Hoa Vàng Mấy Độ

- Anh nghĩ nếu bác có gì, dì em đã nói rồi. Chắc ba em bị ngất đi thôi.
Lam Uyên thở dài, lời lý giải của Quang vẫn không làm cô an tâm, nhưng dẫu sao có anh kề bên vào lúc nầy Uyên thấy mình vẫn bình tĩnh hơn, vì được chia sẻ, an ủi. Mặc cho Quang lo gởi xe, Lam Uyên chạy ào ào về phía phòng cấp cứu. Cô gặp Kiều Mai ngồi như mất hồn trên băng ghế đôi.
- Ba con sao rồi ?
Kiều Mai mệt mỏi :
- Vẫn còn chưa tỉnh, nhưng bác sĩ nói…
Thấy bà ngập ngừng, Lam Uyên sốt ruột, cô gắt lên :
- Nói thế nào hả dì ?
- Ba con có thể bị á khẩu và liệt nửa người.
Lam Uyên thấy miệng khô đắng. Với ba cô, sống như vậy thà chết còn sướng hơn. Là người năng nổ hoạt động, bây giờ phải nằm vô hồn như xác chết thì sao ông chịu nổi. Cơn nghẹn bùng lên làm Uyên nặng ở ngực, cô thèm hét to, khóc lớn cho vơi. Nhưng Uyên biết mình không thể khóc với bà Kiều Mai được, vì giữa cô và bà ta hầu như chưa bao giờ có sự đồng cảm. Ngay cả lúc khổ như vậy, Uyên cũng không muốn nhận được sự chia sẻ, vỗ về nào từ bà dì ghẻ nầy. Cô rất ghét bà ta. Lặng lẽ quay ra, Lam Uyên đụng phải Quang. Mắt cô nhòa đi, chẳng cần suy nghĩ, Uyên gục đầu vào ngực anh và khóc như con nít.
Dìu cô lại chiếc ghế dài gần đó, Quang ân cần lau mặt cho Uyên. Anh thấy mình có quyền hy vọng – Trái tim cô ta bằng bột, và anh sẽ nắn được nó theo ý mình.
Chắc chắn là như vậy. Đang say sưa với gương mặt đẹp tựa vào ngực mình và đang say sưa với những suy nghĩ bất ngờ, Quang chợt bừng tỉnh vì một giọng đàn ông nóng nảy :
- Ba ra sao rồi ?
Lam Uyên cũng giật mình nín khóc. Cô nghe dì Mai trả lời, rồi tiếng Hưng quát lên :
- Nếu ba tôi có mệnh hệ gì, tôi không tha cho bà đâu. Đồ tham lam độc ác.
Uyên ngạc nhiên đến ngẩn ra khi nghe Hưng lớn tiếng như thế. Đây là lần đầu tiên anh xưng tôi và gọi dì Mai bằng bà, và cũng lần đầu cô thấy anh giận đến mức độ tái tím mặt.
Tại sao Hưng lại… hỗn hào với bà ta như vậy? Và tại sao dì Mai im re ngồi gục mặt thế kia. Nếu bà ta không có lỗi chắc chắn Lam Uyên đã được nghe cái giọng chua ngoa kia lên tiếng rồi.
Mãi nhìn cái dáng ủ rũ của Kiều Mai, Lam Uyên không để ý người đàn ông đứng kế Quang, khi nghe giọng quen quen vang lên cô mới quay lại, vừa lúc Quang đang lịch sự, bắt tay người ấy.
Anh ta nhìn cô nhưng nói chuyện với Quang :
- Ít có thủ trưởng nào quan tâm tới nơi, tới chốn nhân viên của mình như anh. Bởi vậy, những lời khen của ba tôi về anh thật đáng giá.
Môi Lam Uyên mấp máy :
- A…n….h … Duy. Anh đi đâu vậy ?
Đúng là Duy – Anh mỉm cười với cô :
- Anh theo Hưng vào xem bệnh tình của bác trai thế nào. Em vẫn khỏe chứ Lam Uyên ?
Lam Uyên khẽ gật đầu. Tự dưng cô ngồi xích ra một chút và ngượng ngùng khi thấy ánh mắt chăm chú của Duy trông ấm áp thân tình hơn lần gặp đầu tiên rất nhiều. Không ngờ anh lại là bạn anh Hưng và là người đưa Uyên vào làm ở xí nghiệp nầy.
Quang chợt lên tiếng :
- Anh đối với bạn bè cũng thâm tình vô cùng. Tôi chưa được biết anh Lam Uyên.
Duy giới thiệu ngay khi Hưng bước tới :
- Đây là anh Quang, người phụ trách cơ sở Lam Uyên đang làm việc, cánh tay đắc lực nhất của ba tao hiện nay đấy Hưng.
Gượng cười bắt tay Quang, Hưng nói :
- Chắc Lam Uyên đã phiền anh đưa nó đến đây. Thật mất công.
- Đừng nghĩ như vậy. Đây là chuyện đáng phải làm mà. Điều cần thiết nhất là sức khỏe của bác trai.
Duy chợt nhớ ra :
- À, bệnh viện nầy tao có quen. Mầy theo tao.
Lam Uyên đứng dậy, nhưng Hưng đã bảo :
- Em ở lại đây hay hơn.
Khẽ gật đầu chào Quang, anh hấp tấp bước theo Duy. Uyên rầu rĩ nhìn hai người khuất ở cuối hành lang rồi quay lại nói :
- Để em ở đây với ba. Anh về được rồi, không thì mọi người tìm anh đó.
Quang thân mật vén sợi tóc xõa trên trán Uyên, giọng trầm xuống :
- Không bên cạnh em lúc nầy, anh thấy bất an, nhưng công việc thiếu anh cũng khổ vì chả ai giải quyết. Tạm thời em cứ nghỉ để lo cho bác. Chiều anh sẽ vào thăm xem tình hình bác ra sao.
Lam Uyên chớp mắt :
- Không cần phải mất công anh như vậy đâu. Anh làm em ngại.
- Để em hiểu lòng anh, anh sẽ làm tất cả vì em, cho em, cô bé ạ.
Quang nắm tay cô bóp nhẹ, Uyên khó chịu vì thấy anh…thừa thắng xông lên lộ liễu quá, nhưng cô vẫn để mặc làm anh ta cụt hứng lúc nầy chả lợi lộc gì cho cô hết. Nhưng rồi cô cũng sẽ cho anh ta biết Lam Uyên không phải là con búp bê cho anh ta nựng đâu. Tạm thời cứ giả đò như thế.
Không tiễn Quang, Lam Uyên đợi anh đi.
Lam Uyên đợi anh đi xa mới quay lại hỏi :
- Dì đã làm gì để ba ra nông nỗi nầy ?
Kiều Mai cười khẩy:
- Đúng là ngậm máu phun người. Sáng nay con đã làm gì ba, sao bây giờ lại hỏi dì.
Lam Uyên ứ nghẹn cổ cố kiềm chế :
- Nếu nguyên nhân là con thì khi anh Hưng nói những lời vừa rồi, dì đâu im lặng như thế.
- Hừ, tôi giữ thể diện cho cô trước hai thằng đàn ông ấy để bây giờ cô hỏi ngược lại tôi hả đúng là phường mất dạy.
Lam Uyên tức muốn nổ đom đóm mắt. Nhất định cô sẽ hỏi Hưng cho ra tại sao anh mắng bà ta như vậy. Uyên biết có nhiều điều anh hai giấu mình, Hưng sợ tính cô xốc nổi, nếu có điều gì phật ý cô sẵn sàng làm xào xáo , hơn nữa ngôi nhà từ lâu đã có sự rạn nứt giữa tình cha con vì một người đàn bà. Nhưng hôm nay ba cô đã ra thế nầy, anh không giấu được Uyên nữa đâu.
Hất cái cằm bướng lên, Uyên trả miếng :
- Đợi anh hai ra, chúng ta sẽ ba mặt một lời xem ba đổ bệnh vì ai.
Kiều Mai đanh đá :
- Đúng là có hiếu, ba cô vừa nằm xuống chả biết sống chết, nặng nhẹ ra sao anh em cô đã tìm cách gieo tiếng xấu để tống tôi đi. Ông ấy mà thiếu tôi thì sống không nỗi đâu. Ông từng nói con cái với ông không nghĩa lý gì hết mà.
Dù chưa hiểu Kiều Mai khích mình, Lam Uyên vẫn không ngăn được sự buồn bực và ganh tỵ đang dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Từ trước đến giờ Kiều Mai chưa khi nào dám vỗ ngực như vậy với anh em Lam Uyên. Vào thời điểm nầy bà ta huênh hoang như vậy chắc chắn phải có lý do, trong lý do đó lợi thế hẳn nghiêng về phía bà ta.
- Ai là Kiều Mai? Mời vào thăm bệnh.
Lam Uyên chạy vội về phía phòng cấp cứu. Vừa định chen vô, cô y tá đã chận lại:
- Ông Trí đòi gặp vợ ông thôi.
- Nhưng tôi là con gái ông.
Nhìn Uyên bằng cái nhìn dửng dưng, cô ta dứt khoát :
- Chỉ một người vào thăm, và ông Trí yêu cầu được gặp vợ. Rõ chưa?
- Ba tôi…. nói chuyện được hả ?
- Dĩ nhiên! Ông còn sống mà.
Không giận câu trả lời khó nghe của người y tá, Lam Uyên thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng liền tức thời, cô khổ sở khi nghĩ ba giận nên chẳng muốn thấy mặt mình…. điều nầy chứng tỏ ông cần dì Mai hơn cô.
Nước mắt Lam Uyên lại rơm rớm. Cô ngồi gục đầu xuống thảm bại :
- Lại khóc nữa rồi à ? Trông em đâu giống mít ướt.
Lam Uyên gượng cười hỏi Duy :
- Anh hai em đâu ?
- Anh Hưng vừa chạy đi mua thứ thuốc hơi hiếm mà bác sĩ yêu cầu.
- Ba em tỉnh rồi và đã nói chuyện được chắc không sao đâu hở anh ?
Duy ngập ngừng :
- Lúc nãy anh có mượn bệnh án, bác trai bị liệt nửa người.
Uyên hốt hoảng :
- Anh nói sao? Liệt nửa người à ? Thật em không bao giờ nghĩ tới.
Duy an ủi :
- Nhưng bệnh tình của bác chưa phải nặng. Người ta có thể dùng vật lý trị liệu để chữa chạy. Còn sống là còn hy vọng phục hồi mà.
Phòng cấp cứu mở rộng cửa. Lam Uyên và Duy hấp tấp chạy tới khi thấy y tá đẩy băng ca ra. Nhìn thấy Uyên, mặt ông Trí tươi lên, cô chạy theo kế bên mà mủi lòng khi thấy ông khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi đó cho biết ông không hề giận Lam Uyên, nhưng tại sao lúc nãy ông đòi gặp một mình bà Mai, lúc nầy Lam Uyên không còn tâm trí để thắc mắc nữa.
Lúc Duy phụ với hai người y tá khiêng ông Trí qua giường bệnh, bà Mai kéo cô ra và nói bằng giọng ngọt như đường :
- Con ở đây lo cho ba, dì phải đi công việc gấp, ba con ra lệnh cho dì tức thời đó.
Lam Uyên nói khẽ nhưng rất sắc :
- Vậy thì dì cứ làm theo lệnh ấy đi.
Bà Kiều Mai cười nhạt như thách thức rồi bước về phía ông Trí nằm :
- Anh an tâm ở đây với các con. Em sẽ về ngay khi xong việc.
Quay sang Duy, bà nói :
- Cháu chịu khó giúp con bé Uyên một tí, nó còn khờ nhiều thứ lắm.
Anh sốt sắng :
- Dì đừng lo! Cháu rảnh suốt ngày mà.
- Vậy thì tôi yên tâm, thằng Hưng có được người bạn tận tình như cháu thật là quý hóa quá.
Ngồi xuống nắm tay ba, Uyên thấy cay xè đôi mắt, mới từ sáng đến giờ thôi mà trông ông già đi hàng chục tuổi.
Ông mấp máy đôi môi khô :
- Ba thành người phế nhân rồi! Trời ơi!
Lam Uyên đau lòng đến mức không biết phải nói sao, Duy vội vàng lên tiếng:
- Bác đừng vội bi quan. Bệnh của bác không nặng tới mức nằm bất động đâu. Cần kiên nhẫn và cố gắng tập luyện bác sẽ đi đứng trở lại bình thường như xưa.
Hưng bước vào với hộp thuốc trên tay. Anh thở phào khi thấy ông Trí đã tỉnh. Khác với thái độ nóng nãy lúc gặp bà Kiều Mai, Hưng bình tĩnh nói :
- Ba cứ an tâm nghĩ ngơi. Công việc của ba, con sẽ gánh vác, con sẽ giúp dì Mai một tay, chớ không tiếp tục việc đang làm ở trung tâm điện tử của Đại Học Tổng Hợp nữa.
Ông Trí mở mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà không ừ hử gì cả. Hưng nhíu mày rồi nhanh chóng quay sang hỏi nhỏ :
- Dì Mai đâu ?
Lam Uyên đáp :
- Đi công việc gì đó cho ba rồi.
Hưng bảo :
- Em về nhà soạn cho ba vài bộ quần áo, bình thủy nước, vật dụng cá nhân và đem vào đây ngay.
Duy vội lên tiếng :
- Để tao đưa Lam Uyên đi cho nhanh.
Hưng gật đầu, anh vỗ vỗ vào vai Duy với vẻ biết ơn. Lam Uyên lẽo đẽo theo sau anh, lòng trống rỗng. Ba cô nằm một chỗ, gánh nặng sẽ đè lên vai anh hai cô, còn Kiều Mai, chắc gì bà ta còn tử tế để dịu dàng chăm sóc, lo lắng từng ly từng tí như khi ba cô còn mạnh khỏe.
Linh cảm cho Lam Uyên biết việc ba cô ngã bệnh chắc chắn vì ông lo điều gì đó từ phía Kiều Mai. Người đàn bà ấy có đời nào yêu thương ông thật tình như lâu nay ông vẫn tưởng đâu.
Duy vòng chiếc Win tới chỗ Lam Uyên đứng đợi. Anh mỉm cười với cô. Nụ cười nầy làm Uyên nhớ lại lần đầu gặp Duy trong quán. So với hôm đó, bữa nay trông Duy năng động hoạt bát và dễ gần gũi hơn nhiều. Hôm ấy anh nghiêm nghị lạnh lùng, vì có lẽ kế bên anh là bà vợ tương lai vốn dòng họ Hoạn.
Lam Uyên lên ngồi sau lưng anh và nói :
- Thật là phiền, nếu như chị Nga thấy anh làm việc thiện không công như vậy.
Duy nhún vai :
- Anh chỉ thấy phiền khi Uyên đưa ra giả thuyết nầy thôi. Một giả thuyết thật sự làm anh khó chịu.
- Em hiểu sự khó chịu đó của anh. Vì nói thật dễ mích lòng lắm. Em thà làm mích lòng anh còn hơn nơm nớp trong bụng. Em thích thật tình, thẳng thắn.
- Vậy là giống anh rồi.
- Thế em hỏi anh một câu được không ?
- Được chớ.
Lam Uyên cong môi :
- Sao anh không phụ giúp cho ba mình ?
Duy cười to :
- Rất dễ hiểu. Anh không phải giải thích. Mà chỉ hỏi lại em một câu.
- Xin cứ tự nhiên.
- Sao Hưng, và có thể cả em nữa không phụ giúp cho bác trai ?
Lam Uyên buột miệng :
- Vì tụi em không thích công việc đó.
- Anh cũng vậy.
Lam Uyên vẫn bướng :
- Nhưng việc của ba anh đâu có giống việc của ba em. Bác ấy là Tổng giám đốc của bao nhiêu cơ sở may xuất khẩu có tiếng.
- Điều đó có nghĩa gì khi người ta đã không thích nó.
Lam Uyên chắc lưỡi :
- Tiếc cho cái sở thích khác thường của anh và mừng cho những người khác.
Duy ngạc nhiên trước cách nói khó hiểu của Lam Uyên, anh nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi :
- Anh không hiểu ý em.
Cô cười nhẹ :
- Nhờ anh ghét công việc của ba mình nên những người khác mới có cơ hội tiến thân. Anh chê chức giám đốc và chán điều hành xưởng may ấy, nhưng thiếu gì kẻ ham muốn nó.
Thấy Duy làm thinh, cô bồi thêm :
- Như Quang chẳng hạn, người ta bảo với em, anh ta có nhiều tham vọng lắm đó.
Duy cộc lốc :
- Vậy sao ?
Rồi anh lạnh lùng nói tiếp :
- Vào làm việc chưa đầy tháng mà em biết nhiều thứ quá. Đã vậy còn được Quang quan tâm đặc biệt. Quả không uổng công anh giới thiệu em vào làm cho anh ta.
Lam Uyên chợt thấy tự ái khi nghe Duy ngọt nhạt với mình. Cô gay gắt hỏi :
- Sao anh lại nói vậy ?
- Vì anh ghét ai tò mò, lắm chuyện.
- Em cũng chẳng ưa gì người vội vàng đánh giá kẻ khác qua vài ba câu trao đổi.
Rồi Lam Uyên dằn dỗi :
- Cho em xuống đây. Em đi xích lô về nhà được rồi, em không làm phiền ai ghét em đâu.
Duy không thèm trả lời. Anh chợt rồ ga vọt thật nhanh. Đợi khi Lam Uyên hoàn hồn không la oai oải nữa. Duy mới nói :
- Anh lại thích làm người mình ghét phải sợ, sợ như em vừa rồi.
Lam Uyên bĩu môi :
- Nếu nghĩ thế anh đã lầm. Em chưa biết sợ đâu, ngay cả sợ chết.
Chờ Duy giảm tốc độ khi chạy sau một cái xe hàng, Uyên đẩy vội vào eo anh rồi nhảy đại xuống đường. Chiếc Win của Duy chao mạnh, anh hoảng hốt kềm xe lại.
Quay người ra sau Duy điếng hồn khi thấy Lam Uyên ngã sóng soài trước đầu một xe tải. Tiếng xe thắng gấp tạo cho anh cảm giác ớn lạnh ở cột sống.
Tấp xe vô lề, Duy chạy trở ra. Lam Uyên đã ngồi dậy, mặt cô tái mét nhưng vẫn hất lên kênh kênh nghe gã tài xế tải chửi rân trời đất.
- Mẹ…. vợ chồng bây giận nhau, muốn chết thì nhảy cầu, nhảy sông chết mẹ cho rồi. Tại sao nhảy vào đầu xe người ta như vậy.
Liếc thấy Duy chạy tới, gã hầm hừ thêm một câu :
- Ráng về dạy con nhỏ nầy đi. Vợ tao mà như vậy, tao đập chết lâu rồi.
Kéo Lam Uyên vào lề, nhìn sát vào mặt cô, Duy nén giận mắng :
- Đồ ngu! Nếu em là Hồng Linh thì đã ăn bạt tai rồi. Không nghĩ tới bản thân, ít ra cũng phải nghĩ đến bác trai đang nằm bất động trong nhà thương chớ. Thật, tôi chưa thấy ai vừa ngu vừa đáng ghét như em. Hừ! Nếu không vì thằng Hưng, tôi nhất định sẽ bỏ mặc, em muốn ngốc cỡ nào, cứ tự nhiên. Bây giờ làm ơn để tôi đưa về nhà an toàn đi.
Lam Uyên không nói một câu. Ngồi sau lưng Duy, cô mới thấy run khi nhớ lại hành động xốc nổi vừa rồi. Tại sao cô liều mạng xuẩn ngốc như vậy? Chẳng lẽ đoạn đường nầy có… cô hồn giục… Lam Uyên rùng mình liên tục, mồ hôi cô ướt đẫm cả lưng và trán, nhưng Uyên lại thấy lạnh.
Thật ra con quỷ tự cao tự đại giục cô làm chuyện điên rồ vừa rồi chớ không phải ai khác. Còn làm được thế để được gì, Lam Uyên chưa hề nghĩ tới.
Định nói lời xin lỗi và năn nỉ đừng mách Hưng, nhưng Uyên không sao mở miệng được. Lòng kiêu hãnh không cho phép cô làm điều đó.
Lam Uyên chỉ mong sao đoạn đường về nhà ngắn lại, để cô mau thoát khỏi trạng thái nặng nề khó xử như bây giờ.
Vi Lan dịu dàng :
- Ráng ăn hết chén cháo đi Uyên. Cháo nầy mẹ tao nấu ầy đó.
- Miệng tao đắng quá làm sao ăn nổi.
Lam Uyên nhăn mặt ngồi dậy dựa vô vách, cô nhìn chén cháo còn bốc khói với vẻ khổ sở. Lẽ ra Uyên không nên bệnh vào lúc nầy. Tội nghiệp anh Hưng, mấy ngày nay chạy đôn chạy đáo mệt phờ râu với ba, đã vậy còn phải lo thêm phần cô nữa. Lam Uyên lúc nào cũng vô tích sự.
Chậm chạp nhai từng muỗng cháo nấu như bột. Lam Uyên thở than :
- Có mẹ như mầy thật không gì sướng hơn. Tao mất mẹ đã khổ, ba tao rước về bà mẹ ghẻ, anh em tao còn khổ gấp mấy lần.
Vi Lan chép miệng :
- Nhìn vẻ đon đả, ngọt ngào của dì Mai, ai biết dì ấy đối xử tệ với mầy và anh Hưng.
- Đúng ra dì ấy không xử tệ lắm đâu vì dẫu sao dì Mai cũng có ăn học. Dì hành hạ con chồng cũng khác người ta, nhẹ nhàng từng câu từng chữ nhưng nghe thấm và đau vô cùng. Có thể tại tao cố chấp nên bất cứ lời nói nào của dì Mai tao cũng để bụng và chờ có dịp trả lại, nhưng rõ ràng lúc mới về nhà nầy thì dì hoàn toàn khác xa bây giờ.
Lam Uyên nhếch môi :
- Lòng yêu thương quá sức của ba tao đã chắp thêm lông thêm cánh cho bả. Tao có cảm giác bà ấy là chủ gia đình chớ không phải ba tao. Hiện tại ông nằm một chỗ , chuyện gì xảy ra khi ba tao và bà Mai dứt khoát không để anh Hưng nhúng tay vào chuyện quản lý cái nhà hàng mới xây không được bao lâu nay. Nhà hàng Thiên Thai là toàn bộ tài sản, vốn liếng của ba tao, bây giờ một mình dì Mai quản lý, tao thấy đúng là giao trứng cho ác.
- Thôi ăn đi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá. Tao gọt cam ầy ăn nghen.
Lam Uyên gượng cười. Cô nhìn những nụ hồng Brigit vàng cam trong lọ và thấy lòng dịu lại một chút.
Dường như đoán được suy nghĩ của Uyên, Vi Lan nói :
- Anh chàng Quang ga lăng thật. Đi thăm nhân viện bệnh lại ôm cả một bó hồng, con gái nào không cảm động. Coi chừng chiều nay anh ta lại ghé nữa đó.
- Ai thèm trông mà ghé.
Vi Lan bật cười :
- Không trông sao cứ thấp thỏm ngong ngóng chờ chuông.
Mắt Lam Uyên chớp một cái. Đúng là cô thấp thỏm ngóng chờ, nhưng người cô chờ đâu phải là Quang. Song kẻ làm cô trông ngóng sẽ không tới đâu.
Anh ta đã thẳng thắn nói rằng rất ghét đồ ngu như cô kia mà. Vậy anh ta tới đây làm chi cho tốn thời gian cơ chứ ? Và Lam Uyên nữa, tại sao cô phải chờ người đã mắng mình không chút thương tình như vậy.
Vờ như không thấy nụ cười rất lém của Vi Lan, Lam Uyên nói trớ đi :
- Nằm bệnh buồn quá phải ngóng xem có bạn bè nào tới không, chớ ai trông gã đàn ông ngọt như đường cát, mát như đường phèn đó. Vi mầy biết rồi, tao vốn ghét của ngọt.
- Vậy thì ăn cho hết chén cháo mặn nầy đi.
- Mẹ mầy nấu cháo ngon thật. Anh Hưng tao có phước mới được mầy thương.
Mặt Vi Lan ửng đỏ lên :
- Ăn no rồi nói bậy đi con yêu. Tao sợ cái mồm mầy thật đó.
Bỗng dưng Lam Uyên xìu xuống :
- Hỏi thật nghe! Tao ăn nói vô duyên lắm phải không? Và tao cũng lách chách nhiều chuyện nữa phải không.
- Sao tự nhiên hỏi tao như vậy? Mầy không vô duyên, không nhiều chuyện, nhưng chưa chính chắn khi mở miệng. Ở nhà mẹ tao luôn dặn con gái khi mở miệng nói một lời, thì lời đó phải mang ý của cả một câu.
Lam Uyên nhăn nhó :
- Nghĩa là sao tao không hiểu.
Vi Lan kêu lên :
- Ngốc ơi! Nghĩa là con gái phải nói ít, nhưng lời nói cần phải có trọng lượng. Hiểu chưa?
- Nhưng tao thấy mầy có ít nói đâu.
- Chậc! Mẹ dặn là một chuyện, còn mình làm được hay không là một chuyện khác nữa.
Lam Uyên mơ màng :
- Nếu mẹ tao còn sống, bà dặn điều gì chắc chắn tao sẽ làm được điều đó.
Vi Lan cầm trong tay hai viên thuốc, cô nghiêm trang :
- Tới giờ uống thuốc rồi em à! Đừng mơ nữa.
Uyên lắc đầu :
- Mầy là bà chị dâu số một đó Lan.
- Tao không có chị em gái, có mầy đúng là quý. Ờ, bà con mầy không còn ai sao Uyên ?
- Không! Nếu còn, họ cũng đâu ở Việt Nam.
- Là sao chớ ? Từ trước tới giờ tao chưa hề nghe mầy nhắc tới bà con, họ hàng.
- Tao có biết gì về họ đâu mà nhắc. Trước đây có dì Mười là chị bà con của ba tao ở ngoài xứ vô. Dì ở nhà tao từ hồi tao mới tám chín tuổi. Đến khi tao mười sáu tuổi, ba tao đem bà Kiều Mai về thì dì Mười bỏ đi mất. Tới giờ tao cũng chả biết dì đi đâu. Ngoài dì Mười ra, ba tao không có bà con nào nữa hết. Chỉ nghe ba tao kể chút chút khi ông vui miệng rằng hồi xưa bên ngoại tao giàu lắm. Ông bà ngoại tao là chủ hãng buôn có tàu bè lớn ở Đà Nẵng. Ba tao là người làm công cho ông ngọai, mẹ tao thương quá nên ông ngọai phải gả, chớ trong lòng ông không muốn và luôn tỏ thái độ khinh rẻ bên nội tao.
Ngừng lại một chút, Lam Uyên kể tiếp :
- Dù ông ngọai tao khó chịu như vậy, nhưng ba mẹ tao vẫn sống chung rất hạnh phúc. Cho đến năm anh Hưng được sáu tuổi, còn tao mới hai tuổi thôi. Anh Hưng cũng chẳng nhớ chuyện gì xảy ra, huống chi tao.
Thấy Lam Uyên lòng vòng, Vi Lan hỏi :
- Nhưng chuyện gì xảy ra cơ chớ ?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui