Sau khi cho Lâm nhi biết loài cá cảnh này chỉ ăn được thức ăn cho cá, thằng bé mới ngoan ngoãn không nói gì thêm, ra lệnh cho người hầu bắt cá lên nướng.
"Uầy, dì ơi, cá nướng kìa."
"Ừ nhìn ngon ha."
Cho cá ăn với cả nướng cá xong rồi mà Tứ An vẫn chưa quay lại, ta không khỏi sốt ruột.
Ta còn đang đói bụng mà huhuhu.
Nhưng mà đây là cá nhị tỷ nuôi..
Nhớ hồi mới tới ta lỡ làm một con cá no chết, nhị tỷ lạnh lùng với ta cả ngày trời, không mua kẹo cho ta ăn.
Phải làm nũng mãi tỷ ấy mới nguôi giận.
Lâm nhi thấy ta do dự thì vỗ ngực: "Dì yên tâm, cháu sẽ nhận là do mình làm!"
Ôi trời, không uổng công dì thương yêu cháu.
Ăn uống no nê, ta dắt tay Lâm nhi tới Lương Giang viện.
Cha ta đang ngồi đánh cờ với lão Thái phó, thấy ta thì cười tít mắt lại, vẫy tay: "Ninh nha đầu qua đây với ta nào."
Ta chào hỏi một tiếng rồi thả tay Lâm nhi ra, thằng bé chạy ra ngồi cạnh cha ta.
Lão Thái phó ngẩng đầu khỏi bàn cờ, hiền từ nhìn ta.
"Tứ An đâu, nó không đi cùng con à." Cha ta lấy làm lạ, mọi khi ta với Tứ An như hình với bóng.
Ta cầm ấm trà lên, trà bên trong nguội cả rồi.
"Con bảo Tứ An vào bếp lấy đồ ăn rồi.
Để con đi pha lại trà."
Lão Thái phó gật gù, vuốt chòm râu trắng dưới cằm: "Lâu rồi ta không được uống trà Ninh nha đầu pha đấy."
Cha ta cười lớn: "Con bé Ninh Lan này pha trà càng lúc càng ngon, ông cứ chờ mà xem."
"Con cũng muốn uống trà của dì!"
Lâm nhi cũng hùa theo.
Ta không nhịn được cười khúc khích.
Có trà Lục Thiên ta pha, bánh đậu xanh với bánh hoa quế Tứ An mang lên, cộng với tiếng nói cười rôm rả của trẻ con, một buổi sáng trôi qua nhanh chóng.
Lão Thái phó tiếc nuối tạm biệt, trước lúc về còn hâm mộ cha ta có con có cháu sôi nổi, rồi cằn nhằn sao mấy thằng cháu ông mãi không chịu cưới vợ để ông bồng chắt.
Ta thầm cảm thán.
Kiếp trước Lão Thái phó qua đời trước khi Cẩm Linh cô nương sinh hạ nữ nhi, do ngựa mất cương lúc đi tảo mộ tiết Thanh minh.
Thấy vẻ mặt buồn rầu của ông, ta cắn răng mở miệng: "Dương thái phó, tiết Thanh minh, cháu qua phủ chơi với ông."
"Ha ha, vậy ta chờ Ninh nha đầu.
Ninh nha đầu nhớ giữ lời hứa đấy."
Nhìn chiếc xe ngựa đi xa, ta thở dài trong lòng.
Cha ta thấy ta ủ rũ bèn xoa đầu ta.
Ta rụt vai lại tỏ vẻ không đồng ý: "Cha, con có còn là trẻ con nữa đâu!"
Lâm nhi khúc khích: "Cháu nghe là, con dù có lớn cỡ nào thì vẫn luôn là trẻ con trong mắt cha mẹ.
Dì còn là tiểu cô nương, chưa lớn đâu."
Ta búng trán nó, cho chừa tật suốt ngày bày vẻ ông cụ non.
Ta nhìn lên trời, hình như bây giờ vẫn chưa tan chợ, nghĩ tới cảnh chợ từng đọc trong sách thì hào hứng muốn ra ngoài chơi.
Cha ta đồng ý, sai người lấy thêm cái áo khoác rồi điều thêm hai gia đinh đi cùng ta.
"Con muốn đi bộ tới chợ nha cha."
Ta kéo ống tay áo ông.
Tất nhiên là cha ta không nỡ từ chối yêu cầu của con gái út bé nhỏ của ông rồi.
Nếu không phải lão Cẩn Trung tới thì cha ta cũng theo hộ tống rồi.
Vừa đi vừa nghe Thanh Phong kể chuyện, nói thật thì chuyện cười hắn kể nhạt như nước ốc, nhưng mấy người chúng ta đều nhất trí không nói ra, ai cũng treo nụ cười gượng gạo.
Tới chợ, mọi người còn đang bày bán hàng, tiếng nói cười khắp nơi vang lên.
Lâm nhi được Vĩnh Tứ bế vùng vẫy đòi xuống.
Ta mua một túi kẹo hạt dẻ ngọt, viên nào viên nấy căng tròn chắc nịch.
Ta chia cho mỗi người một viên, vị ngọt lan tỏa trong miệng.
Kiếp trước sức khỏe yếu, ta luôn tò mò khung cảnh bên ngoài, muốn được hòa nhập với mọi người, lại sợ hãi nguy hiểm bao vây.
Cuối cùng tới tận khi qua đời, ta mới thấy tiếc nuối vì đã không tiến lên.
Về tới phủ là vừa lúc ăn trưa.
Trên bàn ăn đã có nhị tỷ Tống Dung và đại ca Tống Hành Dương.
Họ đang trò chuyện rôm rả.
Nhị tỷ: "Hôm nay lúc muội cho cá ăn, đếm thấy có 35 con, thiếu mất một con.
Chẳng biết đại ca có để mắt tới?"
Ta: "..."
Nhị tỷ thấy ta bước vào, nở nụ cười diễm lệ: "Ninh muội, muội tới rồi.
Muội có biết cá của ta đâu không?"
Ta giả vờ ho khụ khụ mấy tiếng.
Quả nhiên nhị tỷ không hỏi nữa, chỉ bảo ta ngồi xuống.
Ta nhanh chân chạy ra ngồi cạnh đại ca.
Lâm nhi tiến lên bám lấy tay áo nhị tỷ, giở giọng đáng thương: "Cá của dì Dung không còn, nhưng mà còn Lâm nhi ở đây mà." Rồi còn áp mặt vào mu bàn tay tỷ ấy.
Nhị tỷ híp mắt nhìn hai người bọn ta.
Chết chắc rồi.
Trước kia tỷ ấy ái mộ một tên văn nhân họ Mục, cũng học người ta nuôi cá trồng cây cảnh, đọc sách thánh hiền.
Ai dè sau đó hắn ham mê cờ bạc cá độ, bán thốc bán tháo của cải đi mà không trả hết nợ.
Nhị tỷ cũng chỉ tỏ ra đáng tiếc một hồi, sau đó thì ái mộ người khác.
Cá nuôi đã lâu nên không bỏ đi, coi như giữ kí ức về con người tốt đẹp ngày xưa.
Ta đánh lảng sang chuyện khác: "Đại ca, cha đâu rồi? Muội đói rồi, chúng ta ăn được chưa?"
Đại ca xoa đầu ta: "Lão Cẩn Trung rủ cha đi câu rồi, trưa không ăn cơm ở nhà.
Chúng ta dùng bữa trước."
Lâm nhi ngoan ngoãn ngồi trên đùi nhị tỷ, mặc tỷ ấy véo má, một bộ hi sinh oanh liệt.
Ăn trưa xong, ta chuồn về viện trước.
Tứ An vén chăn cho ta, vui mừng: "Cả ngày nay tiểu thư ít ho hơn rồi, bệnh tình có vẻ thuyên giảm.
Nô tỳ sẽ báo cho phu nhân với lão gia."
Ta cười cười, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Bệnh chuyển biến tốt sao?
* * *
Lúc ta tỉnh dậy, bên ngoài trời còn sáng.
Thật may ta đã không ngủ quên tới tối muộn.
Ta bảo Tứ An chuẩn bị xe đến sơn trang Thủy Duyệt, còn nhờ Vĩnh Tứ trèo lên cây hái một giỏ đầy hoa ngọc lan.
Năm nào Thượng thư phu nhân cũng tới sơn trang Thủy Duyệt này để tới chơi hội hoa thu.
Hội hoa thu của vùng Yên Giang nổi tiếng khắp các vùng, cứ tới mùa là các quý nhân trong kinh thành lại tụ tập về đây.
Ta xuống xe ngựa, gia đinh giữ cổng chạy vào phủ báo tin, quản gia dẫn ta vào trong.
Trên đường tới chỗ Thượng thư phu nhân, ta có đi qua một cái hồ lớn.
Trùng hợp là cá trong hồ cùng loại cá nhị tỷ nuôi.
Bỗng nhiên có một thứ gì đó lăn dưới chân ta.
Tứ An cầm lên cho ta xem, là một viên bi thủy tinh trong suốt, ở bên trong còn khắc hình hoa gì đó.
Quản gia đứng bên cạnh giật mình: "Nhị..
nhị công tử!"
Nhị công tử?.