước gói quà bọc giấy thật đẹp. Có cả cái nơ màu hồng tươi thắm bên trên. Cúc Huyền mang lọ hoa vào để trên bàn. Chỉ có một nhánh hoa hồng, nhưng Cúc Huyền cắm thật đẹp. Nhánh hoa cắt khéo léo kẹp vào giữa một cái lá chuối nước khoét một hình trôn ốc. Cúc Huyền đứng vẩy vẩy những ngón tay cho nước khô đi, hỏi chị Thục:
- Ðược không chị?
- Huyền cắm hoa thì khỏi chê rồi. Phải không Lũy?
Lũy bối rối đáp:
- Huyền cắm hoa đẹp thật.
Cúc Huyền cũng bối rối vén những sợi tóc non che mắt, tìm chỗ cất con dao. Ngoài cửa có tiếng xe ngừng lại.
Hạnh reo lên:
- Ba về.
Và Hạnh chạy ra ôm một gói quà thật lớn vào, anh Ðồng đi ở phía sau.
Chị Thục nói:
- Nãy giờ cả nhà chờ, tưởng đâu anh về không được.
Anh Ðồng cười:
- Về được chứ sao không. Nhưng xong rồi phải đi ngay. Nào, Hạnh đốt nến lên đi chớ.
Hạnh cuống quýt để gói quà lên bàn rồi lấy diêm bật lửa lên đi thắp những ngọn nến cắm vòng quanh mặt bàn, Cúc Huyền đứng phía sau lưng chị Thục lúc nến được thắp hết lên, ánh nến soi vào mặt từng người một màu hồng lung linh như những sợi nắng sớm. Anh Ðồng chạy ra xe mang cái máy ảnh vào kéo tay Hạnh nói:
- Bây giờ Hạnh đứng ở đầu bàn, hát bài mừng sinh nhật đi. Xong Cúc Huyền và chị Thục đứng bên cạnh Hạnh, phía trái, Lũy và anh đứng bên phải. Máy ảnh để ở đầu kia chụp tới.
Mọi người đứng vào chỗ anh Ðồng dặn xong, anh đặt máy ảnh ở đầu bàn rồi trở về đứng cạnh bên Lũy. Hạnh tròn miệng hát xong bài ca sinh nhật rồi cầm con dao cắt vào ổ bánh vừa lúc bóng đèn của máy ảnh nháng lên và "tách" một cái. Mọi người cùng cười. Anh Ðồng hô:
- Hạnh cắt bánh chia đều nhé.
- Không, con mở quà coi một chút nha.

Anh Ðồng cốc lên đầu con một cái, cười:
- Biết ngay mà. Rồi, cho con coi quà trước.
Hạnh ngó Lũy cười:
- Cậu Lũy cho con con chó chạy bằng pin. Miệng đúng ra phải ngậm chiếc giầy nhưng hồi hôm con lén lấy ra chơi nên chiếc giầy rơi đâu mất rồi. Cái này khỏi mở, cậu Lũy nhé?
Anh Ðồng phì cười, lườm Hạnh:
- Ðã mở thì phải mở hết. Tội con lén mở ra xem trước đáng đánh đòn lắm đấy nhé.
Hạnh tiu nghỉu, mở gói quà ra. Quả thật Lũy thấy chiếc giầy con chó ngậm trong miệng đã rơi đâu mất. Cúc Huyền cắn tay áo, ngó Lũy cười nửa miệng. Lũy ngường ngượng, đâm ra ghét Hạnh.
- Bây giờ tới phiên dì Cúc Huyền, vái trời không phải là một gói kẹo.
Cúc Huyền lật đật núp sau lưng chị Thục. Anh Ðồng dòm Cúc Huyền và nói lớn:
- Có phải là một gói kẹo không?
Bây giờ Lũy có quyền ngó Cúc Huyền một cái cười trừ.
Hạnh mở quà của Cúc Huyền ra, reo lên:
- A, một con búp bê xinh ới là xinh. Không phải gói kẹo. Dì Cúc Huyền hay ghê.
Hạnh ẵm luôn con búp bê ra, vuốt mớ tóc vàng óng ánh của nó. Chị Thục giục:
- Còn quà của ba, mở ra đi chứ. Mê búp bê quên quà của ba à.
Hạnh đặt búp bê xuống bàn, ngó anh Ðồng cười:
- Của ba thì khó đoán lắm.
- Làm sao mà đoán được. Quà của ba mua cho là nhất, đặc biệt hơn hết. Mở đi con.
Hạnh từ từ mở gói giấy bóng, ở trong lại có một chiếc hộp. Trong hộp không biết đựng gì đây mà ràng rịt cẩn thận. Mọi người đều theo dõi bàn tay của Hạnh, riêng anh Ðồng cứ đứng yên mỉm cười. Chị Thục sốt ruột:
- Cái gì mà hồi hộp thế không biết.
- Ðã bảo quà đặc biệt hiếm có.
Hạnh mở tung ra, mọi người trố mắt nhìn một bà phù thủy mặt mày hung ác đang cầm cây chổi phép nhịp lên nhịp xuống, cùng với tiếng trống gõ cách cách như một màn xiệc Sơn Ðông. Anh Ðồng giải thích:
- Xin giới thiệu, đó là một bà phù thủy. Bà này có nhiệm vụ gõ trống và nhịp chổi để đe dọa người nào ngủ quên, lười dậy học bài. Siêng học, cây chổi phép mỗi lần nhịp sẽ đánh rơi một chiếc kẹo; làm biếng, cây chổi phép mỗi lần nhịp sẽ đánh rơi một quả bồ hòn, đắng, chát, chát lắm, mà người lười học phải ngậm. Vậy Hạnh sẽ chọn những viên kẹo hay là những quả bồ hòn.
Hạnh đáp ngay không do dự:
- Con chọn những viên kẹo.
- Vậy hãy hứa với bà phù thủy một lời. Hứa đi.
Hạnh tròn xoe mắt ngơ ngác:
- Làm sao hả ba?
- Hãy nói: Hạnh xin hứa sẽ là người siêng học để được những viên kẹo.
Hạnh lập lại lời anh Ðồng vừa nói khiến mọi người đều phì cười. Anh Ðồng xoa tay nói:

- Xong rồi, bây giờ cắt bánh.
Hạnh ngó chị Thục hỏi:
- Mẹ không có à?
Chị Thục cười:
- Mẹ và ba chung đấy.
- Mẹ ăn gian rồi.
Hạnh phụng phịu đưa con dao cắt xuống chiếc bánh sinh nhật. Xong chia đều vào mỗi dĩa một miếng. Mọi người cùng ngồi xuống bàn ăn bánh với những tách nước trà nóng bốc khói trước mặt. Anh Ðồng ăn xong trước nhất vội đứng lên nói:
- Bây giờ phải vào lại sở. Tất cả ở nhà vui vẻ nhé. Hạnh đã có cậu Lũy rồi, tha hồ mà đòi đi cine. Ngày nay là ngày của con đó.
Anh Ðồng cười đi ra cửa. Tiếng xe anh rời xa khoảng sân để ra đường. Lũy ngồi đối diện với Cúc Huyền. Từ lúc anh Ðồng đi, tự nhiên Cúc Huyền e ngại không dám nhìn thẳng cứ cúi xuống bàn, ăn những miếng bánh nhỏ nhẹ như con thỏ đang dặp những cọng cỏ non. Hạnh ăn vài miếng bánh lại quay ra với con chó chạy bằng pin và con búp bê biết nhắm mắt, mở mặt Bà phù thủy coi bộ không hấp dẫn với Hạnh, nên bị bỏ quên nơi một góc bàn, bên cạnh những miếng giấy gói mở ra lúc nãy. Chị Thục pha trò:
- Cúc Huyền ngước mặt lên xem, sợ người ta tranh mất dĩa bánh của mình hay sao mà cứ cúi gằm xuống mà giữ thế?
Cúc Huyền cười khúc khích, càng cúi sát hơn nữa. Lũy ăn xong phần bánh của mình uống một ngụm nước trà rồi móc thuốc ra hút. Tự nhiên Lũy thấy những điếu thuốc lá trở nên xinh xắn dễ thương hơn lúc nào hết. Và những sợi khói bay ra khỏi miệng cũng trở nên ngọt ngào hơn. Chị Thục nhắc:
- Nói gì đi chứ Lũy?
Hạnh nháy mắt:
- Cậu Lũy mắc cỡ đấy mẹ ơi.
- Gì mà mắc cỡ?
- Mắc cỡ vì trước mặt có dì Cúc Huyền. Cậu Lũy xạo một cây. Chỉ mới gặp dì Cúc Huyền có một hồi để hỏi thăm đường vậy mà nói quen từ lâu lắm.
Lũy thấy Cúc Huyền ngừng nhai bánh, thoáng một chút bối rối trên nét mặt nhưng không ngẩng lên. Lũy cốc đầu Hạnh một cái rồi bỏ ra đứng ngoài thềm Trời xế trưa, bóng ngả vào chân thềm, những cái hoa dại biến sắc theo màu nắng nhạt. Trong những cành cây các con chim đang chuyền nhau những tiếng hót trong suốt. Tiếng Hạnh vang lên từ trong nhà:
- Cậu Lũy nhớ lời ba dặn đấy nhé, là phải dẫn cháu đi cine, đi ăn kem, đủ thứ hết. Vì ngày nay là ngày sinh nhật của cháu. Cậu đừng trốn đấy nhé.
Lũy quay vào nói:
- Cậu đâu có biết đường mà trốn.
- Hôm trước cháu dẫn cậu đi đó.
- Cậu quên rồi.
Cúc Huyền chắc đã được chị Thục nói qua cho nghe về sự liên hệ giữa Lũy và gia đình này nên chả thấy Cúc Huyền ngạc nhiên chi hết. Trái lại Lũy ngạc nhiên trước đôi mắt mở lớn ấy, nhất là sự im lặng kỳ diệu trước mọi người. Lũy đâm ra lúng túng khi phải ngồi đối diện với Cúc Huyền. Thật ra Lũy không có việc gì phải nói, nhưng trước một người giữ im lặng Lũy cũng thấy bứt rứt. Cúc Huyền đã uống gần hết tách nước trà.
Chị Thục chạy đi khi nghe tiếng bé Hiền khóc ré. Tự nhiên có một sự xếp đặt nữa, cho Lũy phải đứng trước Cúc Huyền, khi bé Hạnh ẵm con búp bê và ôm con chó chạy bằng pin ra ngoài thềm Lũy đút hai tay vào túi quần, rồi lấy tay ra tìm bao diêm quẹt, quẹt hoài một cây diêm mà không bật lữa. Lũy bỗng nhớ tới con đường không có tên bảng hôm trước, làm cái cớ để hỏi Cúc Huyền một cách bâng quơ:
- Cái bảng tên rơi hôm trước trong cơn mưa đã gắn lên trên trụ điện chưa nhỉ?
Cúc Huyền hơi nhích người trong ghế, đáp:
- Không biết người ta đã gắn lên chưa nữa.
Lũy cười:

- Hình như con đường ấy bây giờ cái bảng tên không cần thiết nữa.
-Sao thế?
- Vì người ta đã nhớ con đường ấy rồi.
Cúc Huyền nhướng mắt:
- Người ấy là ai ấy nhỉ?
- Là nhiều người, rất nhiều người trong thị trấn này.
- Ở đây tất cả đều biết tên con đường ấy, thị trấn coi thế chớ không nhiều người đâu, đi một buổi là quen mặt hết, chỉ trừ những người lạ mặt mới tới. Chắc mấy hôm ngớt mưa người ta sẽ gắn trở lại.
Lũy muốn nói rõ ra rằng, con đường ấy không cần gắn bảng tên vì Lũy đã nhớ in trong lòng một buổi chiều ngơ ngác, nói câu chuyện đầu tiên với hai cô gái tỉnh ly. Ðường Huyền Trân Công Chúa, ôi, sao người ta lại khéo đặt tên đường đến thế. Tên một nàng công chúa ngày xưa đã tạo nên một huyền thoại về tình yêu. Sao không thể gọi con đường ấy là con đường đánh dấu ột tình yêu nhỉ? Lũy đánh những nhịp chân trên đất, thật khó hiểu mà diễn tả cho hết những điều lẽ ra sẽ nói cho Cúc Huyền biết. Lâu lắm Cúc Huyền mới ấp úng hỏi, sau khi thấy Lũy im lặng quá lâu.
- Hình như ông mới tới đây lần đầu tiên?
Câu hỏi thật ngớ ngẩn và thừa thãi, bởi cách đây mấy hôm nó đã chứng minh cho câu trả lời của Lũy rồi. Vẻ mặt ngơ ngác đến tức cười của một người còn trên vai, trên hai mũi giầy, trên quần áo, trên mái tóc những vệt bụi đường đỏ quạch của thị trấn miền cao nguyên. Nhưng trong lúc này câu hỏi ấy thật là cần thiết để đánh tan sự im lặng. Lũy trả lời ngay:
- Nếu người ta ví sự mới bắt đầu như là đôi mắt ngơ ngác của một con chim, tôi đã đến thị trấn của Huyền như là một con chim có đôi mắt ngơ ngác đó.
Cúc Huyền có vẻ cảm động khi Lũy trả lời như vậy, vì Lũy hình dung ra một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt trong tủ kính một cửa hàng sang trọng ở thành phố Lũy ở. Và Lũy cũng nhớ lại những buổi trưa, chán về nhà Lũy đã lang thang trên phố, dòm chúi mũi vào những cửa hàng có tủ kính bày bán nhừng con búp bê xinh xắn. Ðôi mắt của Cúc Huyền là đôi mắt của một con búp bê đắt giá nhất bày trong tủ kính:
- Ông dự định ở chơi với gia đình chị Thục bao nhiêu lâu mới trở về?
- Tôi thường không có quyết định gì hết. Nên chưa biết sớm hay vài ngày nữa, hay nhiều hơn, bởi thị trấn này đáng yêu vô cùng.
- Tôi thấy nó buồn, và vắng vẻ quá, ở thàh phố của ông chắc là đông vui hơn. Người ta thường tìm chỗ đông vui và ở, như những bầy én thường về trong thành phố nhà cao. Ông là con chim như đã nói lúc nãy, chắc ông cũng thích về thành phố hơn. Phải không?
Lũy hơi bàng hoàng trước câu nói của Cúc Huyền. Ðúng hơn là Lũy không ngờ người con gái luôn luôn im lặng trước mọi người, lại có thể diễn tả và nhận xét rành rõi như một người luôn luôn quen thuộc với đám đông. Lũy cười:
- Nhưng tôi lại là con chim khác đời, hay lạc vào những nơi yên tĩnh u buồn.
Cúc Huyền cười mỉm, ngó những vụn nắng lọt vào khung cửa sổ, những vụn nắng phản chiếu vào mặt kính xanh lơ của cái hồ nuôi cá nhỏ, để trên bàn của anh Ðồng thành vòng ánh sáng xoay tròn in vào một góc tường. Trong chiếc hồ nuôi mấy con cá vàng bụng bự, bơi lội một cách mệt mỏi quanh mấy nhánh rong lờ đờ.
- Hôm nay Cúc Huyền được rảnh cả ngày hả?
- Chút phải về.
- Chắc là về phải học bài.
- Không, về nấu cơm.
Lũy cười:
- Chắc Cúc Huyền nấu cơm tài lắm?
Cúc Huyền đỏ mặt cười:
- Trái lại là đằng khác. Ở nhà cứ bị mắng hoài về tội nấu cơm ba tầng.
- Cơm ba tầng ăn cũng ngon ra phết. Thường tôi chỉ gặm bánh mì. Cơm ba tầng so với bánh mì còn ngon gấp triệu lần.
Cúc Huyền cười. Lũy cũng không ngờ mình có thể nói một cách lưu loát như thế. Cái gì xấu của Cúc Huyền dần dần rồi cũng trở thành tốt đẹp hết. Lũy cười thầm, hôm nay chàng "ga lăng" quá cỡ. Nhưng từ lúc làm cho Cúc Huyền chịu mở miệng và tạo nơi gương mặt ấy một nụ cười coi như Lũy đã thành công, ít nhất là trong việc nói chuyện với một cô gái. Lũy thầm cám ơn chị Thục, cám ơn thị trấn này, cám ơn buổi sinh nhật của Hạnh, cám ơn một buổi chiều nắng vàng óng ả vào những con đường Lũy mới đặt chân đầu tiên. Cám ơn một cơn mưa rào nào đó đã đánh rơi giùm tấm bảng chỉ tên đường. Lũy thấy mạnh bạo hơn, đề nghị với Huyền một buổi trốn nấu cơm:
- Hôm nay có thể Huyền không trổ tài nấu cơm ba tầng được không? Huyền chớp mắt:
- Là sao ạ?
- Nghĩa là không về nhà nấu cơm buổi trưa.
Cúc Huyền rút vai, cong môi thật dài:
- Í, không được đâu. Bộ tưởng dễ lắm hả? Trưa về không có cơm ăn, nội cạo đầu bằng búa.
Lũy ngạc nhiên cười:
- Ông nội làm gì có búa?

- Ông nội đi đốn cây trong rừng. Cánh rừng ven biển ấy. Ngày nào ông nội cũng đi.
- Ông nội Cúc Huyền dữ lắm hả?
- Không có dữ. Nhưng nếu trưa về không có cơm thì nguy hiểm lắm.
- Nhưng có một việc nguy hiểm hơn nữa là Hạnh bắt tôi dẫn đi phố, mà tôi lại không biết đường.
- Hạnh biết đường.
- Tôi không thích để cho trẻ con dẫn đường. Ði như thế người ta ngó.
- Nhưng không có rảnh. Sợ ông nội cạo đầu bằng búa lắm.
- Ông hăm như thế chứ không dám cạo đâu.
- Cây trong rừng ổng còn dám đốn thì đầu người ta ổng cũng dám cạo lắm chứ, hơn nữa, hôm trước đi chơi với nhỏ My ngoài bãi biển cả ngày quên nấu cơm ông nội hăm rồi.
- Thử một lần xem ổng dám không?
- Thôi, không dám đâu. Xúi người ta như thế khi bị đòn có bênh vực được không?
- Cúc Huyền có dám cho tôi đến nhà không?
- Ðể làm gì?
- Ðể bênh vực khi ông nội đánh.
Cúc Huyền rụt cổ:
- Không dám đâu. Như thế ông nội sẽ đánh thêm chết mất.
- Như thế làm sao tôi bên vực Cúc Huyền được.
- Bộ như thế là ông nội nghe theo hả?
Lũy cười:
- Tôi năn nỉ hay lắm. Nói vài câu ông nội sẽ tha ngay.
Cúc Huyền ngồi im nhìn ra cửa cười bâng quơ. Lũy lại nhìn vào cái hồ cá nhỏ. Những sợi nắng bên ngoài nhảy múa chuyền hơi nóng tới chỗ ngồi. Lũy nhìn hai bàn tay trắng xanh của Cúc Huyền để hờ hững trên bàn. Tự dưng anh thèm một ly đá chanh nơi một quán nhỏ dưới bóng mát của các cây có rất nhiều hoa trổ vào mùa hè. Cúc Huyền bỗng nhìn Lũy, cái nhìn len lén ấy làm Lũy hơi lúng túng, tưởng Cúc Huyền biết rõ những ý nghĩ của mình. Một con chim nào đó chợt bay đến đậu ngoài cổng nhà hót vội vã mấy tiếng làm xao động cái không khí yên tĩnh nãy giờ. Cúc Huyền nhìn ra cổng, dáng chừng tìm con chim ấy. Một phiến mây trời bay ngang qua đầu những bông giấy đỏ rực. Cổng nhà như sáng hẳng lên trong một thứ ánh sáng huyền ảo của cơn mộng, chìm khuất được ghi lại bằng những trí nhớ. Lũy hỏi:
- Ðược chứ?
Cúc Huyền ngơ ngác:
- Ðược gì cơ?
- Ðừng nấu cơm trưa nay, mình đưa Hạnh đi chơi.
Cúc Huyền có vẻ "hờn mát" tiếng "mình" rất bất ngờ và tự nhiên của Lũy. Môi của Cúc Huyền xịu xuống, quay đi ngó những ngón tay của mình thả rơi trên mặt bàn, Lũy biết nhưng cứ tảng lờ:
- Bộ ở nhà chỉ có một mình Cúc Huyền nấu cơm sao? Phải còn một người nào nữa chứ.
Cúc Huyền gây:
- Người nào? Má bận ngoài chợ cả ngày. Ba lâu lâu mới về một lần, chỉ có ông nội ở nhà thường xuyên.
- Ông nội không biết nấu cơm sao?
- Ông nội bận đi đốn củi.
- Làm gì?
- Ông đốn củi về chất thành đống phơi nắng cho khô và không biết làm gì hết. Hình như là để dành tết nấu bánh chưng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận