Không Thể Chạm Vào Em

Bạch Quân ngồi trên trường kỷ, tay véo hờ lên khoảng trống giữa đôi mày rậm đã điểm màu muối tiêu. Ánh sáng của chiếc đèn bàn được thu gọn vào một vị trí nhờ chiếc chụp đèn tối màu đang hướng về phía khung ảnh của người phụ nữ - người mà Miên Tú giống đến mười phần, hay nói đúng hơn là phiên bản trẻ của bà - đang đặt trên chiếc bàn kê sát bên trường kỷ, phía ông ngồi.

*

Miên Tú băng qua cơn mưa trái mùa bất chợt đổ ầm xuống mà không một dấu hiệu nào cho việc xuất hiện của nó, hệt như cuộc hôn nhân vội vã đổ ầm vào đời cô không một lời cảnh báo. Ngày nọ, Bạch Quân gọi Miên Tú vào phòng và thông báo rằng, cô sắp lấy chồng. Còn, việc Miên Tú sẽ lấy ai, anh chàng kia là người thế nào, tính cách, gia thế ra sao, tuyệt nhiên, Miên Tú không được biết, cũng không được hỏi đến. Ít ra, tên tuổi của người cô sắp gọi là chồng - người mà cô sắp phải gắn bó hơn hai hay ba mươi năm nữa, thậm chí có thể dài hơn - cô cũng nên được biết chứ nhỉ?! Ít ra, nó cũng giống cách thức tìm hiểu đơn giản nhất của một đôi phải lấy nhau thông qua việc mai mối! Ít ra, nó cũng giống như Bạch Quân đang hỏi ý cô về việc gả đi cho một gia đình nào đó - mà cô biết chắc chắn họ giàu có, họ quyền lực! Ít ra, bản thân Miên Tú thừa hiểu, mình là con trong gia đình danh giá, thì cái danh giá đó sẽ đi cùng những hệ lụy như thế nào…! Nhưng, đâu đó trong cái suy nghĩ trưởng thành quá sớm so với tuổi hai mươi bốn của mình, Miên Tú vẫn thầm hy vọng, được tôn trọng, được đối đãi theo cái cách đơn thuần nhất của cha với con gái. Lúc này, Bạch Quân không hỏi ý kiến con, mà ông ra lệnh - một trong chuỗi “ra lệnh - nhận lệnh - thực hiện” được hình thành một cách vô thức và dường như nó đã dần trở thành truyền thống trong gia đình. Trụ cột kinh tế luôn là kẻ nắm quyền.

Miên Tú được - hay nói đúng hơn là “bị” - giáo dục trong một môi trường khắc nghiệt. “Công, dung, ngôn, hạnh” là những đức tính mà Miên Tú được dạy rằng người phụ nữ cần phải có từ những ngày cô còn rất nhỏ - nhỏ đến nỗi Miên Tú không tài nào hiểu được mình đang phải học những gì, và tại sao mình phải làm điều đó. Thú tiêu khiển tao nhã như uống trà, đọc sách cũng không phải chỉ luyện tập trong một hay hai hôm, đơn giản vì vài hôm là một con số quá bé nhỏ cho thói quen buộc phải ăn vào máu của con người. Sau này, khi lớn hơn, Miên Tú dần hiểu ra, con gái trong một gia đình quý tộc “thuần chủng” phải được trang bị đầy đủ “vũ khí” để bất cứ lúc nào cũng có thể sẵn sàng bị đưa ra “chiến trường hôn nhân”, nơi được gán mác hạnh phúc bằng việc môn đăng hộ đối, nhưng khốc liệt và tàn nhẫn hơn một chiến trường giết chóc đúng nghĩa.

Miên Tú trưởng thành với vỏ bọc điềm đạm hơn, lạnh lùng hơn. Cô thu nạp những kiến thức mình được dạy dỗ thành một phần của cuộc sống, thành phản xạ vô điều kiện. Khi quyết tâm tạo nên một cuộc đời mới, một thân phận mới, Miên Tú đã vứt bỏ những thứ gắn liền với tuổi thơ, với thanh xuân, những thứ đã ăn sâu vào máu và trở thành một phần của cuộc đời cô. Mà, cuộc sống này ngược ngạo quá! Con người ta phải cực khổ rèn luyện từng ngày mới có những thói quen quý phái, sang trọng để hy vọng thoát xác, được bước vào hào môn, có cuộc sống cao sang, giàu có. Còn Miên Tú thì ngược lại hoàn toàn - cô hy vọng có được một cuộc sống bình dân, giản dị mà những cô gái khác quanh cô đang cố tìm cách để rời đi tìm về phía hào nhoáng.

Khóa vội cửa, thả vội túi xách xuống, Miên Tú rảo bước nhanh vào căn phòng trong cùng. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, tường được quét một lớp sơn tối màu - tông màu chủ đạo trong việc bảo vệ bốn vách tường khỏi bị vấy bẩn trong suốt thời gian khách sử dụng nhà. Đây rõ ràng là phương pháp bảo vệ tài sản khá thô sơ của chủ nhà, e ngại khách thuê cũ rời đi và để lại bốn vách tường chi chít những vết bẩn có màu nổi bật trên nền tối; thế nên họ đành làm cái việc bất khả kháng là sơn phết mọi thứ bằng màu tối hù hù mà quên rằng, khách thuê tiếp theo sẽ có người mong được sống trong một ngôi nhà sáng sủa hơn. Hiện tại, Miên Tú vẫn thích cái tông màu tối ấm áp nhưng khá ma mị này; nó khiến cô cảm thấy mình là mình, bơ vơ giữa một thế giới bí ẩn, nhưng chí ít ở đây, sự bí ẩn ấy an toàn. Khi mắt đã bội thực với hàng vạn thứ ánh sáng chói lòa, con người ta sẽ tìm về với bình yên - chỉ đơn giản là xám tối…

Cô không sắm sửa quá nhiều nội thất. Từ cửa đi thẳng vào phòng khách, chỉ vỏn vẹn một chiếc trường kỷ dạng giường đặt đối diện chiếc ti vi đời cũ - do khách thuê trước để lại, nó cũ đến mức vẫn mang cái thùng to phình ở phía sau, khác hẳn những chiếc ti vi đời mới, siêu mỏng, siêu nét được quảng cáo và trưng bày khắp các cửa hàng điện tử; nó cũ đến mức, thỉnh thoảng chạm mạch không lên hình, hoặc đôi lần có hình thì lại không nghe được tiếng. Nhà bếp được thiết kế gọn gàng, thông với phòng khách nhằm tiết kiệm thêm một ít không gian - dù là ít ỏi và không mấy cần thiết đối với kiểu nhà dành riêng cho một người ở như thế này, nhưng cảm giác ấy khiến khách thuê trọ cảm thấy mình được quan tâm.

Tủ bếp bằng gỗ, hai cửa được treo chắc chắn ở phía trên bếp gas đặt âm vào mặt đá hoa cương bên dưới. Đôi bếp gas lúc nào cũng im ỉm, nguội ngắt theo đúng cái kiểu không ai động tay vào dù chỉ bật lên để có chút hơi ấm, chứ nào phải nấu một bữa thịnh soạn, ra trò. Miên Tú biết nấu ăn, và thích nấu ăn nữa là khác; nhưng không phải riêng gì Miên Tú, mà dường như ít ai đủ kiên nhẫn và hứng thú để suy nghĩ, để xắn tay vào bếp nấu một bữa linh đình rồi một mình lủi thủi ăn cho bằng hết mớ thức ăn mà chắc phải ba hay bốn người chụm vào mới có thể hy vọng ăn hết nổi. Nghĩ vậy, Miên Tú cũng không còn hứng nấu. Rồi cứ thế, Miên Tú chọn một món ăn qua loa thay cho những bữa ăn đầy sơn hào hải vị, một ly mì tôm vào buổi sáng sớm để lót dạ thay vì có kẻ hầu người hạ bày biện sẵn thức ăn ngon vào mỗi đầu ngày, một tách trà không nhãn thay cho những bữa tiệc trà sang trọng bên những tách trà ngon mang thương hiệu nổi tiếng. Khôn ngoan là lựa chọn sự thay thế phù hợp với hoàn cảnh chứ không phải phục vụ thói quen cũ!

