Ông Tư Minh toan đứng dậy để đi ngay ra ngoài.
Ông thật không muốn ở trong cái nhà này thêm một giây một phút nào nữa.
Bởi ở làm chi khi người đàn bà đầu ấp tay gối với ông lại ngang nhiên chửi bới trước mặt bà con hàng xóm.
Nhưng ý định mới thực hiện được có phân nửa thì đã phải dừng lại.
Bởi dưới sàn nhà giờ đây đang la liệt những mảnh vỡ của gốm sứ lẫn thủy tinh, mà nếu không cẩn thận dầm vào sẽ lập tức bị đổ máu.
Và quan trọng đó là tác phẩm của ông khi nghe thủng câu chuyện đã xảy ra ở nhà của ông Ba Tỵ.
-Nếu bà đã căm ghét tôi như vậy thì ly hôn đi.
Tôi sẽ nuôi thằng Chính cho bà thoải mái mà đi bước nữa.
-Tôi… tôi đâu có ghét gì ông chứ.
Bà Nhung lắp bắp.
-Là tôi ra chợ thấy con Yến, nó khoe con của nó học Y này nọ.
Rồi nhìn lại thằng ngờ nghệch của mình nên tôi mới nộ khí xung thiên thôi.
Mà ngẫm trời sao bất công như vậy chớ.
Tôi đã làm gì nên tội mà trời bắt tôi đẻ ra đẻ ra một cái đứa người không ra người, ngợm không ra ngợm vậy chứ.
-Bà im đi! Thằng Chính chỉ là không khôn như thiên hạ thôi.
Chứ nó vẫn là đàn ông, vẫn biết đi biết đứng, biết ăn biết ngủ như thiên hạ.
Rồi thì mai này tôi sẽ bỏ tiền ra mua cho nó một con vợ.
Trên đời này cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Bà Nhung định nói là ông định mua vợ cho con trai, như ông đã từng mua bà phải không, thì ở góc của băng ghế sôpha, thằng Chính, đúng hơn là gã đàn ông tên Chính đứng phắt dậy.
Là thân xác của một thanh niên ba mươi, nhưng trí óc là của đứa trẻ lên sáu, lên bảy.
Chính vừa nghe ông Tư Minh, ba mình nhắc mình thì đã bù lu bù loa:
-Dạ, đúng, đúng.
Chính không khôn, nhưng Chính biết hết, biết hết đó nha.
Biết ba có một khẩu súng ở ngăn kéo đầu giường nè.
Biết má hay ra bụi chuối sau nhà để gặp chú Thủy nè.
Rồi cả chuyện hay bỏ đói cô Duyên nữa nè.
Mà má biết không? Cô Duyên cổ…
-Bây im đi! Cái thằng khờ này...
Bà Nhung vì sợ bí mật của mình bị lộ, nên đã đứng phắt dậy, rồi chạy đến bên thằng Chính, mặc cho dưới chân là trăm mảnh vỡ sắc nhọn sẵn sàng cứa nát da thịt của bà.
Và đúng là chúng đã cứa nát da thịt của bà Nhung thật.
Máu tứa ra lênh láng khắp nền gạch hoa.
Nhưng bà Nhung đã bịt được miệng của Chính.
Chỉ có điều thứ ông Tư Minh không nên nghe, thì đã nghe mất rồi.
Cơn giận vì bị vợ cắm sừng đã làm ông điên tiết lao đến bên cạnh bà Nhung, rồi mặc kệ những mảnh vỡ đầy ngay ở dưới nền gạch mà xô người đàn bà đầu ấp tay gối xuống đó và đánh túi bụi.
Tiếng gào thét và máu nhuộm đỏ khắp nền gạch hoa là những gì mà hàng xóm quanh nhà ông Tư Minh nhìn thấy.
Bầu không khí nặng trĩu bủa vây lấy cái xóm nhỏ, dù sao hai vợ chồng Tư Minh chỉ bị những vết thương ngoài da nhờ hàng xóm đã ùa tới can thiệp kịp thời.
Xách hộp dụng cụ y tế trong tay, Nhã Chi đi cạnh Huệ Lan cố nói bằng giọng thật nhỏ.
-Rõ là khi sáng cái bà đó gây sự với bà ngoại của Hà Duy mà.
Ấy vậy mà giờ anh chàng ấy lại xông xáo đi cứu người.
Cái này người bản xứ của các bạn gọi là gì nhỉ? Là “quân tử không chấp kẻ tiểu nhân” phải không?
-Không đến mức ấy đâu.
Huệ Lan phì cười vì câu thành ngữ mà Nhã Chi nói ra.
-Lan, Chi và cả Duy nữa là những người học Y.
“Không thể thấy chết mà không cứu” , này gọi là lương tâm nghề nghiệp thì mới đúng.
Nhưng lạ một điều là bà Nhung bị thương nặng như thế mà ông Tư lại không có chịu đưa đi viện.
-Vì mai là giỗ má của ông Tư, nên giờ mà đưa bà Nhung đi viện thì không ai cúng giỗ.
Gật đầu với nhau ra chiều đã hiểu, hai cô gái lúc này mới giật thót vì câu chuyện cả hai đang lên nói với nhau đã bị Hà Duy nghe thấy có điều.
Có điều khi cả Huệ Lan và Nhã Chi, chưa ai kịp lên tiếng thanh minh thì Hà Duy đã tiếp.
-Và mai cũng là ngày giỗ của dì hai Yên của Duy.
-Đó là một trong hai nạn nhân bị Tạ Hoàng Nhạn giết năm ấy.
Nhã Chi buột miệng.
-Và cũng là bóng ma vẫn thỉnh thoảng xuất hiện quanh chỗ này phải không?
Lời vừa thốt ra xong thì Nhã Chi đã vội mím chặt môi.
Khuôn mặt cô nàng cũng đã bắt đầu đỏ ửng vì hành động “lạy ông tôi ở bụi này” vừa rồi.
Thì ra Nhã Chi đã nghe trộm cuộc nói chuyện của bọn Huệ Lan và Hà Duy ngay từ đầu.
Thật sự đấy là một hành động chẳng tốt đẹp tí nào.
Nhưng ở thời điểm bây giờ sau khi được lí do cho tất cả những việc làm đó thì Huệ Lan không còn cảm thấy tức giận cô bạn mới quen này nữa.
-Đúng vậy! Dì ruột của Hà Duy là do bị Tạ Hoàng Nhạn giết.
-Xin lỗi!
Nhã Chi đột ngột lên tiếng ngắt ngang câu nói của Huệ Lan.
-Chỉ biết rõ nghe lén người khác nói chuyện là xấu lắm.
Nhưng với áp lực phải tìm ra tung tích của ông ngoại càng sớm càng tốt, nên khi vừa nghe thấy cái tên Tạ Hoàng Nhạn thì Chi đã không còn giữ được bình tĩnh nữa.
Nhã Chi hình như còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng đã bị tiếng “suỵt” khẽ từ phía cổng nhà của Hà Duy ngăn lại.
Thì ra do mải chuyện mà ba bạn trẻ đã đi về tới nhà từ lúc nào không hay.
Từ phía trong cổng nhà bà Ngọc Yến sau khi suỵt nhỏ để nhắc nhở ba bạn trẻ giữ im lặng thì ra dấu cho cả đám đi khẽ vào trong nhà.
Bà Yên hướng Hà Duy mà thì thào.
-To chuyện rồi Duy à.
Một trong những cái lá bùa mà ông Thủy cho nhà mình để trấn vọng bị rách rồi.
Bà ngoại con đang rất là lo lắng.
-Bùa?! Con nhớ rồi! Là mấy tờ giấy vàng có vẽ hay viết chữ gì đó ngoằn nghèo không đọc được phải ko ạ? Con nhớ mỗi tết vậy là bà ngoại lại thỉnh tận hai lá lận mà.
-Ừ, thì hai lá.
Một để trong bát hương ở bàn thờ gia tiên, một để trong bát hương ở bàn thiêng ngoài sân.
Giờ đã rách mất một lá nên bà ngoại con sợ lá còn lại sẽ không có đủ để trấn áp cái vong Tạ Hoàng Nhạn.
Rồi không chỉ ông ngoại con mà mẹ sợ cả cái làng này sẽ bị ông ta hại mất.
-Thì cứ sang…
Có lẽ Hà Duy định nói là cứ sang nhà ông Thủy xin một cái khác thôi.
Nhưng lời vẫn chưa nói xong đã bị Nhã Chi chen ngang.
-Vong của Tạ Hoàng Nhạn sao? Thời đại nào rồi mà mọi người còn tin có ma quỷ chớ.
-Chuyện này…
Hà Duy bật cười ngượng ngùng với khuôn miệng méo xệch.
Vốn anh chàng cũng bị vào hùa với Nhã Chi rằng thật là không có ma quỷ.
Nhưng lời chưa kịp thốt ra, Hà Duy đã phải nhanh xuống cổ họng vì luồng gió lạnh buốt và ngọn đèn đường đang yên đang lành lại chớp tắt như thể bị ai đó chọc phá.
(Hết chương 9: )