Kiều Thê Bất Đắc Dĩ



Trời đổ mưa to liên tục suốt từ đêm ba mươi tháng tư cho tới rạng sáng mùng một tháng năm.

Lúc đó ở Đông Cung, ánh nến u ám, bóng người tịch liêu.

Thái tử vẻ vang năm nào giờ vẫn mặc trang phục màu vàng của Thái tử trên người nhưng lại ngồi buồn bực ngán ngẩm bên cửa sổ trong thư phòng ở điện phụ phía đông.

Dưới sàn nhà có trải một tấm thảm gấm dày đã mấy ngày nay không được ai quét dọn.

Không biết trong tay Thái tử đang cầm thứ gì mà ánh mắt thất thần nhìn ra cơn mưa to bên ngoài cửa sổ.

Giờ Tý, đồng hồ nước vang lên.

Thái tử phi đích thân bưng bát canh sâm đi vào điện, ngước mắt nhìn lên, trông thấy trượng phu ngồi uể oải trên nệm không nhúc nhích, bèn lặng lẽ tới gần.

Kể từ lúc xảy ra chuyện tới nay đã hơn nửa tháng.

Ngoài việc chuyển sang mặc cung phục màu trắng ra, thần sắc của Thái tử phi không khác trước là bao.

Bà ấy ngồi xuống, đặt bát canh sâm lên chiếc bàn nhỏ, ấm giọng gọi trượng phu:

“Điện hạ uống một chút canh sâm đi.”

Mặc dù Thái tử bị giam lỏng ở Đông Cung nhưng chuyện ăn uống hằng ngày vẫn được Yến Quý phi lo liệu chu đáo, tiếp tục đối đãi với Đông Cung theo lệ cũ.

Ánh mắt Thái tử mông lung, không có chút phản ứng nào.

Trong điện chỉ thắp một chiếc đèn dầu được chế tác từ bạc, cửa sổ mở rộng, gió thổi ánh nến lay lắt.

Nương theo ánh nến khi sáng khi tối, Thái tử phi trông thấy trong tay Thái tử có cầm một cuốn sách, tên sách là [Diêm Chính Đắc Thất*].

Nhìn thấy bốn chữ ấy, Thái tử phi đau lòng, lại giục:

“Đại lang, chàng húp một ngụm canh đi.” Tiếng “đại lang” này có phần nghẹn ngào.

*Diêm Chính Đắc Thất nghĩa là “Bàn về thành công và thất bại của chính sách muối”.

Cuối cùng Thái tử cũng có phản ứng, đôi mắt vô thần từ từ nhìn về phía Thái tử phi, trông thấy bờ mi của Thái tử phi đỏ hoe, lại ngẫm về tiếng “đại lang” này, trong lòng không khỏi buồn bã, quyển sách trong tay rơi xuống, ông ta nắm chặt cổ tay của thê tử:

“A Trinh, ta có lỗi với nàng.”

Ông ta đã làm Thái tử hơn ba mươi năm, những tưởng chỉ cần cố gắng nhẫn nại thêm một, hai năm nữa là sẽ lên ngôi, để thanh mai trúc mã không còn trẻ nhưng vẫn xinh đẹp, đoan trang của ông ta ngồi lên ghế quốc mẫu được người người kính ngưỡng.

Tiếc rằng ông ta đã thất bại trong gang tấc.

Thái tử phi nghe vậy lau nước mắt, lắc đầu đáp: “Phu thê chúng ta có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, ta không trách chàng.”


Chẳng qua là trong lòng thấy thất vọng mà thôi.

Thái tử càng thêm áy náy, nghĩ tới chuyện cả nhà phải xuống suối vàng với mình, Thái tử ân hận, nỗi buồn bã dâng lên cuồn cuộn, ông ta nhào vào ngực thê tử, nghẹn ngào không thôi.

“Ta không còn cách nào khác.

Tần Vương cứ áp sát từng bước một.

Ta vơ vét của cải vốn đâu phải để mình hưởng thụ.

Ta làm vậy là để cân bằng quan lại các nơi, mua chuộc lòng người....”

Thái tử phi ôm ông ta, cổ họng nghẹn lại, không biết phải vỗ về ông ta như thế nào.

Đúng lúc này, điện phụ phía tây vang lên tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt, hai phu thê không hẹn mà cùng ngoái đầu nhìn ra ngoài.

Đó là tiếng khóc của đích tôn vừa mới chào đời chưa được bao lâu.

Thái tử phi xem canh giờ, trấn an trượng phu mấy câu, sửa sang lại vạt áo cho ông ta như mọi lần rồi dịu dàng nói:

“Điện hạ đi nghỉ sớm đi, ta qua đó xem đứa bé thế nào.”

Thái tử phi đứng dậy, rời khỏi điện phụ phía đông, đi dọc theo hành lang dài dẫn sang phía đằng tây.

Mười mấy chiếc đèn cung đình nhỏ lắc lư trên đỉnh đầu, ánh đèn sặc sỡ nhiều màu soi sáng quanh người bà ấy là chút rực rỡ cuối cùng của tòa cung điện quạnh quẽ này.

Chợt một người đi vòng ra từ sau tấm bình phong trước cửa ra vào.

Người này chính là Hoàng trưởng tôn vừa tới thăm con xong ra về.

Hai mẫu tử bốn mắt nhìn nhau.

“Mẫu thân.” Hoàng trưởng tôn dằn cảm xúc chua xót trong lòng xuống, thi lễ với Thái tử phi.

Thái tử phi rảo bước tới bên cạnh Hoàng trưởng tôn, hỏi mấy câu chuyện phiếm rồi nói: “Càn Nhi, bên ngoài có không biết bao nhiêu người đang chờ xem kết cục của Đông Cung nhưng chúng ta không thể cứ ngồi chờ chết như thế này được, chúng ta phải nghĩ cách tự cứu lấy mình.”

Hoàng trưởng tôn thấy câu này của mẫu thân dường như có ngụ ý gì đó, biểu cảm lập tức nghiêm túc: “Mẫu thân có cách gì?”

Thái tử phi trìu mến vỗ vai Hoàng trưởng tôn, phóng tầm mắt nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ, hướng về phía điện phụ phía tây, trông thấy một cung nhân đang vừa bế vừa dỗ một đứa trẻ nằm trong chiếc tã lót màu đỏ, trước mặt cung nhân là Minh thị - nhi tức phụ của bà ấy - đang ngồi dựa người vào chiếc giường nhỏ, ánh mắt nhìn đứa trẻ nằm trong tã lót vô cùng trìu mến.

Tiếng khóc của đứa trẻ càng ngày càng dữ dội, tiếc là khuôn mặt đáng yêu bị khuất mất nên Thái tử phi không nhìn thấy được.

Thái tử phi tiếc nuối dời tầm mắt, nhìn vào gò má của nhi tử:

“Nhớ chăm sóc thật tốt cho phụ thân của con lẫn thê tử và con của con.”

Hoàng trưởng tôn nghe vậy bất giác căng thẳng: “Mẫu thân định làm gì vậy?”


Thái tử phi nhìn xuyên qua ánh đèn, hướng tầm mắt về phía màn mưa dày đặc, giọng điệu đầy kiên quyết: “Ta muốn đi cầu xin bệ hạ.”

Hoàng trưởng tôn sững sờ: “Bệ hạ đã phong tỏa Đông Cung, mẫu thân định đi như thế nào? Ngay cả phụ thân mà bệ hạ cũng không chịu gặp, sao bệ hạ lại chịu nghe mẫu thân chứ.”

Thái tử phi không trả lời, chỉ gọi nữ tỳ theo hầu khoác chiếc áo choàng đã chuẩn bị sẵn lên người mình rồi rảo bước đi ra ngoài.

Hoàng trưởng tôn thấy biểu cảm của bà ấy kiên quyết như thể thấy chết không sờn, trái tim bỗng thắt lại, hắn ta cuống cuồng chạy vội lên trước, đứng chắn trước mặt Thái tử phi: “Mẹ, nhi tử không cho người đi, nếu phải đi thì hãy để nhi tử đi.”

Thái tử phi lắc đầu, nghiêm túc nói: “Con đi không có tác dụng.

Ngoài ta ra, không ai làm được cả.

Con tin ta đi, cứ ở yên trong Đông Cung chăm sóc cả nhà, những chuyện còn lại hãy giao cho ta.”

Nói xong lời này, Thái tử phi không nói thêm gì nữa, đi thẳng vào trong cơn mưa, đầu không ngoảnh lại.

Nước mắt làm nhòe tầm mắt của Hoàng trưởng tôn, thân thể hắn ta lảo đảo lùi lại, va vào song cửa sổ.

Cung nhân đã hầu hạ Thái tử phi nhiều năm nhìn theo bóng lưng quyết tuyệt của bà ấy, quỳ phịch xuống đất, bật khóc nức nở.

Thái tử phi đi ra tới cửa Đông Cung, thủ vệ lập tức ngăn lại.

Thái tử phi bình tĩnh hỏi người này:

“Các lão trực ban hôm nay là ai?”

Thủ vệ mặc áo giáp đưa tay hành lễ: “Hộ bộ Thị lang Tuần Các lão.”

Thái tử phi thở phào, đưa tấm kim bài trong tay cho thủ vệ:

“Báo với ông ấy là bản cung muốn xuất cung.”

Bà ấy đã lên kế hoạch này trong nhiều ngày, chờ tới rạng sáng mùng một tháng năm hôm nay, trời mưa to…

Bầu trời đen ngòm như thể bị cứa rách một đường, nước trút xuống như Ngân hà chảy ngược.

Thị vệ đứng gác ở Ngọ môn ngáp một cái dưới ánh đèn vàng, đứng dựa người vào cây cột trụ ở hành lang của thành lâu, ngẩn người nhìn phía trước.

Mưa rất to, ánh đèn từ Phụng Thiên môn ở đằng xa cũng trở nên mờ ảo.

Thị vệ đang gà gật thì đột nhiên trước mắt xuất hiện một chấm trắng.

Chấm trắng ấy to dần lên.

Tới khi tay thị vệ tập trung nhìn kĩ thì mới thấy rõ đó là một người.


Người này mặc váy trắng, không đeo trâm cài, khuyên tai, quỳ gối trên cầu đá bạch ngọc xây trước Ngọ môn.

Thị vệ giật mình, vội vàng xuống dưới thành lâu, đội mưa chạy về phía trước.

Thái tử phi đã quỳ hơn một canh giờ dưới mưa.

Thị vệ nhận ra bà ấy, sợ bà ấy xảy ra chuyện, vội vàng cầm ô tới che cho bà ấy.

Tiếc là chẳng ích gì, toàn thân Thái tử phi ướt đẫm, lạnh run cầm cập nhưng bà ấy vẫn quỳ thẳng lưng, không nhúc nhích, máu chảy ra từ đầu gối, trôi theo cầu đá xuống dưới.

Mấy chục thị vệ ở Ngọ môn đều xúc động.

Mãi tới giờ mão một khắc buổi sáng, cửa thành mở ra, các triều thần mặc quan bào lục tục đi ngang qua con đường trước Ngọ môn, còn chưa kịp cảm khái hôm nay mưa to thì đã nghe thấy một giọng nữ hùng hồn vang lên từ trên cầu đá bạch ngọc:

“Thái tử đương nhiên có tội nhưng tội của thiếp càng lớn hơn.

Thái tử mười sáu tuổi nghênh thiếp làm thê tử, thiếp không giỏi nữ công, không biết chuyện bếp núc, chưa từng may y phục cho Thái tử, cũng chưa từng nấu cho Thái tử một bát cháo nào.

Thái tử thức khuya dậy sớm, phụng thị đế cung, thiếp là thê tử nhưng không thể phân ưu, đấy là tội thứ nhất.”

“Thái tử hai mươi tuổi bắt đầu phụ bệ hạ việc triều chính, trên nhận ơn trời, dưới mở đường cho lục bộ, tuy không dám nhận là người tài đức nhưng vẫn xứng với hai chữ cần cù.

Thế nhưng Thái tử sống lâu trong thâm cung mà bỏ bê chuyện cai trị đất nước, được an nhàn lại quên lúc nguy nan, thiếp thân là thê tử lại không dốc lòng khuyên ngăn, cấm đoán, sửa chữa, đó là tội thứ hai.”

“...”

Mỗi câu Thái tử phi nói đều được cung nhân truyền lời lại vào trong Phụng Thiên điện không sót một chữ.

Lúc đó Hoàng đế vừa mới dậy, nghe vậy khoác áo ngủ, lật đật bước tới bên cửa sổ, cách màn mưa mù mịt mênh mang nhìn về phía Ngọ môn xa xa như thể nhìn thấy một phụ nhân đoan trang, nhu mì đang đứng dưới mưa mỉm cười với mình.

Thái tử phi không giỏi nữ công cũng không biết nấu nướng nhưng Tiên hoàng hậu hiền lành đoan trang không chỉ tự tay may y phục cho Hoàng đế mà bữa khuya hằng ngày của Hoàng đế cũng không cần phải nhờ tới tay kẻ khác.

Thái tử phi tự luận tội mình nhưng kỳ thực là muốn nói Thái tử không có mẹ thương, nếu như Hoàng hậu Chương Hiếu Tuệ nổi tiếng hiền huệ vẫn còn tại thế thì liệu Thái tử có như vậy chăng? Hoàng đế liệu có phế truất Thái tử chăng?

Từng chữ Thái tử phi nói như dao cứa vào tim Hoàng đế.

Vị Hoàng đế già vịn tay vào chiếc bàn dài, vuốt ve chiếc áo cũ mà vong thể để lại, không khỏi lã chã rơi lệ.

*

Trời đổ mưa tầm tã suốt từ sáng sớm tinh mơ khiến lao ngục của Đại lý tự gặp họa.

Nhà lao nằm ở vùng đất trũng phía nam, nước mưa tràn ra khỏi giếng, chảy ngược ra ngoài, hàng loạt nhà lao bị nhấn chìm trong nước, đám phạm nhân bị nhốt bên trong la hét ầm ĩ, bọn ngục tốt phải vội vàng giữ trật tự.

Nước lụt càng ngày càng sâu, ngục tốt đành gọi thị vệ đứng gác bên ngoài vào hỗ trợ thoát nước, vất vả mãi mới thoát được nước ra ngoài, tới lúc kiểm đếm tù nhân mới bất ngờ phát hiện ra Hồ Thiên Ý - nhân chứng quan trọng trong vụ án Thái tử, đã “chết đuối”.

Vụ án này không thể khinh suất, ngục tốt lập tức báo cáo cho Đại lý Tự khanh Lưu Chiếu.

Lưu Chiếu sợ giật nảy mình, vội vàng báo tin cho phủ Tần Vương và Hình bộ.

Hình bộ Thượng thư Tiêu Ngự đang lo không có chỗ xuống tay, nghe được tin này lập tức quả quyết định tội vụ án Thái tử.

Thái tử quả thực bị kết tội cất trữ binh khí nhưng không bị hiềm nghi cấu kết với địch bán nước.

Tần Vương tức chết đi được.


Lại thêm chuyện Thái tử phi rút bỏ trâm cài, thỉnh tội ở Ngọ môn, đòi tự vẫn tạ tội để cứu tướng sĩ, dưới tác động của nhiều chuyện như vậy, Hoàng đế rút kinh nghiệm xương máu, lập tức hạ chỉ trên triều, phế truất Thái tử, biếm làm thứ dân, cả nhà bị sung quân tới Phiên Ngu*, mãi mãi không được về lại Kinh thành.

*Phiên Ngu là một vùng đất ở phía nam Trung Quốc, nay thuộc Quảng Châu.

Ngày Thái tử rời kinh, Hoàng đế triệu kiến ông ta tại Ngọc Khê cung nơi Tiên hoàng hậu từng ở.

Lúc đó ánh nắng mặt trời mới mọc ấm áp, hắt nghiêng một chùm sáng vào trong nhà, vắt ngang trước mặt hai phụ tử.

Hoàng đế ngồi trên ghế, đổ người về phía trước, tay tì lên đầu gối, nhìn Thái tử, hỏi:

“Giờ ngươi có thể nói chân tướng cho trẫm rồi.”

Thái tử quỳ gối trước mặt Hoàng đế, nước mắt giàn giụa:

“Thưa phụ hoàng, đúng là nhi tử có nhúng tay vào chuyện buôn bán diêm tiêu, thương hộ Hồ Thiên Ý kia đúng là người của nhi tử nhưng nhi tử không hề có ý hại phụ hoàng.

Hồ Thiên Ý phản bội nhi tử, đổi mấy xe tơ lụa nhi tử cần thành diêm tiêu rồi vận chuyển chúng tới chùa Từ Ân.”

Những bằng chứng về việc tiến cống cho Thái tử mấy năm nay mà Hồ Thiên Ý trình ra khiến không ai hoài nghi lời khai của Hồ Thiên Ý là giả.

Đương nhiên Thái tử biết rõ là Tần Vương đã dùng người nhà của Hồ Thiên Ý để uy hiếp Hồ Thiên Ý phải cắn Thái tử.

Dù hiện tại nói những chuyện này cũng chẳng để làm gì nhưng ông ta vẫn nói ra, cốt là vì không muốn cho Tần Vương được vui vẻ.

Ai là người đã thu mua Hồ Thiên Ý? Chuyện này quá rõ ràng.

Hoàng đế nghe vậy, đôi mắt đen xám nheo lại, chỉ ồ một tiếng, không nói gì nữa.

Thái tử lấy hết can đảm ngước mắt nhìn phụ thân, rưng rưng nghẹn ngào: “Cha...”

Tiếng gọi cha khiến vị Hoàng đế già hoàn hồn.

Cảnh tượng ngày xưa Thái tử hầu hạ bên mình hiện ra rõ ràng trước mắt, ánh mắt Hoàng đế nhìn con mình đầy phức tạp.

“Ngươi có biết vì sao trước đây trẫm không gặp ngươi không?”

Thái tử nghe vậy vô cùng đau khổ, cúi thấp đầu xuống, cắn răng nói từng chữ: “Bệ hạ cảm thấy thần không gánh nổi trọng trách…” Cho nên bỏ mặc cho tam ti tra án.

Trong lòng Thái tử vẫn còn một câu không nói ra: Một người là Thái tử được hô to vạn tuế, một người là Đô đốc đương triều nắm binh quyền lớn trong tay, đương nhiên Hoàng đế phải kiêng dè bọn họ.

“Vậy ngươi có biết vì sao hôm nay trẫm gặp ngươi không?”

Thái tử bỗng ngẩng mặt lên, lộ ra khuôn mặt giàn giụa nước mắt, mấp máy khóe môi, bịn rịn nhìn Hoàng đế:”Phụ hoàng muốn tha mạng cho nhi tử.”

Hoàng đế nhắm mắt lại, thở dài: “Ngươi biết thì tốt, lần này đi Phiên Ngu nhớ đối xử tốt với thê tử của ngươi.”

Tuy Tần Vương tiếc nuối vì không giết được Thái tử nhưng biết tin Thái tử sắp tới Phiên Ngu xa xôi, ông ta vẫn giảm bớt đề phòng.

Một mai khi ông ta đăng cơ trở thành Đế vương thì việc kiếm đại một cái cớ nào đó để xử tử Thái tử không phải là chuyện khó.

Chuyện đau đầu trước mắt là Hữu Đô đốc Dương Khang.

Dương Khang nổi tiếng hung dữ, căm ghét cái ác, nếu như để Dương Khang sống sót thì chưa biết chừng sau này sẽ ngáng chân ông ta, trở thành một mối hiểm họa lớn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận