Phật-giáo sau khi được truyền sang Trung Quốc thì phân làm năm tông phái là Thiền, Giáo, Luật, Tịnh, Mật.
Thiền là Thiềnđịnh; Giáo là Giáo-lý; Luật là Giới-luật; Tịnh là Tịnh-độ; Mật là trìChú.
Lúc này là lúc đả Thiền-thất, nên chỉ giảng về lý Thiền, còn bốn tông phái kia thì tạm thời không đề cập đến.Thiền-na, dịch là "Tư Duy Tu," nghĩa là thường tư duy, suy gẫm về một việc.
Việc gì? Tức là thoại đầu.
Xem xét "Ai Niệm Phật?" gọi là tham Thiền.
Kỳ thật, tham thoại đầu cũng chỉ là vọng tưởng; bất quá chúng ta dùng vọng tưởng để chế phục vọng tưởng, "dĩ độc công độc," tức là lấy một vọng tưởng để tiêu diệt nhiều vọng tưởng khác.
Công phu tham thoại đầu đòi hỏi phải trải qua thời gian dài thì mới thành tựu, do đó nói: "Tham cứu lâu mới có Thiền.""Tham" cũng giống như lấy cái khoan đục vào gỗ vậy.
Chưa đục xuyên thủng thì chưa ngừng, chẳng thể nửa đường bỏ phế; bởi nếu thế thì công phu từ trước hoàn toàn vất bỏ.
Tham Thiền, quan trọng nhất là nhẫn nại được.
Khi nhẫn nại đến chỗ tột đỉnh thì có thể chẳng nảy sinh một vọng niệm nào cả.
Khi "một niệm chẳng sinh" thì có thể khai ngộ.
Có câu:"Ðầu sào trăm thước, dấn thêm một bước."Nghĩa là khi quý vị ở đầu ngọn sào dài trăm thước, quý vị vẫn tiếp tục bước thêm một bước nữa.
Lúc ấy, "mười phương thế giới đều hiện toàn thể." Song, pháp môn này mỗi niệm lúc nào cũng tu trì thì mới có hiệu quả; không thể lười biếng, không thể buông lung.
Trong Chứng Ðạo Ca có nói rằng:Ðốn giác liễu Như Lai ThiềnLục Ðộ Vạn Hạnh thể trung viên Mộng lý minh minh hữu Lục Thú, Giác hậu không không vô đại thiên.Nghĩa là:Thiền Như Lai thoát hiểu rồi.Lục Ðộ, vạn hạnh, thể tròn đầy.Mộng thì rõ ràng có sáu nẻo,Ngộ xong trống rỗng, chẳng đại thiên."Ðốn" tức là lập tức giác ngộ một đạo lý.
Rằng:Lý khả đốn ngộ, sự tu tiệm tu.(Lý có thể hiểu ngay lập tức, song sự thì phải từ từ tu.)Về "sự" thì chúng ta cần phải tu từng bước một, còn về "lý" thì cần phải hiểu rõ ngay tức khắc.
Khi đốn-ngộ thì chúng ta biết giếng ở đâu để đi lấy nước; còn lúc chưa đốn-ngộ thì chúng ta chỉ nghe tiếng dây ròng rọc kéo nước mà không biết giếng ở đâu.
Ví dụ này thuyết minh Phật-tánh từ đâu lại.
Làm sao để chứng đắc Phật-tánh? Chứng Phật-tánh không có pháp gì khác, chỉ một cách là tham Thiền, ngồi Thiền.Lục Ðộ là pháp môn Bồ-tát tu hành.
Bố thí thì "độ" tánh bỏn xẻn và tham lam.
Trì giới thì "độ" việc hủy phạm.
Nhẫn nhục thì "độ" tánh sân hận.
Tinh tấn thì "độ" thói giải đãi, biếng nhác.
Thiền định thì "độ" sự tán loạn.
Trí huệ thì "độ" tâm ngu si.
Khi Lục Ðộ tu đến viên mãn thì mới khai ngộ đặng.Chúng ta lúc nào cũng ở trong mộng.
Rằng:Nhân sinh nhất trường mộng, Nhân tử mộng nhất trường.Mộng lýthân vinh quý,Mộng tỉnh tại cùng hương,Triều triều thị tác mộng,Bất giác mộng hoàng lương,Mộng trung nhược bất giác, Uổng tác mộng nhất trường.Nghĩa là:Người sống: một tràng mộng, Người chết: mộng một tràng.Trong mộng thân vinh quý,Tỉnh mộng vẫn nghèo xơ,Ngày ngày cứ nằm mộng,Chẳng biết mộng "kê vàng,"Nằm mộng mà chẳng biết,Uổng thay mộng một tràng.Lúc mộng, chúng ta thấy rõ ràng có Lục-thú (sáu nẻo: trời, người, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục); đến lúc giác ngộ mới thấy tam thiên đại thiên thế giới đều chẳng có.
Vì sao? Vì không còn chấp trước.
Chẳng còn chấp trước thì đem vạn vật "phản bổn hoàn nguyên"; như thế làm sao còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng đặng? Mọi thứ đều chẳng còn! Có người nghe rằng bốn tướng đều hết thì chẳng dám tu hành, vì ngộ nhận rằng: "Tu đến cực điểm thì người ta chẳng hiện hữu nữa, chúng sinh cũng hết sạch, thọ giả cũng không còn, vậy thì sao đây? Lúc ấy công việc làm cũng hết luôn, e rằng tôi sẽ thất nghiệp mất!"Quý vị nhất định cần có việc làm sao? Vậy thì cứ tiếp tục điên đảo! Khi tu hành đến chỗ không còn bốn tướng, thì quý vị sẽ "quét sạch tất cả pháp, xa rời tất cả tướng," chứng đắc Thựctướng của mọi sự.
Rằng:Nhất pháp bất lập, vạn pháp giai không.(Một pháp chẳng lập, mọi sự đều không.)Chẳng thể nói suông là mình hiểu đạo lý này, mà chúng ta bắt buộc phải chân chính chứng đắc cảnh giới "một pháp chẳng lập, mọi sự đều không." Lúc ấy sẽ chẳng còn gì là khổ, chỉ hưởng thọ sự an lạc.Người ta ở đời, nếu không chấp trước danh vọng thì cũng ôm chặt lợi lộc, không chấp trước tiền tài, thì lại mê đắm sắc đẹp, do đó không thể nhìn thủng (hiện tượng), chẳng thể buông bỏ (mọi chấp trước).
Muốn nhìn thủng, muốn buông bỏ, song lại chẳng đặng.
Vì sao chẳng kham? Bởi vì trong tâm có "con quỷ" tinh tế và "con sâu" linh lợi tác quái, do đó rất nhiều việc mình để lỡ cơ hội, đối diện với Ðức Quán Âm mà chẳng nhận ra Ngài.
Ðức Quán Âm Bồ-tát ở ngay trước mặt, thế mà cứ đi tìm kiếm khắp nơi.
Ðó chính là bị điên đảo vọng tưởng chi phối vậy.Chữ "tham" trong tham Thiền có nghĩa là quán chiếu, quan sát.
Quán chiếu cái gì? Quán chiếu Bát-nhã.
Nghĩa là trong mọi ý niệm, mọi thời điểm, quý vị phải quan sát chính mình ở đây (tự tại), đừng quan sát kẻ khác (tha tại).
Hãy quán sát xem mình có ở tại đây hay chăng-nếu mình ở đây thì có thể tham Thiền, dụng công tu hành; nếu mình chẳng ở đây, tức là mình khởi vọng tưởng lăng xăng, nghĩ ngợi vớ vẩn.
Thân tuy ở trong Thiềnđường, nhưng tâm lại dong ruổi tận Nữu Ước hay Ý Ðại Lợi.
Tới đâu cũng phan duyên, thành ra không tự tại nữa.Quán chiếu tự tại tức là Bồ-tát.
Quán chiếu không tự tại tức là phàm phu.
Quán chiếu tự tại là thiên đường.
Quán chiếu không tự tại là địa ngục.
Nếu chúng ta quán chiếu với sự tự tại, tâm không chạy ra ngoài, thì có thể "thực hành Bát-nhã Ba-la-mật thâm sâu." Lúc tham Thiền, thân ngồi tại Thiền-đường, tâm miên mật tham cứu liên tục, không gián đoạn, thì mới đúng là thực hành Bát-nhã thâm sâu, tìm được trí huệ.
Khi đắc đại trí huệ thì mới tới được bờ bên kia, bờ giải thoát.Bí quyết tham Thiền là "triều dã tư, tịch dã tư" (ngày tham cứu, đêm cũng tham cứu).
Tham cứu cái gì? Tham cứu "Niệm Phật là Ai?" Ngày nay tham cứu, ngày mai tham cứu.
Ngày ngày tại Thiền-đường "thực hành Bát-nhã Ba-la-mật thâm sâu," song không phải chỉ một thời gian ngắn là có thể nếm được mùi vịThiền ngay đâu.
Quý vị phải trải qua thời gian dài lâu mới được.
Khi có công phu "thực hành Bát-nhã Ba-la-mật thâm sâu" thì mới có thể "soi thấy năm Uẩn đều không."Năm Uẩn còn gọi là năm Ấm.
"Uẩn" có nghĩa là tụ tập; "Ấm" có nghĩa là che đậy, bao phủ.
Vì sao chúng ta không được tự tại, không đắc giải thoát? Bởi vì chúng ta bị năm Ấm che phủ! Năm Uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức.1.
Sắc-uẩn: Có chướng ngại thì gọi là sắc, có hình tướng cũng là sắc.
Sắc-uẩn chẳng không thì thấy sắc sẽ bị sắc-trần mê hoặc, nghe âm thanh thì bị thanh-trần mê hoặc, ngửi mùi hương thì bị hương-trần mê hoặc, nếm mùi vị thì bị vị-trần mê hoặc, tiếp xúc với vật thì bị xúc-trần mê hoặc.
Nếu khiến cho sắc-uẩn là không, thì bên trong không có tâm, bên ngoài không có hình tướng, xa gần không có vật thể.
"Sắc" cũng có nghĩa là đủ thứ sắc đẹp, nhan sắc khiến mắt ta hỗn loạn, không nhận biết rõ ràng, mờ mịt giống như kẻ mù vậy.
Trong Ðạo Ðức Kinh có nói:Ngũ sắc linh nhân mục manh,Ngũ âm linh nhân nhĩ lung,Ngũ vị linh nhân khẩu sảng.Nghĩa là:Năm sắc khiến mắt người mù,Năm âm khiến tai người điếc,Năm vị khiến miệng người đờ.Những thứ ấy đều do bị sắc-uẩn mê hoặc.
Nếu phá được sắcuẩn rồi, thì núi sông, đất đai, thành quách, nhà cửa đều rỗng không cả, chẳng còn gì rắc rối nữa.
Do đó, sắc-uẩn chưa không, thì chúng ta còn chấp trước ở sắc.
Khi chấp trước ở sắc thì không thể trừ khử được kiến-hoặc (sự mê muội của cái thấy).Kiến-hoặc là do khi gặp cảnh thì khởi lòng tham ái.
Cảnh giới tức là sắc.
Khi đối trước cảnh giới nào cũng sinh lòng tham lam hay yêu thích, tức là có chấp trước.
Kiến-hoặc có tám mươi tám phẩm; nếu chặt đứt hết được thì sẽ chứng Sơ-quả A-la-hán.Người tu Ðạo chúng ta, trước tiên cần phải đoạn tám mươi tám phẩm kiến-hoặc vốn tồn tại trong Tam-Giới, rồi sau đó mới đoạn trừ tám mươi mốt phẩm tư-hoặc ở Tam-Giới.Tư-hoặc là do mê muội chân lý nên khởi phân biệt, tức là đối với tất cả đạo lý mình không nhận thức được rõ ràng.
Khi đoạn trừ hết tám mươi mốt phẩm tư-hoặc thì sẽ chứng Tứ-quả A-la-hán.2. Thọ-uẩn.
"Thọ" là lĩnh nạp lĩnh thọ, phát sinh cảm giác.
Khi cảnh giới đến, chẳng cần suy nghĩ gì, liền tiếp thụ lĩnh nạp, phát ra cảm giác.
Như ăn món gì, cảm giác thấy ngon, đó là "thọ." Mặc áo đẹp, cảm thấy vui, cũng là "thọ." Ở nhà tốt, cảm thấy thích, đó là "thọ." Ngồi xe tốt, có cảm giác êm ái, đó cũng là "thọ." Khi thân tiếp thọ bất kỳ thứ gì, cảm giác ra sao, đều gọi là "thọ."3. Tưởng-uẩn: tức là tư tưởng, ý niệm.
Vì năm Căn tiếp xúc, lãnh thọ cảnh giới của năm Trần nên phát sinh ra đủ thứ vọng tưởng, đủ thứ ý niệm.
Chúng thoắt sinh ra thoắt diệt mất, khởi lên tác dụng suy nghĩ đến sắc, đến thọ.4. Hành-uẩn.
Hành có ý nghĩa thiên lưu, dời đổi, lúc tới lúc đi, lúc đi lúc tới, chẳng khi nào ngừng nghỉ, trôi mãi không dừng.
Ðộng cơ làm ác làm thiện là ở trong tâm, song do vọng tưởng, suy tư chi phối và phản ảnh qua những hành vi, cử chỉ của thân khẩu ý (mọi hành vi ấy đều thuộc hành-uẩn).5. Thức-uẩn.
Thức có ý nghĩa phân biệt; cảnh giới tới thì sinh tâm phân biệt.
Ví dụ: Thấy sắc đẹp thì sinh lòng vui thích, nghe lời ác thì sinh lòng ghét bỏ, v.v...Nếu phá thủng được năm Uẩn thì sẽ vượt qua mọi khổ ách, cũng chẳng còn tai ách gì cả.
Vì sao chúng ta có tai ách? Bởi vì chúng ta chưa dẹp bỏ được hai thứ chấp trước là chấp ngã và chấp pháp (mọi sự mọi việc).Trong bài Chứng Ðạo Ca của Ðại sư Huyền Giác có nói:Ngũ Uẩn phù vân không khứ lai; Tam Ðộc thủy bào hư xuất một.Nghĩa là:Năm Uẩn như mây trôi, chẳng đến đi, Ba Ðộc như bọt nước, giả có, mất.Năm Uẩn xưa nay vốn không có tự tánh, hệt như đám mây trôi, thoắt nhiên có, thoắt nhiên mất.
Khi không rõ thấu đạo lý này, chúng ta sẽ mãi bị năm Uẩn che lấp, không thể tự tại, không đặng giải thoát.
Người tu Ðạo phải phá năm Uẩn.
Như mây bay lại, mặc nó lại; nếu nó trôi đi, mặc nó đi.
Không cần chú ý tới, không cần chấp trước nó.
Ba thứ độc tham, sân, si thì giống như bọt nước, vốn không có thực thể.
Chúng tự sinh ra rồi tự mất đi, nên đừng chấp trước vào chúng.
Bài "Chứng Ðạo Ca" lại nói:Chứng Thực-tướng, vô nhân pháp, Sát-na diệt khước A-tỳ nghiệp.Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh, Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.Nghĩa là:Chứng Thực-tướng, không nhân, pháp, Sát-na rũ sạch nghiệp A-tỳ.
Nếu đem lời dối, gạt chúng sinh, Tự chịu cắt lưỡi hằng sa kiếp."Thực-tướng" tức là "vô tướng, vô sở bất tướng" (không có hình tướng gì, song không có gì chẳng phải là nó).
Cũng có nghĩa là "tảo nhất thiết pháp, ly nhất thiết tướng" (quét sạch tất cả mọi pháp mọi sự; rời bỏ mọi hình tướng, mọi quan niệm).
Có thể nói là "phản bổn hoàn nguyên, chứng đắc tự tánh thanh tịnh." Tới được cảnh giới này thì cũng chẳng có người, chẳng có pháp.
Nhân, pháp đều quên hết.
Cũng không còn chấp người, hết luôn chấp pháp (mọi sự mọi việc).
Ðó là chứng đắc lý và thể của Thực-tướng.
Lúc ấy chỉ trong sát-na, có thể tất cả tội nghiệp đọa địa ngục Vô-gián đã tạo ra trong vô lượng kiếp về trước lập tức tiêu diệt hoàn toàn.
Ðại sư Vĩnh Gia nói rằng: "Nếu tôi đem lời giả dối để gạt gẫm chúng sinh, tôi xin cam tâm tình nguyện xuống địa ngục rút lưỡi, chịu khổ trong vô số kiếp nhiều như cát bụi vậy."Lúc ở Thiền-đường, quý vị hãy chân thật tu hành.
Giống như kéo tằm, quý vị phải nhẫn nại, từ từ kéo từng sợi tơ thì mới không bị rối.
Chớ nên tự cho mình là thông minh, muốn tìm đường tắt, muốn dùng phương pháp khoa học để khai ngộ; đó chỉ là suy nghĩ vớ vẩn.
Nếu khoa học có thể làm cho khai ngộ, thì các nhà khoa học gia đã không tự chui vào thế kẹt, họ đã sớm khai ngộ từ lâu rồi và chẳng ai có thể dự phần để khai ngộ với họ đâu! Chớ nên nghĩ ngợi mông lung mà phải thành thật, đúng phép mà tham cứu "Niệm Phật là Ai?" Lưng mỏi cũng phải chịu, chân đau cũng phải nhẫn; nhẫn nại mãi sẽ tới lúc quý vị khai ngộ.
Rằng:Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương?Nghĩa là:Không qua một lần lạnh buốt xương,Sao được hoa mai tỏa ngát hương?Quý vị hãy chú ý! Chớ quá thông minh rồi lại bị sự thông minh đánh lừa mình.
Phải nhớ: Một phần nỗ lực tu hành là một phần công phu.
Tu hành là chân thật công phu, không phải "khẩu đầu thiền" (thiền nói suông).
Chỉ nói suông mà không thực hành, thì không ích lợi gì.
"Thiền nói suông" chẳng những không giúp gì việc khai ngộ mà ngược lại còn chướng ngại là khác.
Do đó nói: "Không nói, mới là Thiền."Một niệm linh quang có thể triệt chiếu thiên địa, quý vị cùng mười phương ba đời chư Phật chẳng hề khác biệt.
Vì sao chúng ta không thể chứng đắc Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông? Vì kẻ phàm phu chúng ta vọng tưởng quá nhiều, do đó trí huệ bị che khuất, chẳng có quang minh, thành ra vô minh.
Cả ngày cứ khởi mê hoặc, tạo nghiệp, nên thọ nhận quả báo đau khổ trong vòng sinh tử.Tam Thân tức là Pháp-thân, Báo-thân, Ứng-thân (hoặc Hóathân).Tứ Trí tức là Thành-sở-tác Trí, Diệu-quán-sát Trí, Bình-đẳng-tánh Trí, Ðại-viên-kính Trí.Ngũ Nhãn tức là Nhục-nhãn, Thiên-nhãn, Pháp-nhãn, Huệ-nhãn, Phật-nhãn.Lục Thông tức là Thiên-nhãn Thông, Thiên-nhĩ Thông, Tha tâm Thông, Túc-mạng Thông, Thần-túc Thông, Lậu-tận Thông.Khi quý vị không có vọng tưởng gì thì mới chứng đắc những cảnh giới này.
Ðây chẳng phải là thứ triết lý, lý luận huyền diệu bí ẩn gì cả, chỉ là một thứ hiện tượng tự nhiên, từ chân thật công phu mà chứng đắc.
Chẳng có chút gì kỳ lạ, rất là bình thường.Từ vô thủy kiếp đến nay chúng ta bị vô minh che phủ, chẳng gặp được bậc Thiện-tri-thức dắt dẫn, không biết thế nào là minh tâm kiến tánh (minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh), không biết thế nào là phản bổn hoàn nguyên (trở về nguồn cội).
Chúng ta tu Thiền chính là để minh tâm kiến tánh, để phản bổn hoàn nguyên vậy.
Nếu được giải thoát thì sẽ không còn quái ngại, ngăn trở, xa rời mọi điên đảo mộng tưởng, cuối cùng tới đặng Niết-bàn vậy.Thiền thất 12/1980.