Hội Chợ Phù Hoa

Nhà đạo diễn vở kịch đang ngồi trên sân khấu trước tấm màn; nhìn xuống đám người hỗn độn chen chúc nhau trong Hội chợ, tự nhiên hắn cảm thấy một nỗi buồn tê tái xâm chiếm tâm hồn. Thiên hạ đang đua nhau mà ăn uống, mà chim chuột,rồi bỏ rơi nhau, mà cười mà khóc, rồi hút sách, lừa bịp, nhảy nhót, đấm đá nhau hoặc la cà đây đó.

Có những tay anh chị huých kẻ nọ đẩy người kia mà đi có những cậu công tử bột ra sức liếc tình đàn bà con gái. Có những chú đạo trích chuyên rờ túi thiên hạ, có những ông đội sếp soi mói nhìn ngó đó đây, này là mấy anh bán thuốc rong (trời đánh thánh vật mấy anh bán thuốc rong.) đang gân cổ lên mà quảng cáo thuốc trước quầy hàng của mình; kia là mấy bác nhà quê cứ há hốc mồm ra mà ngắm các cô vũ nữ bận áo sặc sỡ và mấy chú làm trò xiếc leo dây đáng thương mặt trát son đỏ bự, trong khi bọn kẻ cắp đứng đằng sau lưng cứ việc lách mấy ngón tay vào túi mà nẫng nhẹ ví mang đi.

Thưa vâng, chính là Hội chợ phù hoa đấy ạ; không phải là một chỗ đứng đắn và tuy rất ồn ào, nhưng cũng chẳng phải là một nơi vui vẻ gì đâu. Xin các vị hãy nhìn bộ mặt bọn đào kép và mấy chú hề lúc họ tan trò mà xem: anh chàng Tom Fool chùi lượt phấn son trát trên trên má rồi ngồi vào bàn ăn với vợ, lại cả chú Jack Puddings đang đứng sau tấm màn sân khấu kia nữa. Gần mở màn rồi; chú sắp ra trò, sẽ vừa lộn tùng phèo vừa kêu to mà hỏi thăm khắp mặt khán giả: “Các vị có được mạnh khỏe không? Tôi nghĩ rằng người nào có tính ưa suy tưởng, khi đi dạo chơi qua một nơi lắm trò vè như chỗ này, không nên để cho mình bị lôi cuốn trong cái vui vẻ của thiên hạ hoặc của chính mình. Đây đó có thể gặp một vài cảnh tượng hài hước hoặc kỳ thú khiến cho ta cảm động hoặc thú vị. Chỗ này là một thằng bé kháu khỉnh, đứng nuốt nước bọt trước quầy hàng bánh rán; một cô thiếu nữ xinh xinh đỏ ửng mặt lên bên cạnh người tình vừa thủ thỉ chuyện trò vừa chọn mua tặng vật cho mình ... Chỗ kia là anh chàng Tom Fool đang ngồi trong toa xe của rạp xiếc gậm khúc xương cùng với cái gia đình lương thiện sống bám vào nghề làm trò nhào lộn của anh ta... Nhưng cảm tưởng chung vẫn đáng buồn nhiều hơn là đáng vui. Về nhà, chúng ta trở lại nghiêm trang tư lự nhưng với một tâm trạng độ lượng hơn, rồi lại vùi đầu vào sách vở hoặc công việc làm ăn như cũ.

Về câu chuyện của Hội chợ phù hoa sắp kể đây, tôi không biết rút ra bài học luân lý nào khác ngoài mấy ý kiến trên. Có nhiều người coi Hội chợ hoàn toàn không phải là một chỗ đứng đắn, vẫn lánh xa, không cho gia đình và cả đầy tớ bén mảng tới. Rất có thể họ có lý. Nhưng cũng có nhiều người lại nghĩ khác; hoặc vì tính tình lười biếng, hoặc vì có lòng nhân đức, hoặc vì ưa châm biếm, thỉnh thoảng họ lại thích rẽ vào Hội chợ độ nửa tiếng đồng hồ, la cà đây đó xem các trò vui. Ở đây thì vô khối trò đủ mọi loại: những cuộc thử sức kinh người., những cảnh phi ngựa anh dũng tuyệt diệu, những cảnh sống thượng lưu quý phái, và những cảnh sống của tầng lớp thường thường bậc trung, có những trò chim chuột để cho người đa cảm thưởng thức, lại có những trò hài hước dí dỏm nhẹ nhàng.

Trò nào cũng có bài trí trang hoàng tử tế, tác giả xin bỏ tiền mua nến thắp, soi sáng thật rực rỡ. Vậy thì nhà đạo diễn vở kịch còn muốn nói gì nữa nhỉ? ... Hắn chỉ muốn ngỏ lời cảm tạ chư vi, vì qua các tỉnh lớn trong khắp nước Anh, vở kịch đã được khán giả chiếu cố hoan nghênh, và tới đâu cũng được giới ngôn luận, giới quý tộc và các tầng lớp thượng lưu có lòng quan tâm đến.

Cứ nghĩ rằng đám con rối của mình đã khiến được các vị tai mặt nhất trong nước hài lòng mà hắn lấy làm kiêu hãnh quá. Khán giả tuyên bố rằng cái con rối Becky nổi tiếng kia tay chân cử động thật khéo, khi giật dây nó làm trò cứ như thật. Con rối Amelia tuy được ít người thưởng thức hơn, nhưng cũng được nhà nghệ sĩ để hết tâm lực gọt khắc và trang điểm. Con rối Dobbin bề ngoài cử động như vụng về nhưng thật ra nhảy múa có vẻ tự nhiên coi thật thú vị; mấy đứa trẻ ra trò cũng được nhiều người lớn tán thưởng, và xin các vị hãy chú ý giùm cái “nhà quý tộc xấu thói” bận bộ áo lộng lẫy kia; dựng con rối ấy tốn kém vô khối đấy; tấn trò đặc biệt này diễn xong ma quỷ sẽ đến mang con rối ấy đi. Thế là nhà đạo diễn cúi rạp xuống chào các quý khách rồi lui vào hậu trường. Màn mở.

Luân Đôn, ngày 28 tháng 6 năm 1848.

CHISWICK MALL

Ấy là vào khoảng từ năm thứ 13 đến năm thứ 19 của thế kỷ này; vào một buổi sớm tháng sáu nắng tỏa rực rỡ, có một cái xe ngựa lớn, loại xe gia đình, do một cặp ngựa béo mập kéo, yên cương sáng nhoáng, chạy với tốc độ bốn dặm một giờ, đến trước cái cổng sắt lớn của trường học bà Pinkerton lập nên tại Chiswick Mall chuyên giáo dục các cô tiểu thư con nhà dòng dõi thì đỗ lại. Trên xe có một anh xà ích béo quay ngồi điều khiển; anh ta đeo tóc giả, đội một chiếc mũ vành bẻ tam giác. Xe dừng lại trước tấm biển đồng sáng choang trên có khắc tên bà Pinkerton thì một người hầu da đen ngồi cạnh bác xà ích béo tròn duỗi thẳng cặp chân vòng kiềng của hắn ra, với tay giật cái dây chuông trên cổng, và từ những ô cửa sổ bé tý trên mặt căn nhà gạch cổ kính đồ sộ, ít nhất có tới mười cái đầu con gái thò ra ngấp nghé nhìn. Mà nếu tinh ý ta còn nhận thấy cả cái mũi đỏ hỏn bé tý của cô Jemima Pinkerton, một thiếu nữ tốt bụng, đang lấp ló sau mấy chậu hoa phong vĩ thảo đặt trên thành cửa sổ phòng khách của bà Pinkerton.

Cô Jemima nói:

- Xe của nhà bà Sedley đấy chị ạ, Sambo, thằng hầu da đen vừa kéo chuông xong, bác xà ích mặc một cái áo chẽn đỏ mới quá.

Bà Pinkerton hỏi lại:

- Jemima, dì đã sửa soạn đầy đủ hành lý cần thiết cho cô Sedley lên đường chưa?

Bà Pinkerton trông rất đường bệ; bà là một Semiramis Hammersmith () bạn của nhà học giả Johnson, là người cộng tác với chính bà Chapone cơ đấy.

Cô Jemima đáp:

- Thưa chị, sáng hôm nay bọn hầu gái dậy từ bốn giờ; họ sửa soạn hành lý cho cô ấy xong rồi. Chúng em lại hái cho cô ấy cả mấy cành hoa.

- Jemima, phải gọi là một bó hoa, như thế nghe mới lịch sự - Vâng, một bó hoa to gần bằng cái đống rơm ấy. - Em cũng đã sắp sẵn hai chai nước hoa đinh hương cho bà Sedley, cả tờ giấy dặn cách pha nước ấy nữa. Em để tất cả trong chiếc hộp của Amelia.

- Jemima, dì đã sao lại một bản tờ kê học phí của cô Sedley rồi chứ? Thế thì tốt lắm ... chín mươi ba đồng bảng, bốn si-ling () tất cả. Dì đề ngoài phong bì gửi cho tôn ông John Sedley, rồi đóng dấu bức thư tôi viết cho Sedley phu nhân đây.

Đối với cô Jemima, thì một bức thư tự tay chị cô viết là một vật vô cùng đáng kính, như thể đó là thư của một vị quốc vương vậy. Chỉ khi nào các cô học trò của bà rời khỏi học hiệu, hoặc khi họ sắp sửa đi lấy chồng, người ta mới thấy bà Pinkerton đích thân viết thư gửi cho cha mẹ học trò của mình, không kể một lần đặc biệt nhân việc cô Birch bất hạnh bị chết về bệnh sốt phát ban. Và theo ý kiến của cô Jemima, nếu có điều gì có thể an ủi được bà Birch vì cái chết của cô con gái, thì chính là bài văn mộ đạo và hùng hồn của bà Pinkerton gửi đến để báo tin buồn. Lần này bức thư của bà Pinkerton viết lời lẽ như sau:

Mall Chiswick, ngày 15 tháng 6 , năm 18...

Thưa phu nhân,

Sau sáu năm cô Amelia Sedley lưu trú tại Mall, tôi rất hân hạnh và sung sướng thưa với phu nhân rằng bây giờ cô đã là một tiểu thư không phải là thiếu xứng đáng với một địa vị thích hợp trong xã hội thượng lưu lịch sự. Những đức tính đặc trưng cho một thiếu nữ lịch sự Anh quốc, cũng như những tài năng xứng đáng với dòng dõi và địa vị xã hội của một người như vậy sẽ không thiếu nơi cô Amelia Sedley đáng yêu. Cô có đức tính cần cù và ngoan ngoãn, khiến cho các giáo viên dậy cô rất mến. Tính tình dịu dàng đáng yêu của cô đã hấp dẫn tất cả các bạn đồng học, người nhiều tuổi hơn cũng như người còn kém tuổi.

Phu nhân sẽ thấy về khoa âm nhạc, khoa khiêu vũ, môn chính tả, hoặc trong mọi công việc thêu thùa kim chỉ, cô đã đạt được những điều các bạn đồng học thiết tha mong ước nhất. Riêng về môn địa lý thì cô còn nhiều thiếu sót; và trong khoảng thời gian ba năm sắp tới, mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ, cô còn cần tập đeo bảng sau lưng () một cách thận trọng và chuyên cần: điều này rất cần, vì có vậy mới luyện được dáng điệu đường bệ tôn quý mà các cô tiểu thư lịch sự bây giờ đều phải có.

Còn về phương diện biết tôn trọng những nguyên tắc tôn giáo và luân lý thì phu nhân sẽ thấy cô Sedley rất xứng đáng với một học đường đã từng được cái vinh dự tiếp đón nhà từ điển học đại danh, và đã được Chapone phu nhân đỡ đầu. Rời khỏi Mall, cô Amelia đã đem theo cả tâm hồn của các bạn đồng học cũng như niềm thương mến của cô giáo dạy cô, người có cái vinh dự được ký tên dưới đây.

Kính chào phu nhân,

Người đầy tớ mang ơn và hèn hạ của bà.

Ký: Barbara Pinkerton.

Tái bút.

Cô Sharp cùng đi với cô Sedley. Xin đặc biệt yêu cầu phu nhân chỉ nên lưu cô Sharp ở lại khu phố Russell không quá mười ngày. Cô ta sắp đến giúp việc tại một gia đình quyền quý, gia đình này muốn rằng cô ta đến nhận việc sớm chừng nào hay chừng ấy.

Thảo xong bức thư, bà Pinkerton bắt đầu viết tên mình và tên cô Sedley vào trang đệm () của một cuốn từ điển Johnson... một quyển sách lý thú mà bất cứ khi nào có học trò rời khỏi Mall bà cũng tặng cho một cuốn. Trên bìa sách , lại có đính kèm một bản sao tờ giấy đề “mấy lời của cố học giả Samuel Johnson đáng kính gửi cô tiểu thư mới rời khỏi Pinkerton học hiệu, ở Mall”. Thực ra cái bà giáo bệ vệ này vẫn luôn mồm nhắc đến tên nhà làm từ điển; chính cũng nhờ có một buổi ông ta đến thăm bà mà bà hóa ra danh giá và làm ăn phát đạt.

Nghe thấy bà chị ra lệnh cho mình lấy cuốn từ điển trên mặt tủ xuống, cô Jemima bèn cầm xuống hai cuốn.

Bà Pinkerton vừa đề xong lời tặng vào cuốn thứ nhất, thì cô Jemima đưa bà cuốn thứ hai, dáng điệu hơi ngần ngại và có vẻ sợ sệt. Bà Pinkerton lạnh lùng hỏi lại, nghe rất đáng sợ:

- Này, dì Jemima, cuốn này để cho ai đấy?

- Để cho cô Sharp đấy ạ. Hôm nay cô ấy cũng ra trường.

Cô Jemima run bắn người lên trả lời, cả bộ mặt và cái cổ đã héo úa của cô bỗng đỏ rực lên. Cô quay lưng lại không dám nhìn bà chị.

Bà Pinkerton dằn mạnh từng tiếng:

- Này Jemima, dì có điên không đấy? Cất ngay quyển từ điển vào tủ. Từ nay trở đi, đừng có bao giờ được tự tiện như thế, nghe không.

- Dạ, thưa chị, cuốn sách chỉ đáng giá có vài hào chỉ, mà nếu cô Becky đáng thương ấy không được một cuốn thì cô ấy sẽ khổ tâm lắm.

Bà Pinkerton đáp:

- Mời cô Sedley lên đây ngay cho tôi.

Tội nghiệp cho cô Jemima; chẳng dám hé răng nói thêm một tiếng nào nữa, cô vội rảo bước đi ra, trong lòng hết sức hồi hộp vì sợ hãi.

Ông thân sinh ra cô Sedley là một thương gia ở Luân đôn, cũng là một tay giầu có. Còn cô Sharp chỉ là một cô học trò tập sự nghề dạy học; bà Pinkerton nghĩ rằng bà đã đối đãi với cô quá phải rồi, chẳng cần phải ban cho cái vinh dự được tặng cuốn từ điển khi cô từ biệt nhà trường.

Kể ra thư giới thiệu của các bà giáo thì cũng chẳng đáng tin cho lắm, chỉ có giá trị như những tấm bia trong nghĩa địa không hơn không kém, song thỉnh thoảng cũng có những người từ giã cõi đời này mà lại thực sự xứng đáng với những lời xưng tụng bác thợ đá khắc vào bia dựng trên nắm xương tàn của họ, nghĩa là một con chiên ngoan đạo, một người bố, người mẹ, người con, người vợ hoặc người chồng xứng đáng, và khi họ chết đi, quả thực có khiến cho thân nhân phải thương tiếc không sao nguôi được. Cho nên trong các trường học dạy con trai cũng như con gái, đôi khi cũng có một học sinh hết sức xứng đáng với những lời khen thưởng của người giáo viên vô tư. Thì cô Amelia Sedley chính là một tiểu thư thuộc loại học trò đặc biệt này.

Không những cô xứng đáng với lời ca tụng của bà Pinkerton, cô còn có nhiều đức tính đáng yêu khác mà cái bà già Minerva() long trọng kia không thể nhìn thấy, bởi lẽ giữa bà và cô học trò có một sự cách biệt về địa vị và tuổi tác.

Nghĩa là cô Sedley không phải chỉ có thể hát hay như một con sơn ca, hoặc như cô Billington, khiêu vũ giỏi chẳng thua gì Hillisberg hoặc Parisot, thêu thùa khéo léo và phát âm thì đúng giọng như trong từ điển, cô còn rất tốt bụng, luôn luôn tươi tỉnh dịu dàng, thùy mị và rộng lượng. Con người ấy ai đến gần cũng phải mến; từ chính bà Minerva trở xuống cho tới cô gái nghèo giữ việc bếp núc trong trường, cũng như cô gái con bà bán bánh quả chột mắt vẫn được phép mang hàng đến bán cho các cô tiểu thư ngụ học ở Mall mỗi tuần lễ một lần. Trong số hai mươi bốn nữ sinh lưu trú tại trường, cô Sedley có tới mười hai người bạn tâm tình chí thiết. Ngay cả cái bà Briggs vốn hay ghen ghét kia cũng không hề bao giờ nói xấu cô điều gì. Cả cô Saltire, con người cao kỳ và có thế lực (cháu gái bá tước Dexter), cũng đã công nhận rằng cô có bộ mặt thật đáng yêu. Còn như cái cô Swartz, người lai da đen sinh ở St. Kitt, tóc xoăn tít như lông cừu và rất giàu có ấy thì đã khóc sướt mướt hôm Amelia từ biệt nhà trường, đến nỗi người ta phải đi mời bác sĩ Floss đến chữa; ông này cho ngửi nước đái quỷ nhiều quá, xuýt nữa cô ta tắc thở. Sự quyến luyến của bà Pinkerton thì biểu lộ ra một cách điềm đạm và nghiêm trang, ta cứ đoán ra cũng rõ, do cương vị cao quý và những đức tính nổi bật của bà. Riêng cô Jemima đã nhiều lần tấm tức khóc mỗi lúc nghĩ đến việc Amelia ra đi; giá không vì sợ bà chị thì chắc cô ta đã khóc lóc đến là thảm thiết như cô gái triệu phú ở St. Kitt (cô này trả tiền học gấp đôi người khác). Nói cho đúng thì chỉ có bọn học sinh lưu trú mới có điều kiện xa xỉ trong sự sầu não như vậy. Cô Jemima chân thực kia còn bận quán xuyến bao nhiêu việc, nào là giấy má, nào là quét tước, khâu vá, rồi lại còn làm pa-tê, dọn bát đĩa, và trông coi người làm nữa. Nhưng nói đến cô ta làm gì? Có lẽ từ lúc này trở đi, chúng ta cũng chẳng còn bao giờ được nghe nhắc đến cô ta nữa đâu; và khi đôi cánh cổng sắt có chấn song hoa của nhà trường đã khép lại thì cô và cả bà chị ghê gớm của cô cũng thôi không còn xuất hiện lại trong cái thế giới nhỏ mọn của cuốn truyện này nữa.

Song bởi lẽ chúng ta còn gặp lại Amelia nhiều lần, nên ngay từ giờ phút quen thuộc đầu tiên này, nói ngay rằng cô thật là một cô em đáng yêu cũng chẳng có hại gì. Trong cuộc đời cũng như trong tiểu thuyết, (đặc biệt là trong tiểu thuyết) ta thường gặp những tên đốn mạt vào loại tồi tệ nhất; có được một người bạn đồng hành lúc nào cũng ở bên mình, mà lại là một người trong trắng và tốt bụng như thế là một nhân vật chính nên cũng không cần phải miêu tả hình dáng cô làm gì; thực ra thì tôi cũng e rằng mũi cô có phần hơi ngắn, còn má thì, nếu cô là một nhân vật chính, như vậy cũng khí tròn quá và đỏ quá (). Song được cái mặt cô lúc nào cũng tươi, nước da hồng hào khỏe mạnh, miệng cô luôn luôn nở một nụ cười duyên dáng nhất. Cô lại có đôi mắt sáng long lanh đầy tinh thần yêu đời, dĩ nhiên trừ trường hợp mắt cô đẫm lệ, mà cô cũng hay khóc lắm. Cái cô thiếu nữ vớ vẩn này thấy một con chim hoàng oanh chết cũng khóc, mà thấy một con chuột đột nhiên bị mèo vồ chết, cũng chảy nước mắt được; cô khóc cả khi đọc đoạn kết thúc một cuốn truyện, dẫu rằng đoạn kết rất ngớ ngẩn ... Còn như nặng lời với cô - giả thử có người nào nhẫn tâm mà làm như vậy - thì quả thật là tồi tệ, nói làm gì đến họ.

Ngay cả bà Pinkerton, người đàn bà khắc khổ trông như một vị thần ấy cũng chỉ rầy la cô một lần rồi thôi hẳn.

Tuy bà chẳng hiểu thế nào là sự mủi lòng cũng như bà mù tịt đối với khoa đại học, bà cũng ra lệnh đặc biệt cho tất cả các thầy giáo cô giáo trong trường phải đối đãi với cô Sedley một cách cực kỳ nhẹ nhàng, dường như sự phũ phàng trong cách cư xử là một điều sỉ nhục đối với cô.

Cho nên đến ngày chia tay, cô Sedley rất bối rối; giữa hai thói quen hay khóc và hay cười, cô không biết nên chọn đằng nào. Được về với gia đình cô cũng thích, nhưng phải từ biệt nhà trường cô cũng vô cùng sầu khổ. Đã từ ba hôm trước, em bé Laura Martin, một em bé mồ côi, cứ luẩn quẩn đi theo cô như một con chó nhỏ. Cô đã phải trao và phải nhận quà tặng ít nhất là mười bốn lần, lại đã phải trịnh trọng hứa mười bốn lần rằng sẽ viết thư hàng tuần đều đều. Cô Saltire bảo thế này: “Viết thư cho em thì cứ đề ngoài bì gửi cho ông nội em là bá tước Dexter tiên sinh nhé” (thực ra gia đình cô này cũng xác xơ chứ có gì đâu) . Còn cô Swartz, cô thiếu nữ tính tình sôi nổi, tóc xoăn tít như lông cừu nhưng rất rộng lượng và thân thiết ấy, thì bảo bạn: “Đừng có ngại tiền tem, ngày nào cũng phải viết thư cho em đấy”. Em bé mồ côi Laura Martin (em hãy còn đang tập viết tô) thì cứ nắm lấy tay cô bạn lớn tuổi, tha thiết nhìn vào mặt cô mà nói: “Chị Amelia ơi, bao giờ em viết thư cho chị, em sẽ gọi chị là “má” nhé. Nhất định anh chàng Jones, khi đọc cuốn sách này ở câu lạc bộ của anh ta, thế nào cũng tuyên bố rằng những chuyện vừa kể trên chẳng qua là những chuyện cực kỳ ngớ ngẩn tầm thường, vô vị, và tình cảm một cách quá đáng. Phải, ngay phút này, tôi cũng đã cụ thể nhìn thấy Jones (mặt hắn gần đỏ tía lên trước một tảng thịt cừu và một nửa chai rượu vang) đang rút bút chì ra gạch dưới mấy chữ “ngớ ngẩn, vô vị” v…v…rồi lại còn thêm ý kiến riêng “đúng vô cùng”. Phải lắm, hắn là một thiên tài kiêu kỳ, chỉ quen kính trọng những cái gì là lớn lao và anh hùng trong cuộc đời cũng như trong tiểu thuyết; thôi thì tốt nhất là biết hắn vậy, và đi chỗ khác.

Vậy thì nào hoa, nào tặng vật, và hòm xiểng, rồi hộp mũ, tất cả đồ đạc của cô Sedley đều đã được bác Sambo xếp cẩn thận lên xe rồi; cả một cái va ly bé tý xíu bằng da bò cũ, mưa nắng đã dãi dầu, trên có ghim cẩn thận một mảnh bìa ghi tên cô Sharp. Sambo tay sách chiếc va ly cứ nhăn răng ra mà cười mãi; bác xà ích lúc buộc lại nó cũng có một nụ cười mỉa mai đồng lõa... Giờ khởi hành đã đến. Nỗi đau đớn của phút ly biệt cũng giảm được nhiều phần, nhờ có bài diễn văn đáng phục của bà Pinkerton thuyết cho cô học trò nghe. Không phải vì bài diễn văn chia tay đã khiến cô Amelia đâm ra triết lý, hoặc nó đã có tác dụng làm cho cô có thái độ bình thản tức là kết quả của sự suy luận, nhưng vì bài diễn văn buồn, và kêu, và tẻ nhạt một cách không thể thương được, và chính vì nỗi sợ hãi bà giáo vẫn còn lù lù trước mắt nên đối diện với bà, cô Sedley không dám liều lĩnh để cho nỗi đau buồn riêng của mình được phát lộ ra một tý nào. Cũng như mọi dịp long trọng khác, mỗi khi có phụ huynh học sinh đến thăm trường, người ta đã dọn trong phòng khách một cái bánh mạch nha và một chai rượu vang. Mỗi người ăn một miếng bánh; cô Sedley bắt đầu được tự do lên đường. Truyện "Hội Chợ Phù Hoa " được từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

- Becky, em vào trong nhà chào bà Pinkerton đã chứ.

Cô Jemima bảo với một cô thiếu nữ đang đi xuống cầu thang gác như vậy. Cô này ôm trong tay chiếc hộp đựng đồ dùng của chính mình: chẳng ai buồn để ý đến cô ta. Cô Jemima rất ngạc nhiên thấy cô Sharp thản nhiên đáp lại rằng:

- Có lẽ cũng phải thế thật.

Sau khi cô Jemima đã gõ cửa và được phép vào thì cô Sharp tiến lên, dáng điệu rất ung dung, nói bằng tiếng Pháp thật đúng giọng: “Thưa bà, tôi đến để từ biệt bà”().

Bà Pinkerton không hiểu tiếng Pháp; bà chỉ điều khiển những người biết tiếng Pháp thôi. Nhưng bà cắn môi lại, ngẩng cao một cái mặt đáng khinh có cái mũi La-mã lên (trên đầu bà lại quấn một tấm khăn to tướng nom rất long trọng nữa) và đáp: “Cô Sharp, xin chào cô”. Bà Hammersmith Semiramis vừa nói vừa giơ một bàn tay lên vẫy để tỏ ý từ biệt, và cũng là để cho cô Sharp có dịp nắm lấy một ngón tay của bà giơ ra cốt cho cô được bắt.

Nhưng cô Sharp chỉ chắp hai tay lại, mỉm cười cúi chào một cách lạnh lùng: rõ ràng cô không chịu nhận cái vinh dự nói trên. Bà Semiramis thấy vậy tức giận quá sức, nguẩy đầu hất mạnh chiếc khăn một cái. Quả thấy đây là một cuộc chiến tranh nho nhỏ giữa cô con gái và bà già, mà bà già đã bị thất trận. Bà ôm lấy Amelia hôn mà nói: “Con ơi, cầu thượng đế ban phúc lành cho con”, đồng thời qua vai cô này, bà cau mặt lại nhìn cô Sharp. “Thôi đi đi, Becky”. Cô Jemima hãi quá, vừa nói vừa kéo cô gái đi ra ngoài; và cánh cửa phòng khách mãi mãi đóng lại sau lưng họ.

Rồi thì tiếp theo là cuộc chia tay ồn ào ở dưới sân; lời nói khôn tả xiết. Tất cả gia nhân đều tập trung trong gian nhà lớn... Tất cả những bè bạn thân thiết... tất cả các cô tiểu thư...và cả ông giáo dạy khoa khiêu vũ vừa mới đến xong. Thế rồi, nào là ôm ghì lấy nhau, nào là hôn hít, rồi thì khóc lóc, cứ túi bụi lên; lại còn những tiếng “hực, hức” thảm thiết vẳng ra từ trong căn phòng riêng của Swartz, cô học sinh lưu trú nữa. Thật không bút nào tả xiết; mà có viết ra thì người có tâm hồn đa cảm cũng không đành lòng mà đọc cho được. Vậy là xong cuộc ôm hôn từ biệt; họ chia tay nhau...nghĩa là cô Sedley chia tay cùng các bạn cô.

Riêng cô Sharp đã nín lặng chui vào trong xe từ mấy phút trước. Chẳng một ai buồn khóc vì phải từ giã cô này.

Bác Sambo chân vòng kiềng sập cửa xe đánh thình một cái sau lưng cô chủ đang khóc sướt mướt, rồi nhảy phốc lên đứng sau xe.

- Dừng lại đã !

Cô Jemima vừa kêu lên vừa chạy bổ ra cổng, tay cầm một gói nhỏ. Cô bảo với Amelia:

- Em yêu quý ơi, đây là mấy cái bánh xăng-uých; em cầm lấy đi đường đói thì ăn. Còn Becky, này Becky Sharp, đây là quyển sách tặng em, mà chị tôi...nghĩa là tôi…quyển từ điển Johnson ấy mà, em biết rồi chứ; em không thể từ biệt chúng tôi mà không được tặng quyển sách này. Thôi, tạm biệt nhé. Xà ích, đánh xe đi. Cầu chúa che chở cho các em!

Đoạn người thiếu nữ tốt bụng ấy lùi vào trong vườn, lòng dạt dào vì quá xúc động.

Nhưng kìa! Bác xà ích vừa đánh xe đi thì cô Sharp ló bộ mặt nhợt nhạt ra cửa sổ xe, quăng trả cuốn sách vào trong vườn.

Cô Jemima thấy thế xuýt chết ngất vì sợ hãi. Cô nói:

- Chao ôi? Chưa bao giờ tôi...gớm, mới táo bạo làm sao chứ!

Cô bị xúc động mạnh quá, không nói hết được ý cả hai câu trên. Chiếc xe bon bon chạy đi; hai cánh cổng lớn đóng chặt lại. Tiếng chuông reo vang báo hiệu bài học khiêu vũ bắt đầu. Cả cuộc đời đang mở rộng trước mặt hai cô thiếu nữ; và thế là vĩnh biệt Chiswick Mall.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui