-Thế là thế quái nào nhỉ?
-Quái gì cơ mày!
Thằng Hưởng ngồm ngoàm cái ổ bánh mì trong miệng, lúng phúng hút cái miếng dưa leo dài ngoàng vào miệng, ú ớ phát ra tiếng. Tôi thẩn thờ nhìn trời mây.
-Ơ cái thằng này điếc à?-Nó trợn mắt cố nuốt miếng bánh mì thật to, cố làm cho ra nhẽ.
-Không, tao thấy bất ngờ trước khả năng sư phạm của tao thôi!- Tôi chẳng buồn nhìn nó lấy nửa ánh mắt vẫn thẩn thờ.
-“Hoá ra mình là đứa còn đặc biệt tới mức vẫn còn được cái đề thi à?”.
Thằng bạn cũng không hiểu chuyện gì, nó cố kiếm cái chỗ nào hợp lý để hợp thức hoá việc xả rác bừa bãi. Đưa chai nước tu một hơi đánh cái khà, nó nằm ngửa ra ghế ngắm trời, hoàn thành bữa ăn sáng quen thuộc.
Hiển nhiên việc Dung mang đề thi cho tôi ôn luyện lại cũng là việc đáng ngạc nhiên, không hiểu là có dụng ý gì, nhưng trước mắt nó có lợi cho tôi là được. Tôi thong dong đi vào lớp, hai tay chắp đằng sau lưng nhái theo điệu bộ của Thầy trên văn phòng Đoàn. Ngang qua chỗ Dung, cô nàng hình như đang có một buổi sáng tốt lành lắm hay sao ấy.
Tôi đẩy thằng Long con đang ngồi ở bàn thứ hai sau Nàng ra khỏi vị trí, thế vị trí nó. Giả bộ cúi xuống vẽ vời gì đó lên bàn rồi cất lời.
-Cái đề thi ấy..?
Dung ban đầu có vẻ ngở ngàng, nhưng không quay mặt lại, chỉ cất tiếng nói theo tôi mang tông giọng bình thường.
-Sao vậy?
-Ờ, thì chưa cảm ơn thôi!-Tôi dí ngon tay trỏ xuống bàn vẽ thành một hình vòng tròn rối rắm.
-Ờ, không ơn huệ gì hết, mà có phải Dung cho không đâu!
-Thế rốt cuộc là sao?
-Là trao đổi?
Tôi nghệt mặt ra, không nói câu gì. Dung quay lại, nửa khuôn mặt và nửa nụ cười được tôi nhìn thấy.
-Đổi đề Anh Văn lấy đề Toán và Lý, ngoài ra còn..
-Còn..
-Thì còn mấy cái gì không hiểu Dung hỏi Tín thì Tín chỉ lại.
-Ơ, vậy thì mình lỗ à.!
-Con trai mà nhỏ mọn!
Cô nàng lại cười và quay lên, không quên ném cho tôi một câu chưa từng xuất hiện trong từ điển của cả hai đứa từ khi biết nhau. Tránh đám bạn tò mò theo dõi cuộc đối thoại, tôi trả lại vị trí tám chuyện cho thằng Long con rồi lững thững về chỗ.
Để chứng tỏ mình không hề là đứa nhỏ mọn trong mắt Dung, cuối giờ tôi để lại cuốn đề thi của mình trên bàn cô nàng. Mặt căng lên ra vẻ ta đây độ lượng không phải là thằng nhỏ mọn như cô nàng bông đùa. Không nói gì hết nữa, tôi bước ra khỏi lớp. Một phần vì vẫn còn cái ý nghĩ “cách li”, một phần vì tôi biết bà cô gia sư trẻ của tôi sẽ đợi tôi ở cái cột chắn ngang ban công phân chia ranh giới hai lớp như ước hẹn.
-Nè, canh đủ thời gian bốn lắm phút nhé!
-Vậy thì chờ chút luôn đi.-Yên đón lấy cái đề thi, rồi ngay lập tức bỏ rơi tôi.
-Không về còn ở lại làm gì?
-Sửa luôn tại chỗ chứ sao!
-Ơ..muộn..!
-Cấm có cãi Cô giáo!
Vâng, thì không cãi. Tôi lơ đãng nhìn cái đồng hồ trong lớp, cái kim phút chết tiệt của nó tự nhiên xoay nhanh hơn bình thường, trái với cái cảm giác lúc chờ hết tiết. Ngữ Yên chẳng để ý gì đến tôi, vẫn chăm chú nhìn vào cái đề thi. Chốc chốc lại nhăn mặt, rồi lâu lâu mới thả lỏng cơ mặt ra.
-Tín chưa làm hết à?
-Ờ thì đâu phải cái gì Tín cũng biết.
-Thế mà hôm qua còn chê đề cơ bản.
-Ai biết nó…khó vậy!
Tôi đưa tay lên gãi đầu ra vẻ khó khăn thừa nhận. Và tất nhiên tôi cũng phải đau đầu lắm mới bỏ bớt một số câu mà tôi đoán là năm mươi năm mươi. Với Ngữ Yên chẳng hiểu sao tôi phải áp dụng cách đó. Một số câu tôi phải dùng trợ giúp từ cái máy tính để làm điểm nhấn chứng minh thi thoảng tôi vẫn thông minh đột xuất, còn một số câu tôi bỏ qua để Yên biết rằng tôi vẫn còn kém thì mới tiếp tục kèm tôi chứ. Nếu câu nào cũng làm ro ro, lỡ cô nàng cắt ngang huỷ bỏ giao kèo thì sao.
-Căn bản bảy trên mười…!
-Cũng được chứ hả!
-Không là tệ đó!
-…!-Tôi tiu nghỉu tiếp!
-Giờ đề thứ hai, còn đề thứ nhất Yên về nhà sẽ giải và ghi chú, Tín nhớ chú ý!-Lần này thì không có tông dịu dàng nữa, chuyển qua tông nghiêm khắc mất rồi.
-Vâng, thưa Cô!
Hai đứa tôi vừa cất đề thi vào cặp là vứt luôn bối phận “Cô, trò” mà đi sánh đôi trong sân trường chỉ còn lác đác vài đứa học sinh. Những ngày cuối năm tiết trời thường âm u, chẳng hiểu sao trong lòng tôi vẫn khoan thai lạ thường, cảm giác như nó đẹp chẳng khác gì những ngày nắng vàng rực rỡ. Không có mặt trời tự nhiên đã có mặt trời nhân tạo đi bên cạnh tôi đây.
-Cười cái gì thế?
-Cười vì…thích thôi!
-Thích là cười à, Tín lạ vậy?
-Ờ..thì ..là như vậy đó.
Yên mỉm cười trước cái câu trả lời như không của tôi, tiến về phía nhà xe. Và thói quen của tôi là chờ Yên dắt xe ra đi đến hết cái cổng trường, hai đứa đi về hai hướng mới bịn rịn tạm biệt nhau, dù biết rằng chỉ đến chiều thôi, hai đứa sẽ lại trò chuyện linh tinh đủ thứ ở các lớp học thêm.
Những ngày cuối năm, học sinh thường bù đầu và bắt đầu lao vào ôn luyện. Với học sinh cuối cấp như chúng tôi thì tốc độ và sự chăm chỉ còn cao ghê lắm. Áp lực vô hình trước mắt đè nặng, đã vậy trên lớp hễ có gì mất tập trung hay điểm thấp chút ít là y như rằng những điệp khúc, theo tôi là được kế thừa lại vang lên:
-Sắp thi tốt nghiệp rồi mà học hành như vậy đây!
-Năm nay là các em thi đại học rồi, lo mà học đi không lại hối hận!
Hiển nhiên những thằng lì đầu cứng cổ như xóm nhà lá chúng tôi cũng phải e sợ trước viễn cảnh thi cử nên chẳng thằng nào bảo thằng nào, tranh thủ ôn mấy môn cảm thấy chưa được an tâm lắm. Cứ mỗi sáng học trên trường, hết học trên trường thì về nhà tự học. Tự học ở nhà xong lại đi học thêm, học thêm xong về nhà lại tự học tiếp. Cái vòng lẩn quẩn ăn ngủ học học lặp đi lặp lại liên tục.
Chí ít khoảng thời gian đó tôi chưa bao giờ cảm thấy mình nhàm chán. Mỗi sáng tôi làm nhiệm vụ cao cả, chỉ lại những gì Yên truyền dạy lại cho đám bạn, phát đề cho tụi nó. Đến hết tiết lại ra ngồi chờ bà cô khó tính chấm bài. Tôi gọi Yên là bà cô khó tính bởi khi chấm bài thi của tôi, Yên nghiêm khắc một cách lạ lùng, hầu như bao vẻ hiền dịu biến đi đâu mất sạch. Từ đó trong lòng tôi cũng hơi có phần uý kị Yên chút xíu.
Thỉnh thoảng Dung cũng nói chuyện làm mỗi buổi sáng trong tôi càng trở nên đặc sắc hơn .Thỉnh thoảng cô nàng xuống hỏi cách giải bài Toán, rồi bắt tôi chỉ cặn cẽ đến tận cùng. Lâu lâu lại:
-Còn cách giải nào ngắn mà dễ hiểu hơn không?
-Còn cách khác không Tín!
Từ đó tôi mới hiểu rằng, đám con gái trong lớp thường bao giờ điểm cũng cao hơn con trai nhờ sự chăm chỉ và chú tâm tột độ. Còn lũ con trai tôi thì biết cái gì cũng nhanh, mà quên cái gì hoặc ẩu tả cũng chưa bao giờ chậm. Nhiều khi nhăn trán bóp cằm toát cả mồ hôi tôi mới mò ra cách giải khác cho cô nàng. Từ đó tuyệt nhiên tôi phải chú tâm lại tất cả, kệ cho nó có phải là môn ruột của tôi không.
Nhưng chung quy, không có chuyện gì khác ngoài chuyện học hành và bài vở. Bức tường “cách ly, tránh xa” cũng dần dần trở nên mỏng manh. Phải chăng đây gọi là bình thường hoá quan hệ mà trong sách Lịch Sử hay nhắc tới.
Một đứa bạn có học lực tương đương và đồng đều với bạn thường khi đã thắc mắc thì toàn vấn đề hóc búa, bạn phải cố gắng kéo các phần tử chất xám ham chơi trong não bộ về, tập trung tối đa mới làm được.Đó là sự thật giữa học lực mấy môn Tự Nhiên của tôi và Dung. Còn với môn Anh Văn thì tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ đồng vai phải lứa với Dung. Hỏi câu gì cô nàng trả lời ngay câu đó. Giải thích cặn kẽ từng chút một nên ngay cả đứa đầu đất với ngôn ngữ Phương Tây như tôi dù muốn hay không cũng khai sáng được ít nhiều. Và tôi cũng không làm phiền Dung lắm vì tôi còn bà cô khó tính luôn chờ thằng học sinh nộp bài mỗi khi ra về.
-Hồi đó hoá ra mày gian như vậy!
Thằng Hưởng từ tốn nhấp ngụp cà phê đen đặc, kết luận một câu sau khi nghe tôi kể lại thời xưa, tôi “bịp” chúng nó như thế nào.
-Ờ thì, cũng thế cả thôi!
-Học ngu còn sĩ!
-Bố mày không sĩ thì dám mày có được điểm trung bình môn Anh Văn không!-Tôi đặt ly trà gừng nóng cái cạch lên dằn mặt thằng bạn!
-Anh mới đi vệ sinh chút thôi mà các chú đã cãi nhau loạn xà ngầu rồi!-Thằng Kiên lấy khăn giấy lau cặp kính cận dày gấp rưỡi so với năm nó học mười hai lên lau lau.
-Cãi cái đếch gì, hồi xưa nó bày anh văn ình là vì có hai cao thủ trợ chiến!-Thằng Hưởng mách lẻo lại.
-Thế à, tao cũng nghi nghi, cái thằng cây mọc trên đầu với English mà tự nhiên lại khá đột xuất như vậy!
Tôi khoan thai đưa ly trà gừng nhấp vào miệng thưởng thức lời bàn tán. Ly trà nóng vị cay nồng dường như xua tan không khí khói bụi Sài Gòn vào mấy năm sau, kể từ cái thời chúng tôi học phổ thông đến nay.
Đúng như hai thằng bạn tôi nói, kể từ lúc có hai vị cao thủ Anh Văn xuất hiện, mỗi lần đến tiết Anh Văn tôi không phải tự ti cúi gằm mặt mỗi khi Thầy kiểm tra bài cũ, hoặc gọi lên bảng giải bài nữa. Mỗi lần như thế, tôi ưỡn cao ngực, ngẩng cao đầu nhìn lên thế gian ngạo nghễ. Đó là thành quả với việc tôi trờ thành học trò của Yên, và đối tác của Dung.
Tần suất tôi tiếp xúc với Yên tăng chóng mặt. Từ lúc mang danh phận mới, ngoài việc trao đổi kiến thức, tôi và cô nàng tán nhảm mọi thứ trên đời, linh tinh vớ vẩn, chỉ cần câu chuyện đó có điểm gì nổi bật, hoặc chung chung giữa hai đứa.
Hễ đi học buổi sáng là lại ra nhận đề và bài giải hôm trước để đọc lại những ghi chú dưới những chữ cái đẹp và gọn, sau đó sẽ là những câu chuyện phiếm.
-Ấy có ghi lớp tớ tội gì không thế?
-Đoán thử xem có tội gì không?
-Chắc không đâu nhỉ?
-Thứ tư, Tín không đeo huy hiệu Đoàn, thứ sáu, Tín không đóng thùng, Phong không phù hiệu trường.
-Ấy dễ thương thế chắc độ lượng lắm ấy nhở?-Tôi giở dọng nịnh nọt, đồng thời coi như một lời tán thưởng.
-Còn tuỳ thái độ!-Yên mỉm cười, có chút gì đó láu lỉnh.
Hoặc:
-Hôm qua mới nghe bài này nè!
-Bài gì vậy?
-Take me to your heart!
-Lâu rồi mà!
-Ờ thì giờ mới nghe, cũng hay hay!
-Tín hiểu hết hả?
-Không, thấy nhạc hay hay thôi!
Và những lần như thế, ở cái ranh giới chung không ai để ý, bắt đầu thu hút lượt quan tâm của từng lữ khách rảnh rỗi tản bộ trong các giờ giải lao. Và cái tuổi học trò lắm điều thì việc gán ghép tôi và Yên là không tránh khỏi, dù nó vốn có từ trước, khác nhau là giờ mãnh liệt hơn thôi.
-Nó tán Yên lớp mình kìa!
-Thằng lớp bên cạnh!
-Con trai lớp mình chết hết hay sao mà để thằng khác nó cướp báu vật của lớp mình vậy.
Nghe những câu như vậy thì mặt tôi đỏ lừ lừ, nhưng khoan khoái trong lòng. Rõ ràng tôi đã đánh bại tất cả các thằng rắn mặt ở lớp bên để chiếm trọn sự quan tâm của Yên. Hoá ra mình cũng được ấy chứ nhỉ.
Nhưng sự đời có khen thì có chê, có ca ngợ thì không thiếu những lời đàm tiếu:
-Sao Yên lại quen thằng đó nhỉ, nghe nói nó nghịch như giặc ấy mà!-Tôi hơi nhăn mặt khi tiếng xì xào lướt qua.
-Sao bảo nó quen Dung lớp nó mà, giờ bắt cá hai tay à!
-Ơ, thằng Tín lớp mình lại quen bạn khác à, Dung đâu rồi?
Mỗi lần những đứa đóng vai phản diện thốt lên câu như vậy là tôi lại lầm lũi, tìm cách lặn mất tăm trong những câu chuyện với Yên rồi từ từ rút lui về lớp. Gì chứ bắt cá hai tay, nghe nó đau đớn vô cùng, độ sát thương của câu nói có khi còn hơn những cú đấm, cái đá thông thường ấy chứ.
Thời gian càng về cuối năm thì không khí nô nức càng đến gần. Ngoài kia các bậc phụ huynh có thể kêu than lúc trở về nhà khi giá cả gần Tết tăng vọt, thì ở trường chúng tôi cũng chỉ biết than đồng thanh với nhau, kiểu như những người cùng khổ. Càng đến sát kì thi, càng nhiều thứ mà mình không nắm rõ, hoặc đột nhiên không chắc chắn lắm. Lại lục đục hỏi bài nhau, lôi sách lôi vở ra nghiên cứu lại. Đứa nào đứa nấy mắt cũng thâm quầng nhìn như mắt cú, di chứng của những lần thức đêm.
Hai tuần trước khi thi học kì là những buổi tổng kết, rồi thoáng cái chỉ còn lại một tuần, những tiết giảng dạy được thay bằng tự ôn, tự học trong lớp. Các lớp học thêm treo bảng tạm nghỉ cho học sinh ôn thi học kì.
Điều đó đồng nghĩa với việc một ngày tôi và Yên bị cắt giảm một nửa thời gian gặp nhau. Chính vì thế, hễ không tham gia vào các buổi ca-rô giải trí, hoặc kể truyện ma dài kì trong lúc rảnh rỗi là tôi lại phóng đến cái ban công ranh giới để nói chuyện với Yên. Và Yên cùng ý nghĩ như tôi, luôn đứng đó đợi sẵn. Không ngượng ngùng, không chút gì phải e ngại, hai đứa tôi tự nhiên trò chuyện và quên hết toàn bộ xung quanh. Dường như chỉ những lúc như vậy, tôi mới được cười nhiều hơn thì phải. Nụ cười ở đây không phải là cười hềnh hệch trước những trò quái đản của lũ bạn, cũng không phải cười xã giao khi đáp lại ai đó không thân, không phải nụ cười để làm vừa lòng một cách giả tạo . Nụ cười có chút gì đó le lói hạnh phúc.