Stephen tỉnh dậy lúc 5 giờ 30 phút sáng. Đêm qua, anh rất buồn ngủ, nhưng hễ cứ vừa chợp mắt thì cơn ác mộng lại ào tới. Anh buộc mình phải quên đi quá khứ để dự tính những việc có thể làm trong tương lai. Như thường lệ, anh tắm rửa, cạo râu, mặc quần áo nhưng lại bỏ bữa điểm tâm; và như một người lẩn thẩn anh cứ mãi lẩm bẩm: “Harvey Metcalfe”, “Harvey Metcalfe” … Sau đó, với chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ, anh phóng thẳng tới nhà ga Oxford. Ở cái thành phố đầy xe trọng tải và những hệ thống đường một chiều khó hiểu rối rắm này thì xe đạp là phương tiện đi lại thích hợp hơn cả. Từ đường Ethelred anh rẽ ra nhà ga. Ở đây xe đạp và xe hơi đang nối đuôi nhau xếp hàng. Anh lên chuyến tàu 8 giờ 17 phút. Hành khách thường xuyên đi lại Oxford – London bằng vé tháng rất chuộng chuyến tàu này. Dường như tất cả những người ăn điểm tâm ở toa ăn đều đã quen biết nhau và Stephen bỗng có cảm giác của một người khách không mời mà đến. Nhân viên soát vé đi vòng quanh toa ăn giục mọi người đưa vé. Stephen chìa cho anh ta xem chiếc vé hạng nhất. Anh thấy người đàn ông bên cạnh để lấp ló một chiếc vé hạng hai đằng sau tờ Thời báo tài chính. Bất đắc dĩ, người soát vé cầm lấy nó và nói: -Sau bữa sáng, ông phải trở lại toa hạng hai. Toa ăn nàu là của vé hạng nhất, ông biết chứ? Stephan ngồi nhìn ra cửa sổ, vừa ngắm vùng đồng quê Berkshire vừa suy ngẫm về lời nhắc nhở của người soát vé. Anh chưa kịp chú tâm vào tờ báo buổi sáng thì cà fê trong tách đã đổ tràn ra đi. Tờ Thời báo sáng nay chẳng đưa tin tức gì về Prospecta Oil. Anh nghĩ, đó là một chuyện tầm thường, thậm chí chán ngắt. Không phải là một vụ bắt cóc, hay cố ý gây hoả hoạn, cũng không phải là một vụ cưỡng hiếp, mà chỉ là một công ty thương mại phá sản. Chẳng có gì đáng quan tâm để phải đưa lên trang nhất quá một ngày. Bản thân anh cũng chẳng bao giờ mất quá một giây cho những câu chuyện kiểu đó, nhưng lần này thì nó lại liên quan tới chính an, và nó đang tạo nên một bi kịch đời người. Tới ga Paddington anh vội vã đi quan những chiếc cổng vòm, tới sân trước của nhà ga. Anh chợt cảm thấy vui mừng vì đã lựa chọn cuộc sống khép kín ở trường đại học, hay chính xác hơn, là cuộc sống đó đã lựa chọn anh. Stephen chưa bao giờ hoà nhập được với cuộc sống London – Anh thấy thành phố này quá rộng lớn và lạnh lùng. Mỗi khi cần đi đâu, anh đều gọi taxi vì sợ lên nhầm xe buýt hoặc tầu điện ngầm. Tại sao người Anh không đánh số các con phố để người Mỹ có thể tìm đường dễ dàng hơn! -Văn phòng Thời báo, quảng trường Printing House. Người lái xe gật đầu và khéo léo điều khiển chiếc Austin màu đen chạy xuôi theo đường Bayswaer, rồi dọc theo công viên Hyde Park đang đẫm mình trong mưa. Những cây nghệ tây ở March Arch trông thật ảm đạm và dị dạng nằm rạp trên cỏ. Stephen có ấn tượng tốt với những chiếc taxi ở London. Chúng không bao giờ bị xước sơn hoặc vấy bẩn. Đã có ai đó nói với anh rằng tài xế taxi sẽ không được lấy tiền nếu xe không thật hoàn hảo. Anh thấy chúng thật khác xa so với những con quái vật màu vàng méo mó ở New York. Chiếc xe bắt đầu ngoặt xuống đường Park Lane, tới góc Hyde Park, chay ngang qua toà nhà của Hạ Nghị viên, và dọc theo Embankment. Cờ bay phấp phới trên Quảng trường Quốc hội. Stephen cau mày. Anh đã vô tình đọc được tin gì lúc ở trên tàu nhỉ? À, đúng rồi, một cuộc họp của những nhà lãnh đạo. Anh thầm nghĩ: mình cũng phải để cuộc sống trôi đi như nó vẫn vậy chứ. Stephen không biết sẽ phải làm gì để điều tra về Harvey Metcalfe. Giá như anh đang ở Harvard thì mọi chuyện sẽ dễ dàng biết bao. Anh chỉ cần tới gặp Hank Swaltz, một người bạn cũ của cha anh, một phóng viên thường trú của tờ Harold American. Chắc chắn Hank sẽ cung cấp cho anh những tin nội bộ đặc biệt. Còn ở nước anh này, Richard Compton – Miller, phóng viên thường nhật của tờ thời báo là phóng viên duy nhất mà anh quen biết. Mùa xuân năm ngoái Compton – Miller tới thăm Magdalen để viết về lễ kỷ niệm ngày lao động được tổ chức long trọng tại Oxford. Đội đồng ca đã đứng trên đỉnh tháp của trường ĐẠi học hát bài Miltonian để chào đón Một tháng Năm còn Stephen và Compton – Miller đã đứng cạnh nhau trên bờ sông dưới chân cầu Magdalen. Sau này, khi đọc tên mình trên tờ Thời báo, Stephen đã thực sự lúng túng. Các nhà kinh điển luôn luôn dè xẻn từ “sáng chói”, nhưng các nhà báo thì không. Chính vì vậy, các đồng nghiệp kiêu căng của Stephen đã không hài lòng khi thấy anh được ca ngợi là “ngôi sao sáng nhất” trên bầu trời đây sao sáng. Chiếc taxi rẽ ngoặt vào sân trước rồi đỗ lại bên cạnh bức phù điêu khổng lồ của Henry Moore. Trụ sở của tời Thời báo và Người quan sát cùng đóng trong một toà nhà nhưng có cổng ra vào riêng. Cho tới nay, tờ Thời báo vẫn có danh tiếng hơn. Stephen hỏi thăm người trực ban ngồi sau chiếc bàn về Richard Compton và được hướng dẫn đi lên tầng mười. Căn phòng nhỏ của anh ta ở cuối hành lang. Lúc đó mới chỉ hơn 10 giờ sáng nên trụ sở vẫn còn vắng vẻ. Sau này, Compton – Miller giải thích rằng không một tờ báo quốc gia nào lại bắt đầu làm việc trước 11 giờ sáng, và thường nghỉ trưa tới tận 3 giờ chiều. Khoảng thời gian đó, người ta để cho giấy tờ ngủ im lìm, công việc chỉ thực sự bắt đầu vào 8 giờ 30 phút tối. Thường thường, cứ sau 5 giờ thì các nhóm bắt đầu làm việc với các thời gian biểu đan chéo nhau, công việc của mỗi nhóm là săn lùng các tin tức mới nhất xảy ra trong đêm đó. Họ luôn luôn phải theo dõi mọi tin tức của nước Mỹ và nến chiều nay, tại Washington, Tổng thống có đọc một bài phát biểu quan trọng, thì ngay lập tức, ở London, họ phải đưa tin về nó. Đôi khi, trang nhất có thể bị thay đổi tới năm lần trong một đêm, chẳng hạn khi Tổng thống Kenedy bị ám sát. Những tin tức đầu tiên đến được nước Anh lúc 7 giờ tối ngày 22 tháng Mười năm 1963, thì lập tức toàn bộ trang nhất được dành ra để đăng tải về bi kịch này. -Richard, anh thật tử tế vì đã đến sớm để đón tôi. Tôi không biết các anh bắt đầu làm việc muộn như vậy. Richard cười phá lên: -Không sao. So với anh, chúng tôi hẳn là những thằng lười, nhưng nơi đây sẽ cực kỳ nhộn nhịp vào lúc nửa đêm, khi mà anh đang cuộn tròn trên giường và say giấc nồng. Nào, tôi có thể giúp gì anh? -Tôi đang cố gắng tìm hiểu đôi chút về một người đồng hương là Harvey Metcalfe. Đó là một Mạnh thường quân giàu có của Harvard, và tôi muốn biết về ông ta đôi chút để có thể tán dương ông ta. Stephen không để tâm lắm đến lời nói dối của mình, nhưng đây quả là một tình huống lạ lùng mà anh mới gặp lần đầu tiên trong đời. -Anh đợi ở đây nhé. Tôi cần sang phòng biên tập để tìm các tài liệu về ông ta. Còn lại một mình. Stephen tự tiêu khiển bằng cách đọc các tiêu đề ghim trên tấm bảng trắng trong phòng – rõ ràng, đây là những câu chuyện mà Compton – Miller rất tự hào: “Thủ tướng điều khiển dàn nhạc tại phòng hoà nhạc Hoàng gia”, “Chuyện tình của hoa hậu thế giới và Tom Jones”, “Muhammad Ali nói: Tôi sẽ tiếp tục đoạt giải quán quân”… Mười lăm phút sau, Richard trở lại với một tập hồ sơ khá dầy. -Mời ngài đọc, thưa nhà toán học. Một tiếng nữa tôi trở lại và chúng ta cùng đi uống cà phê. Stephen gập đầu và mỉm cười với vẻ biết ơn. Các nhà toán học chẳng bao giờ phải giải quyết những về rắc rối mà anh đang đương đầu. Tập hồ sơ chứa đựng những thống kê các việc làm công khai và cả một số việc bất công khai của Harvey Metcalfe. Nhờ đó, Stephen đã biết về những chuyến đi Châu Âu hàng năm để dự Winbledon của gã, rồi chiến công của các con ngựa tại Ascot và cả việc sưu tập tranh ấn tượng. Để thoả mãn trí tò mò của độc giả, đã có lần William Hickey, chủ bút tờ Daily Express đã cho đăng một bức ảnh Harvey béo phị trong chiếc quần short Bermuda cùng một bài báo tiết lộ rằng mỗi năm, ông ta thường đi nghỉ hai hoặc ba tuần trên chiếc thuyền thể thao cá nhân ở Monte Carlo, và đánh bạc trong Casino. Theo Hickey, Metcalfe chỉ là một kẻ giàu có mới nổi, chưa đáng được kính trọng và ca ngợi. Stephen ghi chép một cách chi tiết tất cả các sự kiện mà anh cho là có liên quan và khi Richard quay lại thì anh đang xem các bức ảnh. Anh ta đưa Stephen đến căng tin ở cùng tầng để uống cà phê. Khói thuốc lá bay lên mọt mù xung quanh cô gái ngồi ở bàn thu ngân phía cuối quầy tự phục vụ. -Richard, tôi vẫn chưa có đủ những thông tin cần thiết. Harvard hy vọng ông ta sẽ trao tặng một số tiền lớn, có lẽ là một triệu đôla. Liệu tôi có thể tìm hiểu thêm các thông tin về ông ta ở đâu nữa? -New York Times, có lẽ vậy. – Compton Miller nói. - Được, chúng ta sẽ tới gặp Terry Robards. Văn phòng tờ New York Times tại London nằm trên tầng năm của cùng một toà nhà với tờ Thời báo trên quảng trường Printing House. Stephen nhớ tới toà nhà rộng lớn của tờ New York Times trên phố 43 New York và tự hỏi liệu văn phòng này có xứng đáng với nó không. Terry Robards hoá ra là một người Mỹ gày gò, với nụ cười thường trực nên ngay lập tức Stephen cảm thấy rất tự nhiên. Luôn luôn mỉm cười là một bí quyết mà anh đã tự tạo nên một cách vô thức qua nhiều năm và là một quà tặng quý báu khi anh muốn moi thêm nhiều tin tức hơn. Stephen nhắc lại những điều mà anh muốn biết về Harvey Metcalfe. Terry phá ra cười: -Harvard không lưu tâm đến nguồn gốc các khoản tài trợ đâu. Lão Metcalfe này có nhiều cách ăn cắp tiền hợp pháp hơn cả Sở ngân khố quốc gia. -Anh không định nói như vậy đấy chứ? – Stephen hỏi một cách ngây thơ. New York Times có khá nhiều tài liệu về Harvey. Trong đó, “Metcalfe, từ một cậu bé đưa tin trở thành triệu phú” là tiêu đề của một bài viết tỏ ý ca ngợi và thán phục Harvey. Stephen lại tiếp tục ghi chép cẩn thận. Anh thực sự quan tâm đến các chi tiết về công ty Sharpley & Con trai, cũng như các thông tin về việc buôn bán vũ khí trong thời kỳ chiến tranh và tiểu sử Arlene, vợ của Harvey và con gái Rosaline của họ. Có một bức ảnh chụp cả gia đình khi Rosaline mười lăm tuổi. Có một số bài viết khá dài về hai vụ xét xử cách đây chừng hai mươi nhăm năm, trong đó Harvey bị buộc tội giả mạo giấy tờ nhưng không bị kết án, và một vụ gần đây hơn, năm 1956, có liên quan tới việc chuyển giao cổ phần ở Boston. Lần này, Harvey cũng thoát khỏi mạng lưới pháp luật, nhưng Công tố uỷ viên đã có đôi chút nghi ngờ về gã. Những mẩu chuyện gần đây nhất về Metcalfe đều nằm trong cột “Ngồi lê đôi mách”: Những bức hoạ cảu Metcalfe, ngựa của ông ta, hoa phong lan của ông ta, rồi thành công của cô con gái tại Vassar và những chuyến đi của ông ta tới châu Âu. Còn về Prospecta Oil thì chẳng có một dòng nào. Stephen thầm thán phục khả năng che dấu báo chí các hoạt động mời ám của Harvey. Hôm đó, Terry mời ông bạn đồng hương đi ăn trưa. Giới phóng viên thường thích có những mối quan hệ mới và Stephen có vẻ là một người bạn đầy hứa hẹn. Họ vẫy taxi tới phố Whitefield Street. Trong lúc xe đang từ từ chạy ra khỏi khu trung tâm để đi về khu West End thì Stephen thầm hy vọng anh sẽ không phải “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”. Và anh đã không bị thất vọng. Nhà hàng Lacy có kiểu kiến trúc tương đối thoáng mát, các bàn ăn được trang trí toàn bằng khăn lanh sạch sẽ và hoa thuỷ tiên vàng mới nở. Terry bảo đây là một trong những nhà hàng rất được giới báo chí ưa chuộng. Chủ nhà hàng này là Margaret Costa, một người chuyên viết sách nấu ăn, còn chồng bà ta, dĩ nhiên là rất lành nghề đầu bếp. Sau khi thưởng thức món súp cải soong và rượu Chateau de Péronne 1972, Terry trở lên cởi mở hơn về đề tài Metcalfe. Bản thân anh ta cũng đã có lần phỏng vấn Metcalfe khi Harvard khánh thành hội trường mang tên gã bao gồm một phòng thể dục dụng cụ và bốn sân tenis có mái che. -Hy vọng rằng ngày nào đó ông ta sẽ nhận được bằng danh dự. – Terry châm biếm. – Tuy vậy, hơi khó đấy, kể cả khi ông ta có trao tặng một tỷ. Stephen trầm ngâm suy nghĩ về lời nhận xét này của Terry. -Có lẽ cậu nên đến Đại sứ quán Mỹ. Xin phòng tư liệu, có thể sẽ có thông tin đầy đủ về Harvey. – Terry nói rồi liếc nhanh vào đồng hồ đeo tay. – Chó chết. Thư viện đóng cửa lúc 4 giờ. Muộn rồi. Và cũng tới giờ tôi phải trở lại toà soạn. Stephen phân vân, liệu có phải ngày nào các phóng viên cũng ăn uống lâu la như thế này không. Chia tay Terry, anh vội vã ra ga đón chuyến tàu 5 giờ 15 phút và chen chúc với cánh hành khách đi vé tháng trở về Oxford. Chỉ khi còn lại một mình trong phòng riêng anh mới bắt đầu nghiên cứu các kết quả của một ngày rong ruổi. Mặc dầu mệt mỏi rã rời, anh vẫn buộc mình ngồi vào bàn để hoàn thành tập hồ sơ đầu tiên về Harvey Metcalfe. Hôm sau, Stephen lại đón chuyến tàu 8 giờ 17 phút đi London. Lần này, anh mua vé hạng hai. Người soát vé yêu cầu anh rời khỏi toa ăn sau giờ điểm tâm. “Tất nhiên”, Stephen trả lời, nhưng trong suốt khoảng thời gian còn lại, anh cứ nhấm nháp cà phê chứ không hề bước chân ra khỏi toa ăn hạng nhất. Anh thấy hài lòng về bản thân. Anh đã tiết kiệm được 2 bảng, và đó chính là điều mà Harvey Metcalfe chắc sẽ làm. Theo lời khuyên của Terry Robard, xuống ga Paddington, anh đón taxi để tới Đại sứ quán Mỹ. Đó là một toà nhà chín tầng đơn điệu khổng lồ rộng 250.000 foot vuông, trải dọc suốt chiều dài của Quảng trường Grosvenor. Thực tế, toà nhà này không được tao nhã như dẫy cư xa của các quan chức đại sứ Mỹ ở khu Winfield nằm bên công viên Regent. Năm ngoái Stephen đã được mời đến đấy dự tiệc. Trước kia, đây là nhà riêng của Barbara Hutton, sau này, vào năm 1946, Chính phủ Mỹ mua lại và biến nó thành nhà ở cho các nhân viên ngoại giao của mình. Cửa vào thư viện Đại sứ quán trên tầng một đóng chặt. Stephen buộc phải quay ra nghiên cứu tấm bảng đồng treo trên bức tường ngoài hành lang. Bảng này có ghi tên tất cả các nhà đại sứ kể từ khi hai nước bắt đầu đặt quan hệ ngoại giao.Khi anh bắt đầu đọc đến Joseph Kennedy thì cánh cửa thư viện xoay tròn. “Chẳng khác gì một ngân hàng” Stephen nghĩ rồi bước vào bên trong. Một cô gái đang ngồi sau tấm biển “Bàn cung cấp thông tin” với dáng vẻ rất nghiêm nghị. Khi Stephen hỏi cô ta các thông tin về Harvey Metcalfe, cô ta không trả lời ngay, mà lại hỏi: -Tại sao ông cần đến những tài liệu này? Stephen hơi cảm thấy lúng túng nhưng ngay lập tức anh lấy lại bình tĩnh. “Mùa thu tới, tôi sẽ trở về Harvard và sẽ là giáo sư của trường. Tôi thấy mình nên hiểu biết đôi chút về mối quan hệ giữa ngài Metcalfe với trường. Hiện giờ tôi đang là giáo viên hợp đồng của trường Magdalen Oxford”. Cô gái tin ngay và vui vẻ đi tìm tài liệu cho anh. Chỉ vài phút sau trong tay anh đã là một tập hồ sơ. Dẫu chẳng sống động bằng các bài viết của New York Times song tập hồ sơ này cũng cung cấp những số liệu về đóng góp từ thiện của Metcalfe, và các thông tin chi tiết, chính xác về các món quà ủng hộ đảng Dân chủ. Hầu như người ta không bao giờ tiết lộ những con số chính xác về cái mà họ đã ủng hộ các đảng phái chính trị, nhưng Harvey thì không. Sau khi đã đọc xong tài liệu ở thư viện ĐẠi sứ quán, Stephen đón taxi tới văn phòng Cunard ở quảng trường St. James và nói chuyện với một nhân viên đặt chỗ, rồi từ đó anh lại đi tiếp tới khách sạn Claridge’s trên phố Brook Tại đây, anh trò chuyện với một người quản lý. Sau cùng, anh gọi điện thoại tới Monte Carlo để hoàn thành công việc điều tra rồi quay về Oxford trên chuyến tàu 5 giờ 15 phút.