Khúc Ca Biệt Ly

Cuối cùng chúng tôi có một chuỗi ngày yên ổn. Trong ký ức, đó là những ngày hạnh phúc nhất khi tôi và mẹ cùng chung sống. Hình như bà ấy không buôn bán rượu nữa, cái ban công ngập rượu bị dọn sạch, bà cũng không còn đi sớm về trễ, đôi khi còn giúp tôi làm bài tập hoặc ngồi xem tôi viết bài tập làm văn. Có lúc bà ấy không tự chủ được, chửi bậy trước mặt tôi, chửi xong lại tức tốc bịt miệng mình lại, tròng mắt đảo vòng quanh, bộ dáng rất giống như một đứa trẻ.

A Nam vẫn ghé thường xuyên. Cuối tuần ông sẽ xách một đống đồ ăn tới, làm một bàn đầy thức ăn cho chúng tôi ăn, ăn xong, ông lại lo dọn bàn rửa chén, vừa làm việc vừa ngâm nga hát.

“Chết tiệt, cái tiệm của anh cứ tới cuối tuần là đóng cửa nghỉ lễ thì làm sao kiếm tiền lấy vợ.” Mỗi lần ông ghé, Lâm Quả Quả đều nói một câu như thế, không mặn không nhạt, A Nam cứ xem như không nghe thấy.

Lâm Quả Quả có đôi lúc sẽ giúp ông làm bếp, chỉ có điều tài bếp núc của bà ấy, chính bản thân bà cũng không ưng, mỗi lần đều tự mình nấu xong tự mình ăn miếng đầu tiên rồi tự mình đem đổ hết.

“Phì.” Bà ấy luôn nhíu mày nhổ toẹt miếng vừa bỏ vào miệng, nói: “Coi bộ trừ đếm tiền ra thì cái gì khác em cũng làm không được.”

Bà ấy tự mình nói đùa một câu nhàm chán rồi tự mình cười rộ lên, A Nam cũng cười, nhưng tôi biết, ông vui là bởi vì trông thấy bà ấy vui. Bà ấy khó khăn lắm mới có thể mang tâm trạng vui vẻ như vậy, mọi người đều rất trân trọng.

Có một hôm sau khi ăn cơm xong, bà ấy xuống lầu mua đồ. A Nam đang còn lau bụi cho tấm di ảnh của cha tôi mà mẹ đã mang về.

Tôi ngồi trên ghế sô pha, không nhịn được hỏi ông ấy: “Chú A Nam, chú có định cầu hôn bà ấy không?”

Ông quay qua, dùng một ánh mắt rất hiền hoà nhìn tôi, nói: “Mã Trác, vì sao cháu không gọi cô ấy là mẹ?”

Tôi cúi đầu. Tôi luôn nhớ đến quy định bà ấy đã đặt ra cho tôi trên chuyến xe taxi từ Nhã An tới Thành Đô, thật ra, là bà ấy không cho tôi gọi, cho nên, tôi cũng đã để cho nó thành thói quen.

A Nam vươn cổ tới nhìn tôi, rồi chợt nói: “Nếu như chúng ta là người một nhà, có phải là rất tốt không?”

Tôi ra sức gật đầu.

“Được rồi.” A Nam mỉm cười, đặt di ảnh của cha xuống xong, ngước đầu lên nói, “Chú sẽ cố gắng.”

“Cố gắng làm gì ạ?” Tôi thắc mắc.

A Nam chỉ cười, không trả lời tôi. Ngưng mấy giây, ông ấy lại bất chợt hỏi tôi: “Mã Trác, cháu thích Thành Đô không?”

“Dạ cũng bình thường.” Tôi nói.

“Quê nhà của chú là ở một nơi rất đẹp. Một thị xã nhỏ vùng Giang Nam.” A Nam nói, “Nếu như mẹ cháu bằng lòng theo chú tới đó, cháu có bằng lòng không?”

Tôi ra sức gật đầu.

Đi theo họ, tới nơi đâu tôi cũng sẽ bằng lòng.

Ngay lúc đó bà ấy xách đồ bước vào cửa, lớn giọng nói: “Hai người đang lấm lấm lét lét nói gì đó hả, có phải đang nói xấu em không?”

“Nào dám.” A Nam vội đón lấy đồ trong tay của mẹ. Bà nũng nịu mỉm cười với ông, nét mặt rạng rỡ. Sau đó bà ấy khom lưng, rút từ trong túi ny lông ra một hộp sô cô la đẹp đẽ vứt cho tôi, nói: “Cho con, Mã Trác.”

Tôi chụp lấy chiếc hộp sô cô la đang rớt xuống từ trên cao thật cao trong không trung, lần đầu tiên sâu sắc hiểu được, trên đời này quả thực có cái từ ấm áp đẹp đẽ gọi là “hạnh phúc.”

Tôi rất trân trọng cuộc sống như thế, học tập cũng rất cố gắng, đợt thi cuối học kỳ đó, tôi đạt được 95 điểm ngữ văn, toán còn được những 100.

Ngày nhận học bạ về, mẹ mừng như điên, một mình bà uống hết hơn nửa chai rượu, nói tựa như là đang thề với tôi: “Bạn nhỏ Mã Trác, mẹ muốn kiếm thật nhiều tiền, đưa con ra nước ngoài học!”

Tôi rất muốn nói với bà ấy, tôi không muốn ra nước ngoài học, tôi cũng không hy vọng bà ấy quá cực khổ, thật ra chỉ cần hai mẹ con chúng tôi ngày ngày được bên nhau, đều tốt hơn hết thảy mọi thứ. Nhưng bà ấy hoàn toàn đắm chìm trong tưởng tượng của mình, bà gọi một cú điện thoại cho A Nam, báo cáo thành tích của tôi, sau đó kêu A Nam tìm cho tôi giáo viên dạy kèm môn Anh Văn, giọng điệu phấn chấn, mặt mũi hùng hồn.

Ngay lúc ấy, cách vách truyền tới tiếng la oai oái. Hình như Lam Đồ thi rất tệ, nó bị mẹ nó đánh. Mẹ cúp máy, cầm một lọ sơn móng tay lên chậm rãi sơn, vừa sơn vừa nói với tôi: “Đừng để ý đến cái nhà đó, cả nhà đều có bệnh tâm thần!”

Tôi cũng quả thực không ưa Lam Đồ, vì thế, nguyên một mùa hè, tôi thà một mình trong nhà còn hơn, cho nên rất nhiều lần đã cự tuyệt lời mời của nó kêu tôi qua nhà nó hoặc cùng đi ra ngoài chơi. Do vậy Lam Đồ rất không vui, có bữa tôi ra siêu thị mua muối, lúc về nhà nó đứng ngay dưới lầu chơi bao cát (1), tôi nhìn nhìn bọn chúng, chả ai thèm ngó ngàng tới tôi, thế là tôi cúi đầu, cắm cúi một mình bước về phía trước. Vừa đi được hơi xa một chút, nghe nó nói đàng sau tôi: “Chả biết suốt ngày đắc ý cái gì.”

(1) bao cát: hacky sack, tương tự như chơi đá cầu.

Tôi kệ xác nó. Bao cát đập tới từ phía sau lưng, đập thẳng vào ót của tôi. Nó dùng sức rất mạnh, đập làm cho tôi trông thấy sao bay đầy trước mắt, suýt nữa bất tỉnh.

Một hồi lâu sau, tôi xoay người, lượm bao cát lên, bước đến bên nó.

Nó chắp tay sau đít, mắt sáng lấp lánh nhìn tôi. Tôi vênh mặt, cũng chắp tay sau đít, giấu bao cát sau người, lạnh lùng nhìn nó.

Tôi đoán là bộ dạng ấy của tôi nhất định đã khiến cho nó hơi cảm thấy sợ hãi, nó thò tay vòng ra sau người tôi, giựt lại chiếc bao cát, cố ra vẻ chấn định nói với những đứa trẻ kia: “Bây giờ đến lượt ai nhỉ?”

Tôi chỉ hy vọng chuyện này không xảy ra lần nữa, còn không, tôi nhất định sẽ không tha cho nó.

Nhưng tôi ngàn vạn lần không nghĩ tới, tối hôm đó, lúc mẹ đang trong nhà bếp chiên trứng, tôi đang ngồi trong phòng khách coi TV, chuông cửa vang lên, tôi mở cửa ra, phát hiện Lam Đồ và mẹ của nó đứng ngay ngoài cửa. Trên trán của Lam Đồ có một cục u rất to, sưng vù, nhìn rất kinh khủng.

“Sao mày lại lấy đá chọi đầu Lam Đồ nhà tao?” Mẹ của Lam Đồ tru tréo lên chất vấn tôi, “Có con cái nhà ai mất dạy như mày không?”

“Không liên quan gì tới cháu.” Tôi nói.

Lam Đồ và mẹ nó thoáng sửng sốt, gào lên với tôi: “Muốn chối? Lam Đồ, con nói, có phải nó ném không?”

Cái quân láo lếu Lam Đồ chết giẫm không nói một câu nào, chỉ dùng cặp mắt to rưng rưng đầy oan ức nhìn tôi.

Mẹ tôi cầm cái sạn chạy từ trong bếp chạy ra, sau khi hiểu rõ sự tình, sập cửa ầm một cái khoá lại. Kéo tôi một cái bảo: “Mặc kệ chúng nó, coi TV của con đi.”

“Thật tình không phải con làm.” Tôi nói.

Bà ấy mỉm cười, thì thầm vào tai tôi: “Mẹ thật hy vọng chính là con làm cơ.”

Chuông cửa réo lên điên cuồng.

“Kệ nó!” Bà ấy bảo tôi, tăng volume của TV lên mức to nhất giùm tôi.

Mẹ của Lam Đồ hung hăng đạp cửa nhà tôi mấy cước, lại chửi bới ầm ĩ mấy câu, cuối cùng hậm hực rời đi.

Ăn cơm tối xong, lúc tôi đứng ngoài ban công lấy quần áo vào, trông thấy Lam Đồ, nó nằm bò trên thành ban công nhà nó, cục u trên đầu hình như đã xẹp xuống bớt. Nó nhìn tôi một cái, cảm giác trong mắt nó rất kỳ lạ, không nói rõ được là tức giận hay chột dạ.

Tôi bước tới mé ngoài của ban công, ghé chỗ gần nó nhất, hỏi nó: “Vì sao cậu nói dối?”

Có thể trông thấy rằng nó rất sợ tôi, mắt láo liên, đầu của nó vì thẹn quá hoá giận mà run lên, sau cùng, nó phun ra một câu cực kỳ ác độc: “Lâm Quả Quả là một con điếm.”

Nó nói rất khẽ, nhưng tôi nghe được vô cùng rõ ràng.

“Đừng tưởng là mọi người không biết mày là con riêng.” Nói xong câu đó, nó ngúng nguẩy bước qua cánh cửa phòng nhà nó.

Tôi tưởng rằng người khác nói gì tôi cũng đều không để ý. Nhưng thật ra tôi biết, trong lòng tôi rất để ý. Những ngày đó lúc ở trường, tôi luôn cúi gằm đầu lên lớp tan học, tôi cứ lo lắng Lam Đồ sẽ loan truyền gì đó, tôi làm bất cứ việc gì cũng luôn có cảm giác ánh mắt xấu xa của nó luôn dõi theo tôi. Điều này khiến cho tôi rất bất an.

Hôm A Nam tới đón tôi tan học, tôi hỏi ông: “Bao giờ chúng ta mới dọn nhà ạ?”

“Sao cơ?” Ông ấy hơi mờ mịt.

“Thì cái thị xã gì mà chú nói đó?”

A Nam hơi lo lắng nhìn tôi hỏi: “Sao vậy? Ở trường gặp chuyện gì không vui hả, hay là mẹ cháu nói gì đó với cháu?”

Tôi lắc lắc đầu.

“Sắp rồi.” A Nam tựa như lẩm bẩm một mình.

Tôi nghe không hiểu hai cái chữ “sắp rồi” này mang ý nghĩa cụ thể gì, nên cũng không hỏi thêm.

________________________________________


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui