Khi Trời Gặp Đất

Sự việc không hề phức tạp. Những ngày Gia Ưu bỏ nhà đi
chơi, hôm nào bà Dĩnh cũng đến nhà cô chờ đợi. Một hôm, vô tình nhìn thấy trong
tủ có mấy thùng để đồ đề tên “Trì Gia Hảo”, chợt nảy sinh ý nghĩ mở xem sao.

Mở ra thấy ngay mấy cuốn nhật ký của Trì Gia Hảo.

Trì Gia Ưu biết em gái mình từ nhỏ đã có thói quen
viết nhật ký. Lúc thu dọn đồ cũ cô nhìn thấy mấy cuốn bìa da cứng có khóa của
Gia Hảo. Cũng vì tôn trọng người đã khuất nên cô không hề có ý nghĩ mở ra đọc,
cứ để nguyên như vậy cất đi.

Không ngờ lại bị chính mẹ mình mở ra đọc và càng không
ngờ rằng, nội dung bên trong lại gây ra một trận động đất lớn.

Xuống máy bay việc đầu tiên cô làm là bật điện thoại
lên. Qủa nhiên, tin nhắn của ba: “Ưu à, ba đã đón mẹ con về nhà. Ba mẹ chờ con
ở nhà mình”.

Lòng cô dấy lên sự hoài nghi. Trước khi lên máy bay
nói là mẹ cô đang ở trong bệnh viện, giờ lại về nhà rồi? Có phải họ cố tình làm
thế để buộc cô về nhà không? Nghĩ tới đây, bất giác cô bước chậm lại. Cô ra lấy
hành lý, đi ngang qua đám người đang ở phòng đón khách, chậm rãi vẫy xe đi về.
Trên đường đi cô cân nhắc mãi về cách đối phó.

Bước vào nhà nhìn thấy ba mẹ cô biết ngay vấn đề nan
giải rồi.

Bà Dĩnh ngồi dựa vào ghế sô pha với vẻ mặt xanh xao,
võ vàng, tinh thần không tốt. Xem ra không phải là dối cô, Gia Ưu bỗng thấy mềm
lòng lại lên tiếng hỏi: “Mẹ à, mẹ thấy khỏe hơn chưa?”.

Bà Dĩnh nhướn mắt lên nhìn cô một cái rồi nói yếu ớt:
“Chết sao được mà lo”.

Ông Thu từ trong phòng đọc đi ra vội nói: “Ưu về rồi
đấy à, mệt không con? Có cần đi tắm táp cho dễ chịu không? Đói không con? Ba
nấu cho con bát mì nhé?”.

“Không cần đâu ba”, Gia Ưu đặt hành lý xuống, đi đến
chiếc ghế sô pha đơn ngồi xuống: “Ba mẹ có gì muốn nói cứ nói thẳng đi”.

Ông Thu và bà Dĩnh nhìn nhau như đang muốn gửi gắm
thông tin gì đó. Hồi lâu, ông Thu mới đến ngồi bên cạnh vợ: “Mẹ con không được
khỏe nên để ba nói”.

Gia Ưu nhìn ba mẹ, im lặng gật đầu.

“Là thế này, chúng ta đã hỏi Thiếu Hàng rồi, Hàng nói
là ngay từ đầu đã biết con là Trì Gia Ưu chứ không phải là Trì Gia Hảo. Ba mẹ
thấy nghi ngờ việc này quá. Trước hết là dã tâm của Thiếu Hàng là gì? Ba mẹ rút
ra mấy kết luận: Một là anh ta muốn biến con thành kẻ thay thế cho em gái con;
hai là anh ta muốn đùa giỡn tình cảm của em con”.

Gia Ưu vẫn im lặng nhìn ba mẹ, ba cô nói lý lẽ rành
mạch, khẳng định chắc chắn anh ta đã lên sẵn kế hoạch trong đầu rồi.

Ông Thu thấy con gái không nói gì, cứ đẩy đẩy chiếc
kính trên sống mũi và tiếp tục nói: “Giờ ngẫm lại, những biểu hiện của Thiếu
Hàng lúc ấy thật khó hiểu. Con có nhớ trước khi vụ tai nạn xảy ra em con rất
vui vẻ không? Ba mẹ đã hỏi là có chuyện gì vui mà em con chỉ cười nói là vài
ngày nữa sẽ cho cả nhà biết hết. Nhưng rồi trước khi xảy ra tai nạn hai hôm,
tinh thần em con bỗng suy sụp hẳn… Giờ thì mẹ con đã tìm được câu trả lời từ
cuốn nhật ký của em con”.

Nói đến đây ông dừng lại, như có điều gì rất khó nói.

“Ông không nói được để tôi nói”. Bà Dĩnh cầm cuốn nhật
ký bìa da màu xanh đưa cho cô: “Mỗi bài viết đều chú thích thời gian cẩn thận
con tự đọc đi. Đúng vào ngày sinh nhật hai chị em con năm năm trước, Thiếu Hàng
đã hẹn em gái con đến quán bar Happy Lucky và rồi hôm ấy hai đứa đã có quan hệ
tình dục… Em gái con nghĩ là Thiếu Hàng sẽ lấy mình làm vợ, ai ngờ nó lại phủi
hết mọi thứ, không những không thừa nhận, mà còn đòi chia tay. Em gái con là
đứa kiêu ngạo, con nói xem nó làm sao nhịn được nỗi nhục này? Cứ nghĩ đến việc
con gái mẹ bị bắt nạt, về đến nhà không dám cho ba mẹ biết… mẹ…”, bà Dĩnh nghẹn
đi, nuốt nước bọt, nước mắt rơi lã chã. Ông Thu ngồi bên khẽ khàng an ủi.

Cô thấy rét run lên từ bên trong, không nói nổi câu
nào.

Ba cô ngoái đầu sang nhìn con gái nói thêm: “Nếu không
phải đọc được cuốn nhật ký này, ba thực sự không tin Thiếu Hàng lại là người
như vậy! Nghĩ sâu hơn, nó kịp thời xuất hiện lúc các con xảy ra chuyện cho thấy
rõ ràng nó đã biết trước được vấn đề này. Nhưng tại sao nó không bao giờ chịu
nói một lời nào về việc ấy? Chỉ có một khả năng là nó đã làm gì có lỗi với em
gái con và làm cho em con gặp bất trắc. Nó tự thấy có lỗi với lương tâm. Bao
năm nay nhà chúng ta đã nhìn nhầm người rồi. Ưu à, nỗi lòng ba mẹ bây giờ rất
phức tạp. Ba mẹ đều giả thiết nếu nó hại Hảo nhà ta chết thì mấy năm nay nó có
lỗi với con và nhà ta quá. Không hiểu nó có rắp tâm gì đây? Những việc này nhất
định phải để con biết”.

Bà Dĩnh đau khổ nhắm nghiền mắt lại, đôi môi run rẩy,
mồm mấp máy gọi tên Gia Hảo.

Gia Ưu thẫn thờ rút lại ánh mắt của mình.

“Ưu à, con nói gì đi chứ? Con nghĩ gì về việc này?”
Ánh mắt ông Thu đổ dồn về phía cô.

Cô nhếch mép cười khẩy: “Ba à, ba đang trình bày báo
cáo khoa học đấy à? Một hai ba liệt kê rõ ràng, mạch lạc thế. Để con liệt kê
thêm vài điều nữa cho ba nhé. Một là, nếu anh ấy coi con là người thay thế, con
không trách anh ấy. Người gây ra vấn đề không phải là anh ấy mà là ba mẹ; thứ
hai, con vẫn thấy khó hiểu về vụ tai nạn hôm ấy, quá nhiều điểm nghi vấn. Vụ
tai nạn xảy ra như thế nào con không nhớ nổi. Anh ấy không chịu nói nên đó vẫn
là một bí mật. Chắc chắn con sẽ tìm mọi cách để có được lời giải. Lúc ấy con sẽ
nói cho ba mẹ biết, còn giờ đề nghị hãy chấm dứt ngay trí tưởng tượng phong phú
của ba mẹ đi. Thứ ba, anh ấy là người như thế nào ư? Điều này ba mẹ phải suy
nghĩ cách đây năm năm khi đẩy con gái mình cho anh ấy chứ? Lúc ấy không nghĩ
giờ cần gì phải nghĩ nữa. Con có não, não con hoạt động tốt lắm, biết phân biệt
phải trái đúng sai. Dù con không có được chỉ số IQ thông minh như Gia Hảo, chí
ít con cũng không phải là đứa thiểu năng đần độn”.

Nói một mạch xong cô thấy ba mẹ mình mặt trắng bệch
ra. Cô cứng rắn đứng lên: “Chính ba mẹ đã hủy hoại mọi lý tưởng của đời con.
Con biết mình chẳng ra gì trong mắt ba mẹ. Con tin rằng việc ba mẹ biến con
thành Gia Hảo có 10% là để tốt cho con. Giờ xin ba mẹ hãy ngừng ngay những suy
đoán này nọ, cho con thêm thời gian, con không muốn võ đoán và cũng không muốn
định tội một người chỉ dựa vào một cuốn nhật ký. Để con điều tra rõ ràng sự
thật vụ tai nạn năm xưa có được không, cũng như ba mẹ nói là còn có điều bí ẩn
khác ấy?”.

“Ưu à…”, ông Thu dường như vẫn muốn nói điều gì.

“Hãy để nó tự điều tra”.

Bà Dĩnh ngắt ngang lời chồng, nhìn chằm chằm vào mặt
con gái: “Con lúc nào cũng gào lên là muốn điều tra rõ chân tướng sự việc. Giờ
chúng ta cho con điều tra đấy, chúng ta không nghĩ oan cho người tốt đâu, nhưng
tuyệt đối không để em gái con chết không nhắm mắt! Ta đợi kết quả của con. Cho
con đúng hai háng để tìm hiểu đấy. Chúng ta sẽ chờ. Nếu chứng minh được những
gì chúng ta đoán là sai thì từ nay không bao giờ can thiệp vào việc của hai đứa
nữa. Nhưng nếu điều tra ra Thiếu Hàng chính là hung thủ giết em gái con, ta sẽ
không tiếc cái mạng già này bắt nó phải đền mạng”.

Cô xốc hành lý nặng nề cho lên vai rồi ra khỏi nhà.

Trên trời mây đen vần vũ, đen kịt lại như sắp có trận
mưa rào.

Lòng cô rối bời, có mấy ngày trời mà xảy ra bao nhiêu
chuyện, áp lực quá khiến cô thở không ra hơi.

Về đến nhà, cô thay dép lê ở ngay cửa. Cơ thể như mất
hết mọi năng lượng, thẫn thờ ngồi thừ ngay trên sàn nhà.

Mới xa nhà có vài ngày mà chẳng khác gì mấy thế kỷ.

Nhìn quanh nhà, từ thiết kế đến bài trí và mua sắm đồ
dùng đều một tay Thiếu Hàng làm hết. Cô không có ý kiến gì. Hôm chuyển đến ở,
khách đến đầy nhà, cô cũng khoanh tay đứng nhìn, lặng lẽ nhìn anh đi ra đi vào
bận rộn.

Khi ấy cô vừa trải qua một trận ốm nặng, nhìn cuộc đời
với ánh mắt tăm tối, chán ghét mọi người và mọi việc. Tính tình tồi tệ đến mức
chẳng ai chịu nổi, cũng may là Thiếu Hàng không bị chọc tức đến độ phải bỏ đi.
Cô lạnh nhạt, anh lại càng nhiệt tình. Cô cố ý nói những lời khó nghe, làm
không khí giữa hai người trở nên khó xử, bế tắc. Còn anh lại cố tìm mọi cách để
quan hệ được ấm lại. Cô gây họa, anh là người đi theo giải quyết hậu quả, nhất
nhất việc gì cũng chiều theo ý cô. Ngay cả ba mẹ hai bên cũng không chấp nhận
nổi sự nuông chiều cô của anh.

Vết xăm ấy cô cùng với mấy cô bạn thân rủ nhau đi xăm
hồi học lớp 10. Đó là hình xăm biểu tượng của chòm sao Thiên xứng. Lúc về không
dám nói cho ba mẹ biết, vị trí xăm cũng kín đáo nên vài năm trôi qua cô quên
mất hình xăm này. Mãi đến trước khi lấy chồng mẹ cô đột nhiên hỏi: “Đã xóa hình
xăm chưa hả?”, cô mới chợt nhớ ra. Xóa hình xăm còn đau đớn hơn lúc xăm rất
nhiều. Cô nằm bò ra mồ hôi cứ đổ ròng ròng, bạt khóc nức nở chẳng khác gì đang
bị đày đọa.

Còn nhớ cuốn sách nào đó nói rằng, muốn rèn luyện một
thói quen tốt cần ít nhất khoảng thời gian liên tục là hai mốt ngày. Năm năm
qua, cô không biết mình đã bỏ được bao nhiêu thói quen cũ và rồi rèn được bao
nhiêu thói quen mới.

Và cái thói quen lớn nhất chính là cô đã quen với cuộc
sống có anh bên mình. Thói quen này được cô liên tục rèn trong năm đầu 365
ngày. Thiếu Hàng đối với cô chẳng khác gì ngọn đuốc trong đêm đen mịt mùng, cô
chẳng khác gì con thiêu thân lao vào lửa, tự dưng bị cuốn vào và cuối cùng thì
không thoát ra nổi.

Cô ngâm mình trong bồn tắm cho thoải mái tinh thần.
Sau đó nằm lên chiếc giường êm ái, trong lòng thấy xúc động muôn phần. Lần cuối
cùng ôm ấp anh ở trên chiếc giường này cô vẫn là Trì Gia Hảo, đeo chiếc mặt nạ
của người khác. Giờ cô đã là chính mình.

Bỗng nhiên cô nhớ đến vòng tay của anh.

Cô cầm điện thoại định bụng gọi điện cho anh. Trong
lúc bấm số cô chợt nhớ tới lời ba mình nên không gọi nữa.

Cô vẫn chưa muốn buông xuôi từ lúc ban đầu bị động đến
bây giờ, hình bóng của em gái cô vẫn cứ bao trùm lên cô.

Là người may mắn sống sót sau vụ tai nạn, Gia Ưu không
tài nào nhớ nổi nguyên nhân cũng như những gì xảy ra hôm ấy. Cô tỉnh lại sau
cơn mê, đầu trống rỗng trong vài hôm liền.

Khi cơ thể dần hồi phục lại, đầu óc cũng tỉnh táo hơn,
nhưng thật khó hiểu là cô hoàn toàn bị trống về khoảng thời gian xảy ra vụ tai
nạn. Cố gắng nghĩ thế nào cô cũng không nhớ nổi bất cứ điều gì.


Tìm ra sự thật chính là việc quan trọng nhất. Nhưng
bắt tay từ đâu đây, cô chẳng hề có manh mối nào.

Mở máy tính xách tay ra, cô gõ tư liệu tra trên
google. MSN của cô cài đặt đăng nhập tự động khi mở máy. Tiểu Đóa nhanh chóng
nhận ra sự có mặt của cô và hỏi: “Đang ở đâu thế?”.

“Ở nhà, tớ về rồi”.

“Đoán ra rồi. Sáng sớm tớ gặp Thiếu Hàng. Này, sao cậu
không giữ chàng ở lại hả? Tớ cũng muốn được nghỉ thêm ngày nữa đấy”.

Gia Ưu gửi Đóa thông tin mình vào mạng tìm kiếm.

Lát sau Đóa nhắn lại: “Đang nghiên cứu cái này à?”.

“Tớ đang thử xem có nhớ nổi gì về vụ tai nạn ấy hay
không”. Gia Ưu nghĩ ngợi và dặn thêm một câu: “Đừng để anh Hàng biết nhé!”.

Mãi không thấy Tiểu Đóa nhắn gì, cô quay sang tìm tài
liệu. Lôi sổ để danh thiếp ra tìm vì nhớ hồi làm phóng viên cô đã từng phóng
vấn một bác sĩ tâm lý.

Lật đến trang thứ ba cô đã tìm ra danh thiếp ấy. Cô
rút danh thiếp ra cắm cúi ghi vào sổ tay.

Ngồi trước mặt là một người đàn ông mặc comple với
khuôn mặt hiền lành, cười nhẹ nhàng. Bác sĩ giữ nguyên khuôn mặt tươi cười rất
chuyên nghiệp, không hề để lộ nét kinh ngạc hay đồng cảm khi lắng nghe cô tâm
sự.

“Bác sĩ Lã à, tình trạng của tôi có phải là do tâm lý
không?” Gia Ưu hỏi.

“Không giống”. Bác sĩ Lã đẩy chiếc kính gọng vàng ở
trên sống mũi, nói khẽ: “Nghe cô kể, tôi nghĩ vấn đề của cô không nghiêm trọng
lắm, chỉ mất một đoạn kí ức. Có lẽ là thử thôi miên và uống thêm một vài loại
thuốc hỗ trợ là ổn. Tuy nhiên trong quá trình điều trị có thể cô sẽ cảm thấy
đau khổ về tinh thần, mệt mỏi về thể xác, nên cô cần chuẩn bị sẵn tâm lý”.

Gia Ưu tò mò: “Có phải giống như ở trên phim không?”.

“Tất nhiên là không phóng đại như thế rồi. Thực ra
thôi miên không hề huyền bí như chúng ta nghĩ. Chỉ là vận dụng liệu pháp tâm lý
để dẫn dắt con người quay trở về những chuyện họ đã quên trong quá khứ”.

“Đoạn ký ức ấy rất quan trọng với tôi. Xin bác sĩ thứ
lỗi cho hành vi bất lịch sự của tôi, tôi muốn hỏi xem liệu tôi sẽ có bao nhiêu
phần trăm tìm lại được trí nhớ ấy? Vì một số nguyên nhân khách quan nên tôi cần
phải nhanh chóng hồi phục lại trí nhớ”.

Bác sĩ Lã bật cười: “Cô Ưu à, thứ lỗi cho tôi phải nói
thẳng nhé. Ở thành phố này không có bác sĩ tâm lý nào giỏi hơn tôi đâu. Cô phải
tin tôi, thậm chí là phải dựa vào tôi, chắc chắn tôi sẽ giúp được cô”.

Từ đáy lòng mình Gia Ưu thốt lên: “Bác sĩ Lã, anh thật
tự tin”.

“Tôi luôn như vậy mà”.

Gia Ưu nhướn nhướn mày rồi giơ tay ra nói: “Vậy thì
làm phiền anh điều trị cho tôi”.

“Việc gì phải nói như vậy, đây đâu phải là lao động
công ích”.

Gia Ưu nghĩ ngay đến khoản chi phí điều trị cao ngất,
gật gật đầu: “Tôi sẽ cố gắng phối hợp”.

Hôm nay là tết Trung thu, sau khi rời khỏi chỗ bác sĩ
Lã cô lái xe về nhà luôn. Hôm nay Thiếu Hàng về, vừa xuống máy bay đã gọi điện
cho cô, tính giờ thì lúc này cũng đã về đến nhà rồi.

Cô bước vào nhà, đứng thay dép ở ngay gần giá để giày.
Hôm nay chị giúp việc đã về quê ăn tết Trung thu, phòng khách không bóng người
nhưng đèn bật sáng choang, thoang thoảng trong không khí mùi thức ăn thơm lừng.
Cô đi vào trong bếp. Ái chà, trên bàn bốn món một canh vẫn còn bốc hơi nghi
ngút, mùi vị thơm ngon. Lại còn có cả bánh chưng và trứng vịt muối nữa. Khiến
cho cô thèm thuồng muốn chấm mút.

Quan Thiếu Hàng ngồi trước máy tính để bàn trong phòng
đọc. Anh mặc bộ quần áo ở nhà màu xám, sắc mặt trông vẫn còn vương nét mệt mỏi.
Nhìn biết ngay đang gắng gượng tinh thần.

Nghe thấy tiếng động anh ngẩng đầu lên ngay: “Em về
rồi đấy à?”.

“Anh xem gì mà chăm chú thế? Bản thiết kế à?”. Cô bước
lại gần.

“Ừ”. Anh kéo tay cô: “Thủ tục xin thôi việc đến đâu
rồi?”.

Cô theo đà sà vào lòng anh: “Xong xuôi rồi, à em nói
với anh một việc”.

“Gì thế?”. Thiếu Hàng mỉm cười nhìn cô.

“Anh biết ông Đường Quân Niên chứ? Đạo diễn Di nói cho
em biết ông Niên gần đây có nhã hứng cho ra một tờ tạp chí. Đạo diễn Di đã đưa
kế hoạch của em cho ông ấy xem và ông ấy muốn kéo em về làm”.

“Ông Niên muốn phát hành tạp chí á?” Quan Thiếu Hàng
thấy hơi bất ngờ: “Em đã gặp ông ấy chưa?”.

“Chưa, mới hẹn ngày mai thôi”. Cô thật thà nói.

“Dự án anh đang làm cũng có phần của ông ấy đấy. Chà,
dạo này ông ấy với dài tay nhỉ”. Thiếu Hàng nghĩ ngợi: “Nếu thấy hợp em cứ mạnh
dạn làm đi. Ông Niên sống thoáng lắm, biết đối nhân xử thế. Chắc thấy em làm
được nên ông ấy mới mời em về làm đấy”.

Cô mỉm cười hiểu ý: “Thế thì em hiểu rồi”.

Bà Hợp gọi điện đến, Gia Ưu nghe hai mẹ con nói chuyện
thì thụp, thấy khó chịu nên không buồn để ý nữa. Bỗng dưng cô thấy Thiếu Hàng
đưa máy áp vào tai mình, cô giật mình và vội nói: “Mẹ ạ, chúc mẹ tết Trung thu
vui vẻ!”.

“Ừ, các con cũng thế nhé. Muộn thế này mà chưa ăn à?”.

“Lát nữa chúng con ăn ạ”.

Thẳng thắn mà nói bà Hợp là bà mẹ chồng đạt tiêu
chuẩn, rất nghiêm khắc nhưng lúc cần sẵn sàng xuống nước vì con cái. Nếu là
trước đây thì cô đã nói nhiều hơn với bà, nhưng giờ tư tưởng cô không tập trung
được.

Ngắt điện thoại xong cô thở dài lặng lẽ.

“Thôi đi mà”, Thiếu Hàng ôm lấy cô: “Đừng nghĩ ngợi
lung tung nữa. Hôm nay là tết Trung thu chúng ta phải vui vẻ lên chứ!”.

Gia Ưu nhìn anh, hóa ra anh ấy cũng biết tâm sự của
mình. Cô bật cười miễn cưỡng: “Nếu biết em không phải là Gia Hảo, mẹ sẽ nghĩ
thế nào nhỉ?”.

“Kệ, sau này mẹ biết cũng có gì ghê gớm đâu. Mấy năm
nay mẹ rất yêu quý em đấy thôi”.

“Mẹ quý Gia Hảo chứ không phải em. Anh còn nhớ chúng
mình hồi nhỏ không? Mẹ anh luôn thấy khó chịu khi em và anh ở bên nhau, sợ em
làm ảnh hưởng đến việc học tập của anh”.

“Đấy là trước kia mẹ không hiểu em”. Thiếu Hàng ngập
ngừng: “Ưu à, chỉ cần có thời gian thì chẳng có gì chúng ta không vượt qua
được”.

“Em luôn phải gò bó trước mặt ba mẹ anh. Dù những năm
qua ba mẹ quý em thì đó cũng không phải là con người em thực sự. Còn anh…, việc
này anh phải biết chứ”.

“Ngốc ạ, với anh em chưa bao giờ thay đổi cả. Có thể
gò bó hành vi, nhưng không thể thay đổi được bản tính”.

“Thế những năm qua em là gì hả? Mèo chẳng giống mèo
cáo chẳng giống cáo?” Cô chế giễu bản thân.

“Không nên để ý đến những chuyện vớ vẩn ấy?” Anh gí gí
tay vào đầu cô.

Gia Ưu im lặng ngoài người lên vai anh, ngập ngừng
không biết có nên hỏi về chuyện năm xưa không? Cô không muốn phá hỏng không khí
vui vẻ này. Hơn nữa cô hiểu người đàn ông này, nếu muốn nói anh đã nói từ lâu
rồi, chứ chẳng cần đợi cô truy hỏi, chất vấn, cô muốn biết sự thật, chứ không
phải nghe những lời bịa đặt.

Thà anh đừng nói còn hơn là anh dối cô.

Thiếu Hàng cảm nhận được tinh thần cô đang suy sụp
liền hỏi: “Có chuyện gì hả em?”.

Cô nhếch nhếch môi: “Vâng, nhiều lắm”.

“Liên quan tới anh à?”.

“Vâng”.

Thiếu Hàng quay người lại nhìn thẳng vào mắt cô: “Em
muốn biết điều gì?”.

Gia Ưu lắc đầu.

Trong giây phút ấy, ánh mắt anh lóe lên những tình cảm
phức tạp: “Nếu vậy xin em hãy tin anh được không?”.

Gia Ưu cười cười: “Được, em tin anh”.

Em rất muốn tin anh, nhưng em cần phải biết sự thật,
em cần phải có gì đó giải tỏa nghi vấn của ba mẹ em chứ.

Có lẽ nụ cười của cô quá hấp dẫn nên anh hưng phấn ôm
ghì lấy cô. Hai người hôn nhau thắm thiết.

“Anh nói thật đi, anh thích em từ bao giờ hả? Tại sao
em không cảm thấy gì nhỉ?”.

Không nói còn được, chứ nói cái anh cắn môi cô thật
đau: “Anh làm sao biết được là em không cảm nhận được chứ? Em chính là bóng đêm
duy nhất trên con đường sáng chói của anh, mọi thất bại của anh đều dành cho em

hết”.

Cô há hốc mồm: “Không thể thế được! Em đâu có đần độn
như thế. Trước kia cũng có mấy cậu bạn cùng lớp theo đuổi, em đều biết đấy chứ?
Như cậu… hình như cậu Trương gì gì ấy, em quên tên rồi. Lại còn Trần Minh Huy…,
à còn cả Lục Minh Huy nữa chứ!”.

Thiếu Hàng nhìn cô nói: “Ái chà, vẫn còn nữa đấy!”.

Gia Ưu cười: “Hết rồi, đúng là trí nhớ của em tồi
thật. Giờ em chẳng nhớ nổi mặt của họ nữa”.

Không khí rất vui vẻ,, hai người trông thật hạnh phúc.
Ăn xong cơm anh ngồi bổ bưởi cho cô ăn, cô thích thú cầm từng múi lên ăn.

“Anh bổ không kịp được tốc độ nhai cuả em”. Ai đó lên
án.

“Thế thì em ăn chậm vậy”.

“Đến lượt em bổ cho anh ăn rồi chứ nhỉ?!”.

“Đừng mà, em không biết bổ”.

“Trời ạ, em hơi xấu tính đấy”.

Ăn uống no say xong hai vợ chồng tay nắm tay đi dạo
trong khu. Trăng hắt ánh sáng dìu dịu lên mặt đường, thời gian như ngừng trôi.

“Trăng hôm nay tròn quá…”, cô ngẩng đầu lên nói.

Anh cũng gật gật đầu và nói khẽ: “Ưu à, trông em thế
này thật ngốc”.

“Xì… anh lại nói thế rồi đấy!”.

Thiếu Hàng ngẩng đầu chăm chú nhìn trăng tròn xoe như
quả bóng, mãi sau mới thốt ra một câu: “Đúng là… rất tròn”.

“Ái…” Cô thở sâu bỗng thấy đau thắt bên hông, liền ngả
người vào anh.

Cô ngập chìm trong hạnh phúc, hơn lúc nào hết giờ cô
mới hiểu được câu: “Chỉ mong được sống với nhau lâu dài để chia sẻ hạnh phúc”.

Những thứ như nhật ký của Gia Hảo, sự thật về vụ tai
nạn… hoàn toàn biến mất trong lúc này.

Hôm sau cô đến gặp ông Niên như đã hẹn và rồi đi làm…
mọi thứ thuận lợi chẳng khác gì nước chảy vào ruộng.

Ông Niên là người nhẹ nhàng, tác phong làm việc chậm
chắc. Bình thường chẳng mấy khi ông đến công ty. Mấy lần hẹn gặp cô đều ở quán
trà, nhưng mùi thơm nồng nàn của trà không làm mụ mị đầu ông. Hiệu quả làm việc
cực cao, ra quyết định rất nhanh. Ông quyết định giao việc quản lý tạp chí cho
cô.

Mấy hôm nay cô thấy mình may mắn đã gặp được ông sếp
tốt, nhưng rồi suy nghĩ của cô nhanh chóng tiêu tan. Hôm đi làm đầu tiên cô gặp
ngay Đàm Áo ở công ty.

“Sao anh lại ở đây?”.

Đàm Áo trả lời thẳng thắn: “Tôi đến làm việc, lần này
cô làm sếp tôi đấy”.

Cô giật mình: “Anh xin thôi việc rồi à?”.

Anh hờ hững gật đầu: “Cô đi đâu tôi theo đó”.

Cô đã ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề.

Cô đành gọi anh vào trong văn phòng, kéo rèm xuống rồi
nghiêm mặt nói với anh: “Đàm Áo, anh có biết anh đang làm gì không?”.

“Tất nhiên là biết chứ”.

“Anh theo đuổi như thế này có ý nghĩa gì không?”.

“Anh thấy có là có”. Đàm Áo nói thẳng.

“Anh đang gây áp lực cho tôi đấy”.

Đàm Áo cười đắc ý: “Nếu em không để ý thì anh có gây nhiều
áp lực cũng có tác dụng gì đâu”.

Cô tức phát điên lên, chẳng biết phải làm gì với con
người này nữa. Cô thấy mình thật vô dụng, giờ thì cô hiểu tại sao Thiếu Hàng
lại giữ thái độ mặc kệ với Trương Quần.

Đều quen nhau cả, nên cô nghĩ ra một cách. Cô nói cho
Thiếu Hàng biết suy nghĩ của mình, anh không có ý kiến gì chỉ nói: “Tùy em, em
muốn làm gì thì làm”.

Gia Ưu thấy anh không nhiệt tình liền hỏi: “Anh thấy
không được à?”.

Anh ngước mắt nhìn cô: “Đàm Áo là người dễ dàng thay
đổi tình cảm thì đâu phải đợi đến ngày hôm nay để cho em giới thiệu”.

Cô nghĩ nhiều thành quẫn rồi: “Biết đâu được đấy. Khoa
học đã chứng minh rằng, nhốt một người đàn ông và một người đàn bà vào chung
một phòng, dù không biết nhau, không có tình cảm thì sau một thời gian họ cũng
sẽ nảy sinh tình cảm”.

Anh nhếch môi: “Làm gì có gian phòng đó”.

“Chúng ta có thể tạo cho họ”.

“Em phúc hậu quá đấy”.

“Điều này…”, cô nhấm nhẳng nói: “Vâng, em thừa nhận là
em đang cố. Nhưng nếu họ đến với nhau được thì tốt quá còn gì. Không nói gì Đàm
Áo, chỉ nói Trương Quần thôi, cô ấy đã bị nhỡ nhàng nhiều vì anh. Mẹ cô ấy giờ
nhìn anh như muốn ăn tươi nuốt sống đấy, chỉ mong chém chết anh thành trăm mảnh
thôi”.

Anh gượng cười: “Vậy thì cứ thử đi, làm được gì anh sẽ
cố gắng”.

Thế là cuối tuần cô đứng ra tổ chức đi lao động công
ích. Cô rủ cả hai người ấy đến trung tâm của Đóa phụ giúp một tay.

Thực ra Trương Quần chẳng có hứng thú gì, nhưng nghe
nói Thiếu Hàng đến liền đến sớm hơn giờ hẹn mười mấy phút. Đàm Áo bị tắc xe nên
đến muộn nhất. Hai người trước đó đã quen biết nhau, hôm ở quán bar nói chuyện
với nhau vui vẻ nên lần này gặp cười nói tưng bừng.

Gia Ưu đang tắm cho một con chó. Cô thấy cặp đôi ấy
quá xứng: “Trương Quần là người thông minh, nhanh nhẹn chỉ có điều không chịu
thể hiện tính cách của mình, Đàm Áo cũng vậy!”.

“Cậu nói xem, tại sao hai người ấy lại cứ khăng khăng
như vậy nhỉ?”.

Đóa như đang nghĩ gì đó bật cười nhìn cô: “Ưu à, tớ
thấy trong tình cảm cậu không ngốc chút nào!”.

Gia Ưu đỏ bừng mặt: “Ngay cả cậu cũng nói tớ như thế
à”.

“Tớ có gì nói đấy…, cậu chưa bao giờ trải qua cái cảm
giác chờ đợi, yêu đơn phương nên không cảm nhận được đâu. Giờ muốn gì được đấy,
thật mừng cho cậu”.

Đóa xúc động nói, sau đó quay về chủ đề cũ: “Tớ nghĩ
cả hai người ấy đều hiểu rõ rằng tình cảm này chỉ là vô vọng, nhưng muốn họ
dừng chắc chắn không thể. Họ không đành lòng, không chịu đâu”.

Gia Ưu thấy xao xuyến trong lòng, đang ngẫm nghĩ thì
nghe thấy Đóa nói thêm: “Họ kiên trì như vậy cũng là chung thủy với trái tim
mình”.

Bỗng Gia Ưu thấy mình tội lỗi quá: “Vậy tớ định gán
ghép họ… thì…”.

“Thôi thì cứ thử xem sao, chưa chắc đã thành đâu”. Đóa
nói khẳng định.

Gia Ưu im lặng, nước mắt trào ra. Cô chẳng buồn vun
vén gì nữa, thôi thì để mặc sợi dây tơ hồng tới đâu thì tới.

Xây dựng được ê kíp mới cũng có mấy trợ thủ đắc lực,
công việc chuẩn bị cho ra tạp chí dần đi vào quỹ đạo. Dù nhiều việc vặt, nhưng
vẫn được tiến hành rất quy củ.

Cô mải mê bận rộn vì công việc, cả tuần ít nhất phải
có ba buổi chiều đến báo cáo tình hình công việc cho ông Niên.

Đây là lần thứ tư nên cô thả lỏng cơ thể, ngả lưng dựa
vào chiếc ghế mềm mại, bên tai văng vẳng giọng nói cuốn hút của bác sĩ Lã. Ông
nói chậm rãi, cực hấp dẫn, lôi tuột cô từ thế giới thực tỉnh táo vào trong viễn
cảnh mông lung, huyền ảo.

Bác sĩ Lã là người rất chú trọng đến chất lượng cuộc
sống. Từ dàn âm thanh Hi-fi đến bộ ấm trà cổ nhìn biết ngay đáng giá cả đống
tiền. Dịch vụ khám của ông cũng tỉ mẩn và kỹ càng như những gì ông trau chuốt
cho cuộc sống.

Bố trí một gian phòng đầm ầm tràn ngập âm thanh nhẹ
nhàng, cốc trà trắng tinh khiết đi kèm thêm món bánh ngọt là những gì ông dành
cho bệnh nhân.

Những thứ thoải mái bên ngoài ấy chẳng liên quan gì
đến sự giãy giụa trong hồi ức của con người. Kết thúc liệu trình cô nằm ngủ
thiếp đi.

Nửa tiếng sau, cô bừng tỉnh dậy, hiện ngay trước mắt
là bác sĩ đang cài cổ áo. Cô bật dậy ngạc nhiên hỏi: “Đã xong rồi hả bác sĩ?”.


Bác sĩ Lã gật đầu: “Qua mấy lần cô kể thì tôi đưa ra
kết luận thế này”. “Trước hết, cô có một tuổi thơ vui vẻ, không có áp lực,
không bị gò bó. Học hành rất thoải mái, chẳng hao tâm tổn sức. Cô toàn dành
thời gian cho việc chơi thôi. Hồi ấy cô có rất nhiều bạn, bạn cùng lớp, cùng
trường và cả cùng ở khu ở nữa. Cô luôn cầm đầu lũ bạn, tính tình thoải mái. Còn
em gái cô thì hoàn toàn ngược lại”. Gia Ưu gật đầu đồng ý.

Bác sĩ Lã nói tiếp: “Hồi thi vào cấp hai cô chỉ thiếu
một điểm vào trường trung học cơ sở trọng điểm của thành phố. Chính cô đã cố
tình bỏ trống một câu vì không muốn học ở đấy. Cô sợ bị bố mẹ đòi hỏi giống em
gái. Nhưng cũng chính từ lúc ấy bố mẹ cô không còn nhắc đến tên cô trước mặt
người ngoài nữa, rất ít đưa cô đi chơi cùng. Tuy cô không nói ra nhưng trong
lòng thấy ấm ức lắm. Cô không hề thua kém em mình nhưng ba mẹ vẫn cứ thiên vị
với em gái, không quan tâm đến cô”.

Gia Ưu nhướn mày kinh ngạc.

“Đừng ngạc nhiên thế. Toàn bộ thông tin này tôi lấy từ
cuộc nói chuyện với cô cộng thêm ít suy luận mà thôi. Chúng ta nói tiếp nhé. Cô
đã từng có suy nghĩ làm sao thi đạt được điểm cao nhất để ba mẹ thay đổi suy
nghĩ về mình, nhưng rồi cân nhắc thiệt hơn cô cho rằng được không bằng mất nên
tự điều chỉnh tâm trạng mình. Thời gian này ba mẹ nhờ Thiếu Hàng kèm cô học,
không ngờ anh ta lại biết thừa tật ham chơi của cô. Hết mềm mỏng đến cứng rắn
cô dọa anh ta phải giữ bí mật cho mình và rồi anh ta nhận lời. Lúc ấy cô cũng
bắt đầu có tình cảm với anh ta, nhưng sau rồi cô lại quyết định tránh xa anh ta
ra”.

Gia Ưu im lặng trong giây lát: “Đúng là hồi ấy tôi có
cảm tình với anh ấy, nhưng cũng chỉ là một chút thôi”.

“Lên cấp ba cô chơi thân nhất với Đàm Áo. Hai người
thường xuyên đi với nhau, từ lên lớp, đi thư viện đến ra sân bóng đều đi cùng
nhau. Lúc này quan hệ giữa cô và Thiếu Hàng rất sơ sơ, gặp nhau chào hỏi dăm ba
câu cho xong. Nguyên nhân là vì hai người ít tiếp xúc với nhau, không có tiếng
nói chung; mặt khác anh ta thường xuyên ở bên em gái cô, đã thành đôi thành lứa
nên cô không muốn phiền hà”.

“Bác sĩ Lã này, những chuyện này có liên quan đến việc
mất trí nhớ của tôi không?”.

Bác sĩ Lã quay người cầm cốc trà uống một ngụm: “Đương
nhiên là có chứ. Tôi cần phải hiểu quá khứ của cô thì mới có được những chuẩn
đoán chính xác”.

“Vâng”.

Bác sĩ Lã đặt chiếc điện thoại đang có ai gọi đến lên
trên bàn. Cô tốt bụng nhắc nhở: “Bác sĩ có điện thoại kìa!”.

“Cứ kệ đi”.

Nhưng vài phút sau trợ lý của ông gọi mạng nội bộ lên,
không biết nói gì mà sắc mặt ông thay đổi. Gác điện thoại xong quay sang nói:
“Xin lỗi cô, chúng tôi sẽ bố trí hôm khác nói chuyện tiếp. Giờ tôi phải ra
ngoài có việc”.

Gia Ưu không lấy làm ngạc nhiên vì nhìn đồng hồ thấy
thời gian không còn sớm. Cô ra bãi đỗ xe cùng bác sĩ. Cô thắt dây an toàn xong,
xe chuẩn bị lăn bánh thì bác sĩ Lã gọi giật lại và chạy đến nói: “Cô Ưu à, cô
cho tôi đi nhờ xe một đoạn được không? Xe của tôi đang đi bảo dưỡng không kịp
đi lấy, bây giờ bắt tắc xi khó lắm”.

“Được chứ ạ, mời bác sĩ lên xe”.

Tối nay cô hẹn Thiếu Hàng ăn ở ngoài, vừa hay chỗ ăn
đấy lại cùng dãy phố mà bác sĩ Lã có hẹn, cách nhau mười mấy mét thôi.

Bác sĩ Lã xuống xe tại ngay đầu con phố đông đúc. Ông
đi nhanh lắm, như là đang có việc cháy nhà chết người gì đấy.

Bỗng dưng trí tò mò trỗi dậy, cô đỗ xe vào lề đường
rồi ra khỏi xe. Băng qua dòng người đông đúc, cô thấy bác sĩ Lã đang đứng cạnh
một chiếc xe hơi Lavida của Volkswagen màu bạc khá đẹp nói chuyện với hai
người, một nam một nữ.

Đằng sau đuôi xe Lavida có một chiếc xe thể thao màu
xanh ngọc đắt tiền. Nhìn vào trong xe, người ngồi ở ghế lái là một phự nữ mặc
váy đen, đeo kính râm che nửa mặt. Tuy không nhìn rõ được khuôn mặt, nhưng nhìn
nghiêng nghiêng đủ thấy đó là một phụ nữ xinh đẹp.

Nhìn khung cảnh, cộng thêm với những lời bàn tán của
mọi người đứng xung quanh, cô dễ dàng đoán được câu chuyện. Chiếc xe đi trước
dừng đột ngột khiến cho xe đi sau không kịp phanh nên đã húc vào đít. Thực ra
không có gì nghiêm trọng.

Về lý mà nói không có gì phải cãi vã cả, hai bên đều
sai, mỗi người nhường nhau một tí để công ty bảo hiểm bồi thường là xong. Lạ
là, từ lúc xảy ra đến giờ người phụ nữ ngồi trong chiếc xe màu xanh ngọc không
chịu ra khỏi xe, cũng không lên tiếng, cửa kính ô tô luôn khép chặt. Mặc kệ cho
hai người, một nam một nữ đứng bên ngoài chửi đổng.

Cô đứng lại một lúc, suy xét không biết có nên giúp
bác sĩ Lã hay không. Nhưng đây đâu phải là việc khó giải quyết, hai là họ lấy
hai chọi một, dù chỉ chửi nhau thôi người phụ nữ trong xe cũng thua chắc chứ
đừng nói gì là đánh nhau. Hơn nữa giờ đã xuất hiện anh hùng cứu mỹ nhân rồi,
với lại cô chẳng quen biết gì người ta, giờ tự xông vào biết đâu lại bị mang
tiếng lắm chuyện.

Nghĩ vậy, cô rời khỏi đám đông đi đến chỗ hẹn Thiếu
Hàng.

Ăn được một nửa, đang nói chuyện với Thiếu Hàng, cô
liếc nhìn thấy bác sĩ Lã sánh vai cùng người phụ nữ ấy bước vào. Cô ngước lên
nhìn.

“Em quen à?” Thiếu Hàng hỏi.

“Không. Em không quen”. Cô cúi đầu nói.

Quan Thiếu Hàng nhìn rồi nói: “Hà Hổ Phách”.

“Hả, anh quen à?”.

“Mấy năm trước cô ấy là người mẫu quảng cáo cho một
khu chung cư cao cấp của ông Niên. Hồi ấy anh phụ trách thiết kế nên cũng có
dịp gặp nhau vài bận. Sau đó không lâu cô ấy rút chân ra khỏi làng giải trí”.

“Hóa ra là người nổi tiếng, thảo nào trông rất chảnh”.

Ăn xong cô ra toa lét thì gặp hai người ở ngay cửa nhà
hàng. Bác sĩ Lã hình như đang tranh luận gì đó với Hà Hổ Phách, sắc mặt hai
người hằm hằm khó chịu. Có lẽ bác sĩ Lã muốn giảng hòa nên giơ tay ra kéo cô
Phách. Không ngờ cô ấy giơ tay hất phăng ra, không thèm nói câu nào đi ra khỏi
nhà hàng.

Bác sĩ Lã mặt xám ngoét đứng chôn chân một chỗ,
nghiêng nghiêng đầu vô tình nhìn tháy ánh mắt thăm dò của Gia Ưu. Bác sĩ Lã
lúng túng và tảng lờ như không nhìn thấy gì đi thẳng.

“Chào anh”. Thấy bác sĩ Lã lại gần cô cất tiếng chào.

Bác sĩ Lã cười cười: “Vừa rồi vội quá nên chưa kịp nói
lời cảm ơn cô”.

“Bác sĩ khách sáo quá, dù gì tôi cũng một công đôi
việc mà”.

Nói vài câu không đâu vào đâu, bác sĩ xin phép về
trước, còn cô quay lại chỗ ngồi. Thấy Thiếu Hàng nhìn mình như đang nghĩ gì đó
liền hỏi: “Anh làm sao thế?”.

Không biết có phải ảo giác hay không, nhưng cô cảm
thấy ánh mắt của anh như có lửa muốn đốt cháy toàn thân mình.

Cô chột dạ, vội cầm dĩa lên chọc một miếng để khỏa lấp
sự lúng túng.

Thiếu Hàng thờ ơ nhìn những hành động thiếu tự nhiên
của cô, mãi sau anh mới chậm rãi nói: “Em với bác sĩ Lã quen nhau từ bao giờ
thế?”.

Quả nhiên đã bị nhìn thấy.

Gia Ưu ngẫm nghĩ: “Em phỏng vấn anh ta thôi… em đang
tìm tư liệu viết bài”.

“Em hãy nói thật đi”.

Gia Ưu mím môi: “Em gặp bác sĩ để điều trị tâm lý”.

“Tại sao?”.

“Thôi miên, giúp em hồi phục được trí nhớ, nhớ lại vụ
tai nạn ngày ấy”.

Thiếu Hàng nhìn cô chằm chằm, mãi sau anh mới nhếch
môi nói: “Quen lâu thế rồi cơ à? Bắt đầu từ bao giờ thế?”.

“Sau khi em đi du lịch về?”.

“Tối hôm Trung thu em muốn hỏi anh việc này đúng
không?”.

“Vâng”.

Mặt anh lộ vẻ không vui, giọng nói khó chịu: “Anh bảo
em hỏi thì em không chịu hỏi. Lại đi điều tra sau lưng anh là sao?”.

“Em hỏi anh có chịu nói không?”. Cô bật cười chua
chát, bỏ toẹt chiếc dĩa xuống bàn nói: “Chẳng đâu vào đâu cả”.

“Như vậy hôm ấy em nói tin anh chẳng qua là muốn qua
loa xong chuyện đúng không?”.

Gia Ưu nhìn thẳng vào mắt anh: “Nếu việc này chỉ liên
quan tới em hoặc anh thì em sẽ nghe theo anh hết. Những việc anh không muốn em
hỏi em cũng sẽ không hỏi, những việc anh không muốn em biết em cũng sẽ không
biết. Nhưng liệu có đơn giản như vậy không?”.

“Chuyện này thực chất chỉ là chuyện giữa anh và em
thôi mà”.

Lòng cô như có mồi lửa châm lên bùng cháy dữ dội, cô
cười nhạt: “Vâng, chúng ta là trời sinh voi trời sinh cỏ, sinh ra từ lỗ nẻ”.

Thiếu Hàng trầm ngâm trong giây lát: “Ba mẹ gây áp lực
với em à?”.

“Thưa anh, liệu ba mẹ nào không đau khổ khi con gái
yêu quý nhất chết không rõ ràng?” Gia Ưu nói rồi thấy sống mũi mình cay cay:
“Ba mẹ gây áp lực với em là chuyện cũ rồi. Anh không chịu nói em cũng đoán được
rồi, lẽ nào giờ đây bản thân em cũng không có quyền đi tìm sự thật hay sao?”.

Thiếu Hàng nghĩ ngợi rồi đặt tay lên tay cô, dịu dàng
nói: “Anh nói không có ý như vậy. Anh xin lỗi, anh sẽ nói chuyện với ba mẹ”.

“Đi nói sự thật à?” Cô cười khẩy.

Quan Thiếu Hàng sửng sốt: “Sự thật nào hả em?”.

“Em gái em chết như thế nào”, Gia Ưu nhìn chằm chằm
vào mặt anh.

Khuôn mặt Thiếu Hàng đờ ra: “Em nói thế là có ý gì?
Năm năm trước cô ấy chết vì vụ tai nạn xe hơi. Thế mà còn phải hỏi à?”.

“Trước khi cô ấy chết có phải hai người đã cãi nhau ầm
ĩ đúng không? Tại sao lại thế?”.

“Em giấu câu hỏi này trong lòng lâu lắm rồi phải
không?”.

Khóe môi anh nhếch lên: “Hôm cô ấy xảy ra chuyện bọn
anh có gặp nhau và đúng là có cãi vã. Nhưng sau đó cô ấy không kiềm chế được
bản thân đã lấy xe lái đi và rồi không may mắn bị tai nạn”.

“Tại sao em lại ở trên xe?”.

Quan Thiếu Hàng bặm môi xong rồi nói: “Anh không
biết”.

“Thế tại sao hai người lại cãi nhau?”.


Bị Gia Ưu hỏi dồn dập quá anh không kiềm chế nổi bực
mình nói: “Chẳng có gì để nói cả. Nếu em cũng như ba mẹ mình thì chắc chắn sẽ
cho rằng anh hại chết Gia Hảo, vậy thì chúng ta cần gì phải nói chuyện nữa
hả?”.

“Em không nghĩ như vậy nên em mới muốn anh giải thích,
muốn rõ ràng phải có chứng cứ chứ”.

Thiếu Hàng nhìn cô chăm chú, mãi sau mới lên tiếng:
“Cái anh cần đó là tin nhau vô điều kiện, chứ không phải là những câu truy hỏi
rồi sau đó nói nhẹ như lông hồng anh ấy vô tội. Về việc này anh giải thích đã
quá đủ rồi”.

Không thể nói tiếp được nữa, cô thở dài não ruột.

Mấy đêm tiếp theo cô toàn đến ngủ cùng với Tiểu Đóa.

Chỗ Đóa không được rộng rãi, đồ đạc lỉnh kỉnh, bừa
bộn, may là có chiếc giường rất êm ái, dễ chịu. Từ nệm giường cho đến chăn gối…
đều được quan tâm đặc biệt.

Tiểu Đóa luôn nói là: “Cuộc đời có quá nhiều chuyện
bất hạnh, nếu ngay cả trong giấc ngủ chúng ta cũng không được thoải mái thì
cuộc sống này còn ý nghĩa gì?”.

Gia Ưu tẩy trang xong, tắm nước ấm và thay chiếc váy
ngủ Đóa đã chuẩn bị sẵn rồi lên giường. Cô ôm chiếc gối bằng lụa ngồi thừ người
ra.

Tiểu Đóa ngồi dịch trên máy tính, chốc chốc liếc sang
cô: “Sao im lặng thế?”.

“Cậu nói xem, có phải quan hệ giữa tớ và anh ấy đã đến
lúc chấm hết rồi chăng?”.

“Nói vớ vẩn, vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường”.

“Nhưng chúng tớ hiếm khi cãi nhau lắm. Thời gian gần
đây chúng tớ cãi nhau còn hơn cả số lần cãi nhau trong năm năm chung sống”. Gia
Ưu với tay lấy sữa dưỡng thể để ở đầu giường bóp ra thoa đều lên chân.

“Trước khi chung sống với Thiếu Hàng, cậu chưa yêu
đúng không?”.

“Ừ, chưa”. Gia Ưu nói thật.

Tiểu Đóa gượng cười: “Tốt số thật đấy…”.

“Đóa này, cậu nói xem rốt cuộc là anh ấy muốn che giấu
điều gì?”.

“Thực sự tớ cũng không nghĩ ra, nhưng…”, Tiểu Đóa dừng
lại xoa xoa cằm và nói tiếp: “Chuyện tình một đêm gì gì đó. Đó cũng chẳng phải là
chuyện hãn hữu. Đàn ông thích được phụ nữ say mê, một bàn tay làm sao vỗ thành
tiếng được. Tớ nói câu hơi khó nghe nhé, suy nghĩ của ba mẹ cậu bây giờ quá
lệch lạc, làm như Thiếu Hàng cưỡng ép em gái cậu lên giường nên em cậu mới treo
cổ tự vẫn hay sao ấy”.

“Thiếu Hàng không phải là hạng người ấy”. Gia Ưu khẳng
định.

“Tớ cũng thấy anh ấy không phải, thế nên cậu đừng có u
mê như ba mẹ mình nữa. Theo tớ, cậu nhớ lại được là chuyện tốt, mà không nhớ
được cũng chẳng sao. Năm năm qua vẫn sống như vậy, giờ cậu cũng đã cởi được nút
thắt trong nỗi lòng mình rồi thì phải sống cho vui vẻ chứ. Việc gì phải bới móc
những gì liên quan đến em gái cậu? Người chết cũng đã chết rồi…”.

Những lời nói của Đóa tuy khó nghe và có phần nào đó
lạnh lùng tàn nhẫn, nhưng không phải là không có lý. Nghe xong lòng cô cũng
thấy dao động, không ngờ sáng hôm sau lại bị mẹ ép vào bước đường cùng.

Đang ở văn phòng thì nhận được điện thoại của bà Dĩnh
yêu cầu ly dị Quan Thiếu Hàng ngay.

Gia Ưu khó chịu nói: “Không phải ba mẹ bảo cho hai
tháng sao?”.

“Còn tìm cái gì nữa?”. Bà Dĩnh cười khẩy nghe chát
chúa: “Mẹ nói cho con biết chính Quan Thiếu Hàng đã hại chết em gái con. Chính
miệng bà mẹ chồng con nói đấy. Như thế còn giả à? Con sống phải có lương tâm
chứ? Phải cắt đứt quan hệ ngay với nó”.

Gia Ưu nhíu mày: “Mẹ, mẹ đang nói gì thế?”.

“Ưu à, con ghé qua nhà một lát đi. Tẹo nữa nó cũng đến
đấy”.

Đầu dây bên kia vang lên tiếng vỡ loảng xoảng, rồi
nghe thấy tiếng nói nặng nề của ba: “Hôm nay mẹ con đã ngửa bài với bà mẹ chồng
của con rồi”.

Gia Ưu giật mình, chiếc bút chì suýt nữa thì đâm vào
tay, cô lờ mờ cảm nhận sắp có bão lớn xảy ra. Cô bỏ mặc công việc đang dang dở
lái xe một mạch về nhà.

Suốt đời này cô sẽ không bao giờ quên nổi cảnh tượng
ngày hôm ấy.

Từ nhỏ cô đã biết mẹ mình ăn nói sắc sảo. Chính vì nói
sắc sảo quá mà luôn làm tổn thương đến người nghe, vết thương vô hình. Cô nghe
quen rồi, không còn cảm giác rồi. Nhưng mẹ chồng cô thì khác, bình thường bà
luôn ăn nói nhã nhặn, nhưng lúc nào tức lên thì còn nguy hiểm hơn cả bom nguyên
tử. Hồi bé cô đã biết đến “cô Hợp” ghê gớm này mà, càng tránh xa càng tốt.

Với bà Hợp, Gia Ưu thực sự là một con bé hư hỏng.
Chính bà đã tận mắt chứng kiến cô lớn lên từ nhỏ. Chẳng biết là bà mụ nặn nhầm
từ trong bụng hay sao ấy, chứ trên đời này làm gì có đứa con gái nào lại tinh
nghịch đến thế. Cũng không biết vì sao con trai mình lại thích chơi với con bé
ấy đến vậy. Không bị bắt gặp thì thôi chứ bắt được kiểu gì cũng giáo huấn cho
con trai một thôi một hồi, nào là gần mực thì đen. Con trai bà xuất sắc, ngoan
ngoãn không thể để con bé kia làm hư hỏng được. Nhưng rồi có nằm mơ bà cũng
không nghĩ được rằng, cô con dâu bà không ngớt lời khen ngợi ấy chính là Trì
Gia Ưu! Bà không thể chấp nhận được sự thực này. Nếu không phải chính miệng bà
thông gia nói thì bà không đời nào tin.

Đợi đến khi gặp được Trì Gia Ưu, nghe cô chần chừ chào
“mẹ ạ”, bà mới thấy tình cảm của mình bị đùa bỡn quá mức, đau xót vô cùng. Năm
năm nay bà đã đối xử với đứa con gái này như là con gái mình dứt ruột đẻ ra.
Nhưng rồi thì sao, cũng chỉ là thứ hàng giả. Suy cho cùng người bà ghét nhất
vẫn là Trì Gia Ưu!

Lúc ấy bà lạnh lùng đáp: “Không dám, chào chị Ưu, chị
giỏi thật đấy!”.

Nghe mẹ chồng nói vậy Gia Ưu cứng cả họng chẳng nói
được lời nào. Bà Dĩnh đứng bên liền nói: “Gia Ưu nhà chúng tôi có giỏi đi nữa
cũng chẳng giỏi bằng Quan Thiếu Hàng nhà bà. Lừa con gái út nhà tôi, giờ lừa cả
chị nó nữa”.

Bà Hợp cười khẩy: “Bà Dĩnh, bà có nhầm không đấy.
Chính hai cô con gái quý hóa của bà cứ bám lấy Thiếu Hàng nhà tôi, chứ liên
quan gì đến con trai tôi hả?”.

Bà Dĩnh tức tím tái mặt mày: “Ly dị, ly dị ngay”.

“Tôi đồng ý, ly dị nhanh lên!”. Bà Hợp cũng chẳng chịu
lép vế.

Gia Ưu không thể chịu đựng thêm được nữa, cô quay
người đi thẳng. Ra tới cửa gặp Thiếu Hàng bước vào, hai người nhìn nhau chưa
kịp nói câu nào thì đã nghe tiếng ba mẹ hai bên ầm ĩ cả lên.

“Đến đúng lúc lắm. Thiếu Hàng này, mấy năm nay nhà ta
đã bị nhà họ lừa cho một vố rồi. Hôm nay con phải ly dị với Gia Ưu ngay lập
tức”.

Sắc mặt anh biến đổi: “Mẹ, mẹ đang nói gì đấy?”.

“Con không biết nhà họ nói con như thế nào à? Nếu mẹ
sớm biết con lấy Gia Ưu thì mẹ không đời nào cho nó bước chân vào cửa nhà mình
chứ đừng nói làm dâu…”.

“Quan Thiếu Hàng, giờ cậu phải nói rõ ràng cho chúng
tôi biết. Gia Hảo nhà chúng tôi có điều gì không xứng với cậu mà cậu lại đối xử
với nó như thế hả? Lương tâm của cậu bị chó gặm mất rồi à? Cậu hại chết con gái
tôi giờ đền mạng cho nó đi”.

“Này bà Dĩnh, bà nói thế mà nghe được à. Con gái bà
nghĩ quẩn mới tự tìm đến cái chết chứ liên quan gì đến Thiếu Hàng nhà tôi hả?”.

“Đừng nói nữa!”. Thiếu Hàng mặt xanh lét hét toáng
lên, Gia Ưu định chạy khỏi nhà, mu bàn tay anh lạnh ngắt.

“Gia Ưu à…” Anh đuổi theo cô.

Tiếng bước chân đuổi gấp gáp trong hành lang chật hẹp.

Anh tóm lấy cánh tay cô, cô đành phải dừng lại, hai
chân giẫm lên bậc tam cấp liền nhau: “Anh buông em ra!”.

“Em bình tĩnh lại đi!”. Anh xông lên chắn đường cô:
“Gia Ưu à, đừng mụ mị vì những lời nói của các cụ”.

“Em đóng kịch lâu quá rồi, lâu đến độ chẳng còn năng
lượng nữa, lâu đến độ mất hết cả sĩ diện rồi”. Cô ấm ức nói rồi mím môi như sắp
bật khóc đến nơi. Và rồi cô vùi mặt vào vai anh.

Thoáng cái anh đã thấy bờ vai mình ướt sũng. Anh thở
dài giơ tay vuốt ve mái tóc cô: “Kệ các cụ em ạ, muốn nói gì thì nói. Trước em
không để ý giờ em để ý làm gì?”.

“Từ khi yêu anh em đã không còn là em nữa rồi!”. Cô
giận dỗi đấm thùm thụp vào ngực anh.

Anh nâng khuôn mặt cô lên mỉm cười: “Gia Ưu à, em biết
không, từ nhỏ đến lớn anh luôn ngưỡng mộ cách sống, cá tính của em. Yêu và ghét
tách bạch rõ ràng, không bao giờ dài dòng, dây dưa, không giả dối, không lươn
lẹo. Người như vậy không dễ gì có được”.

“Em có gì tốt nhỉ?” Cô bĩu môi: “Em không lên nữa đâu.
Các cụ đang bực tức thế em không chịu nổi đâu. Anh lên đi, đừng để các cụ cãi
nhau đến độ không nhìn mặt nhau nữa nhé”.

“Em đi đâu?”.

Cô nghĩ ngợi rồi nói: “Em qua nhà Đóa ở vài hôm, các
cụ hai bên giờ cần có thêm thời gian chấp nhận sự việc”.

Thiếu Hàng nhìn cô chăm chú: “Em vẫn tiếp tục điều trị
tâm lý chứ?”.

“Vâng”.

“Gia Ưu này, vụ tai nạn ấy đúng là một tai nạn bất
ngờ. Tại sao em cứ nhất quyết phải tìm hiểu điều bất ngờ ấy nhỉ?” Mắt anh lộ rõ
vẻ chán nản, buồn bã.

Cô nhìn phản ứng của anh: “Em tin là bất ngờ, nhưng
thực sự là em bị hổng khoảng ký ức ấy. Nếu không đối diện được với nó thì vết
thương vẫn cứ âm ỉ trong trái tim em. Ba mẹ em sẽ không đời nào chịu buông tha
cho chúng ta”.

Thiếu Hàng im lặng và nới lỏng vòng tay: “Đã thế chúng
ta cho nhau một khoảng thời gian nhé, chứ anh làm sao sống nổi thế này suốt đời
hả?”.

Gia Ưu không thể ngờ rằng anh lại nói câu này, cô cắn
chặt môi rồi nói: “Nửa năm”.

“Lâu quá”, anh thẳng thừng từ chối, ngập ngừng nói:
“Hai tháng nhé”.

Cô không nén được lòng hỏi luôn: “Nếu sau hai tháng em
vẫn chưa nhớ ra được anh sẽ làm gì?”.

Anh nhếch khóe môi lên nói: “Câu này để anh hỏi em mới
phải chứ”.

Cô im lặng, anh quay người đi lên trên tầng. Cô đăm
đăm nhìn theo bóng anh, ánh mắt như muốn dán chặt vào người anh, mãi mới chịu
rời đi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận