Hồi Ức Của Một Geisha


Giả sử anh và tôi đang ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, nhìn ra khu vườn, uống trà xanh, nói chuyện gẫu, nhắc lại chuyện xưa, và tôi nói với anh: “Chiều hôm ấy tôi gặp một chuyện như thế này này… Đó là một buổi chiều tuyệt vời nhất, đồng thời cũng là một buổi chiều tệ hại nhất trong đờI tôi.” Tôi nghĩ thế nào anh cũng để tách trà xuống và nói: “Sao, chuyện gì kỳ cục thế? Chuyện gì mà vừa tuyệt vời mà lại vừa tệ hại?” Lẽ ra tôi phải cười mình và đồng ý với anh. Nhưng đúng là buổi chiều hôm ấy tôi gặp ông Tanaka Ichiro, và ông ta đã làm một chuyện vừa tuyệt vời nhất vừa tệ hại nhất. Khi gặp ông ta, mặc dù hai tay ông hôi mùi cá, nhưng tôi vẫn thấy ông rất hấp dẫn. Nếu tôi không gặp ông ta, chắc tôi sẽ không bao giờ trở thành geisha được.
Tôi không phải được sinh ra và nuôi nấng để trở thành geisha ở Kyoto. Tôi cũng không phải sinh ra ở Kyoto. Tôi là con một ngư phủ trong một thị trấn có tên Yoroido nằm trên biển Nhật Bản. Suốt đời tôi rất ít khi nói cho ai nghe chuyện về thi trấn Yoroido, hay nói về ngôi nhà tôi ở tại đấy, hay nói về bố mẹ tôi, nói về người chị của tôi – và đương nhiên không nói về hoàn cảnh tôi trở thành geisha như thế nào, hay cuộc đời của một ngườI geisha ra sao. Chắc nhiều người tưởng rằng mẹ tôi và bà ngoại tôi đều geisha cả và chắc họ đã nghĩ rằng tôi tập ca múa ngay từ khi thôi bú mẹ. Cách đây nhiều năm, khi tôi rót rượu sakê mời khách, tình cờ ông ta cho tôi biết mới tuần trước đó ông ta đã ở tạI Yoroido. Trời, tôi cảm thấy mình như con chim bay qua đại dương tìm về tổ ấm, đã đụng phải con vật khác chiếm mất tổ của mình. Tôi quá kinh ngạc, không sao ngăn thốt lên lời:
- Yoroido à, tôi lớn lên ở nơi đấy ấy!
Tội thay cho ông ta! Mặt ông ta méo xệch trông đến tức cười! Ông ta muốn cười mà không cười được vì bất ngờ và kinh ngạc.
- Ở Yoroido à? – Ông ta hỏi – Không ai tin bà đâu!
Tôi cười ruồi với ông. Từ lâu tôi đã tập được nụ cười mà tôi gọi là “nụ cười của thần Noh”, vì nụ cười giống như nụ cười vẽ trên mặt nạ thần Noh, một nụ cườI lạnh lùng. Nụ cười này có ưu thế là đàn ông muốn hiểu sao cũng được, tùy họ; tôi thường dùng nụ cười này để trả lời họ. Tôi nghĩ tốt hơn hết là tôi nên dùng nụ cười này, vì nó rất hữu hiệu. Ông ta thở dài rồi nốc hết vào miệng cốc sakê tôi vừa rót, trước khi cất tiếng cười ha hả. Nghe tiếng cười, tôi đoán ông ta đã cảm thấy khoái trá…
- Ý nghĩa tuyệt đấy chứ – ông ta nói và lại cất tiếng cười ha hả – Bà lớn lên trong đống rác như ở Yoroido. Chẳng khác nào pha trà trong cái xô! – Ông ta lại cười và nói tiếp – vì thế mà bà rất khôi hài, bà Sayuri ạ, đôi lúc bà làm tôi tin những lờI nói đùa của bà là thật.
Tôi không muốn nghĩ mình là tách trà pha trong cái xô, nhưng dù sao tôi vẫn thấy đấy là chuyện thực. Nói tóm lại, tôi đã lớn lên ở Yoroido, và không ai cho đấy là một nơi quyến rũ. Không ai đến thăm nơi đấy. Còn người dân sống ở đấy, không làm sao có cơ hội ra đi. Có lẽ anh muốn biết làm sao mà tôi ra đi được. Thì đây, tôi bắt đầu câu chuyện ấy cho anh nghe đây:
Trong ngôi làng đánh cá nhỏ ở thị trấn Yoroido, tôi sống trong túp lều mà tôi vẫn gọi là “ngôi nhà ngà say”. Nhà ở gần một vách núi đá, nơi gió từ biển luôn luôn thổi vào. Khi còn nhỏ, tôi cứ nghĩ là biển bị cảm lạnh rất khủng khiếp, vì nó thường thở khò khè và có lúc hắt xì rất mạnh – hắt xì làm bắn gió vào nhà chúng tôi. Tôi nghĩ ngôi nhà nhỏ của chúng tôi thỉnh thoảng bị biển hắt xì vào mặt, rồi dừng lại một lát như thể nó muốn tranh thủ thời gian để lấy lại sức. Nếu bố tôi không lấy một cột buồm nơi chiếc thuyền đánh cá bị chìm để chống vào một bên chái, thì có lẽ ngôi nhà đã sập từ lâu, và cảnh ngôi nhà có cột chống bên chái trông như một lão già ngà say đang chống cái nạng vậy.
Tôi đã sống cuộc đời chệch choạng trong ngôi nhà ngà say này. Vì ngay khi còn bé, tôi đã rất giống mẹ tôi, không giống bố tôi và chị tôi chút nào hết. Mẹ tôi nói rằng tôi và mẹ tôi rất giống nhau – mà quả đúng như thế, nhất là cặp mắt, mắt của chúng tôi rất đặc biệt, không có ai ở Nhật có cặp mắt giống chúng tôi như thế. Thay vì có màu nâu đen như mắt mọi người, mắt mẹ tôi có màu xám trong, và mắt của tôi cũng thế. Khi tôi còn nhỏ, tôi nói với mẹ rằng chắc có ai thọc một lỗ trong mắt của mẹ để cho mực trong mắt của mẹ chảy ra hết, lời nói của tôi làm mẹ vui vui. Giới bói toán cho rằng mắt mẹ tôi có màu bạc như thế vì mẹ tôi mạng Thủy, mà có nhiều nước quá thì bốn yếu tố khác trong ngũ hành không hiện ra. Cho nên họ cho vì thế mà các nét khác trên mặt bà so với cặp mắt rất xấu. Dân làng nói đáng ra bà rất hấp dẫn mới phảI, vì bố mẹ bà đều đẹp. Đúng là trái đào thì đẹp rồi, quả nấm cũng đẹp, nhưng đem cả hai ghép lại với nhau thì không xong; đây quả là điều trớ trêu kinh khủng mà tạo hóa áp đặt lên bà. Bà có cái miệng trề ra của mẹ, nhưng lại mang cái hàm vuông của bố, khiến cho người ta cảm thấy những nét duyên dáng của bà bị nằm trên khuôn mặt quá nặng nề. Còn cặp mắt xám xinh đẹp của bà có hai hàng mi rậm viền chung quanh, chắc là giống bố, nhưng nhờ thế mà trông bà càng hấp dẫn hơn.
Mẹ tôi thường nói bà lấy cha tôi vì bà có nhiều nước còn ông thì có nhiều gỗ trong người. Những người biết cha tôi đều hiểu rõ mẹ tôi muốn nói cái gì. Nước thì chảy khắp nơi và tìm chỗ nứt để thoát ra ngoài. Còn gỗ thì trái lại, rễ mọc sâu xuống đất. Trong nghề của cha tôi, mạng Mộc là tốt nhất, vì ông là dân đánh cá, mà người có gỗ trong người, sẽ xoay sở trên mặt biển rất thoải mái.
Đúng như vậy, bố tôi rất thoải mái trên biển, thoải mái hơn bất kỳ chỗ nào và không bao giờ xa biển lâu. Ông có mùi của biển ngay cả sau khi tắm rửa xong. Khi ông không đánh cá, ông ngồi mạng lưới đánh cá trên nền nhà của căn phòng tối tăm phía trước. Nếu cái lưới đánh cá là một sinh vật đang ngủ, thì chắc ông cũng không làm cho nó thức dậy vì tốc độ làm việc của ông quá rù rờ. Ông làm việc gì cũng rù rờ như thế. Ngay khi ông tập trung vào công việc, thì chúng tôi chạy đi tắm, khiến ông nhăn mặt càu nhàu. Mặt của ông nhăn nhúm kinh khủng, và trên mỗi vết nhăn chồng chất một nỗi buồn phiền lo âu, cho nên nhìn vào mặt ông, người ta không thấy đó là khuôn mặt nữa mà là một thân cây mang nhiều tổ chim trên cành cây. Ông phải thường xuyên phấn đấu để giải tỏa các lo âu buồn phiền ấy, và vì quá cố gắng nên trông ông lúc nào cũng xơ xác.
Khi tôi được sáu, bảy tuổi, tôi mớI được biết một ít về bố tôi. Một hôm tôi hỏI ông:
- Bố này, sao bố già quá như thế?
Nghe hỏi, ông nhướng cao mày, cặp lông mày của ông khi ấy trông giống như cặp dù nhỏ giương ra che cặp mắt bên dưới. Rồi ông buông tiếng thở dài, lắc đầu và đáp:
- Bố không biết.
Khi tôi quay qua phía mẹ, bà nhìn tôi với ánh mắt như muốn nói với tôi rằng bà sẽ cho tôi biết vào một dịp khác. Ngày hôm sau, không nói một tiếng, bà dẫn tôi xuống đồi vào làng, rồi đi theo một con đường dẫn đến nghĩa địa nằm trong rừng. Bà dẫn tôi đến ba ngôi mộ nằm trong góc nghĩa địa, có ba tấm bia trắng cao hơn người tôi. Trên mộ bia có những chữ màu đen vụng về từ đỉnh bia đến chân bia, nhưng chỉ vì đi học trong trường làng một thờI gian ngắn, nên tôi không đủ sức đọc hết các chữ viết trên bia mộ. Mẹ tôi chỉ vào hàng chữ và nói:
- Natsu, vợ của Sakamoto Minoru – Sakamoto Minoru là tên cha tôi – chết năm 24 tuổI vào năm thư 19 Minh trị Thiên hòang – Rồi bà chỉ vào tấm mộ bia bên cạnh: Jinichiro, con trai của Sakamoto Monoru, chết năm sáu tuổi, vào năm thứ 19 Minh trị Thiên hòang, – rồi chỉ vào tấm bia kế bên, tấm bia giống cái trước, chỉ khác cái tên là Masao, và tuổi thì mới lên ba. Tôi đứng ngẩn ngơ một lát mới hiểu ra là cha tôi đã có một đời vợ trước và cả gia đình ông ấy đã chết hết. Mấy hôm sau tôi trở lạI thăm các ngôi mộ ấy, tôi đứng nhìn, lòng nặng trĩu buồn phiền. Tôi đứng như chôn chân tại chỗ, không rời đi được, như thể mấy ngôi mộ kia đã níu tôi ở lại với họ.
Với người mạng Thủy và người mạng Mộc, đáng ra bố mẹ tôi hạp mạng nhau, dung hòa cho nhau để sinh ra những đứa con có tư chất tốt đẹp mới đúng. Đàng này họ lại sinh ra những đứa con, đứa thì giống mẹ, đứa thì giống cha. Thực ra tôi không giống mẹ tôi, tôi chỉ giống đôi mắt khác thường của bà thôi, còn chị tôi, Satsu, giống bố tôi như đúc. Satsu lớn hơn tôi sáu tuổi, và dĩ nhiên vì lớn hơn tôi nên chị có thể làm những việc mà tôi không làm nổi. Nhưng chị Satsu có đặc tính là làm việc gì cũng bộp chộp, thường gây ra tai nạn. Ví dụ có ai biểu chị múc một tô canh trong nồi đang nấu trên lò lửa, thì chị sẽ đi múc ngay, nhưng chị múc canh từ nồi vào tô với vẻ lanh chanh được chăng hay chớ. Một lần chị bị con cá làm rách da, chị gói con cá trong giấy, mang dưới làng lên đồi, thì bỗng con cá trượt ra, rơi dưới chân, cái vi cá đâm thẳng vào chân làm rách da chị.
Chắc bố mẹ tôi muốn có thêm con ngoài Satsu và tôi ra, nhất là vì bố muốn có con trai để đi đánh cá với ông. Nhưng khi tôi lên bảy tuổi thì mẹ tôi đau nặng, có lẽ bà bị ung thư xương, nhưng lúc ấy tôi chẳng biết là bệnh gì hết. Bà chỉ có cách duy nhất để khỏi thấy đau đớn là ngủ, nhưng bà chỉ ngủ như con mèo ngủ mà thôi – nghĩa là chập chờn lúc ngủ lúc thức. Càng ngày bà càng ngủ nhiều, và khi thức dậy bà lại rên. Tôi nghĩ chắc cơ thể bà biến chuyển nhanh, nhưng vì người bà có nhiều nước nên tôi thấy tình hình có vẻ không đáng lo. Thỉnh thoảng bà gầy đi vài tháng rồI lấy lại sức liền sau đó. Nhưng năm tôi lên chín tuổi thì xương mặt bà trơ ra, và sau đó bà không lấy lại được da thịt như cũ. Tôi không nhận ra được căn bệnh đã làm cho bà khô nước. Y như loài rong biển vốn mọng nước, nhưng khi phơi khô, nó dòn ra, dễ gẫy, mẹ tôi càng lúc càng khô hết nước.
RồI đến một buổi chiều, tôi đang ngồi chơi vớI con dế mà tôi bắt được hồi sáng trên nền nhà lỗ chỗ ở phòng trước tối tăm, thì bỗng có tiếng người gọi trước cửa:
- Này, mở cửa ra! Có bác sĩ Miura đến!
Bác sĩ Miura mỗi tuần đến làng đánh cá của chúng tôi một lần, ông cố gắng leo lên đồi khám cho mẹ tôi kể từ ngày bà lâm bệnh. Hôm ấy có bố tôi ở nhà vì trờI có bão lớn. Ông đang ngồi ở chỗ mọi khi, hai bàn tay to tướng xoè ra lồng vào cái lưới đánh cá. Ông ngước mắt nhìn tôi rồi đưa ra một ngón tay. Như thế tức là ông muốn tôi ra mở cửa.
Bác sĩ Miura là người rất quan trọng – hay như mọi người trong làng tôi tin như thế. Ông học ở Tokyo và theo như người ta cho biết, ông biết nhiều chữ Hán hơn bất kỳ người nào. Ông ta rất kiêu hãnh, không thèm chú ý đến một người như tôi. Khi tôi mở cửa, ông tháo giày ra rồi bước thẳng vào nhà.
- Sao, Sakamoto-san – ông nói với bố tôi – ước gì tôi có cuộc sống như bác, suốt ngày đánh cá ngoài biển. Tuyệt biết bao! Và khi gặp biển động, bác ngồi ở nhà nghỉ ngơi. Chắc vợ bác còn ngủ – ông nói tiếp – Thật tội nghiệp. Tôi đến để khám bệnh cho bà ấy đây.
- Ồ thế à? Bố tôi nói.
- Tuần sau tôi không đến được. Bác làm ơn đánh thức bà ấy dậy được không?
Bố tôi gỡ tay ra khỏi lưới một lát mới xong, rồi ông đứng lên nói với tôi:
- Chiyo-chan, rót cho bác sĩ một tách trà.
Tên tôi lúc ấy là Chiyo. Mãi đến nhiều năm sau người ta mới biết đến tên Sayuri khi tôi đã thành geisha.
Bố tôi và ông bác sĩ đi vào nơi mẹ tôi nằm ngủ. Tôi đứng ngoài cố lắng nghe, nhưng chỉ nghe tiếng mẹ tôi rên mà thôi, chứ không nghe thấy họ nói gì hết. Tôi đi pha trà, và một lát sau ông bác sĩ bước ra, hai tay thoa vào nhau, mặt trông rất căng thẳng. Bố tôi đi theo ông, hai người đến bộ bàn kê giữa phòng.
- Bác Sakamoto này – bác sĩ Miura nói- đã đến lúc tôi phải nói chuyện này cho bác biết . Có lẽ bác phải xuống làng để nói chuyện với bà Sugi mới được. Bác hãy nhờ bà ấy may cho bác gái chiếc áo mới.
- Thưa bác sĩ, tôi không có tiền – Bố tôi đáp.
- Tất cả chúng ta ai cũng nghèo hết, tôi biết điều bác nói ra là đúng. Nhưng bác phải may áo mới cho vợ bác, vì bác không nên để vợ bác mặc chiếc áo dài rách tả tơi như thế mà chết.
- Vậy bà ấy sắp chết rồi sao?
- Có lẽ trong vài tuần nữa thôi. Bà ấy đau đớn ghê gớm lắm. Cái chết sẽ giải thoát cho bà.
Tiếp theo, tôi không nghe được hai ngườI nói gì với nhau nữa, vì tai tôi ù lên như nghe tiếng đập cánh hoảng sợ của một con chim. Có lẽ đấy là tiếng đập của con tim tôi, tôi không biết có phải không. Nhưng nếu anh đã thấy một con chim bị mắc bẫy trong tiền sảnh một ngôi đền, cố tìm cách thoát thân, thì chắc anh hiểu được tâm trạng của tôi lúc ấy, tôi cũng hoảng sợ như thế đấy. Chưa bao giờ tôi tự hỏi đời tôi sẽ ra sao nếu như bà chết đi. Bây giờ tôi tự hỏi như thế cũng như tôi tự hỏi nếu nhà tôi bị động đất phá sập, thì tôi sẽ sống ra sao. Nếu chuyện như thế này xảy ra, đời tôi hẳn là khốn khổ lắm.
- Tôi cứ nghĩ là tôi sẽ chết trước bà ấy cơ chứ – Bố tôi nói.
- Bác già nhưng bác có sức khỏe tốt, bác Sakamoto à. Bác có thể sống thêm bốn, năm năm nữa. Tôi để lại thêm thuốc cho bà ấy. Nếu bác cho uống, bác hãy cho uống một lần hai viên.
Họ nói chuyện về thuốc men một hồi lâu, rồI ông Miura ra về. Bố tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, im lặng, lưng quay về phía tôi. Ông không mặc áo, để lộ làn da nhăn nheo, nhão nhoẹt; càng nhìn ông bao nhiêu, tôi càng thấy ông giống như là bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu. Xương sống thì nổI u thành một hàng dài. Cái đầu dơ bẩn biến sắc trông giống như trái cây bầm thối. Hai cánh tay khẳng khiu da bọc xương trông như hai cái que lủng lẳng dưới hai cục bướu. Nếu mẹ tôi chết, làm sao tôi sống được với ông trong ngôi nhà này nhỉ? Tôi không muốn xa ông, nhưng dù ông có mặt ở nhà hay không, thì khi mẹ tôi mất đi, ngôi nhà sẽ trống vắng vô cùng.
CuốI cùng, bố tôi thì thào gọi tên tôi. Tôi đến quỳ xuống bên ông.
- Việc rất quan trọng – ông nói.
Mắt ông buồn xo, cặp mắt thất thần, lơ láo như thể ông đã mất trí. Tôi cứ tưởng thế nào ông cũng nói cho tôi biết mẹ sắp chết. nhưng ông chỉ nói:
- Con hãy xuống làng mua nhang về thắp bàn thờ.
Bàn thờ Phật nhỏ xíu của chúng tôi để trên cái thùng cũ bên cạnh cửa đi xuống nhà bếp; đây là thứ đáng giá duy nhất trong ngôi nhà ngà say của chúng tôi. Trước bức tượng A Di Đà chạm trổ vụng về, tượng Phật ở Tây Phương cực lạc, sắp những chiếc bài vị sơn đen nhỏ ghi pháp danh những vị tổ tiên quá cố của chúng tôi.
- Nhưng thưa bố, không mua gì thêm nữa à?
Tôi tưởng ông sẽ trả lời nhưng ông chỉ vẫy tay ra hiệu cho tôi đi đi.
Con đường từ nhà tôi xuống làng phải chạy theo mép chân vách đá sát bờ biển, rồI mới rẽ vào bên trong. Đi trên con đường này vào một hôm như hôm ấy quả thật khó khăn, nhưng tôi nhớ nhờ gió thổi mạnh khủng khiếp mà tôi quên bớt những nỗi bực dọc đau đớn trong lòng. Biển động mạnh, sóng lớn đánh vào bờ ào ào như những lưỡi dao chặt vào đá. Tôi cảm thấy thiên nhiên đồng cảm với tôi. Phải chăng cuộc đời chẳng khác nào cơn bão táp, nó cuốn trôi tất cả những gì mớI có đó trước mắt ta và để lạI nhiều thứ đổ vỡ kỳ lạ mà ta không hiểu nổi. Trước đó tôi chưa bao giờ có ý nghĩ như thế. Để khỏi nghĩ đến chuyện đổ vỡ này, tôi đâm đầu chạy cho đến khi ngôi làng xuất hiện trước mắt. Yoroido là một thị trấn nhỏ, nằm ngay trên cửa vịnh. Thường ngày người ta thấy trên mặt biển có nhiều ngư dân, nhưng hôm ấy tôi chỉ thấy có vài chiếc thuyền đánh cá chạy vào bờ, về phía cửa vịnh, trông như những con bọ vùng vẫy trên mặt nước . Cơn bão bỗng trở nên dữ dội, tiếng gầm rú vang lên bên tai tôi. Các ngư dân trong vịnh chìm ngập dưới màn mưa lớn, rồI họ biến mất dưới bầu trờI mù mịt. Tôi thấy cơn bão đẩy cao mặt nước lên bờ giốc ào đến phía tôi. Bọt nước bắn vào tôi như những trứng chim cút, và thoáng một cái, tôi bị ướt mèm như rớt xuống nước vậy.
Yoroido chỉ có một con đường duy nhất, chảy thẳng tới cửa chính của công ty Hải sản ven biển Nhật Bản, hai bên đường có một số nhà cửa, mặt tiền được dùng làm cửa hàng buôn bán. Tôi chạy băng qua đường đến cửa hàng Okada, nơi bán đồ khô, nhưng bỗng tôi gặp chuyện bất thường xảy đến – chuyện bất ngờ tai hại thường xảy đến cho ta, như là trượt chân nhào đầu trước đoàn tàu. Mặt đường đất nện cứng ướt nước mưa nên trơn trợt, tôi bị trượt chân trên mặt đường. Tôi té ngã, mặt đập xuống đường. Tôi choáng váng đầu óc, người tê cóng và miệng đầy vị mằn mặn, tôi cảm thấy muốn nhổ nước trong miệng ra. Tôi nghe có nhiều tiếng người rồi cảm thấy người ta lật ngửa tôi ra và mang tôi đi. Tôi nghĩ họ mang tôi vào trong công ty Hải sản ven biển Nhật Bản, vì tôi ngửI thấy mùi cá đóng gói quanh tôi. Tôi nghe có tiếng người ta hất mấy bao cá đánh bịch xuống sàn cho trống chiếc bàn gỗ để có chỗ cho tôi nằm trên mặt bàn nhớp nhúa. Tôi biết tôi ướt mèm vì nước mưa, máu chảy ướt cả người, và tôi biết hai bàn chân tôi trần truồng, dơ bẩn, áo quần thì quê mùa. Điều tôi không biết là chính lúc ấy đời tôi thay đổi. Vì chính trong tình trạng như thế, tôi thấy tôi ngước mắt nhìn vào mặt ông Tanaka Ichiro.
Trước đây tôi đã thấy ông Tanaka ở trong làng nhiều lần rồi. Ông ta ở trong một thị trấn lớn, gần thị trấn của chúng tôi, nhưng hàng ngày ông đến đây vì gia đình ông làm chủ công ty Hải sản ven biển Nhật Bản. Ông ta không mặc quần áo quê mùa như dân đánh cá, nhưng ngoài áo kimono đàn ông ra, ông còn mặc thêm quần kimono, khiến ông trông giống như các hiệp sĩ trên các tờ báo vậy. Da ông căng láng như mặt trống, hai gò má nhô lên láng bóng như da của một con cá nướng dòn. Lúc nào tôi cũng thấy ông rất hấp dẫn. Mỗi khi tôi nô đùa với đứa trẻ khác ngoài đường mà trông thấy ông Tanaka từ trong công ty HảI sản đi ra, là tôi ngừng chơi để nhìn ông đã.
Tôi nằm yên trên bàn trong khi ông Tanaka nhìn vào môi tôi, ông đưa ngón tay kéo môi tôi xuống rồi nghiêng đầu tôi qua bên này rồi bên kia. Bỗng ông nhìn vào mắt tôi, đôi mắt xám của tôi đang giương to nhìn ông với vẻ kinh ngạc, tôi nhìn thẳng vào mặt ông chứ không giả vờ nhìn đi chỗ khác khi ông nhìn tôi. Ông ta không có vẻ muốn la mắng tôi vì tôi là đứa bé xấc xược, và ông cũng không nhìn đi chỗ khác như thể ông chẳng cần để ý tôi nhìn đi đâu hay tôi suy nghĩ gì. Tôi và ông ta nhìn nhau một hồi – một hồi thật lâu khiến tôi cảm thấy ớn lạnh, mặc dù không khí trong công ty Hải sản thật ấm áp.
Cuối cùng ông ta nói:
- Ta biết cháu. Cháu là con gái út của lão Sakamoto.
Mặc dù tôi còn nhỏ, nhưng tôi nghĩ rằng ông Tanaka đã bình tĩnh để nhìn thế giới quanh mình chứ không như bố tôi, bố tôi nhìn thế giới với con mắt đờ đẫn. Tôi thấy ông ta quan sát thế giới rất kỹ, ông thấy được nhựa cây thông chảy ra, thấy vòng ánh sáng của mặt trời sau lớp mây che. Ông ta thấy thế giới hữu hình, mặc dù thế giới này thường không làm cho ông ta thoả mãn. Tôi nghĩ ông ta chú ý đến cây cối, bùn lầy, và những đứa bé trên đường, và tôi tin chắc không bao giờ ông ta chú ý tới tôi.
Có lẽ vì thế mà khi nghe ông ta nói với tôi, tôi cảm thấy mình rưng rưng muốn khóc.
Ông Tanaka nâng tôi ngồI dậy. Tôi tưởng ông sẽ bảo tôi đi ra khỏi cửa hàng, nhưng ông bỗng nói với tôi:
- Này cháu, đừng nuốt máu trong miệng vào bụng đấy nhé. Trừ phi cháu muốn có một viên đá trong bụng. Nếu ta là cháu, ta sẽ nhổ máu xuống nền nhà.
- Nhổ máu con gái xuống nền nhà à, ông Tanaka? – một người làm ăn với ông ta nói – Nhổ xuống chỗ mà chúng tôi sẽ mang cá vào à?
Như anh biết đấy, ngư dân rất mê tín dị đoan. Nhất là họ không thích phụ nữ có dính dáng đến chuyện đánh cá của họ. Trong làng tôi có một người tên Yammura, một buổi sáng ông ta bắt gặp đứa con gái đang chơi trong thuyền đánh cá của mình. Ông lấy gậy đánh cô bé một trận rồi lấy rượu sakê và nước tro đậm đặc để tẩy uế chiếc thuyền. Thế mà vẫn chưa đủ, ông ta còn mời ông thầy pháp ở đền thờ thần đến cúng tế nữa. Ông ta làm thế chỉ vì con gái ông ta chơi ở chỗ chứa cá đánh được. Còn ở trong nhà hàng của ông Tanaka, ông ta bảo tôi nhổ máu xuống nền nhà là nơi cá mua vào sẽ được làm ruột và rửa ráy cho sạch.
- Nếu anh sợ máu của cô ta làm ô uế số cá của anh, – Ông Tanaka đáp – thì anh cứ đem về nhà. Tôi có nhiều rồi.
- Không phải là vấn đề làm cá ô uế không thôi đâu, thưa ngài.
- Tôi cam đoan với anh là máu của cô ta nhổ ra tinh khiết nhất có thể dùng để tẩy uế nền nhà này. – Nói xong, ông Tanaka quay qua nói với tôi – Nhổ đi cháu. Nhổ ra.
Tôi ngồi trên chiếc bàn bẩn thỉu, không biết phải làm gì. Tôi nghĩ, nếu không vâng lời ông Tanaka thì chắc không yên thân, nhưng tôi tin chắc là tôi không đủ can đảm để nhổ máu trong miệng ra nếu không có một người cúi mình, đè một ngón tay lên một bên lỗ mũi tôi để tôi hỉ mũi xuống sàn nhà. Sau khi thấy thế, tôi không thể nào ngậm máu trong miệng lâu hơn nữa, tôi nhổ máu xuống nền nhà ngay sau khi ông Tanaka khiến tôi phải nhổ ra. Tất cả đàn ông đều bất bình bước ra khỏi phòng, trừ ông phụ tá của ông Tanaka, ông ta tên là Sugi. Ông Tanaka bảo ông Sugi đi mời bác sĩ Miura đến.
- Tôi không biết tìm ông ta ở đâu – ông Sugi nói, nhưng theo tôi thì ông ta có vẻ không muốn làm giúp việc này.
Tôi nói cho ông Tanaka biết ông bác sĩ mới ở nhà tôi cách đây mấy phút.
- Nhà cháu ở đâu? – Ông Tanaka hỏi.
- Ngôi nhà nhỏ ngà say nằm trên sườn núi đá.
- Cháu nói “ngôi nhà ngà say” … là như thế nào?
- Vì ngôi nhà dựa nghiêng trên một chiếc cột như thể nó đã nhậu quá say.
Ông Tanaka có vẻ không hình dung được ngôi nhà như thế nào. Ông nói với ông Sugi:
- Sugi, anh đi đến ngôi nhà ngà say của ông Sakamoto để tìm bác sĩ Miura cho tôi. Anh tìm ông ta không khó khăn gì đâu. Anh chỉ lắng nghe tiếng la hét của bệnh nhân khi ông ta chữa cho họ, là anh sẽ tìm ra ông ấy thôi.
Tôi cứ tưởng khi ông Sugi đi rồi, thế nào ông Tanaka cũng đi làm việc của mình, nhưng ông không đi mà cứ đứng bên cái bàn nhìn tôi một hồi lâu. Tôi cảm thấy mặt nóng ran. Cuối cùng ông ta nói sang một chuyện mà tôi cảm thấy lo lắng:
- Cháu bị nổi u trên mặt rồi, ái nữ của lão Sakamoto ạ.
Ông ta đến tủ lấy ra cái gương nhỏ để đưa cho tôi xem. Môi tôi sưng lên một cục bầm tím, đúng y như ông ta đã nói.
- Nhưng điều tôi cần biết – ông ta nói tiếp – là tại sao cặp mắt cháu quá tuyệt vời như thế, và tại sao cháu không giống bố cháu chút nào hết?
- Cặp mắt cháu giống mẹ – tôi đáp – còn phần bố cháu, không hiểu tại sao ông lại quá nhăn nheo đến thế.
- Rồi đến ngày nào đấy cháu cũng sẽ nhăn nheo như thế.
- Nhưng một số nếp nhăn là do bố tạo ra. Phía sau đầu của bố cũng già như phía trước, nhưng trông láng lẩy như quả trứng.
- Nói về bố mình như thế là bất kính đấy – ông Tanaka nói với tôi – nhưng tôi nghĩ đúng là thế đấy.
Rồi ông ta nói sang chuyện khác khiến tôi đỏ mặt tía tai, và chắc là môi tôi tái mét.
- Làm sao một ông già nhăn nheo có một cái đầu như quả trứng mà sinh được một cô gái xinh đẹp như cháu?
Tôi nhớ từ đó về sau tôi thường được người ta gọi là người đẹp. Nhưng các cô geisha thường được gọi là người đẹp, thậm chí các cô không đẹp cũng được gọi là người đẹp. Nhưng khi ông Tanaka nói với tôi như thế, trước khi tôi nghe ngườI ta gọi các cô geisha là người đẹp, tôi hầu như tin đây là sự thực.
Sau khi bác sĩ Miura khâu môi lại cho tôi, tôi đi mua nhang cho bố tôi, rồi tôi về nhà với tâm trạng nôn nao khó tả, tôi nghĩ khi ấy mà tôi đứng bên ổ kiến lửa, tôi cũng không thấy bồn chồn trong dạ như thế. Nếu khi ấy mà tôi cảm thấy tôi đến gần ổ kiến lửa, thì chắc tôi đã khỏe trí rồi, nhưng đàng này lòng tôi lại không được đơn giản như thế. Tôi đã bị dao động như mảnh giấy quay lông lốc trong cơn gió. Xen kẽ vào những ý nghì lo sợ về bệnh trạng của mẹ tôi – xen kẽ vào cảm giác khó chịu vì cái môi sưng vù – là cảm giác dễ chịu, cảm giác này chốc chốc lại hiện ra trong óc tôi. Đó là cảm giác về ông Tanaka. Tôi dừng lại trên sườn núi đá, đưa mắt nhìn ra biển, mặc dù cơn bão đã ngớt, nhưng sóng vẫn lớn như những tảng đá sắc bén, và bầu trời xám xịt màu bùn. Tôi nghĩ chắc không có ai ở gần đấy để nhìn tôi, nên tôi ôm chặt bó nhang vào ngực và gọi tên ông Tanaka, lờI gọi của tôi bay vào gió, và tôi cảm thấy hân hoan sung sướng khi nghe tiếng gọi của tôi vang vọng trong gió như tiếng nhạc lòng. Tôi nghĩ hành động gọi tên ông ta là hành động điên cuồng – vì quả những âm thanh vang lên bên tai tôi nghe điên khùng thật. Nhưng khi ấy tôi chỉ là một đứa con gái còn nhỏ lâm đã vào tình trạng bối rối.
Sau khi chúng tôi ăn cơm tối xong, bố tôi đi xuống làng để xem các ngư dân chơi cờ Nhật, Satsu và tôi lặng lẽ lau chùi nhà bếp. Tôi cố nhớ cảnh ông Tanaka đã đối xử với tôi, nhưng ngôi nhà lạnh lẽo vắng lặng quá làm cho cảm giác này biến khỏi óc tôi. Nhưng tôi cứ nghĩ đến bệnh tình của mẹ tôi và tôi cảm thấy buồn da diết. Tôi tự hỏi không biết bao lâu nữa bà sẽ được chôn ngoài nghĩa địa bên cạnh vợ con trước của bố tôi. Rồi sau đó số phận của bố tôi sẽ ra sao? Tôi nghĩ khi bà mất rồi, chị Satsu sẽ đảm nhiệm vai trò của bà. Tôi nhìn chị chùi cái soong nấu canh bằng sắt – cái soong này nằm ngay trước mặt chị – mặc dù mắt chị nhìn đăm đăm vào cái soong, nhưng tôi biết chắc chị không trông thấy nó. Cái soong đã sạch bóng rồi mà chị vẫn tiếp tục chùi nó. Thấy thế tôi nói với chị:
- Chị Satsu, em thấy khó chịu trong người.
- Đi nấu nước mà tắm, – chị ấy nói với tôi, chị đưa một bàn tay ướt lên hất dúm tóc loà xoà trước trán.
- Em không muốn tắm – tôi nói – Chị Satsu này, mẹ sắp chết rồi.
- Cái soong này nứt rồi. Nhìn này!
- Nó không phảI nứt đâu. Cái đường ấy có ở đó từ lâu rồi.
- Nhưng tại sao nước chảy ra ở đây?
- Chị làm bắn nước ra đấy. Em thấy chị làm bắn nước ra.
Bỗng tôi thấy chị Satsu có vẻ căng thẳng, như thể chị bị hốt hoảng, mặt chị hiện ra vẻ sững sờ như có điều gì đấy đang làm cho chị nghĩ ngợI, mơ đến, khiến cho chị quên hết công việc trước mắt. Nhưng chị không nói gì với tôi nữa. Chị chỉ lấy cái soong trên bếp rồi đi ra cửa, để nó xuống trên đống soong nồi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui