Sáng sớm, Nam Phong đưa Kỳ Thư về phòng trọ.
Các bạn hai bên dãy phòng nhìn cô hiếu kỳ khiến cô cảm thấy bất tiện.
Nam Phong cũng nhận thấy điều đó bèn nhờ cô chủ nhà giúp đỡ cô rồi quay về cơ quan.
Căn phòng vách dán đơn sơ dưới nền đất lạnh, vỏn vẹn chiếc giường be bé và khoảng trống để đặt đồ nấu nướng.
So với phòng trọ ở thành phố thì thoáng thỉnh hơn nhiều.
Nam Phong đã làm lại khóa cửa và chuẩn bị mền gối sẵn cho cô.
Cô treo vài bộ quần áo rồi đi ra khu vệ sinh chung.
Các bạn xì xầm xì xào, nhìn cô mỉm cười.
Cô cũng chào hỏi làm quen, hầu hết đều là sinh viên đồng lứa nên rất gần gũi cởi mở.
Cô đã đi ở trọ từ khi vào lớp mười nên cũng dễ dàng thích nghi.
Hưng là người bạn đối diện phòng Kỳ Thư, thân thiện nói:
- Thư có nấu ăn không? Bây giờ mình đi chợ nè, mình chở Thư đi cùng luôn.
- Thư chỉ ở đây hai tuần nên không có nấu nướng gì cả.
- Kỳ Thư thật tình đáp.
- Ăn ngoài tốn kém lắm.
Hay qua ăn chung với tụi mình cho vui hen.
Truyện Cổ Đại
Mỗi lần nghe tiếng cô là các bạn ló ra ngóng chuyện vừa cười rúc rích làm cô ngài ngại.
Giờ nghỉ trưa, Nam Phong đến ngoài cổng đợi cô.
Anh chỉ dẫn cho cô đường đi ra biển và một số cửa hàng tạp hóa.
Kỳ Thư thích thú ăn những món ăn vừa mặn vừa cay.
Đầu giờ chiều, trời nắng khô khốc.
Kỳ Thư không chợp mắt được nên đi một vòng quanh nhà.
Cô chủ cùng vài bạn ngồi ngoài mái hiên ăn bánh tráng rủ rê nhiệt tình nên cô cũng không từ chối.
Nhờ vậy cô biết thêm nhiều bạn bè và hiểu về cuộc sống vất vả nơi đây.
Cô nhớ nhà khắc khoải.
Các bạn rủ nhau buổi chiều đi tắm biển nhưng cô còn e dè ngần ngại.
Đến khi các bạn trở về, ai nấy ướt sủng, hồ hởi đúng nghĩa dân vùng biển khiến cô phấn khích vô cùng.
Trời sập tối, các bạn vây quanh cô tò mò hỏi về quê hương, về ngôi trường cô đang học và về mảnh đất Sài Gòn phồn hoa.
Kỳ Thư say sưa kể chuyện mà không hay Nam Phong gọi cho đến khi cô chủ nhà vào thông báo.
Nam Phong rất vui và yên tâm khi cô kết giao với bạn bè.
Anh dừng xe bên quán dưới tàn cây già nua ven đường, trên bàn ghế còn lác đác vài chiếc lá rụng.
Chị chủ quán cười tươi tắn mang ra đĩa rau, xoài, bánh tráng và chén nước chấm thơm lừng nức mũi.
Một lúc sau chị trở ra với đĩa bánh tròn tròn trắng tinh, Kỳ Thư tròn xoe mắt ngỡ ngàng.
Nam Phong bí ẩn nói:
- Anh đã nói là bánh xèo quê anh rất khác biệt mà.
Em ăn thử đi!
Kỳ Thư cười tít mắt, hí hửng cắn một miếng nhai nhấm nháp rồi ngô nghê nói:
- Mùi bột rất thơm lại có vị mằn mặn.
Sao bánh xèo mà không có nhân anh nhỉ?
- Anh cũng không rõ, chỉ biết là từ nhỏ anh đã ăn bánh xèo này rồi.
Vào Sài Gòn anh mới biết có loại bánh xèo nhân tôm thịt.
Lúc đó anh cũng ngạc nhiên như em bây giờ nè!
Chiếc bánh đúng là đậm chất quê anh, một sự thanh đạm, hồn hậu như bản chất cố hữu của nó.
Vị khách bàn bên cạnh lâu lâu lại nhìn cô mỉm cười, cô nhoẻn cười đáp lại.
- Nhìn qua ai cũng biết em không phải người ở đây liền đó em biết không? Con gái quê anh da ngăm ngăm và có chút cứng cỏi, mặn mòi của miền biển mặn.
Còn em mảnh mai trắng trẻo, thanh thuần nho nhã.
- Nam Phong rù rì.
- Vậy anh thích con gái nào chứ? - Kỳ Thư vênh vênh mặt hỏi.
- Em biết rõ còn hỏi nữa hả? - Nam Phong nói với giọng chắc nịch.
Kỳ Thư tủm tỉm cười đắc ý:
- Bây giờ mình đi ra biển chơi nha anh.
Em chưa được đi dạo biển đó!
- Không biết em ra đây vì anh hay vì để đi biển nữa! - Nam Phong đành hanh nói.
- Là cả hai.
- Kỳ Thư nhắng nhít đáp.
Anh dắt tay cô tung tăng vui đùa theo làn sóng ập vào bờ cát thoai thoải.
Đêm đầu tiên một mình trong gian phòng lạ lẫm, Kỳ Thư thao thức mãi.
Từng tiếng động khẽ bên ngoài làm cô thấp thỏm, cứ ngó nhìn ra cửa đến mệt nhoài thì ngủ thiếp đi.
*******
Âm thanh rổn rảng ngoài khu vực chung khiến Kỳ Thư chợt tỉnh.
Cô lồm cồm ngồi dậy, thấy rất nhiều tin nhắn căn dặn của Nam Phong.
Cô rảo bước ra biển, tìm kiếm tên đường và ngả rẻ mà anh đã chỉ cho cô nhưng dường như rối mù.
May thay cô gặp các bạn trong nhà trọ hướng dẫn tận tình.
Kỳ Thư choáng ngợp trước khung cảnh xinh đẹp thơ mộng.
Vườn hoa rực rỡ được ôm quanh bởi bãi biển xanh lơ, bờ cát xoai xoải dài bình yên đón gió, từng ngọn sóng nhấp nhô, thấp thoáng rặng núi lô nhô đẹp đến mơ huyền.
Cô dạo vòng quanh rồi ngồi xuống nền cỏ dưới tán cây rộng che tầm ánh nắng.
Cô tựa lưng vào gốc cây, hướng mắt về phía biển xa mênh mông với vô vàn mơ mộng.
Quyển sách cầm trên tay thi thoảng được cô mở ra đọc vài dòng rồi gấp lại.
Nhiều người đi đường dòm ngó, có người còn cố tình trêu ghẹo cô.
Cô chỉ nở nụ cười tươi thanh như chính nụ cười từ trong tâm hồn cô toát ra.
Chợt có bàn tay chạm vào bờ vai khiến cô giật mình.
- Đang ngẩn ngơ gì đó cô bé? Như thế này thì vài bữa làm sao thi được hửm? – Giọng Nam Phong vừa nghiêm nghị vừa đùa nghịch.
- Ở đây đẹp thật anh à! Ủa? Sao giờ này anh lại ra đây? - Kỳ Thư liến láu nói.
- Đang trong giờ nghỉ, anh liền chạy ra xem em có ngoan không nè!
- Hơ.
– Kỳ Thư hếch mặt khiến Nam Phong bật cười.
- Ngày nào em cũng ngồi đây thì em sẽ thành Bao Công mặt đen xì cho coi!
Vừa nói anh vừa mở chai nước và cây dù đưa cho cô dặn dò:
- Tuy gió mát nhưng rất khô nên em phải uống nhiều nước vô.
Ngồi đây một lát nữa là về nghe không, nắng oi hầm em sẽ đau đầu lắm đó.
Anh đi đây!
Kỳ Thư níu tay anh đong đưa rồi vẽ vời nguệch ngoạc.
Anh đứng yên chịu trận vừa véo vào má cô nựng nịu.
Nắng lên cao, dường như có lớp kính chói rực trên bãi cát, mặt biển lấp loáng ảo ảnh.
Cô thu dọn sách vở thủng thỉnh vừa đi vừa ngắm phố phường.
Cảnh sắc thiên nhiên và đô thị ở đây hòa quyện vào nhau như có nút giao khiến nó hài hòa, bỗ trợ cho nhau thêm nét lãng mạn và hiện đại.
Bước vào nhà trọ, mùi thơm phưng phức từ các phòng tỏa ra khiến bụng cô cồn cào.
Thấy cô, các bạn tíu tít rủ ăn cơm chung vừa háo hức đợi cô kể chuyện.
Các bạn còn đem những thức quà ở quê cho cô ăn thử, dân dã mà đậm đà từ nguyên liệu đến tình người hồn quê.
Trưa nắng không một chút gió, mọi người kéo nhau ra trước hiên nhà ăn bánh tráng như thường nhật.
Vũ hồ hởi nói:
- Lát bớt nắng tụi này tính đi xuống cảng cá.
Thư có muốn đi không?
- Cảng cá có xa không? - Kỳ Thư tò mò hỏi.
- Không xa lắm, còn mua được nhiều cá tươi ngon mà rẻ nữa.
– Vũ nhanh nhảu đáp.
- Trên đường đi còn ngắm biển được nữa.
Chiều về mình uống nước mía bên bãi biển ngắm hoàng hôn cũng đẹp lắm.
- Hưng tấm tắc chêm vào.
- Mới nghe đã thấy thích rồi.
Vậy mình đi bằng gì nhỉ? - Kỳ Thư hăm hở nói.
- Tụi mình đi xe đạp.
Chiều tụi mình chở Thư đi hen! - Hưng sốt sắng đáp, Kỳ Thư gật đầu lia lịa.
Khi nắng đã dịu xuống, cả bọn đèo nhau trên những chiếc xe đạp cũ lích kích quanh cung đường ôm sát bờ biển.
Làn sóng xanh lơ óng ánh vệt vàng đỏ lói chói, xa xa rặng núi trầm mặc sừng sững giữa những con sóng bạc đầu, gió phần phật, sóng vỗ vồ vập nhưng hơi nóng vẫn hầm hập vào người.
Kỳ Thư đi theo các bạn dọc xuống cảng cá.
Tiếng nói cười rôm rã, ngư dân nước da ngâm đen khệ nệ sắp xếp những thúng hàng cá, mực các loại.
Cái cũ kĩ bạc màu hay xước xát chắp vá trên thân thuyền cũng lộ rõ những nhọc nhằn xói mòn của cuộc sống.
Các bạn xúm xít chọn những con cá tươi ngon còn được các cô chú cho thêm vài con mà nhe răng cười hết cỡ.
Trên chiếc xe đạp đung đưa vài bịch cá tươi, cả bọn cười đùa khoái chí kháu nhau nào là sẽ nấu nồi canh chua, nào là chiên sã vừa xuýt xoa thèm thuồng.
Hớp một ngụm nước mía mát lạnh mà mồ hôi rin rít nhỏ vào mắt ran rát.
Ráng chiều đã dần tắt, gió biển lồng lộng thổi làn tóc tung bay.
Cán bộ nhân viên quày quả về nhà sau ngày làm việc.
Những gian hàng bé nhỏ đã được đẩy dọc hai bên đường.
Cuộc đời hay cũng là cuộc mưu sinh mà khi còn sống nghĩa là vẫn còn trở trăn gánh gồng.
Lòng Kỳ Thư khắc khoải! Cô xốn xang nhớ đến Nam Phong rồi giục các bạn về thật nhanh.
Buổi tối gặp nhau, cô say sưa kể Nam Phong nghe hôm nay cô đã đi đâu, làm gì.
Cô bận bịu đến nổi không có thời gian để nhớ đến anh.
- Em không nhớ anh nhưng anh thì lúc nào cũng nhớ em! Lúc nào anh cũng tự hỏi không biết bây giờ em đang làm gì? Em đang nghĩ gì? Có vui vẻ không? Nhưng thật bất công cho anh, có người vui quá nên quên mất anh luôn rồi!
Kỳ Thư ngước lên nhìn anh bồi hồi rồi rướn chân lên cao, hôn vào đôi môi ngọt ngào tình si của Nam Phong.
Anh khẽ khàng cúi xuống tìm môi cô nồng nàn.
Sóng vẫn xô bờ cát, gió vẫn thổi qua du dương làm làn tóc cô bay bay, họ vẫn đắm say trong nhau như một điều vốn phải thế!.