Lũy không đùa được nữa. Tự nhiên Lũy thấy chán ngán tất cả nơi này. Muốn đứng lên và bay khỏi một cách nhanh chóng. Cổng nhà hoa giấy kia là ngưỡng cửa mang hình bóng với màu áo của Cúc Huyền. “Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi”. Nắng ở đây, luôn luôn là màu nắng thu phai, nhưng chưa lần nào em đến bên tôi. Lũy bàng hoàng với trí nhớ, một buổi chiều nắng ngơ ngác trên đỉnh cây me thả vàng lá hai bên đường. Chiếc cầu bắc qua bên sông không phải là chiếc cầu biên giới nhưng sự chia cách nghìn trùng. Ngày mai, chuyến xe sớm nhất của thị trấn này, rời khỏi, mang theo Lũy. Cúc Huyền lúc đó, chắc đã dậy học bài bên cửa sổ ngó xuống hồ nhuốm hơi sương lạnh và chắc không hay Lũy đã về.
Anh về em chắc không hay
Như cây me ngả bóng dài buồn tênh.
Hai câu thơ đó của anh Hoán làm từ lúc mới xa chị Thục, Lũy nhớ và thuộc nằm lòng.
- Lũy buồn ngủ chưa?
- Ðêm trăng như thế này ai mà ngủ cho được.
- Chị pha thêm một bình trà nữa nhé.
Chị Thục đứng lên mang ấm trà. Lũy nhìn chiếc ghế bỏ trống tự nhiên nghĩ đến một bếp lửa tàn. Hơi ấm vừa tan đi theo vớI chân người, tro than đã đầy với sương giá lạnh. Lũy ngả người nghe mùi hương thoang thoảng của hoa dại. Chị Thục trở ra với một bình trà nóng. Chị nói:
- Hình như đêm khuya lắm rồi.
- Chị có buồn ngủ không?
Chị lắc đầu:
- Không buồn ngủ nhưng Lũy cũng đừng nên thức khuya.
- Hết bình trà này đi ngủ thì vừa.
- Thật nhé, chị vào với bé Hiền một chút.
Lũy im lặng nhìn theo bóng chị Thục khuất trên thềm cửa. Hình như chị cũng mang theo một ít bóng trăng vào nhà. Ðêm khuya dần với những tiếng động dưới cỏ, ánh trăng cũng hiu hắt thêm. Lũy rót trà vào tách, mùi thơm đã nhạt nhưng khói ấm làm Lũy thấy thích thú ngồI lại trong đêm. Lũy nhớ tới một khoảng vườn ở quê nhà, cũng một đêm như thế này, những tàu lá dừa chao, đổ bóng trăng trên mặt hồ nhỏ nuôi cá. Những đêm trốn ngủ, Lũy, chị Thục và vài người bạn trong xóm thuở ấu thơ bày trò chơi. Lũy trốn ở một nơi thật kín, nhìn rõ chị Thục ở bên ngoài. Nhưng lúc đó Lũy không tha thiết gì đến trò chơi, chỉ ngồi đó và lắng nghe những con chim trở lại trong đêm đập cánh xoành xoạch trên ngọn dừa hay kêu rời rã đâu xa. Lũy lượm đất ném xuống hồ để nghe lũ cá tưởng lầm mồi đớp bèo tung mặt nước. Lũy nhớ những con đường quen thuộc ở thành phố đó, những đêm đi chơi khuya về với anh Hoán. Tất cả bây giờ là mùi hương tưởng nhớ. Lũy tưởng những kỷ niệm qua là nằm im dưới chân đi của mình, bình thản theo thời gian mà mất tăm. Không ngờ đêm nay nơi chỗ ngồi xa lạ này, một mình, kỷ niệm lại kéo về đông đủ, làm Lũy bàng hoàng ngây ngất. Lũy đứng lên theo bóng trăng ra ngoài đường. Con đường vắng ngắt. Những mái nhà vàng trảI ánh trăng nằm hiu hắt dưới cây lá xanh đen. Gió biển thổi về lạnh sau gáy. Biển bây giờ chắc không có một người nào. Lũy đi dọc bờ hồ sang xóm nhà Cúc Huyền. Những ngôi nhà đóng kín cửa, không ai hay Lũy tới. Chỉ có Lũy và bóng trăng treo trên đỉnh trời. Qua khỏi nhà Cúc Huyền, Lũy tưởng mình sẽ nghe tiếng gọi từ phía sau. Tiếng gọi ăn năn và hoảng hốt của Cúc Huyền, nhưng cổng rào hoa giấy đỏ vẫn vô tình, những viên ngói nâu vẫn nằm thở sương khuya một cách vô tâm. Lũy đi vòng theo hồ. Hồ xa ngút mắt như mộng tưởng. Và Lũy ngồi xuống một bãi cỏ nhìn sang nhà Cúc Huyền. Hình như nơi cửa sổ, trên gác chỗ của Cúc Huyền có bóng đèn ngủ vàng đỏ. Lũy nghe rất rõ trong mạch máu mình những sợi máu ngọt ngào căng lên, chảy mạnh. Một chiếc xe ngựa lốc cốc từ cuối đường đi tới. Lũy ngạc nhiên nhìn cái bóng đèn đặc ấy hiện ra dần. Người xà ích như cũng bị lẫn vào bóng đêm chỉ có tiếng móng ngựa gõ dòn tan trên mặt đường và nghe như vọng lên từ đáy hồ. Một lúc cỗ xe ngựa đi qua và mất hút. Lũy ngồi ngắt những bông cỏ dại lấm tấm màu trắng nén xuống hồ. Ngày mai không còn Lũy ngồi đây nữa. Giã từ, Cúc Huyền nhé!
*
* *
Những con chim hôm nay bỗng nhiên dậy sớm. Tiếng hót của chúng cùng với gió biển đưa vào phòng, đánh thức Cúc Huyền dậy. Hồi đêm, thức hoài không ngủ được, đến khi chớp mắt Cúc Huyền quên tắt ngọn đèn học trên bàn. Bây giờ thức dậy ngỡ là ánh trăng trên bàn. Bây giờ thức dậy ngỡ là ánh trăng còn xuyên qua cử sổ. Tiếng chim hình như ở ngoài hàng cây ven bờ hồ đưa tới. Không biết vì tiếng chim rơi vào cái mênh mông bát ngát của hồ xanh hay hòa lẫn với gió và sương mai mà Cúc Huyền nghe như có một chút khác lạ. Gió biển khe khẽ vào cửa sổ, như theo mây báo hiệu ùa đông, vừa đủ lạnh để Cúc Huyền có những cảm giác ngơ ngác trước một đầu ngày mới. Sau một đêm thức dậy biết đâu trời đất đã sang mùa mà Cúc Huyền chưa hay? Cúc Huyền nhớ lại bóng trăng hồi đêm, nhớ lại bóng Lũy ngả trên bờ hồ. Ðêm khuya chỉ có mình Lũy và bóng trăng, chỉ có mình Cúc Huyền với nỗi buồn. Từ cửa sổ này xuống bên dưới chỉ một tiếng gọi khẽ thôi, Lũy đã nghe. Nhưng Cúc Huyền không gọi, không biết làm gì khác hơn là để cho những giọt nước mắt tự do rơi xuống những trang vở trắng, chưa bao giờ Cúc Huyền biết buồn như thế này.
Nỗi buồn như từ trong xương tuỷ mà ra, từ những thành ghế, đỉnh màn mà vào. Làm Cúc Huyền ngây chết, điên dại, lờ lững trước đêm tối xuống và bóng trăng lên. Cúc Huyền lo sợ cho ngày mai khi gặp lại My. Sợ My nhận ra từ trong đáy mắt Cúc Huyền những thay đổi, đã đánh mất sự hồn nhiên của mình. My ơi, làm sao còn được những ngày vui cũ như con chim cùng tổ? Tự nhiên Cúc Huyền lo sợ chỗ ngồi của mình trong lớp học, lo sợ tiếng phấn nghiến trên bảng đen, lo sợ cả những phiến mây trôi ngoài kia. Ðã hết một Cúc Huyền bé nhỏ, xinh tươi của bạn bè, của lớp học, của thị trấn này. Mùa mưa đã đưa Lũy đến. Làm chi vậy nhỉ? Cúc Huyền muốn xua đuổi Lũy ra khỏi thị trấn này, quên Lũy, xóa bỏ Lũy, để được trở về sự hồn nhiên cũ với My. Nhưng làm sao được bây giờ, có phải Cúc Huyền đã xa cách My rồi, có một chút tội lỗi với My rồi. Phải không?
Theo với tiếng chim, sương rơi nặng hạt trên cây lá. Phía bên kia bờ hồ, giữa một khoảng sương mù, Cúc Huyền thấy cây sứ nở bông trắng. Màu trắng của hoa sứ bất ngờ thấy được trong buổi sáng, giữa sương mù, ngỡ như những cô đơn. Cái đẹp tinh khiết và u buồn. Cúc Huyền ấp hai bàn tay lên mặt mình, nghe hơi ấm chuyền vào những sợi máu trên hai má. Sáng nay không chỉ có trời đất, cây cỏ thay đổi mà hình như có một cái gì thay đổi lớn lao hơn. Cúc Huyền không bật đèn ngủ để được ngồi trong bóng tối lờ mờ, nhìn sương mù lướt thướt kéo xuống cây lá bên ngoài. Những sợi dây điện ngu ngơ, buồn tênh, mắc những xác diều của tụi trẻ con từ những chiều hôm trước. Nơi cánh cửa sổ này cũng những ngày trước đó Cúc Huyền không hay những điều xảy ra bên ngoài. Mặt hồ vẫn xanh, khoảng trời vẫn mênh mông, cây lá vẫn hồn nhiên. Nhưng từ sáng tinh mơ của hôm nay, bất ngờ thay đổi hết, khi Cúc Huyền nhận ra những trang vở mở ra thật buồn. Cúc Huyền bối rối và lo sợ, tưởng như đang đứng trên bờ đá xanh cao ngó xuống giòng sông đang nổi sóng. Cúc Huyền không giải thích được những điều làm mình lo sợ, chỉ ngồi lặng thầm trong ghế.
- Cúc Huyền ăn bánh mì, sửa soạn đi học, má ra chợ nhé.
Cúc Huyền ngồi yên. Giọng của mẹ hơi to phía dưới chân cầu thang:
- Có nghe không?
Cúc Huyền giật mình đáp:
- Dạ nghe.
- Ông nội vẫn còn ở nhà đấy. Nếu đi trước nhớ dặn ông nội khóa cửa.
Tiếng chân của mẹ rời khỏi nơi đó. Cúc Huyền thấy mẹ đi ra cổng. Cái bóng của mẹ cũng lờ mờ như những chiếc lá rơi xuống đường.
Cúc Huyền rời khỏi ghế đi rửa mặt. Hình như ông nội ở sau vườn. Những tia nước làm da Cúc Huyền se lại. Một dúm tóc bị ướt xõa ra bên má. Cúc Huyền cầm lấy những sợi tóc kéo ra trước mặt, tự ngửi lấy mùi tóc mình, nghe hương tóc cũng buồn như một loài hoa vừa nở dưới chân thềm. Một cái tổ chim sẻ, hình như mới nở con trên mái nhà tắm. Cúc Huyền nghe những tiếng kêu rất nhỏ, run rẩy. Sáng nay thế nào cũng báo tin đó cho My biết, vì My thích nuôi chim sẻ con vô cùng. Cúc Huyền chỉ thích những con chim cát ngoài bãi biển. Ðôi cánh lấm tấm những điểm trắng của chúng, đôi chân hồng thật xinh xắn, đôi mắt thật tròn như hai viên cườm láu liên nhìn trời. Cúc Huyền yêu chim cát và những con dã tràng, cũng như yêu sự mênh mông của mình và tiếng sóng muôn trùng. Cúc Huyền nóng bừng mặt khi nghĩ tới Lũy, cũng có một ý nghĩ như mình. Lũy cũng yêu biển, yêu tiếng sóng muôn trùng đó. Lũy, tại sao sáng hôm nay tất cả nhũng gì Cúc Huyền thấy, hay nghĩ, cũng dính dáng tới Lũy? Có phải Lũy cũng như những giọt nước mắt thường rơi xuống lòng bàn tay mình hay không? Cúc Huyền trở vào ngṀi ở bàn. Chiếc bàn ăn duy nhất cũng là bàn tiếp khách, với những chiếc ghế trống. Cúc Huyền ngồi xuống chiếc ghế mình vẫn thường ngồi. Khúc bánh mì nhét trứng chiên với ly sữa hãy còn bốc khói. Ðó là phần ăn sáng thường nhật của Cúc Huyền, quen thuộc và thân thiết. Mỗi ngày trước khi ra chợ, mẹ vẫn để sẵn nơi bàn cho Cúc Huyền với một lời đánh thức quen thuộc, dù trong lúc đó Cúc Huyền đã thức dậy học bài. Trong lớp Cúc Huyền chỉ chơi thân có mình My, tuy bạn bè rất nhiều, nhưng đó, chỉ là những người không bắt Cúc Huyền phải có một ràng buộc nào. Ði và về, trên con đường mỗi ngày vẫn chỉ có mình My và Cúc Huyền. Tưởng sẽ không bao giờ trên con đường ấy có thêm một bóng hình khác. Tưởng ngày tháng sẽ chỉ như hạt bụi dưới chân, êm đềm phôi pha, và quên lãng. Nhưng từ một hôm cơn mưa về làm xanh lại những hàng cây trên những con đường, làm tươi lại màu rêu trên những mái nhà thị trấn, làm trong lại đáy hồ. Cơn gió nào đã đua người lạ mặt ấy tới, lờ lững, thu hút như vạt nắng chiều vàng ấm sau tà áo. Lũy! Lũy! Cúc Huyền gọi nhỏ tên Lũy để nghe cái âm vang đi suốt vào trong lòng. Cúc Huyền không thấy đói, bữa ăn sáng không còn cần thiết nữa. Cúc Huyền chỉ mang ly sữa lên bàn học, uống một vài ngụm rồi cũng thấy chán. Nắng đã ngó thấy được qua màu xanh ửng vàng của lá cây, mặt nước. Những cỗ xe ngựa ra bến làm rộn mặt đường. Khi sửa soạn bỏ sách vào cặp và thay áo dài đứng trước gương, Cúc Huyền mới nhớ hôm nay là chủ nhật. Sự sững sờ làm Cúc Huyền đứng chết trân như bức tượng. Có thể đãng trí như thế được sao? Cúc Huyền hốt hoảng thực sự khi nhìn những sợi tóc của mình bay bay bên má. Nếu My mà biết được chuyện này chắc nó cười mình chết đi được, và đằng nào cũng đổ thừa tại Lũy. Tại Lũy? Cúc Huyền mỉm cười một mình, tự thấy nụ cười của mình trong gương. Nghĩ tới Cúc Huyền sợ làm sao nếu Lũy tới phía sau lưng. Khi cởi những cúc áo dài, Cúc Huyền nhớ chắc chẳng bao giờ Lũy tới đây, đứng phía sau lưng mình, như đã hốt hoảng và lo sợ vu vơ. Áo dài đã mặc ba hôm rồi, kể từ buổi chiều Lũy đi theo trên đường về. Nơi vạt áo có mấy cọng cỏ may ghim từ bao giờ. Cúc Huyền ngồi xuống tẩn mẩn gỡ ra. Cỏ may trên đường không nhiều, nó ở sát hàng rào, nhưng hôm đó vì tránh Lũy mà Cúc Huyền đi bừa nên gặp cỏ may. Có nên nói điều này cho My biết không? Cúc Huyền mang chiếc áo dài ra ngòai giếng ngâm. Hôm nay phải dành một buổi để giặt đồ và phơi sách nếu trời có nắng.
Ông nội mới thấy ngồi ngoài vườn bây giờ đã đi đâu mất. Hay ông lại lên rừng thông với cây búa bén của ông rồi. Lúc nhìn bóng mình in trong đáy giếng, Cúc Huyền tưởng có những giọt nước mắt đọng quanh trên má mình, nhưng không, Cúc Huyền đưa tay lên sờ, chả thấy gì hết. Có lẽ vì cái tánh mau khóc, nên Cúc Huyền hốt hoảng thấy những giọt sương chưa tan mà tưởng rằng những giọt nước mắt đấy thôi. Giếng nhà Cúc Huyền đào trong mùa nắng, mùa mưa giếng đầy và sâu, nhưng vẫn trong suốt. Cúc Huyền vẫn hay gội đầu, giặt đồ bên giếng. My khen Cúc Huyền đứng bên giếng đẹp như một cành liễu. Nhà Cúc Huyền nằm giữa những nhà khác, từ nhà này ngăn nhà kia một cái vườn nhỏ và rào chung quanh thật thấp. Bọn con trai trong xóm thường lén ngắm Cúc Huyền khi ra giếng và bắt chuyện vu vơ. Cúc Huyền chả trả lời với ai cả. Tưởng ngày tháng vẫn êm đềm như tiếng gió trong rừng thông. Cúc Huyền vẫn vô tư như con chim sẻ buổi trưa xuống sân nhà kiếm thóc. Nào ngờ từ một buổi chiều tan trường về, gặp người lạ đi chung lối. Sáng ra nhìn những đám mây trời chợt thấy những đám mây buồn.
Cúc Huyền đo loanh quanh từ phía sau ra phía trước tìm ông nội. Không thấy ông đâu cả. Bây giờ Cúc Huyền mới biết chắc ông nội đã đi lên rừng thông. Mọi hôm, tưởng là ông nội đã đi lên rừng không ngờ lúc ra cổng lại thấy ông nội nằm trên bãi cỏ ngậm cái ống vố to ơi là to. Cúc Huyền vào nhà, đi loanh quanh một lúc định sang nhà chị Thục. Nhưng cứ đứng trước gương với chiếc áo mà rụt rè mãi. Bình thường Cúc Huyền muốn sang là sang, có khi quên cả gỡ tóc, nhưng bây giờ dự định làm Cúc Huyền lo lâu. Sợ đến một vạt áo gấp lại, một sợi tóc cháy khô. Sợ khi qua đến cổng rào người mở hỏi chuyện và bắt Cúc Huyền phải trả lời, chưa bao giờ Cúc Huyền thấy ai gan như Lũy. Những đứa con trai hàng xóm hay học khác trường cũng chỉ đi theo phía sau hỏi chuyện vu vơ rồi phóng xe chạy qua mặt là cùng. Lũy thì khác, Lũy làm cho Cúc Huyền phải lo sợ, hốt hoảng đến tái xanh mặt vì có cảm tưởng Lũy ở sát bên mình, đôi mắt nhìn sâu vào mắt mình, hơi thở quấn lấy tóc mình. Và có thể Lũy sẽ cầm tay Cúc Huyền giữ lại một cách bất ngờ. Ðừng Lũy ạ, có thể Cúc Huyền sẽ sợ mà ngất đi. Cúc Huyền không thích như thế.
Những con chim đã bay khỏi hàng cây vào ven hồ. Có lẽ chúng không còn thích thú nơi này nữa vì nắng đã lên và sương đã tan. Cúc Huyền đi lững thững trước sân nhìn nắng sáng chói trên màu lá ở xa. Cổng nhà Cúc Huyền giống cổng nhà chị Thục, có trồng hoa giấy đỏ. Ngày trước Cúc Huyền đã chiết một gốc hoa giấy cho Hạnh mang về ươm. Bây giờ hai cổng nhà hoa giấy um tùm như nhau. Hoa giấy yếu đuối như hương phấn, chỉ một cơn gió nhẹ thổi tới làm rụng cành cây. Hoa giấy trên cây rụng xuống tơi bời. Ngày thường, Cúc Huyền hay quét gom hoa giấy vào buổi chiều, thành đống rồi mang đổ lại gốc cây. Nếu đêm có mưa, sáng ra hoa giấy ngã sang màu tím thẫm. Nom buồn bã, không ngờ. Cúc Huyền quanh quẩn một lúc, trở vào khóa cửa lại sang nhà chị Thục. Vừa đi, Cúc Huyền vừa nói chính mình: "Cúc Huyền ạ, dù sao cũng nên bình tĩnh, không nên để những bước chân dẫm lên nhau". Cúc Huyền nghe đôi mắt mình ứa ra, sướt mướt, nhưng không khóc được. Chính vì không thể khóc được nên Cúc Huyền có cảm tưởng người mình mềm nhũn ra, như những hạt cát dưới chân. Một chiếc xe thổ mộ từ sau lưng Cúc Huyền chạy tới. Tiếng móng ngựa gõ trên mặt đường lốc cốc, đều đặn. Nhưng tự nhiên cũng làm Cúc Huyền hốt hoảng, tưởng như chiếc xe ngựa kia mang đến nơi nào một người thân ột chuyến đi xa.