Học Sinh Nghèo Vượt Khó


1
Không hiểu sao lại tưởng cậu ấy muốn đèo mình.
Mơ đi, Vương Tử Chu nghĩ bụng, may chưa lỡ mồm thốt ra câu “ở Kyoto đi xe đạp không được chở thêm người khác”.
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng mắt vẫn ngó ra sau xe nhìn một lượt, y như rằng, làm gì có yên.
Xe cấp cứu “í o í o” vụt qua.
Thứ âm thanh thường gặp bất kể ngày đêm ấy như có ma lực kéo ta về thực tại.

Nó đánh thức những tâm hồn đang chìm đắm trong múi giờ thứ 25 của riêng mình, nhắc nhở ta rằng vũ trụ vẫn xoay vần, rằng sự vật, sự việc ở thế giới này vẫn luôn tiếp diễn.
Một khi hoàn hồn, sự hiện diện của thực tại bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ngón chân thấy hơi âm ẩm, hình như giày thể thao đã bắt đầu ngấm nước.

Tiệm sách bên trái bất thình lình kéo nửa tấm cửa cuốn xuống cái rầm.

Mưa rơi tí tách, nhịp nhàng gõ lên tán ô.

Sau lưng là một đôi người Nhật vừa đi vừa cười nói…
Một cơn mưa quá đỗi bình thường, nhưng lại rất khác thường.
Không được tự tại như khi ta tản bộ một mình, bởi còn bận để tâm đến ánh nhìn cạnh bên.
Thực ra cũng chẳng có ánh nhìn nào hết, tất cả chỉ là ảo giác ta tự vẽ nên thôi.
Hai người, một cầm ô, một dắt xe, cứ thế bước đi trong cơn mưa đêm mùa hạ đang dần ngớt hạt.
Thảng hoặc vang lên đôi ba tiếng sấm ầm ì rồi lại chìm nghỉm vào thinh không.
“Bảng thuật ngữ,” – Vương Tử Chu nhanh chóng sửa lại, “ý là file trực tuyến tổng hợp các danh từ riêng ấy, còn nhiều phần phải kiểm chứng lắm, cậu có tài liệu tham khảo không, có thì gửi tớ với?”
“Ý cậu là tài liệu tham khảo bản mềm ấy hả?” Trần Ổ trả lời, “tớ có nhưng không nhiều lắm.”
“Cho tớ danh sách thôi cũng được.” Cô đáp.
“Thế để tớ về tổng hợp lại rồi gửi cậu, còn ít tài liệu giấy cậu muốn lấy luôn không.”
“Hả?”
Đến ký túc xá lấy sách á?!
“Giờ muộn rồi, thôi để hôm khác đi.” Cậu nói.
“Ừ.”
Tiếp tục hành trình.
Quãng đường 1 km, ấy thế mà ngắn không tưởng.
Qua cầu, Vương Tử Chu chỉ sang con đường phía bên phải: “Nhà tớ đằng đó, chúng mình tới đây được rồi!”, cô cầm ô đứng bên đường, lại bồi thêm mấy câu: “Cảm ơn bữa tối của cậu, à, cả ô nữa.”
Nói đoạn, vẫy tay: “Đi cẩn thận nhé!”
“Ừ.” Cậu đáp lại, “Về cẩn thận.”
Rồi lên xe đi tiếp.
Vương Tử Chu cũng cất bước về nhà.
Mưa tạnh dần, về tới cửa thì ngưng hẳn, chỉ còn vài giọt đọng trên mái hiên nhỏ xuống tí tách.

Một đêm hè yên ả hiếm hoi, ngay cả ve và côn trùng cũng im lìm đến lạ.

Vương Tử Chu cụp ô lại, mở cửa vào phòng rồi treo nó lên tay nắm cửa.

Cô không có thói quen mở ô để hong khô, phần vì không gian lối vào vốn đã rất chật hẹp, phần vì cảm thấy việc đó không quá cần thiết.
Cứ treo lên, thể nào rồi cũng khô.
Cơ mà đây là ô của người ta, thôi phơi vậy, chứ lỡ bốc mùi thì sao.
Và thế là một chiếc ô đen mở toang, kềnh càng chiếm trọn lối vào.

Vì căn phòng bé tí hin nên bất kể rửa mặt hay đun nước, kiểu gì cũng sẽ thấy chiếc ô đen chình ình trước cửa, nó làm cô bức bối như thể có kẻ lạ mặt đang xâm phạm lãnh thổ của mình.
Tắm táp, sấy tóc xong xuôi, đang tần ngần nhìn chiếc ô, bỗng nghe thấy tiếng “buzz”, cô quay ra với lấy điện thoại trên bàn.
Mở khoá, có thông báo, Trần Ổ gửi lời mời kết bạn.
Cũng phải mấy ngày rồi mới nhìn thấy tấm ảnh đại điện đó – tấm giấy Tuyên Thành nhuộm nước rửa bút.

Cô ấn đồng ý, hệ thống lập tức hiển thị lời nhắn: “Bạn đã thêm Trần Ổ, có thể bắt đầu trò chuyện ngay bây giờ.”
Do dự phút chốc, cô quyết định gửi một biểu cảm “Hello” vô cùng thân thiện.
Trong khi đó, bên kia gửi lại một danh sách tài liệu tham khảo dài dằng dặc.
“U là trời,” Cô đứng giữa nhà, bàng hoàng thốt lên, ”đáng sợ thật đấy!”
Trần Ổ: Gửi cậu tham khảo.
Trần Ổ: Chúc may mắn.
Vương Tử Chu: Cảm ơn!
Cô nghĩ nghĩ, lại gõ thêm.
Vương Tử Chu: Nếu không tìm được thì tớ hỏi cậu sau nhé.
Vương Tử Chu: Mong là cậu không thấy phiền.
Trần Ổ: Không sao đâu ~
Dấu ngã cuối dòng tin nhắn khiến Vương Tử Chu được phen chấn động.

Cô còn tưởng cậu sẽ không bao giờ dùng mấy ký tự kiểu này! Sao lại không được dùng? Thứ định kiến kỳ lạ hết sức! Cô nhìn thời gian, sắp 12 giờ, tầm này nhắn tin chúc ngủ ngon các thứ chắc không sao đâu ha? Nhưng xét tới mối quan hệ giữa hai người, “chúc ngủ ngon” có vẻ không ổn lắm, suy đi tính lại, Vương Tử Chu từ bỏ ý định, chẳng nhắn nhủ gì thêm.
Cô đặt điện thoại xuống bàn, để nó trở về màn “đen” thăm thẳm.
Vương Tử Chu đi đánh răng.
Nếu theo lịch trình hàng ngày, đánh răng, giải quyết nỗi buồn xong xuôi là có thể tắt đèn đi ngủ nhưng trời xui đất khiến thế nào, trước khi lên giường, cô lại động tay vào chiếc điện thoại đang nằm sạc im lìm.
3 tin nhắn chưa đọc!
Vương Tử Chu tức tốc nhấn vào, chữ số đỏ chót báo tin nhắn mới lại nằm trên ảnh đại diện của Tưởng Kiếm Chiếu.
Thì ra là Tưởng Kiếm Chiếu, cô mở cuộc trò chuyện.
Dòng đầu tiên là ảnh chụp màn hình thông tin đặt vé báy may, sau đó là…
Tưởng Kiếm Chiếu: Trẫm được nghỉ rồi!
Tưởng Kiếm Chiếu: Hành cung ở Kyoto chuẩn bị đón tiếp trẫm tới đâu rồi? Đã sẵn sàng tiếp giá chưa?
Vương Tử Chu phóng to bức ảnh lên xem, vé khứ hồi Nam Kinh – Osaka, chuyến bay từ giữa đến cuối tháng 8.


Ngay sau đó, cô gửi liền một sticker “tao ngủ đây”, Tưởng Kiếm Chiếu gửi lại một cái “ngủ đi đồ ngốc”.

Vương Tử Chu nghĩ ngợi một hồi rồi nhắn tiếp: “Bảo này, sao hồi trước mày lại bảo Trần Ổ lập dị?”

Tưởng Kiếm Chiếu gửi thẳng tin nhắn thoại cho cô.
Vương Tử Chu mở ra, một giọng nữ ngọt ngào vang lên giữa căn phòng yên tĩnh: “Chẳng nhớ trước đã kể với mày chưa, cả bố mẹ nó đều là giáo viên cấp 3 của tao.

Bố nó dạy sử kiêm chủ nhiệm lớp tao năm 11 với 12.

Mẹ nó thì dạy toán lớp chọn, khủng khiếp lắm mày biết không? Nói chung là có lần tao thấy nó bị mẹ gọi lên văn phòng phạt đứng nguyên một buổi trưa, ấy thế mà nó vẫn bình thản như không, còn ung dung đi mua cơm tối, tao là tao sốc lắm á!”
Tưởng Kiếm Chiếu nói liến thoắng, tin nhắn thứ hai nhanh chóng gửi đến.
Vương Tử Chu mở ra.
Tưởng Kiếm Chiếu tiếp tục: “Hay do xuất thân từ gia đình nhà giáo nên nó quen với áp lực kiểu này rồi? Chứ phải tao là tao nuốt không trôi hạt cơm nào đâu, tao kiểu hay giận dỗi lắm ấy.

Mà nó thì khá là khác, có khi bị mẹ mắng trước cả lớp nó vẫn tỉnh bơ cũng nên.

Không phải kiểu phổi bò hay cứng đầu đâu, mà là năng lực tự nhận thức đã khá hoàn thiện, tâm lý vững vàng, cảm xúc ổn định ấy.

Đỉnh không? Lúc ấy có mười sáu tuổi đầu nên tao mới thấy lạ, người bình thường ở tầm tuổi ấy thường chênh vênh lắm.
“Chênh vênh”.

Vương Tử Chu hiểu ý của cô bạn mình.
Tuyệt đại đa số ở cái tuổi mười lăm, mười sáu, khi vừa bắt đầu hành trình nhận thức về bản thân đã phải tiếp xúc, tìm hiểu sự tồn tại của một “chủ thể”, một cái tôi nằm ngoài vai trò người con, người trò thì tâm lý hoảng loạn, lạc lõng là điều hiển nhiên.
Thậm chí ngay cả bây giờ, Vương Tử Chu vẫn cảm nhận được phần nào đó trong cô đang kẹt lại ở độ tuổi mới lớn.

Cô không phủ nhận rằng một số người hoàn toàn có thể thấu tỏ câu trả lời về cái tôi của bản thân sớm hơn bình thường.

Nhưng phán đoán của Tưởng Kiếm Chiếu cũng khiến cô không khỏi hoài nghi.
Bởi nếu không nghi ngờ, hẳn cô sẽ ghen tị lắm.
Sao cậu ấy làm được còn mình thì không?
Cho nên ắt là còn nguyên do khác, chắc chắn không phải đơn giản như vậy.
Mấy ngày sau đó, Vương Tử Chu cất công đọc kĩ lại “Công viên”, từ tập 1 tới tập 3, tỉ mẩn lần từng câu từng chữ, không bỏ sót dù chỉ một chi tiết nhỏ nhất.

Đôi khi, cô sẽ nhặt nhạnh được đôi mảnh phản chiếu về cái tôi của tác giả qua vài chi tiết nhỏ.
Trong quá trình sáng tác, người viết không thể hoàn toàn thoát ly bản thân, dù có là tiểu thuyết viễn tưởng đi chăng nữa.
Mở đầu câu chuyện, nhân vật chính tỉnh lại trong một phòng tự học* mới khai trương.

Tác giả không hề giải thích về hoàn cảnh chung mà đi thẳng vào miêu tả chi tiết hàng loạt phản ứng của nhân vật trước không gian xa lạ, tỉ như ý định thổi tắt bóng đèn trên bàn hay đưa tay rờ hơi lạnh phả ra từ khe điều hoà.

Tái hiện một cách tỉ mỉ từng chi tiết đến nỗi người đọc phải đặt dấu chấm hỏi rằng liệu đây có phải một kẻ thần kinh không ổn định? Rốt cuộc anh ta đang làm gì?
*Phòng tự học: Phòng tự học (co-studying space) có mất phí thường ở các toà cao ốc văn phòng hoặc chung cư kết hợp thương mại (Ảnh minh họa).
Tiếp sau, khi các nhân vật khác lần lượt lên sàn, độc giả mới dần vỡ lẽ, à, thì ra đây là câu chuyện về đám yêu quái cổ đại đã tiến hoá theo thời gian, trong khi đó, nhân vật chính là một gã thuật sĩ quê mùa, lạc hậu, không theo kịp bước phát triển của thời đại.

Vừa tỉnh lại, chàng nhận ra đám “kẻ thù không đội trời chung” đã sử dụng thành thạo những công cụ mà mình chẳng hiểu mô tê gì sất.

Tay thuật sĩ đáng thương bị chúng trêu ngươi và bón hành tận tâm cũng vì “mù công nghệ”.
Trong khi chàng ta bó tay chịu trận thì phe “phản diện” lại càng được nước tung hoành.
Nói là “phản diện” chứ thực ra chúng cũng không “phản” cho lắm.

Đọc xong ta sẽ thấy trong tác giả gần như không hề tồn tại ý niệm sâu xa nào về “cái ác”.

“Giảo hoạt, hiểm độc” chẳng mấy chốc đã thành “tấu hài và cười ẻ”.

Ví dụ như khi đám yêu quái buông lời hăm doạ thì sẽ bon mồm phun vài từ lóng đang thịnh hành bấy giờ, qua tai anh chàng nhà quê kia lại hoá nước đổ đầu vịt.

Cực chẳng đã, bọn yêu quái đành cất công giảng giải bằng thứ ngôn ngữ cổ xưa nghìn năm văn vở.
Một khi đã giải thích là đi tong chứ còn gì.
Yêu quái mà tưởng đâu những vị gia sư kiên nhẫn, tận tuỵ với nghề.
Gì vậy trời!
Đám yêu quái cấp tiến đang mở lớp bổ túc cho thuật sĩ nhà quê đấy à?
Bên cạnh đó, tác giả luôn nghiên cứu, tìm hiểu gốc gác nguyên bản của từng con yêu quái trong truyện.

Vì thời đại khởi nguồn không giống nhau nên giữa chúng cũng tồn tại khoảng cách thế hệ rất lớn, thậm chí còn có hai phiên bản khác biệt của cùng một con yêu quái, thế hệ trước và thế hệ sau nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, hệt như nhân hoá mấy bài luận văn nghiên cứu.
Đây cũng chính là điểm thú vị của tác phẩm, ai hợp khẩu vị thì đọc vào phải biết.

Nhưng ai không hợp chắc sẽ chỉ trích tác giả đang cố tình làm khó người đọc, văn phong nửa nạc nửa mỡ, nửa kim nửa cổ, thiếu đi sự trôi chảy, mượt mà, nếu không muốn nói là khô khan, vụng về.

Vương Tử Chu thấy vế sau không phải không có lý, đặc biệt là hai chữ “cố tình”, chuẩn không cần chỉnh.
Sự “cố tình” ấy cũng chính là sự kiêu ngạo của tác giả.
Đó giờ cô vẫn thấy Trẩn Ổ ngạo mạn vô cùng.
Cuộc đối thoại với vị tác giả kiêu kỳ ấy vẫn đang dừng lại ở ba ngày trước.
Vương Tử Chu mở Wechat, tin nhắn cuối cùng vẫn là dòng chữ “không sao đâu~”, thời gian trong cuộc trò chuyện như đang đọng lại, chẳng thể tiến triển thêm nữa.
Cô bất giác tắt bản gốc của “Công viên 3”, mở tệp tài liệu được chia sẻ trực tuyến, xem kĩ một lượt, phát hiện ra mấy ngày vừa rồi Trần Ổ lại chuyển thêm đồ đạc vào “căn phòng” này – bằng chứng là những tài liệu mới được bổ sung.
Người gì mà đáng sợ quá thể.
Vương Tử Chu ngó ra cửa sổ, hai giờ chiều, mặt trời đương độ chói chang, dù đã cách một lớp kính thuỷ tinh nhưng tiếng ve vẫn ra rả ong hết cả đầu.

Bỗng nhiên thấy thèm ăn kem, thèm uống nước giải khát, làm những việc mà người ta vẫn làm khi hè về.
Cô lại cầm điện thoại lên, gửi tin nhắn cho Trần Ổ.
Vương Tử Chu: Chiều nay mình tới lấy mấy tài liệu giấy mà cậu nói lần trước được không?
Không có hồi đáp.
Sau 15 phút thấp thỏm bất an, cô lại viết thêm mấy chữ “tiện thể trả ô cho cậu luôn”, nhưng còn chưa nhấn gửi thì một dòng tin nhắn đã nhẹ nhàng hiện lên màn hình.
“Được, tới Higashitake thì nhắn cho mình.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui