Dịch giả: Diệp Tu
Trấn nhỏ đúng không lớn nhưng cũng không quá nhỏ, có tổng cộng hơn sáu trăm hộ, trong đó những ngõ gồm những gia đình cùng khổ thì Trần Bình An gần như biết hết, về phần những gia đình có điều kiện, tường cao cửa rộng, lớp người nghèo khổ như Trần Bình An khó mà bước chân vào, thậm chí có một số ngõ lớn, trong đó tụ tập những những gia đình giàu có thì hắn còn chưa từng đặt chân tới, đường xá ở những chỗ đó được nhiều cửa hàng dùng phiến đá xanh lớn trải lên, khi trời mưa tránh được cảnh dẫm chân một cái là nước lẫn bùn bắn tung tóe, những phiến đá đó qua mấy trăm năm xe cộ qua lại, sớm đã đã được mài phẳng, bóng như gương.
Lư, Lý, Triệu, Tống, bốn dòng họ này cũng chính là bốn danh gia vọng tộc ở trấn, trường tư thục kia cũng chính là do mấy nhà này bỏ tiền xây, mỗi nhà đều có vài tòa hầm lò Đại Long(1) phía ngoài thành. Dinh thự của các đời quan phụ trách trông coi giám sát các hầm lò cũng nằm trên một đường với mấy gia đình này.
Thật không may, Trần Bình An hôm nay phải đưa mười phong thư mà hầu như toàn là đưa vào các hộ gia đình giàu có nổi danh trong trấn, điều này cũng là rất hợp tình hợp lý, rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột vì sinh con tất phải đào hang, kẻ ra ngoài có thể gửi thư từ phương xa về, gia thể chắc chắn không kém, bằng không cũng chẳng có lực mà đi xa quê được. Chín trong mười bức thư đó chỉ cần tới hai nơi là phố Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp là giao xong. Lần đầu bước chân lên con đường được trải những tấm đá xanh to như cái ván giường, thiếu niên có phần hồi hộp không yên, bước chân dần chậm lại, thậm chí cảm giác có chút tự ti mặc cảm, không khỏi nghĩ giầy rơm của mình sẽ làm bẩn mặt đường.
Bức thư đầu tiên mà Trần Bình An đưa cho chính là Lô gia, nhà từng được hoàng đế ngự ban một khối Ngọc Như Ý. Điều này khiến khi đứng trước cổng, hắn càng lo lắng bất an.
Nhà càng giàu càng để ý hình thức. Tòa nhà của Lô gia lớn thôi không nói, cửa lớn còn có hai con sư tử đá đặt hai bên. Hai con sư tử đá là thân cao, khí thế dọa người, nghe Tống Tập Tân nói thì là để tị hung trấn tà. Trần Bình An cơ bản không rõ cái gì gọi là hung tà, hắn chỉ tò mò là trong miệng hai con sư tử đá còn ngậm một vật trông tựa như một khối cầu bằng đá khiến hắn tự hỏi không biết làm sao để chế tác ra được như vậy? Trần Bình An cố nén ý định tới sờ thử khối thạch cầu kia, chân bước lên bậc tam cấp rồi đập vang cái móc tròn treo trên khối đồng hình đầu sư tử gắn ở cổng. Rất nhanh sau đó thấy có một người trẻ tuổi mở cửa bước ra, vừa nghe có thư đưa tới, y liền mặt lạnh như tiền đưa hai ngón tay vê một góc thư, sờ xác nhận dấu niêm phong thư xong liền quay người đi vào rồi đóng cầm cánh cửa lớn có dán họa tiết như thần Tài.
Quá trình thiếu niên đưa thư sau đó cũng bình thường như thế, không có gì lạ. Tới một hộ không nổi danh lắm ở góc đường hẻm Đào Diệp, người mở cửa là một lão nhân nhỏ bé mặt mũi hiền lành. Lão nhận thư xong liền cười nói: “Cậu nhóc, vất vả rồi. Có muốn vào nhà nghỉ ngơi uống miếng nước không?”
Thiếu niên xấu hổ, cười cười rồi lắc đầu xong chạy đi.
Lão nhân kia nhẹ nhàng cất phong thư vào tay áo, sau đó cũng không vội về trạch viện mà thấy ngẩng đầu nhìn về phía xa xa, ánh mắt đục ngầu.
Ánh mắt lão đưa từ trên cao xuống thấp, từ xa lại gần rồi dừng lại ở cây đào bên phố, lúc này lão nhân trông như mắt mờ tai ngễnh ngãng kia mới nở nụ cười.
Lão nhân quay người rời đi.
Không lâu lắm sau đó, một con chim Hoàng tước nhỏ bay tới đậu lên đầu cành đào, mổ mổ lên nụ non rồi nhẹ nhàng kêu chích chi.
Bức thư cuối cùng mà Trần Bình An cần đưa là cho tiên sinh dạy học ở trường tư thục. Trong lúc đi tới trường bắt gặp sạp hàng bói toán, chủ nhân của nó là một đạo sĩ trẻ tuổi thân vận đạo bào cũ kỹ đang ngồi tọa trấn ở sau cái bàn, trên đỉnh đầu đội cao quan có hình dạng trông như một đóa sen nở rộ.
Đạo nhân trẻ tuổi thấy thiếu niên đang rảo bước chạy qua liền vội vàng nói với theo: “Người trẻ tuổi, đã đi ngang thì đừng bỏ qua, tới rút cây xâm nào, bần đạo đoán giúp người một quẻ, có thể biết trước lành dữ phúc họa.”
Trần Bình An không dừng bước, chỉ quay đầu lại, vẫy vẫy tay.
Đạo nhân vẫn chưa từ bỏ ý đồ, rướn người về trước, gọi lớn: “Người trẻ tuổi, trước giờ bần đạo đoán xâm hộ người ta thì thu mười văn tiền, hôm nay phá lệ, chỉ thu ngươi ba văn tiền! Tất nhiên nếu rút được thẻ thượng, ngươi không ngại thêm cho ta chút tiền mừng, nếu vận tốt trúng đầu, là Thượng Thượng thẻ, thế thì bần đạo cũng chỉ thu của ngươi năm văn tiền, thấy thế nào hả?”
Thấy Trần Bình An ở phía xa xa rõ ràng thoáng dừng lại một chút, đạo nhân trẻ tuổi liền đứng bật dậy, tranh thủ rèn sắt lúc còn nóng, lại lớn giọng hô: “Vừa sáng sớm đó, ngươi là khách hàng đầu tiên nên bần đạo dứt khoát làm người tốt thì tốt đến cùng, chỉ cần ngươi ngồi xuống rút thẻ, thực không dám giấu, bần đạo sẽ ghi thêm cho một lá bùa giấy vàng, giúp ngươi cầu phúc cho tiên nhân(2), tích chút âm đức, không dám nói nhất định giúp người đầu thai mang số giàu sang, nhưng cũng có thể thêm một đôi phần phúc báo, chung quy vẫn là nên thử chút đó.”
Trần Bình An nghe thế ngẩn người, bụng nửa tin nửa ngờ xoay người bước trở lại, ngồi xuống ghế đặt trước sạp hàng.
Một đạo sĩ giản dị, một thiếu niên đang rét run, hai kẻ một lớn một nhỏ nhưng cùng cảnh bần hàn ngồi đối diện nhau.
Đạo nhân mỉm cười đưa tay ra, ý bảo thiếu niên cầm lấy ống thẻ.
Trần Bình An ngập ngừng một chút rồi đột nhiên đề nghị: “Ta không rút thẻ, ngươi viết giúp ta một lá bùa giấy vàng, thế có được không?”
Trong trí nhớ của Trần Bình An, vị Đạo gia trẻ tuổi này giống như khách dạo chơi tới nơi nay, sau đó liền ở lại trấn tới giờ cũng đã năm sáu năm, bộ dáng bên ngoài thế nhưng lại chẳng có thay đổi gì, đối với mọi người đều hì hì hà hà, hiền hậu chất phác. Việc y thường làm hàng ngày là nhìn tướng đoán mệnh, xem bói rút thăm, thỉnh thoảng còn viết thư nhà hộ, điểm thú vị nhất là, trong cái ống trúc đựng tới một trăm lẻ tám cây thăm kia, qua nhiều năm như vậy nhưng cả trai lẫn gái ở trấn này chưa ai rút ra được thẻ cao hơn thẻ Thượng, cũng chẳng có ai lắc ống ra một cây thẻ Hạ nào, tựa như cả một trăm lẻ tám thẻ đều là thẻ Trung, thẻ Thượng chứ chẳng có thẻ xấu vậy.
Vì thế nên nếu là ngày lễ ngày tết, đơn thuần là vì tốt bụng mà phát thường thì dân chúng trong trấn này cũng có thể chấp nhận việc tốn mười văn tiền, nhưng nếu thực sự gặp phải chuyện đau đầu, chắc chắn sẽ chẳng có ai tới đây phí tiền cả. Nhưng thế mà nói đạo sĩ này trước sau chỉ biết lừa gạt người khác thì cũng là oan cho y, trấn này lớn vậy, nếu một kẻ thực sự chỉ biết giả thần giả quỷ, lừa gạt chiếm lời thì sớm đã bị người ta đuổi đi rồi. Thế nên mới nói năng lực của vị đạo sĩ này khẳng định không chỉ có ở hai việc là xem tướng với đoán xâm. Thực tế, rất nhiều người bị cảm mạo ốm đau nhẹ, sau khi uống một chén nước tro phù của đạo nhân này thì liền nhanh chóng khỏi bênh, đúng là có phần linh nghiệm.
Đạo nhân trẻ tuổi lắc đầu, đáp: “Bần đạo làm việc không lừa già dối trẻ, đã nói đoán thẻ lẫn viết bùa, lấy ngươi năm văn tiền. ”
Trần Bình An nhỏ giọng phản bác: “Là ba văn tiền.”
Đạo nhân cười hặc hặc, đáp: “Vạn nhất rút ra thẻ Thượng Thượng, thế thì không chỉ là thu năm văn tiền nha.”
Trần Bình An quyết định xong liền thò tay định lấy ống thẻ, bỗng nhiên lại ngưng rồi ngẩng đầu hỏi: “Làm sao đạo trưởng biết trên người ta có vừa đúng năm văn tiền?”
Đạo nhân ngồi nghiêm chỉnh, đạo mạo giải thích: “Bần đạo xem phúc khí dày mỏng, tài lộc ít nhiều cho người ta luôn rất chuẩn.”
Trần Bình An thoáng suy nghĩ một chút rối cầm lấy ống thẻ kia.
Đạo nhân mỉm cười, nói tiếp: “Người trẻ tuổi, đừng khẩn trương, mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu(3), bình tâm mà đối đãi thế sự vô thường, ấy chính là cách vẹn toàn nhất.”
Trần Bình An đặt ống thẻ lại trên bàn, thần sắc trịnh trọng, hỏi: “Đạo trưởng, ta đưa cả năm văn tiền cho ngươi, cũng không rút thăm, chỉ mời đạo trưởng viết lá phù giấy vàng, viết khác bình thường chút, như thế có được không?”
Đạo nhân vui vẻ như thường, chỉ suy xét chút rồi gật đầu đáp: “Được.”
Trên bàn, mực nghiên giấy bút đã chuẩn bị đủ, đạo nhân cẩn thận hỏi tên tuổi, quê quán, ngày sinh của cha ma Trần Bình An, kế đó lấy một lá bùa màu vàng, đặt xuống rồi viết ngay không chút do dự, chỉ thoáng chốc đã viết xong.
Có điều, trên đó viết cái gì, Trần Bình An lại mù tịt.
Đạo nhân đặt bút xuống xong liền cầm lá phù lên, thổi thổi nét mực rồi dặn dò: “Sau khi cầm về nhà, ngươi đứng trong cửa, đốt lá phù ở ngoài cửa, như thế là được.”
Thiếu niên trịnh trọng đưa hai tay ra nhận lấy lá phù kia, cẩn thận từng li từng tí cất kỹ, sau cùng không quên đặt năm văn tiền lên bàn, cúi đầu cám ơn.
Đạo nhân trẻ tuổi phất phất tay, ý bảo hắn mau đi lo chuyện của bản thân.
Trần Bình An sải bước chạy đi giao bức thư cuối cùng.
Đạo nhân lười biếng ngửa lưng dựa lên ghê, liếc mắt nhìn đồng tiền rồi xoay người, thò tay bốc chúng về trước người.
Nhưng vào lúc này, một con hoàng tước nhỏ nhắn xinh đẹp từ trên cao bổ nhào xuống bàn, mổ nhẹ lên một đồng tiền, có điều nó thoáng cái đã hết hứng, lập tức vỗ cánh bay xa.
“Hoàng tước bắt đầu muốn ngậm hoa, Quân gia trồng hoa đào chẳng ra.”
Đạo nhân nhàn nhã niệm xong đôi câu thơ liền ra vẻ tiêu sái, vung nhẹ tay áo, giận dữ nói: “Mệnh trong tám thước, chớ cầu một trượng.”
Tay áo vừa vung ra, hai cây thăm bằng trúc liền từ tay áo rớt xuống mặt đất, đạo nhân liền kinh hô Ái úi!!! Một tiếng rồi rất nhanh vơ chúng lên, tiếp đó lại đưa mắt láo liên nhìn xung quanh, tới khi phát hiện không ai để ý chỗ y mới như trút được gánh nặng, đem cất hai cây thăm trúc kia vào tay áo rộng thùng thình.
Đạo nhân trẻ tuổi húng hắng một tiếng, mặt mũi nghiêm trang, thần thái ngưng trọng, tiếp tục ôm cây đợi thỏ chờ vị khách tiếp theo.
Y thầm than thở, quả nhiên là kiếm tiền từ mấy người đàn bà con gái vẫn dễ dàng hơn một chút.
Kỳ thực, hai cây thăm trúc trong tay áo y, một cái là thẻ Thượng Thượng, một cái là thẻ Hạ Hạ, cả hai đều là thứ để kiếm những món lớn của y đó, không thể để người người biết được.
Thiếu niên tất nhiên không biết những huyền cơ ảo diệu kia, giờ đang một đường nhẹ bước đi, thoáng chốc tới ngoài cửa trường tư thục nằm cạnh rừng trúc um tùm, cây lá xanh tươi.
Trần Binh An bước chậm lại, nghe từ trong có tiếng đàn ông trung niên trầm ấm vang lên: “Nhật xuất hữu diệu, cao cừu như nhu.(4)”
Tiếp đó lại có một tràng những tiếng trẻ em trong trẻo đồng thanh cất lên: “Nhật xuất hữu diệu, cao cừu như nhu.”
Trần Bình An ngẩng đầu nhìn lại, mặt trời mới mọc lên từ đàng Đông, huy hoàng mênh mông.
Thiếu niên suy nghĩ xuất thần.
Chờ khi hắn lấy lại tinh thần, đám trẻ nhỏ đang học vỡ lòng kia đang gật gù cái đầu, đọc trôi chảy một đoạn văn: “Kinh chập thì phân, thiên địa sinh phát, vạn vật thủy vinh. Dạ ngọa tảo hành, nghiễm bộ vu đình, quân tử hoãn hành, dĩ tiện sinh chí…(5)”
Trần Bình Anh đứng trước cửa trường, định gọi rồi lại thôi.
Nho sĩ trung niên tóc mai đã điểm bạc quay đầu nhìn lại, xong liền nhẹ nhàng bước ra khỏi lớp.
Trần Bình An hai tay cầm thư đưa ra, cung kính nói: “Đây là thư của tiên sinh.”
Nam nhân cao lớn thân vận thanh sam nhận lá thư xong, hiền hậu nói: “Về sau lúc rảnh, người có thể tới đây nhiều hơn để nghe giảng.”
Trần Bình An có chút khó xử, dù sao thì hắn cũng chưa chắc đã có thời gian tới nghe vị tiên sinh này giảng bài, từ chối thì bất nhã mà nói dối thì hắn lại không muốn.
Người đàn ông cười cười, thấu hiểu tâm tư của hắn, nói thêm: “Không sao, đạo lý đều ở trong sách, làm người lại ở ngoài sách. Người đi mau đi.”
Trần Bình An khẽ thở phào, cáo từ rời đi.
Thiếu niên sau khi chạy đi rất xa khỏi trường, không biết trời xui đất khiến thế nào lại quay đầu nhìn lại.
Chỉ thấy vị tiên sinh tới giờ vẫn đứng chỗ cửa ra vào, cả người chìm trong ánh mặt trời, từ xa nhìn lại, trông tựa như một vị thần nhân.
Chú giải:
1/ Hầm Đại Long: Các lò gốm thường có dạng kéo dài như con rồng vậy (không phải cao như lò gạch), hầm Đại Long là chỉ hầm lo lớn.
2/ Tiên nhân: Có nhiều cách hiểu, là tổ tiên, là bố mẹ đã mất của người nào đó.
3/ mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu: Số mệnh có thì cuối cùng sẽ có, nếu số mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Tựa như câu, thứ của ngươi thì sẽ là của ngươi, thứ không của người thì cố gắng cũng vô ích.
4/ Nhật xuất hữu diệu, cao cừu như nhu: Mặt trời chiếu rọi, lông cừu như nhung. Câu này có lẽ Phong Hỏa Hí Chư Hầu đang cho tiên sinh đọc bài Kinh Thi không rõ tên tác giả từ thời trước nhà Tần. Cả bài khá dài nếu đưa và giải nghĩa nên mình không tiện ghi thêm.
5/ Cả đoạn này giải nghĩa cơ bản là: Tiết Kinh Trập, trời đất sinh sôi, vạn vật đâm chồi nảy lộc. Đêm ngủ sớm, sáng dậy mau. Nơi phòng rộng rãi, quân tử chầm chậm bước, ngõ hầu sinh chí lớn…Câu này mình tra rất nhiều nhưng không thấy chỗ nào nói là do người đi trước sáng tác, vậy thì bội phục tác giả.