Hôn Lễ Của Bạn Trai Cũ

Trước bữa tối, khi trời còn chưa bị bóng đêm bao trùm, tôi tập cho Tiểu Sư đạp xe dạo trong hoa viên.

Lúc đầu thằng bé còn cần tôi đỡ, đạp được vài vòng thì thằng bé đã tự đi được mặc dù còn hơi lắc lư, tôi lo thằng bé sẽ đâm phải bụi cây hoặc cán lên hoa nên tôi vẫn đi sau thằng bé.

Phía sau nhà chính có một nhà kính mái vòm, bên trong trồng rất nhiều loài hoa và cây cỏ, tôi chưa từng vào trong đó. Tiểu Sư vẫn chưa lái chắc tay, không biết quay đầu xe nên thằng bé đâm sầm vào cửa kính.

May mà thằng bé không bị ngã.

Thằng bé nhảy xuống xe, nói với tôi: "Ba ơi, ở bên trong có nhiều hoa lắm."

Cửa nhà kính không khóa nên tôi và Tiểu Sư mở cửa đi vào.

Những bông hoa, cây kiểng trong chậu đều rất phát triển, hơn nữa còn rất sạch sẽ, cành lá được cắt tỉa cẩn thận, gọn gàng.

Có vẻ như ai đó đã chăm sóc cho chúng, nhưng tôi không biết được là ai trong nhà họ Phó có hứng thú với việc trồng và chăm sóc cho vườn hoa và cây cối như thế này.

Tiểu Cửu đột nhiên kéo tôi, chỉ vào trong góc kêu: "Bé cún!"

Tôi nhìn thấy một chú chó Samoyed màu trắng đang yên tĩnh ngồi trên mặt đất trên một vách ngăn.

"Hal?" Tôi buột miệng thốt lên.

Tiểu Sư muốn đi qua vuốt v e chú, bị tôi kéo tay lại.

Tôi lắc đầu, chợt nhận ra đây không phải là đồ giả cũng không phải là một chú chó vẫn còn sống.

Mà là một tiêu bản.

Vốn chú có bộ lông màu trắng muốt, nhưng giữa bộ lông trắng tự nhiên và màu lông sau khi già đi lại có sự khác biệt. Động vật cũng sẽ già đi, đôi mắt thông minh kia vĩnh viễn ngưng đọng lại trong một khoảnh khắc nào đó, chú nhìn về hướng đi vào, như thể giây tiếp theo sẽ nhảy dựng lên khi thấy chủ nhân đến, vui vẻ quay người lại hoặc dùng đuôi cọ vào chân chủ nhân.

Miệng chú vẫn cười, nhưng không bao giờ có thể cử động được nữa.

Xung quanh tiêu bản có một vòng dây xích ngăn lại, thông báo cho mọi người rằng không được đến gần cũng như không được chạm vào nó.

Tiểu Sư bị tôi bế ra ngoài, thằng bé vẫn không hiểu "tiêu bản" có nghĩa là gì.

Tôi không thể giải thích rõ ràng với thằng bé, chỉ có thể bảo thằng bé đừng chạm vào nó.

Tiểu Sư không nhận được lời giải thích từ chỗ của tôi, thằng bé liền đi tìm quản gia.

Phó Dư Dã vừa đáp máy bay đã gửi tin nhắn cho tôi, cậu ấy vẫn chưa đến khách sạn, đành phải thay quần áo trong xe để đi họp trước.

Tôi chỉ có thể nói dặn dò cậu ấy ăn uống cho đàng hoàng.

Lúc cậu ấy gọi lại cho tôi đã là sáng hôm sau, tôi đoán bên cậu đã gần nửa đêm.

Cậu ấy nói với tôi, "Em nhìn thấy rồi."

Tôi biết cậu ấy đang nói về thứ mà tôi để trong vali của cậu ấy.

Đó là một quyển nhật ký và bốn tấm hình siêu âm.

Tôi nói: "Ừm."

Chúng tôi không nói gì thêm, tôi dường như có thể nghe thấy tiếng hít thở của cậu ấy.

Tôi chỉ thấy lòng mình lắng lại.

Sinh nhật cậu ấy là tháng 5, tình cờ lại là ngày cậu ấy phải đi công tác, cậu ấy không nhắc tôi, hẳn là tưởng tôi đã quên, nhưng mà không phải, nên tôi đã để vào trong vali của cậu ấy cuốn nhật ký và những tấm ảnh siêu âm kia.

Sinh nhật của cậu ấy lại gần với sinh nhật của ông Phó, cho nên nếu ông Phó tổ chức lễ mừng thọ thì hầu như sinh nhật của cậu ấy sẽ không được tổ chức. Đây là những gì quản gia nói với tôi, năm đó cậu ấy mười sáu tuổi nên mới được tổ chức trang trọng.

Năm nay là sinh nhật lần thứ 70 của ông Phó, nhà họ Phó không định tổ chức tiệc sinh nhật cho Tiểu Dã, tôi nghĩ rằng dù thế nào thì cũng phải nói chúc mừng sinh nhật hay gì đó nên tôi vẫn ghi tạc trong lòng.

Tối qua lúc tắm cho Tiểu Sư, Tiểu Sư hỏi tôi có thể nuôi một chú cún không.

Tôi nói: "Ba bận đi làm nên không chăm cho em cún được."

Tiểu Sư nói: "Vậy thì con sẽ chăm sóc cho em cún."

"Con còn phải đến nhà trẻ, làm sao có thời gian để chăm sóc?"

Thằng bé suy nghĩ một chút rồi nói: "Vậy ông quản gia sẽ chăm sóc ạ."

Tôi biết ngay thằng bé sẽ gọi chi viện mà.

Tôi hỏi thằng bé, "Tại sao con lại muốn nuôi một em cún?"

Tiểu Sư nói: "Cún con có thể chơi với con, con cũng sẽ chơi với nó. Ông quản gia nói chú cún trong vườn là của ba Tiểu Dã."

Ôm vịt con, thằng bé nói với tôi từng chữ một: "Chú cún đó là ba Tiểu Dã được mẹ tặng, vậy ba tặng cho con một con được hông..."

Thằng bé ngước nhìn tôi làm nũng.

Tôi nhéo má thằng bé, cái mặt bánh bao nhăn lại, miệng thì hỏi tôi: "Đi mà ba, đi mà đi mà..."

Bồn tắm bị thằng bé vẫy đạp tạo sóng nước lăn tăn.

Tôi cười thành tiếng, nói: "Con có biết tại sao mẹ của ba Tiểu Dã lại tặng món quà đó cho ba Tiểu Dã không?"

Thằng bé lắc đầu.

"Bởi vì... ba Tiểu Dã rất cô đơn."

Vừa rửa sạch bọt xà bông cho thằng bé, tôi vừa nói: "Ba mẹ của ba Tiểu Dã không ở bên cạnh ba Tiểu Dã nên muốn tặng cho ba một chú chó để bảo vệ cho ba. Cho nên ba Tiểu Dã mới coi chú chó đó là một người bạn đồng hành vô cùng quan trọng, nhưng con thì khác. Con có ba, có ông quản gia, còn có bạn bè. Con có nhiều người xung quanh như vậy, thêm một chú chó sẽ trở nên hơi dư thừa. Nếu con đã quyết định nuôi em cún, trong mắt em, con chính là người bạn duy nhất."

Tôi tắt vòi nước, bế Tiểu Sư ra ngoài.

"Cho nên, đừng chỉ thấy thích mà quyết định nhận nuôi mấy em động vật. Nếu như sau một tuần con không thích nữa mà bỏ rơi nó thì nó phải làm thế nào? Nó không biết tự lo cho chính mình, không biết phải về nhà thế nào, đôi khi sẽ bị người khác ức hiếp..."

Tiểu Sư nghe xong, ủ rũ nói: "Nếu con chỉ có thể chơi với em cún, con sẽ không thể chơi với Ngô Khả Hân được, cậu ấy sẽ khóc đó ba."

"Đúng rồi, cho nên con đi chơi với Ngô Khả Hân đi."

Thằng bé gật đầu, cuối cùng chuyện muốn nuôi chó cũng kết thúc. Đương nhiên, lúc ấy tôi vẫn chưa nghĩ đến, sau khi Cưu Cưu ra đời, con bé còn khó dụ hơn Tiểu Sư rất nhiều, cứ như là một tiểu ma vương chuyển thế.

Ông bà có câu "xuân khốn thu phạp hạ đả truân" (*) quả là không sai.

Đặc biệt là khi ngoài cửa sổ là khung cảnh mùa xuân ấm áp xán lạn, mà mình thì chỉ có thể tiếp tục đọc bản thảo trước máy tính trong văn phòng, chỗ ngồi của tôi còn ở kế bên cửa sổ, một cơn gió xuân ấm áp thổi vào, giống như thổi thuốc ngủ vào tôi.

Sau khi nhìn thấy một dòng ký tự lộn xộn trên tài liệu, tôi quyết định đi pha một tách trà.

Tôi ngáp một cái, thấy Từ Thông Chiêu cũng đang pha cà phê trong phòng nghỉ.

Hôm nay cô ấy có vẻ như không trang điểm, dưới mắt hiện rõ hai quầng thâm. Cô ấy thiếu sức sống chào hỏi tôi, mời tôi ngồi.

"Em bị sao đấy, mấy ngày không ngủ rồi?"

Cô yếu ớt giơ hai ngón tay lên, sau đó cầm ly cà phê lờ đờ đi ra ngoài như một thây ma..

Tôi nhớ tới chocolate mà mình tìm thấy được trong ngăn cặp của Tiểu Sư, buổi sáng thằng bé nghĩ tôi sẽ không kiểm tra cặp sách, tôi thấy ở bên trong có một hộp chocolate lớn, ăn hết cái hộp to thế này thằng bé sẽ sâu răng mất.

Tôi chỉ để lại cho thằng bé hai viên, thằng bé buồn bã đi méc Phó Dư Dã, Phó Dư Dã nghe xong liền bế thằng bé lên, nói: "Sắp muộn học rồi, lát nữa trên đường đến trường ba mua cho con."

Thằng bé vui sướng kêu lên một tiếng.

Tôi đưa cặp cho cậu ấy, không vui nói: "Không cho mua!"

"Dạ." Cậu ấy nháy mắt với tôi, sau đó bế Tiểu Sư đi ra ngoài.

Tôi hỏi Từ Thông Chiêu có muốn ăn chocolate không.

Cô ấy nhìn qua, chắc là thấy nhãn hiệu này khá ngon, liền nói: "Không ngờ có một ngày em sẽ được ăn đồ ăn vặt của con anh."

Tôi nói, "Thì đúng vậy mà, anh tìm được cái hộp chocolate này trong cặp thằng bé sáng nay."

Cô lột vỏ ngoài một viên bỏ vào miệng nói: "Ôi Tiểu Sư đáng thương của chị, không được ăn chocolate. Khi nào nghỉ tới nhà em chơi nha, lâu rồi em không gặp thằng bé..."

"Được, hiện tại thằng bé cũng đang ở nhà, mỗi ngày đều nghịch ngợm làm hư đồ, quậy thật sự..."

Phó tổng biên tập nghe xong cười ha ha nói: "Con trai tôi tuổi này cũng rất quậy, quậy quá thì cứ lôi về đánh cho một trận là ngoan ngay."

Trò chuyện một lúc thì cơn buồn ngủ cũng vơi đi bớt, hiệu quả công việc cao hơn hẳn, công việc cũng hoàn thành trước cả giờ tan làm.

Cả Phó Dư Dã và Tiểu Sư đều không thích ăn cá, nhưng tôi lớn lên nhờ những món cá, vì vậy đầu bếp của nhà họ Phó cứ cách ngày thì sẽ có một món cá trên bàn. Cá được xử lý rất sạch sẽ, không có mùi tanh, cũng không có nhiều gia vị hành tỏi gừng nên hai người họ thỉnh thoảng cũng ăn vài miếng.

Hôm nay đầu bếp làm món cá hầm cải chua. Khi còn đi học, tôi thường ra phố ăn vặt ở cổng sau trường để ăn. Đầu bếp thì làm món này sạch sẽ và công phu hơn mấy quán lề đường, nhìn cũng hấp dẫn hơn, tôi nhịn không được cầm đũa lên.

Miếng đầu tiên đã rất ngon, vẫn là hương vị trong trí nhớ, thậm chí còn ngon hơn. Hẳn là cá đã được xử lý rất kỹ, thịt cá tươi chắc thịt, nước dùng cũng rất đậm đà, chua chua cay cay rất vừa miệng.

Tôi gần như đã ăn hết một nồi cá hầm cải chua một mình.

Phó Dư Dã hơi sững sờ.

Tiểu Sư trực tiếp nói: "Ba là con heo."

"Con con là heo con!"

Tôi gắp một miếng cá, hỏi Phó Dư Dã có muốn nếm thử không, nhưng bị cậu ấy dứt khoát từ chối.

Gặp đúng món mình thích nên tôi ăn càng mạnh, ăn xong tôi lại cảm thấy thức ăn trong bụng như nở ra, suýt nữa trào đến thực quản, Tiểu Sư muốn đi đạp xe trong vườn nên tôi dẫn thằng bé đi, đồng thời vận động để tiêu bớt thức ăn.

Thằng bé đạp xe một vòng, lại muốn chơi ném bóng với tôi, tôi cũng chơi với thằng bé, mãi đến khi gió lạnh thổi tới mới vào lại trong nhà.

Tôi bảo thằng bé đi tìm Phó Dư Dã để cậu ấy tắm cho, còn tôi thì đi tới tủ lạnh rót một cốc nước chanh.

Tôi thấy thằng bé tự mình đi cầu thang lên tầng hai, rồi chạy về hướng phòng làm việc.

Tôi đi được vài bước thì đột nhiên cảm thấy thức ăn như muốn trào ra ngoài.

Có thể là do uống đồ chưa nên dạ dày bị khó chịu, tôi vuột ngực ngửa cổ lên trời chờ cảm giác buồn nôn giảm đi mới chậm rãi đặt cốc xuống, đứng trong bếp nghỉ ngơi một lúc, mãi đến khi cảm giác kia hoàn toàn biến mất mới đi lên lầu.

Gần cuối mùa xuân, nhiệt độ dần ấm hơn, chăn gra trong phòng ngủ cũng được thay, mấy ngày nay trời mưa, nhà họ Phó bật điều hòa để hút ẩm cả ngày nhưng hơi ẩm vẫn không hết đi được.

Không thể chơi ngoài trời vào những ngày mưa, Tiểu Sư chán nản nhìn chằm chằm vào khung cảnh bên ngoài cửa sổ kiểu Pháp, rồi quay lại xem phim hoạt hình.

Để giúp Tiểu Sư bớt buồn chán, quản gia đốt lò sưởi lên. Tiếng củi nổ lách tách, xen lẫn với tiếng mưa bên ngoài, dường như tiếng mưa đã không còn ồn ào nữa.

Tôi cuộn người trên sô pha, nhìn Tiểu Sư ngồi trên thảm vừa lắp đường ray vừa xem phim hoạt hình.

Gần đến giờ ăn, quản gia đến hỏi tôi muốn ăn gì cho bữa trưa.

Tôi có chút hơi mệt, mơ màng hỏi lại ông: "Tiểu Dã có về không?"

Quản gia nói: "Tôi cũng không rõ."

Suy nghĩ lại, tôi nhận ra rằng ý nghĩa của câu này là để bảo tôi tự đi hỏi cậu ấy.

Vì vậy tôi liền nhắn tin hỏi cậu ấy có về không, hôm nay cậu ấy đến nhà máy sản xuất vật liệu ở ngoại ô để bàn việc, một chiều đi mất hai tiếng.

Cậu ấy ngay lập tức trả lời lại tôi: Anh với con ăn trước đi.

___

Chú thích

(*) xuân khốn thu phạp hạ đả truân: mùa xuân mệt mỏi, mùa thu uể oải, mùa hạ ngủ gật, câu tục ngữ chỉ sự thay đổi của từng mùa mà làm cho cơ thể mình mệt mỏi, uể oải.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui