Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Cố sự mà thôi, một vò rượu lâu năm đã mở nắp, cũng chỉ có thể uống đến khi cạn.

Vò rượu cũ này, chút chuyện nhỏ này, giống như đã được ủ trong bụng Trần Bình An rất nhiều năm. Sau khi mở ra, gặp được đúng người, sẽ có hương rượu. Hơn nữa chỉ khi gặp được đúng người, Trần Bình An mới sẽ uống với đối phương.

Lục Đài chính là người uống rượu với hắn.

Trần Bình An gặp người mà hắn tôn kính thân cận, chẳng hạn như Ninh Diêu, A Lương, Lưu Tiện Dương, Cố Xán, Trương Sơn Phong, đều không chắc đến mẩu chuyện này.

Đáng tiếc sau khi Lục Đài nghe xong cố sự, dường như không có nhiều cảm xúc lắm, cuối cùng lại trêu chọc Trần Bình An:

- Ngươi kể chuyện này với ta, có phải muốn nói nam nhân trái với lẽ thường như ta, không mấy người có kết cục tốt, đến cuối cùng ngay cả phần mộ cũng không giữ được?

Trần Bình An bật cười, đành phải nhảy xuống lan can trở về tầng trệt.

Chẳng biết tại sao, sau khi kể chuyện xưa này với Lục Đài, Trần Bình An lại cảm thấy tâm lý thoải mái hơn nhiều, giống như được tháo gỡ vướng mắc trong lòng. Chiều hôm đó luyện kiếm, cùng là Tuyết Băng Thức, hắn lại cảm thấy ít đình trệ hơn một chút, nhiều thêm mấy phần tự nhiên như ý.

Sau hôm đó, Lục Đài lại thay một bộ quần áo khác, đầu cài trâm ngọc, người mặc áo xanh, tay cầm quạt xếp bằng trúc vàng, từ một vị giai nhân tuyệt sắc biến thành công tử văn nhã. Chuyện này khiến Trần Bình An giống như trút được gánh nặng, cho nên dù Lục Đài thỉnh thoảng đi xuống tầng trệt, tiện tay lật xem sách cất giữ của hắn, hoặc là nấu một ấm trà nhìn hắn luyện tập “Kiếm Thuật Chính Kinh”, Trần Bình An cũng không nói gì.

Lục Đài không hổ là con cháu Âm Dương gia kiến thức uyên bác, đã nói với Trần Bình An rất nhiều chuyện trước đây hắn chưa từng nghe. Chẳng hạn như quyền thế chia làm nội ngoại, kiếm thế chia làm ý khí, còn nói những việc cần chú ý và một số đề nghị khi rèn giũa cảnh giới thứ tư.

Một võ phu thuần túy sau khi bước vào cảnh giới luyện khí, làm thế nào rèn luyện ba hồn, có rất nhiều quan niệm. Trong ba hồn trên người, thai quang là dương khí tự nhiên. Võ phu rèn luyện hồn này, tốt nhất là chọn lúc mặt trời mới mọc ở phía đông, ánh bình minh rực rỡ, luyện quyền không lười biếng, có lòng thành sắt đá cũng mòn. Không chừng sẽ có cơ duyên trùng hợp, khiến thai quang càng vững chắc, sinh cơ bừng bừng.

Khi Lục Đài nhắc đến chuyện này, Trần Bình An vừa xấu hổ vừa chột dạ. Lúc trước đột phá cảnh giới thứ ba ở nhà tổ họ Tôn thành Lão Long, có giao long màu vàng từ trong biển mây ban mai lao xuống, lại bị hắn từng quyền đánh trở về, hơn nữa không chỉ một lần mà đến hai lần.

Lục Đài ngồi gần cửa sổ, uống nước trà nấu từ tinh hoa nước suối hồ Bích Thủy. Sau khi đã thay quần áo và trang điểm, hắn mang mũ cao đai rộng, tay áo uốn lượn, giống như một sĩ tử phong lưu.

Ánh mắt Lục Đài lanh lợi biết bao, trong thoáng chốc đã nhìn ra sự lúng túng của Trần Bình An, bèn truy hỏi căn nguyên. Sau khi Trần Bình An nói thẳng, Lục Đài liền phun ra một ngụm nước trà, giơ ngón cái với đối phương. Hắn nói rằng lão sư phụ dạy Trần Bình An ngươi bùa chú và quyền pháp, có lẽ là loại người không để ý tới chuyện vặt vãnh.

Trần Bình An hỏi xem có cách nào bù đắp hay không. Lục Đài ngẫm nghĩ, nói là đến Đồng Diệp châu rồi, Trần Bình An có thể thử vận may, đi tới một số miếu võ thánh còn có thần linh tuần hành dương gian. Trong lịch sử có không ít thiên tài võ phu khiến người ta kinh ngạc, đều là mèo mù vớ được cá rán ở miếu võ thánh, lấy được một phần cơ duyên rất lớn.

Nói đến đây Lục Đài lại hơi thổn thức, bảo rằng trước khi hắn rời nhà du lịch, từng nghe sư phụ nhắc đến một võ phu trẻ tuổi của vương triều Đại Đoan. Tư chất thiên phú của người này tốt đến mức kinh hãi thế tục, khiến cho mấy vị thần linh miếu võ thánh chủ động tìm tới cửa, tặng cho hắn một phần khí vận võ đạo. Nhưng cái tên kia còn quá đáng hơn Trần Bình An, lại từng quyền đánh lui những thần linh võ miếu chủ động bày tỏ hữu hảo kia.

Trần Bình An suy đoán, người này có lẽ là Tào Từ dựng nhà cỏ tu hành trên Kiếm Khí trường thành.

Lục Đài tùy ý nhắc đến chuyện này, vừa là khuyên bảo Trần Bình An, lại giống như đang tự suy ngẫm. Hắn nói rằng võ phu thuần túy hay người tu hành trên núi cũng vậy, trên đại đạo vận may rất quan trọng, nhưng có tiếp nhận hay không càng quan trọng hơn. Phúc họa liền kề, thiên tài chết yểu nhiều vô số kể chính là lý này.

Trần Bình An hoàn toàn đồng ý.

Nhưng Lục Đài lập tức thay đổi chủ đề, nói rằng Trần Bình An ngươi cứ ru rú trong nhà như vậy, sợ hãi tất cả phiền phức, không chịu chủ động theo đuổi cơ duyên, chỉ muốn tránh né cơ hội, như vậy cũng không phải chuyện tốt.

Sở dĩ Lục Đài “oán giận” như vậy, ngoại trừ lúc trước Trần Bình An nhất quyết không muốn kết giao với hắn, còn là do không lâu trước đây, chiếc thuyền cá voi Thôn Bảo này đã triệt tiêu cấm chế đi vào bí cảnh thứ tư của đất lành tan vỡ, cho phép hành khách vào bên trong tìm tòi, mà Trần Bình An lại làm như không thấy.

Chỉ cần hành khách đưa một đồng tiền cốc vũ, sẽ có thể vào trong đó rèn luyện tu hành. Tất cả thu hoạch của hành khách, thuyền đều sẽ không đòi. Nếu có người muốn đổi thu hoạch trong đó thành tiền hoa tuyết, cá voi Thôn Bảo đương nhiên hoan nghênh.

Cá voi Thôn Bảo này là vật đặc biệt của Ngũ Binh tông Kim Giáp châu. Bí cảnh này phần lớn là pháp thuật thượng cổ còn sót lại, rất khó mở ra, cái giá cực lớn. Sau khi lấy được bí cảnh này, Ngũ Binh tông đã dựa theo lệ thường ăn một mình cả trăm năm, cuối cùng phát hiện lợi không bằng hại. Ngũ Binh tông dứt khoát mở cửa bí cảnh tên là “Đăng Chân tiên cảnh” này với bên ngoài, học theo động tiên Ly Châu ở Bảo Bình châu, thu lấy một khoản phí qua đường.

Đăng Chân tiên cảnh có phạm vi ngàn dặm, chỉ là một mảnh đất tàn phá, kích thước đã ngang với cả động tiên Ly Châu. Tiền thân của nó là một trong bảy mươi hai đất lành, độ rộng lớn quả thật vượt xa ba mươi sáu động tiên.

Cứ cách mười năm bí cảnh này lại mở ra một lần, chỉ cho phép luyện khí sĩ dưới cảnh giới Nguyên Anh tiến vào, lại không có hạn chế với võ phu thuần túy.

Hai trăm năm trước có một người Phù Dao châu may mắn, tu vi của hắn chỉ là cảnh giới Động Phủ, lại tìm được một thanh nửa tiên binh uy lực to lớn. Có lẽ hắn cảm thấy mình không giữ được cây kích thần tướng kia, mà vũ khí này cũng không hợp với mình, bèn bán cho Ngũ Binh tông, có thể nói là một đêm giàu lên đột ngột. Sau đó hắn dựa vào tiền tài đẩy mình đến cảnh giới Kim Đan. Một đồng tiền cốc vũ đổi lấy tu vi Kim Đan, có ai mà không hâm mộ?

Chuyện này đã vang động Kim Giáp châu, nhất thời luyện khí sĩ tràn vào Đăng Chân tiên cảnh giống như cá diếc qua sông. Cần phải có quan hệ rất tốt mới được xếp hàng, chứ không còn là chuyện tiền bạc nữa. Trải qua ba trăm năm, Đăng Chân tiên cảnh mới dần dần không còn nóng như trước, nhưng vẫn là một thắng cảnh khiến người ta cảm thấy có giá trị.

Nhưng Lục Đài đương nhiên biết, loại “khởi đầu tốt đẹp” này, có lẽ là do cao nhân thương gia chỉ điểm cho Ngũ Binh tông. Cũng giống như hộp son phấn thịnh hành mấy châu kia, đều là hùa nhau lừa người.

Lục Đài biết rõ hư thực và sâu cạn của Đăng Chân tiên cảnh. Sư phụ từng nói nếu hắn có hứng thú và rảnh rỗi, không ngại đến đó một chuyến, xem có thể nhặt được một ít đồ nát giá vài đồng tiền lẻ hay không.

Vì sao lần này Lục Đài lại ngồi cá voi Thôn Bảo? Đương nhiên quẻ bói thượng thượng và thời cơ đại đạo rất quan trọng, nhưng tiến vào Đăng Chân tiên cảnh, tìm được một khoản tiền tài, cũng là thứ mà hắn truy cầu.

Lục Đài cố gắng mời Trần Bình An tiến vào Đăng Chân tiên cảnh, nhưng Trần Bình An lại nhất quyết không đi, chỉ đáp ứng cho Lục Đài mượn thêm một đồng tiền cốc vũ.

Lục Đài đành phải một mình tiến vào Đăng Chân tiên cảnh. Hai mươi ngày sau hắn mệt mỏi trở ra, lại trả cho Trần Bình An ba đồng tiền cốc vũ, nhiều hơn một đồng, nói là tiền lãi. Sau khi Trần Bình An nghe Lục Đài kể về quá trình du lịch và thu hoạch to lớn trong đó, liền yên tâm thoải mái cầm lấy.

Hóa ra Lục Đài dựa vào âm dương thuật gia truyền, đã phá vỡ cấm chế của một phủ đệ tiên gia thượng cổ, kinh tâm động phách nhưng không gặp nguy hiểm, thiếu chút nữa đã trở thành chủ nhân của tiên phủ cổ xưa kia. Chỉ là bị cản trở bởi quy tắc do Ngũ Binh tông lập ra, hắn mới chủ động từ bỏ quyền khống chế phủ đệ đất lành kia.

Hắn và Ngũ Binh tông đã lén lút giao dịch, đổi thành một đống tiền cốc vũ. Bởi vì Ngũ Binh tông vượt châu buôn bán, rất nhiều chỗ phải dùng đến tiền tiểu thử và tiền cốc vũ, cho nên tạm thời thiếu Lục Đài phần lớn khoản tiền. Bọn họ đảm bảo trong nửa năm sẽ trả hết cho hắn, hơn nữa còn sẽ trả thêm một khoản tiền lãi ngoài định mức.

Đừng cảm thấy Ngũ Binh tông đã chịu thiệt. Tiên phủ này vốn giống như gân gà, sau khi được Lục Đài mở ra, bởi vì linh khí dồi dào, thích hợp tu hành, khách quý của cá voi Thôn Bảo sẽ muốn cư ngụ trong đó. Tiết kiệm thì dùng được lâu, Ngũ Binh tông không hề chịu thiệt. Thương gia kiếm tiền, món lợi kếch sù đương nhiên rất tốt, nhưng loại “mạch tiền” có thu nhập ổn định này mới là cơ sở để đặt chân lâu dài.

Lục Đài đã trở thành người may mắn, thu hoạch đứng thứ ba trong lịch sử Đăng Chân bí cảnh.

Ngoại trừ thứ này, Lục Đài còn từ tiên phủ lấy được một môn pháp thuật đăng tiên thượng cổ, cùng với một món pháp bảo thượng thừa tên là “Ngao Sơn Huyễn Lâu”. Hắn cũng không bán hai phần cơ duyên này.

Cho dù Lục Đài thật sự chứng minh Trần Bình An đã bỏ lỡ hồng phúc, tâm tình của Trần Bình An cũng không dao động quá nhiều. Hắn chỉ đặt đồng tiền cốc vũ kiếm được kia lên bàn, đọc sách mệt rồi, lại dùng ngón tay lật lật tiền cốc vũ, để nó lăn qua lăn lại trên mu bàn tay. Đối với Trần Bình An, đây là một biện pháp tốt để giải lao, hiệu quả rất nhanh chóng.

Chuyện này khiến Lục Đài rất buồn bực. Hắn đã khuyên bảo tận tình rất nhiều, nhưng Trần Bình An vẫn không hề dao động.

Cho nên mỗi lần Lục Đài nấu trà, đều không mời Trần Bình An uống chung. Đương nhiên có lẽ Trần Bình An cũng không muốn uống.

Lục Đài là một người làm việc rất chú trọng. Hắn sống ở hào phiệt ngàn năm, nhà của tiên nhân, những con cháu thế tộc bình thường ở nhân gian không thể sánh bằng. Cho nên khí chất của hắn hình thành một cách tự nhiên, vừa là đất thiêng sinh ra hiền tài, vừa do nghe quen tai nhìn quen mắt.

Trà dùng để đấu trà phải mới, thủ pháp và bộ đồ trà phải cổ, nước suối nấu trà phải trong và nặng, người uống trà phải sạch sẽ và linh hoạt.

Lục Đài ở chung với Trần Bình An lâu ngày, vẫn luôn cảm thấy Trần Bình An quá cứng nhắc, cho nên sạch sẽ có thừa mà linh hoạt không đủ, vẫn sẽ phí trà ngon của hắn.

Giống như hôm nay, Lục Đài lại mượn cơ hội nhắc đến chuyện đau lòng, “tiền trên trời rơi xuống rào rào như mưa, Trần Bình An ngươi lại đi dưới mái hiên tránh mưa”. Trần Bình An chỉ im lặng không trả lời.

Lục Đài cảm thấy không thể thức tỉnh được cái gã tư tưởng bảo thủ này, liền quyết định tử bỏ thuyết phục Trần Bình An, thuận miệng nói một câu đạo lý lớn mà không thiết thực:

- Trần Bình An, ngươi luyện quyền luyện kiếm, tâm đều rất ổn định, đây là điểm lợi hại của ngươi. Nhưng ngươi phải cẩn thận, tâm định không phải là tâm chết. Tâm cảnh có thể tĩnh như mặt nước, nhưng đừng để biến thành ao tù nước đọng.

Có điều thế sự lại vô thường như vậy, Trần Bình An không chỉ nghe lọt, hơn nữa còn dụng tâm ghi nhớ.

Đây là Lục Đài thuận miệng nói một chút, ngay cả chính hắn cũng cảm thấy vô ích. Nhưng Trần Bình An lần đầu tiên chủ động dừng bộ kiếm thế khô khan lặp đi lặp lại kia, ngồi trước mặt hắn. Trần Bình An học theo tư thế ngồi quỳ uống trà của Lục Đài, tỏ ra gượng gạo, hoàn toàn khác biệt với sự tiêu sái phong lưu của Lục Đài. Giống như lão nông trong đồng ruộng học theo lão lão phu tử ngồi mà luận đạo, chỉ biết gật gù đắc ý, làm bộ làm tịch.

Tư thế của Trần Bình An như vậy, Lục Đài lại cảm thấy hứng thú. Trong đám người đồng lứa trẻ tuổi ở Tại Trung Thổ Thần Châu, hắn được khen là đấu trà vô địch thủ. Hắn liếc mắt quan sát Trần Bình An cả người không được tự nhiên, nhìn thế nào cũng thấy thú vị. Bị hắn nhìn như vậy, Trần Bình An dĩ nhiên càng thận trọng hơn.

Trần Bình An vẫn luôn hâm mộ người đọc sách chân chính, chẳng hạn như Tề tiên sinh, Lý Hi Thánh, còn có thành hoàng gia Thẩm Ôn nước Thải Y. Cho dù là Trương Sơn Phong nhất thời nổi hứng ngâm thơ làm văn, đều sẽ khiến Trần Bình An mơ ước.

Trần Bình An kìm nén sự khó chịu trong lòng, hỏi:

- Ngươi muốn nói tâm tính của ta đã đi theo hướng cực đoan?

Lục Đài hơi sững sốt. Hắn vốn cực kỳ thông tuệ, cũng không dám ứng phó qua loa, kết luận bừa bãi.

Nếu là đối diện với người thường, Lục Đài có thể thuận miệng bịa chuyện, hoặc là nói vài lời không sai cũng không đúng, nhưng đối diện với Trần Bình An thì không được.

Hai người ngồi đối diện với nhau. Vẻ mặt Trần Bình An nghiêm túc, trong lòng Lục Đài lại cười khổ, giống như mình tự hạn chế phạm vi hoạt động vậy.

Trong lòng Lục Đài khẽ động, có phần hoảng hốt. Đến sớm như vậy sao? Vốn tưởng rằng sau khi đặt chân lên lục địa Đồng Diệp châu, làm bạn du lịch với Trần Bình An, trải qua đủ loại gập ghềnh và khó khăn, mới sẽ xuất hiện manh mối thời cơ này. Chẳng ngờ lại trở tay không kịp như vậy.

Lục Đài ổn định tâm cảnh, bắt đầu nín thở tập trung, rất nghiêm túc đưa cho Trần Bình An một chén trà:

- Cứ từ từ mà uống. Chờ ngươi uống xong, ta sẽ nói một chút kiến giải của ta.

Trần Bình An không biết nội tình trong đó, chỉ cho rằng đây một lần hỏi đáp bình thường. Hắn liền gật đầu, cầm lấy chén trà uống một hớp nhỏ.

Sau sóng gió trên đảo Quế Hoa, Trần Bình An đã gặp được người đàn ông trung niên ái mộ Quế phu nhân mấy trăm năm. Trong thế giới nhỏ mà ông ta phất tay tạo ra ở bến thuyền, hai người đã có một phen hỏi đáp. Cuối cùng ông ta lại nói một câu “ngươi đừng hòng phá hư đại đạo của ta”.

Khi đó Trần Bình An đang nói đến đạo lý một cây thước đo hai đầu. Hắn cho rằng đạo lý của người chèo thuyền đã đi theo hướng cực đoan, nhìn như có lý nhưng thực ra lại vô lý. Bởi vì nó còn chưa đủ hoàn thiện, không được “trung dung” như trong sách nói.

Mà gốc rễ của Đạo gia là bốn chữ “đạo pháp tự nhiên”.

Lần đó đọc sách trong mộng, Trần Bình An nhớ mang máng có người từng nói. Đạo lý của Nho gia không nằm ở chỗ cao, không nằm ở rốt cuộc cao bao nhiêu, mà là đạo lý có dùng được thực tế hay không.

Người nọ thậm chí còn cười bảo, Chí Thánh tiên sư của Nho gia chúng ta, học vấn sâu sắc cao siêu biết bao. Nhưng sau một lần vấn đạo, ngài từng lén cảm khái với một tên đệ tử, thậm chí còn có phần tự thẹn kém người, nói rằng đạo của một người nào đó thật cao, thế nhưng...

Chỉ tiếc Trần Bình An lại không nhớ được nội dung phía sau, cũng có thể là người kia hoặc quyển sách kia vốn không nói ra.

Hai lần “du sơn ngoạn thủy” này của Trần Bình An, dự tính ban đầu khi luyện quyền là “một quyền này của ta phải nhanh nhất”, đã biến thành “một quyền này có thể nhanh hơn, nhưng nhất định phải có đạo lý”.

Một trong số câu nói có sức nặng nhất trong đời Trần Bình An, đó là ở một nhà trọ trên đường trở về quê hương, hắn nói với cô bé váy hồng và thằng bé áo xanh: “Nếu ta làm sai chỗ nào, ngươi nhất định phải nói với ta.”

Cho dù ông lão ở lầu trúc núi Lạc Phách đã đánh bao nhiêu quyền lên người và thần hồn của hắn, vô hình trung Trần Bình An vẫn luôn hoài nghi chính mình.

Thực ra trên núi Đảo Huyền, lời nói vô tâm của Trần Bình An với cha mẹ Ninh Diêu đã vạch trần thiên cơ, đó là hắn vẫn luôn phủ định chính mình: “Là tôi làm không đủ tốt.”

Làm không đủ tốt chính là sai. Trên thế gian có mấy người lại quá nghiêm khắc với bản thân như vậy?

Loại tâm thái này không phải vô duyên vô cớ hình thành, mà là đồ sứ bản mệnh của Trần Bình An tan vỡ, sau đó lại trải qua đủ loại gian nan khốn khổ, đủ loại cơ duyên trùng hợp, khiến cho hắn buộc phải cố gắng chắp vá ra tâm cảnh hoàn chỉnh của mình.

Thành rồi, sẽ là kỳ quan trời trăng trên cao, quần sao ảm đạm.

Không thành, có lẽ là đủ loại thất ước, đủ loại thất vọng.

Một người không có thứ gì để ăn sẽ chết đói, nhưng nếu nội tâm khô cạn cũng sẽ chết, chỉ là hoàn toàn không phát giác, hôm nay không chết ngày khác sẽ chết mà thôi.

Liều mạng cầu sống, nghịch cảnh tuyệt cảnh, giận dữ đứng dậy, hăng hái tiến lên. Nhưng đồng thời lại lặng lẽ cầu chết, rượu chè quá độ, không biết kiềm chế, thất tình lục dục, tâm lý thất thường, đủ loại tệ nạn. Đây chính là chỗ kỳ lạ của lòng người.

Lòng người phức tạp, ngay cả thánh nhân tiên nhân cũng không dám tự nhận nhìn thấu được. Thôi Sàm ở trấn nhỏ bị thua chính là ví dụ.

Men theo con đường trong lòng này, tâm cảnh của Trần Bình An đã rất rõ ràng. Lưu Tiện Dương sở dĩ thiếu chút nữa đã chết, là vì Trần Bình An ta làm sai. Cho nên ta chết thì chết, phải nói xong những đạo lý mà đối phương không muốn nghe, sau đó kết thúc mọi chuyện.

Trong ngõ nhỏ Tề Tĩnh Xuân đã vái chào hắn, nhưng Trần Bình An chỉ nhớ lời của kiếm linh “Tề tiên sinh đang đánh cược, cược một phần vạn kia”. Còn như vì sao Tề tiên sinh lại tin tưởng hắn, không thất vọng hoàn toàn với thế giới này, Trần Bình An lại chưa từng nghĩ tới.

Khi một người bắt đầu thật sự nhận thức thế giới này, đã nhìn qua núi lớn cao vút tận mây, sông lớn quanh co vô tận, những cảnh tượng hùng vĩ vô cùng cao xa; xem qua sự phong lưu của người đọc sách, những nha môn quan phục tượng trưng cho uy nghiêm một nước; thấy được sinh lão bệnh tử đời người vô thường, kỵ binh bày trận nhìn như oanh liệt nhưng thực ra lại máu lạnh; nhìn thấy bằng hữu ngày xưa trở nên xa lạ, càng lúc càng xa mà không làm gì được; nhìn cha mẹ dần dần già đi, lại không cách nào níu giữ... Mỗi một khắc hắn đều sẽ đột nhiên cảm thấy mình rất nhỏ bé.

Loại cảm giác này có lẽ chính là cô đơn.

Đối với bi thương của người khác, mọi người rất khó cảm động lây. Sự vui vẻ do người khác chia sẻ, chỉ nhoáng lên rồi biến mất. Nhân sinh chỉ là từng lần chia tay...

Thực ra Trần Bình An rất sợ hãi với thế giới này.

Lưu Tiện Dương, Lý Bảo Bình, Cố Xán đều sẽ không giống như hắn.

Cố Xán sẽ một lòng một dạ nghĩ cách báo thù.

Lý Bảo Bình sẽ cảm thấy giữa trời đất luôn có chuyện thú vị, chìm đắm trong thế giới nội tâm muôn màu muôn vẻ của mình, gần như không bao giờ chất vấn bản thân, càng sẽ không dễ dàng phủ định chính mình. Cho nên cô mới có thể nói ra câu kia: “Làm sao lại có tiểu sư thúc không thích Lý Bảo Bình?”

Lưu Tiện Dương thì sẽ thốt ra từ đáy lòng: “Ta muốn đi xem núi cao hơn, sông lớn hơn, ta nhất định sẽ không chết già ở cái nơi nhỏ bé này.”

Còn Trần Bình An có thể sẽ đi làm rất nhiều chuyện, chẳng hạn như dẫn bọn Lý Bảo Bình đến Đại Tùy. Nhưng bên trong tâm cảnh của hắn sẽ trốn tránh.

Tâm tư và ý niệm của Trần Bình An, đại khái đều là “bất động”.

Nung gốm ở lò gốm nhiều năm, thiếu niên vẫn luôn cầu xin tay ổn, thực ra chính là đang cố chấp theo đuổi tâm định.

Nếu tâm không định, hắn sẽ oán hận Tống Tập Tân có tiền, đố kị Tống Tập Tân có người để nương tựa, còn biết đọc sách. Hắn sẽ đố kị Lưu Tiện Dương học cái gì cũng nhanh, bất cứ chuyện gì cũng giống như vừa làm đã thành thạo. Hắn còn sẽ chán ghét và xem thường gã đàn ông ẻo lả kia, khi là người đầu tiên tìm được đối phương trong núi lớn, sẽ không chỉ cho gã ẻo lả kia một con đường núi để ẩn nấp.

Mọi chuyện có lợi thì cũng có hại, tâm định rồi sẽ đi theo hướng cực đoan, giống như Lục Đài đã nói, dễ dàng biến thành “tâm chết”. Thực ra đây chính là “chết giả” của Đạo gia.

Đây là nguyên nhân mà Nguyễn Cung mặc dù không có thành kiến với Trần Bình An, nhưng trước giờ không xem hắn là người đồng đạo, không muốn nhận hắn làm đệ tử.

Đây cũng là lý do mà Lục Đài cảm thấy Trần Bình An không đủ linh hoạt.

Cho nên lúc trước kiếm linh nhìn thấy tâm cảnh của thiếu niên, đó là một đứa trẻ trông chừng ngôi mộ và ngọn núi, còn là giày cỏ, thứ duy nhất “động” là đuổi theo bóng dáng của một người ở phía nam.

Bóng dáng đó thực ra chính là Ninh Diêu ngự kiếm rời đi.

So với sự thấp thỏm lo lắng như đi trên băng mỏng khi đi đến Đại Tùy, trong chuyến hành trình đưa kiếm cho cô nương yêu thích, Trần Bình An cuối cùng đã có thêm một phần ý nguyện tự chủ... “là ta muốn đi giang hồ chuyến này”.

Trần Bình An ta muốn làm chút gì đó cho chính mình.

Cho nên dù hâm mộ Phạm Nhị ở thành Lão Long, dù đã đến Kiếm Khí trường thành, trên vai lại có thêm một gánh nặng, nhưng tâm cảnh của Trần Bình An lại nhẹ nhõm hơn trước.

Do đó hắn đã thay giày cỏ, mặc một bộ trường bào, muốn trở thành kiếm tiên, hơn nữa còn là đại kiếm tiên có thể khắc chữ lên Kiếm Khí trường thành.

Lúc trước lão tú tài Văn Thánh say rượu, vì sao lại vỗ đầu Trần Bình An, nói rằng thiếu niên phải uống rượu, không nên nghĩ quá nhiều chuyện nặng nề. Đó là do ông lão đã nhìn thấu vấn đề tâm cảnh của thiếu niên.

Thiếu niên không nên như vậy. Khi tĩnh đến cực điểm sẽ chuyển thành động, nên bỏ đòn gánh xuống, thoải mái đi làm chuyện tốt đẹp mà thiếu niên nên làm.

Nhưng đạo lý trên thế gian, có nghe hay không, có biết hay không là một chuyện, còn làm như thế nào lại là chuyện khác.

Đạo lý trong sách ngoài sách, làm sao áp dụng vào thực tế, khó càng thêm khó.

Trần Bình An uống nước trà từng hớp một. Trước khi Lục Đài nói ra đáp án của mình, Trần Bình An đột nhiên lên tiếng:

- Sở dĩ ta không muốn tiếp xúc với người, cũng không muốn đi Đăng Chân tiên cảnh, đáp án thực ra rất đơn giản, bởi vì ta sợ chết.

Ở trấn nhỏ quê nhà, liên tiếp đối diện với Thái Kim Giản, Phù Nam Hoa và vượn Bàn Sơn, Trần Bình An cho rằng mình thiếu chút nữa đã chết một lần. Tại khe Giao Long là lần thứ hai.

Quá tam ba bận.

Hắn chậm rãi bỏ chén trà đã uống cạn xuống, cười nói:

- Dù ngươi có tin hay không, trước giờ ta không lấy được những đồ tốt dựa vào vận may.

Hắn thản nhiên nói:

- Ta vừa mới suy nghĩ, cảm thấy có thể trước kia ta làm đúng, nhưng bây giờ nếu ta vẫn như vậy chính là sai. Sau này muốn tu hành đi được xa hơn, phải từ từ thay đổi.

Vẻ mặt Lục Đài kỳ quái, còn có phần nghiêm túc. Vừa rồi thực ra hắn đã dùng thần thông đọc tâm bí truyền của họ Lục, nhìn lén tâm cảnh của Trần Bình An.

Trần Bình An bưng chén trà lên:

- Có thể cho thêm một chén nữa không?

Lục Đài tức giận nói:

- Ngươi tưởng là uống rượu à?

Nhưng hắn vẫn rót cho Trần Bình An thêm một chén nước trà.

Trần Bình An tiếp tục nói:

- Không cùng ngươi đi Đăng Chân tiên cảnh, ta cảm thấy không sai. Nếu ta và ngươi cùng đi vào đó, không chừng sẽ hại ngươi không kiếm được chút tiền nào. Bây giờ ngươi kiếm được nhiều tiền rồi, ta cũng kiếm được ba đồng tiền cốc vũ, rất tốt.

Lục Đài đã sớm không uống trà nữa, hắn đặt hai tay lên đầu gối, cười nói:

- Hai đồng là ngươi cho ta mượn, thực ra ngươi chỉ kiếm được một đồng thôi.

Trần Bình An do dự một thoáng, vẫn thẳng thắn nói:

- Ta cảm thấy là ba đồng.

Lục Đài dở khóc dở cười, hóa ra gã này vốn cho rằng mình sẽ không trả tiền?

Trần Bình An uống nước trà mà hắn vốn không biết cách thưởng thức, nhẹ giọng nói:

- Hơn nữa bỏ lỡ thì bỏ lỡ, cũng không thể mọi chuyện đều cầu toàn. Lục Đài, ngươi cảm thấy thế nào?

Lục Đài ngạc nhiên, lập tức cười lớn nói:

- Trần Bình An, ngươi lại đang trốn tránh à.

Trần Bình An uống một chén nước trà, không hiểu chuyện gì.

Lục Đài lập tức tỏ ra căm phẫn, nghiêng người tới trước, đoạt lấy chén trà trong tay Trần Bình An. Hắn phất tay áo, thu hồi tất cả bộ đồ trà, thở phì phì đứng lên, trừng mắt nhìn đối phương:

- Lên dương đài xem đạo, rốt cuộc là ai xem đạo? Là ai Đồng Diệp phong hầu? Ngươi đã biết rồi. Đối với ta thì Đồng Diệp phong hầu nho nhỏ có tính là gì! Lỗ chết ta rồi!

Lục Đài kêu gào đi lên lầu, đạp cho thang lầu kêu lộp cộp.

Trần Bình An ngỡ ngàng gãi đầu, chỉ cảm thấy mình giống như một hòa thượng trượng hai, sờ không tới đầu (1).

Một đoạn thời gian rất dài sau đó, Trần Bình An có phần thê thảm. Lục Đài lại đổi thành trang phục nữ nhân, trang điểm xinh đẹp, mỗi ngày còn ra vẻ phong tình, xuống tầng trệt cố ý khiến Trần Bình An buồn nôn.

Tính tình của Trần Bình An có tốt đến mấy, cũng không chịu nổi mùi son phấn và ngón tay hoa xuất hiện hàng ngày, cùng với cái nháy mắt và nũng nịu khiến người ta cực kỳ chán ghét. Thế là có một ngày vào buổi sáng, Lục Đài đang ngồi trên lan can ngâm nga làn điệu đơn giản, Trần Bình An lại dùng một quyền đánh cho hắn rơi vào hồ Bích Thủy.

Lục Đài nổi giận đùng đùng từ trong nước lướt ra, giống như gà nhúng nước. Hắn cố nén ý định dùng hai thanh phi kiếm bản mệnh Châm Tiêm và Mạch Mang đâm chết Trần Bình An, chỉ mắng như tát nước:

- Ngươi đối xử với nửa người truyền đạo của mình như vậy sao? Trần Bình An ngươi còn có lương tâm không?

Lúc nhắc tới người truyền đạo, Lục Đài rõ ràng hơi gượng gạo, nhưng lúc mắng chửi Trần Bình An không có lương tâm thì lại rất hùng hồn.

Sau đó Lục Đài không để ý tới Trần Bình An nữa.

Thời gian chậm rãi trôi đi. Lúc tảng sáng cá voi Thôn Bảo đã đến bến thuyền Phù Kê tông ở Đồng Diệp châu. Trần Bình An lên tầng ba nhắc nhở Lục Đài có thể xuống thuyền, nhưng đã sớm người đi lầu trống rồi.

Trần Bình An cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy Lục Đài đúng là một người kỳ quái.

Hắn một thân một mình, từ cá voi Thôn Bảo dưới đáy biển đi lên lục địa Đồng Diệp châu.

Trần Bình An đi lên bến thuyền, giậm giậm chân. Giống như năm xưa lần đầu tiên từ ngõ Nê Bình đi vào đường Phúc Lộc, từ đường nhão đất vàng đi lên đường đá xanh, tràn đầy cảm giác mới mẻ.

Lục Đài không ở bên cạnh, Trần Bình An cảm thấy rất tốt, mặc dù nghĩ như vậy cũng hơi có lỗi với tên kia.

Ngay khi bước chân của Trần Bình An rất ung dung nhẹ nhàng, bên cạnh một cửa tiệm náo nhiệt ở bến thuyền, hắn lại nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc, lập tức nhe răng trợn mắt.

Lục Đài đã thay một bộ trường bào màu xanh, đai ngọc cài trâm, đang ngồi xổm ở bên đường gặm một cái bánh bao thịt. Sau khi thấy Trần Bình An, hắn liền quay đầu nhìn một con chó bản địa ngồi xổm bên cạnh mình. Con chó kia đang trơ mắt nhìn Lục Đài, Lục Đài liền ném cái bánh bao thịt trong tay cho nó.

Lục Đài lại nhướng nhướng mày với Trần Bình An. Sau khi Trần Bình An đi qua, Lục Đài lại gặm một cái bánh bao thịt vỏ mỏng nhân dày khác, lắc lắc đầu, dáng vẻ rất vô học.

Trần Bình An trước tiên khom lưng xoa xoa đầu con chó kia, sau đó đá cho Lục Đài một cái.

- --------

(1) Hòa thượng trượng hai, sờ không tới đầu: người thời xưa cao khoảng tám thước, đưa tay lên cũng chỉ một trượng. Còn hòa thượng lại cao một trượng hai, cho nên người khác sờ không tới đầu hắn. Câu này dùng để chỉ không hiểu chuyện gì đang xảy ra.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui