Hữu Phỉ

Chu Phỉ bật thốt:

– Hả, gì?

Lý Thịnh cũng đặt cái hộp khiến hắn đau đầu bó tay kia xuống, Lý Nghiên lập tức bỏ Ngô Sở Sở qua một bên, hí hửng sáp lại, chen Lý Thịnh qua bên cạnh chờ nghe.

Ai ngờ Văn Dục lại khoát tay cười nói:

– Ôi, bàn tán thượng quan sau lưng đâu có được? Không nói.

Văn tướng quân quá tuổi trung niên, tướng mạo đường đường, dù trong hay ngoài nước đều uy danh hiển hách, trông rất đường hoàng, ai ngờ lại là một kẻ đê tiện nói giữa chừng rồi bỏ chạy?

Lý Nghiên vội nài nỉ:

– Tướng quân, miệng tụi con kín lắm, ông cứ nói chút chút thôi, chắc chắn không có người ngoài nghe đâu.

Hai người ngoài là Dương Cẩn và Ưng Hà Tòng nhìn nhau, không biết mình có nên cút xa chút hay không.

Lý Nghiên càng sốt ruột, Văn Dục lại càng thấy vui, cố ý nghiêm mặt lắc đầu không chịu nói:

– Không tốt, không tốt.

Tuy 48 trại không tới mức môn quy nghiêm ngặt nhưng trong lòng tiểu bối, đại đương gia là chí cao vô thượng. Dù sao ba người bọn Chu Phỉ từ nhỏ chưa bao giờ dám có ý đồ nghe chuyện của trưởng bối.

Lý Nghiên tò mò đến khó chịu, vội nói:

– Không tốt mà ông còn nhắc làm gì? Văn tướng quân, sao ông có thể như vậy chứ!

Văn Dục không kìm được bật cười:

– Hôm nay nếu ta không nói ra gì đó thì mấy đứa không để ta đi chứ gì?

Chu Phỉ nghe vậy, lẳng lặng nhấc trường côn chắn bên cạnh, rất có ý “ông cứ đi thử xem”.

– Tha mạng, tha mạng.

Văn Dục trêu tiểu cô nương đủ mới thong thả nói:

– Được rồi, thật ra cũng không có gì, Chu tiên sinh cũng chỉ tình cờ nhắc với ta thôi, năm ông ấy còn nhỏ gặp phải thiên tai nhân họa, cửa mất nhà tan, ngẫu nhiên được Lý lão trại chủ đi ngang qua cứu, mang về nhà chăm sóc mấy năm. Chu tiên sinh vốn xuất thân thư hương môn đệ, sách từng đọc qua là không quên được, sau đó tuổi tác lớn hơn, Lý lão trại chủ lo trong trại không có danh sư sẽ làm lỡ dở đời ông ấy, nên mới đưa ông ấy đến Lương gia ở Giang Nam.

Lý Nghiên:

– A? Vậy chẳng phải cô cô và cô phụ đã quen nhau từ rất nhỏ sao? Đó là thanh mai trúc mã rồi?

Văn Dục cười không nói.

Chu Phỉ hỏi:

– Nói vậy thư phòng ở nhà ta ban đầu vốn là của cha ta?

Lý Nghiên vội nói tiếp:

– Cô phụ rời khỏi Thục Sơn năm bao nhiêu tuổi?


Chu Phỉ không biết nhớ ra gì, lại nói:

– Mẹ ta hồi nhỏ có bắt nạt cha ta không?

Văn Dục:

– …

Lý Thịnh không hề muốn nghe ngóng tình sử của trưởng bối, lý trí muốn hỏi rõ Lương Thiệu và Lý lão trại chủ là bằng hữu cũ thì tại sao năm đó Tạ Doãn mang lệnh bài của Lương công đến 48 trại lại suýt bị cô cô chém.

Nhưng cổ hắn ngỏng dài ra hai trượng, không chen lời được.

Lý Nghiên:

– Đúng rồi, vậy cô cô gả cho cô phụ khi nào, tướng quân, cô phụ có nói với ông những điều này không?

Chu Phỉ ho khan một tiếng, dùng gậy gỗ chọt lưng Lý Nghiên.

Lý Nghiên không quay đầu, khoát tay đẩy gậy của Chu Phỉ ra:

– Đợi tí, muội hỏi…

Lời còn chưa dứt, phía sau muội ấy có người khoan thai tiếp lời:

– Cái này thì chưa nói.

Lý Nghiên nhảy dựng lên như thỏ bị đâm mông, yếu ớt xoay người:

– …Cô phụ.

Chu Dĩ Đường khoanh tay trong tay áo, mặt tuy không có vẻ tức giận nhưng không ai dám làm càn. Thân binh xách đèn theo bên cạnh ông cúi đầu ra sức đếm kiến.

Chu Phỉ lớn từng này chưa bao giờ bị lúng túng như vậy, nàng ngẩng đầu nhìn ngọn cây rồi lại nghiêng đầu nhìn Lý Thịnh, bị Lý Thịnh trừng thì cúi đầu cùng đếm kiến với tiểu thân binh.

Chu Dĩ Đường nói với Văn Dục:

– Ta muốn an bài xong bên này, hành quân càng nhanh càng tốt, vốn định tìm cậu thương lượng nhưng thấy cậu lâu không về trướng nên mới qua đây xem.

Văn Dục đưa tay cọ râu trên môi, đứng dậy như người không liên quan:

– Phiền tiên sinh rồi.

Chu Dĩ Đường cúi đầu, nhìn Chu Phỉ, chợt nói:

– Mẹ con không được chiều từ nhỏ như con đâu, lúc nhỏ cũng chưa từng bắt nạt người khác.

Chu Phỉ:

– …

– Cô phụ.


Lý Thịnh cuối cùng cũng tìm được cơ hội nói chuyện, tận dụng hỏi:

– Lương công và 48 trại chúng ta sau đó có ân oán gì ạ?

Chu Dĩ Đường dừng bước.

Tuy mấy năm gần đây Lý Thịnh dần bắt đầu tham gia công việc trong trại nhưng khi trò chuyện với Chu Dĩ Đường, hắn vẫn có chút căng thẳng không rõ, thấy ông không lên tiếng, hắn vội nói:

– Cũng không phải chuyện gì quan trọng, kỳ thực con chỉ tùy tiện…

– Năm đó lão trại chủ bị Bắc Đẩu ám hại, trọng thương quay về, Tào Trọng Côn đương nhiên không chịu buông tha 48 trại.

Chu Dĩ Đường nhả chữ rất chậm, giống như châm chước từng con chữ:

– Nhân lúc trong trại hỗn loạn, Tào Trọng Côn lại dùng danh nghĩa diệt phỉ phát binh đánh Thục Trung, lão trại chủ thực hết cách, vào lúc nguy cấp nhất, từng cầu viện với Lương công… với triều đình.

Chu Phỉ nghe đến đó, lòng bỗng dưng thắt lại.

Không biết tại sao, tuy nàng chưa bao giờ gặp vị ông ngoại qua đời từ rất sớm này, nhưng nàng chợt cảm thấy năm chữ “cầu viện với triều đình” vô cùng nặng nề. Ông dẫn một đám người ở Thập Vạn Đại Sơn một tay dựng lên chốn đào nguyên lánh nạn, tự chế nhạo bản thân là “phụng chỉ làm phỉ”, lập ba lời thề “không thẹn”, tuy cũng có giao tình với Lương Thiệu, cũng có công hộ tống ấu đế xuôi nam, nhưng Chu Phỉ tin một cách không lý do, rằng có lẽ ông không muốn mở miệng với họ, rốt cuộc bị ép tới mức nào mới nói ra hai chữ “cầu viện”?

Bốn bề yên tĩnh, ngay cả Lý Nghiên cũng dè dặt nín thở.

Hồi lâu, Chu Dĩ Đường mới nói tiếp:

– Lúc đó triều đình loạn trong giặc ngoài, cũng đang lúc rối ren, Lương công… Lương công… vì đại cục, thực không thể ra sức. Khi ấy ta tuổi trẻ nóng tính, vì chút tình riêng mà tự ý giở tiểu xảo, trộm binh phù, lừa lấy năm vạn tinh binh.

Văn Dục khẽ nói:

– Năm đó 48 trại ở Thục Trung nhất hô bá ứng và Thiên Khiếm là hai thành lũy lớn bảo vệ cơ nghiệp triều ta, môi hở răng lạnh, Chu tiên sinh dọa lui Bắc quân chưa hẳn không phải là kế lâu dài.

– Đa tạ cậu gỡ tội giúp ta.

Chu Dĩ Đường cười ngắn ngủi, lại nói:

– Ta tự thẹn… với nhiều năm dạy dỗ của Lương công, liền tự bỏ chức quan, phế võ công, trả lại sở học cả đời, trốn vào 48 trại. Ân oán kỳ thực không thể nói rõ, cô cô con có lẽ chỉ tình cờ nhớ lại chuyện xưa, có chút canh cánh trong lòng? Được rồi, nói người đã mất không hay lắm, mấy ngày nay loạn lạc, nghỉ ngơi sớm đi.

Nói xong, ông vỗ cánh tay Chu Phỉ, mang Văn Dục xoay người rời đi.

Trong thư phòng lạnh lẽo ở bờ Đông Hải, nắp và tách trà trong tay Tạ Doãn khẽ chạm nhau vang một tiếng nhỏ:

– Con biết, lúc tin dữ của Lý lão trại chủ đột nhiên truyền đến thì cùng năm đó Chu tiên sinh “cạo xương lóc thịt trả ân sư” thoái ẩn Thục Trung, mãi đến khi Lương Thiệu chết cũng không ra mặt nữa. Với sự thông minh của ông, có lẽ đã nhận ra được gì đó, nội tình bên trong, e là Lý đại đương gia cũng chưa chắc biết rõ. Cam Đường tiên sinh luôn ngầm nhận mình “phản bội sư môn”, nhưng nếu thật là vậy, vì sao Lương Thiệu trước khi chết lại giao toàn bộ gia sản của mình vào tay ông? Rốt cuộc là ai thẹn với ai, con nghĩ vừa nhìn là biết. “Kiêu Sầu” mà Hoắc lão bảo chủ trúng là thứ hiếm, không thoát khỏi quan hệ với di vật của Dược cốc. Và còn Sơn Xuyên kiếm… cái chết của Sơn Xuyên kiếm là điển hình nhất, thoạt trông là vì “tội có vật quý”, nhưng ngẫm kỹ thì vật quý này từ đâu ra? Lời đồn Hải Thiên Nhất Sắc là bí bảo võ lâm từ đâu mà có, lấy gì làm chứng?

Lúc Cốc Thiên Toàn cấu kết Minh Phong lâu xâm phạm 48 trại từng nhắc, Minh Phong lâu có được Quy Dương đan thất truyền, Phong Vô Ngôn được che chở, Vũ Y ban bỗng dưng lợi hại đến vô ảnh đi vô tung, Mộc Tiểu Kiều tiến bộ võ công vượt bậc… tất cả đều khiến người ta suy nghĩ xa xôi.

Hèn gì lời đồn về bí bảo võ lâm lại xôn xao.

Thù lao mà Lương Thiệu trả, chẳng những có thể khiến thích khách nhận tiền giết người cam nguyện chịu điều động, mà còn nửa che nửa đậy dệt ra một tấm lưới lớn khổng lồ, có thể phát huy đầy đủ trí tưởng tượng tam sao thất bản của người giang hồ.

Đồng Minh lắc đầu:


– Đương nhiên có chút căn cứ, nhưng lão nạp nghe thì e vẫn là suy đoán của con chiếm đa số, dù sao chết không đối chứng. Ta hỏi con, nếu năm đó thực là Lương Thiệu, tại sao ông ấy lại mặc cho hoa văn sóng nước lưu lạc khắp nơi?

Tạ Doãn nói:

– Không sai, tại sao ông ấy lại mặc cho hoa văn sóng nước lưu lạc khắp nơi? Tại sao lại mời những người mà thân phận khiến người ta phải suy nghĩ tới làm “nhân chứng”? Thích khách, hạng người móc tim của núi Hoạt Nhân Tử Nhân… nếu không phải danh tiếng của “Viên Hầu song sát” quá kém thì chắc hẳn những nhân chứng này đã gộp đủ tất cả thích khách nổi danh trong thiên hạ. Nếu chỉ vì bảo vệ bí mật thì chẳng phải càng liên lụy ít người càng tốt hay sao? Những bậc tiền bối vang danh giang hồ như Sơn Xuyên kiếm sẽ quan tâm tới thích khách ư, “cái gai” (1) này rốt cuộc là mắc vào cổ họng ai?

(1) Tác giả chơi chữ, chữ “thích” trong “thích khách” còn có nghĩa là gai, xương, dằm. Ở đây dùng với cả hai nghĩa: bọn thích khách này là cái gai mắc trong cổ họng.

Hàng mày rủ xuống của Đồng Minh khẽ dao động:

– Ý con là…

– Lý đại đương gia của 48 trại, nhi tử của Sơn Xuyên kiếm, nữ nhi của Ngô tướng quân, thậm chí Hoắc gia bảo chủ Hoắc Liên Đào, có người giang hồ, có người bình thường, có người tốt, cũng có người xấu, nhưng không một ai trong họ biết hoa văn sóng nước rốt cuộc là gì. Có lẽ các vị tiền bối ký minh ước Hải Thiên Nhất Sắc từng giao hẹn với nhau, rằng việc này sẽ chấm dứt ở đời mình, có lẽ vì sợ rước họa cho con cái. Tóm lại, hoa văn sóng nước được truyền lại, nhưng nội dung minh ước thì không. Người biết con đang nghi ngờ chuyện gì không, thưa sư phụ?

Đồng Minh cười khổ:

– Bây giờ ta đã không biết là “Bạch cốt truyện” của con ly kỳ hay chuyện mà con nói ly kỳ nữa. Con muốn nói gì?

– Dù gom đủ hoa văn sóng nước cũng không thể ghép ra nội dung minh ước, “nhân chứng”, “hoa văn sóng nước” thần bí, thích khách lưu lạc giang hồ khiến người ta vĩnh viễn không tìm được… đều là cái gai mà Lương Thiệu cắm trong lòng “người đó”, để ông ta ăn ngủ không yên.

Đồng Minh:

– Vì sao ăn ngủ không yên?

Tạ Doãn chậm rãi giơ thẳng một ngón tay đặt bên môi mình, nhỏ giọng:

– Sư phụ, chuyện này không thể nói từ miệng con, dù nơi này chỉ có con và người cũng không thể.

Lúc lập ra Hải Thiên Nhất Sắc, Kiến Nguyên Đế Triệu Uyên chẳng qua chỉ là một đứa trẻ được mọi người bảo vệ xuôi nam, một đứa trẻ thì có thể có nhược điểm lớn cỡ nào mà đến nay vẫn ăn ngủ không yên?

Trừ phi…

Cổ họng Đồng Minh đại sư khẽ nhúc nhích, hồi lâu mới gật nhẹ đầu, nói tiếp:

– Con nói Lương Thiệu lập mưu hại chết bạn cũ Sơn Xuyên kiếm, giết người diệt khẩu, nhưng để lại hoa văn sóng nước và nhân chứng để kiềm chế một bên khác. Ông ấy là vì điều gì?

Tạ Doãn lắc đầu:

– Con không biết.

Im lặng chốc lát, Tạ Doãn lại nói:

– Nghe nói năm xưa… khi Tào thị chưa bắt đầu làm phản, Lương công là phần tử trung kiên của tân đảng, lúc đó ông ấy trẻ tuổi nhiệt huyết, rất hợp rơ với tiên đế cố chấp muốn thúc đẩy nền chính trị mới. Sau đó tiên đế đắc tội quần thần, bị ép vạn bất đắc dĩ mới đày Lương Thiệu đến Giang Nam, vốn định tạm giáng sau thăng, chờ thời cơ chín muồi sẽ triệu ông ấy về, ai ngờ lần từ biệt đó lại thành vĩnh biệt. Cả đời Lương công chưa từng lưu luyến vinh hoa phú quý, thê tử mất sớm, ở góa nhiều năm, chỉ có một nhi tử, nghe nói vị công tử đó vốn cũng trẻ tuổi anh tài, khi chưa nhược quán đã lập được chiến công, gặp lúc Tào Trọng Côn làm phản, hắn theo quân lên bắc, duyên trời run rủi vào trong nhánh tiểu đội làm mồi nhử, cuối cùng chết tha hương nơi đất khách, hài cốt không còn. Người nói Lương Thiệu là vì điều gì ư? Con không biết, con chỉ cảm thấy cả đời ông ấy thực sự rất bận, ngay cả sau khi chết cũng…

Ánh mắt Đồng Minh đại sư nhìn quyển “Bạch cốt truyện”:

– Sau khi chết thế nào?

Tạ Doãn lần này trầm mặc rất lâu.

Đồng Minh nói:

– An Chi, chắc chắn con còn biết gì đó.

Tạ Doãn:

– Chuyện hài cốt trong mộ Lương Thiệu không cánh mà bay, không phải A Phỉ nói cho con biết. A Phỉ không thích nói với người khác chuyện mình từng làm, con thậm chí không biết đích thân nàng đi xới mộ Lương Thiệu.

Tràng hạt xoay chầm chậm trong tay Đồng Minh chợt dừng lại.


Tạ Doãn dùng âm lượng gần như thì thầm nói:

– Là chính mắt con nhìn thấy.

Lão hòa thượng Đồng Minh sống đến tuổi này, tu nửa cuộc đời, từng thấy nhiều chuyện lạ thế gian, nhưng lại vì một câu cực nhẹ này của hắn mà run rẩy.

– Lúc đó Chu tiên sinh bận lo liệu nơi tiền tuyến, Hoắc gia bảo phát thiệp mời rộng rãi, dẫn tới rất nhiều người nhàn rỗi tụ tập ở Động Đình. Hoắc Liên Đào tự cao tự đại, ăn no rửng mỡ, còn kinh động đến Bắc Đẩu, lúc đó có lời đồn nói là Bắc Đẩu mượn chuyện để mưu lợi cho mình, tìm cớ để ra tay với các “danh môn đại phái”. Con vừa khéo nghe nói… chê cười rồi, đúng là hơi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Tạ Doãn cười tự giễu:

– Con chạy về hướng Nhạc Dương, thuận đường đến mộ Lương công, muốn tiện thể ghé thắp nén nhang.

Đồng Minh sững sờ, tiếp đó than:

– Hóa ra con đã sớm biết vị trí mộ Lương công, vì sao chưa bao giờ nhắc tới? Trong tay ông ấy có rất nhiều di vật của Dược cốc, lỡ như có cách giải Thấu Cốt Thanh thì sao?

Tạ Doãn cười nói:

– Lúc đó con cảm thấy làm một phế nhân cũng rất tốt, không ngờ còn có ngày dùng Thôi Vân chưởng… chúng ta không nói chuyện này nữa. Con ở gần mộ Lương công bất ngờ phát hiện một nhóm người hành tung bí hiểm quẩn quanh chỗ đó. Sư phụ có lẽ biết, mộ Lương công ở chỗ giao Nam Bắc, là hàng xóm láng giềng với mộ y quan của Lương công tử tuẫn quốc năm xưa, vị trí rất nhạy cảm, phản ứng đầu tiên của con lúc đó chính là “Bắc Đẩu lại giở trò gì đây”, bèn ỷ vào khinh công mình tốt mà bám theo. Chúng quẩn quanh gần mộ Lương công hai ngày, đêm đó đào lên, lật tung hết cả.

Đồng Minh đại sư nói:

– A di đà Phật, người chết là lớn nhất, Tham Lang không khỏi khinh người quá đáng.

– Đúng vậy, vào thời điểm đó, chẳng phải bọn Bắc Đẩu Thẩm Thiên Khu lần lượt bao vây Hoắc gia bảo, thành Hoa Dung, thiêu chết Hoắc lão bảo chủ, lại một mạch truy sát con côi của Ngô tướng quân sao? Vậy lúc đó, họ tiện tay trộm mộ, bất kể là tìm gì, dù sao nghe cũng hợp tình hợp lý, đúng không?

Tạ Doãn cười ý tứ sâu xa:

– Tiếc rằng con chỉ là một thư sinh “tay trói gà không chặt”, muốn bảo vệ thể diện người chết cũng lực bất tòng tâm. Bọn người đó xới tung một trận, con không biết họ có tìm được đồ họ muốn hay không, dù sao cuối cùng họ kéo thi thể về cơ bản chỉ còn lại xương trắng ra, quất roi đánh cho hả giận.

Đồng Minh đại sư tâm tính hiền lành, nghe lời ấy, liên tục niệm Phật hiệu.

– Làm cho hài cốt loạn tùng phèo, sau đó thủ lĩnh nọ lấy từ trong ngực ra một lá cờ lệnh Bắc Đẩu, dùng đá đè lại, đặt cạnh thi thể.

Tạ Doãn nói:

– Giống như chỉ sợ người ta không biết Thẩm Thiên Khu tự tiện xông vào biên cảnh Nam Bắc, đào mộ người khác, sỉ nhục thi thể vậy.

Đồng Minh đại sư nghe ra nghĩa bóng của hắn, há hốc mồm:

– Chuyện này…

– Nếu lúc đó chỉ có một mình con ở đó thì đã không có những chuyện về sau.

Tạ Doãn tự giễu:

– Dù sao con nhát lắm, bất quá đợi chúng đi xa, con lại ra dọn xác cho Lương công thôi, ai ngờ không biết trùng hợp thế nào mà có một người khác cũng ở đó, đồng thời lộ diện vô cùng chính trực, quát hỏi họ là ai, sao lại không biết xấu hổ như vậy, ngay cả danh của Bắc Đẩu mà cũng dám nhận liều… về sau con mới biết, đạo trưởng ngốc ấy chính là Xung Tiêu đạo trưởng của Tề môn.

Đồng Minh “a” một tiếng.

– Xung Tiêu đạo trưởng lúc đó quá nửa cho rằng chúng là bọn tặc vặt vãnh trên giang hồ, rảnh rỗi đi chơi trò đào mộ, ngờ đâu hai bên vừa ra tay, đạo trưởng mới phát hiện mình khinh địch. Bọn áo đen đào mộ ai nấy đều là cao thủ, cao thủ không hiếm thấy, nhưng cao thủ có thể phối hợp ăn ý nhịp nhàng như vậy chắc chắn không nhiều, giữa họ không cần giao lưu ngôn ngữ, từng ánh mắt từng dấu tay đều hoàn mỹ. Mà dấu tay ấy lại để lại manh mối, con vừa hay từng thấy trước đây, còn nhìn hiểu.

Đồng Minh đại sư vội nói:

– Con từng thấy ở đâu?

Tạ Doãn đáp rõ từng chữ một:

– Đại nội.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận