Chẳng ai hiểu được sự tổn thương của tôi đâu, cũng chẳng ai hiểu được những năm qua rốt cuộc tôi đã sống như thế nào trong cuộc hôn nhân của chính mình.
Có lẽ khi người khác nhìn vào sẽ rất ngưỡng mộ, nhưng chỉ có riêng bản thân tôi là hiểu rõ chính mình cô độc đến cỡ nào.
Tôi không bạn bè, không người thân lấy chồng Bắc ở tận Hà Nội, có phải là quá đáng thương rồi không?
Tôi là Ngọc Mai, tôi không có công việc cũng chẳng có nghề nghiệp gì cho ra hồn.
Ở quê tôi, mọi người còn hay bảo:
-Con gái lớn lên chỉ cần lấy được tấm chồng cho yên thân là được! Biết làm dâu, phụng dưỡng cha mẹ chồng.
Cho nên theo những lời đó mà từ lúc cưới chồng đến giờ cũng chỉ biết ở nhà nội trợ, kết hôn đuợc năm năm trong mắt người ngoài họ nói tôi có phước phần nên mới có thể lấy được người chồng tài giỏi đến như vậy, và được làm dâu ở một gia đình giàu có ở Hà Nội.
Mẹ của tôi lúc gả tôi đi, cũng chỉ biết dặn dò vài câu cho có lệ, một câu ngọt ngào cũng không có.
-Ở nhà người ta lời ăn tiếng nói nên thận trọng, tránh mất sai lầm.
Họ lại nói nhà chúng ta không biết dạy con!
Tôi hiểu vì sao mẹ lại lạnh nhạt với tôi như vậy, vì bà ấy vốn dĩ chỉ là mẹ kế của tôi.
Cho nên bà có nằm mơ cũng mong muốn gả tôi đi cho khuất mắt.
Bà tên là Châu, một người vợ sau của cha tôi.
Tôi lúc ấy chỉ biết cười trừ, nhìn sang cha.
Cha tôi ngần ấy năm cực khổ nuôi tôi lớn đến thế này, lại phải gả tôi đi xa, ông thật sự đau lòng mà rơi nước mắt.
Cha nghẹn ngào nắm lấy tay tôi, kìm nén nước mắt của chính mình.
-Lấy chồng xa thì mỏi chân, lấy chồng gần thì mỏi miệng.
Ngọc Mai! Có cực khổ gì cứ chạy về với cha nghe con.
Tôi cười, nước mắt thi nhau rơi xuống má.
Còn chưa kịp trả lời thì bà Châu đã lên tiếng cằn nhằn cha.
-Ông làm gì vậy, ăn nói kiểu gì thế? Nó phước phần mới được gả cho nhà đó, nếu không nhờ tôi khéo ăn nói thì người ta cũng chẳng chịu đâu.
Ông nên vui mới đúng chứ? Ở đó mà khóc lóc bày trò.
Đúng vậy! Cuộc hôn nhân này là do người mẹ kế này của tôi sắp đặt, bà chán ghét tôi đến mức kiếm chỗ thật xa để gả tôi đi.
Nhớ lúc ấy cha tôi tiễn tôi lên xe hoa còn hỏi.
-Rốt cuộc từ Hà Nội về đây mất khoảng bao nhiêu cây số vậy hả con?
Tôi cười, cố gắng tỏ ra bản thân không sao.
-Cha! Tết con nhất định sẽ về, bao nhiêu cây số con cũng sẽ về.
Cha nghe tôi nói vậy mới yên tâm trong lòng.
Nhưng cho đến bây giờ đã qua năm cái tết rồi, tôi vẫn chưa về nhà được lần nào cả.
Ở quê tôi có một tục lệ, lúc cô dâu bước ra khỏi nhà thì người thân trong nhà sẽ cầm theo chậu nước hất theo phía sau cô dâu.
Giống như tục ngữ có câu:
-Con gái gả đi thì giống như chậu nước này hất đi rồi, thì mãi mãi không thể quay trở về!
Cha tôi lúc ấy kiên quyết không hất chậu nước đó đi, ông nhìn theo xe hoa lớn tiếng nói:
-Đói khổ gì, cũng về với cha nghe con.
Ở nhà người ta có ấm ức cũng không được để ở trong lòng, nhà này vẫn là nhà của con… Muốn về lúc nào thì về!
Tôi quẹt nước mắt, kìm nén sự khổ tâm.
Cha tôi luôn thương tôi.
Lúc mẹ mất, cha con nương tựa nhau sống rất vui vẻ, cho đến khi người mẹ kế của tôi xuất hiện thì cuộc sống của tôi dần bị đảo lộn hoàn toàn.
Bà Châu đến với cha tôi không cầu danh phận cũng chẳng cầu giàu có, tôi nhìn ra được bà ấy yêu cha tôi là thật lòng.
Nhưng chỉ có đều bà ấy không thương tôi thôi, vì ở đời mà mẹ kế nào lại thương con chồng chứ? Mấy năm sau bà ấy mang thai, sinh được đứa con trai cho cha tôi, ông rất mừng.
Từ đó một căn nhà nhỏ, một mảnh đất với 5 công ruộng lại phải nuôi sống cả bốn người.
Bà Châu tính trước tính sau cũng chỉ là sợ tôi sau này sẽ tranh giành mảnh đất ít ỏi đó với thằng con trai của bà, cho nên mới an bài cuộc hôn nhân này giúp cho tôi.
Tôi thừa nhận chính mình rất cam chịu, tôi vì không muốn cha phiền lòng nên đã tuân theo.
Chồng tôi là Trần Minh, một người đàn ông rất tài giỏi.
Anh ở bên ngoài làm ăn giao thiệp với rất nhiều người, gia đình anh ở Hà Nội cũng rất có tiếng tâm.
Bố anh mất, anh thay bố tiếp quản công ty.
Anh sống với mẹ, một người phụ nữ trong ấn tượng của tôi là rất thương con trai của chính mình, cách thương của bà đôi lúc còn rất thái quá.
Sau khi gả vào nhà anh rồi, tôi mới biết bà Châu mẹ kế của tôi đã dùng không ít tiền nhờ người làm may tôi cho anh, mẹ anh nghe tôi là gái quê đoan trang liền đồng ý, anh cũng ngoài 30 rồi nên mọi sự sắp xếp đều nghe theo mẹ anh quyết định.
Ngay cả việc cưới tôi, cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi kết hôn được 5 năm.
Chẳng có với nhau đứa con nào, cũng vì chuyện này mà ngay cả hàng xóm dòng họ và người trong nhà đều khinh thường tôi ra mặt.
Mẹ chồng tôi nói:
-Nhà tôi thật vô phúc mới có đứa con dâu không biết đẻ!
Hàng xóm xung quanh còn tiếp lời hùa theo trì chiết tôi.
-Người ta nói đâu có sai, cây không trái, gái độc không con mà!
Ở Bắc rất coi trọng chuyện sinh con đẻ cái, nên tôi từ đó giống như là biến thành tội đồ.
Ngần ấy năm qua tôi sống rất khổ tâm, ngày ngày chịu đựng một câu than vãn về nhà cũng không dám.
Chỉ sợ cha tôi lại phải bận tâm, nhưng người bằng xương bằng thịt đâu phải cây cỏ nên tôi cũng rất mệt mỏi.
Đã 5 năm rồi, tôi tự hỏi với chính lòng mình.
Rốt cuộc mầy có thể chịu đựng được đến bao lâu đây?
*****
Hà Nội, 2 giờ sáng…
Tôi cuộn người trên chiếc giường lớn, ngắm nhìn đồng hồ như một thói quen.
Lúc anh về, trên người mang theo mùi rượu vô cùng nồng nặc.
Quần áo cũng lôi thôi hẳn, tôi mất kiên nhẫn lên tiếng.
-Anh đi đâu vậy? Tại sao giờ này mới về? Anh có biết đã mấy giờ rồi không?
Anh say khướt, tay tự cởi lấy cà vạt của chính mình.
-Đi làm chứ đi đâu?
-Đi làm sao? Vậy tại sao em gọi điện anh lại không nghe máy, em gọi cho anh hơn ba mươi cuộc, anh bận đến nổi ngay cả thời gian nhấc máy cũng không có sao?
Anh cởi áo ves vứt xuống giường.
-Em cáu cái gì? Anh ở bên ngoài bận bao nhiêu chuyện, em có hiểu không? Em cũng chỉ biết ở nhà ăn không ngồi rồi, làm sao hiểu được hả?
Tôi cau mày, ánh mắt tràn đầy sự bất mãn.
-Ý anh nói là em vô dụng, chỉ biết ở nhà ăn bám anh sao?
Anh nháy mắt.
-Là do em nói, anh không có nói!
-Trần Minh! Đã bao nhiêu lần anh về nhà muộn rồi, rốt cuộc anh còn xem em là vợ của anh không vậy hả?
Giọng tôi bắt đầu lớn tiếng.
Âm thanh vang vọng khắp phòng, bộ dạng say rượu của anh thật khiến tôi chán ghét.
-Anh là vì công việc, nói em cũng không hiểu đâu.
Em vô lí, ngang ngược, anh cãi không lại em đâu.
Anh định vào nhà tắm, tôi liền tức giận kéo lấy cánh tay anh.
-Anh nói ai vô lí ngang ngược, rõ ràng người về muộn là anh, người sai là anh tại sao lại biến thành em vậy?
-Đủ rồi! Đừng có kiếm chuyện nữa, anh ở bên ngoài cùng người ta làm ăn đã rất mệt rồi về đến nhà lại phải nghe em cằn nhằn sao? Em thì biết cái gì chứ? Em hiểu chuyện một chút đi!!!
Giọng anh quát lớn, tôi uất nghẹn mắt nhìn anh đăm đăm.
Anh hất tay tôi, đi thẳng vào nhà tắm.
Cửa đóng sầm, tạo tiếng vang lớn.
Mẹ chồng tôi cũng ở dưới lầu đi lên.
-Sao vậy? Lại cãi nhau sao? Chúng bây cứ cãi nhau mỗi ngày không thấy chán hả?
Tôi mím môi.
-Mẹ… Là anh ấy về muộn, con gọi điện thì không nghe máy, một câu giải thích cũng không có.
Anh ấy còn nổi nóng với con!
Mẹ chồng tôi hờ hững trả lời.
-Nó đi làm mà, ở công ty gặp khách hàng về muộn một chút thì có sao? Thôi, chuyện này không nói đến nữa, con đó tự kiểm điểm lại chính mình đi!
Tôi im lặng.
Mẹ chồng thở dài, lắc đầu.
-Lát nữa thằng Minh tắm xong, thì làm ơn để yên cho nó ngủ.
Đừng kiếm chuyện nữa, sáng nó còn phải đi làm sớm!
Mẹ chồng tôi rời đi.
Tôi ngồi gục xuống giường lớn, cảm thấy rất chạnh lòng.
Con trai của người ta thì người ta bênh vực, ở đâu tới lượt bênh vực cho tôi chứ? Nụ cười trên môi tôi càng chua xót...