Kẻ tu hành phải có con mắt trạch pháp ("Trạch Pháp nhãn" hay "Dharma-selecting vision"), mới có thể chọn lựa thứ gì là chánh pháp, thứ gì là tà pháp.
Chánh pháp la?hông tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
Ðây là sáu đại tông chỉ, người tu Ðạo noi theo sẽ có được chánh tri và chánh kiến.
Ngược lại, tà pháp chính là tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối.
Nếu có sáu thứ đó thì sẽ có tà tri tà kiến.
Ðây là điểm then chốt, là đường phân ranh giữa hai phía, hướng tới phía trước là Chánh pháp, về phía sau là tà pháp.
Chúng ta phải nhận cho rõ điểm này.Giả như không có tà tri tà kiến thì chỉ cần giữ định lực kiên cố, ma vương sẽ không có cách gì quấy phá ta, không thể làm cho tâm ta lay động.
Có câu rằng: "Phật đến giết Phật, ma đến giết ma".
Câu này là nghĩa thế nào? Ðây chỉ là lời khuyên ta không nên quá chấp vào cảnh giới.
Thấy Phật đến mà cũng không tiếp nhận hình ảnh này, huống chi là thấy ma! Tuy rằng trong nhiều trường hợp các cảnh giới đó là những tin báo trước, rất linh ứng, nhưng chúng ta cũng không nên tin vào.
Ðiều mà chúng ta cần tin tưởng chính là sáu đại tông chỉ, chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối.
Ðó chính là lưỡi gươm chém ma, cái chầy hàng phục ma vậy.Như có đủ chánh tri chánh kiến thì dầu có được chư thiên hiện thân đến cúng dường, và cung kính khấu đầu, người tu cũng không động tâm.
Rủi có sự động tâm hay sanh tâm hoan hỷ, thì loại ma hoan hỷ sẽ thừa cơ đến phá, làm người tu phát cuồng.
Rủi có tâm u sầu thì loại ma u sầu sẽ đến làm cho tâm nhiễm phiền não, hoặc có khi sanh tâm chấp trước, tâm ngã mạn.
Tất cả những thứ đó đều do ma quấy phá, khiến cho tâm mất sự thanh tịnh.Bởi vậy cho nên hễ gặp bất cứ loại cảnh giới kỳ quặc nào, người tu cũng không nên tin, không để cho tâm động.
Chỉ nên tin vào trí huệ của mình, tin rằng tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, tự tánh bổn lai là thanh tịnh, bổn lai không bị nhiễm ô, bổn lai không điên đảo.
Như vậy thì còn cái gì để mong cầu nữa? Phàm có sự cầu mong là có sự nhiễm ô; có tranh, có tham, có ích kỷ, có tự lợi, có nói dối tức là có nhiễm ô.
Gặp bất cứ pháp nào chúng ta đều có thể lấy sáu tông chỉ lớn đó làm thước đo, để quan sát, thứ nào hợp là Chánh pháp, thứ nào không hợp là tà pháp.Sáu đại tông chỉ có thể phá tà tri tà kiến của thiên ma ngoại đạo.
Tất cả những hành vi tạo tác của thiên ma ngoại đạo đều có tính cách sở cầu, chủ ý để tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối, cho chính mình chẳng phải cho tha nhân.
Ðó là những tư tưởng thuộc về hàng bàng môn tả đạo.Người tu Ðạo phải tích lũy công, bồi đắp đức hạnh, nhưng không được chấp trước những điều đã thực hiện, như câu thường nói: "quét sách mọi pháp, ly hết mọi tướng", chớ không thể nói rằng:"Tôi làm công đức này, tôi tu hành như thế kia" hay nói: "Tôi đã đạt tới cảnh giới này, tôi có pháp thần thông kia".
Cho rằng có những thứ đó, nhưng xét kỹ chúng đều là hư dối, không nên tin, không thể bị mắc vào.
Nếu tin vào nhưng điều kỳ dị, những pháp thần thông thì người tu không thể vào được chánh định, chánh thọ (tức Tam-muội).
Nên hiểu rằng chánh định, chánh thọ không phải từ bên ngoài mà có được, nó phải từ trong tự tánh mà sanh ra.
Bằng cách nào người tu đạt được? Ðó là do công phu hồi quang phản chiếu, quay lại nơi mình (phản cầu chư kỷ), chánh định chánh thọ mới thành tựu được.
Vạn Phật Thánh Thành là nơi tụ hội của muôn vạn bậc thánh.
Tuy nhiên bốn phía xung quang Thành lại có những ma vương đương chờ cơ hội để nhập vào.
Nếu như người tu mà tâm không thanh tịnh, trong đầu chỉ toàn là vọng tưởng thì ma vương sẽ thừa cơ lẻn đến xúi bẩy, tỷ dụ như chúng làm cho người tu tiên đoán chuyện này chuyện nọ.
Nếu người tu lại tin rằng đó là thần thông mình đạt được, thì chính người đó đã bị cho vào tròng, thành kẻ quyến thuộc của Ma vương.Cũng như khi nghe được một thanh âm nào, quý vị đã vội cho rằng đó là lời trong hư không.
Thật ra hư không chẳng có tiếng nói, mà phải biết rằng: "lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm theo duyên".
Giả tỷ nghe thấy thanh âm của hư không, đó chỉ là cảnh giới ma chớ không phải do "Ðại Viên Kính Trí" mang lại.
Có xá gì một chút tin tức nhỏ nhoi không đáng kể!Tâm tư của người tu phải thanh tịnh.
Chớ tham cầu khả năng dự tri.
Dự tri chẳng mang lại điều gì hay mà ngược lại chỉ gây thêm phiền phức, khiến cho chúng ta phân tâm, không tập trung được tinh thần, do đó vọng tưởng sẽ rối bời và phiền não thêm chồng chất.
Nếu chẳng có dự tri, quý vị sẽ không có phiền não, tâm không bị chướng ngại.
Tâm Kinh có nói: "Bởi không chướng ngại, nên không sợ hãi, ly hết mọi mộng tưởng điên đảo, Niết-bàn cứu cánh".
Ðây mới chính là mục tiêu của hành giả trên con đường tu Ðạo..