Đơn giản chưa chắc có thể hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thì đơn giản lắm. Lúc này, với Miên Tú, cảm giác an toàn là hạnh phúc. Miên Tú sợ, sợ lại phải nhiều lần nữa đối diện với cái cảm giác lạnh lẽo từ những phía còn lại của chiếc bàn ăn dài trong ngôi nhà rộng lớn - tuy xa hoa, đông người, nhưng luôn chỉ đem lại cảm giác trống vắng, cô độc. Miên Tú sợ những cái cười thảo mai, những lời chì chiết và những trò hành hạ ác ý của Tuyết Hà, người mà cha cô đón về với hy vọng có thể thay thế mẹ chăm sóc, yêu thương cô, người mà cha cô đón về thay mẹ mang cái danh hiệu “bà chủ”, người mà cô phải gọi bằng “mẹ” thay vì “dì” như những ngày còn mẹ. Miên Tú sợ những đêm Hoàng Phong đổ ầm vào mình, hơi thở sặc mùi rượu, rồi thô bạo giật phăng bộ quần áo ngủ - bộ quần áo mà đêm nào sau cái đêm đầu tiên, Hoàng Phong cũng chê là cù lần, là không hấp dẫn. Miên Tú sợ cái ánh mắt như muốn giết người của cha khi cô trở về nhà, và nói rằng, cô không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân kia nữa.

Miên Tú trở ra, với bộ quần áo ngủ - vẫn kín đáo kiểu cù lần, và vẫn không hấp dẫn - cùng chiếc khăn màu trắng trên tay, từ tốn lau mái tóc dài ướt sũng. Phịch người xuống chiếc giường nhỏ đặt sát góc tường, chỉ vừa đủ cho một người nằm. Bộ drap trắng hơi ngả màu như trong mấy căn phòng thuê theo giờ của những khách sạn rẻ tiền. Phía ngoài là chiếc tủ đầu giường hai ngăn, bên trên đặt một chiếc đèn ngủ được thiết kế nhỏ gọn nhưng đủ lớn để làm đúng nhiệm vụ chiếu sáng mà không làm chủ nhân căn phòng cảm thấy chói mắt, khó chịu. Ngôi nhà nhỏ, không nhiều nội thất nhưng ấm áp hơn nhiều so với ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi mà quá lạnh lẽo. Mà, có lạnh lẽo đi nữa thì đó cũng là nơi cô được sinh ra, lớn lên cùng biết bao kỷ niệm, về cha, về mẹ, dẫu, mẹ mất khi Miên Tú còn khá nhỏ, nhưng cái cảm giác thương nhớ mẹ qua những giấc mơ chắp vá vẫn luôn ám ảnh cô. Ít ra, mỗi khi nghĩ về mẹ, Miên Tú lại có được niềm an ủi lớn lao, rằng có đi đâu, về đâu, thì mẹ vẫn luôn bên cạnh, luôn dõi theo, và không bao giờ để cô lẻ loi.

Miên Tú chưa từng hối hận vì quyết định của mình, cô chỉ cần cuộc sống yên bình, nhẹ nhàng như thế này là đủ. Chỉ là, chưa bao giờ, sự yên bình ấy có thể kéo dài được lâu, bởi cô không tài nào thoát khỏi cái bóng đổ rộng lớn của giai cấp thượng lưu. Không rõ là từ ai, nhưng luôn có những thế lực giấu tên theo đuổi Miên Tú, có vẻ họ chỉ chực chờ để dẫm nát niềm hạnh phúc bé nhỏ - chỉ vừa được nảy mầm cách đây không lâu - của cô. Lâu dần, trong Miên Tú le lói một ý nghĩ, phải chăng, mình sẽ cứ vất va vất vưởng như thế này, phải nay đây mai đó suốt cả nửa đời còn lại mà không tìm được một nơi dừng chân, hay một niềm hạnh phúc nào, dù là nhỏ nhoi?!

*

Trần Kha bước ra khỏi thang máy với bộ đồ Âu tối màu, lịch lãm, tay mang chiếc cặp màu da bò - màu sắc lạ lùng, khác hẳn với màu sắc phổ thông vốn có của các sản phẩm da dành cho doanh nhân hay những người làm việc tại văn phòng, tay còn lại là ly cà phê đang lấm tấm những hạt nước nhỏ li ti từ luồng hơi tụ lại trên thành ly đục màu in thương hiệu của cửa hàng cà phê ở tầng trệt tòa nhà. Trần Kha đảo mắt quanh một vòng, tác phong làm việc của nhân viên vẫn không theo đúng yêu cầu mà cô đưa ra. Trần Kha luôn là người có mặt ở công ty sớm nhất, hôm nay cũng chẳng phải ngoại lệ. Cô chán nản bước vào phòng làm việc của mình, tự hỏi, đến sớm hoặc thậm chí chỉ cần đến đúng giờ có quá khó không?

Căn phòng nhỏ nhưng được bài trí khá gọn gàng và đơn giản; chính giữa là bàn làm việc với hình chữ L, phần dài hơn đặt máy tính và những vật dụng cần thiết, phần còn lại để khay hồ sơ và là nơi Trần Kha đặt chiếc cặp màu da bò nổi bật của mình. Sát tường, bên trái là kệ hồ sơ bốn tầng. Các tệp hồ sơ được phân loại rõ ràng, chi tiết theo số thứ tự, tháng, năm in ngay hàng, thẳng lối và được dán một cách đồng đều trên gáy. Bên phải là kệ sách, đầy ắp những cuốn sách chuyên ngành khô khan - Luật học - ở ba ngăn trên, ngăn cuối cùng được tô điểm bằng vài cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại ngôn tình sướt mướt mà cô trợ lý chèn vào cho kệ sách của sếp đỡ nhàm chán. Đặt ly cà phê xuống bàn, Trần Kha đưa ngón tay quệt một vệt dài lên mặt bàn. Mặt bàn sạch sẽ, không vương bất kỳ hạt bụi nào. Tỏ vẻ hài lòng, Trần Kha ngồi xuống ghế.

Tiếng gõ cửa vang lên và không chờ Trần Kha lên tiếng, người bên ngoài vặn nắm cửa, mở ra, nhanh chóng bước vào phòng. Là Vĩnh Tiêu - sếp của Trần Kha, chuyện ấy dễ đoán quá, bởi trong công ty này, có ai dám tự ý vào phòng mà không chờ sự đồng ý của Trần Kha. Trần Kha không quá khó tính, nhưng đủ bản lĩnh, đủ uy quyền để tất cả mọi người phải kính nể chứ không chỉ dừng ở sự sợ hãi hay dè chừng. Trong công việc, Trần Kha luôn đòi hỏi đủ cao, đủ khắt khe ở nhân viên để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong giao tiếp, Trần Kha luôn giữ khoảng cách đủ để không nhân viên nào lầm tưởng rằng mình có thể đứng ngang hàng với sếp. Điều này khiến người khác khá e dè khi tiếp xúc với Trần Kha, nhưng với cô, đó là điều tốt. Việc tìm hiểu và giao lưu với nhân viên không quá khó khăn khi có Nhã Nhu - cô trợ lý hiểu chuyện và giỏi việc.

Vĩnh Tiêu kéo ghế ngồi xuống trước mặt Trần Kha; việc đoán ý anh, cũng không mấy khó khăn với cô. Trần Kha đã làm việc ở đây khá lâu và luôn lấy được lòng tin của sếp qua kết quả của những vụ kiện trong tay cô. Theo sau Vĩnh Tiêu là Nhã Nhu với ly cà phê nóng hổi trên tay, cô bước đến gần và đặt xuống bàn - trước mặt Vĩnh Tiêu. Trần Kha khẽ gật đầu, Nhã Nhu trở ra ngoài và đóng cửa lại.

- Vụ vừa rồi tốn khá nhiều thời gian! - Vĩnh Tiêu hơi cau mày, tỏ vẻ không hài lòng.

- Đối phương nhất định không chịu hòa giải, bên Lâm Thị thì không muốn làm lớn chuyện! Em phải đích thân bay qua đó để xử lý!

- Anh không muốn tình trạng này tiếp diễn!

- Em hiểu rồi! - Trần Kha gật đầu.

Vĩnh Tiêu đứng dậy, bước ra ngoài. Cuộc đối thoại chóng vánh; nhanh đến nỗi, khói trên ly cà phê Nhã Nhu mang vào ban nãy vẫn chưa bay hết; nhanh đến nỗi, đám nhân viên bên ngoài chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết, sếp vụt xuất hiện rồi vụt biến mất như thường lệ; nhanh đến nỗi, chỉ mỗi Trần Kha hiểu, tại sao anh chỉ đến để nói vài câu rồi đi như thế thay vì một cú điện thoại. Vĩnh Tiêu ít khi xuất hiện ở công ty, chỉ giao việc qua điện thoại và email, những việc khác ở văn phòng đều giao cho Trần Kha và một vài luật sư khác xử lý. Trần Kha mỉm cười, lắc đầu trước cái suy nghĩ có phần xấu xa - nhưng đúng về sếp mình - rằng đấy là kẻ chuyên quyền và lạnh lùng đến đáng sợ. Dòng suy nghĩ của cô bị tiếng rung - âm thanh khá quen thuộc của chiếc điện thoại đắt tiền đang nằm chỏng chơ trên bàn - ngắt ngang. Trần Kha không thích sự ồn ào, cũng không chịu được âm thanh quá lớn, nên dù cho chỉ ở một mình, điện thoại cô vẫn không bao giờ thoát khỏi chế độ yên lặng. Trần Kha từ tốn nhìn qua chiếc điện thoại đang rung theo nhịp khá nhẹ nhàng, nhưng đủ để làm cho một người thích yên tĩnh như cô bắt đầu cảm thấy khó chịu. Trần Kha bắt máy, cao giọng.

- Nghe!

Dường như người gọi bên kia đang nói điều gì đó rất buồn cười. Đôi mày rậm của Trần Kha đã giãn hẳn ra, cô phì cười, để lộ chiếc răng khểnh - điểm nhấn lớn và bí ẩn nhất trên gương mặt lạnh lùng của cô, bởi ít ai thấy được Trần Kha cười. Giọng Trần Kha bắt đầu nhẹ nhàng và có phần ngọt ngào hơn ban nãy.

- Nhớ tao thì nói đại đi, còn làm bộ! Rồi! Rồi! Quà cho người đẹp thì lúc nào cũng phải nhớ! Của mày thì không có đâu! Vậy đi!

*

- Ông ta phản ứng thế nào? - Hoàng Phong khoan thai đẩy từng đường dao nhẹ nhàng tạo thành vết cắt trên miếng thịt bò vừa chín tái, từ tốn dùng nĩa đưa miếng thịt, lúc này đã được cắt rời, còn hơi ửng đỏ vào miệng.

- Không mấy hài lòng! Nhưng vẫn phải chấp nhận thôi mà! - Bá Lâm vừa trả lời, vừa đặt tách cà phê xuống.

Có vẻ sự việc đã được Hoàng Phong tiên đoán từ đầu, nên anh tỏ ra khá hả hê khi Bá Lâm báo tin. Hoàng Phong toan tiếp lời thì bên cạnh có một vị khách sơ ý va phải nhân viên phục vụ, đổ ập ly nước lọc trên khay lên người Hoàng Phong. Theo phản xạ tự nhiên, Hoàng Phong đứng phắt dậy, dùng khăn ăn phủi sạch nước trên áo vest, cởi áo ra và khoác vào thành ghế. Khoát tay tỏ ý không vấn đề gì, để người phục vụ có thể rời đi, rồi Hoàng Phong nhanh nhảu xắn tay áo sơ mi lên, để lộ vết sẹo dài khoảng 10 centimet trên bắp tay trái. Cả Hoàng Phong và Bá Lâm đều nhìn vết sẹo, rồi nhìn nhau, cười nhẹ.

Có lẽ, cả hai đều không thể nào quên được. Nhiều năm trước, một lần đi leo núi, Hoàng Phong bất cẩn, gặp nạn, rơi xuống vực, may mắn bám được vào một khoảng chìa ra trên vách núi. Khi đó, bắp tay anh đã bị thương, rách một đường dài - vết hở thịt da để lại vết sẹo lồi trông rất khủng khiếp, mà cho đến tận bây giờ, anh cũng không muốn nối liền lại, xóa mờ đi cho dù anh thừa tiền để làm chuyện đó. Bởi, Hoàng Phong muốn dùng nó để tự nhắc nhở mình, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật sự rất mong manh. Chỉ những ai đã từng đối diện với sự hoang mang, tuyệt vọng khi đối diện với cái chết mới hiểu được rằng, khi thoát khỏi bàn tay Tử thần, bản thân luôn muốn giữ lại một điều gì đó để tự nhắc nhở bản thân, phải trân quý hiện tại, và biết ơn con người đã giúp cho cái hiện tại này được tiếp diễn.

Khi ấy, Hoàng Phong thật sự đã nghĩ, đời mình, đến đây là hết. Vết thương rách toạc mỗi lúc một đau đớn hơn, khi biết mình không còn đủ sức để bấu víu vào vách đá - niềm hy vọng cuối cùng - thì cũng thừa tỉnh táo để hiểu rằng, anh sẽ không còn ngày mai, không còn tuổi trẻ hoang dại, không còn cơ hội thể hiện bản thân, không còn gia đình, không còn gì nữa cả… Tuyệt vọng, dùng chút sức lực cuối cùng còn sót lại, Hoàng Phong kêu cứu. Rồi, Bá Lâm xuất hiện, cứu anh khỏi hiểm nguy. Tình bạn này, cũng từ đó mà bắt đầu. Sự sòng phẳng trong tính cách Hoàng Phong thể hiện rất rõ ràng, người nào cho anh một, anh sẽ trả lại một. Nên, ơn cứu mạng của Bá Lâm, anh tự nhủ lòng, nhất định sẽ đền đáp.

*

“Cốc, cốc” - tiếng gõ cửa không làm Bạch Quân phân tâm, ông vẫn đang tập trung vào tệp hồ sơ mở sẵn trên bàn. Sau một lúc chờ đợi, hai cánh cửa phòng cùng lúc mở ra, một người đàn ông đứng tuổi bước vào. Gương mặt phúc hậu. Bộ quần áo Tàu đen tuyền, cùng với phong thái điềm tĩnh, nghiêm trang càng làm cho thân thế của ông trở nên bí ẩn theo một kiểu hết sức xưa cũ - kiểu mà người ta vẫn thường gọi những người ở bên cạnh vua, chúa thời xưa, dù không được giao phó nhiệm vụ rõ ràng, nhưng luôn được biết đến với cái chức danh “thân tín”. Chắc lẽ, Chu Đình ở bên cạnh chủ nhân của mình đủ lâu, để hiểu được rằng trạng thái hiện tại của Bạch Quân là trạng thái không phù hợp để báo tin không vui, dẫu, tin tức ông mang về không hẳn là không vui. Tin tức mang lại một kiểu cảm giác có tính chất linh hoạt theo từng thời điểm. Có lẽ ở thời điểm này, nó là tin xấu, nhưng ở một thời điểm thích hợp khác, nó tốt. Bước đến gần chỗ Bạch Quân, ông báo cáo một câu hết sức ngắn gọn.

- Cô chủ vẫn an toàn!

Bạch Quân gật nhẹ - nhẹ đến nỗi, nếu người đối diện rời mắt khỏi ông, dù chỉ nửa giây cũng sẽ bỏ lỡ. Chu Đình toan hỏi thêm gì đó, nhưng với thái độ của Bạch Quân lúc này, ông nghĩ mình không nên nói thêm điều gì nữa. Cúi chào, Chu Đình quay hẳn ra ngoài, hai cánh cửa chậm rãi khép lại tầm nhìn của Chu Đình về phía người mà ông đã nhiều năm ròng trung thành phò trợ. Lúc này, ông biết, thông tin phù hợp. Dù, với Bạch Quân, việc Miên Tú an toàn là đồng nghĩa với việc ông phải sẵn sàng chấp nhận việc công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng; nhưng đâu đó trong sâu thẳm trái tim của người cha, điều này vẫn là một niềm hy vọng. Với Chu Đình, việc Miên Tú an toàn, lúc này, hay bất kể thời điểm nào, đều là tin tốt.

Chu Đình rời khỏi phòng, đi dọc hành lang, bên ngoài là thành lan can với đường tay vịn bằng gỗ kéo dọc theo chiều dài hành lang và kéo vòng xuống theo chiều dài của cầu thang với những bậc thang bằng đá, chênh nhau một khoảng đủ rộng để tạo thành một vòng hơi cong, uốn cân đối từ tầng trên xuống mặt đất; những thanh kim loại mỏng cong, tạo hình xoắn đơn giản theo trường phái cổ điển được lắp ghép một cách tinh tế làm tôn thêm sự sang trọng vốn có của ngôi nhà - nơi cha Bạch Quân, một nhà hiền triết của thế kỷ trước đã đặt rất nhiều tâm tư vào.

Ngôi nhà lớn, được trang hoàng bằng nhiều nội thất mang đậm nét cổ điển phương Đông. Từ trong cách bài trí, có thể thấy chủ nhân của nó đã tốn rất nhiều công sức. Nếu mô tả sơ qua từ cái nhìn của một người nghiên cứu phong thủy, thì từ việc chọn lựa, cho đến áp dụng các thuật toán đều nhằm phù hợp với số mệnh của bản thân, của con, của cháu - cốt chỉ để gia đạo bình an. Điều này có nghĩa, vị chủ nhân ấy tuyệt không hề nhắm đến tiền tài, danh vọng. Mà điều đó hoàn toàn bất thường với một truyền nhân thuật phong thủy, nên không tránh khỏi việc Bạch Quân phải tự hỏi, tại sao cha mình lại làm những điều vô ích như vậy?! Vì rõ ràng, cha ông hoàn toàn có thể lựa chọn cách sắp đặt để tiện được mọi bề, hà cớ gì cứ chăm bẵm vào duy nhất một thứ? Tiền tài, danh vọng cũng quan trọng mà? Gia đình này, nếu không có những thứ ấy thì chắc gì đã tốt đẹp được đâu?... Một người thuần chất kinh doanh như Bạch Quân có lẽ sẽ không hiểu được suy nghĩ của người uyên thâm, luôn mang tư tưởng muốn vun đắp một cuộc sống an yên, giúp người, giúp đời như cha mình. Với Bạch Quân, tất cả mọi thứ phải được đong, đếm bằng con số, lợi nhuận, và tất cả mọi thứ đều phải được sử dụng đúng giá trị của nó, không ngoại trừ thứ gì, không ngoại trừ ai - kể cả đó có là con ruột của mình đi nữa.

Chu Đình bước xuống bậc thang cuối cùng, bàn chân chạm xuống sàn nhà bóng loáng, dợm bước về phía cửa chính. Ông dừng lại, nhìn về phía phòng khách, nơi vừa phát ra âm thanh “cạch” nhỏ xíu của ly tách chạm vào nhau. Một giọng nữ - chất giọng cao, thanh, nhưng không mang nhiều thiện ý vang lên.

- Con bé thế nào?!

Tuyết Hà vẫn chăm chú vào quyển sách trên tay, tuyệt không nhìn về phía Chu Đình, hỏi trỏng một câu, mà Tuyết Hà biết rằng chắc chắn chỉ Chu Đình mới có thể cho mình đáp án - dù không chắc ông ấy có cho bà đáp án mong muốn hay không.

- Tôi không hiểu ý bà, thưa bà! - Chu Đình tỏ vẻ dò xét.

Tuyết Hà gập mạnh quyển sách lại - thái độ hằn học quen thuộc như mọi khi. Chu Đình không thường xuất hiện, nhưng dường như mỗi lần xuất hiện, là mỗi lần ông gieo vào Tuyết Hà một sự chua chát không cần thiết, đến độ gần hai mươi năm qua, bà luôn tự hỏi tại sao bà lại phải chịu đựng nó từ một người không phải quản gia, không phải gia nhân, cũng không phải bạn… chỉ là, một người hết sức đặc biệt, nghiệt ngã thay, sự đặc biệt ấy cũng chả phải của bà, mà là của chồng bà. Ngay cả Tuyết Hà cũng không hiểu được vai trò của Chu Đình trong gia đình này là gì. Tuyết Hà chỉ có thể khẳng định một điều, yêu cầu của Bạch Quân, với Chu Đình là mệnh lệnh - thứ mà, có chết, Chu Đình cũng phải hoàn thành.

Và với Bạch Quân, không ai có thể thay thế Chu Đình, không ai được manh nha ý định loại trừ ông, cho dù đó là ai đi nữa. Bởi, có đôi lần - một vài lần hiếm hoi trong những lần Tuyết Hà ngủ cùng chồng khi vừa về làm mẹ kế của Miên Tú, làm bà chủ của gia đình, rót vào tai chồng những điều tưởng chừng như bất cứ người đàn ông nào cũng sẽ ậm ừ, dù là cho qua chuyện, để tận hưởng cảm giác sau hoan lạc thì phản ứng của Bạch Quân khiến Tuyết Hà sững sờ - bật dậy, trừng mắt và gằn duy nhất một từ “không”, đơn giản vì những từ ban nãy của bà động đến cái tên Chu Đình. Cho đến tận bây giờ, Tuyết Hà cũng chỉ biết, giữa hai người họ, có mối liên kết không ai hiểu, mà thực ra, Tuyết Hà cũng không cần hiểu, bà chỉ cần Chu Đình tôn trọng bà theo cái cách mà tất cả mọi người trong ngôi nhà này đều tôn trọng với danh xưng “bà chủ”.

- Nếu không có việc gì nữa, tôi xin phép, thưa bà!

Chu Đình có vẻ không mấy quan tâm đến thái độ của Tuyết Hà, có phần ý nhị, ông lùi một bước, rồi quay hẳn ra phía cửa chính, nơi có hai cánh cửa gỗ được chạm khắc tinh tế những lớp hoa văn đối xứng, chia mỗi cánh cửa thành hai phần trên dưới rõ rệt. Sải bước nhanh hơn, dài hơn, Chu Đình biến mất khỏi nơi này trong im lặng; bỏ mặc Tuyết Hà với sự hậm hực của mình.

*

- Xin lỗi anh! - Viên quản lý khúm núm đi ra cùng cậu nhân viên làm đổ nước ban nãy.

Hoàng Phong cau mày, có vẻ khó chịu khi câu chuyện của mình bị ngắt ngang, định lên tiếng, nhưng Bá Lâm đã nhanh chóng cướp lời.

- Không sao đâu, anh trở vào làm việc đi!

Viên quản lý cùng nhân viên nọ rối rít cảm ơn rồi trở vào trong làm việc. Hoàng Phong khó chịu thật sự. Với anh, việc sơ ý đã được bỏ qua, thì đừng ai dẫn thêm ai ra làm phiền, nhất là khi đang trong giai đoạn bàn công việc. Bá Lâm mặc kệ thái độ của bạn, tựa vào thành ghế, lật tệp hồ sơ, xem chăm chú.

- Mày suốt ngày đòi trả ơn tao còn gì, coi như lãi đi!

Hoàng Phong thở ra, như kiểu đã quá quen với câu nói này của bạn thân. Luôn biết ơn, cảm kích bạn, nhưng chưa bao giờ Hoàng Phong hiểu được, vì sao Bá Lâm lại có thể đứng ra bảo vệ một người không quen không biết như thế. Đương nhiên không phải một lần, mà đã quá nhiều lần cho cái gọi là “lãi” này. Hoàng Phong cũng không còn khó chịu như lần đầu anh phải trả lãi cho bạn. Hốt nhiên, anh nhận ra, mình cũng không còn phản ứng thái quá như cái lần đầu tiên ấy. Anh nhận ra, mình điềm đạm, nhẹ nhàng hơn, và cả suy nghĩ cũng bao dung hơn rồi. Có vẻ như sức ảnh hưởng của Bá Lâm đủ lớn, đủ mạnh mẽ để dần dần thay đổi một con người. Tình bạn không phải chuyện nợ nần, mà là chuyện nợ duyên - một cái duyên đẹp đến kỳ diệu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui