Huyết Sử Võ Lâm

Họ đã đến một khúc quanh hành lang.

Hành lang có lối kiến trúc rất tân kỳ, cực kỳ tinh xảo, vẻ hoa lệ hiện rõ từng nơi, màu sơn phản chiếu dưới ánh dương quang, trông chóa mắt ngay.

Nhưng trái với mọi nơi, trái mọi trang viện khác, hành lang là con đường thông hàng ngày từ chủ đến tớ, con đường hành lang phải được quét dọn tinh khiết, chẳng bao giờ để bụi bám, chẳng bao giờ để rác rến phơi bày. Nơi đây, con đường hành lang trải bụi cát thành một lớp dài, bước chân đi nghiến nghe kèn kẹt.

Du Bội Ngọc đột nhiên dừng chân kêu lên :

- Sát Nhân trang?

Cao lão đầu không quay đầu lại :

- Lạ lắm sao?

Du Bội Ngọc gằn giọng :

- Tại sao lại lấy ba chữ đó đặt tên trang?

Cao lão đầu từ từ giải thích :

- Chỉ vì tại đây, bất cứ ai cũng có thể giết người, cái quyền giết người trong trang viện này không dành đặc biệt cho ai, tất cả đều tự do xử quyền đó! Và những ai lọt vào đây rồi đều có thể giết bất ngờ, giết không cần lý do, ai ai cũng có thể giết, gặp là giết, bất cứ tại nơi nào trong toàn trang viện. Nhất định, kẻ giết người không bị cản trở, nhất định kẻ bị giết không hề được ai cứu thoát!

Lão gằn giọng :

- Do đó, trang mới có tên Sát Nhân trang!

Du Bội Ngọc nhe một luồng điện mạnh truyền khắp người, luồng điện lạnh trở về chiếm ngự tại xương sống của chàng, nơi đó lạnh nhất trong khắp toàn thân.

Xương sống lạnh, giọng chàng cũng lạnh theo, chàng rung rung cảm giác lạnh :

- Tại sao? Tại sao? Tại sao lại giết người?

Lão cao đầu trầm giọng :

- À! Điều đó thì nhất định ngươi không nên tìm hiểu!

Du Bội Ngọc lại hỏi :

- Hồi trước đến nay, không ai chỉ trích ngăn cản hành động bạo tàn, không ai phản kháng?

Cao lão lắc đầu :

- Không! Không! Chẳng có một ai dám làm cái việc nguy hiểm đến mất mạng đó!

Du Bội Ngọc lấy làm lạ :

- Chính chủ nhân cũng chấp nhận vậy?

Cao lão đầu đến lúc đó mới quay đầu lại, lão điểm nụ cười thần bí, lão nhấn từng tiếng một :

- Chẳng bao giờ Trang chủ màng đến những sự kiện như vậy, chỉ vì...

Vừa lúc đó, có tiếng chân người vang lên, từ đầu hành lang kia đi đến.

Cao lão đầu vội nắm tay Du Bội Ngọc kéo tạt vào sau một bức màn che khuất vọng cửa bên cạnh hành lang.

Bước chân nghe rõ dần, bước chân đó đến ngang qua chỗ họ nấp rồi lướt qua.

Du Bội Ngọc đưa mắt nhìn qua khe màn hở, chỉ kịp nhìn lưng hai đạo nhân, nơi lưng mỗi người có một thanh trường kiếm, vỏ kiếm là da trăn nước nhuộm màu xanh, miệng vỏ có cẩn vòng đỏ tua kiếm bằng lụa màu huỳnh, theo bước đi của đạo nhân, tua kiếm rung rinh óng ánh.

Du Bội Ngọc thở ra mấy hơi :

- Không lẽ bất cứ ai cũng được quyền xuôi ngược trong tòa trang viện?

Cao lão đầu từ từ thốt :

- Một kẻ được nung nấu bởi ý muốn giết người, kẻ đó được quyền xuôi ngược tìm người mình giết, kẻ sắp bị giết được quyền lưu tâm dè dặt! Phải! Chỉ có dè dặt là lợi khí duy nhất hữu hiệu ở đây thôi, bởi dù tài giỏi bao nhiêu, vào đây rồi thì phải bị giết, không sớm thì muộn, dè dặt ẩn tránh được lúc nào chậm chết được lúc ấy!

Lão gằn giọng cảnh cáo Du Bội Ngọc :

- Dè dặt! Cẩn thận! Nơi đây dè dặt còn quý hơn hột cơm hằng ngày, cơm thì lúc nào có sẽ ăn, lúc nào không có thì nhịn đến lúc có, chứ kém dè dặt rồi thì nằm trên đống thóc cũng chả ăn được!

Cả hai lại ra khỏi chỗ nấp tiếp tục đi.

Du Bội Ngọc hỏi tiếp :

- Thế ra ở đây, bất cứ trong giờ phút nào, mình cũng có thể bị giết? Thế ra, tại sao lại có nhiều người nối tiếp vào đây? Họ không biết vào đây chẳng khác nào Uổng Tử thành? Trên thế gian này không có nơi nào đủ hấp dẫn cho họ sao? Họ là những con thiêu thân mà tòa trang viện Sát Nhân là một ngọn lửa đỏ?

Cao lão đầu cười nhẹ :

- Không đâu! Không phải họ không biết như vậy! Không phải họ thích đến đây, có điều, họ không còn nơi nào khác để đặt chân, mà cũng có thể có rất nhiều không rõ tình hình trong trang, ngoài ra cũng còn có một số người bị lừa vào tròng, tức nhiên bị lừa đến đây!

Lão nhân đừng lại một chút, tiếp :

- Họ đến đây để giết người! Họ tưởng người mà họ định giết ẩn trốn trong trang viện! Họ còn tìm đâu khác hơn là đến đây? Họ có giết được hay không, việc đó do tài năng của họ, tuy nhiên, vẫn có người đến đây rồi bị giết như thường, trước khi giết được người họ định giết!

Du Bội Ngọc sững sờ, chàng cho rằng mình đang lạc vào thế giới của những kẻ điên.

Chàng trầm ngâm một chút, từ từ buông gọn :

- Lý do! Lý do của những cuộc sát phạt! Lý do nào cũng hợp, lý do nào cũng gượng ép! Nhưng chung quy tất cả cũng đều là lý do!

Có một quyền năng nào khẳng định một lý do là hợp lý? Hay chỉ người tìm ra lý do nhìn nhận là hợp lý? Mâu thuẫn những cuộc tranh hùng, những cuộc thanh toán vì tự ái! Mâu thuẫn của những oan oan tương báo!

Chàng bước tới ngang với Cao lão đầu :

- Nhưng Trang chủ...

Bỗng, một âm thanh dìu dịu vang lên :

- Mẹ! Đã đến rồi đấy!

Du Bội Ngọc ngửng mặt lên nhìn ra, tận đầu hành lang có một lối hoa ẩn hiện, trong lối hoa, có một vọng cửa hé mở, tiếng nói dìu dịu từ bên trong cửa đó vọng ra.

* * * * *

Một đôi mắt đẹp tuyệt vời chiếu sáng bên trong vọng cửa, đôi mắt đó nhìn chậm chạp về phía một già một trẻ đang tiến tới.

Đôi mắt đó bỗng nhiên biến mất.

Cao lão đầu bước tới cánh cửa, khẽ gõ tay vào cánh cửa hỏi :

- Có thể vào gặp phu nhân được chưa?

Một âm thanh nữ nhân đáp :

- Cứ vào!

Màng chỉ thốt hai tiếng, nhưng hai tiếng đó ngang với một câu lệnh có đủ uy quyền sai khiến toàn nhân loại, không phải uy quyền một bạo chúa, nhưng là uy quyền của ma lực hấp dẫn. Không ai cưỡng lại được ma lực đó, thì còn mong gì kháng cự uy quyền?

Cửa phòng đột nhiên mở rộng.

Bên trong phòng, bóng tối mờ mờ. Vầng thái đương đã lên cao, nhưng nới đây, ánh nắng không chiếu đến, vả lại, đêm đã tàn từ lâu, đèn đã tắt, không còn ngọn nào khi bình minh trở lại.

Không rõ tại sao, Du Bội Ngọc thấy con tim hồi hộp lạ thường, chàng cố trấn tĩnh lại tâm thần, từ từ bước vào phòng. Trong bóng tối, có đôi mắt sáng như hai điểm sao nhìn chàng không chớp, đôi mắt vừa đẹp vừa huyền ảo ủ dột, đôi mắt ma hiện ra giữa cảnh âm u.

Phu nhân! Chàng chỉ tưởng là ai! Phu nhân chỉ là bóng u linh vật vờ trong khu vườn vắng dưới cơn mưa chàng đã trông thấy đêm qua.

Du Bội Ngọc hết sức kinh hoàng sửng sốt, chàng nhìn đôi tay phu nhân, đôi bàn tay đẹp trắng xanh một màu không có ánh sáng, đôi bàn tay đó đã siết cổ chàng, khi chàng chập chờn trong cơn mộng nơi căn nhà điêu tàn.

Tự nhiên mồ hôi rịn trán thành hạt lạnh hơn tuyết, mồ hôi rơi từng hạt xuống mặt, chảy dài xuống ngực áo.

Chàng không thể động đậy được, không hiểu vì chàng quá hãi hùng hay vì một ma lực chế ngự chàng trọn vẹn, tuy không nhìn tả nhìn hữu, chàng cũng cảm thấy có ai đó ở gần cạnh mình, và người đứng cạnh chàng đang cười, nụ cười ngọt dịu.

Ai? Chàng mường tượng nhận ra người bên cạnh, chính là nàng tiên đã gặp trong lúc bách bộ nơi vườn đón ánh bình minh.

Cửa phòng đột nhiên đóng lại.

Cửa mở, gian phòng còn tối. Cửa đóng, dĩ nhiên căn phòng phải tối hơn.

Du Bội Ngọc vụt quay đầu nhìn lại, chàng bắt gặp một đôi mắt khác từ phía cửa nhìn chàng.

Tất cả những nữ nhân chàng gặp, đều có ánh mắt nụ cười như nhau, có lúc lạnh lùng như băng giá, có lúc lại ấm dịu như xuân quang.

Chàng tự hỏi, tại sao những nữ nhân ở đây đều có vẻ huyền bí và cũng chính điều đó làm chàng thắc mắc hơn những hiểm nguy mà Cao lão đầu đã cảnh báo chàng. Ngoài bóng u linh trong vườn đêm qua, Du Bội Ngọc đã gặp thêm hai thiếu nữ khác, một Vân Tước cô nương và một nàng chong kiếm sau lưng định hạ sát chàng.

Chàng đã nhận lầm hai nàng, sau cùng tưởng là một, vì hai nàng có hai thái độ :

một ngây thơ một hồn nhiên, một lạnh lùng hiểm độc, chàng lầm vì cả hai giống quá, giống đến cả giọng nói.

Bất giác chàng tỉnh ngộ, có thể họ là tỷ muội đồng bào song sinh.

Mắt đã quen với bóng tối, chàng nhìn trước nhìn sau xem có gì khác lạ chăng?

Hai là đã là những quái tượng rồi, phu nhân lại là quái tượng khác, mà phu nhân là mẹ của hai nàng, thì ra ba mẹ con là quái tượng. Mẹ u linh, con một lạnh lùng tàn khốc, một ngây thơ hồn nhiên.

Sự huyền bí bao trùm quanh trang viện, quanh ba mẹ con phu nhân, khiêu động tánh hiếu kỳ của Du Bội Ngọc. Trong một lúc, chàng quên đi những hiểm nguy đang chực chờ chàng.

Dần dần càng thấy thích thú dâng lên, càng phút càng dâng mạnh, miên man với niền thích thú đó, chàng mường tượng nghe tiếng thở dài của Cao lão đầu bên cạnh chàng.

Lão nhân rỉ bên tai chàng :

- Họ là những con người đáng thương cả...

Đáng thương hại? Những nữ nhân này có gì đáng thương hại?

Phu nhân Trang chủ nhìn chàng một lúc, đột nhiên bật cười hỏi :

- Ở đây tối quá phải chăng?

Một nụ cười trên gương mặt trắng xanh luôn luôn phảng phất một niềm u ẩn, có lẽ còn lạ hơn, bất ngờ hơn một tiếng sét nổ lúc trời quang đãng không gió không mây.

Sự bất ngờ đó làm Du Bội Ngọc hoang mang, chàng không biết đáp thế nào thích ứng với trường hợp, chỉ buông gọn :

- Phải!

Phu nhân tiếp nối với giọng u buồn :

- Ta thích bóng tối, ta rất ghét ánh dương quang, ánh dương là đồng lõa với khoái lạc của người đời. Ta là con người không khoái lạc, ta không phơi mình ra ánh sáng, mãi mãi trầm mình trong bóng tối, sợ ánh dương quang theo dõi đem cái khoái lạc quyến rũ ta.

Không khoái lạc tức nhiên thương tâm, Du Bội Ngọc muốn hỏi :

- Tại sao bà không khoái lạc? Tại sao bà thương tâm?

Câu hỏi đã thành hình trong tâm nhưng không thoát ra khỏi cửa miệng, vì chàng vừa tìm ra được một lời giải đáp, ít nhất cũng nói lên cái lý do trầm mình trong bóng tối của Trang chủ phu nhân.

Nói rằng lý do không đúng hẳn sự thật, bất quá chàng mơ hồ nhận xét, có thể bà ta ấp ủ một ý niềm u uẩn, bà ta muốn giữ mãi bí mật của niềm u uẩn đó nên không muốn tiếp xúc với người đời, bà tự giam mình trong bóng tối, vĩnh viễn trong bóng tối, trong khung cảnh huyền bí âm trầm.và bà quá quen với bóng tối, bà đã quên hết khoái lạc nhân sinh, rồi bà sợ ánh dương quang chiếu rọi phá tan niềm u uẫn quanh bà.

Phu nhân vẫn nhìn chàng không chớp, bà hỏi tiếp :

- Ngươi tên họ chi?

Du Bội Ngọc đáp nhanh :

- Tại hạ họ...

Nhưng Cao lão đầu đằng hắng một tiếng, chàng vội đổi :

- Tại hạ họ Diệp, tên Bội Ngọc!

Trang chủ phu nhân gằn giọng :

- Vậy ngươi không phải họ Du?

Du Bội Ngọc giật mình, thầm nghĩ bà ta đã hiểu rõ lai lịch của mình rồi chăng?

