Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Lão tú tài giậm chân một cái, thở phì phì nói:

- Chỉ có tiểu nhân và phụ nữ là khó nuôi dạy, người xưa thật không lừa ta!

Cô gái cao lớn xoay lá sen trắng như tuyết không biết hái từ đâu, sát khí trùng trùng. Mặc dù ngoài mặt vẫn tươi cười, nhưng nhìn thế nào cũng thấy ớn lạnh:

- Đánh không lại thì mắng người, ngươi ngứa da rồi sao?

Kiếm trận hình tròn phân bố ngoài mười dặm trong nháy mắt thu lại, biến thành chỉ bao vây khu vực vách núi bờ sông. Cùng lúc đó kiếm khí càng trở nên sắc bén kinh người, bức tường kiếm trận do kiếm khí ngưng tụ thành, khiến đại đạo vô hình lưu chuyển trong trời đất cũng bị ép hiện ra. Hai màu đen trắng va chạm kịch liệt, ánh lửa tung tóe, cuối cùng đều tan vào hỗn độn hư vô.

Lão tú tài rụt cổ, chợt nảy ra ý tưởng, lập tức hăng hái lớn tiếng nói:

- Đánh nhau cũng được, nhưng hai ta có thể đổi một cách đánh khác hay không? Cô yên tâm, yêu cầu này của ta có thể nhân tiện chiếu cố Trần Bình An, bảo đảm hợp tình hợp lý, hợp với tâm nguyện của cô!

Cô gái cao lớn im lặng không trả lời, đột nhiên thấy lão tú tài nháy mắt ra hiệu cho mình.

Nàng do dự một lúc, gật đầu nói:

- Được.

- --------

Trong nhà trọ, trên miệng giếng, hai ngón tay Trần Bình An khép lại làm kiếm, chỉ về phía đáy giếng.

Trong giếng nước cổ, cầu vồng sáng do luồng kiếm khí thứ nhất tạo nên dần dần nhạt đi hơn nửa, không còn chói mắt khiến người ta không thể nhìn thẳng. Trần Bình An loáng thoáng có thể nhìn thấy, sau khi luồng kiếm khí “rất nhỏ” này rời khỏi kinh huyệt đã ngưng tụ như thực chất, giống như một cơn mưa lớn điên cuồng đập vào một “mảnh đất”, mà mảnh đất này dường như là một tấm gương tròn.

Hắn đương nhiên không biết, thứ gọi là ấn gương Lôi Bộ kia lai lịch bất phàm, rất có ngọn nguồn.

Vào thời thượng cổ, sau khi một vị Thiên Đế quản lý lôi pháp qua đời, chư thần Lôi Bộ thừa thế mà lên, phân chia quyền thế lôi đình tổ tông vạn pháp, mỗi người nắm giữ một phần uy thế lôi đình. Về sau tình hình lại càng rối loạn, ngoại trừ vị thần linh Lôi Bộ giữ chức báo xuân, đông đảo thần linh còn lại đã sớm suy bại thành thần linh sông núi, hoặc là bị sắc lệnh của thánh nhân tam giáo ràng buộc, không được bước ra khỏi “giới hạn”. Có lúc lại bị những thế lực Binh gia như miếu Phong Tuyết, núi Chân Vũ, hoặc là một số tông môn Đạo gia dùng bùa chú lôi pháp, phép thuật mời thần để triệu hồi bọn họ, bảo đến thì đến, bảo đi thì đi.

Mà chủ nhân của ấn gương này từng là một trong số thần chính thức của Lôi Bộ, mặc dù nhiều lần gặp kiếp nạn, từ mặt gương đến trong gương đã sớm tan hoang, sấm sét bên trong gần như hao hết, nhưng chắc chắn không phải là thứ mà tu sĩ năm cảnh giới trung có thể phá vỡ được.

Thiếu niên áo trắng đứng trong giếng cổ, thân hình đã bị ép xuống dưới hơn một trượng, vẫn dùng hai tay và vai đỡ dưới đáy gương. Bị kiếm khí đập vào, mặt gương không ngừng chấn động vỡ nứt, nhưng rất nhanh lại được sấm sét còn sót lại trong gương tự động chữa trị như ban đầu.

Kiếm khí công phạt như kỵ binh xông trận, mặt gương chống đỡ như binh lính tử thủ.

Hai bên tiêu hao lẫn nhau, chỉ xem khí thế của ai sẽ suy kiệt trước.

Thôi Đông Sơn cắn chặt răng, mặt đầy máu tươi khiến cho dung nhan tuấn tú trở nên mơ hồ. Lúc này hắn đã không còn sức lực để uy hiếp nữa, chỉ có thể mặc niệm trong lòng: “Chịu đựng qua cơn mưa kiếm khí này, sau khi đi lên nhất định ta sẽ trả lại gấp trăm lần! Nhất định có thể, khí thế của mưa kiếm đã yếu đi, chỉ cần ta kiên trì thêm một lát. Trần Bình An ngươi chờ đấy!”

Mặc dù chí khí của thiếu niên dưới đáy giếng không giảm, nhưng dáng vẻ toàn thân tắm máu như vậy thật sự là thê lương.

Trong những năm tháng u ám phản bội sư môn, hắn đã đi qua khắp nơi, rời khỏi Trung Thổ Thần Châu tiến về châu lớn phía nam, cuối cùng lựa chọn dừng chân ở Đông Bảo Bình châu có lãnh thổ nhỏ nhất. Đồ đệ đầu tiên của Văn Thánh năm xưa, đi xa không biết mấy ngàn vạn dặm, trên đường cũng không phải tiêu dao tự tại, đủ loại yêu ma quỷ quái, nhưng ai có thể khiến hắn chật vật như vậy?

Nên biết trước khi trở thành quốc sư Đại Ly, Thôi Sàm từng có một câu thiền ngoài miệng không thể xem là tao nhã, sau khi trảm yêu trừ ma thường nói: “Trong nháy mắt hóa thành tro bụi, đúng là còn không bằng sâu kiến.”

Thôi Đông Sơn đỡ gương, thân hình tiếp tục chìm xuống, chỉ là biên độ dần dần nhỏ đi.

Gương còn có thể chống đỡ, nhưng xung quanh gương không ngừng có kiếm khí trút thẳng xuống. Bị kiếm khí liên tục thấm vào, thân thể của thiếu niên đã lảo đảo muốn ngã. Hắn đành phải dùng thủ đoạn khác, từ trong tay áo trượt ra một lá bùa hộ mạng ẩn giấu. Lá bùa này đã cất kỹ nhiều năm, lúc này buộc phải sử dụng, khiến hắn đau lòng đến mức gương mặt cũng trở nên dữ tợn.

Bùa chú màu vàng trước tiên dính vào ống tay áo trắng, sau đó trong nháy mắt hòa tan. Rất nhanh bên ngoài bộ áo trắng kia đã chảy đầy phù văn màu vàng, khi nghe kỹ lại có tiếng niệm Phật quanh quẩn. Áo trắng dập dờn như gợn nước, làm nổi bật hình tượng trang nghiêm của hắn.

Nếu nói bột vàng và chu sa là nguyên liệu chủ yếu để vẽ bùa, vậy một số nguyên liệu khác chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, một khi chế thành bùa chú sẽ ẩn chứa đủ loại hiệu quả tuyệt diệu. Chẳng hạn như lá bùa này của Thôi Đông Sơn, vốn dùng máu tươi màu vàng của một vị kim thân la hán Tây Phương Phật quốc làm nguyên liệu chính. Vị cao tăng đắc đạo này thiếu chút nữa đã hình thành Bồ Tát quả vị, cho nên máu có màu vàng. Rót nó vào trong bột vàng, viết “Kim Cương kinh” lên bùa chú, sẽ biến thành một lá bùa hộ mệnh Kim Cương Phật pháp vô biên, có thể ngăn cản được một kích toàn lực của lục địa kiếm tiên.

Như vậy Thôi Đông Sơn làm sao có thể không đau lòng?

Sau khi dùng lá bùa hộ mạng giá trị liên thành này, trong lòng thiếu niên tính toán một chút, ung dung tính ra kiếm khí nhiều nhất chỉ khiến mặt gương tan vỡ, bản thân tấm gương sẽ không bị hư hại. Sau này mỗi đêm mưa dông, chỉ cần đi vào biển mây sấm chớp đùng đùng, dẫn dắt sấm sét vào mặt gương, không đến mấy năm ấn gương Lôi Bộ sẽ có thể khôi phục như ban đầu.

Nghĩ như vậy, trong lòng Thôi Đông Sơn bình tĩnh lại, khẽ nghiêng cánh tay lau sơ máu tươi trên mặt: “Thật nhục nhã, thiếu chút nữa đã làm hư thân thể cành vàng lá ngọc này của ta rồi!”

Hắn nhắm mắt lại, bắt đầu yên lặng tích trữ sức lực.

Khoảnh khắc trước khi kiếm khí tan rã, chính là thời cơ để hắn giết lên miệng giếng.

Hắn đương nhiên sẽ không chờ kiếm khí hoàn toàn tan hết. Một khi Trần Bình An ở phía trên phát hiện mình không chết, gã chân đất ở ngõ Nê Bình này không chừng sẽ có âm chiêu hiểm chiêu tiếp theo.

Dù sao với tu vi và thân thể của mình lúc này, không thể chịu nổi bất cứ chuyện ngoài dự đoán nào “hỏi thăm”.

Đúng là đại đạo bùn lầy, gập ghềnh khó đi.

Trong lòng thiếu niên căm hận.

Chuyến đi tới trấn nhỏ lúc trước, là do quốc sư Thôi Sàm tự nhận cuộc chiến đã kết thúc. Bởi vì liên quan đến thời cơ chứng đạo, hắn không tiếc chia đôi thần hồn, sống nhờ trong một thân thể khác, dùng hình tượng thiếu niên thoải mái rời khỏi kinh thành Đại Ly.

Ban đầu nghĩ rằng dù không thể cắt đứt văn mạch của Văn Thánh tiên sinh và sư đệ Tề Tĩnh Xuân, cũng có thể dùng thiếu niên ngõ Nê Bình làm đối tượng để quán tưởng. Mượn đá trên núi của thiếu niên để mài ngọc của mình, rèn luyện tâm tính, bổ sung tâm cảnh thiếu sót, từ đó giúp mình phá vỡ cảnh giới thứ mười, có hi vọng trở lại cảnh giới thứ mười hai đỉnh cao. Thậm chí có thể mượn Đại Ly mở rộng học thức của mình, chỉ cần học vấn công tích sự nghiệp của mình có thể phổ biến nửa châu, thậm chí môn sinh Nho gia trong một châu đều là đệ tử của mình, lợi ích sẽ không thể tưởng tượng được.

Khi đó xem ra dù tính toán thế nào, Thôi Sàm đều có thể đứng vào thế bất bại, chẳng qua là lợi ích lớn hay nhỏ mà thôi.

Nhưng làm sao cũng không nghĩ tới, đệ tử đích truyền mà Tề Tĩnh Xuân chọn trúng, không phải là Triệu Dao được tặng ấn chữ “Xuân”, không phải là Tống Tập Tân được tặng sách vở còn sót lại, thậm chí không phải là đám thiếu niên nhân tài đọc sách như Lâm Thủ Nhất, mà là tiểu cô nương tên Lý Bảo Bình kia, là một cô gái! Nữ nhân làm thế nào kế thừa văn mạch? Nữ tiên sinh, nữ học giả? Không sợ biến thành trò cười cho người trong thiên hạ sao? Không sợ bị những lão già trong học cung thư viện Nho gia xem là dị đoan à?

Càng không nghĩ tới, Tề Tĩnh Xuân lại thay sư phụ thu đồ đệ, tặng di vật của ân sư hai người... di vật của Văn Thánh cho thiếu niên Trần Bình An.

Như vậy chẳng những văn mạch không đoạn tuyệt, truyền thừa đến đời Lý Bảo Bình, còn khiến cho Thôi Sàm đã khi sư diệt tổ, phản bội sư môn, vì Trần Bình An mà một lần nữa cột chung với Văn Thánh.

Chuyện này khiến cho Thôi Sàm lầm tưởng đã nắm chắc phần thắng, tâm cảnh trong nháy mắt tan vỡ hoàn toàn. Cộng thêm văn mạch vô hình dẫn dắt, một hơi rơi thẳng xuống cảnh giới thứ năm. May mắn sau đó hắn đạt thành minh ước với lão Dương, lấy được một môn bí thuật thần đạo thất truyền đã lâu, bổ sung sơ hở của một môn bí thuật mà hắn nghiên cứu đã lâu, nhanh chóng nuôi dưỡng hồn phách, tu vi như nắng hạ gặp mưa rào bắt đầu tăng lên. Nhưng bí pháp này tồn tại một khuyết điểm chí mạng, tu vi tích góp được là “giả tạo”, dùng xong một lần sẽ bị đánh trở về nguyên hình. Trừ khi một hơi đột phá cảnh giới thứ mười, bước vào năm cảnh giới cao, sẽ có thể “dùng giả làm thật lâu ngày thật cũng thành giả”. Hư thực bất định, thật giả lẫn lộn, sẽ mở ra một chân trời mới.

Khi đến nhà trọ Thu Lô, cảnh giới “giả tạo” của Thôi Đông Sơn thực ra đã gần tới tầng chín. Lúc này mới có cơ hội dùng thủ đoạn “mời thần” của Binh gia, mời ra một kim thân pháp tướng của thánh nhân Nho gia, nhờ đó mới khiến giang thần Hàn Thực sợ hãi. Cảnh giới là giả, thủ đoạn là thật. Nếu không với kinh nghiệm và bụng dạ của giang thần Hàn Thực cai quản đường thủy phía bắc mấy trăm năm, làm sao có thể bị Thôi Đông Sơn thuần phục giống như một con cá nhỏ trong khe suối?

Nơi đáy giếng, mưa lớn kiếm khí từ miệng giếng trút xuống vẫn hùng hổ ép người, ánh kiếm đập vào mặt gương tung tóe ra xung quanh.

Hai chân Thôi Đông Sơn gần như đã giẫm vào dưới đáy thủy đạo, nước ngầm trong thành từ đáy giếng thông đến sông lớn đã sớm bị kiếm khí làm bốc hơi hầu như toàn bộ.

Trong lòng Thôi Đông Sơn bắt đầu đếm ngược.

Hắn không muốn giết Trần Bình An, ít nhất tạm thời là như vậy.

Bởi vì hắn giống như đang kéo co, hi vọng kéo thiếu niên lên trên đại đạo của mình. Ít nhất trong thời gian ngắn, hắn chẳng những sẽ không làm hại Trần Bình An, ngược lại còn sẽ cố gắng giúp Trần Bình An tăng trưởng tu vi. Nhiều nhất chỉ lặng lẽ thay đổi tâm tính của Trần Bình An, mưa dầm thấm đất, biến đổi một cách vô tri vô giác, cuối cùng khiến Trần Bình An trở thành người đồng đạo của mình. Nếu như Trần Bình An may mắn, tương lai có hi vọng thừa kế y bát (1) của mình, mình cũng sẽ không từ chối.

Nhưng hắn thật sự muốn giết Lý Bảo Bình. Một khi tiểu cô nương này trưởng thành, bị bêu danh bài xích càng nhiều, đại đạo tu vi của hắn sẽ càng bị ảnh hưởng, bởi vì hắn và Trần Bình An đã cột chung với nhau. Bất kể đối với quốc sư Thôi Sàm theo đuổi hoàn mỹ hay Thôi Đông Sơn, đây là chuyện không thể chấp nhận được.

Thôi Đông Sơn cảm thấy chuyện này vốn là tai bay vạ gió. Cho dù ta giống một kẻ xấu mưu mô khó lường, nhưng nếu muốn giết Trần Bình An ngươi, trên đường cần gì phải giả làm cháu trai như vậy? Rõ ràng là không có ý định làm hại ngươi.

Chỉ vì một chút suy đoán, Trần Bình An ngươi lại quyết định ra tay giết ta?

Chỉ vì cảm thấy ta có thể làm hại ba đứa trẻ, ngươi lại xuất thủ không hề do dự như vậy?

Tề Tĩnh Xuân kia luôn sùng bái quân tử, vì sao người được Tề Tĩnh Xuân coi trọng như ngươi lại bất chấp đạo lý như vậy? Thằng nhóc ngươi mà là chính nhân quân tử cái gì? Lão già dựa vào đâu mà bắt ta theo ngươi học làm người? Thôi Sàm ta từng là đồ đệ đầu tiên của Văn Thánh, đã từng truyền thụ học vấn cho Tề Tĩnh Xuân, luận địa vị trong Nho gia chính thống, ta cao hơn hiền nhân quân tử đâu chỉ một bậc. Còn Trần Bình An ngươi lại làm việc tùy tiện như vậy, ánh mắt của lão già đúng là vẫn tệ hại như trước đây.

Tề Tĩnh Xuân giúp lão chọn tới chọn lui, còn không phải chọn ra một Thôi Sàm thứ hai sao?

Hai chân Thôi Đông Sơn chạm đến phiến đá, tiếp tục đếm ngược, chờ thời cơ hành động, đồng thời trong lòng dâng lên một cảm giác sảng khoái.

Ha ha, như thế càng tốt. Sau khi thoát khỏi khốn cảnh, ta sẽ từ từ hành hạ Trần Bình An ngươi. Ít nhất sẽ giữ lại cái mạng của ngươi, như vậy sau này ngươi đi theo ta trên đại đạo sẽ càng tự nhiên trôi chảy. Vận may của thằng nhóc ngươi đúng là không tệ.

Thêm nữa văn tự cấm chế mà lão già chết tiệt kia gieo xuống người ta, chỉ nhằm vào một mình Trần Bình An ngươi, không cho ta có bất kỳ ý niệm xấu nào với ngươi, nếu không sẽ phải chịu đau đớn bị đánh vào thần hồn. Ngoại trừ chuyện này cũng không ràng buộc những hành vi khác. Như vậy miễn cưỡng xem như phù hợp với học vấn của lão già, coi trọng tra xét căn nguyên, sau đó tiến hành sửa đổi tận gốc, mới có thể vươn cành tỏa lá trên đạo đức văn chương và đối nhân xử thế.

Sau này Thôi Sàm ta muốn ngươi tận mắt nhìn thấy, tiểu cô nương tên là Lý Bảo Bình kia, đệ tử đích truyền của Tề Tĩnh Xuân sẽ chết trước mặt ngươi như thế nào. Hơn nữa muốn ngươi hiểu được thế nào là đại đạo tranh đấu, cô ta vì sao mà chết!

Thời cơ đã đến!

Hai cánh tay của Thôi Đông Sơn đỡ gương đã sớm máu thịt đầm đìa, sâu đến tận xương, nhưng hắn lại chẳng hề để ý:

- Cầu vồng kiếm khí đúng không? Thác nước treo ngược đúng không? Tránh ra cho ông!

Nhưng tại khoảnh khắc trước khi Thôi Đông Sơn cho rằng đã thành công, chỉ sai lệch một chút như vậy, thiếu niên giày cỏ hai chân cắm rễ đứng vững trên miệng giếng, cuối cùng đã tích trữ năng lượng xong. Thần hồn của hắn lung lay, lục phủ ngũ tạng mọi nơi đều đau đến tận xương, chỉ có thể khẽ run giọng nói:

- Đi!

Thác nước thứ hai trút nghiêng xuống.

Ông nội ngươi, Trần Bình An, lão tử bị ngươi hại chết ở đây rồi.

Đây là ý niệm duy nhất của Thôi Đông Sơn khi đó.

Trần Bình An ở miệng giếng lảo đảo muốn ngã.

Truyện Kiếm Lai được dịch tại Tàng Thư Viện.

- --------

Trước đó khi Trần Bình An ngồi trong đình nghỉ mát, đối diện với Lý Bảo Bình gặp ác mộng tỉnh dậy, bỗng có một luồng gió mát vô duyên vô cớ thổi qua.

Hắn nhớ tới một chuyện, cảm thấy đau lòng, cùng với Lý Bảo Bình nhắm mắt lại, cẩn thận lắng nghe tiếng chuông gió dưới mái hiên, trong lòng yên lặng tự nói với mình: “Tề tiên sinh, nếu tiếng vang của chuông gió dưới mái hiên là số chẵn, lần này sẽ bỏ qua cho họ Thôi kia, nhưng nếu là số lẻ thì ta sẽ ra tay.”

Leng keng, leng keng, leng keng keng.

Sau tiếng thứ bảy thì không còn nữa.

Thế là sau khi Lý Bảo Bình rời khỏi đình nghỉ mát, thiếu niên đã đứng ở ven rìa miệng giếng.

- --------

Quay lại thời gian sớm hơn, trước khi Trần Bình An rời khỏi trấn nhỏ.

Lần đó được lão Dương nhắc nhở, Trần Bình An cầm ô che mưa rời khỏi tiệm Dương gia, đuổi theo vị thầy giáo ở trường học đến nhà thăm viếng lão Dương, lại tặng cho hắn hai con dấu Sơn Thủy.

Một lớn một nhỏ đi trên đường.

“Quân tử có thể lừa gạt một cách hợp tình hợp lý. Câu này ngươi có thể nói cho đám người Dương lão tiền bối nghe.”

“Sau này gặp phải chuyện không quyết định được, có thể hỏi gió xuân. Ừm, câu này ngươi chỉ cần giữ lại trong lòng, không chừng sau này sẽ dùng đến. Nhưng ta hi vọng sẽ không cần.”

Sau khi nói xong câu này, người đọc sách tóc mai trắng như sương không còn bảo thủ nghiêm túc như khi dạy học ở trường, chớp chớp mắt nhìn thiếu niên, nở nụ cười ấm áp.

- --------

Lúc Trần Bình An dẫn theo Lý Bảo Bình rời khỏi trấn nhỏ.

Một chút hồn phách cuối cùng của nho sĩ áo xanh, sau khi đi qua một động tiên lớn ngoài trời trở lại nhân gian, sánh vai đi cùng thiếu niên giày cỏ và tiểu cô nương mặc áo bông đỏ. Đi một khoảng thì dừng bước, nhìn bóng lưng của vị sư đệ kia và đệ tử của mình, không đưa tiễn nữa.

Cuối cùng người đọc sách yên lặng vẫy tay từ biệt, sau đó khẽ vung tay áo. Có một luồng gió xuân lặng lẽ quanh quẩn bên người thiếu niên, thật lâu không tan.

- --------

Bên trong giếng.

Thôi Đông Sơn và cả ấn gương Lôi Bộ kia bị đập mạnh về đáy giếng, cả người co rúc lại, nằm trên sàn đá xanh cực kỳ khô ráo, cố gắng nấp dưới mặt gương.

Mặc dù cố hết sức vùng vẫy, nhưng thực ra hi vọng trong lòng hắn đã tan biến.

Tấm gương chấn động kịch liệt, mang cho thiếu niên áo trắng phía dưới lực va chạm rất lớn, cùng với “dòng nước” kiếm khí chảy qua mặt gương gây ra cảm giác cực kỳ bỏng rát, khiến ý thức của hắn bắt đầu mơ hồ.

Ngay khi nhắm mắt lại, cấm chế mà lão tú tài in vào thần hồn của hắn lại đột nhiên biến mất.

Tinh thần thiếu niên áo trắng rung động, tỏa ra sức sống bừng bừng như trời hạn gặp mưa rào. Hắn nào còn dám giữ sức, lúc này không liều mạng thì còn đợi khi nào: “Ha ha, trời cũng giúp ta! Lão già, lão cũng để xảy ra sơ suất như vậy! Lão già chết tiệt ông cũng có ngày biến khéo thành vụng. Đúng là trời giúp Thôi Sàm ta, trời không tuyệt đường người!”

Chỉ thấy vẻ mặt Thôi Đông Sơn thống khổ vặn vẹo, từng chữ lớn màu vàng tràn đầy chính khí bị bóc ra khỏi thần hồn. Loại đau đớn khiến ý niệm của người ta không thể tránh né này còn kinh khủng hơn cắt thành ngàn mảnh.

Nhưng đầu óc của hắn lại càng sáng trong: “Thánh nhân dạy bảo, dùng văn chở đạo.”

Hắn điều khiển những chữ vàng tạm thời vô chủ kia nghênh đón thác nước kiếm khí.

Chữ vàng và kiếm khí va chạm vào nhau, không hề có thanh thế dữ dội, nhưng càng yên lặng như vậy càng khiến người ta kinh hãi đến nghẹt thở.

Không còn là phạm trù sức lực uy thế tranh đấu nữa, mà là một loại đại đạo tranh đấu theo hình thức khác.

Dù sao thác nước này chỉ là một luồng kiếm khí “rất nhỏ”, còn những chữ vàng kia cũng chỉ được người khác tạm thời mượn dùng mà thôi.

Hai bên giằng co, cuối cùng lại giống như vừa khéo tạo thành cục diện cân bằng.

Giống như hai quân đối đầu, rơi vào tình thế cả hai đều thiệt, toàn quân bị diệt.

Sau khi Thôi Đông Sơn nhận thấy cơ hội thì không bó tay chờ chết nữa, bắt đầu cẩn thận ngồi dậy, sau đó đứng lên từng chút một, cuối cùng khom lưng đứng thẳng dậy.

Hắn dời bước sang bên cạnh, mặt gương trong nháy mắt nghiêng đi, trút toàn bộ kiếm khí còn lại vào một bên tường. Sau đó hắn dứt khoát ném mặt gương cổ kia đi, hai chân nhún xuống đất, cả người phóng lên cao. Thân hình trong nháy mắt biến mất, chỉ có giọng nói âm trầm cực kỳ căm hận vang vọng trong giếng cổ:

- Bây giờ dù ngươi có luồng kiếm khí thứ ba cũng không kịp nữa!

Trần Bình An đứng ở miệng giếng, hai tay tạo thành thủ ấn. Sau khi luồng kiếm khí cuối cùng rời đi, hắn chuẩn bị dùng quyền pháp nghênh địch.

Trong lời mở đầu của bộ “Hám Sơn phổ” kia đã vạch ra tôn chỉ rõ ràng: “Người đời sau tập luyện Hám Sơn quyền của ta hãy nhớ kỹ, cho dù chống lại tổ sư tam giáo, quyền pháp có thể yếu, phần thắng có thể nhỏ, nhưng một thân quyền ý tuyệt đối không thể lùi!”

Cùng lúc này trong viện nhỏ yên tĩnh tao nhã, Lý Bảo Bình trong phòng một lần nữa thức tỉnh, không phải gặp ác mộng mà là bị một thanh kiếm gỗ hòe đánh tỉnh.

Cô bé đang mơ mơ màng màng bỗng mở to hai mắt. Kiếm gỗ phá cửa sổ bay vào nhanh chóng khắc họa một chữ “Tề” giữa không trung, sau đó bay về phía cửa. Lý Bảo Bình dùng thế sét đánh không kịp bưng tai nhảy xuống giường, giày cũng không kịp mang, dùng chân không chạy nhanh, mở cửa phòng ra, sau đó theo kiếm gỗ chạy tới phòng của tiểu sư thúc. Bởi vì Trần Bình An chưa trở về nên cửa cũng không gài, nhanh chóng bị phi kiếm đụng ra. Lý Bảo Bình theo phi kiếm xông vào trong, nhìn thấy nó chỉ chỉ vào cái gùi kia.

Được phi kiếm chỉ điểm, Lý Bảo Bình từ trong gùi lấy ra một con dấu, sau khi mở ra mới phát hiện đó là con dấu “Tĩnh Tâm Đắc Ý” mà tiểu sư thúc từng lén cho cô xem. Lúc này phi kiếm mới “gật đầu”, nhanh chóng bay ra ngoài phòng.

Lý Bảo Bình nắm chặt ấn chữ “Tĩnh” mà tiên sinh tặng cho tiểu sư thúc của cô, theo thanh kiếm gỗ hòe lúc trước đột ngột xuất hiện trong gùi, chạy như bay đến đình nghỉ mát. Sau đó nhảy ra khỏi đình nghỉ mát, chạy về miệng giếng nơi tiểu sư thúc đang đứng.

Trong nháy mắt con dấu giãy ra khỏi lòng bàn tay Lý Bảo Bình, nhanh chóng lướt đến miệng giếng, bay cao hơn đầu tiểu sư thúc của cô, sau đó phát ra một tiếng vang nặng nề.

Phía trên miệng giếng có người điên cuồng hét lên:

- Lại tới nữa? Tề Tĩnh Xuân, ông nội ngươi! Âm hồn không tan, ngươi con mẹ nó xong chưa?

Lại thấy một thiếu niên áo trắng đột ngột xuất hiện trên miệng giếng, trán bị một con dấu đập trúng, cả người bay ngược ra ngoài ngã xuống đất.

Một thân tu vi của Thôi Đông Sơn không còn lại chút gì, trước khi hôn mê lẩm bẩm nói:

- Tề Tĩnh Xuân, xem như ngươi lợi hại, ta nhận thua.

- --------

Chú thích:

(1) Y bát: vốn chỉ áo cà sa và cái bát mà những nhà sư đạo Phật truyền lại cho môn đồ, sau này chỉ chung tư tưởng, học thuật, kỹ năng... truyền lại cho đời sau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui