Từ không trung nhìn xuống, địa thế nơi này với chân núi trải dài liên miên ra hai bên, lưng núi ở chính giữa cao ngất, tựa như một cánh chim loan đang giương cánh bay lượn, nên mới có tên gọi như thế.
Loan Đạo, bắt đầu từ chỗ “đầu chim” kéo dài ra phương Bắc là một con đường thông tự nhiên dài tới mấy chục dặm.
Trước đây, nơi Tả Xương Vương từng đóng giữ là một tòa phương bảo ngay vị trí “đầu chim”, tường thành được xây dựa lưng vào núi, có cửa có ngõ, trấn giữ Nam Bắc.
Phía đối diện, binh Địch với số lượng lớn nhanh chóng không ngừng ào tới, song lại bị ngăn cản ở đầu Loan Đạo.
Người ngựa càng tụ càng nhiều.
Ngựa hí cuồng, binh Địch giận mắng, bụi đất tung bay mờ mắt, tiếng giết rung trời.
Đối lập rõ ràng với cảnh tượng đó, tướng sĩ quân Ngụy sau lỗ châu mai ban đầu tập trung bất động, mãi đến khi quân địch dần dần tiến vào tầm bắn cung, viên quan chỉ lệnh phát lệnh đột ngột, tiễn trận cùng phát, vút vút bắn đến đối diện, vượt qua rào cản tấm chắn của mấy hàng quân Địch trước nhất, không chịu nổi trận mưa tên dày đặc, chúng thử phóng ra mấy lần xông tới, người ngã ngựa đổ, bị ép lui lại, mà tiếng mắng chửi càng sâu.
Một lá Vương kỳ hoa lệ cao tới mấy trượng cực kỳ dễ thấy từ sau cuốn tới.
Dưới cờ, Sí Thư xuất hiện giữa đám kỵ binh mặc giáp chen chúc.
Mặt gã lộ vẻ giận dữ, nghiêm nghị quát: “Khương Hàm Nguyên, kẻ chủ mưu ám sát ta hôm tế thiên quả nhiên là ngươi! Ả đàn bà quỷ kế đa đoan! Nếu thật sự có bản lãnh, thì ra đây! Đánh! Ta cho ngươi biết, đừng tưởng cứ dựa vào chỗ này là có thể chiến thắng! Mau mau đầu hàng, thì may ra ngươi còn đường sống, nếu không, đến lúc phá trận rồi thì chớ trách ta không cho ngươi cơ hội!”
Khương Hàm Nguyên lạnh lùng nhìn khuôn mặt gã cuồng nộ, lù lù bất động.
Tiếng mắng chửi và giáp kỵ của quân địch theo gã cùng đến, nhanh chóng biến thành tiếng gào thét cuồng nhiệt.
Vô số binh Địch giơ mã đao trong tay, cùng hò hét: “Giết chết người Ngụy! Giết chết người Ngụy!” Tiếng gào như sấm, ập tới trận địa đối diện, chui vào trong tai mỗi người.
Khương Hàm Nguyên quay sang Thôi Lâu đứng bên cạnh, khẽ gật đầu.
Thôi Lâu giương cung, phát một mũi tên về phía đối diện.
Mũi tên xé gió, ôm theo tiếng rít trầm thấp mà bén nhọn, bắn thẳng đến Sí Thư.
Mười mấy thân vệ lập tức nâng bia, khép quanh người gã, định lập thành bức tường chắn bảo vệ gã phía sau.
Sí Thư hét lớn tránh ra, người không những không lùi mà ngược lại còn ruổi ngựa ra phía trước, rút mã đao gác trước người, đợi kình tiễn đang phóng đến mình.
Không ngờ mục tiêu của mũi tên cũng không phải là gã.
“Vút”, nó vượt qua tên không trung cách đỉnh đầu gã mấy thước, xuyên thủng cột cắm Vương kỳ phía sau gã.
Cột cờ kẽo kèn kẹt rồi gãy.
Cùng với lá Vương kỳ từ không trung chao đảo rơi xuống, tiếng trống reo hò của Địch doanh dần biến mất, còn quân Ngụy đột nhiên ầm vang tiếng ủng hộ.
m thanh ấy từng cơn tiếp từng cơn, cơn sau cao hơn trước, rồi, như sóng lớn miên man trong biển rộng, với thế không thể ngăn chặn, chèn ép hoàn toàn âm thanh từ đối diện.
Ánh mắt Khương Hàm Nguyên vượt qua địch thủ, nhìn đám binh Địch cầm đao như rừng đầy khắp núi đồi, từ tốn nắm chặt trường thương trong tay, cảm thụ sát khí mãnh liệt như đang rung động ầm ầm muốn hóa rồng bay lên trời của nó.
Cô biết, lại có một trận chém giết đến.
Máu trong người cô đang chậm rãi sôi trào, trong lồng ngực cô như có đống lửa thiêu đốt.
Cô đã chuẩn bị sẵn sàng.
Chờ đợi, chính là thời khắc này.
Nửa tháng sau, Trường An thu được chiến báo liên quan tới trận chiến ở Loan Đạo.
Bắc Hoàng Sí Thư ngự giá thân chinh, dẫn tinh binh mạnh mẽ tấn công mấy ngày, lại không tiến lên được nửa bước.
Cùng lúc đó, Triệu Phác lĩnh quân tiến vào U Châu, Chu Khánh và tướng sĩ tám Bộ chờ đã lâu nhận được chỉ lệnh, vượt qua sông Lộ.
Hai tuyến đại quân từ hai hướng Đông Tây đồng thời tiến công quận Yến.
Sau khi Sí Thư rời quận Yến, ở đấy được Khâm Long mãnh tướng đệ nhất Bắc Địch trấn giữ.
Binh Địch còn lại dưới tay gã ở quận Yến quận bấy giờ, cộng thêm số lượng mà Tấn đế xuất ra, xem như cục diện tạm thời ngang hàng.
Cuộc đại chiến toàn diện vậy là bộc phát.
Đây cũng là thời điểm mấu chốt quyết định kết quả cuối cùng của cuộc chiến.
Từ cái ngày Nhiếp Chính Vương chém chết Cao Chúc trên triều, toàn bộ triều đình đã hoàn toàn yên tĩnh trở lại.
Ngoại trừ trường hợp cần thiết, đa số quãng thời gian còn lại Thiếu đế cực kỳ hiếm khi lộ diện, bình thường càng không nghe bất kỳ tiếng động gì từ ngài.
Toàn bộ triều chính là từ một tay Nhiếp Chính Vương một tay điều khiển.
Nghe nói, Thiếu đế là bị Nhiếp Chính Vương giam lỏng.
Hoàng đế còn vậy, huống chi hạ thần.
Chớ nói ai khác, đến Phương Thanh, cũng thấy dần dần không hiểu thấu Nhiếp Chính Vương.
Lúc băng đảng Cao Chúc còn gây sóng gió, chửi bới ngài có ý đồ dùng chiến nuôi công, mưu đồ làm loạn, Phương Thanh chỉ thấy hoang đường.
Ông kiên quyết nhận định, Nhiếp Chính Vương không phải là người như vậy.
Nhưng tình trạng giờ đây lại xấu đến bực này: Triều đình như trở thành một cõi của Nhiếp Chính Vương, bản thân ngài ấy hình như cũng hoàn toàn không định che giấu.
Trong khi đó, có lẽ Thiếu đế bị hành động chém chết trọng thần của triều đình của ngài ấy hù đến sợ mà tinh thần sa sút, trên người không còn nhuệ khí và sắc sảo của bậc Quân Vương thiếu niên đương có.
Tất thảy ông đều nhìn rõ ràng.
Ông lo lắng không thôi, nên trước hết tự mình tìm đến Hiền Vương thăm dò ý của ngài về chuyện này.
Song Hiền Vương chỉ dùng im lặng đáp lại.
Sau đó ông cũng không thể không mở miệng trước mặt Nhiếp Chính Vương, uyển chuyển nhắc nhở hậu quả xấu nếu ngài còn tiếp tục.
Với sáng suốt của Nhiếp Chính Vương, không thể nào không nghe ra khuyên nhủ.
Nhưng ngài lại cứ tỉnh bơ như không, nghe xong chỉ cười trừ.
Đến tận đây, Phương Thanh không thể không bắt đầu hoài nghi, phải chăng Nhiếp Chính Vương có mưu đồ khác.
Đợi chiến sự phương Bắc thắng lợi rồi, việc thay thế ngôi vị Thiếu đế cũng chỉ là một vấn đề sớm hay muộn.
Thế là ông cũng trở nên trầm tư.
Trong triều đình không còn nửa câu tạp âm.
Đề cập đến chiến sự chỉ bảo tất thắng.
Đề cập đến nữ soái, chỉ thổi phồng công lao, không có ngoại lệ.
Tình huống cứ thế kéo dài từ dạo đấy, đến khi được tin nước Tấn thành lập lại, ngoài chuyện phê phán bên ngoài, còn một luồng tai tiếng khác cũng bắt đầu lan truyền nhanh chóng.
Là lời đồn nhảm bịa đặt.
Không biết bắt đầu từ đâu, có tin đồn rằng đương kim nữ soái Đại Ngụy, Nhiếp Chính Vương phi Khương Hàm Nguyên và dư nghiệt Hoàng Phủ Dung của Tấn thất có dan díu không rõ, quan hệ giữa hai người không hề sơ sài, rằng lúc hắn ta còn là Vô Sinh, quay về từ chuyến Tây du, mấy năm biến mất kia vốn dừng chân ở thành Vân Lạc, còn Khương Hàm Nguyên biết rõ thân phận hắn mà giấu giếm không báo, không chỉ thế, còn thu hắn làm trai lơ.
Việc này, Vân Lạc ai ai cũng biết.
Nay Vô Sinh hoàn tục, đầu quân vào vào Bắc Địch lập lại cố quốc, mượn danh vọng xưa kia của hắn mê hoặc người Tấn phương Bắc, là kẻ địch của Đại Ngụy.
Chưa nói đến mối e ngại rằng nàng ta có vì tư tình mà thông đồng với địch hay chăng, chỉ riêng chuyện này nếu truy cứu tới, nàng ta phải chịu tội không nhẹ.
Dĩ nhiên, trong triều, dưới áp lực nặng nề, không ai dám can đảm hé ra nửa câu, ngoài mặt vẫn tĩnh lặng như trước.
Còn tại dân gian, tin tức lại lan truyền đến rồ.
Người đời không thiếu kẻ thiện lương và chính nghĩa, song cũng không tránh khỏi đám ngu muội, nghe gió thành mưa, luôn bảo sao hay vậy, tin đồn cứ hết lần này đến lần khác cuốn vào, vòng đi vòng lại không biết mệt.
Bấy giờ không những ở phong nguyệt nam nữ còn là chuyện phiếm nhân lúc vui vẻ mà say sưa mà còn liên quan đến mấy nhân vật có thân phận bực đó.
Trong tích tắc dư luận xôn xao, càng về sau tin đồn càng thêm mắm thêm muối đến khó nghe.
Dĩ nhiên Lan Thái hậu cũng đã sớm nghe thấy, cuối cùng cũng thu được tí an ủi sau một thời gian dài bị u ám tuyệt vọng đè đầu.
Bà ta cũng biết, Cao Chúc vừa chết, Lan Vinh chỉ có thể giữ mình, bức di chỉ trong tay con trai cũng xem như bằng không.
Với mức khống chế triều đình trong tay của Thúc Thận Huy hiện giờ, tin đồn có ác liệt thế nào đi nữa, e là trong phút chốc cũng khó thay đổi tình thế.
Nhưng mà, dù thế nào, xem như cũng có thể trút cơn giận.
Không chỉ thế, chuyện tình trăng gió của Khương Hàm Nguyên và dư nghiệt Tấn thất giờ đây thế nhân đều biết.
Kệ cho Thúc Thận Huy ngoài mặt có mây trôi nước chảy thế nào, tình thế này chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa hắn ta và Khương Hàm Nguyên.
Chỉ cần hai người đó bất hòa thì với con mình đều là chuyện tốt.
Bà ta chỉ ước gì tai tiếng đó không thể càng lớn càng tốt.
Hôm đó Lý Thái phi sau khi ngất xỉu tỉnh lại, bán thân bất toại, thái y chẩn bệnh đã trúng cơn gió dữ, hiện giờ từ từ có chỗ khôi phục song vẫn hành động bất tiện, nói chuyện ú ớ.
Bà ta là nhân chứng duy nhất trong di chỉ của Minh Đế, Lan Thái hậu hy vọng tương lai sẽ có ngày bà có thể ra mặt làm chứng lần nữa nên đích thân chăm sóc tận tâm.
Buổi chiều tỉnh giấc, đang định sang cung Đôn Ý thăm viếng thì nghe tiếng cung nhân truyền báo, Hoàng đế tới.
Bà thầm vui mừng, định ra đón thì cậu con đã sải bước vào, cho người lui, mở miệng hỏi luôn: “Tin đồn về tướng quân Trường Ninh và hoàng tử Tấn thất, phải chăng là do mẫu hậu làm?”
Lan Thái hậu đối diện ánh mắt con trai, nghe mùi chất vấn trong lời cậu, sửng sốt, lập tức cuống quýt kêu oan, luôn miệng phủ nhận, “Kẻ kia chuyện gì cũng làm ra được! Khắp cung đều là tai mắt của hắn.
Mẫu hậu sợ chọc hắn sinh nghi gây bất lợi cho con, đến cả chỗ của con cũng không dám đến gần một bước, miễn khiến hắn nghĩ là con và cậu con đang âm thầm thông đồng.” Tự rũ sạch xong, lại vội giải thích giúp Lan Vinh: “Cũng tuyệt đối không phải là cậu con đâu! Mẫu hậu dám đem tính mạng ra đảm bảo! Ông ấy một lòng vì con, hiện giờ chịu nhục, chỉ mong tự vệ trước đã, huống chi cho đến giờ ông ấy còn chưa khỏe hẳn trong người!”
Nói xong, thấy con nhìn mình không lên tiếng, một cơn thương cảm từ trong lòng tuôn ra, không kìm được than thở: “Tiển Nhi à, mẫu hậu thật không hiểu… lẽ nào đối với chúng ta, việc này không phải là chuyện tốt hay sao? Đến Cao Chúc hắn còn giết, sau này sẽ đối phó con thế nào, có thể nghĩ! Sao mẫu hậu lại thấy con giống như còn lên tiếng giúp cô con gái họ Khương kia thế? Tiển Nhi đừng quên, cô ta là người bên cạnh kẻ kia…”
Thúc Tiển không đợi Lan Thái hậu nói xong, quay đi.
Cậu bước trên con đường trong cung, chẳng có mục đích, ngơ ngẩn.
Hôm đó kinh biến triều đình qua đi, có lẽ tất cả đều nói mình đã bị thúc ấy dọa sợ.
Có lẽ đúng là vậy.
Cứ như một thanh chùy nặng nề từ trời rơi xuống, trong nháy mắt nện tất thảy vỡ nát.
Cả người cậu chìm vào trong cơn chán nản uể oải cực lớn.
Cậu cũng nghĩ không ra, lời cuối mà người ấy nói, rằng đến cuối cùng sẽ cho cậu một sự giao phó hài lòng, đến cùng ám chỉ chuyện gì.
Sau hôm đó, cậu chẳng muốn nghĩ đến thứ gì, chẳng muốn làm gì.
Càng không muốn nhìn thấy bất kì khuôn mặt kẻ nào, gồm cả người kia.
Tâm tình như ngọn sóng bị hóa cứng.
Dù sao thì mọi chuyện ngoài dự kiến, kể cả bất lợi của chiến sự phương Bắc thì người kia cũng tự có thể xử trí.
Cứ thế, cậu cứ ngây ngây ngẩn ngẩn như chẳng đếm xỉa đến, mãi đến gần đây nghe được tin đồn đại này.
Nó khiến cậu cảm nhận được cơn phẫn nộ cực lớn từ rất lâu.
Nửa điểm cậu cũng không tin câu chuyện đang đồn đãi ngoài kia liên quan đến thím và tay hoàng tử nước Tấn.
Không hề nghi ngờ, là bịa đặt.
Đến giờ, cậu vẫn còn nhớ cảnh tượng trong vườn mai phủ Hiền Vương lúc mới quen biết thím ấy không lâu.
Khi đó cậu vô tình ngửi thấy hơi thở tỏa ra từ người thím ấy.
Ấy là hương vị thế nào nhỉ? Rất khó hình dung.
Không phải mùi son phấn, mà giống như hương cỏ xanh ngào ngạt tỏa ra dưới ánh mặt trời.
Cậu chưa từng ngửi qua một hương vị đơn giản mà khiến tinh thần sảng khoái đến vậy, nên đã khắc thật sâu vào ký ức, chưa từng quên.
Người như thím, cũng như hương vị cậu khó quên kia, không cho phép bất kì nhơ bẩn nào khinh nhờn.
Cậu không thể nào dễ dàng tha thứ, khi mà đương lúc thím ấy giết địch nơi phương Bắc, ở Trường An, kẻ vô tri lại rải lời đồn khắp, hủy đi danh dự của thím.
Thúc Tiển không biết mình đã bước vào Văn Lâm Các thế nào.
Đến khi giật mình tỉnh lại, cậu phát hiện đôi chân mình đã dừng ở bên ngoài.
Đây là lần đầu tiên sau ngày triều biến, cậu đến đây.
Một tiểu hầu bên ngoài có lẽ không ngờ đột nhiên cậu xuất hiện, vội rối rít cúi lạy, định chạy vào thông báo, bị cậu cản lại, ngay sau đó tiếp tục cất bước.
Cảnh vật nơi đây cậu không thể quen thuộc hơn nữa.
Cửa sổ đón gió, đình mộc u thanh.
Nhưng những kẻ hầu mà trước đây cậu từng quen mặt đều không còn thấy.
Nghe nói là đi Giang Nam.
Cảnh còn người mất, có lẽ là như thế.
Thúc Tiển bước vào, nhìn thấy viên tinh quan trẻ tuổi Lục Thiên Nguyên cũng ở đấy, đang thấp giọng nói chuyện gì đó với y.
Y một thân triều phục, ngồi ngay ngắn sau bàn, cẩn thận lắng nghe.
Vẻ mặt y nghiêm túc mà chuyên chú, dáng người cao quý mà trầm tĩnh.
Thúc Tiển bỗng thấy mình thật lỗ mãng, nhẽ ra không nên xuất hiện.
Lại bi ai nghĩ tiếp, trước mặt người này, dù là mười năm nữa, e rằng mình cũng chỉ xứng đứng dưới bóng ngài, ngẩng đầu ngước nhìn mà thôi.
Thúc Tiển nhịn ý nghĩ quay lại chạy trốn, ngừng bước, thấy y để ý đến mình, bèn ra hiệu Lục Thiên Nguyên tạm dừng, lập tức đứng dậy.
Lục Thiên Nguyên bước lên hành lễ: “Bệ hạ, điện hạ, tiểu thần xin được cáo lui trước.”
Thúc Tiển như không nghe thấy, không nhúc nhích.
Cậu khẽ gật.
“Mời bệ hạ ngồi.” Sau khi Lục Thiên Nguyên rời khỏi, y mời Thúc Tiển ngồi vào chỗ.
Thúc Tiển không nhúc nhích, đứng thẳng tắp nói: “Ngoài kia đã lưu truyền nhiều lời đồn đãi vậy, sao thúc lại chẳng nghe chẳng hỏi? Tướng quân không phải người như vậy đâu!”
Đúng vậy, tin đồn lan truyền đã nhiều ngày, đến mình còn biết.
Lúc đầu còn nhịn xem y sẽ có phản ứng thế nào.
Nhưng lại không thấy y có bất cứ động tĩnh gì.
“Mấy ngày qua, ta suy nghĩ rõ ràng, tương lai thúc muốn gì cũng được cả, hiện giờ ta cũng không có ý nhúng tay vào chuyện của ngài.
Nhưng mà triều đình, nhất định phải giữ gìn danh dự của thím ấy.”
“Ngọn nguồn của lời đồn này, hoặc là từ Đại trưởng công chúa, hay chí ít, không tránh khỏi có liên quan đến bà ấy.”
“Vai ác này, nếu như thúc không muốn làm, thì để ta làm.
Trừng trị bà ấy một tội danh xong, ta lại phái người của ta, xuống dân gian bắt người dám can đảm tiếp tục tung tin đồn, trừng trị một cảnh cáo trăm, ắt sẽ dừng lại!”
Thúc Thận Huy như hơi bất ngờ, dừng mắt trên mặt cậu, lát sau, từ từ nhoẻn cười.
“Nếu tướng quân Trường Ninh biết được, chắc chắn sẽ cảm tạ bệ hạ đã tin tưởng.
Chuyện này, thần cũng đã có cân nhắc, đang định báo cáo với bệ hạ.”.