Phu nhân tiếp nối, giọng bà hoi dài nhưng vẫn u buồn xa vắng :

- Vậy càng hay! Ngươi không phải họ Du thì hay lắm rồi! Trước đây, có một gã họ Du sát hại một người rất thân của ta, từ đó, ta rất ghét họ Du, ta có cảm tưởng những người mang họ Du đều bại hoại hung tàn độc ác!

Du Bội Ngọc còn biết nói làm sao? Chàng chỉ ấm ớ cho qua :

- Có lẽ vậy!

Trang chủ phu nhân lại tiếp :

- Ngươi đến trang viện của ta, ta hết sức cao hứng, ta hy vọng ngươi không gấp rời nơi này, bởi ta muốn cùng ngươi đàm đạo trong mấy hôm liền, ta có rất nhiều chuyện muốn tỏ với ngươi!

Du Bội Ngọc ấp úng :

- Đa tạ...

Đột nhiên, thiếu nữ đứng bên cạnh chàng có cái biệt hiệu là Ưng cô nương rút kiếm đâm vào đùi chàng làm chàng đau nhói.

Mũi kiếm đâm vào chỗ hậu đầu gối, chàng đau quá không chịu nổi phải ngã khuỵu xuống hai gối phải quỳ trên nền phòng.

Vừa lúc đó, một bóng người từ bên ngoài chạy nhanh vào phòng. Du Bội Ngọc nhận ra ngay bóng đó chính là Bạch Hạc đạo trưởng phái Côn Lôn.

Du Bội Ngọc kinh hãi, niềm kinh hãi làm chàng quên mất cái đau bị kiếm đâm lủng đùi, chàng gầm xuống cố tránh được phần nào hay phần ấy sự dòm ngó của lão đạo trưởng, sợ lão đạo nhận ra chàng. Đầu chàng cúi, chàng có thể nhìn xuyên nách trông về phía sau.

Chàng lại giật mình khủng khiếp hơn, thấy sau lưng Bạch Đạo trưởng có cả đệ tử phái Điểm Thương.

Cả hai vừa vào trong phòng liền đảo mắt quan sát bốn phía.

Người trong phòng không ai có một phản ứng nào trước sự xuất hiện của họ, chừng như họ không nhìn thấy họ vậy.

Ưng cô nương đâm chàng một mũi kiếm, cảnh cáo chàng cái oai linh của chủ nhân trang viện, mà cũng bắt buộc chàng quỳ xuống nghe lịnh dạy. Nàng tiếp nối :

- Từ nay ngươi phải thi hành theo ý muốn của phu nhân đấy nhé! Phần việc của ngươi là quét dọn trang viện cho sạch sẽ, chểnh mảng trong công việc là chặt đứt đùi ngươi đấy!

Du Bội Ngọc suýt xoa đáp :

- Vâng!

Bạch Hạc đạo nhân nhìn quanh nhưng không thấy chàng đang quỳ trên nền phòng, lão vòng tay hướng lên phu nhân ngồi trên ghế cao trước mắt lão :

- Phu nhân có thấy một gã lạ mặt, tuổi độ hai mươi vào trong phòng này chăng?

Trang chủ phu nhân lạnh lùng :

- Người lạ mặt duy nhất vào trong phòng này chính là đạo nhân đó!

Bạch Hạc đạo nhân không giận vì câu nói móc của phu nhân, tự lẩm bẩm :

- Lạ thật! Lạ thật! Có người trông thấy rõ ràng hắn...

Ưng cô nương đột nhiên lướt tới trước mặt lão, cao giọng hỏi :

- Có người trông thấy rõ ràng? Thế ra mẹ con ta chứa chấp nam nhân?

Bạch Hạc đạo nhân giật mình, vội nở nụ cười xoa dịu :

- Không! Bần đạo không hề có ý tưởng như thế!

Ưng cô nương cười lạnh :

- Một kẻ xuất gia tu đạo, ngang nhiên xâm nhập vào phòng kín của nữ nhân, nếu không có ý gian thì còn có ý gì khác? Chẳng lẽ muốn mượn phòng phụ nữ làm chỗ niệm kinh?

Bạch Hạc đạo nhân không tưởng là thiếu nữ đó lợi hại như thế, thốt những lời xỏ nặng, nhưng toàn là những lời hữu lý cả, thành ra lão không thể tranh biện được, lão miễn cưỡng điểm nụ cười :

- Bần đạo có trình Trang chủ trước khi vào đây...

Ưng cô nương hét lên :

- Được rồi! Muốn giết ai, cứ lục soát tất cả gian phòng trong trang viện này mà tìm người muốn giết, nhưng nhất định ngươi không được bén mảng nơi đây, bởi đây là khuê phòng của phu nhân, ngươi hiểu chứ?

Bạch Hạc đạo nhân gật đầu :

- Hiểu! Hiểu! Rất hiểu!

Lão nghiêng mình làm lễ, đoạn quay mình bước ra khỏi phòng.

Thực ra, lão vốn là một con người tinh tế, minh mẫn nhất nhì trong phái Côn Lôn, sở dĩ lão không làm được gì hơn là vì đối tượng gồm những nữ nhân, lão ngại đạo nghĩa, đành xuôi thuận theo Ưng cô nương để tránh những điều phiền phức.

Toàn thân Du Bội Ngọc sũng ướt mồ hôi, y phục thấm như nhùng nước, khi đạo nhân ra khỏi phòng, chàng mới dám ngẩng đầu lên nhìn Trang chủ phu nhân.

Chàng dám mắt nhìn vào đôi bàn tay trắng xanh của phu nhân, tìm hiểu thái độ của bà.

Chàng chợt hiểu, đôi bàn tay đó, đêm qua vừa bóp quanh yết hầu chàng, không phải ý định sát hại chàng, bàn tay đó nhất định không phải là bàn tay kẻ sát nhân.

Nếu bà có ác ý với chàng, nếu bà muốn tránh tiếng sát nhân thì trước đó bà đã trao chàng cho Bạch Hạc đạo nhân rồi.

Bà không trao, bà còn che chở bằng cách vấn nạn đạo nhân, luôn cả Ưng cô nương cũng đồng ý với mẹ.

Hiểu như thế, chàng nghĩ mình không nên động thủ, dù có phải động thủ cũng chẳng phải trong lúc này, chàng bình tĩnh chờ xem mẹ con bà ta sẽ làm gì kế tiếp.

Trang chủ phu nhân nhìn xuống chàng, hỏi với giọng u buồn xa vắng :

- Ngươi sợ à? Tại sao ngươi phải sợ?

Hỏi để hỏi vậy thôi, chừng như bà không tha thiết hỏi, đã không tha thiết hỏi, tức nhiên cũng không tha thiết nghe chàng đáp. Có lẽ bà ta bị một sự kiện gì ám ảnh từ lâu, ám ảnh mãi bất cứ trong trường hợp nào, giờ phút nào, thành ra, bà ngồi đó đối thoại với chàng chỉ một nửa phần tâm hồn, còn phần nửa kia lại xa vời lạc lõng... Do đó, bà có vẻ lạnh lùng, rồi hai cô con cũng tiêm nhiễm cái lạnh lùng chơi vơi của mẹ. Thành ra, những con người đó có lối sống ngoài thế tục, xa cách nhân loại chứ không phải là siêu nhiên thoát trần.

Du Bội Ngọc ấp ùng :

- Tại hạ... tại hạ...

Trang chủ phu nhân khẽ nở một nụ cười nơi vành môi lạnh :

- Khỏi phải giải thích với ta làm gì! Ta biết! Bất cứ ai vào trong trang viện này cũng đều sợ hãi như ngươi, nhưng không ai bị bắt buộc phải nói cái lý do sợ của mình!

Bà đưa mắt sang Cao lão đầu :

- Ngươi có thể đi được rồi!

Cao lão đầu thốt :

- Nhưng hắn...

Trang chủ phu nhân chận lại :

- Hắn ở lại đây! Ta muốn nói chuyện với hắn!

Cao lão đầu do dự một chút, đoạn nghiêng mình :

- Vâng!

Rồi bước ra khỏi phòng.

Ưng cô nương và Vân Tước cô nương cũng theo lão bước ra ngoài. Chừng như Vân Tước cô nương bật cười khanh khách còn Ưng cô nương thì trầm lặng lạnh lùng muôn thủa.

Cánh cửa đóng lại kêu một tiếng ầm, tiếng vang không lớn lắm song nghe rất rùng rợn, như tiếng vang của cửa ngục, loại ngục lạnh.

Cửa mở, gian phòng còn tối, cửa đóng rồi, bóng tối càn dày dặc hơn.

Không khí trong phòng trở lên uy nghiêm làm sao, mường tượng không khí chốn diêm đình, nơi Thập Diện Minh Vương xử án các hồn ma.

Trang chủ phu nhân vẫn chưa mở miệng. Bà ngồi bất động tại chỗ, đã không nói tiếng gì, bà cũng không nhìn đến chàng nữa, mặc dù bà đã bảo là muốn nói chuyện với chàng, mặc dù tất cả đều lui ra ngoài, nhường im vắng lại cho hai người thuận tiện nói chuyện.

Ngồi bất động như thế một lúc lâu, bà mới đưa mắt nhìn chàng, ánh mắt của bà dán chặt vào chàng như một xạ thủ nhìn cái đích nhắm thế nào cho đúng.

Lạ lùng quá, khi mơ màng thì như không trông thấy chàng, chừng nhìn lại thì nhìn không rớt mắt.

Du Bội Ngọc lặng thinh theo dõi cửa động của bà.

Nhưng bà nhìn mãi làm chàng khó chịu, bất giác chàng buột miệng phá tan im lặng :

- Phu nhân nhìn tại hạ như thế, có ý gì?

Bỗng một tràng cười rộn ràng từ bên ngoài cửa sổ vang lên vọng vào.

Du Bội Ngọc cấp tốc đứng lên bước tới khung cửa, khẽ hé bức màn che nhìn ra ngoài.

Một con mèo lông đen tuyền đang chạy chết, phía sau có một người lùn ôm vận chiếc áo hoa đuổi gắng.

Người đó mặt trắng nhợt, có chòm râu ngắn nhưng hình vóc ốm thấp đến độ trông mường tượng một tiểu đồng vào tuổi mười một mười hai.

Lúc đó, mồ hôi điểm lấm tấm trên mặt y, tóc rối bù, y chạy cách nào không rõ, giày đã sút rớt dọc đường mà y không hay, chỉ còn một chiếc nơi chân.

Trông y đáng buồn cười mà cũng đáng thương hại.

Con mèo thì không thể cười rồi. Mà người đuổi trong tình trạng gấp rút như vậy cũng không thể cười được, thế tràng cười bi đát do ai xuất phát? Người xuất phát ra tràng cười nấp ở đâu?

A!

Sau lưng người ốm, có hơn mười đại hán, cũng y phục hoa sặc sỡ, vừa chạy vừa vỗ tay, có người cười nhặt sỏi đá ném vào con mèo.

Du Bội Ngọc nhìn cảnh đó, bất giác thở dài.

Có tiếng hỏi sau lưng chàng :

- Tại sao ngươi thở dài?

Chàng lại tiếp tục thở dài thêm mấy tiếng nữa, không cần quay lại, không cần quay lại, chàng cũng hiểu là chính phu nhân đang hỏi chàng. Chàng đáp :

- Tại hạ trông thấy người đó tạo trò đùa cho những kẻ kia, thật lòng bất nhẫn!

Trang chủ phu nhân thản nhiên đến lạnh lùng, không biểu lộ một cảm xúc nào cả :

- Người đó chính là trượng phu của ta!

Trời! Trượng phu của phu nhân? Du Bội Ngọc tưởng chừng như mình nghe lầm, trố mắt :

- Người... người... là Trang chủ? Trang chủ?

Chàng mong phu nhân cải chính, nhưng không, phu nhân vẫn điềm nhiên gật đầu :

- Đúng vậy! Người đó là trượng phu của ta! Trang chủ Sát Nhân trang!

Du Bội Ngọc ngây người, bất động, đứng lặng một lúc lâu.

Chàng bất động thân hình nhưng tâm tư chàng dao động mạnh, chàng hiểu, chàng đã hiểu tại sao Cao lão đầu cho rằng những người đàn bà ở đây đều đáng thương hại cả.

Chồng như thế đó, cha như thế đó, bảo sao cả mẹ lẫn con không phải là những kẻ đáng thương?

Rồi chủ như thế đó, bảo sao nơi đây bất cứ ai cũng có quyền sát sanh, tàn sát lẫn nhau? Và sau cùng, cái tên Sát Nhân trang không còn là một sự lạ đối với chàng nữa.

Nếu có lạ chăng, sự lạ đã khởi từ ban sơ, bằng con người quá lạ lùng của Trang chủ, rồi cái lạ đó nảy sinh cái lạ khác, tù cái lạ này đi tới cái lạ khác, người ở đây đã quá quen với cái lạ rồi, tự nhiên họ không còn cho là lạ nữa; chỉ có chàng, nhưng chỉ một sớm một chiều thôi, chàng lại hết lạ như họ.

Sát Nhân trang chủ là con người dưới cờ ngũ đoản, dáng dấp quá khôi hài, đáng thương hại vô cùng; có tiền nhân, có nghiệp quả gì chăng, tạo hóa lại ban cho Trang chủ một hình hài như thế?

Bất cứ ai đến đây cũng có thể đùa cợt lão, xem lão như một hi cụ, muốn đùa lúc nào cũng được, không đùa với lão thì làm bất cứ việc gì tùy thích, chẳng ai ngăn cản.

Trang chủ phu nhân trở về chiếc ghế, ngồi xuống, ngồi xong lại nhìn chàng, lại không thốt một tiếng nào, về Trang chủ hoặc về câu chuyện bà định nói với chàng.

Du Bội Ngọc cũng không hỏi bà tiếng gì. Hiện tại, chàng không còn thắc mắc điều gì nữa. Chàng đã hiểu rất nhiều về Sát Nhân trang, bất quá chàng chỉ biết thêm lai lịch của những người ở đây thôi. Hiểu được lai lịch của họ, chàng có thể ước đoán chủ trương của họ.

Ít nhất cũng phải có một chủ trương gì cho nên họ mới cam chịu một lối sống bất bình thường như thế này, nhất là Trang chủ phu nhân, xem ra bà ta có niềm gì u ẩn, ôm ấp từ lâu lắm rồi...

Do bẩm tánh thiên sanh, Du Bội Ngọc rất đồng tình với nữ nhân trong nhiều khía cạnh, về cảm nghĩ cũng như về sự giao tế. Do đó, chàng rất nhẹ lòng, có thể tha thứ được tội lỗi của kẻ khác gây nên đối với chàng.

Hiện tại, chàng không còn ác cảm đối với mẹ con Trang chủ phu nhân, còn như chàng có thiện cảm hay chưa, chàng cũng chẳng cần biết đến, có điều, chàng đã bắt đầu thương hại họ, đúng như lão đánh xe đã than thở với chàng.

Không rõ từ lúc nào, một chiếc bàn đã được kê bên cửa, dĩ nhiên là ở bên trong phòng, trên bàn có bày sẵn thức ăn. Trang chủ phu nhân không ăn, Du Bội Ngọc cứ một mình thản nhiên xơi đầy dạ dày, không một điểm khách sáo.

Lòng người cứ nghĩ sao cũng được, nghĩ theo sở thiên sở liệu của mình, thời gian cứ trôi qua, trôi mãi, ngày lên ngày xuống, ngày hết đêm lại về.

Gian phòng đã tối lúc ngày nên càng tối hơn lúc ngày xuống và bóng tối dày như biến thành vật hữu thể lúc đêm về.

Trang chủ phu nhân vẫn trầm mặc như nhà tu nhập định muôn đời, chừng như bà xem nơi đây là phần mộ của bà; sống, bà vẫn trầm mặc nơi đây, chết, bà vẫn chết tại đây, an táng tại nơi đây, có lẽ nơi đây đã gây nhiều kỷ niệm buồn thương cũng như vui thích trong quãng đời dĩ vãng của bà. Bà không đành rời đi, bà không muốn gây tiếng động, sợ tiếng động làm tan vỡ những kỷ niệm xa xưa...

Du Bội Ngọc thầm hỏi :

- Tại sao bà nhìn ta như thế?

Dù chàng thương hại bà, chàng cũng không khỏi cho thái độ của bà rất kỳ quái.

Thái độ đó rất mập mờ, đành rằng không thù nhưng chẳng có gì tỏ ra là thân.

Qua thái độ mập mờ, bà có thầm ý gì đối với chàng? Mà sẽ dành một ngạc nhiên, một bất ngờ nào cho chàng? Thuận tiện hay bất lợi cho chàng?

Đột nhiên, bà đứng lên, với giọng u buồn muôn thủa, bà thốt :

- Đêm đã xuống rồi, ngươi có thể cùng ta đi một vòng bên ngoài chăng?

* * * * *

Khu viên này rộng qua, trồng rất nhiều cây, cây lại có tàn cao, do đó, muốn bảo khu viên này là một cánh rừng cũng không sai sự thật lắm.

Nơi nào cây rậm thì tán rậm, nơi nào thưa cây thì hoa nở cỏ mọc, hoa sặc sỡ muôn màu, chen lẫn những hàng cỏ xanh mượt. Trận mưa đêm qua đã mang lại tươi dịu cho cỏ cây, nếu lòng yên tịnh, cuộc bách bộ trong khung cành này thích hợp biết bao.

Nhưng Trang chủ phu nhân và Du Bội Ngọc vòng quanh khu viên nào có phải cùng làm cuộc bách bộ thưởng nhàn, nhất là khung cảnh về đêm.

Bị những phát giác của đêm trước ám ảnh, hiện tai Du Bội Ngọc tường chừng như ở mỗi loại cây, mỗi khóm hoa có những con mặt quỷ ma nhìn trộm chàng, theo dõi chàng.

Không khí lạnh, tiếng sỏi đá vang lên theo bước chân rờn rợn, sự vắng vẻ im lìm xung quanh, tất cả làm cho Du Bội Ngọc ùng mình từng cơn, từng cơn.

Chàng đi trước, Trang chủ phu nhân đi sau, cả hai im lặng, từ từ di chuyển như hai cái bóng ma lướt đi, u linh, phiêu phưởng. Vầng trăng đã lên, buông ánh sáng rọi bóng phu nhân trải dài trên lối sỏi đá, bóng theo hình tiến tới, thỉnh thoảng có một vài tiếng chim đêm kêu nhẹ trên cành.

Du Bội Ngọc đi một lúc, ngẩng mặt nhìn xa xa thấy tòa nhà màu tro, kiến trúc trong một khu có cây cao tàng rộng, tòa nhà hoang lạnh vô cùng.

Nơi tòa nhà đó không có một ánh đèn. Lạ lùng hơn nữa là tòa nhà to lớn như thế lại không có một vọng cửa sổ nào cả, chỉ có một khung cửa ra vào bằng sắt nhưng đã hoen rỉ, có lẽ từ lâu lắm không có bàn tay người sờ đến.

Một tòa nhà bỏ hoang trong một khu vườn đầy huyền bí tạo cho con người cái cảm giác đang chơi với chốn thiên đình, lạc lõng đến một tòa âm cung đầy mùi tử khí.

Du Bội Ngọc vừa sợ hãi vừa lấy làm lạ. Tánh hiếu kỳ át cả niềm sợ hãi, chàng bước tới.

Nhưng Trang chủ phu nhân gọi lại :

- Đừng đi tới đó! Không được đâu!

Giọng nói nhu hòa của bà đã biến thành hấp tấp kinh hoàng.Du Bội Ngọc giật mình dừng chân, quay người lại hỏi :

- Tại sao lại không nên đến đó?

Phu nhân thấp giọng :

- Kẻ nào bén mảng đến gần tòa nhà đó phải chết ngay!

Du Bội Ngọc càng sợ hãi hơn :

- Nhưng... nhưng tại sao thế?

Đột nhiên, Trang chủ phu nhân điểm nụ cười huyền bí, từ từ thốt :

- Tòa nhà đó chỉ chứa toàn người chết, ai bén mảng đến gần, họ sẽ lôi kéo vào làm kẻ bầu bạn với họ!

Du Bội Ngọc xanh mặt :

- Người chết! Người chết rồi còn lôi kéo được ai? Họ thành quỷ cả rồi sao?

Trang chủ phu nhân đưa ánh mắt nhìn xa xa, từ từ tiếp nói, giọng trầm trầm, thần thái mơ màng :

- Nơi đó là phần của họ chồng nhà ta! Tổ tiên họ Cơ được mai táng trong tòa nhà ấy, tổ tiên họ Cơ đều mắc chứng điên. Sống, họ là những người điên, chết, họ vẫn điên, những con quỷ điên! Ngươi nói đúng! Họ là những con quỷ!

Du Bội Ngọc rợn óc khắp người, mồ hôi lạnh rỉ ướt lòng bàn tay.

Trang chủ phu nhân cũng cảm thấy lạnh ở hai bàn tay, bà đưa Du Bội Ngọc vào một lối rẽ, chuyển sang hướng khác.

Tay bà lạnh quá, lạnh như sắt dầm sương đêm.

Du Bội Ngọc không còn tự chủ được nữa, để mặc bà đưa đi hướng nào tùy ý.

Đi một lúc, chàng trông thấy trước mặt chàng có một tòa lương đình hình bát giác. Đến tòa lương đình, bước lên bốn bậc thềm, nhìn vào trong, bỗng chàng lại thấy một miệng giếng.

Phu nhân đưa tay chỉ miệng giếng :

- Giếng có lạ lắm không?

Bà mơ màng thốt như thốt với chính mình, thần thái của bà xa vắng quá, chừng như tâm thần bà để tận đâu đâu.

Du Bội Ngọc không hiểu, vội hỏi :

- Lạ ở chỗ nào?

Cơ phu nhân đáp :

- Giếng đó có tên là Ma Cảnh, một cái gương ma!

Du Bội Ngọc trố mắt :

- Tại sao gọi là Ma Cảnh?

Cơ phu nhân giải thích :

- Nghe nói, giếng đó có thể dẫn cho người ta biết được việc vị lai, những đêm trăng sáng, ngươi cứ đứng canh ở miệng giếng, hình ảnh nào hiện ra ở mặt giếng tức là hình ảnh tương lai của ngươi, những việc gì ngươi sẽ làm trong những ngày sắp đến đều hiện rõ.

Du Bội Ngọc lắc đầu :

- Tại hạ không hiểu nổi!

Cơ phu nhân tiếp nối :

- Có gì không hiểu đâu? Giả sử có người đứng tại miệng giếng mà người đó không cười, nhưng hình ảnh người đó lại cười, điều đó có nghĩa là người đó có một cuộc đời toàn gặp dịp may. Có người đứng bên giếng, không khóc, nhưng hình ảnh trong giếng lại khóc, như vậy người đó sẽ gặp tai nạn tang tóc, một đời khốn khổ sầu thương. Giếng không phản ánh những gì hiện tại, nên không chiếu rõ hình ảnh hiện tại của con người khi đứng bên cạnh. Vì nó phản ảnh tương lai, nên hình ảnh trong đó khác biệt hình ảnh hiện tại. Ngươi hiểu rồi chứ?

Du Bội Ngọc kinh dị :

- Lại có việc ấy à?

Cơ phu nhân lại tiếp :

- Có người soi mình trong giếng, chẳng thấy hình ảnh gì cả, chỉ mờ mờ ánh máu, người đó không bao lâu sẽ gặp cái hoạ diệt thân.

Du Bội Ngọc sửng sốt, nhưng chàng không tin lắm, chàng nhìn phu nhân lắc đầu :

- Dù đúng sự thật như vậy, dù lời nói của phu nhân đáng tin lắm, song tại hạ vẫn hoài nghi!

Cơ phu nhân mỉm cười :

- Ngươi không tin? Tại sao ngươi không thử chiếu mình vào đó một lần xem quả có đúng như vậy chăng?

Du Bội Ngọc ấp úng :

- Tại... hạ... tại hạ... không tưởng...

Lòng chàng thì không muốn chiếu mình vào giếng, nhưng miệng giếng có cái ma lực gì khá mạnh, cứ hấp dẫn chàng mãi, chàng nhìn miệng giếng không chớp mắt, cuối cùng, chàng không dằn được sự ham muốn được nữa, chàng bước tới cạnh giếng, thò đầu xuống nước.

Không thấy nước đã đành, chàng cũng chẳng thấy hình ảnh nào hiện ra như Cơ phu nhân đã bảo.

Chàng cúi thấp hơn, nhìn kỹ hơn.

Bỗng Cơ phu nhân kêu lên thất thanh :

- Máu...! Máu...

Du Bội Ngọc hết sức hãi hùng, càng cúi thấp đầu hơn, chàng cố nhìn kỹ xem có gì hiện ra mà Cơ phu nhân lại cho là máu.

Quanh miệng giếng một vòng lan can làm điểm tựa cho những người đứng cạnh giếng nhìn xuống. Lúc đó, Du Bội Ngọc vì cố gắng cúi thấp, cố gắng nhìn lòng giếng, quên đi sức ép của mình, chàng ép thế nào, vòng lan can kêu rắc một tiếng đoạn gỗ trước ngực chàng gãy lìa.

Mất điểm tựa, chàng rơi xuống giếng liền.

Cơ phu nhân đưa tay che mặt, kêu lên thất thanh :

- Máu! Máu! Gương ma! Giếng ma!

Rồi bà phóng chân chạy như bay trở lại.

* * * * *

Lúc bà quay mình chạy đi, từ lòng giếng có tiếng bịch vang lên.

Tiếng bịch đó chính là tiếng chạm thân hình Du Bội Ngọc xuống đáy giếng, không rõ chạm vào vật gì chắc chắn khôn phải là nước, bởi rơi xuống nước thì phải kêu tùm hoặc bỏm tùy theo độ nhẹ hay nặng, giếng sâu hay cạn.

May mắn cho chàng, lòng giếng tuy không có nước nhưng có một lượt cỏ xanh tươi, lớp cỏ đó hứng trọn chàng, thành ra chàng không đau đớn gì cả.

Tuy nhiên, chàng vì quá hãi hùng, chàng bất tỉnh một lúc, lâu lắm chàng mới hoàn hồn.

Dù không đến độ nào, Du Bội Ngọc cũng phải một phen kinh khiếp.

- Tại sao bà ta có ý hại mình?

Rồi chàng tự trách :

- Chỉ tại mình, mình tin người thì phải chịu khổ chứ còn oán hờn ai?

Nhưng một nghi vấn chợt chen lên :

- Bà có hại mình chăng? Nếu không hại mình là phải tìm cách cứu mình, đưa mình lên khỏi lòng giếng chứ? Sao bà không cứu mình?

Chàng lại biện hộ cho Trang chủ phu nhân :

- Bà ta yếu đuối quá, có lẽ thấy mình rơi xuống, bà chết khiếp đi được thì làm gì còn đủ bình tĩnh để nhớ đến việc cứu mình?

Những ý niệm cứ giao chuyển hiện nơi tâm tư chàng. Sau cùng, chàng không rõ là nên trách mình hay trách người.

Chàng thầm nhủ :

- Mạng vận của ta là thế, luôn luôn gặp toàn những điều bất hạnh, đại bất hạnh!

Người ta gặp điều bất hạnh, có nhiều lắm cũng chỉ một vài lần trong đời là cùng, một vài lần bất hạnh cũng đủ làm cho đời thất điên thất đảo, còn chàng, bất hạnh đến với chàng dường như thường xuyên, có thể bảo là không ngày nào gián đoạn, có khi trong một ngày, bất hạnh đến với chàng mấy lượt!

Trời! Một kiếp sống như thế còn gì thú vị?

Huống chi chàng còn trẻ tuổi, chuỗi ngày còn dài, trong chuỗi ngày đó, chàng sẽ gặp bất hạnh nữa? Chuỗi ngày đi với chuỗi ngày bất hạnh, chuỗi nào dài hơn?

Đáy giếng rộng, từ giữa đáy giếng, chàng đưa tay quờ quạng xung quanh, không đụng vách. Vách giếng tự nhiên phải dày, lại trơn trượt, rêu xanh bám từng lớp từng lớp, rêu xanh cũng dày. Dù chàng có sử dụng được pháp Bích Hổ Du Tường, cũng không hi vọng gì bám vào vách giếng bò lên.

Nếu là ai khác, chắc lúc đó phải la lên cầu cứu, nhưng chàng làm gì dám gây tiếng động? Nếu không có Trang chủ phu nhân đưa đường, chàng không bao giờ có cái hứng bách bộ trong khu viên, hiện tại, vắng mặt phu nhân, chàng còn phải tránh gây tiếng động hơn bao giờ hết.

Nơi đây, ai cũng có thể là sát nhân, chàng chưa muốn chết, tất phải im lặng.

Nhưng muốn sống, chàng phải ra khỏi giếng, chàng làm thế nào để ra khỏi lòng giếng?

Chàng nghe ươn ướt nơi chân, nơi chỗ chàng ngồi, thì ra lớp cỏ vàng lần lần lún xuống, đáy giếng có nước.

Nước bắt đầu thấm ướt y phục chàng.

Nước đáy giếng tự nhiên phải lạnh. Thoạt đầu, chàng nhe rờn rợn, dần dần chàng run run vì lạnh, đến lúc lạnh quá, chàng nghe cong người, nửa phần dưới đã tê dại, chững như máu không còn lưu thông qua phần đó.

Nếu tình cảnh này cứ kéo dài mãi, chàng phải cóng lạnh mà chết.

Thế là hết!

Bất giác chàng kêu lên :

- Trời! Đời ta phải tàn tạ như thế này sao? Định mệnh dành cho ta một kết cuộc như thế này sao?

Chàng không dám nghĩ xa hơn, chàng không dám nghĩ lâu hơn, càng nghĩ càng uất ức, bối rối nóng nảy, chung quy cũng chẳng có biện pháp nào tự cứu.

Ngẩng mặt nhìn lên miệng giếng, chẳng thấy gì cả ngoài ánh sáng mờ mờ, chàng ức độ lòng giếng hẳn sâu lắm nhưng chàng không rõ là sâu bao nhiêu trượng.

Nhưng chàng bỗng giật mình...

Có tiếng chim đâu đây vọng đến tai chàng. Tiếng chim hót ban đêm là một việc lạ rồi. Tiếng chim lại vọng xuống đáy giếng sâu, lại thêm một sự lạ nữa.

Có tiếng chim là có cứu tinh! Linh tính báo cho chàng như thế! Chàng hy vọng trở lại.

Lập tức chàng nhái tiếng chim, líu lo hót, ngửa mặt lên mà hót, cho tiếng hót vút lên cao.

Bên trên, tiếng chim đáp lại, rồi chừng như có đôi mắt hiện ra nơi miệng giếng, kế tiếp có giọng nói vọng xuống :

- Ai rơi dưới đáy giếng đấy?

Du Bội Ngọc mừng rỡ gọi to :

- Vân Tước cô nương!

Bên trên có tiếng rú lên thất thanh :

- Ngươi! Ngươi rơi xuống đây?

Rồi nàng tiếp :

- Biết lắm mà! Ngươi chứ đâu phải chim! Nghe tiếng chim từ đáy giếng vọng lên, ta biết ngay tiếng người nhái theo, nhái quá dở, thành không có nghĩa gì cả, ta chẳng hiểu gì cả! Ngươi không làm chim, tại sao ngươi lại nhái tiếng chim kêu?

Du Bội Ngọc cười khổ :

- Tại hạ muốn trở thành chim!

Vân Tước cô nương chớp chớp mắt :

- Ngươi không làm chim, ta lại thích nói chuyện với chim, ta đi đây!

Nàng ngẩng đầu lên định bước đi.

Du Bội Ngọc hấp tấp gọi :

- Cô nương! Tại hạ rơi xuống giếng, cô nương đành bỏ đi không cứu sao?

Vân Tước cô nương lại thò đầu xuống giếng, cười hì hì :

- Tại sao ta phải cứu ngươi?

Du Bội Ngọc ấp úng :

- Chỉ vì... chỉ vì...

Không cần tìm một lý do quan trọng, chàng cũng có thể đáp câu hỏi của Vân Tước cô nương một cách dễ dàng, nhưng lúc đó chàng ấp úng mãi.

Vân Tước vỗ tay cười to :

- Ta biết rồi! Ngươi không có một lý do nào yêu cầu ta cứu ngươi!... Ta đi nhé!...

Và nàng bỏ đi thật sự.

Du Bội Ngọc sửng sốt, ngây người ra, dở cười dở khóc, hận mình kém phản ứng đến độ một vấn đề hết sức đơn giản như thế lại không nghĩ ra được lý do, dù một lý do vu vơ... chàng muốn tát mạnh vào má mình mấy cái, rồi chàng cũng hận luôn nàng, người ta gọi mình cứu, nếu mình có lòng nhân đạo, cứu người ta, bằng không thì thôi, tại sao lại còn hỏi lý do gì phải cứu người ta?

Vô lý! Chàng vô lý luôn, do sự vô lý của cả hai, chàng vẫn phải ở dưới giếng.

Chàng tự hỏi :

- Người nhà họ Cơ toàn là những kẻ điên hết cả sao?

Du Bội Ngọc khổ sở quá! Hiện tại, toàn thân chàng tê dại, chỉ còn tâm tưởng là không ảnh hưởng gì. Chàng là một pho tượng gỗ, do kẻ nào đó đặt vào đó một bộ óc, có và thân không có liên quan mảy may, có tưởng cứ tưởng, thân không tùy óc cử động như lúc nào.

Đột nhiên một đường dây từ trên miệng giếng thòng xuống.

Chàng cố cử động đôi tay, nắm lấy đường dây nhưng một ý niệm thoáng hiện trong tâm tư, chàng ngẩng đầu nhìn lên miệng giếng, chẳng thấy một bóng người nào cả.

Cất giọng khàn khàn, chàng hỏi :

- Ai? Ai đấy? Ai đến cứu tại hạ đấy?

Không một tiếng đáp.

Không ai đáp, Du Bội Ngọc còn nhận định là ai qua âm thanh? Nếu là trong phái Côn Lôn hoặc trong phái Điểm Thương thì sao?

Hoặc giả một nhân vật nào đó trong ác đảng? Họ thòng dây xuống cho chàng đeo, họ kéo chàng lên để họ hạ sát chàng?

Đường dây thòng xuống song dây bất động, chàng đã nắm chắt rồi, chẳng thấy ai kéo lên cả. Chàng lại cố vận dụng công lực, chuyền tay phăng dần lên, vì tay chân tê cứng, chàng làm cái việc đó hết sức khó khăn, càng lên cao càng sợ hãi, nếu lỏng tay một chút, chàng sẽ rơi trở lại đáy giếng. Hay dở chừng đường dây đứt, chẳng những toi công lại còn đau đớn.

Nắm đường dây phăng lên, Du Bội Ngọc nghĩ là mình làm một việc quá liều.

Giả sử, ở bên trên miệng giếng, có những người chàng dự đoán đón chờ chàng, như vậy là chàng tự nạp mình cho chúng.

Nhưng chàng nghĩ, thà chết như vậy còn thú hơn, bởi được chết trong một khung cảnh thoáng đãng hơn, chứ chết tại đáy giếng chật hẹp, tù túng quá, hồn oan của chàng không được thoải mái.

Vả lại, chỉ có phương pháp duy nhất đó giúp chàng cầu may. Vạn nhất người bên trên không thuộc vào phái có ác cảm với chàng, chàng sẽ được thoát nạn.

Từ đáy giếng phăng dần lên trên, Du Bội Ngọc có cảm tưởng con đường đó là con đường dài nhất, dái hơn tất ca đường chàng trải qua từ ngay rời trang viện dấn thân vào kiếp sống giang hồ.

Nhưng, đường dài đến đâu, chung quy cũng đến đoạn cuối.

Khi chàng đã lên đến miệng giếng, ngày đã bắt đầu, ánh bình minh bừng chiếu nới phương đông, sương mai hôm nay không dày lắm.

Thì ra, chàng đã ở dưới đáy giếng suốt đêm, vì quá lo nghĩ, chàng quên mất ý thức thời gian, cứ tưởng là đêm chưa tàn.

Tòa lương đình, nơi có lòng giếng, phơi hình lồ lộ huy hoàng, tráng lệ dưới ánh dương quang, ánh sáng ban mai đã đẹp, niềm vui sống lại sau cái chết làm cho Du Bội Ngọc phấn khởi tinh thần vô cùng, tinh thần phấn khỏi cộng với cảnh đẹp tời bình minh, tạo cho chàng một khoái cảm mênh mang, chàng cảm thấy yêu dời vô cùng.

Trong phút giây, chàng quên mất là mình đang ở trong vùng tử địa.

Vẫn như đêm rồi, vẫn như ngày qua, không có một bóng người thấp thoáng trong huê viên, đường dây được thòng xuống cho chàng bám lấy phăng lên, được cột một đầu vào chiếc trụ tòa lương đình. Như thế tức nhiên phải có người cứu chàng, người cứu chàng cột đầu dây xong, quăng đầu kia xuống cho chàng rồi lẻn mất. Người đó là ai?

Tại sao người đó ẩn mặt? Tại sao người đó cứu chàng? Thân hay thù?

Bao nhiêu giả thuyết hiện ra trong tâm tư, giả thuyết nào cũng mơ hồ, cuối cùng chàng gạt bỏ tất cả để giữ lại sự kinh hãi và niềm nghi ngờ.

Chàng bước xuống từ bậc thềm, định trở lại tòa nhà điêu tàn của lão nhân, đột nhiên có tiếng đằng hắng vang lên phía sau lưng chàng.

Chàng quay đầu nhìn lại.

Nàng! Chính nàng! Nàng đứng tựa vào mình lan can, nàng vốn đẹp với suối tóc dài óng ánh, dưới ánh dương quang, suối tóc đen ngời đen ngời nắng sớm trông như có mạ vàng. Một con chim nhỏ sắc lông vàng, đứng trong lòng bàn tay chàng. Nàng nhìn chim, chim líu lo, mường tượng chim va người đang đàm thoại.

Du Bội Ngọc mừng rỡ vô cùng, bước trở lại, điểm một nụ cười, kêu lên :

- Cô nương! Cô nương! Cô nương cứu tại hạ?

Vân Tước cô nương cười nhẹ :

- Chính y kêu ta kéo ngươi lên đấy!

Người? Ai?

Du Bội Ngọc trố mắt :

- Cô nương nói ai?

Vân Tước cô nương đưa tay vuốt nhẹ lên mình con chim, dịu giọng thốt :

- Tiểu muội! Ngươi nói hắn là một con người tốt, ngươi nói hắn không có cánh như ngươi, ngươi muốn có một kẻ nào đó cứu hắn lên khỏi giếng, có phải vậy chăng?

Nhưng hiện tại thì hắn không buông một tiếng tạ ơn ngươi!

Trời! Nàng nói chuyện với chim! Cái người chàng đề cập lại chính là con chim trong tay nàng.

Nàng có điên không?

Con chim lại líu tíu lên, nó có vẻ hài lòng lắm!

Du Bội Ngọc ngây người, chàng ngây còn hơn cả lúc chàng cóng lại ở dưới đáy giếng. Chàng nhìn sững thiếu nữ, tìm hiểu nàng hơn. Rất có thể nàng thông minh mới phát ngôn bóng gió ảo ảo huyền huyền như vậy, mà cũng có thể nàng điên! Nàng phải ở một trong hai thái cực đó, nhất định không thế ở lững lờ nửa khôn nửa dại như khối óc nửa mùa!

Chàng hỏi một câu :

- Cô nương hiểu được tiếng chim?

Đột nhiên, Vân Tước chạy đi, nhắm phía trước mặt mà chạy, chừng như nàng phẫn hận, không muốn ở lại trông thấy chàng, nghe chàng nói. Nàng vừa chạy, vừa gằn giọng thốt vọng lại :

- Ngươi cũng như những kẻ khác, không tin à?

Nàng chậm chân lại, Du Bội Ngọc dĩ nhiên chạy theo nàng.

Chàng đáp nhanh :

- Tin chứ! Tại hạ tin cô nương! Nhưng tại hạ lấy làm lạ việc cô nương học được tiếng chim!

Nàng bật cười :

- Ta có cần học đâu! Ta chỉ nhìn chúng há mỏ, liu líu nhau, ta làm được như chúng ngay!

Ánh mắt nàng bừng sáng dị thường như lòng nàng đang ngập tràn một niềm vui vô biên vô tận.

Dù nói thế, có bao giờ Du Bội Ngọc lại tin được nàng? Chàng hỏi :

- Chúng có vui vẻ chăng?

Nàng không do dự, có lẽ nàng rất thích thú khi đề cập đến loài chim :

- Có con vui sướng, có con không, có lúc chúng vui, có lúc không... nghĩa là tùy con, tùy lúc...dù vậy, chim vẫn vui sướng hơn con những con người ngu xuẩn.

Nàng chợt cưới khoái trá, tiếp nối :

- Đúng! Đúng! Loài người làm sao sánh được với loài chim? Chim có bao giờ làm khổ cho nhau đâu? Loài người quá ngu xuẩn, tự làm khổ lấy mình, lại còn làm khổ cho đồng loại! Loài người là loài ngu xuẩn nhất trong muôn loài!

Du Bội Ngọc thở dài :

- Phải! Cô nương lập luận rất xác thực!

Vân Tước mỉm cười :

- Ngươi biết vậy là khá lắm lắm! Đáng lẽ người nên...

Con chim trong tay nàng vụt kêu một tiếng bay bổng lên không.

Nàng biến sắc mặt. Du Bội Ngọc kinh dị hỏi :

- Cô nương...

Vân Tước khoát tay, ngăn chận chàng nói, quay người lại chay đi nơi khác, như một con thú bị thương chạy trốn thợ săn.

Du Bội Ngọc trố mắt, không hiểu nàng có ý tứ gì.

Chợt, chàng nghe một âm thanh hết sức kỳ quái vang lên từ bụi cây bên tả vọng lại.

Chàng lắng nghe.

Thì ra, tiếng cuốc thuổng chạm vào đất, có người đang đào đất. Chàng kinh ngạc hơn, thầm hỏi :

- Họ đào hố chôn ai? Chôn sống hay chết?

Du Bội Ngọc dè dặt bước đến gần, nấp sau một thân cây nhìn.

Một người có thân hình nhỏ, thấp, đang đào đất. Người đó mặc chiếc áo hoa, hoa nào hoa nấy to lớn vô cùng, đôi tay nhỏ nhắn như đôi tay trẻ nít.

Người đó chính là Trang chủ Sát Nhân trang.

Bên cạnh Trang chủ có xác một con mèo, máu bê bết, da thịt bầy hầy.

Trang chủ đào huyệt chôn xác con mèo.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui