Hoa Lưu Ly Không Về

 
CHƯƠNG 5/12
Những con chim vô tình bay đến hót làm Lũy nghe xôn xao thêm. Hoa giấy buổi sáng đỏ tươi, trên một khoảng rào xanh đầy giây leo. Lũy nằm nghiêng nhìn ra bờ hồ, nắng vàng trải dài như một vùng chuyên làm lụa, đẹp như mây chiều thênh thang trên trời.
Hạnh chạy trở về gọi:
- Cậu Lũy, cậu Lũy.
Lũy nằm yên chờ Hạnh tới gần. Lũy làm bộ lờ đờ như con cá ngộp nước, chừng như chả để ý gì đến việc chờ Cúc Huyền trả lời thư. Hạnh kể công:
- Dì Cúc Huyền khó ghê. Lúc đầu đưa bức thư, dì ấy chả thèm nhận, nói không dám nhận thư của người lạ sợ người ta nghi kỵ. Nhưng sau cháu nói quá dì ấy mới nhận và xem.
- Nói quá là nói làm sao?
Hạnh cười hì hì, ẩn sau gốc cột:
- Cháu nói sau khi xem xong bức thư của dì Cúc Huyền gởi, cậu Lũy buồn muốn khóc, cậu ra ngoài thềm ngồi ngắt hoa dưới đất, nhìn mây trên trời và đòi về. Chắc khi Hạnh sang bên này ở nhà cậu Lũy đã khóc.
Lũy nhổm dậy:
- Lại xạo. Cậu đã khóc bao giờ?
Hạnh lùi sang cây cột khác cười:
- Cháu nói cậu khóc thật đâu. Cháu hù dì Cúc Huyền thế đó. Và dì ấy cảm động cầm bức thư liền.
- Xem xong Cúc Huyền nói gì không?
- Im lặng.
- Sao lại im lặng?
- Ðã bảo dì ấy cảm động mà. Khi người ta cảm động thì phải cho người ta im lặng chứ. Thôi, bây giờ mình đi biển cậu Lũy nhỉ?
- Lúc khác đi được không?
- Cậu hứa lúc nãy mà.
Lũy nhìn ra bờ hồ, tìm ngôi nhà của Cúc Huyền. Nhưng ngôi nhà lại nằm khuất dưới bóng cây. Lũy tưởng tượng cánh của ở phòng học Cúc Huyền từ bây giờ sẽ đóng kín và không muốn cho Lũy đi ngang nhìn thấy Cúc Huyền đang ngồi trên đó nữa. Người ta đang giận. Lũy thở phào, nhìn lên trời nói với Hạnh:
- Thôi mình đi.
- Cậu buồn à?
- Không.
- Sao cậu thở dài rồi nhìn lên trời?
- À, đó là thói quen của cậu trước khi ra khỏi nhà. Phải xem trời mưa hay nắng.
Hạnh cười khúc khích:
- Cậu xạo, chứ không phải cậu thương dì Cúc Huyền à?
Lũy ngẩn ngơ một lúc hỏi:
- Ai bảo với cháu như thế?
- Mẹ cháu bảo chứ ai. Hôm qua, lúc cậu ngồi ngoài thềm, mẹ nói với ba, cháu nghe được. Mẹ bảo, xem chừng cậu Lũy mến dì Cúc Huyên rồi. Có đúng thế không?
Lũy lườm Hạnh:
- Mẹ cháu nói đùa. Còn cháu thì nghe lóm chuyện người lớn nói bậy. Thôi đi ra biển.
- Cậu có mướn một cỗ xe ngựa không?
- Có dì Cúc Huyền đi thì mới mướn chứ. Cậu và cháu đi bộ thích hơn nhiều. Hơn nữa đánh xe ngựa hôm nay cậu không biết đường, phải đi bộ cho quen.
- Ăn nhằm gì, cháu chỉ cho cậu.
- Cậu chưa biết đánh xe ngựa. Phải học đã, ít nhất cũng một tuần. Thôi hẹn lại tuần sau đi?
- Tuần sau biết đâu cậu đã về rồi.
Lũy im lặng. Tuần sau? Tuần sau là những ngày sẽ xảy tới, biết như thế nào. Lũy đã dự định về, rời bỏ thị trấn này chậm lắm hai hôm nữa. Vì Lũy chợt nhớ tới anh Hoán, nhớ những con đường thành phố đã vào mùa mưa, nhớ những góc quán cà phê. Nhớ những chiếc lá me vàng bay tơi tả trong từng buổi chiều. Nhưng Lũy có về được không khi thị trấn bắt đầu có những kỷ niệm và nhung nhớ.
Hạnh đập tay Lũy nói:
- Mình đi chơi chứ cậu. Không đi bằng xe ngựa đâu.
Lũy gật đầu:
- Thì đi. Cháu vào sửa soạn đi.
- Cậu ăn mặc như thế mà đi à? Không được đâu. Bụi đỏ sẽ nhuộm cậu thành một thằng mọi da đỏ à xem.
- À, cậu cũng phải thay quần áo khác.
- Cậu như mất hồn rồi.
Hạnh bỏ vào trong sửa soạn cái xách đựng quần áo, một cái giỏ nhỏ đựng thức ăn. Hạnh thành thạo với công việc này, chắc là Hạnh đã đi chơi biển nhiều lần với Cúc Huyền. Lũy lặn lẽ thay quần áo màu tối, để tránh bụi đỏ của vùng cao nguyên. Hạnh hỏi:
- Cậu có biết câu cá không?
- Nhà có sẵn cần câu à?
- Có chứ. Cần câu của ba, cần câu máy, quây nhợ vèo một cái, thảy nhợ tuốt ra ngoài khơi một cái rồi chờ cá ăn, mình giật không sẩy con nào. Thích lắm! Còn cần câu của Hạnh chỉ câu được trong bờ. Của dì Cúc Huyền cũng thế. Cậu muốn cần câu nào?
- Cho cậu mượn cần câu của Cúc Huyền.
- Nhưng cậu có biết câu không mới được chứ?
- Khó gì! Móc mồi thả xuống nước, cá ăn mình giật.
- Í, khó lắm chứ cậu đừng tưởng. Nếu cậu dễ dàng như vậy thì ai cũng câu được nhiều cá. Không biết câu thì câu cá không ăn.
- Câu không ăn thì nhảy xuống biển bắt. Lo gì!
- Cậu giỡn hoài.
Hạnh đã sửa soạn xong. Mang theo cả hai cây cần câu bắt Lũy vác. Khi đi ra cổng Hạnh nói:
- Phải ghé chợ mua bánh mì và hộp cá mòi. Chai xì dầu đã có sẵn.
Hạnh móc ra một chai, nhãn hiệu dán tùm tum bên ngoài, nhưng không phải nhãn hiệu của nhà làm xì dầu, mà là nhãn hiệu của nhà làm … thuốc ho. Lũy ngạc nhiên hỏi:
- Ðâu phải xì dầu, cháu đem theo chai gì vậy?
- Xì dầu đấy.
- Thuốc ho chứ đâu có phải xì dầu.
Hạnh cười rũ ra:
- Cậu quê quá. Không có chai đựng xì dầu, Hạnh mới lấy chai thuốc ho đựng chứ bộ.
Lũy cũng bật cười. Ðường ra biển phải qua chợ. Lũy vác cần câu đi theo Hạnh. Tưởng đâu Hạnh khù khờ nhưng ra đường mới biết Hạnh rất lanh. Hạnh bắt Lũy đứng chờ bên ngoài chạy vào chợ mua bánh mì, cá mòi thành thạo và nhanh nhẹn như một người nội trợ tài ba. Khi trở ra Hạnh còn đưa cho Lũy một cây kem và nói:
- Cậu thử xem kem trên này có ngon bằng kem dưới cậu không?
Lũy đành cầm lấy cây kem. Hai cậu cháu vừa đi vừa mút kem. Lũy tức cười trước đôi chân loắt choắt của Hạnh bước trên đường. Bây giờ, trông Hạnh thật giống chị Thục. Lũy gọi:
- Hạnh, Hạnh.
Hạnh quay lại hỏi:
- Kem không ngon hả cậu?
- Ðâu phải. Hạnh giống mẹ ghê.
- Cậu kỳ, lúc thì bảo Hạnh giống ba ghê, lúc thì bảo Hạnh giống mẹ ghê.
Lũy cười:
- Bây giờ thì trông cháu giống mẹ, chả giống ba tí nào, nhất là cháu vào chợ. Vì ba cháu đâu có biết đi chợ mua đồ.
Biết Lũy trêu. Hạnh kêu ư ư trong cổ họng như một con mèo nhỏ trước cơn rét.
Ðường dẫn ra biể có lúc dốc ngược lên, có lúc phẳng lỳ xuống. Bụi đỏ bay mù phía trước mặt. Hai bên đường cây xanh mướt. Những cơn gió lớn thổi tới như muốn bay cả người. Lũy và Hạnh đi thật chậm qua những đụn cát. Rải rác dọc theo đường Lũy thấy những quán nước, nhưng hầu hết quán đều vắng khách. Chỉ còn ghế bàn trống và người trông coi.
Giữa đường ra biển có một con ngõ nhiều cát và đá sỏi dẫn lên rừng thông.
Những tiếng nói của Lũy bị gió thổi bay đi mất Hạnh không nghe được, nên hỏi:
- Xuống biển trước hả?
Lũy cố nói lớn:
- Không, lên rừng thông.
- Không có ông nội của dì Cúc Huyền trên này đâu. Ông ở phía kia kìa.
Và Hạnh đưa tay chỉ, làm như đã nói trúng câu hỏi của Lũy. Lũy cười lắc đầu. Hạnh hỏi:
- Không sợ hả?
Lũy phải chạy tới nói sát vào tai Hạnh:
- Cậu bảo đi lên rừng thông trước.
Hạnh bật cười, gật đầu, dẫn Lũy vào con ngõ dẫn lên con dốc. Dưới chân dốc, trong một bãi cỏ Lũy thấy có tấm bảng kẻ chữ xanh:
“Ðường lên rừng thông
Có đám bòng bong
Trời xanh mây trắng
Ăn trái ngọt lòng”
Lũy hỏi:
- Có đám bòng bong hả Hạnh?
- Ở đâu?
Lũy chỉ tấm bảng cười. Hạnh cũng cười nói:
- Ngày xưa cơ, mới có bòng bong, trái ăn ngọt lắm. Bây giờ người ta vào rừng thông đốn củi nhiều, đốn cả đám bòng bong đi rồi.
- Sao người ta còn để tấm bảng đây vậy?
- Ðâu có biết.
Qua khỏi tấm bảng, bắt đầu leo dốc. Lũy lấy làm ngạc nhiên khi thấy ngoài kia là biển, bã cát nối dài từ biển tới chân đồi. Con đường ngó xa mút mắt nhưng khi lên đây lại thấy gần. Lại nghe được cả tiếng sóng đánh ầm ì vào bãi. Những con chim cất cánh lấm chấm những điểm màu trắng bay tung lên trên, chúng bay từng ấy, khi đáp xuống lại đậu rải rác trên các mỏm đá. Lũy bắt gặp vài con chim con đang được mẹ mớm mồi:
- Hạnh thích nuôi chim cát không?
Hạnh nhìn, sáng mắt lên:
- Cậu bắt cho cháu đi. Thích nuôi lắm. Dì Cúc Huyền cũng thích nuôi, nhưng không có ai bắt để nuôi cả.
Lũy vác cần câu đứng nhìn những con chim cát nói:
- Chừng về cậu bắt cho cháu một con, cho Cúc Huyền một con Tha hồ mà nuôi.
- Cậu trèo ra các mỏm đá được à?
- Phải được chứ
- Rủi cậu té xuống biển thì làm sao?
- Cậu sẽ … lội vào bờ.
- Ðừng tưởng. Biển sâu lắm, và sóng đánh mạnh lắm. Sóng có thể đưa cậu ra ngoài khơi làm bạn với cá mập.
- Cậu sẽ cưỡi con cá mập chạy vào bờ.
Hạnh cười khoái chí chỉ lên những đám mây trắng bay là đà trên đầu.
- Ở đây gần sát những đám mây cậu Lũy nhỉ?
- Rừng thông rộng lắm không?
Hạnh quơ tay một vòng:
- Rộng ghê lắm. Cậu đi nửa ngày cũng chưa hết nữa là. Cháu đã từng đi thử với dì Cúc Huyền cả ngày xem có đi hết được không nhưng cuối cùng mỏi chân quá bỏ cuộc.
- Cái gì cháu cũng nhắc tới Cúc Huyền.
Hạnh ngó Lũy cười. Lũy ném cần câu xuống bãi cỏ nằm luôn xuống thở. Mây bay trên cao. Lũy nghe được mùi lá chết dưới cỏ và hơi đất của buổi sáng vừa tan hết sương. Rừng thông vi vu, sóng biển muôn trùng ngoài khơi, gió thơm nồng mùi muối mặn và cát. Lũy nhắm mắt một lúc lâu, Hạnh cũng ngồi xuống bên cạnh Lũy đưa tay ngắt những cọng cỏ non, những cánh hoa dại. Lũy thấy lòng mình nhẹ tênh, êm đềm cùng với tiếng sóng và gió mây trên trời.
- Không đi nữa hả cậu Lũy?
- Nằm nghỉ một chút. Cháu không thấy mây đẹp à?
- Ở đây ngày nào mây cũng đẹp.
- Cháu có thích làm mây trắng bay trên trời không?
Hạnh nhíu mày, đáp:
- Cháu không thích. Có hôm đi biển như thế này, dì Cúc Huyền bảo với cháu dì thích làm những đám mây trắng thênh thang trên trời.
Lũy gục gục đầu. Những đám mây trắng trên cao và sóng bạc phía dưới biển. Tiếng sóng, tiếng thông reo và tiếng gió. Cái mênh mông đến ngộp hồn Lũy. Bây giờ mà được nằm đây, với những sự thanh thản trong lòng và chết đi như một giấc ngủ say, tưởng không còn gì toại nguyện hơn. Nhưng Lũy biết, mình vẫn chưa thanh thản được, chưa toại nguyện được một phần nhỏ nhoi trong đời sống này. Sự bận rộn kéo qua đời Lũy như những đám mây trắng thường xuyên kéo qua bầu trời. Ngày tháng như những đám mưa bụi làm mờ gương kính, hai tay Lũy vẫn thênh thang và rơi hẫng vào một khoảng không. Trong đó có ước vọng trở về căn nhà cũ sống lại một thời thơ ấu với những con ngựa trời ôm cục than nguội dưới chân trên giàn bầu sai trái của mẹ. Ðó phải chăng là giấc mộng mà Lũy chỉ mơ trong những giấc ngủ thường? Giấc mộng cũng là một thứ mây trắng thênh thang và tan nát nhất.
- Cậu không tiếp tục đi nữa à?
- Cậu thích nằm đây và chết như một giấc ngủ.
- Cậu nói kỳ. Tự nhiên đòi chết.
Lũy vòng tay gối đầu nhìn Hạnh cười. Bây giờ Lũy thấy Hạnh có đôi mắt giống chị Thục. Tại sao mắt của con gái thường đẹp? Có phải để làm một cái hồ trong vắt nước mùa thu. Ðôi mắt của chị Thục đã ngâm cả đời anh Hoán. Ðôi mắt của Cúc Huyền, từ một buổi chiều nào không hẹn hò đã ngâm cả đời Lũy. Và đôi mắt của Hạnh cũng hứa hẹn ngâm cả đời của một gã thanh niên nào đó, mai đây. Lũy yêu những đôi mắt đẹp. Nhìn vào đôi mắt con gái là nhìn vào cuộc hẹn hò. Và bất cứ cuộc hẹn hò nào trên đời này, cho tình yêu, cũng là một cuộc hẹn hò đẹp nhất, lớn nhất, dù từ hẹn hò đó đưa ta đi đến hai bờ xa cách và tan nát. Lũy đã bắt gặp được trong đôi mắt của Cúc Huyền một cuộc hẹn hò, không phải từ kiếp trước. Lũy muốn mình chết đi cho đôi mắt đó. Cúc Huyền chắc cũng đã biết như thế. Và Cúc Huyền phải biết, tình yêu đang làm Lũy lười biếng, say ngất ngư như leo lên rừng thông ngó xuống biển xanh. Lũy lấy một cánh tay ra khỏi đầu, chìa ngón trỏ vẽ thành tên Cúc Huyề vào một khoảng không tưởng tượng. Hạnh cười khúc khích:
- Cậu bắt chuồn chuồn à?
- Cậu bắt dì Cúc Huyền của cháu.
Hạnh nắm tay Lũy kéo dậy:
- Thôi, đi vào rừng thông không thì trưa mất. Buổi sáng cá ăn nhiều hơn buổi chiều. Này cháu đề nghị câu được con nào to nhất mình lấy củi đốt lên nướng ăn, mang về nhà uổng lắm. Cậu đồng ý không?
Lũy đứng lên, cười:
- Nhưng biết có câu được con nào không. Những người đang dại dột như cậu chả câu được cá. Vì cá chả bao giờ thèm rớ tới mồi.
Hạnh ngơ ngác:
- Cậu nói gì cháu không hiểu.
Lũy mỉm cười nhìn vào mắt Hạnh:
- Cháu có đôi mắt đẹp lắm. Lớn lên khối người mê đôi mắt cháu mà làm thơ.
- Cậu chuyên môn nói bậy.
Hạnh lườm Lũy và bỏ đi trước. Lũy lặng lẽ đi phía sau. Vừa đi Lũy vừa đá những bông cỏ dại cho rơi xuống đất. Lá thông từ mùa trước rơi vàng mặt đất. Lũy dẫm lên và nghe tiếng xương gãy nhẹ nhàng bên dưới. Rừng thông mênh mông đúng như lời Hạnh nói. Ði mãi, Lũy vẫn chưa thấy đâu là đâu. Có lúc Hạnh biến mất sau những cây thông to, chờ Lũy đi qua, ngơ ngác tìm mới hiện ra phía sau cười khúc khích.
Lũy đi thẳng nhưng Hạnh đã kéo tay lại nói:
-Không phải lối này. Lối kia cơ. Ði thẳng lên trên đó chỉ toàn gặp những người đốn củi, họ dữ ghê lắm.
- Chắc là có cả ông nội của Cúc Huyền?
Hạnh cười:
- Cháu không biết.
- Hôm nay chắc ông ấy phải đi đốn củi nữa chứ gì. Cháu gặp và nói chuyện với ông ấy lần nào chưa?
- Không có nói chuyện lần nào cả. Khi nào ra chơi với dì Cúc Huyền gặp ông trước cửa, Hạnh cúi đầu chào. Hình như ông ngủ gục nên không thấy ông cục cựa.
- Chắc ổng già quá nên lười biếng mở mắt, dù lúc ấy ông đang thức. Lũy và Hạnh cười khúc khích. Lũy không thể hình dung ra mẫu người của ông nội Cúc Huyền. Không thể hình dung được. Lũy chỉ đoán ông như một cây đa già hằng ngày cản lối đi của Cúc Huyền và cản trở những bước chân mai này của Lũy. Cúc Huyền hẳn phải sợ ông nội lắm. Hạnh thúc vào hông Lũy giục:
- Quẹo lối này cậu!
Lũy bước đi theo lời của Hạnh. Những con chim trong rừng thông hót say sưa như sóng biển ngoài kia. Bên lối mòn ngập xác lá, Lũy lại thấy một bảng đóng đinh vào thân cây, nét chữ đã phai hết.
Lũy hỏi:
- Họ viết gì thế Hạnh?
- Cháu cũng không rõ. Hình như dì Cúc Huyền biết. Cháu nhớ dì ấy có nói cho nghe một lần rồi mà cháu quên.
Lũy lườm:
- Sao lại quên. Cháu phải có bổn phận nhớ những gì Cúc Huyền nói.
- Dì ấy nói nhiều lắm, làm sao cháu nhớ hết được?
- Bắt buộc.
Hạnh nhăn mặt:
- Như thế chắc cháu phải vào nhà thương điên hoặc phải trở thành máy ghi âm.
Lối mòn dần thấp xuống. Ở đây cây lá cũng không cao, chỉ khỏi đầu Lũy một cái với tay, nên có lúc Lũy phải vẹt cành lá để dẫn Hạnh đi. Tiếng sóng biển nghe gần hơn. Lũy đã nhìn thấy bãi cát vàng ánh lên phía dưới. Lũy đứng lại thở nhẹ nhàng. Lũy muốn tiếng sóng sẽ chuyển đi vào trong mạch máu mình.
- Chói mắt ghê.
Hạnh vừa nói vừa lấy tay che mắt. Nắng đã lên cao trên mặt biển xanh, rọi lên sóng bạc và bãi cát, hắt ánh sáng chói gắt lên mắt. Tiếng sóng ì ầm và tiếng gió buộc hai cậu cháu nói lớn mới nghe được tiếng của nhau. Hạnh chỉ tay về phía những ghềnh đá nhô ra ngoài bờ biển:
- Mình phải leo lên trên chỗ ấy mới câu được.
- Cá trên đó nhiều chắc?
- Không phải ở chỗ nào cá cũng nhiều cả. Nhưng trên đó có chỗ ngồi, yên tĩnh. Ở đây cậu phải chạy ra xa ngoài mí cát thả cần được.
- Cậu bắt đầu mê những con dã tràng hơn câu cá.
- Cậu bắt suốt đời vẫn không được con nào.
Lũy dòm những con dã tràng chạy lao xao chung quanh chỗ đứng của mình. Ngó chúng dạn dĩ như loài cua đồng nhưng khi vờ đá một nhúm cát hay vờ đưa tay ra bắt là chúng chạy nhanh như tên, chui xuống hang sâu mất tăm.
- Còn ở đây lâu cậu sẽ đào hang bắt chúng.
Hạnh cười:
- Cậu đào suốt đời cũng chưa tới được hang.
Hạnh lại lôi Lũy đi. Lần này phải hì hục leo những ghềnh đá nhọn, có lúc tưởng như rướm máu đôi bàn chân. Hạnh nhanh như một con sóc, nó leo thoăn thoắt và chỉ cho Lũy những chỗ phải bám vào để leo lên được. Hạnh nói:
- Cậu vô tình, luôn luôn bám vào những chỗ mà dì Cúc Huyền thường bám. Nhưng dì Cúc Huyền leo nhanh hơn cậu nhiều. Cậu leo khờ ghê.
Lũy cười, nhìn những đám mây trên đầu đáp:
- Ừ. Cậu khờ ghê. Như những đám mây kia.
- Sao cậu biết mây khờ?
- Vì mây trôi lờ đờ.
Nói xong Hạnh khoái chí cười vang. Một lúc sau hai cậu cháu cũng leo lên được trên những ghềnh đá. Hạnh tìm chỗ ngồi bằng phẳng quen thuộc ngồi xuống. Lũy cũng ngồi xuống theo.
Hạnh nói:
- Cậu biết móc mồi không?
- Biết chứ. Nghề của cậu.
Hạnh tủm tỉm cười:
- Mồi câu dì Cúc Huyền ấy hả?
Lũy lườm:
- Cháu xạo.
- Cháu bắt chước cái miệng của cậu đó.
Lũy cốc cho Hạnh một cái. Hạnh rụt cổ lại, ném sợi nhợ câu xuống nước. Lũy vuốt dây cần câu của Cúc Huyền, tay Lũy chợt nhận ra những đường khuyết trên nhánh trúc lên nước láng bóng. Lũy nhìn những đường khuyết thấy một chữ “Huyền” khắc thật đẹp. Lũy ngó quanh quất tìm một mảnh nhọn của đá rơi rớt nhưng không thấy. Lũy nhìn xuống chân một vụn kính sáng loáng nằm yên ở đấy bao giờ. Lũy cầm vụn kính lên khắc bên cạnh chữ “Huyền” một chữ “Lũy” cũng đẹp không kém. Lũy ngắm nghía vụn kính không hiểu ở đâu nó rơi xuống chân mình, Hạnh bỗng nói:
- Cái đó do chiếc gương nhỏ của dì Cúc Huyền đánh rơi hôm trước.
Lũy lại để vụn kính lại y chỗ cũ. Ðưa cần câu có khắc tên Lũy cho Hạnh coi và hỏi:
- Hay không?
Hạnh xì một tiếng:
- Cậu Lũy thấy ghê. Chưa gì dám khắc tên mình bên cạnh tên của dì Cúc Huyền.
- Sao Hạnh biết “chưa gì”?
- Chứ còn gì nữa. Nếu đã “có gì” với cậu, dì Cúc Huyền không giận cậu, không từ chối đi chơi biển với cậu đâu.
- Hạnh còn bé con, chả biết gì hết trơn mà còn làm tàng. Tuy nói thế nhưng nỗi buồn cũng đến với Lũy. Những đám mây trắng, trôi trên nền trời tự nhiên trở buồn đột ngột. Lũy lặng lẽ móc mồi vào lưỡi câu thả xuống nước. Lũy không bao giờ nghĩ rằng, một chút nữa đây sẽ có một con cá nào đó đến ăn câu của Lũy. Từ trên ghềnh đá nhìn xuống mặt nước xanh sâu, Lũy thấy bóng mình chơ vơ, xiêu vẹo, thảm hại như một cái cây chết khô giữa bình minh, nắng đang lên. Một con cá bỗng ăn câu Hạnh, Hạnh giật lên và mừng rỡ như nhận được quà. Lũy nhìn vảy cá óng ánh bạc trong nắng chợt thấy mình không còn nỗi vui của Hạnh nữa, tuổi nhỏ đã chết và nguội lạnh như tro than trong hồn Lũy.
- Cừ không? Thế là cậu Lũy thua Hạnh rồi đấy nhé?
Lũy mỉm cười:
- Thì cậu thua cháu chứ sao.
Hạnh khoái chí cười hoài. Lũy cắm cần câu vào kẽ đá và nằm xuống, lót hai tay sau gáy nhìn lên trời xem những đám mây trắng đuổi nhau bay qua mặt biển, ở chỗ này lũ chim cát dạn dĩ hơn. Chúng không ngại bóng người nên bay đến hàng bầy và đậu chung quanh Lũy. Nếu chúng không bay chắc Lũy với tay ra là bắt hết được chúng. Những con chim cát dễ thương và xinh xắn kia, mi có hiểu cho lòng ta không. Mi có hiểu rằng ta đang buồn? Những con chim cát vẫn hồn nhiên ríu rít. Lũy nhắm mắt lại và muốn mình bình thản đi vào giấc ngủ giữa triều cao, biển xanh cùng sự bao la muôn trùng của rừng thông, của sóng gió. Hình như Hạnh vừa giật được một con cá bạc nữa. Lũy nghe tiếng reo của Hạnh mà không thèm mở mắt.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui