- Anh không thể chăm sóc được nó đâu, để tôi mang nó về với tôi vì nó cần có một tình thương mà anh không thể nào có được.
- Thưa má, không bao giờ con chịu rời xa Bích Ngọc hết, ông ta gay gắt đáp.
Rồi ông tiếp với giọng huyênh hoang :
- Ba nó đã giao phó cho con, thì con phải làm đúng lời trối trăng của người đã khuất.
Tối đến, cụ Giáo sang phòng tôi khóc lóc. Cũng như tôi, cụ đã hiểu là Xuân Lộc chỉ coi đứa bé như một nguồn lợi tức dồi dào và ông sẽ tranh đấu kịch liệt để giữ lấy nó. Và ông ta đã sử dụng một cách hoang phí nguồn lợi tức này. Trong khi con nhỏ không đủ sống thì ông giám hộ lại có một chiếc xe hơi lộng lẫy và tối nào cũng la cà nơi cao lâu tửu quán với bạn bè.
Chúng tôi nán lại ở đấy vài ngày, mặc dù phải chịu đựng nhiều điều phiền nhiễu, bực mình. Bích Ngọc dần dần quen đi, chơi với chúng tôi và tỏ ra rất hài lòng với những chiếc áo do bà nội mang lên cho nó từ Sàigòn. Tuy nhiên, nó vẫn còn luôn luôn giữ vẻ mặt đăm chiêu. Vừa nắm lấy tay chúng tôi, nó vừa lo lắng nhìn dáo dác chung quanh.
- Thưa bà, bác Xuân Lộc không muốn cho cháu ra ngoài, nó giảng giải, nếu bây giờ gặp bác, không biết bác có mắng cháu không ?
Cụ Giáo hôn lên trán con nhỏ, an ủi :
- Không, cháu không làm gì trái lời bác Xuân Lộc đâu, vì chính là bà và bác Mỹ Lệ dẫn cháu đi chơi bữa nay kia mà.
Nó lắc đầu, tỏ ra không mấy tin tưởng và vội vã quay về.
Một hôm, lúc nó thay áo, bà nội nó nhận thấy vài vết sẹo trên lưng nó và hỏi lý do tại sao. Bích Ngọc đỏ mặt lên và bối rối trả lời là nó bị ngã.
Nó đã nói dối, nhưng vì không muốn làm tâm trí nó bị dày vò nên cụ Giáo không gặng hỏi gì thêm nữa. Tôi bèn quyết định hỏi thăm Cham Nóp để biết rõ sự thật, vì chú có vẻ tận tâm với đứa bé. Việc đó không phải dễ, vì hồi đó chú chỉ biết nói bập bẹ tiếng Việt mà thôi. Tôi lại không biết nói tiếng Miên nên câu chuyện rất khó khăn. Cham Nóp đã nghĩ ra một cách rất hay : chú hẹn chúng tôi đến nhà một người bạn biết nói tiếng Việt rất rành để làm thông ngôn. Ở đây, chúng tôi có thể nói chuyện dễ dàng và tự do hơn. Cuộc phỏng vấn này đã xác định những điều phỏng đoán của chúng tôi. Không những Bích Ngọc bị bỏ rơi, không một sự săn sóc mà đôi khi còn bị đánh đập tàn nhẫn.
- Bà không thể nào tưởng tượng được đời sống của Bích Ngọc khổ sở đến mức nào, Cham Nóp kể lể. Tuy không bị bỏ đói và thường xuyên hành hạ nhưng cô ấy rất khiếp sợ ông Xuân Lộc.. Một hôm, cô ấy đòi gặp bà nội và tôi thấy ông ấy lấy cây roi đánh chó để vụt lên lưng cô Ngọc. Ông không ngớt hạ nhục cô ta ; dường như ông ta thù ghét cô ta ghê gớm thì phải ? Ông ta tưởng như chúng tôi không biết là ông muốn trút sự thù ghét người em ghẻ lên đầu đứa trẻ vô tội này.
- Cham Nóp, sự hiện diện của chú nơi đây làm tôi biết chắc là tôi có thể tin cậy vào lòng trung thành của chú. Vậy tôi giao Bích Ngọc cho chú. Nếu có điều gì bất thường, chú hãy báo cho tôi biết ngay ; dù muốn dù không, tôi sẽ mang nó về cho bà nội nó.
Nhưng than ôi ! Tôi đã quên rằng tôi không có một chút quyền hành gì đối với đứa trẻ đáng yêu kia. Chắc chắn luật pháp sẽ bênh vực người giám hộ và ông Xuân Lộc mới là người có quyền đem nó đi hết chân trời góc biển nào cũng được. Tôi sẽ gặp sự chống đối nếu tôi muốn lôi nó ra khỏi cái cuộc sống khốn khổ này.
Cụ Giáo và tôi đành thất vọng trở về.
Nghe lời cụ, tôi đã đi thưa Xuân Lộc để rút lại quyền giám hộ của ông ta. Nhưng thủ tục tiến hành rất chậm chạp. Thời gian lặng lẽ trôi qua và một lần nữa, chúng tôi lại phải mỏi mòn chờ đợi tin tức. Thư từ trở nên càng ngày càng thưa thớt. Nếu Cham Nóp không nhờ được người bạn viết thư thì chúng tôi không biết là Bích Ngọc còn sống.
Vào một buổi chiều kia, tôi nhận được một cú điện thoại cấp bách của cụ Giáo.
- Bà hãy đến ngay tức thì, tôi không thể nói gì hơn, nhưng thật là khủng khiếp.
Tại nhà cụ Giáo, tôi thấy Bích Ngọc vừa được Cham Nóp chở đến. Đang trong cơn sốt li bì, con bé mệt lả nằm trên chiếc đi văng.
Không phải là Xuân Lộc đã sai đem nó tới đây. Khi thấy nó lâm vào tình trạng nguy ngập này, Cham Nóp sợ có chuyện gì xảy ra nên đã thừa lúc vắng mặt của Xuân Lộc để chạy trốn với đứa nhỏ.
- Bà ạ, chúng ta sẽ săn sóc nó, sẽ lo chạy chữa thuốc thang cho nó khỏi bệnh, cụ Giáo vừa nói vừa nhè nhẹ xoa đôi bàn tay bé nhỏ của đứa cháu nội.
Cụ đã quên rằng bọn chúng tôi đang dấn thân vào một trường hợp nguy hiểm. Trên phương diện pháp lý, chỉ người giám hộ mới được quyền coi giữ đứa bé và bọn chúng tôi sẽ bị xem như đã bắt cóc Bích Ngọc. Xuân Lộc sẽ không ngần ngại trình báo cảnh sát và có lẽ ngay hôm sau, người ta sẽ đến bắt lại đứa bé và kết án chúng tôi.
- Thưa cụ, cháu Bích Ngọc không thể nào sống yên ổn ở nhà cụ hay ở nhà tôi, tôi dịu dàng nói với cụ giáo, vì sự tìm kiếm sẽ phát khởi ngay từ hai nhà này. Vậy đêm nay tôi sẽ đem gởi Bích Ngọc tại nhà một người quen rất kín đáo, rồi sáng mai sẽ tính.
Muốn thoát khỏi tay Xuân Lộc thì phải chạy trốn, ẩn náu, như thế đời sống sẽ thành một cuộc phiêu lưu nay đây mai đó, và luôn luôn cảm thấy mình bị theo dõi, lùng bắt. Cuộc đời trôi nổi, khổ cực này, cụ Giáo không thể chịu được vì cụ đã già, nên tôi đã lãnh nhận Bích Ngọc. Cùng