Huyền Thanh

“Chị Xuân không biết đấy thôi.”

“Anh ta rất khác, khác biệt hoàn toàn những người tôi đã từng gặp. Người quân tử chính trực, phóng khoáng và hào sảng, cốt cách tao nhã lại khiêm nhường. Như hoa hồng nở rộ trong sương sớm, lại như khối ngọc trắng đẽo gọt tinh tế.”

Tôi kể Xuân nghe về Dương Huyền, bằng ngần ấy lời ca ngợi hết lòng và ngàn lần chữ nghĩa diễn tả đang tuôn trào.

Trên chiếc chiếu cũ trải dưới đất chúng tôi ngồi, Xuân múc nước chè ra cái chén nhỏ màu xanh biếc, thêm một ít vừng non với sợi dừa khô. Mấy lát chuối mật vàng ươm, mấy viên bột nặn tròn con con, rưới lên bề mặt từng lớp cốt dừa trắng đặc như sữa. Trong làn khói bay tỏa mờ, đôi mắt long lanh của thị ướt át màu hơi sương, bờ mi cong cong tựa mảnh trăng rằm, nước da trắng nõn hun đỏ trông càng căng bóng mịn màng hơn xưa. Hôm nay thị vẫn đẹp như ngày nào. Một vẻ đẹp yêu kiều làm lòng người mơ màng. Cũng là yếm đào cánh sen, váy lụa điểm xuyết nhành mai, tóc búi cao vấn khăn hoa. Cũng là gò má hồng chín mọng, đôi môi điểm nhẹ sắc tươi, hương sáp thơm bên đầu vai. Vẫn không đổi sức xuân mặn mà của người đàn bà trẻ.

Đôi khi vô ý va vào ánh mắt dịu dàng ấy làm tôi quên bẵng những gì định nói. Song vẫn chỉ một chút say sưa thôi. Một chút ít ỏi vậy thôi…

Tôi vừa róc vỏ củ nâu đỏ, vừa liến thoắng chuyện này chuyện kia. Xuân ngồi bên cạnh cắt đôi mấy tấm lá chuối tươi, gói lại với bột nếp đã nhồi mềm, vo tròn từng viên, đậu xanh hấp tán mịn và dừa khô thái sợi mỏng. Sa Vũ, Sa Bình và Sa Minh phụ trách rửa lá chàm. Còn lão chủ quán, nằm lim dim trên chiếc ghế dài, tay cầm quạt lông vũ khe khẽ phe phẩy.

“Làng này ngày càng đông vui. So với năm ngoái, tẻ nhạt chỉ một, hai người ghé thăm thì năm nay, khách đến nhiều hơn hẳn.”

Sa Bình vừa rửa xong một nhúm lá chàm, vắt ráo nước, để vào trong cái rổ tre. Cậu ngạc nhiên nhìn thị: “Cũng chỉ có vài người, nhiều nhặn gì đâu cô Xuân?”

“Nhiều chứ. Với cái làng này thì nhiêu đấy là đông đúc lắm rồi.” Xuân cười khẽ, hai mắt như rực sáng.

“Có gì hay ho đâu mà cứ nói mãi thế. Toàn bọn công tử lụa là yếu ớt chỉ giỏi chưng diện và khoe mẽ. Cậu Thanh đừng dại dột làm thân với những kẻ đó. Mắt họ mọc tận đỉnh trời, lòng dạ nhỏ nhen đã đành còn thích tính toán đủ điều. Loại người như vậy chẳng đối tốt với ai đâu.”

“Tôi thấy sao thì nói vậy, khen nhiều hay khen ít cũng có làm sao đâu mà anh gắt gỏng dữ thế!”

“Tôi nói đúng mà! Bọn người có tiền đều xấu xa như nhau. Chúng ngạo mạn, hống hách, ích kỉ. Và chẳng có tên nào là hiền lành cả.”

Tôi giật lấy cái rổ trong tay Sa Vũ, kiểm tra mấy nhúm lá chàm bị vò mạnh đến mức nhăn nheo, rách làm đôi.

“Sao suy nghĩ của anh độc đoán quá vậy. Làm người trên đời ấy hả, để sống thật tốt thì không nên nhận định mọi thứ theo cảm tính. Phải phân biệt tốt xấu cho thật rõ ràng.” Nắm trong tay nhúm lá vụn, tôi thủng thẳng nói tiếp. “Còn nữa, kêu anh rửa sạch chỗ lá này chứ không phải vò nát bét nó như vậy nhé. Nhắm làm không được thì đưa cho tôi.”

Sa Vũ lắc đầu: “Đâu có được, đã để cậu may đồ cho rồi, nếu đến việc nhỏ thế này mà còn phải nhờ vả, khác nào một thằng vô dụng chuyên ăn bám.”

Cũng có lòng ghê nhỉ. Tôi bật cười.

Chắc vì hứng thú đã rã rời, anh ta không còn dông dài về chuyện vừa rồi, càng không chủ động nhắc đến. Có điều, giọng điệu vẫn cay nghiệt như cũ. Khi tôi nhắc đến Dương Huyền. Dù cố ý khen ngợi hay là vô ý nói tới. Ngay lập tức, anh ta sẽ ngang nhiên chen ngang, mỉa móc một hai câu. Nhấn mạnh, rằng bọn giàu có đều xấu bụng như nhau, thích nhất là ăn tươi nuốt sống bọn dân đen thấp kém như họ.

“Ở vùng núi Cao Nguyên, chỗ bọn tôi sống, không ai nhuộm vải bằng màu cây chàm hay màu của củ nâu rừng. Ngược lại, chúng tôi nấu chín lõi gỗ non, lá hương thảo hoặc củ nghệ tươi, chắt nước màu cho trong rồi pha chung một ít nước tro bếp.”

Đưa tôi rổ chàm đã rửa xong, Sa Minh chuyển qua xắt củ nâu thành từng miếng dày vừa phải, sau đó đổ vào cái thúng to đặt ngoài sân. Nghe cậu kể, tôi tròn mắt vì kinh ngạc, vội gặng hỏi. Cái rổ đang giữ trong tay bị Sa Vũ lấy lại mất giữa chừng cũng không để ý.

“Sao phải bỏ nước tro bếp vào màu nhuộm vậy?”

“Nghe nói là để màu nhuộm đậm và đặc hơn thì phải… Tôi cũng chẳng rõ nữa. Ông bà xưa dạy thế nào thì làm theo thôi.”

Xuân dặn chúng tôi ngồi yên ở đấy, thị vào nhà mang ra một xấp vải trắng, bảo là vải dư còn chưa dùng đến. Mấy hôm trước, tôi đã hỏi xin thị một ít để may đồ cho ba anh em họ. Loại vải dày dệt bằng sợi tơ to, có màu trắng ngà mềm mại tự nhiên. Sa Bình sờ lên bề mặt vải, nhẹ nhàng vuốt ve hồi lâu.

“Loại vải này lạ quá. Tôi chưa thấy bao giờ. Hai bên mặt hơi ram ráp một số chỗ nhưng nếu sờ kĩ vẫn sẽ nhận thấy có độ mềm vừa vặn. Vì sợi tơ khá to nên cảm giác cầm lên hơi nặng, chất liệu vải tương đối dày và chắc.”

“Cậu Bình chưa từng thấy cũng đâu lạ. Đây là vải dệt truyền thống ở làng. Sợi tơ dày lấy từ thân cây gai đen, một loại giống cây gai hiếm chỉ làng này mới có. Vào những dịp cuối năm, khi mùa lạnh khắc nghiệt sắp đến, dân làng sẽ may áo quần từ loại vải này để giữ ấm cơ thể thật lâu.” Xuân từ tốn giải thích.

“Chà, anh sành sỏi cứ như người trong nghề ấy.” Tôi tắc lưỡi vài tiếng khen.

Sa Bình khiêm tốn đáp: “Sành sỏi gì đâu, mấy thứ tôi biết cũng thường thôi. Trước đây, tôi từng làm công cho một thương lái trên sông. Mỗi ngày phải khuân vác với kiểm kê hàng hóa giúp người ta, mà đa số trong đó toàn vải vóc đắt tiền. Nhìn nhiều, lại làm quen tay, rồi dần học được một số kinh nghiệm có ích.”

“Công việc ổn định vậy sao anh không làm tiếp?”

“Anh ta bị chủ đuổi thẳng cổ vì cái tội ăn cắp, mặt mũi nào mà dám đi làm ở đó nữa.” Sa Minh mang vẻ mặt đắc ý, miệng lưỡi nhanh nhảu giành trả lời.

Tôi giật mình, trộm nhìn Sa Bình ở đối diện, ngấm ngầm để ý. Anh chàng nghe xong không những không giận, còn thoải mái bật cười, như thể bất đắc dĩ. Ngay sau đó, cậu chậm rãi ngửa mặt, hai tay chống ra đằng sau, đôi chân dài thong thả duỗi thẳng trên chiếu. Ánh mắt ảm đạm phản chiếu cả bầu trời mênh mông trên đỉnh đầu. Rồi bất ngờ, cậu bình tĩnh trả lời.

“Nó nói bậy đó, cậu Thanh đừng tin. Là tôi chủ động xin nghỉ, công việc nặng nhọc mà lương bổng thì quá bèo bọt. Thằng chủ cũ đó xấu tính lắm. Tôi không kham nổi nên bỏ luôn.”

Đột ngột, Sa Minh vứt dao gọt xuống đất. Lồng ngực cậu phập phồng, lên xuống theo từng nhịp liên tục. Người này trời sinh đã có khí sắc nhợt nhạt như người bệnh lâu năm. Khi tức giận, hai bên gò má sẽ đỏ như máu, bờ môi nứt nẻ tím đậm dần.

“Lúc trước, khi anh trở về nhà, với bộ dạng tàn tạ, thảm thương vô cùng, hơi thở thoi thóp như con cá sắp bị cắt cổ moi ruột đến nơi. Những lời anh nói vào hôm ấy không giống với lời hiện tại chút nào.” Một vẻ buồn nặng trĩu cũng theo đó lặng lẽ bao trùm lên gương mặt gầy xanh xao.

“Chuyện đã lâu, mày nhắc lại làm gì! Đúng là cái thứ ăn no dửng mỡ [14], không gì làm mới thích sinh sự khắp nơi. Mà, ai là cá bị moi ruột cắt cổ hả? Con cóc ghẻ như mày cũng đâu hơn được ai.” Sa Bình nhếch mép đầy khinh khỉnh, kiên quyết không nhường nhịn.

“Anh mới là cóc ghẻ, một con cóc…”

“Hai thằng điên, có thế mà cũng cãi nhau cho bằng được.” Sa Vũ nghiêm mặt cảnh cáo. “Còn ăn nói ngợm người nữa coi chừng tao lấy kim khâu miệng từng đứa!”

Tôi mở cái túi nhỏ giắt bên hông, lấy ra một ít kẹo gừng mật ong tự tay làm, nhét vào lòng bàn tay mỗi người một viên. Cười xòa, cố gắng làm dịu bầu không khí căng thẳng. Tuy nhiên, Sa Minh vẫn quả quyết lời mình nói không sai. Hai bên câu nặng câu nhẹ một hồi thì bắt đầu tiếng lớn tiếng nhỏ cãi vã, đến mức mặt mày đỏ gay, nước bọt văng tung tóe. Tôi đâm ra chán, lại nói về Dương Huyền. Cũng hơi ngạc nhiên. Vòng một vòng lớn, nội dung cuộc trò chuyện vẫn quay về như lúc đầu.

“Vì sao tôi nói anh ta khác biệt. Thì đây chính là nguyên do ạ.” Tôi chỉ vào bờ môi sưng to của mình, mải đến hôm nay vết ong đốt mới nhẹ hơn phần nào. “Lúc thấy, anh ta không gặng hỏi tôi bị làm sao, càng không tỏ vẻ khó chịu, quan trọng hơn là, người ta không giễu cợt hay chê cười tôi. Chỉ bằng nhiêu đó cũng đủ để biết nhân phẩm ra sao.”

Thoắt cái, tiếng cự cãi ồn ào bỗng im bặt. Sau đó, trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ba anh em kia ôm bụng cười lớn. Và đến Xuân, người đang cặm cụi cắt vải cũng bẽn lẽn che miệng. Tôi bực bội nhăn mặt. Bọn người vô tâm, họ không chịu hiểu cho cảm giác của tôi gì cả.

Nhưng mà thôi. Chí ít họ cũng bớt chí chóe ồn ào. Tôi không nhịn được cong môi.

“Cái quán nước mà cậu Thanh đã nói đến ấy, cụ thể là nằm ở đâu nhỉ?” Xuân đưa tôi chén chè chuối còn nóng, dịu dàng hỏi.

Không hiểu sao thị lại hỏi về chuyện đó vào lúc này, nhớ cách đây không lâu, tôi từng nhắc đến với thị, và không phải chỉ một lần. Song, Xuân có vẻ không để tâm cho lắm. Lúc ấy, dẫu đang ngồi lắng nghe, ánh mắt thị lại thả hồn về phương trời nào xa xôi.

Xem ra Xuân đã quên mất mấy chuyện tôi từng kể. Bao gồm cả chuyện về cái quán nước nhỏ nằm cạnh con dốc cao bao quanh bởi hàng tre già, nơi ấy luôn thoang thoảng hương trà hoa nhài, cuối cùng là một người bạn hợp ý tôi vô tình quen biết.

Một lần nữa, tôi lại kể thị nghe. Cặn kẽ và chi tiết hơn. Cơ mà kì lạ thật. Sau khi nghe xong những lời tôi nói, Xuân ngơ ngác, mặt dại đi như người trong cơn mộng mị.

“Lạ thật, tôi nhớ là gần chỗ đó làm gì có quán nước nào đâu.” Thị ngước ánh mắt khó hiểu nhìn tôi, giọng the thé. “Tôi nhớ rất rõ, cậu Thanh ạ. Rằng cạnh con dốc cao ấy, chỉ có duy nhất bãi đất trống bỏ hoang đã lâu, và chắc chắn, không còn một ai khác.”

Tôi ngớ người, đầu óc trở nên rối bời: “Sao có thể… hay chị nhớ nhầm rồi? Còn không thì… do quán nằm ngay vị trí hẻo lánh ít ai lui tới, chị mới không thể tìm thấy. Những lúc chợ đông người, quán buôn bán rất đắt khách. Ừa thì, ý tôi là… nếu nó không ở đó làm sao có người biết mà đến? Nên tôi nghĩ, hẳn chị đã nhầm lẫn điều gì chăng?”

“Thế cái quán đó tên gì? Chắc cậu phải biết chứ.”

“Ông ấy bảo buôn bán nhỏ thôi nên không cần đặt tên chi cho phiền hà.” Tôi nhớ lại khoảng thời gian yên bình ở quán, hai người ngồi bên mâm cơm đạm bạc đặt ngoài sân, thân thiết trao đổi vài chuyện vụn vặt thường ngày. “Nghĩ lại thì, ông ấy chưa từng nói với tôi về tên họ của mình. Mấy người khách đến quán cũng chỉ gọi ông ấy là chủ quán… giống cái cách mà tôi vẫn thường gọi.”

Xuân nhíu mày, chốc chốc lại thất thần vuốt ve viên kẹo nắm trong tay.

“Con người trên đời này ai mà không có gốc gác, tên họ đàng hoàng? Người bạn đó của cậu Thanh cũng thật lắm chỗ khác thường.”

Không chỉ mỗi tôi có phản ứng bất ngờ, ba người còn lại cũng có biểu cảm kinh ngạc không kém cạnh. Nhất là Sa Minh. Vào những lần rảnh rỗi hiếm hoi, cậu ấy thường cùng tôi đến đó, thỉnh thoảng còn tự bỏ tiền túi mua ủng hộ vài chén nước trà, nếu có thời gian ngồi lâu hơn sẽ nhiệt tình trò chuyện với chủ quán. Nhớ có mấy bận, đôi bên mải mê hàn huyên hăng say, quên mất giờ giấc đang là khi nào, là trời đã trưa trật hay trời đã tối mịt.

“Đâu cần nói đâu xa, ở đây cũng có một người kì lạ chẳng kém.” Sa Vũ thẳng thừng chỉ vào cái người đầu tóc bù xù, ăn mặc luộm thuộm đang nằm thiêm thiếp trên ghế dài. “Đến tận giờ, bọn tôi vẫn chưa biết tên của lão. Em Xuân không nói, lão cũng không nói. Lẽ nào, lão ta không có gốc gác hay tên họ đàng hoàng?”

Tôi lập tức gật đầu phụ họa theo lời Sa Vũ: “Phải đấy. Ai ở trên đời này mà không có một cái tên cho riêng mình. Xấu cũng là tên, đẹp cũng là tên, cớ chi phải giấu diếm dữ vậy chứ?”

“Lão cũng có tên mà. Có điều, lão không thích kể, không thích nhắc đến. Tôi vẫn hay trêu, tên lão là người Hiền Từ.” Ngập ngừng như thể sợ hãi chuyện gì đó, Xuân nói nhỏ. “Tính lão vốn khó đủ đường. Các anh đừng dại dột đi gặng hỏi. Kẻo lại… rước thêm phiền phức không đáng.”

“Nghe chị nói vậy khiến tôi chợt nghĩ, có khi nào ông ấy cũng giống vậy không?” Tôi đang nhắc đến chủ quán. Lí do duy nhất có thể biện giải cho thắc mắc của tôi và thị. “Bởi cái tính cộc cằn, khó khăn đủ thứ nên mới không thích nói với người khác về tên họ của mình. Nếu suy đoán ấy là đúng thật thì đâu có gì kì lạ.”

Xuân bỗng im lặng, ngoảnh mặt liếc nhìn người nằm trên ghế, đôi mắt mơ màng hơi nước như giăng kín sương trời. Rồi đột ngột, thị bật cười. Tiếng cười sẽ sàng, lạnh nhạt, xen kẽ đôi chút run rẩy yếu ớt.

“Hay để hôm nào tôi dẫn chị đến đó xem nha. Chủ quán rất hiếu khách, nhất định sẽ tiếp đãi chị thật nhiệt tình cho coi!” Tôi hứng khởi đề nghị. Nhưng ngoài dự kiến, Xuân lắc đầu từ chối. “Thôi, ở nhà còn nhiều việc cần làm lắm. Dư dả thời gian đâu mà đi ra ngoài với cậu.”

Sa Vũ chen vào vị trí ở giữa, ngay bên cạnh Xuân, hết ghé vào tai thì thầm lại chuyển qua thân thiết choàng vai thị.

“Dạo này trông em Xuân gầy quá. Nhìn cánh tay nhỏ bé yếu ớt này xem, sao mà mảnh mai quá trời. Tôi thấy mà không khỏi xót xa.” Anh ta lại tìm cơ hội đến gần người đẹp, giở mấy mánh khóe cũ, giọng điệu vẫn cứ màu mè, sến súa.

Tôi đẩy bàn tay to ấy ra khỏi vai Xuân, cố ý đập mạnh thêm vài cái. Sa Vũ lập tức buông tay, rụt cổ lại trong hốt hoảng, rồi ngượng nghịu cúi đầu.

“Cô Xuân hay nói mình bận nhiều việc ở nhà, làm cực nhọc tới mức không thời gian nghỉ ngơi. Nhưng theo tôi thấy, cô có làm gì đâu mà bận, chỉ toàn ru rú trong phòng mải. Cái quán ế ẩm vắng như chùa hoang, suốt ngày đóng kín cửa, mấy chuyện dọn dẹp trong ngoài và chuẩn bị cơm nước mỗi buổi thì có cậu Thanh lo liệu giúp. Cô chỉ việc thảnh thơi ngồi một chỗ trỏ này sai nọ, thi thoảng còn đi đâu bặt tăm mấy hôm liền, nhà cửa trống hoác cũng mặc kệ. Sung sướng đến vậy mà cô Xuân cứ ấm ức than khổ.”

Tôi nhét cả xấp vải dày vào ngực Sa Minh, ngăn cậu ta lải nhải chẳng ngừng mấy chuyện vô nghĩa. Đến Sa Bình nghe xong còn tức giận trừng mắt, khuỷu tay hích mấy phát vào bụng em trai, chép miệng, mắng nhiếc mắng khẽ vài câu.

Tôi kéo Sa Minh lại gần, nói nhỏ bên tai cậu: “Chị ấy bảo sao thì anh cứ tin như vậy. Đừng hỏi nữa. Lỡ bị đuổi ra ngoài thì chết cả bọn mất.”. Truyện mới cập nhật

Vừa nói, tôi vừa nhìn Xuân, ở khoảng cách khá gần. Chắc hẳn thị đã nghe thấy lời Sa Minh nói vừa rồi. Song, thay vì tức giận thì thị chỉ hờ hững liếc thoáng qua, ý cười nhạt thếch nơi đầu môi cong cong. Dù không nói thẳng nhưng tôi thừa biết trong lòng, Xuân là người uy quyền nhất ở đây, hơn cả lão chủ quán. Dẫu thị vẫn thường bảo với người khác bản thân chỉ là một con hầu thấp hèn, giòi nung núc từ trong xương thịt đã thối rữa. Về phần nguyên nhân, vì sao thị lại là “người lớn nhất” không một ai biết, không một ai rõ.

Tôi múc một muỗng chuối ngập nước cốt dừa cho vào miệng, vị ngọt lịm tan nhanh trên đầu lưỡi, mùi thơm ngầy ngậy của sữa, dừa tươi và chuối mật cùng hòa quyện với nhau trong khứu giác. Tôi vét sạch cả chén, không để thừa một vụn nhỏ, ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm chưa đủ. Nói đến việc nấu nướng ở nhà thì chị ấy khá vụng về, cơm canh nêm nếm không mặn thì cũng nhạt. Thế mà, riêng về khoản nấu chè, hoặc làm bánh chẳng hạn, chị lại rất giỏi.

Tuy nhiên, không phải lần nào Xuân cũng xuống bếp trổ tài, chỉ có những dịp đặc biệt chúng tôi mới có lộc ăn mấy món do thị làm. Vấn đề là, hôm nay là ngày gì đặc biệt nhỉ? Tôi cố nghĩ mà không ra đáp án.

Lúc này, Xuân lại giở giọng sai bảo Sa Vũ đi làm việc. Nào là múc nước giếng cho thị rửa chân, chạy ra vườn bổ thêm củi, cắt rơm khô, bắt hai cái nồi to trên bếp lò để nấu củ nâu và lá chàm. Nước sôi được giữa chừng thì anh ta giao việc trông coi cho Sa Bình còn bản thân lại mang vẻ mặt hớn hở chủ động xin đi phơi đồ. Kết quả, áo quần của hai người em trai bị vứt sang một bên, nằm trơ trọi dưới đất lạnh lẽo. Mấy chiếc áo yếm xanh xanh đỏ đỏ lại được anh ta cầm nhẹ nhàng trên tay tựa như báu vật, cẩn thận giũ từng cái một rồi máng ngăn nắp lên sào tre, đến nếp nhăn trên áo cũng phải vuốt cho thật phẳng, thật đều mới chịu.

Tôi dặn dò, khi ngâm vải trong nước nhuộm phải ngấm đều hai bên, khi đem phơi phải chọn nơi có ánh nắng vừa vặn, cách một canh giờ lại nhuộm vải một lần, tùy vào màu sắc đậm nhạt mà tăng hoặc giảm số lần nhuộm trong ngày. Và để tránh trường hợp vải bị cứng, bị nhăn, lên màu không đẹp, nhất định phải chú ý trở đều liên tục hai mặt vải khi phơi. Cuối cùng, sau khi vải đã khô, lại ngâm qua đêm với nước ấm pha phèn chua hoặc muối hạt, có công dụng rửa sạch chất bẩn, giữ màu nhuộm được lâu hơn.

“Anh em họ dùng sao hết chỗ vải này, hay chị giữ lại một ít để may đồ đi.” Ban đầu, khi hỏi xin Xuân vải cũ may áo, tôi chẳng ngờ còn thừa nhiều như vậy.

“Tôi thích màu nâu non. Màu nâu trên chiếc yếm nhỏ mà người đàn bà nào ở làng cũng hay mặc.” Xuân ướm thử tấm vải lên người, đầu ngón tay lần nhẹ nhàng trên bề mặt vải mềm, nháy mắt khẽ bảo. “Tôi sẽ may một cái mới cho mình, và một cái cho cậu Thanh.”

Cổ họng tôi nghẹn ứ, tim đập nhanh như đánh trống. Thị nói rất nhỏ, gần như chỉ đủ lớn để mỗi tôi nghe.

“Chị lại ghẹo tôi nữa rồi… làm sao… làm sao mà tôi mặc thứ này được chứ!” Tôi căng thẳng nuốt nước bọt, đảo mắt nhìn xung quanh, lo lắng sẽ có ai đó nghe thấy.

“Ơ kìa, tôi đã nói mình may cái gì kì lạ cho cậu đâu.” Xuân bật cười, hỏi với vẻ tò mò. “Chẳng lẽ cậu Thanh lại nghĩ tôi sẽ may yếm cho cậu mặc đấy à?”

Câu hỏi này khiến tôi giật mình không nhẹ, vội vàng cúi đầu trong ngập ngừng, bản thân ngượng ngùng đến mức không thể nói câu nào nên lời. Và sau đó, tôi nhận ra là lòng bàn tay đã đẫm mồ hôi tự bao giờ.

Xuân về phòng, gương mặt uể oải, bảo là buồn ngủ rồi.

Lão chủ quán đột ngột thức giấc khi Sa Minh vừa xách nồi thuốc nhuộm ra sân. Xuân mới vắng mặt một lát thôi mà lão ta đã ngã nhào trên đất tận mấy lần, từ mặt mũi, miệng mồm, cho đến tóc tai đều dính đầy cát. Tôi nhanh chân chạy đến đỡ, lão lại vùng vẫy muốn tránh, liên tục gào khóc om sòm, bắt đầu giở tánh ngang ngược như mọi khi, nằng nặc bắt Sa Vũ dắt lão ra cánh đồng thả diều, vào rừng bắt bướm đỏ, cởi truồng tắm ao suối.

Tôi múc cho lão chén chè, ra sức dỗ dành.

Một ngày của tôi cứ như vậy trôi qua.



“Sáng nay ra bờ sông, già này may mắn bắt được hai con cá lóc to lắm. Nhìn da thịt béo bở thế kia, đem kho khô hoặc hầm canh thì còn gì bằng.”

Chủ quán hào hứng đưa tôi xem hai con cá lóc bơi trong chậu nước. Đúng như lời ông ấy nói, con nào con nấy cũng to cũng dài, vừa nhìn là biết, thịt bên trong ngọt và tươi ra sao.

Tôi chọt nhẹ vào bụng cá, đề nghị: “Một con nấu canh chua, một con kho tiêu, rồi xào thêm ít rau muống với mỡ heo.”

Chủ quán vui vẻ đồng ý, dặn tôi lát nữa nhớ ra sau vườn hái một ít rau về lặt, hôm nay ông ấy sẽ khao tôi bữa cơm lớn thịnh soạn. Tôi đoán vì có khách quý ở cùng nên mấy ngày gần đây ông ấy mới thường xuyên xuống bếp làm nhiều món như vậy. Trời vừa sáng đã chịu khó chạy khắp nơi để tìm mua những nguyên liệu tươi tốt nhất. Nhớ hôm kia là cháo mướp non, vịt bầu kho gừng, ốc hương hấp rượu, hôm qua là lòng heo khìa nước dừa, măng khô xào đậu phụ và canh khoai sọ hầm xương. Rồi ngày mai, vẫn tiếp tục lên mâm đôi ba món tương tự. Nghĩ cũng lạ. Ông luôn than vãn về cái cảnh nghèo nàn vẫn mãi đeo bám thân mình, ngày thường làm việc đều cố gắng cắc củm [15] từng đồng một, đến cơm thừa canh cặn đã nặng mùi thiu cũng chẳng dám bỏ. Song kể từ khi người đó đến thuê trọ, mọi thứ xung quanh chủ quán gần như thay đổi hoàn toàn, càng có vẻ bận rộn hơn trước dù việc buôn bán vẫn ế ẩm như cũ.

Bữa cơm đạm bạc ít ỏi mà quen thuộc của mọi hôm đã được thay thế thành những món mới mỡ màng cá thịt, vô số bánh trái và rượu chè được mua về khoản đãi. Tôi nghĩ, hẳn ông ấy đã sử dụng số tiền cho thuê trọ để mua mấy thứ này. Nhưng đến lúc hỏi mới biết, ông ấy chưa từng động vào dù chỉ một đồng khách đưa. Không có lí do phải nói dối. Tôi chống tay lên cằm suy tư. Lẽ nào, nhà cửa xập xệ vậy mà bên trong lại giấu vàng giấu bạc hay sao?

Bất chợt nhớ đến vị khách quý ngày nào cũng gặp ấy làm tôi không khỏi ngán ngẩm lắc đầu, bèn chếch mắt về phía đối diện, cách chỗ này không xa. Vẫn là khung cảnh thân quen như mọi lần. Người đàn ông áo trắng nọ ngồi im lặng bên bàn trà gần cửa sổ, một mình nhấm nháp li rượu con con, chút gừng ngâm đường trong chén. Người thường xuyên hướng mắt ra ngoài sân, nơi có vạt nắng chiều buông trên những tán lá rộng, hàng cây non già xanh xanh, vại rượu thơm ủ trong rơm khô, ngỗng con cặm cụi chui vào bụi cỏ.

Bắt gặp tôi lén lút nhìn trộm, Dương Huyền chỉ điềm đạm cười nhẹ, sau đó lại bảo tôi đi bổ cau, yêu cầu phải têm từng miếng trầu trông cho sao thật khéo và đều. Tôi ngoan ngoãn làm theo dù trong lòng chẳng mấy tình nguyện. Trước đó đã lỡ hứa với chủ quán, rằng mỗi ngày sẽ đến đây giúp ông ấy têm trầu cho khách, nên đâu thể không làm.

Mà tính người này cũng ít kì khôi lắm, chẳng bao giờ thấy động đến miếng trầu tôi têm vậy mà ngày nào cũng sai tôi làm, còn phải cắt tỉa hình cánh phượng thật đẹp và bắt buộc phải đầy một hộp mới chịu cơ. Sau khi têm trầu xong thì để yên đấy trên bàn. Để khách quý ngắm nhìn trong lúc đang buồn chán, nếu thấy có chỗ nào bung cành sứt đầu thì lại bắt người ta còng lưng chỉnh sửa từ đầu, cứ sửa đến khi nào ai kia hài lòng mới thôi.

Khi chủ quán bưng mâm cơm ra sân, tôi vừa lặt xong một rổ rau sống, đã rửa qua với nước giếng. Nghe thấy tiếng ông ấy gọi, tôi lập tức đứng dậy, ôm lấy giỏ đựng đầy rau củ tươi chạy liền ra ngoài.

“Khi nãy ông có dặn dò, chỉ hái một ít rau về lặt thôi. Nhưng tận ba người ăn lận, tôi sợ không đủ nên bèn hái nhiều một chút.” Tôi kéo ghế ngồi xuống, lòng rạo rực trông ngóng mâm cơm chiều.

“Món canh chua này tôi nấu bằng cơm mẻ nhà làm, phần rau hầm chung thì có ngổ, đậu bắp, bông so đũa. Thơm lắm. Còn món cá kho tiêu thì tôi nêm hơi mặn một chút để vừa ăn với cơm nóng. Tôi cũng xào thêm rau muống cùng hẹ, mỡ heo và tỏi khô, cái này mà chấm nước kho cá là hợp nhất.” Chủ quán gõ đũa lên mép bát nước màu xanh, miệng cười ngoác tận mang tai. “Đã có rau muống xào tuyệt nhiên không thể thiếu món nước luộc rau muống vắt chanh này đâu. Nhìn đơn giản nhưng thực ra không hề đơn giản. Tôi đảm bảo, ăn một lần là ghiền luôn.”

“Và đây, món ngon nhất hôm nay. Lúc nấu, tôi phải canh lửa kĩ lắm mới ra được mấy lớp cháy vừa to vừa giòn.” Sau khi sắp xếp từng đĩa đồ ăn lên mâm, ông ấy cho hai người bọn tôi xem phần cơm cháy nóng hôi hổi trong nồi, còn chu đáo chuẩn bị một bát mỡ hành ăn kèm.

Mùi thơm của gạo xộc vào mũi, tràn vào ruột gan cảm giác thòm thèm, khiến cơn đói trong tôi càng dậy lên mạnh mẽ. Chưa kể, bên cạnh món chính còn thêm vài món phụ khác, như là tôm khô, trứng gà luộc, mắm cá còm và dưa cải chua. Quả thật là một bữa cơm khoản đãi khách rất lớn.

“Ta từng ăn món này rồi, chỉ khác một điều, nhà ta hay dầm sấu vào nước luộc rau chứ không vắt chanh.” Dương Huyền múc một chén nếm thử, sau đó thong thả đánh giá. “Biết là rất kì cục cơ mà theo ta thấy, dầm sấu sẽ ngon hơn là vắt chanh. Lần sau ông có thể nấu thử.”

Tôi cầm chén nước luộc rau húp từng ngụm. Trời ạ, ngon thật. Ngon tới mức phải hít hà mấy lần. Vừa uống xong một chén mà vẫn muốn thêm một chén nữa. Đúng như lời chủ quán đã nói, thử một lần là ghiền luôn, không đùa được đâu. Nên khi nghe mấy lời Dương Huyền nói, tôi lập tức ngẩng cao đầu phản bác.

“Chưa chắc đâu. Tôi lại thấy vắt chanh ngon hơn dầm sấu.”

“Cậu đã thử chưa mà biết ngon hơn?”

“Chưa ạ. Nhưng tôi vẫn khẳng định là vắt chanh ngon hơn.” Tôi nhịp nhàng cổ chân dưới gầm bàn, tự tin dõng dạc. “Linh cảm của tôi mách bảo thế đó.” Tự nhủ trong lòng, ngài không thích thì tôi cũng mặc kệ.

“Chà, hai món đó có khác gì nhau đâu. Cũng là nước luộc rau muống, cũng là vị chua được nêm thêm thôi.” Chủ quán giục chúng tôi dùng bữa. Gạt sang vấn đề cái nào ngon hơn cái nào. Ông bảo, khi khác lại ngồi xuống thảo luận.

Theo ý kiến đề xuất từ chủ quán. Trước tiên, họ sẽ thưởng thức món cơm cháy giòn rụm còn nóng hổi. Bàn đến việc ăn cơm cháy sao cho đúng cách thì mỗi người mỗi ý. Thông thường, tôi sẽ phết đều lên bề mặt cơm cháy một lớp mỡ hành, tiếp đó lại rưới lên trên nước cá kho sền sệt, ăn đến đâu cắn đến đó. Chủ quán thì thích gói trong lớp rau sống, như bắp cải, ngò om, húng quế… chấm vào chén mắm cá còm vị mằn mặn cay nồng. Còn Dương Huyền, xé nhỏ từng miếng bỏ vào chén, thêm một muỗng tôm khô, chan đầy nước canh chua, đơn giản đến không thể nào đơn giản hơn được nữa.

Trong lúc dùng bữa, hai người họ bàn luận rất nhiều thứ. Chuyện trò một cách nghiêm túc và hăng say. Toàn là những việc, những chuyện tôi nghe không hiểu.

Nhắc đến thuế má mỗi năm, ông lại thở ngắn than dài: “Năm nay thuế lại tăng, cao hơn năm ngoái rất nhiều, có nhà bán hết cả ruộng vườn mà vẫn không đủ trả.”

Dương Huyền buông đũa, cầm chén trà lên ngắm nghía: “Nhà nào có người từng tòng quân sẽ được giảm thuế, vậy tính ra số ông may mắn hơn khối người phải trầy trật vì tiền nong ngoài kia.”

Tôi kinh ngạc nhìn hai người họ, điều làm tôi ngỡ ngàng hơn nữa là, chủ quán không hề phủ nhận, còn nhướng mày cười với chàng.

“Làm sao ngài biết già này từng đi tòng quân?”

“Cung cách người lính ăn sâu vào xương tủy máu thịt, giấu sao mà được, lâu ngày tiếp xúc tự khắc sẽ nhận thấy.”

“Sao tôi không thấy vậy kìa…” Tôi bưng chén lùa vội miếng cơm vào miệng, không nhịn được lẩm bẩm.

Dương Huyền lạnh lùng hất cằm: “Con nít con nôi, biết gì mà thấy!”

Tôi giật mình rụt cổ, cúi đầu ăn hết hạt cơm thừa trong chén.

“Nếu ta đoán chẳng sai, chắc hẳn ông là lính Dương Thành nhỉ?”

Chủ quán không trả lời câu hỏi của chàng, im lặng trong chốc lát rồi đứng dậy.

“Uống trà mãi cũng ngán, để tôi đi lấy rượu ngon mời khách quý.”

Đợi đến khi ông ấy đi vào nhà, tôi lập tức quay đầu truy hỏi người bên cạnh: “Sao ngài biết ông ấy là lính Dương Thành?”

“Linh cảm của ta mách bảo thế đó.” Đây là câu tôi đã nói khi nãy. Dương Huyền thản nhiên sử dụng để đáp trả. Hai mắt chàng như ngẫm ý cười. “Ta chỉ suy đoán, vẫn chưa dám chắc chắn hoàn toàn. Nhưng vừa rồi, ông ấy không hề lắc đầu hay có ý định phủ nhận, vậy suy ra lời của ta là đúng.”

Chàng đặt chén trà xuống bàn, chậm rãi kể: “Ở Châu Dương Thành có một phong tục đã lâu đời, gọi là lễ may áo đón người. Khi chiến tranh kết thúc, người lính trở về quê nhà, họ sẽ chọn một cặp sừng dê hoặc một cặp sừng hươu để treo lên tường.”

“Hai thứ đó có mang ý nghĩa đặc biệt nào không ạ?”

“Nếu chọn sừng dê, tức là họ đang chào đón người trở về. Nếu chọn sừng hươu, tức là họ đang tiễn người đi xa.” Dương Huyền gõ đầu ngón tay lên mặt bàn, thật nhẹ nhàng. “Trong phòng ông ấy có treo một cặp sừng hươu, nhìn đã cũ lắm rồi.”

Dù đã quen biết một khoảng thời gian dài, ông ấy vẫn không nói với tôi về tên họ của mình, cũng như chẳng nhắc đến một chữ về chuyện bản thân từng tòng quân ở Dương Thành. Tôi rầu rĩ thở dài, tự dưng hơi buồn bã trong lòng.

“Không biết có phải do lớn tuổi rồi không mà trí nhớ của ông ấy có vẻ không được tốt. Nếu không nói là lẫn lộn nhiều thứ.” Chàng nói nhỏ bên tai tôi, rằng. “Ta nhớ rất rõ, lệnh triều đình đã ban, giảm thuế xuống ba phần, và thuế năm ngoái còn thấp hơn năm nay, những hai lần.”

Tôi mở to mắt, nghe đến lặng người.

Chủ quán trở ra với hai bình rượu thơm trong tay, miệng kể không ngớt mấy chuyện trên đời dưới đất, từ đầu ngõ lại chạy đến cuối làng. Ông ấy nói, hôm nay phải cùng Dương Huyền cạn chén đến rạng sáng.

Tôi bỗng nhớ đến có mang theo gói bánh nếp Xuân làm. Vậy là liền vào bếp, cắt đôi bánh chia thành ba phần, đặt trong cái đĩa nhỏ, bưng ra cho họ nhắm với rượu ngon.

Ôm ngỗng con vào lòng, tôi bón cho nó vài muỗng rau dại đã vằm nhuyễn.

“Trời ạ, đắng quá. Lưỡi của tôi tê hết cả rồi. Cậu Thanh ăn sao mà hay thế.” Chủ quán hớp vội chén trà, nhăn nhó mặt mày ngay khi vừa nếm thử bánh, như thể thứ ông ấy bỏ vào miệng là vị thuốc đắng nghét nào đó giày vò cổ họng.

Tôi khó hiểu cắn thử một miếng. Vẫn là nhân bánh ngọt đậu xanh quen thuộc tôi thường ăn mà. Đắng đâu mà đắng.

Tôi hỏi Dương Huyền: “Ngài thấy sao ạ?”

“Ta thấy có vị mặn.”

Quái lạ!

Lí nào một cái bánh ăn vào lại nếm ra ba vị khác nhau?Chú thích:

[14] Ăn no dửng mỡ: Sau khi ăn uống đầy đủ lại muốn tìm thú vui không lành mạnh. (Nguồn tham chiếu: Từ điển – Nguyễn Lân)

[15] Cắc củm (phương ngữ): Chắt chiu, dành dụm từng li từng tí, thường nói về tiền bạc. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui