Ngày hôm sau người ta tìm thấy Nhung dưới chân núi gần nhà trọ.
“Chị Nhung ơi! Chị Nhung! Chị Nhung!”
Trong tiềm thức nửa mê nửa tỉnh cô nghe tiếng ai gọi mình.
Tiếng giục liên hồi cùng động tác lay làm Nhung từ từ mở mắt.
Động tác đầu tiên của cô là giơ cánh tay, thấy một chiếc ống được dẫn vào, trong trạng thái không rõ ràng còn thấy những thứ như bình oxy và vật dụng truyền dịch.
Cô nhìn qua, rơi vào tầm mắt là Bảo Châu thì liền khấp khởi trong lòng.
“Châu.” Nhung sờ lấy tay Bảo Châu.
“Em tỉnh rồi à.
Em thấy trong người thế nào?”
Hồng Nhung hạ mí mắt dừng lại ở nơi chàng trai đang đứng.
“Sao lại có anh ta ở đây?”
“Chị sao vậy? Anh ấy là người yêu chị mà.” Châu đứng bên nói.
“Đưa anh ta ra ngoài đi.” Cô ngoảnh mặt sang hướng khác như thể không muốn nhìn thấy người đó thêm phút giây nào nữa.
Bảo Châu nghe lời cô biểu anh ra ngoài.
Sau đó Châu đỡ Nhung ngồi dậy.
“Chị có thấy đau chỗ nào không? Nói em nghe.”
Nhung lắc đầu, trí nhớ dần dà sắp xếp lại các sự kiện mà cô đã trải qua trong giấc mơ.
“Sao tôi lại ở trong bệnh viện?”
“Buổi sáng người ta đi hái thuốc nhìn thấy chị ngất xỉu ở mé rừng nên họ đưa vào đây, rồi mới báo em hay, em chạy vào.
Trước đó cùng đi vệ sinh xong, lúc về không thấy chị ở phòng, gọi cũng không bắt máy, em tìm chị khắp nơi.”
Hồng Nhung cúi đầu, thần sắc phờ phạc: “Tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra… Đang nói chuyện thì không còn nghe tiếng em trả lời, gọi hoài cũng không nghe, nên tôi mới xông vô… Nhưng sau cánh cửa tự nhiên xuất hiện một nơi lạ lẫm.”
“Chị nói sao em không hiểu.
Nhưng người dân sống ở đó nói khu rừng đó không nên vào, hầu như từ xa xưa đã không ai bén chân tới.”
“Tại sao?”
“Nghe đồn đó là khu rừng ma đói, đã từng có người vào nhưng mãi không thấy về.
Rất may chị bị xỉu ở mép rừng chứ không thì giờ…”
Hồng Nhung sững sờ và kinh hãi trước một truyền thuyết mà mình chưa hề hay biết.
Dẫu có thật hay không thì cô đã gặp được Châu, cũng đã an toàn trở về.
Và đó chỉ là giấc mơ dài, do cô ngày đêm làm việc quá sức mà sức khỏe lao đao.
Hơn nữa Nhung là nhà văn nên chẳng lạ khi các ý tưởng liên tục được nảy ra vào ban ngày và điên cuồng diễn tập trong đầu, đến khi đêm đến chìm trong giấc ngủ chúng lại trở thành tình tiết của giấc mơ.
Có một điều lạ kì là không hiểu thế nào mà cô lại đi đến khu rừng.
“Chị đang suy nghĩ gì vậy? Chị đã xỉu năm ngày rồi, trong lúc đó bác sĩ có truyền dịch thức ăn cho chị.
Bây giờ chị có muốn ăn cái gì không?”
“Tôi đã xỉu năm ngày rồi à?” Nhung bàng hoàng.
“Vậy còn chuyến công tác sao rồi?”
“Để thủng thẳng em nói chị nghe, chị phải khỏe đã.”
Ở một nơi nào đó của phố thị, trong mảnh vườn trải rộng hàng ngàn héc ta xây lên một căn biệt thự màu trắng.
Đó là thế giới mà không một con người nào biết đến, cho tới khi chết.
Nó tồn tại đồng thời và ẩn nấp trong một không gian mà mắt thường không bao giờ nhìn thấy được.
Cũng là một nơi biết được số mệnh sinh tử của một người, quá khứ vị lai, đưa người chết đến dòng sông Vong Xuyên.
Ở giữa lộ, có chàng trai mang hình dáng con người cốt yêu đang tiến thẳng vào và mở cửa căn biệt thự.
Nhìn dáng vẻ bên ngoài là một tòa nhà kiến trúc hiện đại nhưng bên trong lại mang hơi thở của cổ điển.
Từ cánh cửa, gian phòng đến cả cái bàn mà người đàn bà ngồi.
Ở cạnh tường mấy kệ tủ xếp san sát nhau, sách từ mỏng đến dày sắp đều tăm tắp.
Cầu thang được xây theo lối vòng cung lớn, chỉ để bước lên để lấy sách.
“Hello bà già.” Thiên Huyền nửa tây nửa ta chào hỏi người ở bàn làm việc kia.
Người đàn bà tọa nơi ấy là em gái Diêm Vương – Đoạt Y Bà, nhìn thì trông như bốn mấy năm mươi, đã mang vẻ già dặn nhưng da vẫn còn căng bóng như thiếu nữ đôi mươi.
Tóc búi gọn sau ót, điểm trang một chút son chẳng cần cầu kỳ nhưng thần thái thoát ra từ trên trang phục đến dáng vóc lại vô cùng sang trọng.
Bà kéo cặp mắt kính lão để gác ở sóng mũi, liếc ánh mắt hình viên đạn ngắm thẳng tới Thiên Huyền.
“Tới rồi à?” Một người đàn ông ăn vận nhã nhặn lịch thiệp, ước chừng chưa qua sáu mươi, nhưng khi biết thọ mệnh thì đã quá ngàn năm, là chồng của Đoạt Y Bà, tục gọi Huyền Y Ông.
“Con hồ ly này, chẳng biết lễ tắc gì.” Răng bà cay nghiến như sắp sửa nhai nát Thiên Huyền tới nơi.
Tuy ngoài mặt hung dữ nhưng đối với con hồ ly này, bà chỉ đang răn đe, giống như cách mà người mẹ dạy dỗ đứa con.
Có lời đồn đại rằng, bà già cai quản dòng sông Vong Xuyên là một người hà khắc, không ai biết bà đang suy nghĩ gì, nội tâm biến động ra sao.
Kể cả cơ bản nhất là cử chỉ và thần thái cũng không thể đoán chính xác được..