Các cậu cứ cười nhạo đi, thời đó ở địa phương lạc hậu này làm gì được mấy ai có văn hóa? Khi ấy thanh niên chúng tôi đều cho rằng đây là công nghệ cao mà các nghiên cứu viên dùng để khảo sát mỏ dầu. Chẳng ai nghi ngờ cả. Nghiên cứu viên kia chỉ ở lại thôn một thời gian ngắn rồi mặt hầm hầm quay trở về. Trông anh ta có vẻ đang kìm nén tức giận, ngoại trừ trưởng thôn can đảm nịnh nọt vài câu thì không ai dám hó hé gì hết.
Bây giờ nhớ lại mới thấy hối hận xanh ruột, nếu anh ta không bỏ đi, có lẽ nơi này còn cứu vãn được.
Từ sau khi nghiên cứu viên nọ rời đi, trong thôn bắt đầu xảy ra chuyện xui rủi. Đầu tiên là bà vợ nhà họ Vương bị khó sinh, cả mẹ lẫn con đều không giữ được. Mọi người nhanh chóng lái máy kéo chở bà bầu lên trấn trên, ai ngờ đi được nửa đường đã qua đời. Khi đó không như bây giờ, nhà nào nhà nấy nghèo mạt rệp, chết vài người cũng chẳng phải chuyện lạ, người trong thôn bèn cùng nhau làm tang sự. Trời lạnh, chỉ cần nhổ một bãi nước bọt cũng bị đóng băng, khỏi cần lo thi thể bị thối rữa nên việc chôn cất không cần vội vàng. Tập tục nơi này phải để thi thể trong ba ngày. Lão Vương vốn nghèo khó, vợ vừa chết, trong nhà chỉ có hai đứa con trai nhỏ. Việc canh giữ thi thể phải nhờ thôn dân giúp đỡ.
Hai ngày đầu canh giữ bên cạnh thi thể vẫn suôn sẻ, nhưng đến đêm thứ ba, gió lớn thốc vào từ cửa sổ, dùng chăn bông chặn cửa sổ lại cũng vô ích.
Lão Phùng kể đến đây chợt lấy tay lau khóe mắt, hỏi mượn tôi một điếu thuốc, sau đó mới nói tiếp, tối hôm ấy tôi cũng có mặt, trước nửa đêm vốn là phiên tôi canh giữ, trùng hợp làm sao heo trong chuồng đồng loạt kêu ầm ĩ đến khuya. Tôi đành phải đổi ca sau nửa đêm với người khác. Canh giữ cùng tôi còn có bác tư, hai chúng tôi thấy đêm lạnh quá nên mới hút hết cả bao thuốc. Hút xong, tôi lại quay về nhà lấy tiếp. Đến khi trở lại, bác tư đã ngất xỉu, còn bà vợ lão Vương vốn đang nằm thẳng trong quan tài thì đột nhiên lật ngược người lại nằm úp sấp.
Khi đó tôi còn trẻ người non dạ, sợ đến mức ướt hết cái quần bông. Nghe đồn trong thôn cũng từng gặp thần tiên, nhưng chỉ có người già thấy thôi. Bấy giờ tôi mới tiến đến nhìn, hai chân cứ run lẩy bẩy, quên mất chuyện cứu người, cũng quên luôn phải bỏ chạy. Đứng cả buổi trời mới cử động lại được, nhưng vừa dợm bước thì cậu biết gì không? Mẹ ơi, bà vợ lão Vương lại đột ngột mở miệng nói chuyện với tôi.
Lão Phùng rít một hơi dài, có thể thấy rằng bóng ma tâm lý vẫn còn ám ảnh lão đến tận nay.
Tôi bèn giục, kể tiếp đi, hai người đã nói gì?
Lão Phùng đáp, có nói gì đâu, tôi nghe thấy vợ lão Vương phát ra âm thanh kỳ quái, nói rằng tui ở dưới này, sau đó tôi lập tức chạy về nhà gọi người đến!
Mọi người nghe tôi hét như heo bị chọc tiết, nghĩ rằng có hổ dữ xuất hiện bèn cầm súng xông ra. Tôi ấp úng không nên lời, đành bảo bọn họ tự đi xem, đoạn tôi cõng bác tư về.
Sau khi rót một ly rượu cho bác tư, ổng mới tỉnh lại. Bác tư đờ đẫn cả một lúc cũng chẳng nói được gì ra hồn, chỉ bảo rằng ổng nghe thấy có ai đó cầu xin ổng kéo giúp một tay, sau đó tự nhiên ổng ngất luôn.
Chuyện lần này không hề nhỏ, trời còn chưa sáng chúng tôi đã vội vàng chôn cất bà vợ lão Vương. Hôm sau lại mời đại tiên trong trấn đến, nhưng ai ngờ được tất thảy mới chỉ là khởi đầu, về sau những chuyện tương tự xảy ra ngày càng nhiều. Lần nào cũng có người bỏ mạng, năm ấy không biết có bao nhiêu người đã chết.
Tôi càng nghe càng khó hiểu, bèn hỏi, nhóm nghiên cứu viên có đến đây nữa không? Ý ông là mọi chuyện trong thôn đều liên quan đến những nghiên cứu viên ấy?
Lão Phùng đáp, chứ còn gì nữa! Nhóm nghiên cứu viên lâu lâu mới đến một lần, khi thì nửa tháng, khi thì một tuần. Mỗi lần lại là một người khác nhau!
Tôi hỏi, mỗi lần bọn họ tới đây thì làm gì? Đốt gì đó ở đây sao? Bọn họ có từng nói lý do vì sao phải đốt không?
Lão Phùng lắc đầu, không có, ai mà dám hỏi chứ. Lúc ấy người ta đồn là yêu quái trong núi không muốn bọn họ khai thác mỏ dầu ở lãnh thổ của tụi nó, vì vậy tụi nó mới giở trò, đại tiên cũng không trấn được. Biện pháp đổi đời duy nhất của chúng tôi là được làm công nhân dầu khí, thành ra chẳng kẻ nào muốn buông bỏ cả! Nghiên cứu viên không nói, chúng tôi hỏi cũng vô dụng. Hơn nữa lần nào họ tới cũng trưng ra vẻ mặt khó chịu, thế là mọi người lại càng không dám hó hé nửa lời!
Năm ấy vô cùng tồi tệ, không ngờ năm sau đến phiên đám trẻ con trong thôn lần lượt qua đời, bất kể là thai nhi hay trẻ con đã biết đi, từng đứa một đều chết hết. Chết kiểu gì cũng có, cực kỳ thảm thiết.
Tuy nhiên sang năm thứ hai, nhóm nghiên cứu viên càng chăm đến đây hơn, đôi khi tối qua vừa có một người tới, sáng hôm sau đã đón thêm người khác nữa.
Đến đầu xuân, lại thêm một nhóm nghiên cứu viên tới đây. Lần này họ mang đồng phục chỉnh tề, trên đầu đội mũ giống nhau. Trong số đó có một người rất kỳ quặc, họ bảo với thôn dân rằng người nọ bị sốt phát ban, kiêng gió, phần đầu che chắn kín mít, không rõ là nam hay nữ. Bọn họ ở dưới hầm suốt ba ngày ba đêm, không ăn không uống, không cả đi vệ sinh. Chỉ thấy khói tuôn ra không ngừng, cuối cùng sau khi họ đi ra thì chẳng bắt gặp nghiên cứu viên trùm kín đầu đâu nữa, tôi cũng không biết người nọ đã hết bệnh chưa. Dẫn đầu là một gã đàn ông khá lớn tuổi, ông ta tự mình đến nhà trưởng thôn, sau khi đuổi vợ con trưởng thôn ra ngoài thì hai người họ nói chuyện riêng rất lâu, cuối cùng ông ta mới dẫn nhóm nghiên cứu viên rời đi.
Sau đó trưởng thôn mới giải thích rằng những chuyện đen đủi trong thôn là do nhân sâm tinh trong rừng gây ra. Nhóm nghiên cứu viên sẽ giúp mọi người giải quyết, nhưng không ai được phép ra khỏi thôn, bằng không sẽ bỏ mạng. Người của chính phủ đã nói vậy, thôn dân đành phải nghe theo. Mấy chục thanh niên trai tráng trong xóm cũng chẳng ôm ước mơ được làm công nhân nữa, chỉ cần đừng tuyệt hậu là tốt rồi.
Nửa năm sau, nhóm nghiên cứu viên thường xuyên lui tới đây. Không rõ bọn họ đã thiêu bao nhiêu thứ dưới tầng hầm, mấy lần tôi đi quét tro cũng chẳng thể đoán được đó là gì, chỉ mong đám người kia có thể xử lý chuyện rắc rối trong thôn. Song qua mấy tháng mà vẫn không thấy đàn bà trong thôn mang bầu. Tiếng gió truyền ra, không một ai dám gả con gái đến đây nữa. Chẳng mấy chốc thôn này sẽ tuyệt diệt hết!
Mọi người ầm ĩ kéo đến nhà trưởng thôn, ông ta không còn cách nào khác, nhân lúc nhóm nghiên cứu viên tới bèn hỏi họ biện pháp giải quyết. Họ thật sự đưa ra một biện pháp, mẹ nó, biện pháp nỗi gì!
Tôi nghe tới đây đã lờ mờ nhận ra. Có lẽ biện pháp của họ chính là những tấm bia gỗ trong rừng kia. Xem ra người chết là mấy nghiên cứu viên đó, nhưng rốt cuộc họ đang làm chuyện quái quỷ gì?
Tôi chưa kịp nghĩ kỹ hơn, lão Phùng đã kể tiếp, đám người kia nói rằng muốn vào rừng tìm nhân sâm, chỉ cần ai còn khỏe thì buộc phải đi cùng. Chúng tôi đi ba bước dập đầu một lần, khi ấy trong thôn có hai ông lão 70 tuổi, mới được hai lần thì một ông hẹo. May mà tụi nó không bắt chúng tôi vào sâu trong rừng, gần đến nơi thì họ tự đi, chẳng ai biết họ làm gì trong đó, dù sao bọn họ không bao giờ quay về nữa.
Nghiên cứu viên đầu tiên biến mất, sau đó từng người một cũng mất tích theo.
Chúng tôi cực kỳ tò mò, thôn dân bèn bàn nhau lần sau lén lút bám theo họ để xem thử. Hôm ấy tôi không đi, may thật, nếu không thì bây giờ tôi cũng chẳng còn ngồi đây kể chuyện cho các cậu nghe đâu!
Có thể đoán được ắt hẳn những người bám theo đều không có kết cục tốt. Xem ra bắt đầu từ lúc ấy, trong thôn mới coi chỗ đó là cấm địa. Tôi không biết sự việc nhóm nghiên cứu viên lần lượt vào rừng xảy ra trong bao lâu, nhưng xét tình hình hiện tại, có lẽ mất một khoảng thời gian khá dài.
Tôi chỉ lấy làm lạ, mặc dù trong thôn xảy ra chuyện, nhưng làm gì đến mức bó tay chịu trói. Thanh niên trai tráng ở đây không ít, nếu phản kháng có thể sẽ chiếm được phần thắng. Lẽ nào người thời ấy quá ngây thơ đơn thuần? Hoặc có thể nói là ngu muội?
Tôi hỏi lão Phùng, các người vẫn luôn bị bọn họ nắm mũi dắt đi sao? Chẳng lẽ không ai nghĩ đến việc giải quyết vấn đề từ ngọn nguồn? Mỗi lần một nghiên cứu viên tới, các người hoàn toàn có thể bắt trói họ rồi tra tấn mà.
Lão Phùng lắc đầu, sếp Giang à, cậu cho rằng chúng tôi chưa từng nghĩ tới ư? Tôi vẫn chưa nói xong mà, đám nghiên cứu viên đó không phải con người!