Chương 3
Lúc tôi thức giấc, trời đã sắp rạng đông. Tôi kéo rèm cửa xe, nhìn ra ngoài. Hẳn là vừa mới tạnh mưa vì mọi cái vẫn còn ướt và nhỏ giọt. Những đám mây đằng Đông sắc cạnh in trên nền trời, mỗi đám đều đóng khung trong ánh sáng. Bầu trời phút trước nom u ám dữ tợn, phút sau đã sáng tươi mời mọc. Tất cả là tùy góc nhìn.
Chiếc xe buýt bon bon trên xa lộ với một tốc độ cố định, bánh lốp nghiến rào rạt, không lúc nào rộ to lên hay nhỏ bặt đi. Cả động cơ cũng vậy, tiếng ro ro đơn điệu của nó nghe như một cái cối đang nghiền nhuyễn thời gian cùng ý thức của những người trên xe. Các hành khách khác đều ngả người trên ghế, ngủ lịm, rèm cửa kéo kín. ỉ có người lái và tôi thức giấc. Chìm trong giấc ngủ, mọi người tin cẩn phó mặc cho chiếc xe chở mình tới đích.
Cảm thấy khát, tôi lấy một chai nước khoáng từ một túi ba lô ra và uống một chút nước âm ấm. Cũng từ túi ấy tôi lấy ra một hộp bánh xô-đa giòn, nhai mấy chiếc, nhấm nháp cái vị khô quen thuộc. Theo đồng hồ của tôi, lúc này là 4 giờ 33 phút. Tôi xem lại ngày tháng cho chắc ăn. Mười ba tiếng đồng hồ đã trôi qua từ lúc tôi rời khỏi nhà. Thời gian đã không nhảy vọt về phía trước nhanh quá mức, cũng chẳng bất ngờ quay ngược lại. Vẫn chưa qua sinh nhật của tôi, song đã là ngày mở đầu cuộc đời mới toanh của tôi. Tôi nhắm mắt, rồi lại mở ra, một lần nữa kiểm tra lại ngày tháng trên đồng hồ. Rồi bật đèn đọc[3] , lấy ra một cuốn sách bìa mềm và bắt đầu đọc.
Đúng năm giờ sáng, không báo trước, chiếc xe buýt rời khỏi xa lộ và dừng lại ở góc một bãi nghỉ ven đường. Cửa trước mở ra với một tiếng như xì hơi, đèn trong xe nhấp nháy bật lên và người lái thông báo ngắn gọn: "Xin chào tất cả. Hy vọng quý khách đã nghỉ ngơi tốt. Xe chúng ta chạy đúng thời gian quy định và khoảng một tiếng nữa sẽ tới bến cuối ở Takamatsu. Nhưng chúng ta dừng ở đây nghỉ hai mươi phút. Năm rưỡi lại đi tiếp, vậy xin quý khách đảm bảo trở về xe vào quãng ấy."
Lời thông báo đánh thức hầu hết các hành khách và họ lặng lẽ đứng lên một cách chật vật, vừa ngáp vừa loạng choạng ra khỏi xe. Đây là nơi người ta chỉnh trang lại cho đàng hoàng trước khi tới Takamatsu. Tôi cũng xuống xe, hít thở vài hơi thật sâu và làm mấy động tác vươn duỗi đơn giản trong không khí ban mai tươi mát. Tôi đi tới phòng vệ sinh nam, vã chút nước vào mặt. Tôi tự hỏi không biết mình đang ở chỗ quái nào. Tôi ra ngoài và nhìn quanh. Chẳng có gì đặc biệt, chỉ là cái quang cảnh ven đường tường thấy gần một xa lộ. Có thể chỉ do tôi tưởng tượng, nhưng hình thù những quả đồi và màu sắc cây cối dường như không giống ở Tokyo.
Tôi đang ngồi trong cafeteria[4] nhấm nháp trà nóng thì cô gái đó đến, ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa cạnh tôi. Tay phải cô cầm một cốc giấy đựng cà phê nóng bốc hơi vừa mua từ máy bán hàng tự động, tay trái cầm một cặp xăng-uých vẻ như cũng mua từ máy bán hàng tự động.
Trông cô ta ngồ ngộ thế nào ấy: diện mạo không cân đối - trán rộng, mũi tròn nhỏ xíu, má lấm tấm tàn hương, tai nhọn. Một kiểu mặt nặn thô vội vàng khiến người ta không thể không chú ý. Tuy nhiên, ấn tượng chung không đến nỗi tệ. Theo như tôi cảm nhận, cô ta không quá tự mãn về ngoại hình của mình, nhưng cô có vẻ tự nhiên thoải mái với chính mình và đó mới là điều quan trọng. Có một cái gì trẻ thơ nơi cô khiến người ta an tâm, chí ít cũng là đối với tôi. Cô không cao lắm, nhưng có cặp giò dễ coi và một bộ ngực đẹp đối với thân hình mảnh dẻ như vậy.
Đôi hoa tai mảnh bằng kim loại của cô lấp lánh như đuy-ra. Mái tóc nhuộm màu nâu sẫm, gần như đỏ, xõa xuống vai. Cô mặc sơ mi dài tay, cổ bó, kẻ sọc to. Một chiếc balô da nhỏ lủng lẳng một bên vai và một chiếc áo len mỏng buộc quanh cổ. Một cái váy mini màu kem trên đôi chân để trần hoàn tất y phục của cô. Hiển nhiên là cô vừa rửa mặt vì mấy mớ tóc như những rễ cây nhỏ còn dán trên vầng trán rộng. Kể cũng lạ, mấy mớ tóc buông lơi ấy lại hấp dẫn tôi.
"Cậu cũng đi cùng chuyến xe, phải không?" cô ta hỏi, giọng hơi khàn khàn.
"À, phải."
"Cô nhíu mày tợp một ngụm cà phê. "Cậu bao nhiêu tuổi?"
"Mười bảy."
"Vậy cậu đang học trung học."
Tôi gật đầu.
"Cậu đi đâu?"
"Takamatsu."
"Cũng như tôi," cô nói. "Cậu đi chơi hay về nhà?"
"Đi chơi," tôi đáp.
"Tôi cũng thế. Tôi có bạn ở đấy. Một đứa bạn gái. Còn cậu?"
"Thăm bà con."
Tôi hiểu, cái gật đầu của cô nói vậy. Cô không hỏi thêm gì nữa.
"Tôi có đứa em trai bằng tuổi cậu," cô đột ngột nói với tôi như sực nhớ ra. "Có những rắc rối trong gia đình nên đã lâu chị em tôi không gặp nhau... Cậu biết không, trông cậu rất giống cái tay ấy. Đã ai nói với cậu thế chưa?"
"Tay nào?"
"Cậu biết đấy, cái tay ca sĩ trong ban nhạc ấy! Vừa nhìn thấy cậu trên xe buýt, tôi liền nghĩ ngay là cậu giống anh ta, nhưng tôi không tài nào nhớ nổi tên anh ta. Cố moi óc mà không ra. Chuyện đó đôi khi vẫn xảy đến, đúng không? Nó ở trên đầu lưỡi rồi, ấy thế mà không sao bật ra được. Trước đây đã có ai bảo cậu... rằng cậu khiến họ nhớ đến một người nào đó không?"
Tôi lắc đầu. Chưa ai nói với tôi thế cả. Cô vẫn nhìn tôi, mắt nheo lại, chăm chú. "Ý ci đến loại người nào kia?" tôi hỏi.
"Một gã tivi."
"Một anh chàng trên tivi à?"
"Phải," cô nói, cầm miếng xăng-uých kẹp giăm bông lên, lơ đãng cắn một miếng và chiêu bằng một ngụm cà phê. "Một ca sĩ trong một ban nhạc nào đó. Khỉ thật, cả tên ban nhạc tôi cũng không nhớ nốt. Cái gã cao, nói giọng Kansai ấy. Cậu không nghĩ ra là ai à?"
"Rất tiếc, tôi không xem tivi."
Cô gái cau mày, riết róng nhìn tôi. "Cậu không xem tivi bao giờ?"
Tôi lặng lẽ ngúc ngắc đầu. Khoan đã... tôi nên gật hay lắc đây? Tôi gật đầu.
"Cậu không bẻm mép lắm, nhỉ? Vẻ như mỗi lần mở miệng chỉ buông một câu gọn lỏn. Xưa nay cậu vẫn lặng lẽ thế à?"
Tôi đỏ mặt. Đúng là tôi thuộc loại ít nói, nhưng một trong những lý do khiến tôi không muốn nói nhiều, là tại tôi chưa hoàn toàn vỡ tiếng. Đa phần thời gian thì giọng tôi phần nào đã trầm, nhưng thi thoảng nó lại bất chợt ré lên. Cho nên cô cố sao chỉ nói thật ngắn gọn.
"Dù sao đi nữa," cô nói tiếp, "tôi chỉ muốn nói là nom cậu rất giống cái tay ca sĩ nói giọng Kansai ấy. Không phải là cậu nói giọng Kansai hay gì gì đâu. Chỉ là... tôi không biết nói thế nào... ở cậu toát ra một cái gì đó rất giống anh ta và anh ta có vẻ là một chàng trai dễ thương, thế thôi."
Nụ cười của cô rút vào hậu trường một lát rồi xuất hiện trở lại, trong khi tôi đánh vật với cơn đỏ mặt của mình. "Nếu cậu đổi kiểu tóc đi thì còn giống anh ta hơn nữa," cô nói. "Hãy để dà tí nữa, bôi tí gôm cho nó vểnh lên một chút. Tôi rất muốn thử làm thế một cái. Chắc chắn nom cậu sẽ rất bảnh với kiểu tóc ấy. Thực tế, tôi là thợ hớt tóc mà."
Tôi gật đầu và nhấp trà. Tiệm cafeteria lặng như tờ. Không hề có tiếng nhạc nền thường thấy, không ai khác trò chuyện ngoài hai chúng tôi.
"Có lẽ cậu không thích trò chuyện?" cô vừa nói vừa nhìn tôi nghiêm trang, đầu tựa vào lòng bàn tay.
Tôi lắc đầu. "Không, đâu phải thế."
"Cậu nghĩ trò chuyện với người khác là chán ngấy?"
Một lần nữa, tôi lại lắc đầu.
Cô cầm miếng xăng-uých thứ hai lên, miếng này kẹp mứt dâu tây thay vì giăm bông. Cô cau mày như thể không tin vào mắt mình. "Cậu ăn hộ tôi miếng này được không? Tôi chúa ghét xăng-uých mứt dâu tây. Ngay từ thuở bé."
Tôi chấp thuận. Xăng-uých mứt dâu tây cũng không nằm trong danh sách những món ưa thích nhất của tôi, nhưng tôi không nói gì và bắt đầu ăn.
Từ bên kia bàn, cô nhìn tôi ăn đến hết mẩu cuối cùng.
"Cậu có thể làm ơn giúp tôi một việc được không?" cô nói.
"Làm ơn?"
"Tôi có thể ngồi cạnh cậu cho đến khi xe tới Takamatsu được không? Tôi ngồi một mình cứ ngay ngáy, lúc nào cũng có cảm giác như có một kẻ quái nhân sắp xịch đến ngồi xuống bên tôi vậy và thế là tôi không sao ngủ được. Khi tôi mua vé, người ta bảo tất cả là ghế một, nhưng khi lên xe tôi thấy toàn ghế đôi. Tôi muốn chợp mắtchút trước khi tới nơi, và tôi thấy cậu là người tốt. Cậu có thấy phiền không?"
"Không sao cả."
"Cảm ơn," cô nói. "Đi xa cần có bạn đường, tục ngữ nói thế mà."
Tôi gật đầu. Gật đầu, gật đầu, gật đầu - dường như tôi chỉ có độc trọi một khả năng đó. Nhưng tôi biết nói gì đây?
"Tiếp sau là gì nhỉ?"
"Tiếp sau cái gì?"
"Sau bạn đường là gì nữa? Tôi không nhớ nổi. Tôi không bao giờ khá về môn Nhật văn cả."
"Trong đời cần biết cảm thương nhau cùng," tôi nói.
"Đi xa cần có bạn đường/ Trong đời cần biết cảm thương nhau cùng," cô nhắc lại để nhớ cho chắc. Nếu có sẵn bút giấy, ắt cô đã ghi lại và tôi cũng sẽ chẳng lấy làm lạ. "Vậy thực chất, nói nôm na, cái đó nghĩa là gì?"
Tôi ngẫm ngợi. Phải mất một lúc tôi mới luận ra, nhưng cô vẫn kiên nhẫn chờ.
"Tôi nghĩ," tôi nói, "nó có nghĩa là: những cuộc gặp gỡ tình cờ nâng bước ta trên đường đời. Nói nôm na là thế."
Cô suy nghĩ một lát, rồi chậm rãi chắp hai tay đặt lên mặt bàn. "Tôi nghĩ cậu nói đúng: những cuộc gặp gỡ tình cờ nâng bước ta trên đường đời."
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Đã năm giờ ba mươi. "Có lẽ chúng ta nên trở về xe thì vừa."
"Ờ, tôi đồ là thế. Ta đi thôi," nói vậy nhưng cô không hề nhúc nhích để đứng lên.
"Tiện thể xin hỏi ta đang ở đâu?"
"Tôi cũng chẳng biết nữa," cô nói. Cô vươn cổ, lia mắt nhìn khắp xung quanh. Đôi hoa tai đu đưa như hai trái chín nẫu sắp rụng. "Căn cứ vào thời gian xe chạy, tôi đoán chúng ta đang ở gần Kurashiki. Nhưng cái dó quan trọng gì. Một bãi cho xe nghỉ trên xa lộ chỉ là điểm quá vãng. Để đi từ nơi này sang nơi khác." Cô giơ ngón trỏ tay phải và ngón trỏ tay trái lên, cách nhau khoảng ba mươi phân.
"Quan trọng gì cái tên, phải không nào?" cô nói tiếp. "Ở đây có toa lét, có đồ ăn. Có đèn nê-ông, có ghế nhựa. Có cà phê rồi. Có xăng-uých mứt dâu tây. Tất cả những cái đó chả có nghĩa gì - ấy là ví như cậu muốn tìm ở nó một ý nghĩa nào đó. Chúng ta từ một nơi nào đó đi đến một nơi nào khác. Đó là tất cả những gì ta cần biết, phải không nào?"
Tôi gật đầu. Và gật đầu. Và gật đầu.
Khi chúng tôi trở lại xe, những hành khách khác đã yên vị, chỉ còn chờ chúng tôi. Người lái, một chàng trai với ánh mắt đăm đăm và nghiêm nghị của một người gác đèn biển, ném một cái nhìn đầy vẻ trách móc về phía hai chúng tôi, nhưng không nói gì, và cô gái đáp lại bằng một nụ cười ngây thơ xin-lỗi-chúng-tôi-về-trễ. Anh ta vươn tay ra đẩy một cái cần và cửa đóng lại với một tiếng xì. Cô gái kéo chiếc va li nhỏ đến ngồi cạnh tôi - một chiếc va li loại tầm tầm chắc là mua ở một quầy bán "xôn" nào đó - và tôi nhấc nó lên cất vào ngăn để hành lý trên đầu hộ cô. Nó nhỏ mà khá nặng. Cô cảm ơn tôi, rồi ngả người trên ghế, nhắm mắt ngủ liền. Như chỉ đợi có thế, chiếc xe bắt đầu lăn bánh ngay khi chúng tôi yên vị. Tôi lấy cốn sách bìa mềm ra đọc tiếp.
Cô gái mau chóng ngủ say lịm và mỗi khi chiếc xe lượn vòng cua, đầu cô lại ngả vào vai tôi, cuối cùng dựa hẳn lên đó. Cô ngậm miệng, thở đằng mũi nhẹ nhàng, hơi thở chà qua vai tôi theo một nhịp đều đặn. Tôi ngó xuống và, qua khoang cổ bó của chiếc áo sơ mi, thoáng thấy dây xu-chiêng, một sợi dây mảnh màu kem. Tôi mường tượng lớp vải mịn ở đầu dây đó. Hai bầu vú mềm bên dưới. Hai núm vú hồng hồng căng dần dưới đầu ngón tay tôi. Không phải tôi cố tình tưởng tượng ra thế, song tôi không đừng được. Và - chả có gì là lạ - tôi dựng cột buồm cứng ngắc. Cứng đến nỗi tôi tự hỏi có bộ phận nào khác trong cơ thể có thể cương lên đến độ rắn như đá ấy không.
Thế rồi, đúng lúc ấy, một ý nghĩ chợt đến trong đầu tôi: ngộ nhỡ đây là chị gái mình? Cô ta cũng trạc tuổi ấy. Diện mạo khác thường của cô chẳng mấy giống chị tôi trong tấm ảnh, nhưng không thể căn cứ vào đó. Tùy theo cách chụp, đôi khi, ảnh có thể hoàn toàn khác với người thật. Cô nói cô có một đứa em trai trạc tuổi tôi mà hàng bao năm nay cô không gặp. Liệu đứa em đó có thể là tôi - ít nhất là trên lý thuyết?
Tôi chằm chằm nhìn vào ngực cô. Theo nhịp thở của cô, hai trái đào tròn trĩnh nhô lên hạ xuống như sóng cồn. Cách nào đó, điều đó khiến tôi nghĩ đến cảnh mưa rơi nhè nhẹ trên biển rộng. Tôi là du khách cô đơn đứng trên boong tàu, còn cô là biển. Bầu trời là một tấm màu xám quyện lẫn với biển xám ở phía chân trời. Thật khó mà phân biệt nổi biển với trời. Cũng như khó mà phân biệt được du khách với biển. Và thực tế với những hoang tưởng của trái tim.
Cô gái đeo hai chiếc nhẫn ở ngón tay, mà không chiếc nào là nhẫn cưới hoặc nhẫn hứa hôn cả; đó chỉ là những đồ rẻ tiền thường thấy ở những cửa hàng nhỏ dành cho thiếu nữ. Ngón tay cô dài, mảnh nhưng nom chắc khỏe, móng cắt ngắn và tỉa đẹp, nhuộm một lớp thuốc phơớt hồng. Tay cô dựa nhẹ lên đầu gối thò ra khỏi chiếc váy mini. Tôi rất muốn sờ vào đôi bàn tay ấy, nhưng cố nhiên, tôi không làm thế. Khi ngủ, nom cô như một đứa trẻ. Một cái tai nhọn thòi ra khỏi mái tóc như một chiếc nấm, nom mỏnh mảnh lạ lùng.
Tôi gấp sách lại, nhìn ra cảnh vật vèo qua ngoài cửa kính một lúc. Rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Chương 4
BÁO CÁO CỦA CỤC TÌNH BÁO QUN ĐỘI MỸ (MIS)
Ngày: 12 tháng Năm năm 1946
Tên: Báo cáo về sự kiện Đồi Bát Cơm, 1944
Tài liệu số: PTYX-722-8936745-42216-WWN
Dưới đây là một cuộc thẩm vấn ghi âm với bác sĩ Juichi Nakazawa (53 tuổi), giám đốc một bệnh viện nội khoa ở thành phố [tên bị xóa] vào thời điểm xảy ra sự kiện này. Các tư liệu liên quan đến cuộc thẩm vấn có thể truy cập theo số PTYX-722-SQ-162 đến 183.
Cảm giác của người thẩm vấn, Trung úy Robert O’Connor: Bác sĩ Nakazawa người to xương, đen đúa, nom giống một lực điền hơn một ông thầy thuốc. Phong thái bình tĩnh, nhưng hoạt bát và rành rẽ, nói đúng những gì mình nghĩ trong đầu. Đằng sau cặp kính là đôi mắt có cái nhìn rất sắc và linh hoạt. Trí nhớ của ông có thể tin cậy được.
Đúng vậy – hồi mười một giờ sáng ngày 7 tháng Mười một năm 1944, tôi nhận được một cú điện thoại của ông hiệu phó trường địa phương. Tôi gần như là bác sĩ của trường, vì thế nên có chuyện gì là họ gọi tôi trước tiên.
Ông hiệu phó rất hoảng hốt. Ông nói với tôi rằng cả một lớp học đã bị ngất xỉu trong khi đi dã ngoại hái nấm trên đồi. Theo ông, tất cả đã hoàn toàn bất tỉnh. Chỉ có cô giáo phụ trách là còn tình, và cô chạy ngay về trường cầu cứu. Cô cuống cuồng đến nỗi tôi không thể nắm được toàn bộ tình huống, tuy nhiên vẫn rõ ra một điều xác thực: mười sáu em học sinh đã gục ngã trong rừng.
Vì bọn trẻ đi hái nấm, cho nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là chúng đã ăn phải nấm độc và bị liệt. Nếu đúng là như vậy thì rất khó chữa trị. Các loại nấm khác nhau có độ độc khác nhau và cách điều trị phải theo đó mà thay đổi. Điều tối đa chúng tôi có thể làm là bơm hết các thứ trong dạ dày ra. Tuy nhiên trong trường hợp ăn phải loại có nồng độ độc cao, chất độc có thể nhanh chóng ngấm vào máu và việc cứu chữa có thể là quá muộn. Ở vùng này, hàng năm vẫn có nhiều người chết vì nấm độc.
Tôi nhét mấy loại thuốc cấp cứu vào túi thuốc và đạp xe thật nhanh đến trường. Hai cảnh sát được báo tin đã tới đó rồi. Chúng tôi biết là phải đưa bọn trẻ bất tỉnh về thành phố, nên cần tất cả những sự hỗ trợ có thể huy động được. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên đã ra mặt trận, thành thử chúng tôi đành bằng lòng với lực lượng có trong tay – bản thân tôi, hai viên cảnh sát, một thầy giáo lớn tuổi, ông hiệu trưởng và ông hiệu phó, người gác trường. Và tất nhiên cả cô giáo phụ trách lớp đi cùng với bọn trẻ nữa. Chúng tôi huy động tất cả những xe đạp có thể kiếm được nhưng vẫn không đủ, thành thử có xe phải đèo hai người.
- Khoảng mấy giờ các ông tới hiện trường?
11 giờ 55. Tôi nhớ rõ vì tôi có nhìn đồng hồ khi tới đó. Chúng tôi đạp xe đến chân đồi, tới điểm xa nhất có thể, rồi leo bộ nốt đoạn còn lại.
Vào lúc tôi đến, có mấy em đã hồi tỉnh phần nào. Theo tôi nhớ thì độ ba, bốn em. Nhưng chúng không tỉnh hoàn toàn – kiểu như loạng choạng bò bốn chân. Số còn lại vẫn phủ phục. Sau một hồi, một số khác bắt đầu hồi tỉnh, thân thể oằn oại như những con sâu khổng lồ. Thật là một cảnh tượng rất kỳ lạ. Bọn trẻ đã gục xuống ở một khoảng đất bằng, trống giữa rừng, nom khác thường tựa như toàn bộ cây cối đã bị bốc gọn đi cho nắng thu rọi chiếu vào. Và tại đây, mười sáu học sinh tiểu học nằm phủ phục la liệt trên mặt đất, một số bắt đầu cựa quậy, một số vẫn hoàn toàn bất động. Tưởng đâu như một vở kịch tiền phong chủ nghĩa.
Trong một lúc, tôi quên bẵng nhiệm vụ của mình là chữa trị cho bọn trẻ và chỉ đứng ngây ra nhìn cảnh tượng đó. Mà không phải chỉ riêng tôi – tất cả mọi người trong nhóm cứu trợ đều phản ứng như vậy, tạm thời bị tê liệt bởi những gì họ nhìn thấy. Nói thế này nghe cũng kỳ, nhưng tôi có cảm giác như vì tình cờ chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng mà đáng ra người bình thường không được phép thấy. Đây là thời chiến, và với tư cách là thầy thuốc, tôi luôn chuẩn bị để đối phó với bất kỳ tình huống nào, mặc dầu ít có khả năng xảy ra điều gì ghê gớm ở nơi hẻo lánh này. Là công dân Nhật Bản, tôi phải sẵn sàng làm bổn phận của mình một cách bình tĩnh. Nhưng khi trông thấy cảnh này, người tôi thực sự đông cứng lại.
Tôi mau chóng vùng ra khỏi trạng thái này và bế một đứa trong đám trẻ lên, một bé gái. Người nó chẳng còn chút lực nào và mềm oặt như cái tã. Nó thở đều đặn nhưng vẫn bất tỉnh. Tuy nhiên mắt nó vẫn mở, đưa qua đưa lại như dõi tìm một cái gì. Tôi rút một chiếc đèn pin từ trong túi đồ ra, soi vào đồng tử của nó. Hoàn toàn không phản ứng gì. Đôi mắt vẫn hoạt động ngó nhìn một cái gì đó, nhưng không biểu lộ một phản ứng nào với ánh sáng. Tôi bế mấy đứa khác lên, xem xét – tất cả đều y hệt như thế, không chút phản ứng. Tôi thấy quả là rất kỳ quái.
Tiếp đó, tôi xem mạch và nhiệt độ chúng. Mạch từ 50 đến 55, còn nhiệt độ thì tất cả đều dưới 36°C. Khoảng chừng 35,5° gì đó, theo trí nhớ của tôi. Đúng – đối với trẻ con ở tuổi này, nhịp mạch này là dưới bình thường, thân nhiệt thấp hơn trung bình đến hơn một độ. Tôi ngửi hơi của chúng, không thấy gì bất bình thường. Họng và lưỡi cũng vậy.
Ngay lập tức, tôi xác định rằng đây không phải những triệu chứng của ngộ độc thức ăn. Không đứa nào nôn mửa hoặc đi ỉa chảy, hoặc tỏ ra đau đớn gì cả. Nếu chúng ăn phải cái gì độc hại thì sau chừng nấy thời gian, ít nhất một trong những triệu chứng đó cũng phải phát lộ. Tôi trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm vì biết chắc đây không phải là ngộ độc thức ăn. Nhưng tôi vẫn không dò ra do đâu chúng bị như thế.
Các triệu chứng giống như say nắng. Trẻ con thường gục ngã vì say nắng vào mùa hè. Hiện tượng này tựa như lây nhiễm – hễ một đứa lăn đùng ra, tất cả lũ bạn nó cũng lần lượt gục theo. Nhưng đây là tháng Mười một trong một cánh rừng mát mẻ cơ mà. Nếu một, hai đứa bị say nắng thì còn khả dĩ, nhưng cả mười sáu đứa đồng loạt đổ kềnh thì thật phi lý.
Ý nghĩ tiếp theo của tôi là về khí – một loại khí độc làm tê liệt thần kinh, tự nhiên phát sinh hay nhân tạo. Nhưng có trời biết làm sao khí độc lại có thể xuất hiện giữa một cánh rừng ở cái nơi khỉ ho cò gáy này? Tôi không lý giải nổi. Tuy nhiên, giả thuyết về khí độc khả dĩ còn giải thích được một cách lô gích những gì tôi nhìn thấy hôm đó. Tất cả đã hít phải nó, rồi ất xỉu và đổ gục tại chỗ. Cô giáo phụ trách không gục vì nồng độ khí không đủ mạnh để quật ngã một người lớn.
Nhưng đến đoạn chữa trị cho bọn trẻ như thế nào thì tôi hoàn toàn hoang mang. Tôi chỉ là một bác sĩ nông thôn, không có kiến thức chuyên môn về khí độc. Chúng tôi ở một tỉnh xa xôi hẻo lánh, không thể gọi một chuyên gia đến được. Thực tế, một số đã khá lên một cách rất từ từ và tôi hy vọng rằng với thời gian, tất cả sẽ hồi tỉnh. Tôi biết đó là một cách nhìn quá lạc quan, nhưng lúc đó, tôi không thể nghĩ ra điều gì khác. Cho nên, tôi đề nghị cứ để chúng nằm yên đó một lúc, chờ xem diễn biến ra sao.
- Có cái gì khác thường trong không khí không?
Chính tôi cũng bận tâm về điểm này, thế nên tôi đã hít mấy hơi thật sâu để xem có phát hiện ra mùi gì bất thường không. Nhưng đó chỉ là cái mùi bình thường của một rừng cây trên đồi – một mùi sảng khoái thơm hương cây. Hoa lá cây cỏ quanh đây cũng chẳng có gì khác thường. Không có gì thay đổi hình dạng hay sắc màu.
Tôi lần lượt xem xét từng chiếc nấm bọn trẻ đã hái. Chẳng nhiều nhặn gì, nên tôi kết luận rằng chúng đã gục ngã không lâu sau khi bắt đầu hái. Tất cả đều là nấm ăn được rất phổ biến. Tôi làm bác sĩ ở đây đã khá lâu nên biết rõ các loại nấm khác nhau trong vùng. Dĩ nhiên, để cho chắc, tôi gom tất cả lại, mang về nhờ một chuyên gia xem xét giám định. Nhưng tôi có thể nói tất cả đều là nấm thông thường ăn được.
- Ông nói mắt bọn trẻ bất tỉnh vẫn đưa qua đưa lại, nhưng ông có nhận thấy triệu chứng hoặc phản ứng bất bình thường nào khác không? Chẳng hạn kính cỡ của1;ng tử, màu của lòng trắng con ngươi, tần số chớp mắt?
Không. Ngoài việc mắt chúng lia qua lia lại như cái đèn quét, không có gì lạ thường. Tất cả các chức năng khác đều hoàn toàn bình thường. Bọn trẻ nhìn vào cái gì đó. Nói cụ thể hơn, chúng không nhìn vào những gì chúng ta có thể thấy, mà vào một cái gì đó chúng ta không thể thấy. Đúng hơn, tựa như chúng đang quan sát một cái gì chứ không chỉ nhìn. Mặt chúng chủ yếu là không biểu cảm, nhưng nhìn chung, chúng có vẻ bình thản, không sợ hãi hay đau đớn gì. Đó là một trong những lý do khiến tôi quyết định cứ để chúng nằm đó, chờ xem diễn biến ra sao. Tôi quyết định là nếu chúng không đau đớn gì thì cứ để chúng thế một lúc xem sao.
- Ông có nói với ai về giả thuyết là bọn trẻ bị nhiễm hơi độc không?
Có, nhưng không ai tin. Người ta chưa từng nghe nói có ai vào rừng chơi mà bị nhiễm hơi độc. Thế rồi một trong những người có mặt tại đó – hình như là ông hiệu phó – nói rằng có thể đó là hơi độc do máy bay Mỹ thả xuống. Hẳn chúng đã ném xuống một trái bom hơi độc, ông nói. Cô giáo phụ trách liền nhớ ra là đã thấy một cái gì giống như một chiếc B-29 bay rất cao trên bầu trời ngay trước lúc họ bắt đầu lên đồi. Mọi người ồ lên: Chắc là thế! Một loại bơm hơi độc mới sáng chế của Mỹ. Tin đồn về việc Mỹ mới sáng chế một loại bom mới đã lan tới tận miền rừng núi chúng tôi. Nhưng tại sao người Mỹ lại ném thứ vũ khí mới nhất của họ xuống một nơi khỉ ho cò gáy như thế này, điều đó không ai giải thích nổi. Nhưng trong đời sống thường vẫn có những sai trật và không phải cái gì chúng ta cũng hiểu được.
- Vậy sau đọn trẻ dần dần tự hồi phục?
Chính thế. Tôi không thể tả với ông là tôi nhẹ người đi biết nhường nào. Thoạt đầu, chúng bắt đầu ngọ nguậy, rồi chúng lảo đảo ngồi dậy, dần dần tỉnh lại. Trong quá trình đó, không đứa nào kêu đau gì cả. Tất cả diễn ra rất bình lặng như thể chúng thức dậy từ một giấc ngủ sâu vậy. Và với việc hồi tỉnh, sự chuyển động của con mắt chúng trở lại bình thường. Chúng phản ứng bình thường với ánh sáng khi tôi rọi đèn pin vào mắt chúng. Tuy nhiên, phải mất một lúc chúng mới nói trở lại – y như ta vừa thức giấc vậy.
Chúng tôi hỏi từng đứa là điều gì đã xảy đến với chúng, thì tất cả đều ngớ ra như thể bị chất vấn về một chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Lên đồi, bắt đầu hái nấm – chừng nấy thì chúng nhớ. Mọi điều sau đó là một khoảng trống hoác. Chúng hoàn toàn không ý thức gì về quãng thời gian ở giữa. Chúng bắt đầu hái nấm, rồi màn tối chụp xuống và giờ thì thấy mình nằm dưới đất, xung quanh toàn người lớn. Bọn trẻ không thể nào hình dung tại sao tất cả chúng tôi đều nháo nhác, trân trân nhìn chúng với vẻ lo lắng đến thế trên nét mặt. Chúng có vẻ sợ chính chúng tôi hơn bất cứ cái gì khác.
Buồn thay, một em không tỉnh lại được. Một bé trai sơ tán từ Tokyo, tên là Satoru Nakata, nếu tôi nhớ không nhầm. Một bé trai xanh xao, nhỏ quắt. Đó là đứa duy nhất vẫn bất tỉnh, nằm sóng soài trên mặt đất, mắt lơ láo, đưa qua đưa lại. Chúng tôi phải cõng nó xuống đồi. Những đứa khác tự đi xuống như không có chuyện gì xảy ra.
- Ngoài thằng bé Nakata, không có đứa nào sau đó biểu hiện triệu chứng gì chứ
Không, ít nhất là về những dấu hiệu bên ngoài, chúng không biểu hiện triệu chứng gì bất thường cả. Không đứa nào kêu đau hoặc khó chịu. Ngay sau khi trở về trường, tôi lập tức đưa từng đứa một vào phòng y tế để xem xét cho kỹ - lấy nhiệt độ, nghe nhịp tim bằng ống nghe, kiểm tra thị lực. Tôi đã làm mọi việc có thể làm vào thời điểm đó. Tôi bắt chúng làm một vài bài toán số học đơn giản, nhắm mắt đứng lò cò một chân, những thứ đại loại như vậy. Vì mặt thể chất, chúng đều ổn. Chúng không có vẻ mệt và thấy thèm ăn. Vì chưa ăn trưa, tất cả đều kêu đói. Đưa cơm nắm cho chúng, chúng ăn ngấu nghiến.
Mấy hôm sau, tôi ghé qua trường xem tình trạng chúng ra sao. Tôi gọi mấy đứa trẻ vào phòng y tế, đặt câu hỏi kiểm tra. Một lần nữa, mọi sự xem ra đều ổn. Từ cái trải nghiệm kỳ dị ấy, không còn lại dấu vết gì, về thể chất cũng như cảm xúc. Thậm chí chúng không nhớ được chuyện gì đã xảy ra nữa. Chúng dự lớp như mọi khi, ca hát, chơi nhổng trong giờ ra chơi, làm mọi thứ những đứa trẻ bình thường vẫn làm. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm của chúng thì khác, có vẻ như cô ta vẫn bị sốc.
Nhưng cậu bé duy nhất bị nhiễm, Nakata, vẫn không hồi tỉnh nên hôm sau chúng tôi đưa nó vào bệnh viện trường đại học ở Kofu. Sau đó, nó được chuyển sang một bệnh viện quân đội và không bao giờ trở lại tỉnh chúng tôi nữa. Tôi không có tin tức gì của nó nữa.
Sự kiện này không hề được đưa lên báo. Tôi đoán là nhà chức trách quyết định rằng nó sẽ chỉ gây hoang mang nên đã cấm không được nhắc tới. Nên nhớ rằng trong thời chiến, quân đội cố gắng dập tắt tất cả những gì họ cho là tin đồn vô căn cứ. Cuộc chiến tiến triển không thuận lợi, quân đội đang rút lui trên mặt trận phía Nam, các cuộc đột kích tự sát nối tiếp nhau, những cuộc không kích của Mỹ ngày càng dữ dội. Quân đội sợ nhất là những tình cảm chiến tranh hoặc hòa bình chủ nghĩa nổi lên trong dân chúng. Mấy ngày sau sự kiện này, cảnh sát được phái đến, họ cảnh báo chúng tôi rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được kể những gì chúng tôi đã thấy.
Toàn bộ vụ việc này thật là kỳ quái và khó chịu. Đến tận hôm nay, nó vẫn như một quả tạ đè lên ngực tôi.