Ăn trưa xong, Lục Thành Tắc nói muốn đưa tôi về, tôi xem đồng hồ thấy không còn sớm bèn khuyên anh đi trước.
Lục Thành Tắc đồng ý.
Anh là người tương đối ga lăng… – ừm, nhưng mà không hẳn, vì “ga lăng” theo tôi có vẻ hơi gượng, đúng ra nên dùng từ “thoải mái” bởi cảm giác chừng mực và khuôn phép của anh.
Trở lại công ty, tôi đến quầy bar rót một cốc nước, vừa về chỗ ngồi thì có một người đứng dậy, là CW* tổ chúng tôi.
Vừa nhìn thấy tôi, chị ấy híp mắt: “Kỳ Diệu! Thành thật khai báo! Sao không ăn trưa cùng mọi người?”
Một AE* khác phụ họa: “Đúng!”
(*) CW (writer): người viết văn bản cho mục đích quảng cáo hoặc các hình thức marketing khác.
AE (Affer Effects): người quay dựng video chuyên nghiệp.
Tôi buông cốc, nói đáp án họ muốn nghe nhất: “Đi với trai đẹp.”
“Mẹ nó…”
Sau một hồi tám chuyện linh tinh và bàn về các chi tiết của poster khai trương, chỗ tôi rốt cuộc đã yên bình.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, mở WeChat xem tin nhắn Lục Thành Tắc gửi năm phút trước.
Lục: Đến công ty chưa?
Ta nói: Rồi, còn anh.
Anh gửi một tấm ảnh chụp bừa góc làm việc, mặt bàn gọn gàng chuyên nghiệp với hai màn hình, một notebook ở ngoài cùng bên trái, hai bàn phím một đen một trắng, dải nguồn, sách, nước khoáng và hai thiết bị tôi không biết tên.
Không có cây xanh hay đồ trang trí.
Tôi để ý một sắc hồng nổi bần bật, là cuốn sách khá quen mắt.
Tôi thoát bức ảnh và trả lời anh: Anh cũng đọc cuốn sách này?
Lục Thành Tắc: Cô xem kỹ đi.
Tôi phóng to lên, phát hiện bọc sách còn chưa xé: Anh vừa mua hả?
Anh đáp: Ừ, thấy cô đăng vòng bạn bè, trên đường về qua hiệu sách Sisyphe bèn ghé mua một cuốn, nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ phát huy tác dụng.
Cơ mặt tôi lại tự mở sang hai bên, từ hôm qua đến giờ, phản ứng này đã trở thành quán tính và chú ngữ.
Cuốn sách tên “Marcovaldo”* – xếp hạng hai trong danh sách tác phẩm văn học nước ngoài của năm trên Douban năm ngoái.
Hạng một u ám, hạng ba xấu tệ, chỉ riêng cuốn này có bìa sáng sủa thú vị nên tôi mua về, dạo trước mới đọc xong.
(*) Marcovaldo là cuốn tuyển tập 20 truyện ngắn được viết bởi Italo Calvino, miêu tả cuộc sống của một người đàn ông nông thôn nghèo cùng gia đình sống tại một thành phố công nghiệp lớn ở miền Bắc nước Ý.
Truyện xuất bản lần đầu năm 1963 với tên “Marcovaldo ovvero Le stagioni in città” (Marcovaldo hay Những mùa trong thành phố).
Xin chú ý tên tác giả của “Marcovaldo” là hint mở khóa một chương bất kỳ của hố này.
Tôi trêu anh: Hình như bây giờ đã phát huy tác dụng rồi.
Lục Thành Tắc không phủ nhận: Ừ, thu hoạch ngoài ý muốn.
Tôi nên tin hay không đây?
Tôi nhắc nhở: Tốt hơn hết là anh đừng mù quáng chạy theo vòng bạn bè của tôi vì hầu hết những gì phô bày chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Lục Thành Tắc hỏi: Nghĩa là sao?
Tôi thành thật: Là giả đấy.
Anh có biết, hào nhoáng và phong cách đôi khi cũng là sự chuyên nghiệp trong mắt khách hàng? Anh phải trông khỏe khoắn và có khiếu thẩm mỹ thì họ mới yên tâm hợp tác với anh.
Thực ra tôi rất hiếm đọc sách sau giờ làm việc, buổi tối về nhà mệt rã rời chỉ muốn đi nằm, lướt qua lướt lại giữa Taobao, Douban và Weibo đến khi có công việc cue tôi hoặc buồn ngủ mới thôi…
Tôi ngớ người và chợt nhận ra mình đã than vãn quá nhiều với một anh chàng đẹp trai trước hôm qua vẫn còn xa lạ, hơn nữa còn có ấn tượng tốt rồi.
Tôi lập tức chữa cháy: Dĩ nhiên hôm sau tôi lại hồi sinh.
Lục Thành Tắc lặp lại thú tiêu khiển hàng ngày của tôi: Taobao, Weibo, Douban.
Tôi nhíu mày: Có vấn đề gì à?
Anh: Một chút.
Tôi: Anh nói đi.
Giọng anh chân thành: Cô cân nhắc thêm WeChat không?
Tôi hậm hừ trong lòng, gõ chữ: Từ sáng đến tối tôi đều dùng WeChat.
Cũng giải thích thêm: Phiên bản doanh nghiệp.
Lục Thành Tắc như “ồ” lên muộn màng: Do tôi sơ sót, không nghĩ tới điểm này.
Công ty chúng tôi đều dùng DingTalk*.
(*) DingTalk là một nền tảng giao tiếp và hợp tác doanh nghiệp thành lập vào năm 2014, do Tập đoàn Alibaba phát triển.
Năm 2018, đây là một trong những ứng dụng di động Trung Quốc quản lý và giao tiếp chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với hơn 100 triệu người dùng.
Không biết có phải vì anh quá đặc biệt và khó quên hay không nhưng sau buổi trưa chúng tôi gặp nhau, từng câu chữ Lục Thành Tắc gửi đến sẽ tự động hiện trong tâm trí tôi, biến thành dáng vẻ và phong thái của chính anh rồi từ trí tưởng tượng hóa thành một slide tức thời.
Chẳng hạn ở câu này, tôi dường như có thể mường tượng anh mím môi giả vờ nghiêm túc nhưng ánh mắt vẫn cong cong đượm ý cười.
Lơ đễnh vài giây, anh gửi đến hình ảnh giao diện NetEase Music của mình: Nếu bài trừ WeChat thì nơi này cũng có thể trò chuyện.
Tôi cười khúc khích với di động, hai tay gõ phím: Cứ dùng WeChat đi.
Anh: Ừ.
Tôi tiếp tục soạn: WeChat, Taobao, Weibo, Douban, sắp xếp như vậy OK chưa?
Câu trả lời của anh giống như một học sinh giỏi ngoài mặt khiêm tốn nhưng trong lòng uể oải: Tôi không nghĩ đến việc muốn giành vị trí thứ nhất khi đặt câu hỏi.
Tôi nói: Có điều kiện nhé, trao đổi ngang giá.
Anh “được” trong giây lát, từ tốc độ đến giọng điệu vừa ngoan ngoãn vừa nuông chiều.
Tôi tò mò về thời gian rảnh rỗi của anh: Bình thường anh hay làm gì sau giờ tan tầm và trong ngày nghỉ?
Anh đáp: Bơi lội, nướng bánh, đạp xe, chơi bóng rổ.
Tôi:???
Quả nhiên anh đang trêu tôi: Giả đấy.
Chơi game.
Tôi: Xuýt nữa hù chết tôi.
Tôi hỏi: Game mobile à?
Dẫu sao thời nay không phải Vương Giả thì chính là PUBG.
Anh: Cũng có chơi, nhưng đa phần là game PC.
Tôi đáp với kiến thức hữu hạn: Steam.
Anh: Phải, gần đây tôi mới chơi một tựa game trên Steam.
Tôi hỏi: Tên gì?
Anh: Grounded.
Tôi: Hay không?
Anh không trả lời mà hỏi: Cô muốn chơi?
Tôi ăn ngay nói thật: Không hẳn, cũng đâu có thời gian.
Anh gửi mặt cười, dường như đã hiểu: Thế còn hỏi.
Tôi trả lời ngay: Bởi vì đó là “Marcovaldo” của tôi.
Tôi dám chắc là anh đã cười.
Anh bảo: Đừng nghĩ nhiều.
Nói chuyện phiếm là được.
Tôi đồng ý: Phải, có nhiều bài hát để tán gẫu như vậy mà.
Anh đáp: Ừ, ngày mai uống cà phê trò chuyện cũng được.
Tôi: Phải, uống cà phê xong còn có thể nói về hương vị cà phê.
Anh: Ừ, nếu quán này uống ngon, hôm sau cứ tiếp tục, nếu quán này không ngon, hôm sau đổi quán khác.
Hai chúng tôi trao đổi qua lại ấu trĩ như học sinh tiểu học.
Nếu không vì lớp trang điểm, tôi thật sự muốn dụi mặt cho tỉnh ra, bởi trong cơn mơ nhẹ nhàng thế này, tôi đã chóng mặt cả buổi trưa.
***
Cả ngày nay, trừ rửa mặt, tôi gần như dành hết buổi tối trò chuyện với Lục Thành Tắc.
Chúng tôi theo dõi nhau trên NetEase Music, đề tài thảo luận chủ yếu xoay quanh âm nhạc.
Thể loại và phong cách chúng tôi yêu thích tương đối rộng, Country, Rock and Roll, nhạc Jazz đều OK; POP, R&B, nhạc Blues cũng thế.
Cuối đoạn chat, Lục Thành Tắc hỏi tôi: Cô thường bắt chuyến tàu điện ngầm mấy giờ?
Tôi trả lời trong niềm vui sướng và mệt nhoài: Buổi sáng nếu không có gì thay đổi sẽ là chuyến 10 giờ.
Anh: Được.
Tôi: Sao, anh muốn chạm mặt tôi à?
Anh đáp: Muốn thử một chút.
Trước khi lên tàu điện ngầm vào ngày hôm sau, tôi đã đeo sẵn tai nghe, tắt Bluetooth điện thoại và chờ kết nối thành công với anh.
Tôi đứng đợi ở vị trí cố định trên sân ga.
Giây đầu tiên lên tàu, tai nghe của tôi phát ra lời nhắc kết nối tự động, vừa quay đầu tìm thì bắt gặp Lục Thành Tắc.
Người đàn ông cao lớn đứng đó rất nổi bật, anh mặc hoodie trắng, sáng sủa như ngày hôm qua.
Chắc hẳn lúc ấy tôi đã tròn xoe mắt vì anh cười thật tươi trước phản ứng của tôi.
Chúng tôi cách nhau ba người.
Lý do tại sao hai lần trước tôi không chú ý anh, thật sự là bí ẩn chưa giải mã.
Sau một hồi ngạc nhiên, Lục Thành Tắc giơ điện thoại, bắt đầu thao tác trên màn hình, môi hơi nhếch lên.
Tôi cũng mở WeChat xem, không có tin nhắn.
Chợt, một giọng nói trong trẻo như chính con người anh truyền vào đầu tôi:
“Buổi sáng tốt lành, Sugar.”
“Nghe nhạc không?”
Tôi không giấu nổi vẻ mặt rạng rỡ.
“Muốn thử một chút” cái con khỉ, phải nói là anh “có chuẩn bị mà đến”, tạo một podcast cho riêng tôi.
Tôi liếc mắt, vừa hay anh cũng nhìn sang, nhờ chiều cao vượt trội nên không phí sức chút nào.
Tôi trả lời WeChat: Có.
Anh hơi cúi đầu khiến tóc mái rủ xuống che đi hàng lông mày.
Giây lát, tiếng nhạc văng vẳng bên tai tôi, mở đầu bằng câu song ca nam nữ khá bắt tai.
Không ngờ lại là một khúc tình ca hát đối đáp.
Lục Thành Tắc mỉm cười đến gần tôi, rực sáng vô cùng, nhất là khi tôi biết nụ cười rạng rỡ như bình minh ấy thuộc về tôi.
Sự phù phiếm ấy, niềm phấn khởi ấy đủ biến tôi thành một quả bóng bay hidro.
Anh dừng lại bên người tôi, hơi chếch sau lưng, nếu muốn nhìn anh thì tôi buộc phải quay đầu.
Trong phút chốc, tim tôi đập loạn nhịp y chang giai điệu của bài hát trong tai nghe, khiến lòng tôi rối bời.
Không phải chúng tôi chưa từng gần nhau thế này, nhưng… hôm qua là mặt đối mặt, hôm nay tôi không nhìn thấy anh và cảm giác kiểm soát của tôi giảm hẳn.
Nhưng tôi biết rất có khả năng anh đang nhìn tôi, hoặc thi thoảng sẽ rủ hàng mi mỏng đẹp đẽ nhìn tôi.
Lưng như kim chích.
Tôi ngượng nghịu buông tay nắm treo, còn Lục Thành Tắc phía sau tôi giơ cánh tay, dễ dàng vịn được tay nắm ấy.
Chính động tác và tư thế này đã khiến lãnh thổ của tôi bị bao vây một nửa.
Cánh tay anh kề sát mặt tôi, mập mờ và đè nén.
Đôi nam nữ trong tai nghe song ca:
“Tâm tư em không muốn để anh đoán ra
Bao trùm không khí là nỗi mong chờ thấp thỏm
Chúng ta đều đang chờ đợi
Trong lòng như tính toán điều gì
Tay em không ngừng bấm điện thoại vì anh
Bao giờ anh mới có thể tặng em
Nền tảng ngập tràn tình yêu của anh đây.
Giữa hai ta không chỉ digital digital
Bỏ điện thoại xuống để tạo ra magical magical nào
Không cần suy nghĩ quá nhiều đâu
Từ lúc gặp em mỗi khi nhắm mắt đều là mộng đẹp
Em dám đi với anh không…”*
(*) Lời bài hát “Tiến Về Phía Anh” (Walking Towards Me) – Mã Niệm Tiên, 9m88.
Tôi khẽ thở dài thườn thượt.
Rốt cuộc bài hát đã kết thúc, bên tai cũng lặng đi nhưng khoang ngực tôi lại mưa như trút nước.
Tôi giơ tay phải, ngoắc ngón tay ra hiệu có chuyện muốn nói.
Anh cúi đầu, thoạt nhìn giống như một con ngựa trắng thuần tính mặc cho tôi kéo.
Tôi cảm giác họng mình khô khốc, hỏi nhỏ: “Bài hát này tên là gì.”
Chất giọng trầm ấm tựa như thì thầm của anh rơi vào tai tôi, đủ khiến trái tim tôi run lên: “Tiến Về Phía Anh.”
***.