Không Phải Khúc Tình Ca

Từ đầu tôi đã nói với mọi người, tác phẩm mới là một câu chuyện rất đặc biệt, nhưng lúc đó tôi chỉ cảm thấy kết cấu hoàn toàn mới này hơi đặc biệt thôi, chứ cũng không nghĩ quá nhiều. Khi tôi không ngừng sáng tác, không ngừng khai thác câu chuyện, dần dần tôi bắt đầu bị kéo theo, chính là bị nhân vật lôi kéo ấy, tôi cảm thấy cuối cùng mới là bọn họ tạo nên “Không phải khúc tình ca”.

Trước khi sáng tác tôi đã đặt ra mục tiêu, tôi chỉ muốn đơn giản cho mọi người nhìn thấy suy nghĩ qua mình, trước khi bắt đầu tôi đã nói đây là một câu chuyện theo dạng “búp bê Nga”, thực ra nó được tạo thành từ ba câu chuyện: câu chuyện đầu tiên chiếm 90% độ dài tác phẩm là về Tưởng Dao, Chúc Gia Dịch, Vương Trí Vĩ, Tần Duệ, nhưng thực ra câu chuyện này cũng là về “tôi” – do Đinh Linh sáng tạo ra; câu chuyện thứ hai là “tôi” và ông chủ khách sạn ở Otaru, “tôi” nghe ông chủ kể chuyện, cuối cùng viết ra câu chuyện đầu tiên; câu chuyện thứ ba là chuyện còn lại của Chúc Gia Dịch và Tưởng Dao trong thế giới thực.

Nói về nhân vật Tưởng Dao của chúng ta cũng có ba phiên bản: Tưởng Dao trong cuốn tiểu thuyết bán chạy “Không phải khúc tình ca”, Tưởng Dao trong miệng ông chủ khách sạn ở Otaru (thực tế là không ai biết rốt cuộc ông chủ nói gì với nhân vật “tôi), và Tưởng Dao thực sự. Thực ra Tưởng Dao thực sự tận đến chương mười hai mới lên sàn, còn Chúc Gia Dịch thực sự chỉ xuất hiện thoáng qua trong đêm bão tuyết và bức thư cuối cùng.

Tôi muốn nói các bạn độc giả của tôi vô cùng thông minh, tôi nhớ rõ khoảng chương chín đã có người đưa ra câu hỏi thế này: Tôi dành phần lớn độ dài tác phẩm miêu tả về chuyện của Tưởng Dao và Chúc Gia Dịch, rốt cuộc có phải là sự thật hay không? Được rồi, tôi không thể không nói đây chính là nguyên nhân tôi nghĩ đến việc viết bài phân tích này, tôi muốn thảo luận một chút về thật giả với mọi người.

Trước khi chúng ta bắt đầu thảo luận, sẽ có một vấn đề có lẽ hơi xa lạ với mọi người: tâm lý phòng vệ. Nghe đã thấy là một danh từ tâm lý học rất huyền bí, nhưng sau khi tìm hiểu về danh từ này, mọi người sẽ phát hiện thực ra nó cũng không huyền bí đến vật (Xin cho phép tôi tạm thời đóng vai bác sĩ Tưởng). Cái gọi là tâm lý phòng vệ là chỉ sự kiềm chế của bản thân, là chức năng phòng ngự hoàn toàn trong tiềm thức, để tránh cho tinh thần đau khổ, lo lắng, xấu hổ, tội lỗi, trong lúc vô tình hay cố ý được sử dụng để điều chỉnh tâm lý.

Thực tế, cuốn sách này mang tên “Không phải khúc tình ca”, nhân vật “tôi” cũng chính là Đinh Linh, là kết quả phòng vệ tâm lý của cô ấy. Đinh Linh từng bị cuốn vào vòng xoáy mối quan hệ ngoài luồng, thậm chí suýt chút nữa không thể kiềm chế gây ra tai họa. Trong phần mở đầu của câu chuyện, mối quan hệ đó đã qua được hơn nửa năm, nhưng chúng ta có thể nhìn từ biểu hiện của cô ấy thì cô ấy vẫn chưa thoát ra được, cô ấy mắc kẹt bế tắc nghiêm trọng. Sự lo âu, không tự tin, chứng trì hoãn, tất cả đều chứng tỏ cô ấy vẫn chưa khôi phục. Nhưng cô ấy nhận ra được điều này, trong tiềm thức, cô ấy đấu tranh mạnh mẽ với hoàn cảnh bất lực. Cho nên cô ấy ra ngoài du lịch, muốn nhờ hoàn cảnh mới để thay đổi hoàn toàn bản thân.

Sau khi nghe ông chủ kể chuyện về tình cảm của một đôi nam nữ thành thị, cảm xúc của cô ấy lập tức bộc phát, nói theo trình độ nào đó là bởi vì câu chuyện đó nhất định có chỗ tương đồng với nỗi đau cô ấy trải qua, cho nên cô ấy mới có thể tìm lại linh cảm, chấp bút lần nữa. Có thể nói cô ấy bị câu chuyện xưa mê hoặc, sáng tác ngày đêm không ngừng nghỉ, cô ấy cũng không ý thức được câu chuyện này đã trở thành ánh sáng chiếu vào tâm lý phòng vệ của cô ấy.

Đầu tiên tôi muốn nói Tưởng Dao, Chúc Gia Dịch, Vương Trí Vĩ, Tần Duệ dưới ngòi bút của Đinh Linh đều là do cô ấy sáng tạo ra, ông chủ kể cho cô ấy một câu chuyện mơ hồ (về điểm này không ai biết rốt cuộc ông chủ nói gì, thân là tác giả tôi cũng không biết gì hết). Đại khái cô ấy đã có bối cảnh và quan hệ nhân vật trong câu chuyện, vì thế cô ấy bắt đầu vận dụng khả năng sáng tác rồi bổ sung thêm cho những nhân vật này trong quá trình viết, theo phản xạ cô ấy cũng gia nhập vào trong mối quan hệ này. Thêm vào đó sự sáng tác và lý giải của cô ấy đối với nhân vật do cô ấy sáng tạo ra, chúng ta có thể nhìn thấy thái độ của cô ấy đối với nhân vật.


Trước tiên đề cập tới “Tưởng Dao”, độc giả cẩn thận có thể đã phát hiện ở chương mười hai, đối tượng ngoại tình của Đinh Linh xuất hiện trong cuộc điện thoại, đúng lúc đó người vợ tri kỉ một thời của anh chàng kia cũng có nghề nghiệp giống hệt với “Tưởng Dao” trong tiểu thuyết của Đinh Linh. Cho nên thực ra “Tưởng Dao” chính là người vợ này. Có người hỏi tại sao cô ấy lại đặt “tình địch” vào một nhân vật trong câu chuyện? Rất đơn giản, cho dù Đinh Linh bị cuốn vào mối quan hệ ngoài luồng, nhưng cô ấy vẫn luôn tồn tại cảm giác tội lỗi và áy náy mãnh liệt với đoạn tình cảm này, nhất là đối với người vợ kia. Cho nên trong sách cô ấy lựa chọn cho người vợ một “tội danh” ngoại tình, nhưng lại cho cô ta một đoạn tình cảm tuyệt vời, thực tế đây là một loại giải phóng tâm lý, dường như chỉ có làm vậy mới có thể khiến cho Đinh Linh giảm bớt và chuyển dời cảm giác áy náy và tội lỗi của mình. “Tôi” và chồng “cô ta” đã ngoại tình, nhưng nếu “cô ta” cũng ngoại tình, như vậy trong lòng “tôi” sẽ cảm thấy khá hơn một chút. Thực ra đây chính là một loại trốn tránh trách nhiệm theo phản xạ của tâm lý phòng vệ.

Sau đó là “Chúc Gia Dịch”. Tôi nghĩ rất nhiều người khi nhìn thấy cậu ấy sẽ không thể ngăn cản được suy nghĩ: Làm gì có người đàn ông nào như Chúc Gia Dịch? Đúng vậy, đối với mọi người gần như không có người đàn ông như thế (sở dĩ trước câu khẳng định, tôi thêm vào hai chữ “gần như” là bởi vì tôi biết việc đời không có nguyên tắc tuyệt đối)

Về Chúc Gia Dịch, thực ra những lời Đinh Linh nói trong tiết mục phỏng vấn radio đã thay lời hộ tôi rồi; cậu ấy không đại biểu cho bất cứ ai, cậu ấy chỉ là đại biểu cho phần tình yêu hồn nhiên cam đảm, không chùn bước của chúng ta, cũng là mục tiêu ban đầu mà chúng ta hướng tới tình yêu. Cậu ấy quả thực là một người tình hoàn hảo, cao lớn đẹp trai, trẻ trung tràn đầy sức lực, tràn ngập tình yêu, lúc nào cũng tràn ngập sức sống, cậu ấy chiều chuộng bạn lên tận trời, cũng biết đùa giỡn, cũng sẽ bám dính cầu xin tha thứ, quan trọng nhất là cậu ấy biết ghen tị với mỗi người đàn ông bên cạnh bạn, coi họ là kẻ địch bởi vì bạn là người duy nhất trong mắt cậu ấy. Thế nhưng đó chỉ là những ảo tưởng đối với đàn ông thôi, vì thế hãy thức tỉnh đi. Song cá nhân tôi cảm thấy, thực ra trên người Chúc Gia Dịch cũng có bóng dáng nào đó của Đinh Linh, bởi vì bọn họ từng đứng chung một vị trí, đóng vai diễn giống nhau. Cho nên sự hèn mọn trên người Chúc Gia Dịch nói không chừng là phản ánh nội tâm chân thật nhất của Đinh Linh. Thông qua nhân vật này, cô ấy muốn bộc lộ những cảm xúc bất mãn trong cuộc sống (cũng chính là đối với cả người biên tập nam ngoại tình kia), chuyển vào trong tiểu thuyết (cũng chính là “Chúc Gia Dịch”), để cho cô ấy trút hết tâm tư ra.

Tiếp theo nói về Tần Duệ, thực ra đối với nhân vật Tưởng Dao và Chúc Gia Dịch, chúng ta đã phân tích và mổ xẻ rất nhiều, còn Tần Duệ chỉ được miêu tả sơ qua, nhưng tôi cũng có rất nhiều điều muốn nói. Tôi muốn nói trước hết về “Tần Duệ” trong tiểu thuyết. Cá nhân tôi vẫn cảm thấy Tần Duệ và Vương Trí Vĩ đều là người thực tế, nhất là Tần Duệ. Anh ta thuộc về loại người xác định được mục tiêu rõ ràng, một khi đã xác định sẽ dùng toàn sức để đối phó với người khác. Trên phương diện tình cảm, người giống như anh ta sẽ không bỏ ra qua nhiều thời gian và sức lực, có lẽ là cảm thấy không cần thiết. Cá nhân tôi cho rằng cả đời đàn ông theo đuổi nhiều nhất chính là loại cảm giác thành tựu. Nếu công việc có thể mang lại cho anh ta cảm giác ấy, như vậy hơn một nửa đàn ông sẽ không đặt tâm tư vào tình cảm, Tần Duệ chính là nhân vật như vậy. Có lẽ có một số bạn độc giả (có thể tuổi tác vẫn còn trẻ) sẽ cảm thấy anh ta thật ngầu trong tiểu thuyết, người thành công như anh ta không ngờ lại âm thầm yêu Tưởng Dao nhiều năm như vậy. Song thật ra, lý giải của tôi đối với nhân vật này là anh ta có thể thật sự thích Tưởng Dao. Tính cách của anh ta chín chắn, qua nhiều năm, phần lớn thời gian anh ta đều dành cho công việc, nó chiếm một phần rất lớn trong cuộc sống của anh ta, anh ta không có tâm tư và sức lực dư thừa qua lại với phụ nữ. Tưởng Dao thông minh, xinh đẹp, lại qua lại với anh ta nhiều năm, hiểu biết lẫn nhau, anh ta thích cô ấy cũng là bình thường. Ở trong tiểu thuyết, anh ta là một nhân vật chính trực, cho dù anh ta hơi âm mưu, nhưng chỉ ở trên phương diện công việc. Tôi vốn định viết anh ta cuối cùng vì bảo vệ chức vụ của mình mà hi sinh Tưởng Dao, nhưng cuối cùng vẫn từ bỏ ý tưởng này, làm vậy sẽ khiến câu chuyện quá hỗn loạn, tôi hi vọng trọng điểm vẫn nên đặt ở vấn đề tình cảm. Nhưng tôi đã đặt ra cho nhân vật như thế này: anh ta không phải là người xấu, nhưng cũng sẽ không yêu một người phụ nữ giống như Chúc Gia Dịch, thậm chí còn vì lợi ích của mình từ bỏ tình yêu. Đây là một người đàn ông xuất sắc nhưng lại hơi ích kỷ, là loại đàn ông chúng ta thường gặp, chẳng qua phần lớn thời điểm chúng ta chỉ thấy được sự ưu tú, chứ không nhìn thấy sự ích kỷ. Về phần nguyên mẫu của “Tần Duệ” có lẽ đoán một chút là biết – chính là biên tập viên nam có quan hệ ngoài luồng với Đinh Linh.

Điều này trong tâm lý học gọi là “hình thành phản tác dụng”, bởi vì ý thức chân thật biểu hiện ra ngoài không phù hợp với quy phạm đạo đức xã hội hoặc khiến cho nội tâm lo âu, muốn phóng thích tính cách tương phản. Nói cách khác Đinh Linh hiểu được ngoại tình là trái đạo đức, là hành vi bất chính, nội tâm của cô ấy cũng chịu sự dày vò, biểu hiện lo âu ấy đã được thể hiện trong tiểu thuyết, biến thành tình hình tương phản: Tần Duệ yêu Tưởng Dao, lại không có được cô ấy. Tưởng Dao nói “Anh chưa bao giờ là loại người tôi muốn”, ám chỉ Tần Duệ là người hoàn toàn thất bại trong câu chuyện. Còn nguyên mẫu “Tần Duệ” trong hiện thực, vị biên tập viên kia là một người mạnh mẽ trong tình cảm, có thế cô ấy mới không thể với tới. Theo góc độ nào đó, Đinh Linh thông qua “quá trình bẻ cong” để trút hết cảm xúc tiêu cực còn lưu lại.

Tiếp đến là “Vương Trí Vĩ”, phải nói Vương Trí Vĩ là nhân vật có tính cách mờ nhạt nhất trong tiểu thuyết, là người thần bí nhất. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên anh ta đã đóng vai “kẻ ác”, nhưng theo nội dung câu chuyện phát triển, anh ta dần trở nên bình thường, dần khiến người ta không còn hận như ban đầu. Khi anh ta nghe nói Tưởng Dao quyết định ly hôn, anh ta muốn để lại nhà cửa cho cô ấy, còn tính lừa cô ấy để một mình đối mặt với bệnh tật. Đọc đến đoạn này, chỉ sợ là người có trái tim cứng rắn cũng không thể nói ra lời tuyệt tình trách móc nặng nề. Hơn nữa cuối cùng anh ta cũng có được kết thúc tốt đẹp – ít nhất đã có người ở bên cạnh đến khi anh ta mất, thậm chí còn “Sống thêm nửa năm”. Như vậy một nhân vật vốn nên chịu phỉ nhổ, cuối cùng lại có kết thúc tốt đẹp, một vai diễn không hề trái với ý định của tác giả, tóm lại vẫn hợp lý. Cho nên nói “Vương Trí Vĩ” chính là bản thân Đinh Linh. Cô ấy lén trốn ở sau nhân vật có diện mạo mơ hồ này để lén lút chuộc tội. Cái chết là cách thức chuộc tội tốt nhất cô ấy nghĩ ra, về điểm này có thể nhìn ra được trong đoạn “Vĩ thanh”. Cô ấy hi vọng tất cả những hành vi của mình sẽ được khoan dung, tha thứ, hi vọng không có người hận cô ấy. Đồng thời lúc cô ấy lựa chọn cái chết cũng mang theo tâm lý trả thù xấu xi, điều này cũng đã miêu tả trong vĩ thanh, mà thể hiện trong tiểu thuyết là sau đó Tưởng Dao còn mơ thấy Vương Trí Vĩ, trong nhà vẫn đặt khung ảnh anh ta trên bàn, từ chi tiết này có thể nhìn ra Đinh Linh khát vọng mình được người từng yêu thương nhớ kĩ đến nhường nào. Chỉ sợ đây là tâm lý cảm tính và yếu đuối của phụ nữ gây chuyện.

Ngoài bốn nhân vật trung tâm này ra, trong tiểu thuyết còn có rất nhiều nhân vật khác, tôi không muốn nói quá nhiều, chỉ là đưa ra chút quan điểm, nếu mọi người hứng thú có thể đọc kĩ lại:


Bà chủ nhà hàng trong tiểu thuyết ở Otaru = người bác là chủ khách sạn hiện thực + người khách mặc ki-mô-nô tím. Đinh Linh có lẽ đã nghe chuyện ông chủ được kế thừa từ chỗ người bác, có lẽ vào một tối nào đó anh ta uống say nên cũng không nhớ rõ. Đồng thời điều khiến cô ấy có ấn tượng sâu sắc chính là khi ông chủ kể chuyện về những người khách hàng, cho nên ở trong tiểu thuyết, cô ấy kết hợp hai người lại làm một.

Tưởng Bách Liệt = thiên sứ. Bác sĩ Tưởng không phải “con người” hoặc là nói nhân vật này giống như “Chúc Gia Dịch”, không có một hình mẫu cụ thể nào trong hiện thực, nhưng lại đại biểu cho hàm nghĩa nào đó. Đinh Linh ở “Vĩ thanh” cho rằng hai luồng ánh sáng kia là do thiên sứ chiếu xuống người cô ấy, đó là một loại sức mạnh siêu nhiên đã cứu vớt mạng sống cô ấy. Bác sĩ Tưởng cũng là như vậy, trong lúc Tưởng Dao bàng hoàng, bất lực, đều đưa cho cô ấy sự cổ vũ ấm áp và dũng khí, đối với Tưởng Dao mà nói bác sĩ Tưởng chính là “thiên sứ”.

Ngoài ra còn một số chi tiết cũng không phải tôi viết sau nên quên mất phía trước (tuy rằng chuyện này thường xuyên xảy ra, nhưng phần lớn đều cẩn thận đọc lại để không xảy ra nhầm lẫn), nhưng mà vẫn theo dự định. Ví dụ như trong tiểu thuyết ba năm sau “Tưởng Dao” và “Chúc Gia Dịch” gặp lại trong cửa hàng tiện lợi, lúc ấy bên cạnh “Chúc Gia Dịch” có một người phụ nữ, dựa theo bầu không khí và ngôn ngữ cử chỉ trong tiểu thuyết, có lẽ đó là một đối tượng 419. Song trong thực tế, khi Chúc Gia Dịch viết thư cho Tưởng Dao, cũng đã nhắc tới lần gặp lại đó, nói người đứng ở bên cạnh là vị hôn thê, hơn nữa được miêu tả là một cô gái cởi mở hào phóng. Thực ra nó chính là một loại nhắc nhở mọi người tiểu thuyết và hiện thực hoàn toàn khác nhau.

Về tình tiết thực ra còn rất nhiều, tôi đã nói rồi câu chuyện này tôi mất rất nhiều tâm tư thiết kế, tôi đã tạo ra rất nhiều bước đệm trong tác phẩm, hơn nữa có nhiều chỗ nhìn không chớp mắt thực ra là có dụng ý cả đấy. Tôi sẽ không nói hết ra đâu (hơn nữa nói thật tôi cũng không nhớ được nhiều như vậy), bạn đọc nào có hứng thú có thể từ từ khai quật.

Ngoài ra mọi người sẽ đưa ra câu hỏi, không phải sau khi để lại thư Chúc Gia Dịch quyết định quay về Boston kết hôn với vị hôn thê sao, tại sao cuối cùng lại xuất hiện trong nhà hàng ở Otaru làm một đầu bếp trầm mặc, không xuất đầu lộ diện? Nói thật tôi vốn đã tính bắc xong một cây cầu, để sơ lược trong đoạn đối thoại của Đinh Linh và ông chủ, nhưng sau đó tôi cảm thấy vẫn nên bỏ đi thì hơn để cho mọi người tự mình suy nghĩ. Bởi vì đôi khi sự thật khác xa so với tiểu thuyết.

Nói nhiều như vậy, tôi không biết mọi người đã cảm thấy choáng váng chưa, nếu choáng váng thì tôi đành phải nói: uống chút nước, nghỉ ngơi một chút rồi nghe tiếp. Đây là một câu chuyện sự thật và hư cấu lần lượt thay đổi, ba câu chuyện này có chỗ trùng hợp, có chỗ xung đột, sau đó nó lại lần lượt thay đổi và xung đột bên trong, phải làm thé nào để phân biệt thật giả đây?

Trong tiểu thuyết “tôi” viết về “Tưởng Dao” và “Chúc Gia Dịch” cũng không nhất định là hoàn toàn hư cấu, cũng có sự thật bên trong, chỉ là sự thật bị che giấu quá sâu, quả thực khó mà phân biệt thật giả.


Hoặc nói thật là thực và giả đã chẳng còn quan trọng, quan trọng là mâu thuẫn giữa thế giới thực và thế giới nội tâm.

Như vậy chúng ta trở lại với “búp bê Nga” kia thôi. Nhân vật “tôi” trong tiểu thuyết “Không phải khúc tình ca” đã trải qua quá trình có ngọt ngào có đau khổ, nhưng cuối cùng vẫn tràn ngập dũng khí và hi vọng. Câu chuyện này muốn biểu đạt điều gì đó đã sớm thông qua độc thoại nội tâm của nhân vật chính “Tưởng Dao”  thể hiện ra rồi: cho dù từng bị tổn thương, cũng đừng bóp méo linh hồn, đừng sợ yêu và được yêu, nếu không rất có thể bạn sẽ từ nạn nhân biến thành đi hại người, giống như đứa trẻ bị bắt nạt lại đi ngược đãi người khác, bạn sẽ biến thành người bạn vốn không hi vọng biến thành. Cho nên đừng vì sai lầm và tổn thương của người khác mà mất đi hi vọng và dũng khí sống. Cho dù phạm phải bất cứ sai lầm nào, thì tỉnh ngộ lúc nào cũng là chưa quá muộn.

Còn thực tế thì sao? Tưởng Dao và Chúc Gia Dịch thực sự như thế nào? Sự thật còn tàn khốc hơn so với tiểu thuyết, nhưng sự thật cũng khiến người ta tỉnh ngộ, thực sự phạm phải sai lầm thì tỉnh ngộ lúc nào cũng là chưa quá muộn, nhưng bạn cũng biết đấy không phải sai lầm nào cũng bù đắp được. Có một số sai lầm khi bạn đã phạm vào thì không thể quay đầu lại. Giống như giữa hai vợ chồng, một người ngoại tình, thì đã xuất hiện vết nứt, cho dù cuối cùng vẫn quay về bên nhau thì hạnh phúc hôn nhân ban đầu cũng chấm dứt từ đó rồi; giống như giữa bạn bè, cho dù là một lần phản bội nho nhỏ cũng sẽ mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, không thể cứu vãn tình bạn; hay là giữa cha mẹ và con cái, có khi lơ đãng tạo thành tổn thương với đối phương, bạn cho là không sao hết, nhưng nó giống như xương cá, không nhổ ra mà cũng chả nuốt đi được. Chúng ta tự do từ nhỏ, sống tự do trong xã hội này đều không có gì sai, nhưng tự do không có nghĩa là sống theo ý mình, không có nghĩa là bạn không cần quan tâm cảm nhận của người khác, không có nghĩa là có thể tùy tiện làm tổn thương người khác. Có lẽ sau khi đọc xong mọi người đều rất đồng tình với Tưởng Dao, tôi là nói Tưởng đao trong hiện thực, nhưng tôi vẫn vô cùng đồng ý với một câu:

Người đáng thương tất có chỗ đáng giận.

Có lẽ rất nhiều lúc chúng ta cảm thấy tình cảm là một thứ không có lý lẽ, yêu thương một người là không có đạo lý, tôi cũng không thể hoàn toàn đồng ý. Tôi luôn cảm thấy một người yêu thương người khác nhất định là vì người kia có chỗ nào đó đặc biệt hấp dẫn, một khi sự hấp dẫn này biến mất, tôi không cho rằng tình yêu sẽ còn tồn tại. Cho nên “yêu” thứ gì đó là có nhân quả, có đạo lý. Tất cả hành vi của bạn sẽ mang lại cái nhìn và cảm nhận cho người khác, cũng sẽ làm thay đổi cảm tình của người khác dành cho bạn. Cho nên khi chúng ta cảm thấy người khác đối xử không tốt với mình, cảm thấy bị bạc đãi, cảm thấy trả giá không nhận được báo đáp, tất nhiên là bao gồm cả yếu tố may mắn nữa, nhưng có phải chúng ta cũng nên quay đầu xem xét rốt cuộc mình đã làm gì không?

Ngoài ra câu chuyện này còn đưa ra một vấn đề: cùng làm người thứ ba, Chúc Gia Dịch hoàn toàn không bị ai mắng, còn có rất nhiều người mê muội cậu ấy (mọi người đừng có phủ nhận), vậy còn Đinh Linh thì sao, chỉ sợ nếu không phải tôi thản nhiên trần thuật lại, sớm đã có người nhảy ra mắng cô ấy. Cho nên đôi khi chúng ta oán giận sự bất bình đẳng giữa nam nữ trong xã hội, thi cũng nên suy nghĩ xem làm một người phụ nữ chúng ta nên sắp xếp cho mình vị trí gì? Người mạnh mẽ tất nhiên có tư thế mạnh mẽ, nhưng người yếu cũng có tư thế của người yếu chứ.

Hiện tại rốt cuộc mọi người đã hiểu tại sao trước đó tôi đã nói nhân vật trong câu chuyện không phải là Tưởng Dao và Chúc Gia Dịch. Thực ra nhân vật trong câu chuyện là “tôi”, Đinh Linh mới đúng. Có lẽ sẽ có người căm giận bất bình: cô gái từng là kẻ thứ ba, chen chân vào hôn nhân của người khác, dựa vào cái gì mà nhận được sự coi trọng của ông chủ? Nói tới đây tôi không thể không mở con búp bê Nga thứ ba trong tay: Nếu nói tiểu thuyết là một câu chuyện chuộc tội, vậy sự thật là một câu chuyện không thể bù đắp, như vậy câu chuyện của Đinh Linh có liên quan đến nhân vật “tôi” lại nhớ tới việc mình đã được cứu chuộc trên đường đi tới đây.

Mọi người sẽ gào thét lên, cô lại cho chúng tôi ngồi xe gì lên núi thế này! Trước tiên lên núi, sau đó xuống núi rồi lại xuống núi. Đúng vậy, tôi rất thích chơi trò này, nhưng mọi người cũng biết xe vượt núi trong thực tế khắc nghiệt thế nào, cũng không khác xa so với ngòi bút của tôi. Tôi cho mọi người xem “con búp bê Nga” này, thực ra là quá trình “khẳng định – phủ định – khẳng định” truyền thống, cũng là con ngưởi nảy sinh nhận thức, suy xét, hình thành quá trình thế giới quan và giá trị quan. Tôi tung ra một luận điểm, phủ định rồi sau đó khẳng định nó.

Khi bạn phát hiện lý tưởng và sự thật có khoảng cách, bạn sẽ làm như thế nào? Bạn còn có thể kiên trì với lý tưởng của chính mình không? Vấn đề này hình như tôi đã từng đặt ra rất sớm trước đó, nhưng tôi chưa từng trả lời bởi vì không có đáp án chính xác.


Nối về phần “Vĩ thanh” cuối cùng kia, thực ra chính là hư ảo và sự thật, thật giả va chạm. Thực tế ngay cả Đinh Linh cũng không biết về sự ra đi của Tưởng Dao (đúng, Tưởng Dao thật sự đã mất rồi), đã cứu cô ấy một mạng. Đây là số mệnh chúng ta thường nói. Khi đối mặt với số mệnh, tất cả chúng ta đều trở nên nhỏ bé.

Năm nay là năm thứ chín tôi sáng tác, ngẫm lại khi tôi viết câu chuyện này, tôi chỉ muốn biểu đạt cho mọi người loại ý tưởng như thế này:

Con người không hẳn phải có khả năng giải quyết tất cả phiền phức, nhưng ít nhất phải có dũng khí đối mặt.

Nếu bạn có phần dũng khí này, có thể đối mặt với lúc khó khăn, cũng giữ gìn được danh dự và tác phong. Mà hai thứ này hoàn toàn là những thứ quan trọng nhất đối với con người.

Tôi không dự đoán được mình sẽ viết nhiều như vậy, có thể sau này tôi sẽ không phân tích rốt cuộc tại sao tôi lại viết như vậy, rốt cuộc tôi muốn nói gì với mọi người nữa. Câu chuyện này, bạn có thể nói nó là bi kịch, cũng có thể nói nó là hài kịch. Thực ra nó giống như cuộc đời của chúng ta: có hài có bi.

Vào lúc này nếu mọi người còn đọc đến đây, tôi chỉ muốn nói một câu cuối cùng, đã là chuyện vô cùng đáng vui mừng rồi.

Cám ơn.

(Hoàn)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận