Không khí trong trường đầu tháng mười một thật khác hẳn so với những tháng trước, nô nức hơn, ồn ào hơn. Chắc là tâm lý hồi hộp chào đón những thầy cô thực tập về, và xa hơn là ngày Nhà Giáo Việt Nam gần kề.
Ngay cả tiết chào cờ hôm nay, những hàng ghế cũng được kê dài hơn. Trên hàng ghế đó, ngoài những thầy cô quen thuộc với học sinh trên trường thì còn có thêm những gương mặt-sinh viên sư phạm lạ lẫm. Khối lớp mười và mười một thì ồn ào và hí hửng vì lớp có thầy cô chủ nhiệm. Riêng khối mười hai chúng tôi thì chỉ có trợ giảng, hoặc dạy một số tiết nên không hào hứng bắng. Cũng một phần do cái tính “đàn anh, đàn chị” trong trường, không thể tỏ ra ngoài mặt như đàn em khoá dưới được.
Kết thúc giờ chào cờ, sẽ có người hân hoan, kẻ hụt hẫng. Những kẻ hụt hẫng cuối cấp cũng có đôi chút ghen tị với đàn em khoá dưới. Nhưng có được gì không, khi cái thời khoá biểu luôn kín mít chương trình học, vẫn tiếp diễn hàng tuần. Với tôi, đầu tuần luôn là một ngày khó khăn, không những vì hai tiết văn luôn chờ đợi cái đầu khô khan, mà vì hôm nay kiểm tra hai tiết liền, còn lấy điểm giữa kì nữa chứ.
Tôi giật tờ giấy đôi giữa cuốn vở đã mỏng lét, lúi húi kẻ khung điểm. Kiến thức thì chẳng có là bao, lại còn viết bài phân tích nữa thì đúng là ác mộng. Tôi ngó quanh mấy thằng bạn thăm dò. Khuôn mặt thằng nào cũng căng thẳng.
-Mày có phao không Tín?-Phong mập hỏi ngon ơ, như chuyện có phao trong tiết kiểm tra văn là một phần tất yếu của tôi vậy.
-Phao gì mày, Cô bắt ghê thí mồ, dám dở không?
-Hỏi mày có không, chứ tao thì thủ sẵn cả rồi!
Nó vừa nói vừa giơ hai cuốn văn mẫu lên hào hứng khoe chiến tích, mặc ấy đứa con gái ngao ngán nhìn nó lắc đầu.
-Cả lớp, đứng!-Thằng Hải làm công việc của nó thường ngày.
Tôi đứng lên uể oải chào như thằng thiếu sinh khí. Cố mở to mắt xem mình nhìn nhầm hay không, rõ ràng là có tận hai người bước vào.
-Cả lớp, ngồi!-Cô giáo bộ môn khoát tay, và chỉ giáo viên thực tập đứng giữa lớp lên bàn giáo viên.
-Hôm nay Thầy Vĩnh sẽ trông các em kiểm tra….!
-Khoẻ rồi, hố hố!-Thằng Phong mập cười tươi như pháo.
-Ngon rồi, sống rồi mày ơi!-Hưởng đù ủ rũ như như gà rù cũng bật dậy khi nghe tin vui.
-Các em nghiêm túc, ai giở tài liệu, quay cóp tôi lập tức cho 0 điểm giữa kì!-Cô trấn an dư luận, dẹp các phần tử có ý định manh nha nổi loạn.
Đời học sinh, cấm đoán là một chuyện, còn chuyện chấp hành hay không là chuyện khác. Cô vừa bước ra khỏi lớp, lớp tôi chuyển mục tiêu qua Thầy. Ban đầu là mua chuộc nhân tâm:
-Thầy tên Vĩnh hả Thầy?-Kiên cận mở đầu.
-Thầy tên Vĩnh!-Thầy trông rất hiền từ.
-Thầy đẹp trai quá Thầy!-Phong mập tiếp tục!
-……..!-Thầy vừa ghi đề vừa đỏ mặt bối rối nhìn thằng Phong mập lắc đầu, cầm phấn viết lên bảng đề bài thi.
“Cảm nhận anh (chị) về thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hoá,nghệ thuật lâu đời trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm”.
Đề văn luôn ngắn gọn xúc tích, nhưng luôn gây khó khăn cho học sinh cao độ. Mười phút trôi qua tôi chỉ ghi được hai chữ “bài làm” cùng với một cái gạch ngay ngắn ở dưới chứ không gì hơn. Đến tận nửa tiết sau, tôi làm nóng bài kiểm tra bằng cách hoàn thành xong mở bài. Coi như tạm có kết quả, ngước đầu quay qua do thám tình hình.
Thầy vẫn ngồi im trên ghế Giáo Viên, đảo mắt như ra đa về phía từng góc lớp. Đúng là giáo viên thực tập, làm đúng quy tắc ghê gớm. Tôi bỏ mục tiêu ngó sang mấy thằng bạn.
Kiên cận bóp trán liên tục, ra chiều bí bách dữ dằn. Hưởng thì cắn uốn nát cái bút bi, thằng Hoàng thì vò tóc bứt tai chịu thua. E rằng khó qua khỏi hai tiết với kết quả mỹ mãn.
-Hề hề!-Thằng Phong mập cười đắc chí.
Nó ngồi ở bàn thứ hai từ dưới lên, lại ngồi trong góc nên đang tự tung tự tác với cuốn văn mẫu được đặt sau lưng thằng Hà. Cắm cúi chép lia chép lịa, hình như nó vừa qua được nửa tờ giấy kiểm tra hay sao ấy. Nó chỉ cuốn văn mẫu nhứ nhứ tôi khiêu khích.
Thường thì việc ác khó tồn tại lâu, và làm việc xấu cuối cùng sẽ bị quả báo. Lúc tưởng như mọi việc trót lọt thì Phong mập bị hạ gục tức thời.
-Cái gì đây Phong?
Thầy thực tập chẳng hiểu từ lúc nào cầm cái sơ đồ lớp, thu cuốn văn mẫu của thằng Phong mập. Thằng bạn tôi mặt mày tái mét, đứng dậy mặt nó ra vẻ tội nghiệp đáng thương.
-Dạ, em biết lỗi rồi ạ….!
Cái chiêu giả vờ của thằng bạn đánh vào lòng trắc ẩn của Thầy. Thầy nhắc nhở vài câu rồi đi lên chỗ ngồi mang theo phao cứu sinh của thằng bạn. Nó thở phào nhẹ nhõm, rồi cũng nhập chung tình trạng với mấy thằng khác, cắn bút.
-Đề khó lắm hả cả lớp!
-Khó quá thầy ơi!-Đa số lớp tôi đều than.
Không khó sao được khi mà thằng Uỷ viên của một lớp đang phải vứt bỏ sĩ diện lần mò để cuốn vở ghi văn để tìm ý mà viết. Nguyệt quay sang nhìn tôi, cười lắc đầu:
-Bí rồi hả?
-Ừ, bí rồi, chẳng nghĩ ra được cái gì nữa?-Tôi vẫn chăm chú nhìn vào cuốn vở, cố ghi nhớ thật nhanh những ý vừa đập vào mắt.
-Cẩn thận kẻo bị bắt nha!
-Ôi, không lo mà, làm sao mà bị bắt được.-Tôi khoát tay qua chuyện, còn Nguyệt chăm chú làm bài tiếp.
Năm phút sau, tên tôi vang lên phá tan sự im lặng:
-Tín, em xem cái gì đó?-Thầy bắt đầu rời vị trí đi xuống chỗ tôi ngồi, cái bàn giữa.
Nơi an toàn như thằng Phong mập thì cũng bị bắt, mà nơi nguy hiểm như tôi cũng bị bắt. Chẳng hiểu Thầy ngày xưa đi học có hay giở tài liệu hay không mà khó qua mặt quá. Tôi cố gắng giữ khuôn mặt bình tĩnh, mặc dù mồ hôi đã toát ròng ròng, mặt thì nóng bừng.
-Em làm gì đó?
-Dạ có làm gì đâu Thầy?
-Cái gì trong ngăn bàn?-Thầy hỏi lại một lần nữa.
Tôi thản nhiên đặt balo lên bàn, cho Thầy kiểm tra ngăn học. Trống rỗng, không có một thứ gì khả nghi trong đó. Thầy xem thật kỹ rồi đi lên, chắc đang thắc mắc xem cái thằng học trò để cuốn tài liệu đi đâu mà nhanh vậy.
-Nè, cất đi!-Nguyệt chuyền sang cuốn vở ghi Văn cho tôi.
-Ờ, cảm ơn nhé!
-Ơn gì, ông nhét sang ngăn bàn tôi có thèm nói tôi tiếng nào đâu?
May mà lúc đấy tôi nhanh tay, luồn cuốn vở ghi vào ngăn bàn Nguyệt, còn cẩn thẩn để cái cặp đè lên không thì số phận tôi chả khác Phong mập là mấy. Nhưng giờ đây tôi bị liệt vào tầm ngắm nên đành an phận mà ngồi bịa ra mà chép, chứ không dám tái diễn lần nữa. Ánh mắt Thầy liên tục quét qua chỗ ngồi của tôi.
Tiếp nối truyền thống xóm nhà lá, thằng Hưởng bắt đầu có hành động. Nó nổi tiếng với nhiều chiêu trò độc đáo, lần này còn làm anh em sửng sốt hơn “dở tài liệu bằng chân”. Lợi dụng góc khuất, nó ném cuốn văn mẫu thủ sẵn từ bao giờ xuống đất, và dùng chân- một bộ phận cơ thể ít ai ngờ để dở trang chép. Trên bàn giáo viên có nhìn xuống thì cũng chỉ thấy nó cắm cúi viết bài thôi, chứ không thể ngờ nó cũng đang gian lận một cách tinh vi. Thằng Kiên cận nó hoành tránh và liều lĩnh hơn, để cả cuốn văn mẫu lên bàn, lấy tờ giấy kiểm tra che một trang, cứ thế mà cắm cúi chép. Hoàn hảo và qua mặt được Thầy, nhưng không đủ để qua mắt tụi tôi.
-Chân mày bị sao thế Hưởng, có tật à?-Phong mập cố tình nói to.
-Suỵt…!Thằng Hưởng mặt tái mét khi cả lớp nhìn nó dồn dập.
Nhưng tất cả đều muộn màng, kế hoạch nào cũng có sơ hở. Nếu dở bằng chân thì ít ai ngờ, nhưng một khi bị phát hiện thì rất khó để mà phi tang chứng cứ. Nó nuối tiếc nhìn cuốn văn mẫu theo Thầy lên bàn giáo viên cư ngụ.
-Mày nhớ mặt tao nha Mập!
-Có nạn cùng chia? Chết chung đê!
Thằng Mập nháy tôi giơ hai ngón tay chữ V biểu tượng chiến thắng. Nó giành xử thằng Hưởng thì đến lượt tôi xử thằng Kiên cận, không thể để tình trạng gian lận thi cử diễn ra….một mình được.
-Kiên, trang 47 đấy, dở sang đó đi!
Tất nhiên là câu nói của tôi cũng đủ to để cho cả lớp nghe thấy. Thầy trừng mắt nhìn tôi, đề nghị giữ im lặng. Tôi giả vờ không nhìn thấy, nói tiếp:
-Kìa, dở đi, mỏi tay à!
Thằng bạn tôi mặt cũng xám xịt dần. Và nó hiểu rằng số phận của nó cũng chẳng khác mấy thằng tôi là bao.
-Cái…., mày chơi tao?-Kiên cận nhấc gọng kính dằn mặt tôi.
-Nào có, tại tao lỡ nói to thôi!-Tôi thản nhiên thể hiện sự vô tội.
Sau sự kiện náo động phòng thi, những thành phần đã, đang và sẽ có hành động bắt đầu cảnh giác với mấy thằng “hại bạn”chúng tôi hơn. Chỉ cần chúng tôi rục rịch là sẽ có đứa lo đến thót tim mất.
Hầu như những phút tiếp theo, bài làm của tôi chẳng được bao nhiêu. Phần vì bí ý để phân tích, phần vì hào hứng với vụ thanh trừng “tội phạm” hơn.
Để ý mãi, tôi phát hiện Hằng bán chanh có biểu hiện, nhưng nó vốn ngồi hơi thẳng với tôi, nên không thể thấy được nó đang làm gì. Nháy mắt với thằng Phong, chuyển hướng tấn công đường chéo. Báo cáo toạ độ xong, tôi rung đùi ngồi chờ trinh sát Phong Mập báo cáo tình hình.
-Báo cáo, đối tượng dở tài liệu, over!
-Báo cáo cho sếp, over!
-Sếp nào, over?
-Mr.Vĩnh, over!
-Ai báo cáo, over?
-Mày chứ ai, over!
Hai thằng tôi ngồi thều thào nói chuyện, dùng tay chân ra kí hiệu. Cuối cùng chẳng thằng nào chấp nhận. Tôi kêu thằng Kiên cận:
-Ê, ê..!-giọng canh đủ cho thằng bạn nghe.
-Gì, tao có dở nữa đâu..!-Nó còn hằn học lắm.
-Không, con Hằng kìa!-Tôi hất cằm về phía Hằng.
Thằng bạn tôi mặt đang cau có, giãn ra. Nó hắng giọng, cúi xuống nhìn bài rồi nói:
-Hằng, để lên bàn mà chép cho thoải mái!
Có tật giật mình, Hằng bán chanh giật nảy người, mặt đỏ bối rối nhìn quanh. Cả đám chúng tôi bắt đầu cười lăn lộn. Ngồi chờ Thầy xuống tiễn Hằng nối dài danh sách tiền án tiền sự. Chấp chưởng luật pháp, dù gái hay trai, cũng phải xử hết. Thầy Vĩnh hùng hổ đi xuống, tiến tới Hằng bán chanh.
Cao nhân thì gặp cao nhân, và ngay cả chúng tôi cũng không ngờ đến cái cách mà Hằng dùng để lách luật. Nếu có trách, chỉ trách chúng tôi không có cái lợi thế “phụ nữ” ấy. Nhanh như cắt, Hằng kẹp cuốn tài liệu giữa hai chân và phủ tà áo dài lên, mặt tỉnh rụi thách thức.
-Tài liệu em đâu?
-Dạ đâu có Thầy, em đâu có đâu!
-Không có thật không?-Thầy Vĩnh bắt đầu bối rối.
-Dạ thật!
-………!-Thầy có lẽ thừa biết tài liệu ở đâu, nhưng bắt bằng cách nào.
-Thầy không bắt để em Thầy ơi!-Hưởng đù nhanh chóng vào cuộc.
-Thầy để em đi Thầy-Kiên cận xung phong làm trong sạch gian lận thi cử.
Thầy Vĩnh bối rối ra mặt, cuối cùng nhắc nhở lớp ổn định trật tự và đi lên. Có lẽ đây là lần đầu tiên Thầy đối mặt với vấn đề này nên nhất thời chưa biết xử trí ra sao. Hằng bán chanh vênh mặt nhìn chúng tôi, thách thức. Chúng tôi đứa nào đứa nấy xị mặt, bốn thằng hợp sức vẫn không “hạ gục” được cô bạn nên tức tối lắm.
Giỡn chơi cho lắm nên gần đến nửa tiết thứ hai, tôi cắm cúi viết lấy viết để. Chẳng biết “khởi động” ra sao mà giờ ý văn cứ tuôn trào. Nghĩ ra cái gì cắm cúi viết cái đó. Cố gắng viết cho hết cái kết bài trước khi Thầy Vĩnh đi ngang qua thu lại, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Tôi ngồi nghiêm chỉnh lại thì thấy Dung đang quay mặt nhìn xuống. Hai ánh mắt vô tình gặp nhau, và chẳng nói cũng hiểu Dung sẽ nói gì trong giờ ra chơi với tôi. Chắc lại là vấn đề cán sự lớp mà không gương mẫu đây mà. Trống đánh kết thúc hai tiết học là tôi chạy hẳn ra khỏi lớp, tiến thẳng tới căn-tin không thèm nhìn lại xem có ai kiếm mình hay không. Có lẽ, nên tránh việc nói chuyện với Dung lúc này để mua sự khó chịu về mình. Bao giờ cũng thế, cứ liên quan đến ban cán sự lớp là Dung trở thành một người khác, nghiêm khắc và có phần khô khan.
-“Tránh đi là hơn”!