Khoa Tội Phạm Hình Sự Đại Thanh

Edit + Beta: V

Do nhất thời hứng trí cá cược với Phú Sát Nhĩ Tế nên hôm đó, lúc Đoàn Hào từ đầu ngõ trở về đã hơi muộn.

Chờ khi y về đến nhà mở cửa ra, Đoàn Nguyên Bảo ở nghĩa trang đã tự mình ăn tối và đi ngủ.

Mấy năm qua, đứa bé này được y nuôi dạy thành một người hiểu chuyện, không để ai phải lo lắng, cũng chính vì thế, thỉnh thoảng nhớ đến thân thế thật sự của cậu bé khiến Đoàn Hào hơi suy tư.

Trong mắt mọi người, đa số đều cho rằng vợ y chết từ lâu gì gì đó nên y mới một mình mang theo con trai đi khắp nơi. Nhưng để nói về quan hệ thật sự giữa Đoàn Hào và Đoàn Nguyên Bảo thì là do nhiều năm về trước y tình cờ gặp được một vụ thảm án.

Khi đó, Đoàn Hào không ở Nghiêm Châu, có lẽ y ở Bình Dương, hoặc có lẽ là ở Đại Đồng.

Tóm lại, năm ấy y một mình phiêu bạc bên ngoài, là một kẻ cô độc thật sự.

Cái người tên Đoàn Hào này bởi vì những chuyện xảy ra trong quá khứ nên không thể xem là một kẻ hoàn toàn lương thiện. Ngược lại, trên người y cất giấu những thứ không thể đưa ra ánh sáng, người ta nói y máu lạnh cũng được mà cay nghiệt cũng thế, chung quy lại nửa đời người, y chưa từng có tình cảm với bất kỳ ai hoặc mang theo suy nghĩ nhớ nhung điều chi.

Nhìn có vẻ y khách sáo với tất cả mọi người, song thực chất luôn mang tâm kính trọng nhưng xa cách đề phòng người ta. Y không chủ động kết giao, hơn nữa vì chuyện năm năm trước nên Đoàn Hào mắc phải một "căn bệnh lạ", cuộc sống không dễ dàng gì.

Nhưng vào một ngày nọ, khi Đoàn Hào đi ngang qua một nơi thì y tình cờ nhặt được đứa bé này và một thi thể vô danh.

Đó là một người phụ nữ đã chết bị móc hơn nửa tim gan và nội tạng, lúc Đoàn Hào đi qua đó thì cậu nhóc Đoàn Nguyên Bảo hãy còn ngây thơ được người phụ nữ đó cẩn thận giấu trong một sơn động đổ nát.

Đứa bé nho nhỏ như một chú mèo được giấu trong đống cỏ khô, người ngợm bẩn thỉu, nửa gương mặt nhuốm đầy máu đen đã khô.

Lúc Đoàn Hào phát hiện đứa bé dơ bẩn trong đống cỏ khô thì nhóc ấy đã ở yên đó hai ngày hai đêm, tay chân lạnh lẽo, đói đến mức không cử động được. Tuy cậu bé còn nhỏ chưa hiểu chuyện, nhưng cũng biết là có đám kẻ xấu xuống tay giết chết người phụ nữ kia.

Cho nên lúc thấy Đoàn Hào phát hiện ra mình thì mới đầu cậu nhóc sợ tới mức phát run, nhưng khi nhận ra đó là một người lớn, lại không phải đám kẻ xấu hung ác tột cùng kia thì đứa bé đã chứng kiến mọi chuyện ấy không nói một lời mà chỉ nhỏ giọng rơi lệ.

Cậu bé là do Đoàn Hào nhặt được.

Đoàn Hào không thích trẻ con, nhưng đây không chỉ là một đứa bé mà còn là một mạng người. Lúc ấy ở bên người cậu nhóc ngoài thi thể nữ không biết vì sao xuất hiện thì còn có một đồng xu La Hán đeo trên cổ.

Đoàn Nguyên Bảo tuổi nhỏ, lại tận mắt nhìn thấy hiện trường giết người ở huyện thành nên bị hoảng sợ, hoàn toàn quên mất mình từ đâu tới, cha mẹ ở phương nào, thi thể nữ kia chết ra sao.

Đồng xu La Hán được đúc dưới thời Thánh Tổ, lưu hành hậu thế từ lâu, trên mỗi mặt đồng xu đều có khắc bốn chữ "Khang Hi thông bảo".

Thông bảo tức nguyên bảo, cho nên tên của cậu bé là Đoàn Nguyên Bảo.

[*] Thông bảo là chữ thường thấy trên các đồng tiền, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng.

Khang Hi thông bảo được treo bằng một sợi tơ hồng trên cổ của Đoàn Nguyên Bảo đến tận bây giờ là chứng cứ cuối cùng có thể chứng minh thân thế của cậu bé và nguyên nhân chết của người phụ nữ nọ.

Một ngày nào đó, lúc nhắc lại bản án cũ thì có lẽ, đồng xu La Hán kỳ lạ kia chính là vật chứng duy nhất để bắt được hung thủ.

Bởi vì nguyên nhân ấy nên mấy năm sau, Đoàn Hào vẫn luôn dẫn theo đứa bé bên cạnh, còn xem nhau như cha con, tuy rằng hằng ngày giữa hai người bọn họ không biết rốt cuộc là ai chăm lo cho ai.

Nhưng tóm lại, trong thoáng chốc, Đoàn Nguyên Bảo đã lớn như vậy rồi.

Song, trước mắt ngoại trừ huyện Tùng Dương, Đoàn Hào một thân một mình dẫn theo cậu bé sẽ tạm thời không đi nơi khác.

Bởi lẽ chính y cũng có một "đáp án" chưa thể cởi bỏ.

Khi chưa giải quyết xong một số việc trước đó thì y không thể quay về nơi ban đầu của mình được. Suy cho cùng, y vẫn là một "quái vật" ẩn nấp trong bóng tối không thấy ánh mặt trời, không thể về nơi đó chuốc lấy phiền toái vào thời điểm mấu chốt này.

Bấy giờ, Đoàn Hào mới nhớ đến câu chuyện trong miệng vị tiên sinh kể chuyện mà mình nghe được dưới quán trà lúc sáng. Nếu không phải đã lâu rồi y không nghĩ đến những chuyện trong quá khứ và bất chợt nghe ông lão ấy nhắc tới thì y đúng là không nhớ ra thật.

Trong phút chốc, trong lòng y hơi dao động, vốn tưởng rằng mình đã sớm không để ý đến những chuyện đó, song giờ nghĩ lại đúng là vết sẹo cũ không để xóa bỏ.

Y nghĩ đến mình thời niên thiếu, lúc còn ở Duyễn Châu.

Chỉ cần một chút ốm đau là có thể khiến y trở nên vô cùng yếu ớt, song xảy ra nhiều chuyện như vậy, y cũng lãng quên quá nhiều ở thời đại này, trở nên tê liệt, coi sinh tử của người khác như cỏ rác.

"Mẹ ơi... mẹ ơi... con muốn cái kia!"

Trên đường, đứa trẻ la oai oái đòi kẹo với mẹ đã dần khuất dạng ở nơi xa.

Đoàn Hào yên lặng nhìn, y không nói gì mà cứ vậy rời đi.

"Đoàn Ngọc Hành, nếu anh thật sự bước ra khỏi chỗ này thì tôi thân là mẹ, cả đời này không muốn nhận anh nữa."

"Mẹ."

"Đừng gọi tôi là mẹ, Đoàn Ngọc Hành..."

"Ác quan! Ác quan! Anh còn coi tôi là mẹ của anh sao... là anh hại chết cả nhà họ Đoàn ta... hức hức... Đoàn Ngọc Hành, anh tàn nhẫn thật... Anh nào có để ai vào mắt, anh chỉ một lòng muốn làm quan của anh thôi..."

Những rối rắm chôn sâu trong lòng từng đẩy y rơi xuống bóng tối không thể thoát ra được lại hiện lên một lần nữa.

Đoàn Hào chợt hoàn hồn, y đẩy cửa một mình tiến vào nghĩa trang tối tăm.

"Cha ơi."

Lúc này, cách đó nửa bước, cậu bé ngủ mơ ghé đầu lên bàn, gọi tên Đoàn Hào một cách nhớ thương. Trên bàn là cơm canh bần hàn lạnh lẽo, cơ mà Đoàn Nguyên Bảo đã ăn hết, nhóc không muốn làm phiền người khác.

Ở bên cạnh có đặt một cái chén, rõ là để lại cho Đoàn Hào. Phía trên ụp một cái giỏ tre cũ kỹ che lại thứ bên trong, thoảng chút hương vị quen thuộc song vô cùng khác thường.

Hương vị mà "thứ" kia phả ra, y biết rõ đó là gì.

Vì một số chuyện nên tâm trạng đêm nay của Đoàn Hào không được tốt cho lắm, y nheo mắt, thầm nghĩ trong lòng một phen, thì ra nhóc con giúp y nhớ kỹ "căn bệnh lạ" kia của mình.

Y lẳng lặng rũ mắt, chờ mớ hỗn loạn và u ám trong lòng tản đi thì cúi người nhẹ nhàng bế cậu bé lên.

Đoàn Hào vừa định đi về phòng ngủ thì nhóc con đang bất động như chú mèo con bèn kề vào tai y khẽ nói: "Cha, cha đi đâu vậy ạ?"

"Cha có việc ra ngoài một chuyến, giờ xử lý xong rồi." Đoàn Hào trả lời.

"Vậy cha có đói không?"

Nghe y nói mọi chuyện xong xuôi, giờ đã về nhà thì cậu nhóc không ồn ào nữa, ngoan đến mức dường như không phát ra tiếng động.

Đoàn Hào thấy vậy thì hiếm khi ra dáng người làm cha mà ngồi xuống, y cũng không vội đưa cậu bé đi ngủ mà "ừ" một tiếng, sau đó mở giỏ tre trên bàn ra. Ngay lúc y mở ra, nương theo ánh nến rốt cuộc cũng thấy rõ thứ được giấu trong chén sứ.

Có thể thấy, đó là một con cá trắm đen, và còn sống.

Máu thịt được cắt ra đặt vào chén, vẫn còn một chút máu loãng đông lại chưa kịp lau ở đế chén màu trắng khiến người ta nhìn thôi cũng thấy buồn nôn.

Người bình thường nhìn mớ thịt tươi này chỉ cảm thấy khó nuốt, song đối với một số người trên đời, đây là điều khó mà khước từ được.

Ngay lập tức, Đoàn Hào ngồi một mình trong nghĩa trang, nửa đêm nửa hôm thong thả ăn cá trắm đen mà Trát Khắc Thiện đưa tới mấy ngày trước, âm thanh nghe mà sởn tóc gáy.

Trong mắt thế nhân, y là kẻ điên, là quái vật hết thuốc chữa.

Nhưng "thói xấu" khó nói rõ với người ngoài này vẫn luôn làm bạn cùng y nhiều năm. Trong suốt thời gian ấy, Đoàn Hào cần phải đè nén ham muốn ăn thịt trong lòng, nhưng dù uống thuốc gì, căn bệnh của y cũng không thể chữa khỏi đơn giản như vậy.

Bệnh này tra tấn y đã lâu rồi, y chỉ có thể thoát khỏi nơi đó, tìm cách giải thoát cho mình, cũng chính vì thế, cái hôm nhìn thấy hai chữ "gạo thịt" y mới lẩn tránh theo bản năng mà không nói gì.

Một giọt máu đỏ chảy xuống khóe miệng tái nhợt, tay y cũng thế.

Y nhắm mắt lại, dùng đầu lưỡi liếm sạch sẽ một cách thỏa mãn, cảm giác cáu kỉnh và đói khát cũng được áp chế lại, vẻ mặt vô cảm xen lẫn chút tà niệm và dáng vẻ nuốt xuống kia trông rất dọa người.

"Sợ không, sợ thì đi ngủ trước đi." Đoàn Hào híp mắt nhìn Đoàn Nguyên Bảo cúi đầu không dám nhìn mình và thịt tươi, bèn nói.

"Không sợ ạ."

"..."

"Bởi vì cha không phải người xấu, cho nên con không sợ." Đoàn Nguyên Bảo kiên định lắc đầu.

Lúc này, vừa hay đã điểm canh ba.

Ngoài phòng tối đen như mực, không có tiếng trả lời.

Chỉ có một chiếc quan tài và một thi thể được đặt trong đó, lẳng lặng nằm ở nơi tối tăm.

Mai là ngày thi thể Thụy Cung được đặt ở nghĩa trang bị nâng đi.

Đó cũng là lúc niêm phong quan tài và chôn cất.

Thời hạn phá án miếu Thạch Đầu Bồ Tát, tính ra thì chỉ còn lại... hai ngày cuối cùng.

...

Hôm sau, trời vẫn chưa sáng mà Đoàn Hào đã dậy sớm đi ra ngoài. Lúc y từ nhà bước ra thì trời hơi se lạnh, máu thịt hỗn độn tối qua đã được xử lý sạch sẽ, ngay cả chút mùi máu cũng biệt tăm biệt tích.

Y định sống qua ngày ở huyện Tùng Dương một thời gian, cho nên chuyện căn bệnh ăn uống kỳ lạ của mình, càng ít người biết thì càng tốt. Bởi vì ở triều đại này, bệnh tật thế kia dựa theo luật sẽ xử trí như người bệnh điên.

Năm Thế Tông thứ chín, lúc ấy Tứ Xuyên cũng từng xảy ra vụ án một kẻ điên giết chết nhiều người. Từ đó về sau, Hình bộ đã lệnh cho các bệnh nhân điên phải trình báo lên quan phủ, đồng thời giao cho người thân trông giữ nghiêm ngặt.

Kế tiếp, các biện pháp trừng phạt tương ứng được đưa ra, người bị bệnh giao cho thân nhân trông giữ, nếu trông giữ không nghiêm, dẫn tới bệnh nhân điên tự sát hoặc đả thương người thì thân nhân và hàng xóm của người đó sẽ bị phạt 80 gậy, quan viên địa phương sẽ bị phạt ba tháng bổng lộc.

Đoàn Hào biết mình không phải bị điên, nhưng y cũng không muốn để người khác biết, bởi lẽ y sẽ được đối đãi và trông giữ như một bệnh nhân, một kẻ điên rồi bị nha môn nhốt lại.

Bây giờ, y không đến nha môn mà định tự mình tìm một đương sự có liên quan đến vụ án để thu thập một số vật chứng quan trọng.

Trước đây, Trát Khắc Thiện cũng từng nói qua, Trương Bính, Vương Sính và Thụy Cung là ba đương sự trong vụ án lần này, nhưng Trương Bính vẫn luôn hạn chế nhắc tới chuyện hai người một chết, một mất tích kia. Hơn nữa, hắn ta có chứng cứ ngoại phạm đủ để người ta tin tưởng hắn ta không phải hung thủ.

Trương Bính luôn từ chối đến quan phủ cho khẩu cung, năm lần bảy lượt đều phất tay áo rời đi khiến phía quan phủ cũng bó tay hết cách với vị đồng sinh này. Cũng bởi lẽ đó, Đoàn Hào định tự mình hỏi hắn ta một số việc.

Ngày 14.

Hội luận sách ở thư viện Minh Đức.

Mỗi tháng mở một lần dưới sự chủ trì của Đại Nho tại huyện Tùng Dương, ngày này Trương Bính cũng tới, bởi vì hôm trước đã xảy ra hai vụ án mạng nên hôm nay thư viện chỉ bày mấy bàn, rồi mời một vài học trò được cử đi thi cùng nhau tới đàm luận thi họa văn chương.

Người đàn ông tên Trương Bính mặc đồng phục thư viện màu ngói cũng ngồi bên dưới. Nhưng đầu óc hắn ta có hơi lơ đãng, thậm chí không quá để ý đến cuộc trò chuyện của bạn cùng lớp đằng kia.

Bởi vì đề mà tiên sinh đặt ra là câu hỏi kinh điển mang tính lịch sử nổi tiếng nhất kỳ thi Thu vi bao năm qua. Có hai đồng sinh đứng ra tranh luận, một người cho rằng đương triều nên noi theo những năm đầu Thế Tông, lập ra Chư Vương để thảo luận chính sự, nếu không những tên ác quan như ở tiền triều nào đó sẽ xuất hiện ùn ùn không dứt; một người thì lại nói, Quân cơ xứ [*] vẫn còn đó, không cần phải làm đến bước này.

[*] 军机处 - Quân cơ xứ: Là một cơ quan cao cấp của nhà Thanh thời trung và hậu kỳ, chuyên trách thảo luận, tham mưu cơ vụ các đại sự quốc gia cho Hoàng đế.

Cuộc tranh luận khiến Trương Bính đang ngồi đó cũng bị kéo vào.

Hắn ta nghe vậy thì sửng sốt, hơi hoảng hốt đứng lên, song cả buổi trời vẫn không thốt ra được lời nào. Đúng lúc này, một giọng nói đột ngột vọng lên.

"Án Hải Đông Thanh."

"..."

Trương Bính nương theo tiếng nói cúi đầu thì bắt gặp một người đàn ông với dáng vẻ gầy gò bệnh tật, sắc mặt vừa tái nhợt, vừa tối tăm đang ngồi ở bàn trong cùng bên dưới Hội luận sách.

Hắn ta hoàn toàn không quen người này, nhìn bộ dạng nghèo túng thế kia thì chắc người nọ cũng là một thư sinh thất bại.

Tuy trên mặt người đàn ông nọ có vết sẹo khiến người ta chán ghét không dám lại gần, nhưng khóe miệng của y lại có chút gì đó sâu không lường được, chỉ nghe đối phương buông ly trà xuống và chậm rãi nói.

"Vào năm Thánh Tổ, vụ án mười bốn nhà Hải Đông Thanh khiến từ đó về sau, Hoàng đế Thế Tông nói rằng không kết đảng phái, quan trọng ở lại trị [*], kết bè kết phái chẳng khác gì diều hâu và chó săn. Ở tân triều mà lại có người đàm luận việc này, đúng là mới lạ."

[*] Lại trị: Tác phong và uy tín của quan lại thời xưa.

Phát ngôn này khiến mọi người đang sôi nổi im như ve sầu mùa đông.

Kết đảng phái là tội lớn, cái mạng nhỏ như bọn họ không gánh nổi, chỉ có những người không sợ chết mới dám ăn nói bậy bạ, nghị luận lung tung về việc triều chính. Lời này Đoàn Hào cố ý nói ra để hù dọa đám học trò này, y còn nhúng tay vào nước rồi viết lên bàn, chậm rãi nói: "Nếu là câu hỏi kinh điển mang tính lịch sử thì chi bằng đọc thêm về khái quát lịch sử đi, bản đầu tiên là "Cửu Cung Đại Thành Nam Bắc Từ Cung Phổ", bên dưới có tám cuốn, ngoài ra còn có "Phân Loại Lục Thư Về Chữ Triện", sách cho người mới bắt đầu "Trịnh Khai Dương Tạp Quyển"."

Trí nhớ của y rất tốt.

Sách được chỉnh sửa như cơm bữa, người bình thường khó mà làm được như vậy, e là người này không phải học thuộc lòng mà là ôm cả bụng thi thư, học sâu biết rộng, là một người đại tài mới có thể buột miệng thốt ra một loạt sách vở trong đầu như vậy.

Đa số nhóm thư sinh ở huyện Tùng Dương đều là đồng sinh không thi đậu, thấy người đàn ông dung mạo tầm thường song thật sự là người có học, một bậc thầy chân chính thì ai nấy đều lộ vẻ mặt bội phục và kinh ngạc, không dám nói năng xằng bậy nữa.

Đặc biệt là chiêu thức chấm nước viết chữ lên bàn của đối phương, quả là hoa mọc trên cống rãnh.

Bút vẫy ra tựa rồng rắn chuyển động, nét trái nét phải hệt tia chớp trên trời xanh.

Nét chữ này, dáng hình này, lúc ngắt, lúc chuyển, thanh đậm chứa đựng vô hạn biến số, muôn hình vạn trạng, người đời cố bắt chước theo vẻ ngoài của Lan Đình hòng thay đổi cốt phàm mà không cần kim đan. Nào ngờ tên Dương điên ở Lạc Dương vừa hạ bút đã đến Ô Ti Lan rồi [*].

Y không giống một thư sinh, mà lại giống một danh sư khó lường hơn.

Bởi vì người này khác với thư sinh bình thường, chỉ những ai đặt chân vào chốn triều chính mới có được uy thế như vậy, phải là người thật sự trải qua sóng to gió lớn mới dám đề bút đàm luận quốc sự, mới có khí phách rắn rỏi trên tấu chương thế kia.

"Vị huynh đài, à không, tiên sinh... tiên sinh ơi! Xin dừng bước!"

Đoàn Hào để lộ bộ mặt thật, đương nhiên sẽ có người tự tìm đến cửa.

Hội luận sách ở thư viện đã kết thúc.

Đồng sinh tên Trương Bính lập tức vội vàng chạy xuống gọi y mấy tiếng tiên sinh, thật ra hôm nay Đoàn Hào tới là để tìm hắn ta nên y chẳng hoang mang chút nào, chỉ chắp tay lịch sự nói, Trương huynh không cần khách sáo như vậy.

Trương Bính thấy Đoàn Hào quen mình thì hơi ngạc nhiên. Giao lưu một hồi, vị đồng sinh nọ mới biết đối phương đến tìm mình vì vụ án kia, vậy nên hắn ta lập tức để lộ vẻ mặt quái dị.

"Trương Bính, tôi biết Thụy Cung chết không liên quan đến anh, nhưng tôi chỉ muốn thay mặt nha môn hỏi một chuyện."

"... Chuyện, chuyện gì? Xin tiên sinh cứ hỏi." Trương Bính cẩn thận nhíu mày trả lời.

"Anh đã từng nhìn thấy khuyên tai hoa lựu này chưa?"

Ấy là món trang sức hình hoa lựu được lấy ra từ dạ dày của Thụy Cung, Trương Bính biến sắc, vừa liếc mắt đã nhận ra. Do chuyện giải vây khi nãy nên vị thư sinh năm lần bảy lượt như có điều giấu diếm rốt cuộc cũng tiết lộ.

Hôm nay, xem như Đoàn Hào đã lấy được khẩu cung của Trương Bính.

Tối đến, y quay về nghĩa trang, viết một số điều vào hồ sơ nghiệm thi của mình, chờ ngày mai hạ táng là y có thể tự nghiệm chứng vài chuyện.

Chính lúc này, Đoàn Nguyên Bảo hỏi y một câu: "Cha ơi, sao cha rành quá vậy?"

"Con mở mấy quyển sách đó ra xem mặt sau để tên ai."

Đoàn Hào trông có vẻ chẳng mấy để tâm.

"..."

Đoàn Nguyên Bảo ngoan ngoãn nghe lời cúi đầu lật xem, lại thấy mặt sau đề ba chữ, ấy là cái tên mà cha nhóc không thường dùng.

"Đây là sách mà cha tự biên, cha không rành thì ai rành, đề mà bọn họ thi hằng năm là do cha ra, vậy mà dám ở sau lưng mắng cha, đúng là lớn gan thật."

Đoàn Nguyên Bảo: "..."



[*] Câu trên là tạm dịch nhé, tên Dương điên = Dương phong tử = Dương Ngưng Thức - học giả và nhà thư pháp nổi tiếng thời Tống, do hồi đó ông giả điên để che giấu bản thân.

Ô Ti Lan hiểu nôm na là viền màu đen trên giấy. Câu vừa hạ bút đã đến Ô Ti Lan có thể hiểu là chỉ với một nét bút đã đạt tới cảnh giới của Vương Hi Chi - nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn.

Lan Đình là nơi diễn ra hội thơ, ở đó các thi khách tham gia thắng cuộc được đưa vào tập thơ Lan Đình thi tập, thi tập này được Vương Hi Chi viết lời tựa bằng bút pháp tinh xảo của mình.



Tác giả có lời muốn nói:

Chú ý:

Không biết đây có phải là mìn của ai không, tôi giải thích một chút, mọi người không nhìn lầm đầu, bệnh nhân tâm thần đầu tiên trong phần giới thiệu, đồng thời mắc căn bệnh ăn uống kỳ lạ không ai khác chính là Đoàn Hào.

Yên tâm, cậu ấy không phải biến thái, cũng không ăn thịt người, không ăn ký sinh trùng gì gì kia.

Cậu ấy chỉ tạm thời mắc bệnh tâm lý, còn lại thì vô cùng lạc quan, sáng sủa, tích cực hướng về phía trước, mọi người yên tâm thưởng thức nhá ha ha, khụ khụ!



V: SOS =))) ngồi tra cứu lòi bản họng. Hóa ra sách là do người ta soạn nên người ta mới rành =)))


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui