Kết Hôn - Ly Hôn

Văn Bác từng nhiều lần muốn ly hôn, quay trở
lại cuộc sống độc thân. Nếu như Y Đồng không chịu ly hôn, anh sẽ bỏ
trốn, sẽ tắt máy, bỏ đến một nơi mà cô ta không thể nào tìm thấy,
đợi ly thân hết hai năm, anh sẽ nghĩ cách đệ đơn ra tòa. Còn về đứa
bé, cô bỏ đi cũng được, sinh ra cũng được, cái đó tùy cô. Nếu sinh
đứa bé ra, anh sẽ chu cấp tiền nuôi dưỡng nó.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh vẫn không nhẫn tâm
làm vậy. Vì đứa bé trong bụng Y Đồng, anh buộc phải nhịn nhục.

Tối đó, Văn Bác lại hầu hạ Y Đồng đi tắm. Y
Đồng cởi quần áo, ngâm mình trong bồn tắm, Văn Bác ngồi bên cạnh kì
lưng, xoa sữa tắm cho cô. Y Đồng nhắm mắt, nằm yên bất động, trông bộ
dạng rất thích thú, chỉ thỉnh thoảng mới lên tiếng nhắc nhở Văn Bác
nhẹ tay một chút hoặc đến phần nào thì phải mạnh tay hơn. Theo lý
mà nói, Văn Bác nhìn thấy Y Đồng trong bộ dạng khỏa thân thì phải
thấy vô cùng hưng phấn, đàn ông mà, đều là động vật yêu bằng mắt,
có thằng đàn ông nào nhìn thấy đàn bà khỏa thân mà lại thờ ơ đâu?
Trừ khi giới tính của anh ta có vấn đề, hoặc không thì đó cũng là
một kẻ đần độn.

Nếu như đổi lại là trước đây, Văn Bác nhất
định sẽ rất ham muốn. Nhưng giờ phút này đây, anh hoàn toàn không có
lấy một chút dục vọng. Nhìn cái bụng nhô cao của Y Đồng, tâm trạng
của anh vô cùng phức tạp, nội tâm vô cùng mâu thuẫn.

Tắm rửa xong, Y Đồng bán nuy nằm trên giường,
Văn Bác nằm bên cạnh đọc báo. Y Đồng nhìn Văn Bác, dịu dàng nói:

- Ông xã, lâu lắm rồi anh không động vào người
em. Tối nay chúng ta thân mật đi!

- Cái gì? Em mang bầu đã năm tháng rồi, còn có
thể quan hệ sao? – Văn Bác giật thót người, còn tưởng là mình nghe
nhầm.

- Có làm sao đâu? – Y Đồng nói.

- Em đùa gì vậy? Ngỗ nhỡ ảnh hưởng đến thai nhi
thì sao? – Văn Bác nói.

- Anh có thể nhẹ nhàng một chút mà? Ai bảo anh
làm mạnh chứ?

- Không được! – Văn Bác lắc đầu.

- Không sao đâu, em đã đọc ở trên mạng rồi, trong
thời gian mang bầu vẫn có thể quan hệ vợ chồng, chỉ cần động tác
nhẹ nhàng một chút, tuyệt đối không thành vấn đề!

- Thế cũng không được, an toàn là trên hết! –
Văn Bác một mực bảo.

- Hừ, rõ ràng là anh đang kiếm cớ mà. Không
muốn thì thôi cứ nói thẳng ra!

- Anh thật sự không có ý đó mà!

- Chắc chắn anh có bồ ở bên ngoài rồi nên mới
không có hứng thú với em!

- Sao em cứ nghi ngờ vô cớ thế?

- Chắc chắn là anh đã quan hệ với con nào đó
vào ban ngày nên giờ không muốn quan hệ với tôi nữa chứ gì, tôi biết
mà!

- Anh thật sự chỉ nghĩ cho con thôi, sao em lại
không tin anh?

- Tôi biết anh nghĩ gì, lâu thế rồi anh không
động vào người tôi, trong lòng anh hoàn toàn không có tôi, chắc chắn
anh có bồ rồi!

- Anh đã nói nhiều lần rồi, anh không có bồ,
anh hoàn toàn trong sạch!

- Có quỷ mới tin anh!

Y Đồng vô cùng tức giận, cô chắc chắn rằng
chồng mình đã ngoại tình ở bên ngoài, nếu không sao có thể mấy
tháng không động đến cô lần nào? Đổi lại là người khác cũng sẽ
nghĩ như cô mà thôi.

Sở dĩ Văn Bác không muốn động vào Y Đồng cũng
là bởi vì anh có nỗi khổ tâm riêng. Một người đàn ông suốt cả ngày
sống trong sự nghi kị của vợ, sống trong sự ám ảnh mang tên “vợ”,
sống trong áp lực khủng khiếp đến từ nhà vợ, phải đối mặt với sự
ngang ngược, độc tài, thậm chí còn bạo lực của vợ như vậy, làm sao
anh có thể hứng thú cho được? Không bị liệt dương đã là may mắn lắm
rồi, làm gì còn có sức lực mà làm tình? Muốn chạy còn không kịp
nữa là!

Văn Bác sống trong một hoàn cảnh như vậy, cuộc
sống trở nên rất áp lực, rất mệt mỏi và tủi nhục. Hàng ngày anh
chẳng nghĩ gì ngoài việc mong mau mau chóng chóng cải thiện tình
trạng kinh tế của mình, đợi khi nào mình có tiền rồi sẽ nhanh chóng
mua nhà, mua xe, sống một cuộc sống tự chủ, tự lập, ít nhất cũng
có thể sống xa gia đình vợ. Hiện giờ ngày nào anh cũng nghĩ đến vấn
đề: Làm thế nào để thay đổi vận mệnh và tình trạng hiện tại của
mình?

Suốt ngày phải chứng kiến sự ngang ngược, vô
lý của Y Đồng, Văn Bác đã hoàn toàn mất đi ham muốn với cô. Những
lúc vợ yêu cầu anh phải thực hiện nghĩa vụ giữa hai vợ chồng, anh
thường viện cớ thoái thác, anh thực sự không sao “kéo” cái hứng của
mình lên được. Nhưng tối nay, thái độ của Y Đồng vô cùng kiên quyết,
một mực bắt Văn Bác phải thực hiện cho bằng được. Anh không đồng ý,
Y Đồng sẽ làm loạn lên, Văn Bác vì không muốn cãi nhau với vợ nên
đành miễn cưỡng gật đầu.

Y Đồng thấy anh gật đầu đồng ý, vui như mở cờ
trong bụng. Cô nhanh nhẹn cởi hết dây váy ngủ ra, hai chân đan chéo vào
nhau, bộ dạng lả lơi, mời gọi. Nhìn bộ dạng lả lơi của Y Đồng, Văn
Bác bỗng cảm thây buồn nôn! Văn Bác nói với Y Đồng:

- Anh đi tắm cái đã!

- Ok, nhanh lên đấy! – Y Đồng thúc giục.

- Ừ!

- Đừng có lâu la quá!

- Ừ!

- Anh nghe thấy gì chưa đấy?

- Rồi!

- Rồi cái đầu anh ý, anh không nói thêm được
cái gì à?

- Ờ.

- Tức chết đi được!

Văn Bác đi vào tắm rửa, anh tắm thật chậm để
kéo dài thời gian. Trong lòng anh thầm nghĩ, giá mà cái mụ đàn bà
chết tiệt kia ngủ quên luôn đi thì tốt biết mấy! Ai ngờ anh mới tắm
được một nửa, Y Đồng đã chạy ra nhà tắm, gọi:

- Sao anh còn chưa tắm xong à?

- Ờ, xong ngay đây, em vội vàng gì chứ? Có phải
sợ nhỡ xe đâu mà…

- Em muốn anh nhanh lên, em chờ lâu lắm rồi đấy!

Văn Bác thầm nghĩ, ai bảo cô đợi chứ? Không đợi
được thì ngủ luôn đi cho rồi!

Văn Bác tắm xong liền đi vào phòng ngủ. Y Đồng
đang ngồi trên giường, mặt mày nhăn nhó, bực bội. Văn Bác nói:

- Chẳng qua chỉ tắm thêm cho sạch sẽ, thế mà
cũng giận hờn, có đáng không?

- Hừ, tắm cả tiếng đồng hồ còn gì!

- Thôi được rồi, chẳng phải anh đã vào rồi còn
gì?


Văn Bác leo lên giường, ôm Y Đồng đi ngay vào
“chủ đề chính”. Y Đồng nói:

- Cứ thế này mà bắt đầu à?

- Làm sao? – Văn Bác ngây người.

- Chẳng có khúc dạo đầu gì cả, rõ ràng là
anh đang tìm cách đối phó với em mà!

- Anh đâu có đối phó với em, chỉ có điều anh
cảm thấy rất mệt, muốn nghỉ ngơi thôi! Em phải nghĩ đến cảm xúc của
anh chứ? – Văn Bác nói.

- Đã lâu như vậy rồi mà anh chẳng động đến em,
giờ khó khăn lắm mới có một lần, anh làm như vậy thật khiến em thất
vọng quá! – Y Đồng nói.

- Chúng ta thông cảm cho nhau một chút đi!

- Anh chẳng để tâm chút nào, thế thì hiểu nhau
cái gì?

- Anh rất muốn nói chuyện nghiêm túc với em,
nhưng lần nào em cũng không muốn bình tĩnh nói chuyện với anh, em bảo
anh phải làm thế nào?

- Là do thái độ của anh không ra gì, rõ ràng
không muốn nói chuyện tử tế với em, lại còn trách em à?

- Lần nào cũng đều là do thái độ của em không
ra sao, tại sao em lại không chịu thừa nhận hả?

- Thôi bỏ đi, không nói nữa, anh có định làm
nữa hay không đây?

- Anh thế nào cũng được, tùy em!

Câu này của Văn Bác làm cho Y Đồng nghẹn họng
không nói ra lời. Y Đồng cảm thấy mỗi lần cô muốn sinh hoạt vợ chồng
là Văn Bác lại viện đủ lý do để trốn tránh, thậm chí có khi còn
từ chối thẳng thừng. Đây rõ ràng là biểu hiện của việc hết yêu cô.
Chồng không có hứng thú với vợ nữa, đây chẳng phải là bằng chứng
chứng minh cho điều đó hay sao? Thực ra Y Đồng không thể hiểu nổi,
nguyên nhân gây ra tình trạng này giữa hai vợ chồng chính là do một
tay cô tạo nên. Sự ngang ngược, độc đoán, hung hãn và vô lý của cô
đối với chồng đã khiến cho Văn Bác mất hết thể diện, luôn sống trong
tâm trạng u uất, gây ra ám ảnh, tổn thương lớn cho Văn Bác, khiến cho
anh chẳng cảm thấy có chút tình cảm nào với cô chứ đừng nói là
tình yêu.

Nếu như không phải Y Đồng mang thai thì Văn Bác
đã sớm đệ đơn ly hôn với cô rồi chứ không để dây dưa đến tận ngày hôm
nay. Văn Bác chẳng thèm một xu của nhà Y Đồng, cũng chẳng có tài
sản chung gì mà cần phân chia, thế nên nếu không có đứa bé, thủ tục
ly hôn chỉ cần hai người kí tên là xong, vô cùng đơn giản.

Y Đồng không hề nhận thức được vấn đề từ
chính bản thân mình. Cô là con gái thành phố, lại có tiền hơn Văn
Bác, đương nhiên cô phải tự đặt mình cao hơn anh rồi. Điều kiện của
mình tốt hơn của chồng khiến cho cô luôn cảm thấy mình cao hơn anh, ông
xã không bằng mình, vì vậy phải phục tùng mình, phải cúi đầu trước
mình. Triết học từng nói: Cơ sở kinh tế quyết định kiến thức thượng
tầng. Hôn nhân cũng như vậy, ai có tiền thì người đó là trụ cột, là
lãnh đạo, kẻ không có tiền chính là kẻ dưới, là kẻ hầu người hạ.

Văn Bác vô cùng hối hận đã lấy con gái thành
phố làm vợ. Mặc dù anh rất hối hận vì đã lấy Y Đồng, mặc dù anh
không muốn quan hệ với Y Đồng, nhưng tối nay anh vẫn phải phục tùng
cô.

Văn Bác làm chuyện đó mà không có “khúc dạo
đầu” khiến cho Y Đồng vô cùng bất mãn. Cô cảm thấy anh làm như vậy
chỉ là để đối phó với cô. Đối mặt với sự bất mãn của Y Đồng, Văn
Bác cũng chẳng biết phải làm sao, giờ đã là lúc nào rồi mà còn
muốn quan hệ vợ chồng? Ngộ nhỡ bị sảy thai thì sao?

Chính vì không có tâm trạng mà cuộc sống vợ
chồng của họ trở nên vô cùng bế tắc. Văn Bác làm nhanh nhanh chóng
chóng cho qua chuyện. Anh có tâm sự nên thực sự không có nhu cầu gần
gũi vợ. Y Đồng vô cùng bực bội, lớn tiếng cãi cọ với anh. Văn Bác
cũng chẳng giải thích, mặc cho Y Đồng muốn nghĩ gì thì nghĩ, dù sao
đó cũng chẳng phải là việc của anh. Hai người gây gổ đến nửa đêm mà
chẳng ai chịu nhịn ai. Ngày hôm sau, Y Đồng yêu cầu ly hôn, lý do của
cô là: vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc! Văn Bác chẳng kém cạnh,
nếu cô đã yêu cầu ly hôn thì ly hôn, anh cũng chẳng muốn tiếp tục
cuộc sống như thế này nữa, ba ngày hai trận, chẳng lẽ cứ phải cãi
cọ như thế này cho đến hết đời? Về vấn đề con cái, Y Đồng yêu cầu
bỏ cái thai đi. Văn Bác đang trong cơn tức tối, đầu đang nóng bừng
bừng liền đồng ý luôn, bỏ thì bỏ, dù sao sống một cuộc sống không
hạnh phúc thì người chịu tội chính là đứa trẻ.

Sáng sớm ngày tiếp theo, Văn Bác thức dậy sớm,
chuẩn bị hộ khẩu, giấy chứng minh, đăng ký kết hôn để đi làm thủ
tục ly dị. Y Đồng cũng đã chuẩn bị xong.

Cô nói:

- Đến bệnh viện phá thai trước, sau đó ly hôn!

Văn Bác đồng ý. Hai người liền đến bệnh viện.

Đến bệnh viện, bác sĩ liền làm kiểm tra cho Y
Đồng, mọi thứ vẫn bình thường, đứa bé đã được hơn năm tháng, phần
đầu cũng to được mấy cm rồi. Khi Y Đồng nói sẽ phá thai, bác sĩ kinh
ngạc nói:

- Đứa bé khỏe mạnh thế này, sao lại phá đi?

- Chúng tôi vẫn chưa kết hôn! – Y Đồng nói dối.

- Ừm, anh chị đã nghĩ kĩ chưa? – Bác sĩ hỏi.

- Nghĩ kĩ rồi ạ! – Y Đồng nói.

- Còn anh thì sao? – Bác sĩ hỏi Văn Bác.

- Tôi cũng nghĩ kĩ rồi! – Văn Bác trả lời.

- Vậy thì tốt, chuẩn bị là phẫu thuật nhé!

Lúc Văn Bác đi ra ngoài, đột nhiên anh nhìn thấy
trên bàn bên cạnh có đặt mấy cái lọ thủy tinh, bên trong đựng thứ gì
đó giống như là thai nhi. Trái tim anh như bị dao cắt, đau đớn khôn
nguôi, một thứ tình cảm cha con lớn lao dâng trào trong lồng ngực anh.
Văn Bác nghĩ, nếu như bỏ cái thai đi, có phải nó cũng sẽ bị đựng
trong những cái lọ thủy tinh như thế này không? Tàn nhẫn quá, không
được, không thể bỏ đứa trẻ đi được! Đứa bé vô tội, mình phải bảo
vệ nó!

- Đi, về nhà! – Văn Bác nói.

- Sao thế? – Y Đồng ngây người.

- Không phá thai nữa! – Văn Bác kéo Y Đồng ra
ngoài.

- Tại sao chứ?

- Chúng ta không ly hôn nữa.

- Chẳng phải anh đã đồng ý rồi hay sao? – Y
Đồng vừa đi vừa thắc mắc.

- Nhất định phải giữ đứa bé lại, nó vô tội!

Y Đồng lặng người đi, dường như cũng có chút
rung động trước câu nói ấy. Thế là cô ngoan ngoãn theo Văn Bác về
nhà. Suốt dọc đương đi, chẳng ai nói với ai lời nào, ai cũng có tâm
sự riêng. Văn Bác nghĩ nhiều về đứa bé trong bụng Y Đồng, còn Y Đồng
thì mãi nghĩ đến chuyện rốt cuộc Văn Bác có bao nhiêu người đàn bà
bên ngoài.

Trên đường về nhà, Văn Bác tình cờ gặp một
bạn học tên Vương Dương. Vương Dương là người bạn khá thân thiết của
anh lúc còn học đại học. Sau khi tốt nghiệp, hai người bị mất liên
lạc. Nào ngờ hôm nay lại tình cờ gặp lại trên đường, anh vui mừng
lắm. Vương Dương hào hứng hỏi Văn Bác:

- Người anh em, giờ cậu đang ở đâu?


- Ờ, hiện giờ tôi đang ở… ở nhà vợ! – Văn Bác
ấp úng, nói vẻ ngần ngại, chỉ vợ Vương Dương cười mình.

- Thế à? Ở nhà vợ à? Cậu vẫn ổn chứ? À
phải rồi, trông bộ dạng thì vợ cậu chắc sắp sinh đến nơi rồi nhỉ?

- Ừ, còn mấy tháng nữa, nhưng cũng nhanh thôi!

- Đến lúc sinh em bé nhớ cho tôi biết đây! Tôi
muốn uống rượu mừng của cậu!

- Không thành vấn đề, chắc chắn sẽ mời cậu!

- Cậu đừng có quên đấy!

- Chắc chắn rồi!

- À phải rồi, sau này tôi sẽ qua tìm cậu nói
chuyện! Vậy tôi phải đến đâu tìm cậu đây?

- Có thể đến nhà vợ tìm tôi, tôi đang tạm thời
sống ở đó!

- Ờ, thế thì hơi bất tiện nhỉ? Thôi bỏ đi, thế
này nhé, đợi đến khi nào cậu chuyển nhà thì tôi qua tìm cậu!

- Thế cũng được!

Văn Bác nghe thấy Vương Dương nói vậy, mặt hết
trắng lại chuyển sang đỏ, trong lòng vô cùng ái ngại. Dù gì sống ở
nhà vợ thực sự khiến cho anh không ngẩng đầu lên nổi, cho dù là
trước mặt họ hàng thân thích hay là bạn bè, anh đều cảm thấy mất
hết thế diện. Về đến nhà, anh liền bàn bạc với Y Đồng:

- Bà xã à, chúng ta chuyển ra ngoài ở đi!

- Chuyển ra ngoài? Bây giờ á? Thế em sinh con
thì làm thế nào?

- Thì sinh ở bên ngoài chứ sao!

- Vậy ai chăm sóc em?

- Anh chăm sóc em, nếu như sợ anh chưa có kinh
nghiệm, anh có thể đón mẹ anh lên chăm sóc em!

- Thế sao được? Ở bên ngoài em thấy không quen.
Hơn nữa điều kiện bên ngoài làm sao tốt bằng ở nhà?

- Anh biết nhà em có tiền, nếu em cảm thấy ở
nhà tốt sao hồi đó còn lấy anh? – Văn Bác nói.

- Anh nói thế là có ý gì? – Y Đồng nổi cái.

- Em là người có tiền, là tiểu thư con nhà
giàu, em không chịu được cực khổ, vậy em có thể lựa chọn một người
có tiền, tại sao hồi đó còn đồng ý lấy anh? Nếu như đã lấy anh
rồi, em cũng biết điều kiện của anh có nhiều hạn chế, tại sao em
không thể đứng trên lập trường của anh mà nghĩ? – Văn Bác càng nói
càng tức.

- Con người anh làm sao thế hả? Em mang thai vất
vả như vậy, ở trong nhà mẹ điều kiện tốt hơn mà anh cũng không muốn
à?

- Em chưa mang bầu cũng toàn ở nhà mẹ, còn bắt
anh phải chuyển về ở, giờ em còn viện cớ có thai nữa sao? Chúng ta
kết hôn rồi, nên sống độc lập, anh đâu phải là hạng con rể đến ở rể
nhà vợ?

- Rốt cuộc anh có ý gì? Rốt cuộc anh muốn thế
nào?

- Ý của anh là anh không muốn ở nhà em nữa,
giờ anh chuyển ra ngoài ở, em có theo anh hay không thì tùy!

Văn Bác nói xong liền ra ngoài, chỉ mang theo
mấy bộ quần áo. Y Đồng đứng đờ người ở đó, cả buổi chẳng nói lên
lời.

Văn Bác lại quay lại căn nhà nhỏ mà anh vẫn
thuê lúc trước. Mặc dù nhà không lớn, điều kiện cũng không phải là
tốt nhất nhưng rất thoải mái. Người xưa có câu “Chẳng đâu bằng nhà
của mình”. Ở trong nhà mình, cảm thấy tự do, không cần khép nép,
giữ ý giữ tứ, muốn làm gì thì làm, không phải để ý đến sắc mặt
của ai hết. Văn Bác thầm nghĩ, mình đâu có sống dựa vào ai, tại sao
phải chịu sự sỉ nhục ấy?

Ở nhà một ngày mà không thấy Y Đồng về, Văn
Bác liền đến thẳng công ty, sau đó là thủ tục đi Thâm Quyến, tiếp
tục làm việc ở chi nhánh bên đó. Anh đã ngầm quyết tâm, kể từ nay
về sau, sẽ toàn tâm toàn ý vì công việc, chỉ có nỗ lực làm việc
mới có tương lai xán lạn, mới có được không gian để phát triển, mới
thành đạt trong sự nghiệp, nếu không cả đời này anh đừng mong thành
công. Tiền đâu có từ trên trời rơi xuống?

Văn Bác làm việc rất chăm chỉ, gần như là bán
mạng làm việc, ngày nào anh cũng đến sớm, nghiên cứu tỉ mỉ từng kế
hoạch nghiệp vụ, tích cực liên lạc với tổng công ty, thông báo về
tiến độ phát triển của chi nhánh. Suýt chút nữa thì Văn Bác trở
thành “tín đồ của công việc”, anh gần như quên luôn cả vợ mình. Đối
với Văn Bác bây giờ, công việc mới là quan trọng nhất, vợ chẳng là
gì. Bởi vì công việc nếu làm tốt anh có thể được thăng chức, có
tiền, còn vợ, có đối xử tốt với cô ta thế nào đi nữa, cô ta vẫn sẽ
áp bức anh.

Sau khi Văn Bác rời khỏi nhà vợ, Y Đồng lập
tức gọi điện cho bố mẹ Văn Bác mách tội anh. Cô gay gắt nói:

- Con trai mẹ thật vô trách nhiệm, suốt ngày
chẳng đoái hoài gì đến gia đình, toàn làm trò bậy bạ ở bên ngoài,
giờ còn bỏ nhà ra đi nữa!

Mẹ Y Đồng cũng gọi điện thoại cho nhà thông
gia, giọng đay nghiến:

- Rốt cuộc các người quản lý con cái kiểu gì
thế hả? Cho dù có vô văn hóa thì cũng không thể không ngó ngàng gì
đến như thế chứ?

Bố mẹ Văn Bác vô cùng hốt hoảng, vội vàng gọi
điện cho con trai, quả nhiên Văn Bác tắt máy. Bố mẹ Văn Bác lại hỏi
thăm mấy người bạn của anh, nhưng họ đều nói không biết, đã lâu lắm
rồi không liên hệ với anh. Hai người vô cùng hoang mang, vội vàng mua
vé xe, đội mưa đội gió tìm đến nhà con dâu. Bố mẹ Văn Bác vất vả đi
cả đêm, vừa đói vừa lạnh, lại sốt ruột, lúc đến khu nhà của Y Đồng
thì trời mới gần sáng. Hai thân già không dám làm phiền nhà người ta
mới sáng ra nên đành ngồi ở bên dưới chờ mất tiếng đồng hồ, đợi đến
tám giờ, chín giờ mới dám ấn chuông cửa nhà con dâu.

Bố mẹ Văn Bác vào đến nhà, còn chưa biết rõ
tình hình đã vội vàng xin lỗi con dâu. Mẹ Văn Bác nói:

- Con à, đều là do bố mẹ dạy bảo nó không
nghiêm khiến con phải chịu ấm ức, con cố gắng chờ đợi, bố mẹ tìm
thấy nó rồi nhất định sẽ dạy cho nó một bài học!

- Anh ta thật quá đáng, chẳng có chút trách
nhiệm nào cả, hoàn toàn không tôn trọng con. Con mang bầu rồi, thế mà
cả ngày chẳng về nhà, cứ lăng nhăng bên ngoài… - Y Đồng bắt đầu chỉ
trích Văn Bác.

- Đúng vậy, cái thằng Văn Bác này
thật chẳng ra làm sao, còn động chân động tay đánh Y Đồng nhà tôi
đấy. Tính tình thật chẳng ra gì, nhỡ đánh nó hỏng thai thì làm thế
nào? Các người có chịu nổi trách nhiệm không? – Mẹ Y Đồng cay độc
nói.

- Cái thằng súc sinh này, tôi mà tìm thấy nó
sẽ đánh cho nó một trận nên thân! – Bố Văn Bác giận dữ nói rồi cúi
đầu rít một hơi thuốc.


- Các người xem, nhà tôi đối xử với nó tốt
thế nào? Nhà cửa rộng rãi thế này, bày trí đẹp đẽ, lại mua cả xe
cho nó, thế mà nó còn bất mãn gì chứ? Các người nhìn sàn nhà đi,
hơn ba trăm mét, toàn bằng gỗ quý, cả thảy mấy trăm nghìn tệ. Các
người nhìn cái nhà này đi, cả thảy ba gian, hơn 120 mét vuông, rộng
rãi biết mấy! - Mẹ Y Đồng lấy tay gõ gõ vào đồ dùng gia đình, vênh
mặt nói.

- Đúng thế, đúng thế. Xin bà thông gia bớt
giận, tại thằng Văn Bác nhà tôi nó không có mắt, không hiểu chuyện,
từ nhỏ tính tình đã ngang bướng như vậy đấy!

- Hừ, ông bà thông gia này, chẳng phải tôi oán
trách gì, nhưng chuyện hôn nhàn này khó mà lâu dài! – Mẹ Y Đồng tức
tối nói.

Bố mẹ Văn Bác giật mình hoảng hốt, vội vàng
xin lỗi, chỉ sợ mẹ Y Đồng sẽ đẩy con mình ra khỏi cửa, như vậy không
chỉ con trai mà cả đứa cháu nội chưa ra đời của ông bà cũng sẽ
chẳng còn chốn dung thân.

- Tôi nhất định sẽ bắt nó sửa sai, bắt nó
phải quay về nhận sai với ông bà. Cái thằng này thật chẳng ra là
sao, đều tại chúng tôi dạy bảo nó không tốt! – Mẹ Văn Bác đau khổ
nói.

Bố Văn Bác im lìm ngồi bên cạnh hút thuốc, Y
Đồng nhìn thấy bố chồng cứ hút thuốc từ nãy đến giờ liền ném cái
gạt tàn ra trước mặt ông, hỗn xược nói:

- Đừng làm bẩn sàn nhà!

Mẹ Văn Bác nhìn thấy vậy liền trách móc
chồng:

- Ông có thể đừng hút thuốc không hả?

Bố Văn Bác vội vàng dập thuốc rồi nhét phần
còn lại vào trong bao thuốc lá, chuẩn bị ra ngoài hút tiếp. Mẹ Văn
Bác liền nói:

- Nghiện thuốc nặng quá rồi, một lát không hút
là không chịu được hay sao?

Bố Y Đồng thấy con gái nói bố chồng như vậy,
trong lòng cũng thấy ái ngại. Dù gì con gái mình cũng là con dâu
của người ta, dù sao cũng phải biết phép tắc một chút, vì thế, ông
liền mỉm cười bảo:

- Không sao đâu, không sao đâu, sàn nhà bẩn đã có
tôi lau! – Nói rồi, ông lấy ra một điếu thuốc lá từ trong túi, đưa cho
bố Văn Bác.

Bố Văn Bác vội vàng xua tay:

- Ông thông gia, tôi không hút nữa đâu!

Mẹ Y Đồng liền trợn mắt lườm chồng. Bố Y Đồng
lập tức im bặt, không dám nói gì nữa.

- Bà xem chuyện này phải làm thế nào? Y Đồng
nhà chúng tôi sắp sinh đến nơi rồi mà con trai bà biến đâu mất tăm
mất tích, không thể để đứa bé sinh ra mà không có bố chứ?

- Bà yên tâm, chúng tôi sẽ mau chóng tìm nó về!
– Mẹ Văn Bác nói.

- Vậy thì tốt, tôi cứ nói thẳng, tôi cho ông bà
ba ngày, nếu trong ba ngày không tìm được nó về thì các người bảo
nó đừng bao giờ về nữa, lúc đó chớ có trách chúng tôi trở mặt! –
Mẹ Y Đồng nói.

- Bà yên tâm, nhất định tôi sẽ tìm được nó về,
bắt nó nhận tội với ông bà!

Ngay trưa ngày hôm đó, bố mẹ Văn Bác vất vả đi
tìm anh. Y Đồng cũng chẳng buồn giữ bố mẹ chồng ở lại ăn cơm, càng
không có ý giữ họ lại ở trong nhà mình dăm ba hôm. Cô con dâu này
đúng là còn to hơn cả con gái hoàng đế. Dù gì cũng là bố mẹ chồng
mình, có mời họ bữa cơm cũng là điều đương nhiên, đó cũng là những
phép tắc cơ bản. Một sinh viên tốt nghiệp đại học chẳng lẽ không
hiểu được điều này sao?

Bố mẹ Văn Bác ra ngoài, tìm một cái nhà nghỉ
nhỏ để trọ lại, sau đó bắt đầu đi nghe ngóng khắp nơi. Tối hôm ấy,
mẹ Văn Bác bị ốm.

Bởi vì Văn Bác đã thay số điện thoại, anh lại
dặn tất cả mọi người trong công ty là cho dù có ai hỏi số của anh
cũng dứt khoát không cho, chủ yếu là để đề phòng Y Đồng đến tìm,
vì vậy bố mẹ Văn Bác có đến công ty con trai cũng chẳng thể tìm được
cách liên lạc với con. Cuối cùng, sau ba ngày ở nhà nghỉ, đôn đáo
tìm con không được, bố mẹ Văn Bác đành phải trở về quê.

Khổ thân bố mẹ Văn Bác, vượt ngàn dặm xa xôi
đến đây tìm con trai, không những chẳng được gặp mặt con trai mà ngay
cả một bữa cơm của con dâu cũng chẳng được ăn, đúng là quá lắm!
Người ta nói mẹ chồng – nàng dâu như oan gia, lẽ nào đúng là thế
thật? Mẹ chồng với nàng dâu có gì khó cư xử nhỉ? Phần lớn các cô
con dâu đều nói mẹ chồng rất hung dữ, rất độc đoán, rất đáng sợ.
Thế nhưng mẹ Văn Bác xuất thân từ nông thôn, chưa bao giờ can thiệp vào
cuộc sống riêng tư của của con trai với con dâu, chưa bao giờ gây phiền
phức cho con dâu, chưa bao giờ xin tiền con dâu, cũng chưa bao giờ sai
bảo con dâu việc gì, càng không bao giờ chỉ trích con dâu lấy nửa
lời, vậy mà tại sao mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu giữa hai người
họ vẫn lạnh nhạt như vậy? Bố mẹ Văn Bác đến nhà con dâu, Y Đồng
không những không giữ họ lại vài ngày, ngay cả bữa cơm cũng không mời
lấy một tiếng. Để đến nỗi hai cái thân già phải đi thuê nhà nghỉ ở
tạm, thật khiến cho người khác cảm thấy chua xót! Rốt cuộc bố mẹ
chồng đã đắc tội gì với cô con dâu vậy? Lẽ nào chỉ là bởi vì bố
mẹ chồng là người nhà quê hay sao? Là con dâu mà làm như vậy thật
chẳng có chút tình người nào.

Văn Bác cũng đâu có biết bố mẹ mình phải chịu
khổ thế nào khi lên thành phố tìm con. Nếu anh mà biết bố mẹ bị
đối đãi như thế này, chắc chắn anh sẽ phát điên lên mất. Anh cảm
thấy cho dù mình có phạm phải lỗi lầm thế nào đi nữa thì vợ mình cũng
phải đối xử với bố mẹ chồng theo đúng lễ nghĩa, bề trên ra bề trên,
cho dù chỉ có một ngày làm dâu cũng vẫn phải tôn trọng bố mẹ
chồng, nếu không anh quyết không bỏ qua.

Thực ra, Văn Bác cũng rất muốn gọi điện cho bố
mẹ, nhưng anh không dám, anh sợ bố mẹ lại hỏi han tình hình của anh
với Y Đồng. Nếu bố mẹ biết anh bỏ nhà ra đi, chắc chắn sẽ rất lo
lắng, sốt ruột. Nhưng Văn Bác đâu có ngờ, lúc này bố mẹ anh đã biết
hết sự thật, hơn nữa còn chạy đến xin lỗi nhà thông gia và con dâu.
Nếu Văn Bác mà biết chắc anh sẽ tức điên lên mất.

Hiện thực luôn tàn khốc, đó chính là một mặt
chẳng ai biết đến của cuộc sống. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Văn Bác lúc này chỉ mong sớm làm lên sự nghiệp, thay đổi hoàn cảnh
hiện tại, thay đổi cuộc sống và thay đổi vận mệnh của mỉnh. Đợi
đến khi anh đứng được lên bậc thềm của sự thành công, khi anh phát
đạt, có nhiều tiền rồi, anh tin rằng Y Đồng sẽ không còn dám khinh
thường anh nữa. Anh muốn làm cho người đàn bà ngang ngược và hỗn
xược này phải cúi đầu phục tùng anh…

Hay tin bố mẹ Văn Bác không tìm được con trai nên
đã về quê, Y Đồng nổi cơn thịnh nộ, lập tức gọi điện về, ép hai ông
bà phải lên thành phố tìm con trai, nếu không thì đừng mong Văn Bác
có thể quay về. Bố mẹ Văn Bác chẳng còn cách nào khác, đành phải
“kêu gọi” họ hàng thân thích đi nghe ngóng tung tích của con trai họ
nhưng vẫn chẳng có tin tức gì. Bần cùng bất đắc dĩ, hai thân già
đành phải đến công ty của Văn Bác, dò hỏi tung tích của anh.

Bố mẹ Văn Bác đến công ty tìm gặp lãnh đạo
nhưng các lãnh đạo đều đi công tác hết cả, chưa có ai về, chỉ có thư
ký văn phòng tiếp đón bố mẹ Văn Bác. Cô thư ký chỉ cho bố mẹ Văn
Bác số điện thoại chi nhánh công ty ở Thâm Quyến, còn những vấn đề
khác đều tránh nói đến. Bố mẹ Văn Bác đành gọi điện thoại đến chi
nhánh công ty ở Thâm Quyến nhưng nhân viên ở đó nói Văn Bác đi công tác
rồi. Bố mẹ Văn Bác hỏi số di động của con trai nhưng người đó nói
anh đã đổi số, chỉ có thể chờ đến khi anh đi công tác về, người ta
sẽ chuyển lời lại. Bố mẹ Văn Bác đành phải thôi không hỏi nữa.

Lúc ra khỏi công ty, trông hai thân già rất đáng
thương. Bệnh tình của bố Văn Bác chưa khỏi hẳn, dạ dày đau đến mức
đi không thẳng lưng được. Nhưng ông cũng không dám đến bệnh viện chữa
bệnh, bởi hai người không mang nhiều tiền, không dám đi ăn, cũng chẳng
dám ở nhà trọ, họ định trú chân tạm dưới mái hiên một bách hóa
gần đó.

Lương Tuyết đi qua, thấy bố mẹ Văn Bác không có
chỗ nghỉ chân liền đi đến trước mặt họ, nói:

- Thưa hai bác, cháu là đồng nghiệp của anh Văn
Bác. Anh ấy đi công tác xa nên gọi điện nhờ cháu chăm sóc hai bác.
Giờ hai bác về nhà với cháu nhé!

- Cô à, cô đúng là đồng nghiệp của Văn Bác à?
Cô mau nói cho chúng tôi biết Văn Bác hiện giờ đang ở đâu?

- Hai Bác đừng sốt ruột, cứ theo cháu về nhà
ăn chút gì đã, cháu nhất định sẽ giúp hai bác liên lạc với Văn Bác!

- Vâng vâng, nếu vậy thì tốt quá!

Lương Tuyết đang định đưa bố mẹ Văn Bác về nhà
mình rồi nấu cho họ chút gì ăn, sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho họ. Nhưng
mới đi được vài bước, bố Văn Bác đã thấy trời đất tối sầm, ngã ra
đất ngất đi. Lương Tuyết sợ quá vội vàng gọi cấp cứu đưa bố Văn Bác
đến bệnh viện.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bố Văn Bác, tình
trạng không được tốt cho lắm. Bác sĩ nói loét dạ dày là bệnh mãn
tính, hơn nữa lại dễ tái phát, muốn chữa lành hẳn phải điều trị

trong thời gian dài, không được để bệnh vừa mới chuyển biến tốt đã
đột ngột ngừng dùng thuốc, cũng không được mới dùng thuốc có vài
ngày, thấy bệnh tình không thuyên giảm đã chuyển sang loại thuốc khác.
Thông thường, một liệu trình điều trị thuốc là khoảng bốn đến sau
tuần, sau khi cơn đau dịu bớt vẫn cần điều trị thêm ba tháng, thậm
chí là lâu hơn.

Lương Tuyết thấy tình trạng của bố Văn Bác khá
nghiêm trọng liền lập tức gọi điện cho chi nhánh bên Thâm Quyến, bảo
họ lập tức gọi điện cho Văn Bác. Thư ký ở chi nhánh công ty lập tức
thông báo cho Văn Bác biết. Lương Tuyết nhận được điện thoại của Văn
Bác liền nói:

- Giờ anh bay về đây ngay lập tức, bố anh đang
bệnh, nằm trong bệnh viện Thứ Nhất.

Văn Bác nghe thấy Lương Tuyết nói bố mình ngã
bệnh vội vàng gác công việc sang một bên, mua vé máy bay bay về. Công
việc có rất nhiều lựa chọn, mất rồi có thể tìm việc khác, nhưng
bố vĩnh viễn chỉ có một, chẳng ai có thể thay thế.

Hai tiếng đồng hồ sau, Văn Bác đã hộc tốc lao
đến bệnh viện, bố anh lúc này đã thiếp đi, mẹ anh ngồi bên chăm sóc,
Lương Tuyết đã làm đầy đủ thủ tục nhập viện cho bố Văn Bác và trở
về công ty làm việc rồi.

Văn Bác vừa vào đến phòng bệnh đã nhìn thấy
mặt mẹ thẫn thờ ngồi bên cạnh giường, sắc mặt bố trắng bệch, đôi
mắt nhắm chặt, những vết châm chim trên mặt càng trở nên xanh xao.
Bỗng chốc anh cảm thấy bố mẹ mình như già đi trông thấy. Văn Bác
thấy xót xa vô cùng, suýt nữa thì rơi nước mắt. Anh cảm thấy rất áy
náy, mình vốn được học đại học, lại lấy vợ thành phố, ấy vậy mà
chẳng làm được gì để phụng dưỡng bố mẹ cả. Đã không cải thiện
được cuộc sống của bố mẹ thì thôi, giờ anh còn khiến cho bố mẹ
càng thêm vất vả, khổ sở. Văn Bác nghẹ ngào gọi một tiếng:

- Mẹ!

Mẹ anh ngoảnh đầu lại nhìn con, nước mắt lã
chã tuôn rơi. Bà nghẹn ngào:

- Con ơi, cuối cùng con cũng đã về!

- Mẹ à, sức khỏe bố thế nào rồi? Đã đỡ hơn
chưa? – Văn Bác vội vàng chạy đến trước giường bệnh, quỳ xuống bên
cạnh bố.

Bố anh từ từ mở mắt, nhìn con trai, yếu ớt
nói:

- Con à, bố tưởng không được nhìn thấy con nữa
rồi!

- Bố à, bố đừng nói như vậy, con còn chưa
phụng dưỡng được bố mẹ ngày nào, bố mẹ phải cho con cơ hội chứ! –
Văn Bác không nén được nữa, bật khóc.

- Về là tốt rồi! Về là tốt rồi! – Mẹ Văn Bác
nói.

- Bố với mẹ con, tìm con đến khổ! – Bố anh
bảo.

- Bố à, bố cứ yên tâm dưỡng bệnh, lần này con
sẽ không rời xa bố mẹ nữa đâu ạ! Con sẽ về quê với bố mẹ, sẽ phụng
dưỡng bố mẹ cả đời! – Văn Bác nói.

- Nói bậy, về quê ư? Thế thì bố mẹ khổ sở cho
con đi học làm gì? Con phải làm rạng danh dòng họ nhà ta! – Bố Văn
Bác giận dữ nói.

- Con à, con tuyệt đối không thể về quê được!
Bố mẹ rất hi vọng con sẽ có hộ khẩu ở thành phố này, nếu con về
quê rồi, người trong thôn sẽ cười vào mặt chúng ta mất! – Mẹ Văn Bác
bảo.

- Bố, mẹ, con phải báo hiếu bố mẹ!

- Con ở lại thành phố, sống hòa thuận với vợ
chính là sự báo hiếu lớn nhất đối với bố mẹ rồi, bố mẹ không cần
con phải lo đâu!

- Thế đâu có được? Con có thể không cần vợ chứ
không thể không cần bố mẹ! Con không chăm lo cho bố mẹ thì sét đánh
chết con!

- Con à, con nghe mẹ lần này đi có được không? –
Mẹ Văn Bác khuyên nhủ con.

- Mẹ, bố mẹ từ xa đến đây, thế mà cô ta đối
xử với bố mẹ thế nào? Là phận con dâu, ít nhất cũng phải tận
nghĩa chứ? Cô ta dám bỏ mặc bố mẹ, hoàn toàn chẳng coi chúng ta là
người một nhà, con còn cần người đàn bà như vậy làm gì chứ?

- Thôi bỏ đi, cố mà nhẫn nhịn, có thể người
thành phố là như vậy, không nhiệt tình đối đãi với người ngoài, không
giống như người dân quê chúng ta, cứ bạn bè, thân thích đến nhà chơi
là nhiệt tình khoản đãi! – Bố anh nói.

- Thế thì cô ta cũng phải nhìn xem đó là ai
chứ? Bố mẹ chồng chứ có phải người ngoài đâu? – Văn Bác bực bội.

- Đừng nói chuyện này nữa, có thể sau này các
con có con, nó sẽ thay đổi thôi! – Mẹ anh bảo.

- Loại người vô đạo đức, vô lương tâm ấy, sinh ra
đã máu lạnh rồi, giống hệt như bố mẹ cô ta vậy, làm sao mà thay đổi
được?

- Sau này nó sẽ thay đổi mà!

- Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời!

- Con à, con nghe lời mẹ đi! Đừng có so đo với
nó nữa, nó đang mang cốt nhục nhà ta, đừng để xảy ra sai sót gì,
nếu không bố mẹ không đồng ý đâu!

Văn Bác ngẫm nghĩ, hiện giờ không thể để cho
bố mẹ biết chuyện mình muốn ly hôn, bố mẹ anh chắc chắn sẽ không
đồng ý. Đợi khi nào bệnh tình của bố chuyển biến tốt, anh sẽ thu
xếp cho bố mẹ yên ổn rồi tính sổ với Y Đồng.

Văn Bác đệ đơn xin nghỉ phép lên công ty để
chuyên tâm chăm sóc bố mẹ. Chẳng mất chốc, bệnh tình của bố anh đã
có chuyển biến tốt. Bố Văn Bác một mực đòi đến nhà thông gia để
nói chuyện cho rõ ràng nhưng anh không cho bố đi, anh nói anh đã nghĩ
kỹ rồi, sẽ quay về nhà. Bố mẹ anh thấy con trai nói vậy thì thôi
không nói gì nữa, dù gì nhà thông gia cũng lạnh nhạt như vậy, có
đến đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Không lâu sau đó, Văn Bác tiễn bố
mẹ về quê. Việc đầu tiên mà anh làm sau khi từ ga tàu trở về là đến
nhà vợ, lấy tất cả những gì thuộc về mình. Y Đồng chất vấn:

- Tại sao anh chưa chào hỏi gì đã bỏ đi thế
hả?

Văn Bác lạnh lùng nói:

- Tôi định ly hôn với cô thì chào hỏi cái gì?

- Ly hôn? Tôi sắp sinh đến nơi rồi mà anh còn
muốn ly hôn à? Tại sao?

- Loại đàn bà máu lạnh như cô, tôi nhìn thấy
đã buồn nôn rồi, giờ tôi không còn yêu cô nữa!

- Ok, anh muốn ly hôn chứ gì? Ly hôn thì ly hôn,
anh tưởng tôi yêu anh lắm chắc?

- Vậy thì tốt, ngày mai đi làm thủ tục đi! –
Văn Bác nói rồi xách đồ đạc bỏ đi.

- Văn Bác, sao anh vừa mới về đã định đi thế
hả? – Mẹ Y Đồng đi đâu về, vừa vào đến cửa đã gặp Văn Bác đi ra.

- Tôi muốn ly hôn với cô ta!

- Ly hôn? Thế đứa bé thì sao? Sao anh có thể vô
trách nhiệm như thế hả?

- Trách nhiệm á? Bà thử hỏi con gái bà xem cô
ta có trách nhiệm không?

- Mày nói thế là có ý gì?

- Chả có ý gì, tôi không thể sống với cô ta
được nữa!

- Y Đồng đang có bầu, mày chớ có mong ly hôn,
pháp luật tuyệt đối không cho phép! – Mẹ y Đồng quát.

- Thế thì ly thân, pháp luật quy định vợ chồng
ly thân hai năm là có thể ly hôn! – Văn Bác chẳng chút e sợ.

- Mày thật là vô lương tâm, nỡ bỏ lại vợ con
không đoái hoài gì đến!

- Tôi vô lương tâm ư? Bà hỏi lại con gái bà xem
rốt cuộc là ai vô lương tâm?

Văn Bác nói xong liền xách đồ đi thẳng ra
ngoài. Anh đã hạ quyết tâm sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, không
bao giờ để cho gia đình vợ đè đầu cưỡi cổ mình nữa. Anh lập tức trở
về chi nhánh công ty bên Thâm Quyến, bắt đầu cố gắng làm việc. Anh phải
kiếm tiền, phái bán mạng làm việc, phải trở thành một người đàn
ông có sự nghiệp, tìm lại sự tự tôn của mình để không ai còn có
thể khinh rẻ anh được nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui