Đương nhiên Lâm Chước Dữ sẽ không viết kịch bản như vậy, cũng đâu phải quay phim "Chuyện tình sau núi" phiên bản Trung Quốc.
Hứa Kinh Trập cầm kịch bản cũng cảm thấy rất thần kỳ, không có tiểu sử vắn tắt về nhân vật, không có bất cứ nội dung khái quát nào, chỉ có lời thoại và bối cảnh của mình anh, tóm lại là cũng không nhiều lắm.
(*) Chuyện tình sau núi (Brokeback Mountain): là bộ phim tình cảm Mỹ xoay quanh hai chàng cao bồi Jack Twist và Ennis Del Mar.
Họ cùng được thuê đến vùng núi Wyoming để trông coi một cừu, từ đó cả hai bắt đầu nhận ra những tình cảm khác lạ mà mình dành cho đối phương.
Lâm Chước Dữ nói chỉ tạm thời nghĩ đến đâu viết đến đấy: "Cậu không thể ở trạng thái quá tốt, kiểu như không được toại nguyện ấy hiểu không.
Cậu không hề tình nguyện tới đây, không thích nghi được với hoàn cảnh, nhớ nhà, ngủ không ngon giấc, cũng không có bạn bè."
Hứa Kinh Trập nhớ mấy điểm chính đó lại, anh phải đọc thuộc lòng lời thoại trước đã.
"Cậu thử tìm cảm giác với Lương Ngư ấy." Lâm Chước Dữ còn chẳng nghiêm túc giảng giải mấy, anh ta quả thực là tùy hứng đến cùng cực: "Buổi tối chúng ta thử một lần trước đã."
Lời thoại và cốt truyện bên Lương Ngư cũng thay đổi rất nhiều.
Dù sao quay đêm sớm nhất cũng phải bắt đầu sau 9 giờ tối, cho nên thời gian khá dư dả.
Hứa Kinh Trập và y đều ở lại trường quay, vùi đầu học lời thoại cho nhau hệt như học nhóm ôn tập cho kỳ thi ngày hôm sau.
Hứa Kinh Trập học được một lúc, anh hơi hút côn trùng, tay thường xuyên quơ qua quơ lại trước mặt.
Lương Ngư ngẩng đầu lên khỏi kịch bản, liếc nhìn anh, tiện mồm kêu nhân viên bên cạnh: "Có xịt chống muỗi không?"
Trùng hợp đối phương có mang theo bèn đưa cho cho y một chai.
Không thể phun lên mặt Hứa Kinh Trập, nhưng chân và cổ đều bôi một lượt, hai người chụm đầu lại một chỗ, gần như là kề lên đầu người kia.
"Hồi mới tốt nghiệp em cũng hay học thoại như thế này." Hứa Kinh Trập cười cười, anh thì thầm: "Cứ học mãi, chỉ sợ mình không nhớ được thôi."
Lương Ngư hỏi anh: "Em nhớ được bao nhiêu rồi?"
Hứa Kinh Trập: "Lời thoại của em ít, thêm một lúc nữa chắc không vấn đề gì nữa rồi."
Lương Ngư bĩu môi, hình như y cảm thấy vai diễn này của Hứa Kinh Trập không đủ nổi bật, không tiện phát huy.
"Anh là nam chính rồi em còn phải nổi bật đến đâu nữa." "Tâm lý Hứa Kinh Trập khá bình thản "Đây là phim của đạo diễn Lâm đó nha."
Thành tựu của Lâm Chước Dữ đã ổn định ở top 3 trong số các đạo diễn gốc Hoa, danh tiếng quốc tế của anh ta không hề kém cạnh Kiều Chân Kiều dù trong nước thấp hơn một chút vì quay nhiều phim thương mại hơn.
Thật ra đêm nay chỉ có hai đoạn: một đoạn là cùng "Lão Châu" tính tiền, chi tiêu trong đội với Châu Cửu Lâm, vì chuyện hóa đơn mà cãi nhau một trận.
Đoạn còn lại là "Trần Lương Sinh" tìm đến anh, muốn theo anh học chữ.
"Em có cãi nhau được với thầy Châu không?" Lương Ngư chợt hỏi: "Ông ấy từng dạy lớp em nhỉ?"
Hứa Kinh Trập bật cười, nói: "Đây là anh coi thường em đấy nhé, đóng phim làm sao mà không cãi nhau được."
Lương Ngư lật kịch bản, vai diễn của y có thể hơi khó khăn với những người khác, nhưng để y diễn lại rất phù hợp.
Có lẽ vì quỹ đạo trưởng thành và kinh nghiệm thời trẻ có phần tương tự nên y không cần tốn nhiều công sức để chạm đến linh hồn nhân vật.
Hứa Kinh Trập đã xem tiểu sử ngắn gọn mà chính y viết cho "Trần Lương Sinh", có thể kịch bản của Lâm Chước Dữ còn chưa viết đến đoạn kết, nhưng chốn trở về cuối cùng của "Trần Lương Sinh" đã nằm sẵn trong tim Lương Ngư.
Đêm trên núi rất yên tĩnh.
Sau khi học xong lời thoại Hứa Kinh Trập cũng chẳng có việc gì làm, có thể vì trước đó ngủ ngon quá, nên đây là lần mà anh có tâm trạng trên trường quay thoải mái nhất kể từ khi vào nghề.
Nhân vật kế toán trong kịch bản cũng không có tên cụ thể, chỉ gọi là "Tiểu Hứa".
Hứa Kinh Trập Mặc một chiếc áo sơ mi trắng sờn rất cũ, quần bông và giày leo núi lếch tha lếch thếch, mặc cùng một chiếc áo gió.
Cảnh cãi nhau với "Lão Châu" diễn ra hết sức thuận lợi, ngay cả đạo diễn Lâm Chước Dữ cũng khó tin.
Anh ta xem đi xem lại mấy lần, thật sự không bắt bẻ được gì bèn dứt khoát nói "Qua ".
Châu Cửu Lâm khen chi tiết khẩu âm tốt của Hứa Kinh Trập: "Em học tiếng phổ thông có hương vị phương Nam từ bao giờ thế?"
Hứa Kinh Trập nói: "Mấy năm trước em có quay một bộ phim dân quốc, vào vai một thanh niên trẻ ở Thượng Hải xưa."
Châu Cửu Lâm gật gù, ông rất hiểu cậu sinh viên ruột này, học cái gì cũng nhanh, thái độ lại nghiêm túc.
"Lẽ ra em phải quay điện ảnh từ lâu rồi." Dường như Châu Cửu Lâm cũng khá tiếc nuối, thật ra lời nói của ông vẫn rất giữ kẽ.
Dù gì Hứa Kinh Trập đã là nam diễn viên đỉnh cao trong kim tự tháp truyền hình rồi.
Tuổi trẻ thành danh, nếu như còn muốn bắt bẻ anh, nói anh không đóng điện ảnh là thất bại, vậy thì quả thực là một sự xúc phạm đối với những nỗ lực Hứa Kinh Trập bỏ ra trong quá khứ và những thành tựu đã đạt được.
Dường như sau khi xong cảnh này đạo diễn Lâm Chước Dữ lại có thêm cảm hứng mới, anh ta ngay lập tức sửa đổi kịch bản của Lương Ngư, còn hỏi y: "Cậu có diễn được không?"
Lương Ngư bị anh ta chọc cho phát cáu: "Hay là anh cho người giơ bảng nhắc thoại lên đi, tôi đọc theo, tiện cho anh muốn sửa lúc nào thì sửa, thế nào?"
Vậy mà Lâm Chước Dữ lại cảm thấy cách này được, gọi cả phó đạo diễn đến nâng bảng nhắc thoại giúp.
"Thật hay đùa vậy?" Hứa Kinh Trập ngồi trong vọng gác, Châu Cửu Lâm quay xong cũng về luôn.
Cảnh đó và cảnh này không chạy theo đúng mạch thời gian trong phim mà là do Lâm Chước Dữ quay nhảy cóc.
Lương Ngư không muốn nói chuyện, có lẽ là y cáu thật rồi, miệng lầm bầm chửi thề đi vào trong vọng gác.
Y kéo ghế ra, đặt bên cạnh Hứa Kinh Trập.
Lâm Chước Dữ bắt đầu thu dọn trường quay.
Cảnh này không cần diễn viên quần chúng, vì chỉ quay hai người Hứa Kinh Trập và Lương Ngư.
Ống kính của Lâm Chước Dữ lia rất gần, Hứa Kinh Trập cảm giác hẳn là toàn quay lấy cảnh đặc tả khuôn mặt.
"Cảnh thứ 23, góc máy 1, take 1" Lâm Chước Dữ đập bảng, "Action!"
Hứa Kinh Trập và Lương Ngư đưa mắt nhìn nhau, anh đang chờ đối phương đọc thoại, câu đầu tiên phải là "Trần Lương Sinh" lên tiếng trước.
Phó đạo diễn giơ bảng nhắc thoại đưa lưng về phía Hứa Kinh Trập khiến biểu cảm của Lương Ngư có vẻ bị phân tâm.
Y nhìn bảng nhắc thoại, lơ đãng nói: "Thầy Tiểu Hứa."
Hứa Kinh Trập nói tiếp thoại của mình không vấn đề gì: "Cậu gọi tôi đến đây để làm gì?"
Lương Ngư: "Tôi muốn học mấy thứ."
Hứa Kinh Trập hỏi lại: "Cậu muốn học cái gì?"
Lần này Lương Ngư mất một do dự lúc mới nói: "Học nhận mặt chữ."
Y ta nói quá nhỏ khiến Hứa Kinh Trập vô thức cúi đầu về phía trước, lặp lại câu hỏi lần nữa: "Học gì cơ?"
Lương Ngư vươn tay ra, chỉ lên cuốn sách trước mặt anh: "Mấy chữ này nghĩa là gì?"
Cuốn sách bày trước mặt Hứa Kinh Trập là "Anna Karenina".
"Tiểu Hứa" không phải là người gác núi, anh ta là một kế toán bình thường, một tuần chỉ cần trực một ngày.
Vì hoàn cảnh ở đây quá nhàm chán, lạc hậu nên để thức được qua đêm trực, anh chỉ tìm được mỗi cuốn sách cũ này.
Vì vậy buổi tối mới lấy ra xem thử, giết thời gian.
(*) Anna Karenina là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy, khắc họa cuộc đời của Anna Karenina người phụ nữ quý tộc quyến rũ, giàu có và những mâu thuẫn tình cảm xoay quanh cô giữa những năm bất ổn của xã hội Nga.
Trong cảnh mà Hứa Kinh Trập học có câu này: "Anna Karenina", anh ta vừa đọc vừa đưa ngón tay chỉ giải thích: "Là tên riêng."
Lương Ngư cũng ghé đầu lại theo, giống như học sinh tiểu học đọc pinyin theo thầy cô, máy móc rập khuôn đọc lại một lượt, y dừng một chút, hỏi: "Có phải là nữ không?"
Hứa Kinh Trập không nhịn được bật cười: "Là nữ." Anh nói, "Là một người đẹp nổi tiếng trong giới quý tộc Xanh Pê-téc-bua."
Lương Ngư lại hỏi: "Xanh Pê-téc-bua là gì?"
Hứa Kinh Trập: "Là một nơi, ở Nga, Nga bạn biết không?"
Lương Ngư gật đầu: "Bọn lông lá* ở cách vách."
(*) Nguyên văn (老毛子) là một danh từ bắt nguồn từ phía Bắc Trung Quốc, đặc biệt là vùng Đông Bắc cuối thời nhà Thanh, để chỉ người Nga, cách xưng hô miệt thị dùng cho những kẻ xâm lược.
Hứa Kinh Trập bị ngắc ngứ, lời thoại của anh chỉ đến đây, sau đó không biết phải ứng biến tiếp thế nào.
Nhưng Lâm Chước Dữ không hề hô "Cut", anh chỉ có thể chờ đợi, giả vờ bình tĩnh, về cơ bản thực sự là không biết phải diễn tiếp ra sao.
Lương Ngư ngẩng đầu lên, nhìn vào mặt của Hứa Kinh Trập, thật ra là đang nhìn bảng nhắc thoại phía sau.
Lâm Chước Dữ lại đẩy ống kính đến, tập trung quay biểu cảm của Lương Ngư.
"Anh dạy tôi học mặt chữ đi, thầy Tiểu Hứa." "Trần Lương Sinh" nói, y bị ánh sáng duy nhất trong vọng gác chiếu vào mặt, nổi bật trên làn da dãi dầu mưa nắng là hai gò má đỏ hây hây: "Anh dạy tôi học chữ, tôi mua thuốc lá cho anh, anh đừng nói người khác biết."
Lâm Chước Dữ không hô "Cut " nhưng cũng không trực tiếp nói "Qua".
Anh ta đăm chiêu nhìn chằm chằm hai đoạn này, lại nhìn đến biểu cảm có phần kỳ quái của Hứa Kinh Trập.
Cuối cùng anh ta nói: "Cậu phải tiết chế lại một chút." Lâm Chước Dữ nói thêm: "Phải tiết chế cảm xúc lại một chút."
Hứa Kinh Trập không nói gì, anh im lặng, biết vấn đề của mình nằm ở đâu.
Thực ra diễn viên rất kiêng kỵ tình huống không thể tách bạch mình và vai diễn.
Lương Ngư diễn không vấn đề gì vì y là y, Trần Lương Sinh là Trần Lương Sinh, có giống đến mấy thì bọn họ cũng là hai người.
Ngược lại Hứa Kinh Trập lại vào vòng luẩn quẩn không thể phân biệt giữa Lương Ngư và "Trần Lương Sinh".
Anh để tình cảm của mình lấn át nên khi "Trần Lương Sinh" nhìn anh, mỗi ánh mắt, động tác, lời thoại, đều khiến Hứa Kinh Trập cảm tưởng như cảm xúc của mình đang chan chứa, có thể trào dâng bất cứ lúc nào.
"Đừng yêu cậu ấy đến thế." Lúc nói ra lời này Lâm Chước Dữ bặm môi chua loét: "Bây giờ cậu ta đã như vậy rồi." Anh ta chỉ tay vào Lương Ngư đang ngồi xổm trước cửa vọng gác chờ họ giảng giải.
Để gần gũi với hình tượng nhân vật, đã khoảng 4-5 ngày nay Lương Ngư không gội đầu rồi, tóc bết dầu xẹp lép.
Da của y mấy ngày nay cũng tệ đến mức không thể nhìn nổi, vừa đen vừa thô.
"Má đỏ hây hây" cũng không phải do chuyên viên trang điểm tô cho y, mà thực sự là tự nhiên có.
Lâm Chước Dữ cũng có phần ghét bỏ: "Bây giờ cậu ta đẹp chỗ nào chứ? Làm sao cậu vẫn còn yêu cậu ta đến vậy được hả?!"
Hứa Kinh Trập: "......"
Tác giả có lời muốn nói: Sẽ không viết nhiều về phim trong phim đâu.
Nếu như có viết, vậy chắc chắn cũng là minh chứngcho chuyện bọn họ yêu tới yêu lui rồi (Kể cả trong phim có không phải là một cặpthì cảm giác trong những cảnh tay đôi đó họ cũng là một đôi.).