Sáng hôm sau Như tỉnh dậy, hai mắt sưng húp lên vì khóc cả đêm. Nó chán nản chẳng buồn soi gương, chỉ rửa mặt, chải đầu qua quýt rồi đeo cặp đi học.
Không biết ở trường xảy ra chuyện gì mà buổi trưa về quần áo nó lấm lem bẩn hơn cả đi làm ruộng, mắt đỏ hoe, đầu tóc bù rối. Ông bà nội nhìn nó, rơm rớm nước mắt. Bà lấy cái lược chải lại tóc cho nó, hỏi:
-Đứa nào bắt nạt cháu? Bà đến tận nhà nói cả bố mẹ chúng nó.
Như lắc đầu, cầm cây lược từ tay bà tự chải đầu, đáp với giọng khàn khàn như không có hơi:
- Thôi bà ạ.
Chuyện này không phải hiếm. Một tuần sáu ngày đi học thì hết bốn ngày Như bị bắt nạt. Nó chẳng còn để tâm làm gì nữa. Nhưng cứ thế này thì Như trầm cảm mất thôi. Ông bà nội thương nó quá, bàn nhau bán cả ruộng vườn dành dụm tiền, đợi đến khi nó học xong lớp sáu sẽ dọn nhà đến nơi khác sinh sống. Chứ nếu ở đây mãi, ông bà không thể chịu nổi nhìn Như suốt ngày ủ rũ như vậy.
Sau ngày tổng kết năm học hai tuần, gia đình Như chuyển nhà. Chẳng cần tạm biệt bạn bè, hàng xóm gì cả, vùng này có ai ưa nhà nó đâu. Nơi ở mới là một căn nhà nhỏ cũ kĩ trong một xóm nghèo ven sông. Bà Như lo chăm mảnh vườn sau nhà, ông Như theo người trong làng đi đánh cá trên sông. Bây giờ đang là thời gian nghỉ hè, Như chưa cần đi học nên ở nhà phụ giúp bà việc nhà. Cũng đã một tháng trôi qua, những người trong xóm đều đã quen mặt Như. Ai cũng quý cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn lại hay giúp đỡ mọi người này. Ở đây, không ai biết hoàn cảnh của Như. Vì vậy, lũ trẻ chẳng hề xa lánh nó. Nó có bạn bè, được chơi đùa vui vẻ, không còn phải thui thủi một mình như trước nữa.
Hôm nay là ngày chợ phiên, như thường lệ bà Như sẽ đem rau ra chợ bán. Chợ này là chợ chung của cả xã, các xóm lân cận cũng sẽ đến đây tụ họp buôn bán rất đông vui. Như hào hứng xin bà cho đi theo. Trước kia Như cũng thường cùng bà đi chợ, thậm chí có hôm nó không muốn bà vẫn kéo nó đi cùng cho vui. Thế nhưng lần này bà lại dứt khoát không đồng ý.
- Cháu ở nhà đi. Không đi đâu cả.
Như cố nài nỉ, bà liền quát:
- Thôi đi! Mười mấy tuổi đầu rồi chứ trẻ con gì nữa hả? Ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa đi!
Nói xong bà đi luôn, dáng điệu vô cùng bực tức. Như ngơ ngác nhìn theo bà, thắc mắc không hiểu tại sao bà lại cáu với mình. “Cũng chỉ là đi chợ thôi mà.” – Như thầm nghĩ. Tuy hơi khó chịu nhưng nó không giận bà, nó biết bà không cho nó đi chắc chắn có lí do riêng. Nó nhanh nhẹn quét nhà, quét sân, xách nước tưới rau, vừa làm vừa khe khẽ hát rất vui vẻ. Chợt nó nghe có tiếng huyên náo ngoài ngõ, hình như bọn trẻ đang chơi trò gì đó vui lắm. Như tò mò chạy ra xem.
Một bọn con trai tầm năm, sáu đứa, tuổi xấp xỉ chín, mười đang xúm lại đánh một đứa khác. Chúng thi nhau vừa đánh vừa chửi mắng:
- Cho mày chết này! Dám sang xóm tao gây sự! Cho mày chết! Đáng đời!
Như thấy thế vô cùng hoảng hốt, vội vã chạy lại can ngăn. Nó gạt lũ trẻ ra, liên tục kêu:
- Thôi nào, thôi! Sao lại đánh nó? Thôi! Dừng lại!
Lũ trẻ đều nghe lời Như, không đánh nữa, nhưng mặt vẫn hằm hằm nhìn đứa con trai bị đánh co rúm trên mặt đất. Một thằng trong bọn nói với Như:
- Thằng này ở xóm khác chị Như ạ. Nó sang xóm mình ăn cắp đấy. Bọn em bảo nó về nó không nghe nên bọn em mới đánh nó.
Như ngó đứa trẻ đang lồm cồm bò dậy, quần áo toàn bụi đất, mặt mũi bầm tím xen những vệt đất nâu sậm dính bết vì nước mắt. Nó khúm núm đứng lên, mắt nhìn Như cầu khẩn. Ánh mắt trong sáng và lương thiện khôn tả. Như không cách nào tin được một đứa như thế lại ăn cắp.
- Sao em biết nó ăn cắp? – Như hỏi – Em bắt được à?
- Không. – Thằng nhóc hồn nhiên đáp – Chị mới đến chị không biết chứ, bố nó là ăn cắp, bị bắt đi tù. Bố em bảo cha nào con nấy, nó cũng là ăn cắp, phải tránh xa nó. Cả xã này ai chả biết thằng Phong ăn cắp.
Trái tim Như hẫng một nhịp. Nó nhớ lại những ngày còn ở làng cũ, chỉ vì mẹ nó làm đĩ mà nó bị ăn hiếp, bị bắt nạt không ai bênh vực. Đứa con trai tên Phong đứng kia cũng giống Như khi ấy, gương mặt trẻ con nhòe nhoẹt nước, bộ dạng sợ sệt tủi nhục thật đáng thương. Như phải cố ngăn không để mình khóc trước mặt bọn trẻ con, nén xuống một cái gì nghẹn ở cổ, nó nói với giọng lạc hẳn đi:
- Nó chưa làm gì thì em tha cho nó đi. Đừng đánh nó mà tội.
Cả bọn gật đầu, lườm Phong rồi quay đi, còn nói lại:
- Mày liệu mà cút đi. À chị Như, khéo không bị nó lấy đồ đấy.
Chờ chúng đi hết, Như mới đến gần Phong, bàn tay búp măng trắng trẻo lau nước mắt và những vết bẩn trên mặt cho cậu. Cậu đứng thấp hơn Như hẳn một cái đầu, nghĩ chắc cậu ít tuổi hơn nó, Như hỏi:
- Em sao không?