Bổn thân người học Phật pháp phải có đủ chánh tri, chánh kiến.
Có chánh tri chánh kiến thì mới biết tu hành cách nào.
Có được pháp môn chánh xác mới có được pháp mạch chánh xác, bởi vậy trước hết quý vị phải hiểu thế nào là bẩy Bồ-đề giác tri.Giác tri phần: Giác tri tức là hiểu rõ đường lối tu hành như thế nào.1. Trạch pháp giác tri: Phải biết cái nào là chánh, cái nào là tà, cái nào là tốt, cái nào là xấu, phải có con mắt chọn lựa, mới không lạc vào đường rẽ.
Nếu không biết chọn lựa tất dễ bị dẫn tới những ngõ ngách quanh co, tìm không ra lối, cho nên trạch pháp giác tri là quan trọng vô cùng.
Muốn biết cách chọn lựa sao cho chính xác, tất phải có trí huệ, còn không thì cứ chọn đi chọn lại, mà vẫn còn sai lầm.
Sai lầm vì không có trí huệ, vì thiếu cái trí huệ chọn pháp.
Không biết chọn thì rất dễ đi vào đường rẽ.2. Tinh tấn giác tri: Nếu hiểu rõ Phật pháp mà lại gạt nó qua một bên không chịu dụng công tu hành thì có khác chi suốt ngày nói ăn mà chưa hề thực sự nếm mùi pháp vị.
Giác tri này nói về sự tinh tấn.
Như quý vị đã biết chọn pháp, nắm được pháp yếu một cách chính xác, lại tinh tấn tu hành, ngày đêm sáu thời thân tâm dụng công, không lười biếng; thân tinh tấn tức là niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, lễ sám v.v.., tâm tinh tấn tức là thường xuyên niệm niệm không quên, không khởi vọng tưởng.Biết cách chọn chánh pháp, mới tránh được tình trạng tu mù.
Tu mù mà không gặp thiện tri thức chỉ bảo, thì kết quả đường Phật không đi mà đi về địa ngục, tưởng là theo đạo Bồ-tát mà thành theo ma đạo.
Tại sao mà nghiêm trọng đến thế? Bởi tri kiến không chánh đáng, sai lầm nhân quả, nên càng tu càng đi xa mục tiêu của mình đã vạch sẵn, nghĩa là "sai một ly, đi một dặm," hoặc như người ta thường nói:Mông đổng truyền mông đổngNhất truyển lưỡng bất đổngSư phụ hạ địa ngụcÐồ đệ vãng lý củng Dịch nghĩa là:Hồ đồ truyền kẻ hồ đồ,Một truyền hai chẳng hiểu,Sư phụ xuống địa ngục, Ðồ đệ cũng xuống hầu.3. Hoan hỷ giác tri: Có được con mắt chọn pháp, ắt phải có tâm hoan hỷ gắng công tinh tấn tu hành.
Chẳng phải ba hồi tinh tấn, ba hồi lại bực bội với chính mình; không nên suốt ngày phiền não, chau mày nhăn nhó, điều cần thiết là không lười biếng, biết hoan hỷ và tinh tấn dụng công.4. Trừ giác tri: Tuy nhiên tâm hoan hỷ vẫn chưa phải là cứu cánh, phải trở lại sự bình lặng trong tâm, gạt bỏ phiền não vô minh, diệt trừ các tập khí xấu.
Diệt trừ xong thì tự cảm thấy nguồn pháp hỷ sung mãn.5. Xả giác tri: Khi tâm đã trở về bình lặng, ta lại cần phải xả sự bình lặng đó, nghĩa là không chấp vào một thứ gì hết.
Phải "quét sạch mọi pháp, lìa hết mọi tướng," đạt tới cảnh giới trong thì không cảm thấy thân tâm, ngoài thì không thế giới.6. Chánh định giác tri: Thực hiện được pháp xả xong thì mới có định lực.
Có chánh định rồi mới có chánh thọ.
Chánh định ở đây không phải là loại định hồ đồ, không phải là vào định vô tâm, hay là định của trời vô tưởng, cái đó không phải là rốt ráo.7. Chánh niệm giác tri: Vào được chánh định, tâm sẽ có chánh niệm, nghĩa là niệm chánh xác.
Khi có chánh niệm thì sẽ không còn bị đọa lạc, sớm tối không còn khởi lên vọng niệm, và lúc đó mới chứng được tam bất thoái: niệm bất thoái, vị bất thoái, hành bất thoái.Nói tới định kẻ tu hành liền biết đó là thiền định, hay "thiền-na," một danh từ Phạn (dhyana) có nghĩa là "tĩnh lự," tức là dừng lại mọi vọng tưởng, và còn gọi là "tư duy tu." Tư duy hay là "tham," như tham thoại đầu, tham câu "niệm Phật là ai?" hoặc tham "bổn lai diện mục từ lúc cha mẹ chưa sanh."Nay, tôi xin giảng về cảnh giới của tứ thiền.1. Sơ thiền, Ly sanh hỷ lạc: Hơi thở ngưng lại.
Bên ngoài không thấy có hô hấp, nhưng bên trong hô hấp còn hoạt động, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, chỉ người tu mới có, mới biết, người ngoài không hiểu nổi.
Loại thiền này lìa sự hỷ lạc của thế gian nhưng lại được pháp hỷ sung mãn, sống nhờ thiền duyệt (vui thiền) và cũng đạt được chút ít cảnh giới minh tâm kiến tánh.2. Nhị thiền, định sanh hỷ lạc: Lạc ở đây về mức độ thì cao hơn trong cảnh sơ thiền, thiền giả luôn luôn ở trong cảnh hoan hỷ và sự hoan hỷ đó là từ ở định sanh ra.
Tu đến mức này thì ở trong người kinh mạch hết khua động.3. Tam thiền, Ly hỷ diệu lạc: Niệm trụ lại, chấm dứt niệm hoan hỷ, bởi còn hoan hỷ tức còn chấp trước.
Nay thì đem cả niệm hoan hỷ trừ bỏ đi luôn.4. Tứ thiền, Xả niệm thanh tịnh: Xả toàn bộ các niệm, không niệm gì nữa.
Lúc đó trong tâm không còn gì ngăn ngại, nhưng cũng chưa phải là đã ra ngoài tam giới.
Ðây là một kết quả tiến bộ của công tu định, chưa phải là một cảnh giới cao, để đến độ không cần tu nữa, cho là mình đã khai ngộ mà khởi tâm kiêu mạn.
Tới chỗ này rất cần có người khác chứng minh cho mình, tự mình không thể ấn chứng cho mình được.
Người tu đạo phải như thế, không thể có lòng cống cao ngã mạn, nói lời hư dối, nếu không sẽ bị đọa địa ngục.
Phàm kẻ học Phật không thể tạo cái nghiệp vừa thiện vừa bất thiện một cách hỗn tạp như vậy, chẳng thể mang cái ý niệm vị kỷ như vậy.Như nếu có ai tự xưng là thiện tri thức, chúng ta hãy lấy sáu tiêu chuẩn sau đây để phán xét xem họ có thực là thiện tri thức hay không:1. Quán sát người đó có lòng tham không, có tham danh, lợi, tiền tài, hay sắc dục không?2. Thiện tri thức vốn không cùng người tranh cãi, vậy xem người đó có tâm tranh đua không?3. Xem họ có tham cầu không? Nói năng có chân thật không?4. Xem họ có ích kỷ không?5. Xem họ có phải tự lợi không?6. Xem họ có nói dối hay không?Nếu xét các tiêu chuẩn trên đều có đầy đủ thì người đó chẳng phải là thiện tri thức mà là ác tri thức, hoặc giả là thiên ma, ngoại đạo.
Ngược lại nếu xét các điều trên đều không có thì người đó thực là chẳng tham, chẳng tranh, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối, ta có thể tin rằng người đó đúng là thiện tri thức và ta yên tâm theo học mà chẳng ngại đi vào đường tà.Buổi tối ngày 11 tháng 12 năm 1981.