Họa Quốc - Tập 1

Người áo tím ngay tức khắc quỳ sát đất: “Hoàng thượng thánh minh! Hồi bẩm hoàng thượng, Nghi vương chính là dùng chiêu này. Vì thế, hiện tại người trong toàn thiên hạ đều biết: Hóa ra Nghi vương bệ hạ cũng một lòng thầm thương trộm nhớ Hy Hòa phu nhân của nước ta, chẳng trách khi phu nhân còn sống, ngài lén lút đến Bích quốc mấy lần! Đến nay, khắp đầu đường ngõ phố đều lưu truyền một quyển thoại bản ‘Mộng hoa hạnh’, trong đó ám chỉ Hy Hòa phu nhân một đời làm chúng sinh điên đảo, có mắc mứu tình cảm với vô số đế vương khanh tướng, từ ngữ sinh động linh hoạt, cũng khá dễ đọc, vi thần mua một cuốn, hoàng thượng có muốn đọc không?”. Vừa nói, vừa rút một cuốn sổ bìa màu xanh lam từ trong người ra, trình lên trước mặt Khương Trầm Ngư.

“...”. Khương Trầm Ngư dán mắt vào ba chữ “Mộng hoa hạnh” viết xiêu xiêu vẹo vẹo trên bìa sách, mí mắt giật giật một hồi, cuối cùng gượng gạo đẩy nó ra, nói với Tiết Thái: “Chúng ta tiếp tục đi. Núi Hướng Dương cao chín mươi tư trượng thật à?”.

Tiết Thái gật đầu: “Đã từng cao hơn trăm trượng, nhưng gió sương ăn mòn, bây giờ thành thấp như vậy”.

Người áo tím thấy không có ai đếm xỉa đến lời mình nói, đành hụt hẫng cất cuốn sách đi, ngoan ngoãn tìm chỗ ngồi xuống.

Di Phi sán lại, vỗ lên vai y, ra chiều thần bí nói: “Chỗ ta còn bản chưa bị cắt xén, có đọc không?”.

Người áo tím giật thót người, vội vàng nhìn sắc mặt Khương Trầm Ngư, thấy nàng thần sắc bình thường, có lẽ là không nghe tháy câu ban nãy, bấy giờ mới an tâm, cũng không nói gì, chỉ thò tay ra dưới gầm bàn.

Di Phi chớp chớp mắt, giơ một ngón tay lên: “Một quyển một trăm lượng...”.

“Ngươi...”.

“Chê đắt à, thế thì không bán nữa”. Di Phi nhướng mày, quay người ra vẻ định bỏ đi.

Người áo tím vội vàng kéo gã lại, không lằng nhằng nhét một thỏi bạc cho gã.

Di Phi cười hì hì, cũng rút một cuốn sách từ trong người ra. Tất cả đều phát sinh dưới gầm bàn thần không biết quỷ không hay - nhưng không lọt qua nổi cặp mắt của Tiết Thái.

Đầu mày của hắn cau lại càng chặt hơn, cuối cùng trừng mắt nhìn Khương Trầm Ngư, hạ giọng nói: “Bọn họ làm bậy như thế, hoàng thượng cũng không quản?”.

Khương Trầm Ngư mỉm cười, dễ tính nói: “Đấy là bản tính của con người, cấm cũng không được, cứ mặc họ”.

Tiết Thái nhìn nàng chăm chú một lúc, “hừ” một tiếng, bất mãn nói: “Chẳng qua hoàng thượng nghe Hách Dịch không thành thân, cho nên tâm trạng vui vẻ mà thôi...”.

Vì giọng nói của hắn thực sự rất nhỏ, nên nhất thời Khương Trầm Ngư chưa nghe ra: “Hả? Ngươi nói cái gì?”.

“Không có, thần chẳng nói gì cả”. Tiết Thái không nói gì nữa, lại vùi đầu vào đống sổ sách, không ngẩng đầu lên nữa.

Tuyết bên ngoài rơi càng lúc càng lớn.

Nháy mắt đã lại đến giao thừa.

Tân Dã đã lên bốn tuổi, nhưng vẫn chưa biết nói, tính cách cũng khá hướng nội, hay ngồi một mình ngẩn ngơ, nhìn không có vẻ gì là hoạt bát nhanh nhẹn, khiến một đám cung nhân lo lắng đến chết đi được.

Sáng sớm ngày giao thừa, Khương Trầm Ngư đã đến tẩm cung của thái tử, đích thân mặc quần áo cho nó. Tuy nó phát triển chậm về các phương diện khác, nhưng vóc dáng lại lớn rất nhanh, khuôn mặt đều tập trung hết những ưu điểm của Chiêu Doãn và Họa Nguyệt, vô cùng vô cùng tuấn mỹ. Rất nhiều người già trong cung nói, thậm chí còn đẹp hơn cả Tiết Thái năm xưa. Vì thế, khi chọn xiêm y cho nó, nàng cũng dụng tâm: Một chiếc áo bông nhỏ, mặt ngoài là hoa vàng nền đỏ, thêu hoa văn chìm hình con rồng vàng nhỏ bốn móng, mặt trong nụ hoa màu hồng phấn trên nền màu vàng mơ, cổ áo và tay áo đều chần một vòng lông chồn màu trắng như tuyết, làm nổi bật gương mặt nhỏ ngây thơ, đáng yêu không tả xiết.

Khương Trầm Ngư nhìn rất thích, không kìm được bẹo má nó: “Trắng như đánh phấn tạc ngọc, chính là nói con đó”.

Tân Dã giương đôi mắt to tròn, đen láy như sơn, nhìn nàng không chớp mắt, ngũ quan vô cùng thanh tú nhưng biểu cảm vẫn đờ đẫn, cũng không biết nghe có hiểu không.

Khương Trầm Ngư thầm thở dài trong lòng, đội mũ lên cho nó rồi nắm tay nó nói: “Đi thôi. Hoàng di dẫn con đi cắt mai”.

Cái gọi là cắt mai là một tập tục mới thịnh vài năm gần đây, trước đêm trừ tịch, cắt một cành hoa mai vùi xuống đất, ngụ ý “cắt bỏ vận xui, để điềm gở quay về với cát bụi”.

Trong cung vốn không có mai đỏ, nên đã đặc biệt trồng mấy cây bên ngoài Ân Phái cung.

Sau khi xưng đế, Khương Trầm Ngư đã chuyển đến Cảnh Dương điện, nơi ở cố định của hoàng hậu các đời - Ân Phái cung bị bỏ trống. Lúc bấy giờ đi đến trước Ân Phái cung không người ở, thấy các cung nữ thái giám đã chuẩn bị xong xuôi từ lâu, đang đứng chờ dưới gốc cây. Trong cảnh tuyết trắng giăng trời, mấy cây mai ngạo nghễ bung cánh nở, từng đóa từng đóa đỏ tươi, phong cảnh cực kỳ trang nhã.

Cung nữ bê một chiếc khay bằng gỗ mun lên, vén lớp khăn nhiễu điều ra, bên trên có đặt một cây kéo mới, trên kéo còn buộc dây tơ bảy màu. Màu sắc của dây tơ này cũng được chọn cẩn thận, xanh xanh đỏ đỏ, nhìn rất vui mắt.

Thái giám giữ thang thật chắc chắn, Khương Trầm Ngư cầm kéo bước lên thang.

Kể ra thì đây thực chất là một phong tục rất đáng ghét, đặc biệt là nhát kéo đầu tiên của mỗi năm đều phải do hoàng thượng đích thân cắt, hơn nữa cây mai càng cao càng tốt. Nghi quốc và Yên quốc thì không sao, hoàng đế đều là nam, nhưng đến Bích quốc và Trình quốc, hai vị nữ vương đều đau đầu nhức óc vì nó.

Năm ngoái Khương Trầm Ngư giẫm lên váy khi trèo thang, suýt chút nữa thì ngã, vì thế năm nay nàng đã đổi sang mặc Hồ phục khi cưỡi ngựa, đi giầy thúc ngựa để trèo thang, quả nhiên không bị chật vật như năm ngoái.

Nhất thời trong lòng đắc ý, nàng trèo đến bậc thang cao nhất xong, nhón gót kiễng lên cắt cành mai cao nhất.

Phía dưới tiếng hoan hô của mọi người vang lên.

Khương Trầm Ngư cúi đầu nhìn Tân Dã, lắc lắc cành mai trong tay, kết quả thanh gỗ chắn ngang dưới chân bị gãy làm đôi, nàng lập tức chới với, rơi xuống.

“Hoàng di...”. Một giọng nói non nớt vang lên đầu tiên. Những người khác bấy giờ mới kinh hoảng hò hét, lũ lượt chạy đến cứu giúp.

“Hoàng thượng, hoàng thượng không sao chứ?”.

“Hoàng thượng, hoàng thượng sao rồi? Ngã có đau không?”.

Khương Trầm Ngư bị mọi người vây quanh, nhưng cũng chẳng buồn để ý đến cái chân bị trẹo lúc ngã, vội vàng đẩy mọi người ra, khập khiễng đi đến trước mặt Tân Dã, giọng run run nói: “Tân Dã, vừa nãy là con... gọi ta phải không?”.

Trong đôi mắt to của Tân Dã vẫn còn sót lại vẻ sợ hãi, sau đó, nó nhào đến ôm chặt nàng, òa lên khóc.

Khương Trầm Ngư sững người ra một lúc, sau đó ngồi xuống, ôm lại nó, nói: “Tân Dã, hóa ra con biết nói! Tốt quá rồi! Thật sự tốt quá! Gọi lại một lần nữa đi!”.

“Hoàng di...”. Giọng nói sợ sệt, vì trước đó chưa từng nói nên nghe lại càng cứng nhắc.

Nhưng Khương Trầm Ngư lại giống như được nghe thứ âm thanh tuyệt vời nhất thế gian, vui đến phát khóc, nói: “Tốt quá rồi... tốt quá rồi... Tân Dã! Tốt quá rồi...”.

Tân Dã không bị câm điếc, cũng không bị chậm phát triển trí tuệ, nó biết nói, hơn nữa, câu đầu tiên lại là gọi nàng.

Khương Trầm Ngư bỗng cảm thấy tất cả nỗi đau mà Khương Họa Nguyệt mang đến cho nàng, khoảnh khắc này, toàn bộ đều được đền bù nhờ Tân Dã.

“Tân Dã, ngoan lắm, ngoan lắm...”.

Nàng hạnh phúc đến mức rơi lệ.

Biết làm sao được, hoa rơi rụng. Như từng quen biết yến quay về[1].

[1] Hai câu trong bài từ “Hoán khê sa - Nhất khúc tân từ tửu nhất bôi” của nhà thơ đời Tống Yến Thù (991 - 1055).

Một khi đã yên ổn, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, nước chảy mây trôi, nháy mắt là đã qua hai năm.

Năm Lê Yến thứ năm, ông trời rốt cuộc không còn đối xử ưu ái với con người như trước nữa.

Đầu tiên là tháng tư khai xuân, Khương phu nhân cả đời sống trong những lời dối trá đã kết thúc cuộc đời một cách bình yên trong giấc ngủ ngàn thu. Khương Trầm Ngư đương nhiên đau đớn vạn phần, cử hành tang lễ rất long trọng cho mẫu thân. Khương Trọng không quay về Khương phủ, mà chọn cất một ngôi nhà nhỏ bên cạnh mộ phần của vợ mình, ngày ngày câu cá trồng hoa, sống cuộc đời ẩn dật.

Đến khi vào hạ, ôn dịch bùng phát, chỉ trong chưa đầy hai tháng ngắn ngủi, đã lây nhiễm bảy tòa thành trì chủ yếu trong vùng Hàn Cừ, Hán Khẩu, mỗi ngày đều có đến hơn trăm người chết vì dịch bệnh.

Khương Trầm Ngư cử liền bảy mươi đại phu dược sư đi theo quân đội đến bảy thành, nhưng không khống chế được dịch bệnh, cuối cùng, trên triều đường, Tiết Thái xin được đích thân đi thị sát tình hình dịch bệnh.

Khương Trầm Ngư đắn đo rất lâu, cuối cùng đồng ý.

Chuyến này Tiết Thái đi liền nửa năm.

Trong nửa năm, Khương Trầm Ngư chỉ có thể dựa vào những tấu sớ chuyển đến chuyển đi và những lời kể vắn tắt của Thất tử để biết được tin tức của Tiết Thái.

Nghe nói, đầu tiên hắn đến thành Hàn Cừ, chạm trán Giang Vãn Y ở đó. Sau khi vào thành, hắn không đi thăm bệnh nhân bị nhiễm bệnh trước, mà tuần sát quanh thành một vòng, cuối cùng phát hiện nguồn nước trong thành Hàn Cừ bị ứ đọng lâu năm, bùn đất tích tụ khiến nguồn nước ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Vì thế, bắt đầu cho thợ nạo vét kênh ngòi.

Đồng thời, lập ra Lục Tật quán, cách ly toàn bộ những người bị nhiễm bệnh. Việc này dẫn đến sự phản đối gay gắt, cho rằng hành động đó là bất nhân.

Tiết Thái chẳng nói chẳng rằng, vứt hết những người phản đối vào trong Lục Tật quán này, từ đó tất cả im bặt, không còn người nào dám phản kháng.

Về sau, hắn còn thi hành một loạt các biện pháp như “xây Lậu Trạch viên để chôn thi thể những người nhiễm bệnh”, “phàm những người chôn được một trăm người chết dịch thì được thưởng mười lạng vàng để khích lệ”, cuối cùng, trước sự nỗ lực của hắn và Giang Vãn Y, đến mùa đông, ôn dịch coi như đã được giải quyết. Khi số người chết mỗi ngày một ít đi, gần vạn người còn sống sót sau khi uống thuốc do GiangVãn Y điều chế, thì một bi kịch chấn động đã xảy ra...

Tiết Thái đã bị nhiễm bệnh.

Vô phương cứu chữa.

Mà khi hắn tự biết bệnh của mình không thể chữa được, hắn chỉ nói một câu: “Ta đứng đầu bách quan, phải lấy làm gương”. Bèn chủ động chuyển vào Lục Tật quán, không ra ngoài nữa.

Khương Trầm Ngư ở đế đô nghe được tấu báo trên buổi chầu sớm, lập tức bật dậy khỏi ngai vàng, mặt không còn giọt máu, sau đó bệnh ở mắt tái phát, trước mặt tối sầm liền ngất đi.

Văn võ khắp triều kinh hãi hoảng loạn.

Khi Khương Trầm Ngư tỉnh lại, tức khắc hạ chỉ đến thành Hàn Cừ, mặc kệ quần thần ra sức phản đối, dẫn theo Phan Phương và thị vệ thiết thân. Một đoàn hơn trăm người cưỡi khoái mã ngồi khinh xa đến thành Hàn Cừ.

Khi nàng đến Hàn Cừ đã là mười ngày sau.

“Thảo dân Giang Vãn Y, tham kiến hoàng thượng”. Giang Vãn Y và các quan viên nghe tin đến ngoại thành tiếp giá, đang định quỳ lạy thì Khương Trầm Ngư đã tóm cánh tay hắn, kéo lên.

“Tiết tướng đâu?”.

“Tiết tướng vẫn ở trong Lục Tật quán...”. Giang Vãn Y còn chưa nói xong, Khương Trầm Ngư đã hạ lệnh: “Đưa trẫm đến Lục Tật quán”.

Hắn còn chưa kịp nói gì, mười mấy quan viên lớn nhỏ bên cạnh đã lũ lượt quỳ xuống nói: “Không được đâu! Hoàng thượng thân thể ngàn vàng, tuyệt đối không thể đi tới đó! Nếu đến hoàng thượng cũng bị lây nhiễm, thì biết làm thế nào?”.

Khương Trầm Ngư không thèm nhìn bọn họ, chỉ nhìn thẳng vào mắt Giang Vãn Y: “Sư huynh, huynh dẫn ta đi!”.

“Hoàng thượng...”.

“Sư huynh”. Khương Trầm Ngư bỗng chốc hét lên, đồng tử co lại, gương mặt đầy vẻ kiên nghị: “Lẽ nào trẫm tạm gác quốc sự ngàn dặm xa xôi chẳng ngủ chẳng nghỉ đến đây là để nhìn thấy một đám các ngươi khóc lóc sao?”.

Câu này quả thực quá mạnh mẽ, Giang Vãn Y không có cách nào phản bác, cuối cùng, đành thở dài một tiếng, nói: “Được rồi. Xin hoàng thượng theo thảo dân”.

Thế là, cuối cùng Khương Trầm Ngư đã đến trước Lục Tật quán.

Đó là một khu nhà trệt nằm ở ngoại ô hẻo lánh, vì gấp rút xây dựng trong thời gian ngắn, nên cực kỳ đơn giản sơ sài. Bốn bề trống trải, đến cây cối cũng chẳng có. Gió đông thổi ù ù, quạ kêu “quà quạ”, trong tích tắc mắt Khương Trầm Ngư cay xè.

Giang Vãn Y đưa cho nàng một viên đan dược, nói: “Để đề phòng, xin bệ hạ uống viên thuốc này”.

Khương Trầm Ngư nhận lấy, thái giám bên cạnh đang định thử thuốc thì nàng đã uống hết, nhảy xuống xe chạy về phía cửa lớn, khoảnh khắc này, nàng quen mất mình là hoàng đế của Bích quốc, là nữ tử quý tộc đi không lộ chân cười không lộ xỉ, nàng chỉ dùng tốc độ nhanh nhất của mình, dồn toàn lực để chạy, vừa chạy vừa kêu: “Tiết Thái! Tiết Thái!”.

Thế nhưng, cánh cửa của Lục Tật quán vẫn đóng im ỉm.

Khương Trầm Ngư đập cửa: “Tiết Thái! Tiết Thái! Người đâu, mở cửa cho trẫm! Mở cửa ra!”.

Đám thị vệ đi cùng mặt đầy vẻ do dự.

Khương Trầm Ngư nổi giận: “Các ngươi dám kháng chỉ?”.

Thị vệ vội vàng đi lên phía trước, đang định đẩy cửa, một giọng nói trong trẻo, đanh vang, rõ ràng từ bên trong vẳng ra ngoài: “Không được vào trong”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui