Hôm nay là ngày 30 tháng chạp năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về chánh niệm.Kỳ trước chúng ta đã nói tới Kinh Niệm Xứ và Kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Hai Kinh đều dạy về phương pháp thực tập chánh niệm và cho chúng ta những chỉ dẫn rất cụ thể.
Đó là hai cuốn Kinh gối đầu giường mà chúng ta phải tụng đọc luôn.
Kinh Quán Niệm Hơi Thở (sách tiếng Anh: Breathe, You Are Alive), Kinh Niệm Xứ có in trong cuốn Con Đường Chuyển Hóa (sách tiếng Anh: Transformation and Healing,) dạy chúng ta thực tập chánh niệm trong bốn lĩnh vực.
Trước hết là lĩnh vực thân thể, thứ hai là lĩnh vực cảm thọ (feelings), thứ ba là lĩnh vực tâm, tức là tâm hành (mental formations) và thứ tư là lĩnh vực pháp, tức là tất cả những đối tượng của tâm hành.
Nếu các tâm hành có 51 thứ thì pháp cũng có 51 loại.
Kỳ trước chúng ta đã học về quán niệm trong lĩnh vực thân thể.
Chúng ta đã học rằng hơi thở có thể là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, nhưng hơi thở cũng có thể đồng thời chuyên chở một đối tượng khác.Trái Tim Của Bụt - Bài 12 Tiếp xúc với sự sống nhiệm mầuTiếp xúc với sự sống nhiệm mầuKhi chúng ta tiếp xúc với hai mắt: ‘‘Tôi đang thở vào và có ý thức về hai mắt của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với hai mắt tôi’’, thì đối tượng của tâm trong chánh niệm lúc bấy giờ là hơi thở và đồng thời cũng là đôi mắt.
Trong khi thở vào, ta quán chiếu hai con mắt trong suốt chiều dài của hơi thở.
Và trong suốt thời gian của hơi thở ra ta mỉm cười với đôi mắt của chúng ta.
Nếu thành công, nếu cảm thấy dễ chịu, ta có thể lặp lại.
Và chúng ta có thể quán chiếu tất cả những bộ phận khác của cơ thể theo lối ấy.
Thực tập tiếp xúc và mỉm cười với cơ thể, chúng ta nhận biết, phát sinh lòng ưu Đi, sự săn sóc, và chú ý đến thân thể mình.
Khi tôi tiếp xúc, mỉm cười với đôi mắt tôi thì tôi biết rằng mắt tôi còn đó, mắt tôi còn sáng.
Hễ mở mắt ra là tôi có thể thấy được trời xanh, mây trắng, và những người sống xung quanh tôi.
Cho nên tôi vui mừng vì biết còn hai mắt sáng.
Sự quán chiếu đó có thể đem lại tịnh lạc.
Nhiều người trong chúng ta có hai mắt sáng nhưng có khi phải đợi đến khi bị đau mắt rồi mới thấy chuyện có hai mắt sáng là một phép lạ mầu nhiệm.
Chánh niệm đánh thức chúng ta dậy để chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống.
Và do đó chúng ta mới biết trân quý những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại.
Nhiều người nghĩ rằng đời họ không có gì đáng kể hết, không có gì đáng gọi là vui hết.
Trong khi đó thì họ thực sự may mắn hội đủ những điều kiện có thể cho họ rất nhiều hạnh phúc.
Chỉ cần tiếp xúc với những thức ấy thôi là tự nhiên họ có hạnh phúc.
Tiếp xúc với đôi mắt chẳng Hạn.
Biết rằng có hai mắt sáng mình có thể thấy được bao vẻ đẹp, nhìn ra bao người thân.
Người nào bị mù rồi thì mới tiếc rẻ: ‘‘Bây giờ nếu có ông bác sĩ nào mổ mắt, làm cho mắt tôi sáng lại, nhìn được trời xanh mây trắng, thì cũng như là tôi từ địa ngục mà được đưa lên thiên đường.’’ Những người có mắt sáng đều đang ở thiên đường cả, nhưng họ không biết.
Chánh niệm giúp chúng ta ngay trong giờ phút hiện tại tiếp xúc với thiên đường của hình ảnh và mầu sắc.Khi ta thực tập ‘‘Tôi đang thở vào và ý thức về trái tim của tôi, tôi đang thở ra và tiếp xúc với trái tim của tôi’’, thì trong hơi thở ấy, chánh niệm là một năng lượng bao bọc lấy trái tim ta.
Tôi có một trái tim và trong đời sống hằng ngày tôi ít khi để ý tới nó.
Phần lớn chúng ta đều như vậy.
Chúng ta lo toan đủ chuyện nhưng trái tim của ta, chúng ta không thèm đoái hoài tới.
Đến khi nó có vấn đề, lúc đó ta mới nghĩ tới nó và như vậy có khi đã trễ.
Tôi đang thở vào và tiếp xúc với trái tim tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với trái tim tôi, đó là một chuyến trở về.
Sự trở về để tiếp xúc với những điều kiện của tịnh lạc, của hạnh phúc trong ta.
Vì trái tim ta không có vấn đề gì cho nên ta mới có thể ăn, uống, nói, cười, đi, đứng bình thường.
Khi trở về tiếp xúc với trái tim, ta khám phá ra trái tim ta đang hoạt động một cách bình thường.
Nhiều người đêm ngày chỉ mong ước trái tim của họ hoạt động trở lại bình thường.
Biết trái tim của ta đang hoạt động bình thường thì ta mừng, đó là một nỗi vui mừng sinh ra nhờ chánh niệm.
Bỗng nhiên, ta biết rằng ta phải đối xử với trái tim ta một cách sáng suốt.
Trong đời sống hàng ngày ta phải ăn những thức nào và uống những thứ nào không làm hại trái tim.
Ta biết khi châm một điếu thuốc lên hút là ta đã không thân thiện, đã khai chiến với trái tim của ta, khai chiến cả với cả hai lá phổi của ta nữa.
Khi tiếp xúc với trái tim bằng chánh niệm, bằng sự tỉnh thức, bằng lòng ưu ái, ta biết rằng trái tim của ta đang làm việc ngày đêm không nghỉ.
Trái tim ngày đêm bơm hàng ngàn lít máu để nuôi dưỡng tất cả những tế bào trong cơ thể.
Ta sẽ thấy thương, thấy trong lòng biết ơn trái tim, và tình thương và lòng biết ơn đó là hoa trái do chánh niệm sinh ra.Từ niềm ưu ái, tình thương yêu đó, ta nguyện phải sống, phải ăn uống như thế nào, phải kiêng cữ như thế nào để trái tim ta đừng khổ nhọc.
Chánh niệm đưa tới ý thức về giới, giới đây là sự gìn giữ và bảo vệ trái tim của mình.
Anh phải bảo vệ được hai mắt, bảo vệ được trái tim của anh, nếu không anh làm sao bảo vệ được ai? Khi tiếp xúc với hai lá phổi và với lá gan cũng vậy.
Không có lá gan lành mạnh, ta không thể sống.
Trong khi đó thì ta thất niệm, hàng ngày nuốt vào trong ta những chất độc làm hại lá gan.
Có thể lá gan đang nặn nỉ: ‘‘Thôi ông ơi, tội tôi lắm mà! Đừng có uống rượu nữa!’’ Nhưng ta không nghe thấy lời nặn nỉ ấy, vì đầu ta còn đang mãi nghĩ những chuyện gì đâu đâu.
Chúng ta chưa bao giờ trở về lắng nghe lá gan của mình.
Bây giờ nghe Bụt dạy, ta thực tập: ‘‘Tôi đang thở vào và tiếp xúc với lá gan của tôi.’’Chánh niệm về thân thể trước hết là sự trở về với thân thể để nối lại tình thân thuộc lâu nay đã đánh mất.
Đối xử với bạn mình, với anh em, cha mẹ mình, ta cũng làm như vậy thôi.
Không trở về với chánh niệm thì không thể tiếp xúc, không thể hiểu, không thể thương.
Và cũng không biết mình cần chấm dứt ngay những hành động gây đau khổ.
Thực tập quán chiếu thân thể là dùng năng lượng của chánh niệm để chiếu rọi, để tiếp xúc và mỉm cười với những bộ phận trong cơ thể.Chuyển hóa xả thọ thành lạc thọKinh Quán Niệm Hơi Thở dạy chúng ta bắt đầu tiếp xúc với hơi thở đơn thuần, sau đó dùng hơi thở ấy để quán chiếu cơ thể, cảm thọ và những pháp khác.
Lĩnh vực quán chiếu thứ hai là cảm thọ.
Có những cảm thọ dễ chịu, những cảm thọ khó chịu và những cảm thọ trung tính.
Trong ta có dòng sông cảm thọ.
Cảm thọ này phát sinh, tồn tại và tiêu diệt, rồi cảm thọ khác phát sinh, tồn tại và tiêu diệt, mỗi cảm thọ được ví với một giọt nước trong lòng sông.
Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt cho chúng ta bốn bài thực tập quán niệm về thân, và theo đó là bốn bài thực tập tiếp xúc với thọ và quán chiếu về thọ.
Chúng ta nên có Kinh Quán Niệm Hơi Thở đem theo bên mình, mỗi khi cần thì lấy ra để tham cứu và thực tập.
Những Kinh như Kinh này có thể được nghiên cứu, thực tập và khai triển để áp dụng hàng ngày trong đời sống mới.Chánh niệm là ý thức về sự có mặt của những gì đang xảy ra.
Trong bước đầu, ta nhận diện một cảm thọ và biết đó là khổ thọ, lạc thọ hay xả thọ.
Khi có một cảm giác dễ chịu, ta biết đây là một cảm giác dễ chịu.
Khi có một khổ thọ, ta biết đây là một cảm giác khó chịu.
Khi có một cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu, ta biết rằng đây là một xả thọ.
Nếu ta duy trì được chánh niệm lâu hơn thì chánh niệm ấy có thể chiếu sâu vào cho ta thấy được những gốc rễ và bản chất của các cảm thọ đang nhận diện và quán chiếu.Chánh niệm có khả chuyển hóa từ một xả thọ hay một khổ thọ thành một lạc thọ.
Khi nhức răng chúng ta có một khổ thọ.
Khi quán chiếu cảm thọ đó, ‘‘Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang nhức răng, tôi đang thở ra và mỉm cười với cái răng nhức của tôi’’, ta thấy rằng không nhức răng là một hạnh phúc.
Bình thường ta cho tình trạng không nhức răng là một xả thọ.
Khi nhức răng, ta mới khám phá ra rằng không nhức răng quả là một lạc thọ.
Điều này có liên hệ tới sự thật thứ ba của tứ diệu đế: diệt.
Diệt là sự vắng mặt của đau khổ.
Sự vắng mặt của đau khổ đã là an lạc, đã là hạnh phúc rồi.
Niềm an lạc đó chính là một lạc thọ, nhưng lâu nay đã được ta xếp vào loại xả thọ và ta không thấy được giá trị của nó.
Trong đời sống thất niệm, chúng ta cứ nhận lầm rất nhiều lạc thọ là xả thọ.
Bây giờ, khi không nhức răng, ta có thể thực tập: ‘‘Tôi đang thở vào và tiếp xúc với tình trạng không nhức răng của tôi, tôi đang thở ra và cảm thấy rất hạnh phúc vì không bị nhức răng’’.
Chánh niệm như vậy đã biến xả thọ thành lạc thọ.
Kinh Quán Niệm Hơi Thở dạy: ‘‘Tôi đang thở vào và làm cho thân hành của tôi an tịnh.’’ Hành ở đây tức là hiện tượng sinh vật lý, và cũng có nghĩa là sự vận hành của thân thể.
Dùng hơi thở chánh niệm ta điều hòa thân hành lại và làm cho thân thể ta thoải mái.
Ngồi thiền, nằm thiền hoặc đi thiền đều có tác dụng làm cho thân thể thoải mái.Thở vào, tâm tĩnh lặng.
Thở ra, miệng mỉm cười.Trong thiền quán, thân với tâm và là một.
Thân tĩnh lặng thì tâm cũng được tĩnh lặng.
Chánh niệm là cái năng lượng có thể làm êm dịu thần kinh và làm êm dịu thân thể.
Bụt dạy ta tiếp đó một bài tập để đem lại sự an lạc trong cơ thể: ‘‘Tôi đang thở vào và cảm thấy an lạc trong thân thể tôi, tôi đang thở ra và cảm thấy an lạc trong thân thể của tôi’’.
An lạc không phải chỉ có ở tâm mà còn có ở thân nữa.Khi thực tập tiếp xúc với thọ, ta cũng dùng hơi thở : tôi đang thở vào và có ý thức tâm hành của tôi.
Thọ là một trong 51 tâm hành.
Thọ ấy có thể là một lạc thọ, ta tiếp xúc và mỉm cười với nó.
Làm như vậy năm hoặc bảy lần, ta sẽ thấy được bản chất của lạc thọ ấy.
Có thể đó là một lạc thọ đích thực.
Có thể đó không phải là một lạc thọ đích thực.
Một lạc thọ giả tạo sẽ đem tới nhiều khổ đau.
Chánh niệm cũng là để nhận diện khổ thọ : tôi đang thở vào và tiếp xúc với khổ thọ của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với khổ thọ của tôi.
Đem năng lượng của chánh niệm chiếu vào khổ thọ ta có thể khám phá được bản chất và nguồn gốc của khổ thọ đó.
Khi được tiếp xúc với chánh niệm, khổ thọ có thể chuyển hóa trong vòng bốn hoặc năm hơi thở, và không còn là khổ thọ nữa.
Chánh niệm không vật lộn, không xua đuổi, không đàn áp; chánh niệm chỉ cần ôm ấp và chiếu ánh sáng vào thôi mà cũng chuyển hóa được các cảm thọ.Sau hơi thở ý thức tâm hành, Bụt dạy hơi thở an tịnh tâm hành: Tôi đang thở vào và làm an tịnh tâm hành tôi.
Tâm hành đang được nói tới ở đây là cảm thọ.
Ví dụ ta đang có một khổ thọ vì trong lòng ta đang có sự ganh ghét.
Năng lượng ganh ghét làm cho ta bực tức và mất hết an lạc.
Trước hết, ta phải thở và tiếp xúc với tâm hành ấy.
‘‘Tôi đang thở vào và tiếp xúc với sự bực tức của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với nỗi khổ trong tôi.’’ Thực tập như vậy vài lần ta có thể thấy rõ được nguồn gốc của khổ thọ này: sự ganh ghét.
Khi thấy được nó rồi, ta tiếp tục quán chiếu và mỉm cười với nó và sau đó khổ thọ sẽ tan đi.
Gặp trường hợp khó, phải thực tập lâu hơn thì khổ thọ mới chuyển hóa được.Khi cơn giận thiêu đốt, khói lửa làm ngột ngạt ‘‘phòng khách của tâm.’’ Trước hết, ta phải nắm lấy hơi thở.
Ta thở vào và thở ra để nhìn nhận sự có mặt của khổ thọ ấy.
Đó là tiếp xúc.
Nhận diện rồi, ta sẽ thấy rằng khổ thọ ấy do cơn giận đem tới.
Thở vào và thở ra, ta làm cho khổ đau êm dịu lại.
‘‘Tôi đang thở vào và làm êm dịu khổ thọ của tôi, tôi đang thở ra và làm êm dịu khổ thọ của tôi.’’ Ta có thể thực tập thiền ngồi hay thiền đi, miễn là trong khi thực tập ta biết nắm lấy hơi thở và ôm lấy khổ thọ bằng năng lượng chánh niệm.
Như vậy, tâm hành ta sẽ êm dịu trở lại.
Chánh niệm là Bụt, là sự hiểu biết, là lòng từ bi, cho nên hễ được chánh niệm bao bọc thì thế nào khổ thọ cũng sẽ êm dịu xuống và chuyển hóa đi.
Nếu bà mẹ ôm lấy đứa con đang khóc một cách dịu dàng thì thế nào đứa con cũng sẽ bớt khổ và nín khóc.
Xin quý vị học lại Kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Dầu đã học rồi quý vị cũng nên học trở lại.
Kinh Niệm Xứ và Kinh Quán Niệm Hơi Thở trong tương lai phải được cho vào Thiền Môn Nhật Tụng.Bụt lại dạy chúng ta dùng hơi thở đưa chánh niệm tới để tiếp xúc và quan sát những tâm hành khác, trong đó có tâm hành tưởng.
Tưởng tức là tri giác.
Ngoài thọ và tưởng, ta còn có tới 49 tâm hành khác.
Cuối cùng Bụt dạy chúng ta đem hơi thở chuyên chở chánh niệm để quán chiếu đối tượng của các tâm hành, tức là các pháp.
Thân, thọ, tâm, pháp là bốn lĩnh vực quán niệm, mà thuật ngữ là niệm xứ (satipatthana).Các thế hệ Phật tử kế tiếp cần học hỏi, nghiên cứu, thực tập, khai triển và thể nghiệm Kinh Quán Niệm Hơi Thở để phát triển ra thành những phương pháp hữu hiệu giúp con người của thời đại hôm nay tu tập để vượt thắng khổ đau mới.
Kinh Quán Niệm Hơi Thở cũng như Kinh Niệm Xứ là những kho tàng cần được khai thác nhiều hơn nữa.
Suốt trong 2500 năm chúng ta chỉ mới sử dụng được rất ít những kho tàng vô giá này.
Trong lúc dịch Kinh An Ban Thủ Ý (Quán Niệm Hơi Thở), tôi đã thí nghiệm và đưa ra một số những bài tập cho người ở thời đại chúng ta thực tập, để đối phó với những khổ đau và những thao thức của thế giới hiện nay.
Nhưng tôi biết rằng Kinh này còn phải được khai thác một cách tích cực hơn nữa.
Có thể chúng ta sẽ cần đến 100 năm hay 200 năm nữa mới khai thác được đầy đủ Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Niệm Xứ.
Ta phải chế tác những pháp môn mới cho những thế hệ sau này tu tập.
Nếu đọc Kinh Quán Niệm Hơi Thở hoặc Kinh Niệm Xứ trong cuốn Con Đường Chuyển Hóa, thì quý vị đã định được phương hướng khai thác ấy.
Một con đường trong khu rừng đã được phát dọn.
Các thế hệ tương lai phải biến con đường ấy thành xa lộ để nhiều người có thể được cùng đi một lúc: cả gia đình, cả thành phố hoặc cả quốc dân sẽ có thể cùng thực tập với nhau.Chánh niệm nuôi dưỡng các phần khác của thánh đạoKhi thực tập chánh niệm, ta thấy được vị trí của chánh niệm trong những chi phần khác là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định.
Trong khi tư duy có chánh niệm, ta biết đang tư duy về cái gì.
Có thể là ta đang thương tiếc quá khứ, và khi có chánh niệm, thì ta biết đang nghĩ về quá khứ.
Đang lo lắng tương lai mà có chánh niệm thì tự nhiên ta biết tâm ta đang lo nghĩ về tương lai, và ta đang tự đánh mất mình trong tương lai.
Biết rồi thì tự nhiên chánh niệm đưa ta trở về an trú trong hiện tại.
Do đó ta biết vai trò chánh niệm trong chánh tư duy rất quan trọng.Chánh kiến cũng được nuôi dưỡng bằng chánh niệm.
Chánh kiến có thể nhận diện được chánh tư duy.
Thầy Xá Lợi Phất nói: ‘‘Khi có tà tư duy thì chánh kiến cho ta biết đó là tà tư duy.
Khi có chánh tư duy thì chánh kiến cho ta biết đó là chánh tư duy, và như vậy đã gọi là chánh kiến.’’Trước đây ta đã biết chánh niệm có nhiều công năng (function).
Công năng thứ nhất là làm cho ta (chủ thể) có mặt.
Công năng thứ hai là công nhận sự có mặt của đối tượng, của người kia, của sự vật kia.
Công năng thứ ba là nuôi dưỡng.
Công năng thứ tư là tạo ra an tịnh, có khổ thọ thì làm khổ thọ êm dịu lại, người kia đang đau khổ thì chánh niệm ta cũng giúp cho bớt khổ.
Công năng thứ năm là công năng quán chiếu, nghĩa là nhìn sâu.
Công năng thứ sáu là công năng giác ngộ, nghĩa là thấu hiểu và công năng kế tiếp là chuyển hóa.
Vì vậy cho nên chánh niệm quả thực là thức ăn cho chánh kiến.
Chánh niệm tạo ra chánh định, là thức ăn cho chánh định.
Trong niệm có định, trong định có niệm.
Niệm và Định là hai thứ gần gũi nhất với chánh kiến.Có chánh kiến ta biết rằng ta đang tà tư duy hay đang chánh tư duy.
Tà tư duy là tiếp tục gieo rắc hoặc tưới tẩm những hạt giống không lành trong tâm thức.
Chánh tư duy giúp ta gieo rắc và tưới tẩm những hạt giống tốt trong tâm địa.
Khi nói năng có chánh niệm, ta biết ta đang nói gì.
Tự nhiên ngôn ngữ của ta sẽ chuyển hướng.
Đôi khi chánh niệm giúp ta thấy rằng ta đang nói những điều chính ta không muốn nói.
Một con ma ở trong ta đang nói.
Con ma đó là tập khí, là nỗi giận, là niềm đau có thể đã được trao truyền lại tự hàng ngàn năm trước cho ta.
Khi có chánh niệm, ta tự hỏi: mình đang nói gì đây? Đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh.
Đó là một tia ánh sáng chiếu vào.
Tự nhiên ta ngừng lại.
Nếu điều đang nói có chứa đựng yêu thương và hiểu biết thì chánh niệm cũng cho ta biết.
Chánh niệm giúp ta thêm năng lượng để tiếp tục nói những lời yêu thương và hiểu biết ấy.
Thành ra chánh niệm nuôi dưỡng chánh ngữ, phòng hộ cho chánh ngữ, là thức ăn của chánh ngữ.
Viết một lá thư, một bài văn hay một cuốn sách, đó cũng là cơ hội thực tập chánh ngữ.
Chánh niệm soi sáng cho việc viết lách của chúng ta.
Mỗi câu viết trong lá thư, ta có thể đọc lại bằng chánh niệm.
Viết xong một lá thư, ta nên đọc lại lá thư để thực tập chánh niệm.
Đó cũng là thực tập chánh ngữ.
Viết câu nào ta biết ta đang viết câu đó; viết đoạn nào ta biết ta đang viết đoạn đó.
Viết sách và viết báo cũng vậy, tất cả đều có thể trau dồi thực tập chánh ngữ.Chánh nghiệp là hành động của thân thể.
Chúng ta biết rằng khi quán thân ta cũng phải ý thức được tất cả những động tác của thân thể.
Ví dụ như khi hút thuốc ta phải biết là ta đang hút thuốc.
Ta nhận diện đơn thuần: tôi đang hút thuốc và tôi biết rằng tôi đang hút thuốc.
Đó là chánh niệm.
Còn chuyện thói quen hút thuốc mạnh hơn ta, và tuy ta đã có chánh niệm mà ta cứ tiếp tục hút, đó là chuyện khác.
Điều quan trọng không phải ở chỗ anh ngưng hút thuốc ngay lập tức hay không, mà ở chỗ anh có ý thức là anh đang hút thuốc hay không.
Chánh niệm trước hết là sự nhận diện đơn thuần.
Nếu chánh kiến còn yếu thì ta chưa đủ sức ngưng hút thuốc.
Có người nói: tôi có chánh niệm rõ ràng, mà tôi vẫn cứ tiếp tục hút thuốc thì chánh niệm có ích lợi gì đâu? Nói như vậy không đúng.
Phép tu là anh phải có ý thức rằng anh đang hút thuốc và anh biết anh đang tự làm hại trái tim và lá phổi của anh.
Anh mới thực tập chánh niệm được một vài ngày, trong khi đó hút thuốc là một tập khí hai ba chục năm.
Ta nên nhớ thực tập chánh niệm ở đây không phải là ra trận để vật lộn với thói quen hút thuốc của anh.
Chánh niệm chỉ là ánh sáng chiếu ra, để anh ý thức rằng anh đang hút thuốc.
Nếu anh thực tập chuyên cần như trong tăng thân thì một ngày nào đó chắc chắn anh sẽ chấm dứt hút thuốc.
Chìa khóa đem lại sự chuyển hóa nằm ở chánh niệm.
Nếu anh uống rượu thì điều đầu tiên tôi đề nghị với anh thực tập là có chánh niệm về việc anh đang uống rượu.
Cứ thực tập chánh niệm hàng ngày cho chuyên cần, dầu anh vẫn còn uống rượu.
Thực tập chánh niệm, một mình hay cùng các bạn, để thấy càng ngày càng rõ rằng uống rượu đem lại những hậu quả nào cho thân, cho tâm, cho gia đình và xã hội.
Anh cứ tiếp tục như vậy, một ngày nào đó anh sẽ đủ sức mạnh để chấm dứt uống rượu.
Không nên gây ra cuộc chiến giữa chánh niệm và mặc cảm yếu đuối.
Chánh niệm có phong thái của một bà mẹ.
Biết rằng con mình hư đốn mà vẫn yêu thương, vẫn chăm sóc, vẫn giúp đỡ.
Điều này quý vị cần ghi nhớ.
Chánh niệm là sự nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra.
Không lên Đn, không trách móc, không tấn công, không tiêu diệt.
Chánh niệm nuôi dưỡng, ôm ấp và chuyển hóa.
Chánh niệm cũng nuôi dưỡng những phần khác của bát chánh đạo cho đến một ngày nào đó các tập khí có đủ sức chuyển hóa.Đây là một điều hết sức quan trọng.
Tu tập theo đạo Bụt không có nghĩa là tự biến mình thành một chiến trường: phe chánh đánh phe tà.
Cuộc tranh đấu này có thể đúng trong một vài truyền thống khác, nhưng trong đạo Bụt thì hoàn toàn sai lạc.
Đó là cách nhìn nhị nguyên.
Đứa con đang khóc và đang khổ ấy không phải là kẻ thù của bà mẹ.
Bà mẹ với đứa con là một.
Đứa con hạnh phúc bà mẹ ôm lấy, đứa con khổ đau bà mẹ cũng ôm lấy.
Chánh niệm là như vậy.
Tình thương là ta mà cái giận cũng là ta nữa.
Những yếu đuối trong ta như ganh ghét, nghi kỵ và giận hờn phải được ta chấp nhận là chính ta.
Tôi đang thở vào và biết rằng có sự ganh ghét trong tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với sự ganh ghét trong tôi.
Đó là hành động nhận diện và chấp nhận.
Trong khi thực tập, nếu quý vị thấy có tình trạng chống đối và tranh chấp, thì đó chưa phải là thực tập đúng theo tinh thần đạo Bụt.
Sự thực tập ấy còn căn cứ trên cái nhìn nhị nguyên.
Cũng như rác và hoa.
Những người làm vườn khôn khéo biết biến rác thành phân bón để nuôi hoa.
Vì vậy họ không kỳ thị rác, họ gìn giữ rác.
Chúng ta muốn có tình thương và có hạnh phúc mà không thấy cần phải xua đuổi và đàn áp nỗi buồn, cơn giận và niềm đau của mình.
Nhờ chăm sóc nỗi buồn, cơn giận và niềm đau của ta đúng mức, ta chuyển hóa chúng.
Đó là lối nhìn bất nhị, là phương pháp bất nhị.Kinh thường định nghĩa chánh nghiệp là không tàn hại, nghĩa là không phá hủy, không làm hư hoại và đổ vỡ những gì trong ta và xung quanh ta.
Hành động phá hoại và giết chóc là ác nghiệp.
Chánh niệm là để biết ác nghiệp là ác nghiệp và thiện nghiệp là thiện nghiệp.
Có hai người đang ngắm một con cá đang bơi trong hồ.
Một nhà khoa học có thể ngắm con cá để tính toán làm cách nào áp dụng phương pháp của cá bơi để sáng tạo ra loại vỏ tầu thủy có cơ năng chạy nhanh hơn.
Trong khi đó, người thứ hai có thể đang nhìn vào con cá để suy tư xem con cá này chiên thì ngon, hay là đem hấp thì ngon hơn.
Những thái độ đó biểu hiện tùy theo tập khí mỗi người.
Thí dụ nếu như người thứ hai đã đến chùa Làng Mai tu học, đã ăn chay được ba, bốn năm rồi.
Anh ta đã có tập khí ăn chay, đã cảm thấy sung sướng trong khi ăn chay và đã bỏ thói quen ăn mặn.
Một hôm ra hồ, anh nhìn thấy con cá.
Tự nhiên tập khí cũ nhảy ra: con cá này chiên thì sẽ ngon hơn là hấp! Lạ quá! Anh nghĩ, mình đã ăn chay ba, bốn năm rồi, mà cái ông bạn cũ tập khí đó vẫn còn nguyên trong tàng thức, bây giờ lại nhảy ra.
Trong trường hợp đó, anh phải làm gì? Tự trách hay không tự trách? Câu trả lời là ta chỉ nên phát khởi chánh niệm, để biết rằng tập khí cũ vẫn còn nấp đâu đó và vừa mới ló đầu ra.
‘‘Tập khí ơi, chào mi!’’ Mỉm cười thì tự nhiên nó tan biến.
Lần sau nếu nó xuất hiện nữa thì ta cũng sẽ làm như vậy.
Chỉ cần nhận diện đơn thuần mà không cần phải vật lộn với nó.
Đến một lúc nào đó, tập khí sẽ được thực sự chuyển hóa.
Phép tu trong đạo Bụt là bất bạo động (non- violence).
Phương pháp bất bạo động phát xuất từ cách nhìn bất nhị.
Khi ta nổi giận, ta đừng tự giận thêm rằng tại sao mình nổi giận.
Giận mình vì mình đang giận thì trên cơn giận này còn chồng thêm một cơn giận khác nữa, năng nề thêm.Chánh nghiệp trước hết là không tàn hại.
Chánh nghiệp còn là không trộm cắp và không tà dâm.
Đó là hiểu chánh nghiệp một cách đơn giản, gồm ba trong năm giới.
Trong năm giới có những giới giúp ta thực tập chánh ngữ và chánh tư duy.
Tất cả năm giới đều phát xuất từ chánh niệm và chánh kiến.Năm giớiGiới thứ nhất, không tàn hại, tức là bảo vệ sự sống: Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Hành trì giới thứ nhất, chúng ta thực tập nuôi dưỡng chánh niệm về những khổ đau do sự tàn hại và giết chóc gây ra.
Ý thức được rằng quá nhiều khổ đau đã do hành động giết chóc và tàn hại gây ra, con xin nguyện thực tập yêu thương để bảo vệ sự sống của mọi loài, trong đó có các loài động vật, thực vật và khoáng vật.
Sự tàn phá đất đá cũng đưa tới sự tàn hại những loài thực vật và động vật.
Con nguyện bảo vệ sự sống trong mọi hình thức.
Chánh niệm giúp cho ta tự biết là ta đang có một thái độ hoặc một hành động có tính bạo động và tàn hại sự sống hay không.
Bảo vệ sự sống, đem lại niềm vui cho tất cả mọi loài, đó là chánh nghiệp.Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Như vậy giới thứ nhất này bao gồm không những mọi thân nghiệp mà còn mọi ý nghiệp nữa.
Trong tư duy ta nếu có một tâm niệm không lành đó cũng đã là phạm giới sát rồi.
Nói một lời ác độc xúi xiểm để người ta giết chóc nhau cũng là giết người bằng lời nói.
Chúng ta nên biết rằng giới thứ nhất có liên hệ với tất cả những giới khác, và muốn hành trì giới thứ nhất cho sâu sắc ta phải vận dụng tất cả tám chi phần của bát chánh đạo.
Chúng ta biết khi còn ôm ấp tà tư duy, người ta có thể giết hại rất nhiều.
Khi tin tưởng rằng một chủ thuyết hay một tín ngưỡng nào đó là con đường duy nhất có thể cứu đời, và những ai chống lại chủ thuyết hoặc tín ngưỡng ấy thì nên chết hơn là sống, thì đó đã là phạm giới sát bằng tư duy.
Sở dĩ ta có tà tư duy vì ta có tà kiến.
Tà kiến tức là nhận thức cạn hẹp của chúng ta và sự vướng mắc của chúng ta vào các ý niệm và chủ thuyết.Giới thứ hai: Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn.
Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra.
Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài.
Giới thứ hai có liên hệ rõ rệt tới chánh nghiệp.
Hành động bảo vệ công bằng xã hội là chánh nghiệp.
Chánh kiến và chánh tư duy giúp cho ta thấy được việc tiêu thụ hàng ngày của ta có gây ra sự tàn hại và bất công hay không.
Thực tập bằng lời nói, bằng tư duy, bằng chánh kiến, và bằng cách mưu sinh của ta, tức là chánh mạng.
Với giới thứ hai, không những ta không trộm cắp, không khai thác, không chiếm hữu những tài vật không phải là của ta, mà ta còn phải học sống đời sống hàng ngày của ta như thế nào để cho xã hội có công bình.
Duy trì một nhà máy làm ô nhiễm nước sông và không khí cũng là một hành vi trộm cắp.
Không khí và nước sông là tài sản chung của tất cả mọi người.
Làm cho không khí và dòng sông ô nhiễm là phạm giới thứ nhất (không tàn hại) và cũng phạm giới thứ hai (không trộm cắp).Giới thứ ba là giới không tà dâm: Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội.
Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con.
Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra đau khổ cho kẻ khác và cho chính con.
Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác.
Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.
Với giới này không những chúng ta bảo hộ cho chính ta, cho những người thân thuộc, mà còn bảo hộ cho tất cả mọi người.
Ta bảo hộ các gia đình và không để cho trẻ em bị hãm hại và lợi dụng.
Chánh niệm soi sáng trong đời sống hàng ngày để giúp ta hành trì vững chãi giới thứ ba.Giới thứ tư là nói và nghe với chánh niệm: Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người.
Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải.
Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù.
Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, khựông phê bình và lên án những điều con không biết chắc.
Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Giới này trực tiếp liên hệ tới chánh ngữ, nhưng nói và nghe luôn luôn có liên hệ mật thiết với nhau.
Nếu không biết nghe mà chỉ biết nói thì lời nói sẽ không khế hợp với hoàn cảnh và tình trạng, và có thể đưa tới tình trạng ông nói gà bà nói vịt, và sự truyền thông sẽ bị nghẽn lấp.
Truyền thông đã bị nghẽn lấp thì cha không còn nói chuyện được với con, vợ không còn nói chuyện được với chồng, anh không còn nói chuyện được với em, và hạnh phúc không thể nào có mặt.
Chánh niệm cho ta biết ta có đang sử dụng ái ngữ hay không và có đang biết lắng nghe người kia hay không.
Lắng nghe là một phép thực tập sâu sắc có thể làm vơi bớt nỗi khổ của người nói rất nhiều.
Lắng nghe là pháp môn vi diệu của bồ tát Quán Thế Âm.
Đây là bài quán niệm về pháp môn lắng nghe (Đế thính): ‘‘Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.
Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu.
Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con.
Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến.
Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng.
Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu.
Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói.
Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.’’Giới thứ năm là thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ, vì vậy rất quan trọng cho thân nghiệp.
Giới thứ năm liên hệ tới các chi phần khác của bát chánh đạo: Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ.
Trong câu này ta thấy rằng hành động xây dựng sức khỏe và tâm hồn bao hàm chánh tư duy và chánh kiến.
Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con.
Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố, trong đó có các sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò.
Như vậy, thực tập giới này có liên hệ tới việc hành trì chánh ngữ, chánh tư duy, chánh kiến và chánh mạng.
Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai.
Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội.
Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.
Hành động tiêu thụ và ăn uống phải được chánh niệm soi sáng để ta biết đó là chánh nghiệp hay là tà nghiệp.
Trong giới thứ năm này ta thấy tính cách tương tức của năm giới, đồng thời thấy tính cách tương tức của tám chi phần trong bát chánh đạo.
Kỳ sau chúng ta sẽ thấy tác động của chánh niệm trên chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định..