Nói về Thường Trĩ Tiết, gia cảnh rất túng bấn, căn nhà đang ở là nhà thuê, lại bị chủ nhà thôi thúc tiền xong.
Trong thời gian Tây Môn Khánh đi Đông Kinh, Trĩ Tiết ngày nào cũng thăm dò xem Tây Môn Khánh đã về chưa để đến hỏi vay tiền.
Đến khi biết Tây Môn Khánh đã về thì Trĩ Tiết khẩn khoản nhờ Bá Tước dẫn tới để vay tiền, nhưng Tây Môn Khánh lại hẹn lần hẹn lữa.
Đã không vay được tiền, về nhà lại bị vợ trách:
- Chàng là thân nam tử, đại trượng phu mà không có nổi căn nhà để ở, đến nỗi phải lo buồn khổ sở như thế này.
Ngày thường chàng cứ khoe là anh em bạn bè với Tây Môn đại nhân mà bây giờ không nhờ vả gì được, rõ thật không biết xấu hổ.
Trĩ Tiết nín lặng, không nói được lời nào.
Hôm sau Trĩ Tiết tìm Bá Tước, rủ tới một quán rượu mời Bá Tước vài chung.
Bá Tước nói:
- Tôi đã giúp được gì đâu mà dám uống rượu.
Trĩ Tiết cứ kéo Bá Tước ngồi xuống.
Tửu bảo đem rượu ra.
Trĩ Tiết gọi thêm vài dĩa thịt cá, mời Bá Tước ăn uống.
Rượu được vài tuần.
Trĩ Tiết rầu rĩ nói:
- Mấy hôm nay đệ muốn phiền nhị ca một lần nữa, tới nói giùm với Tây Môn Đại quan nhân giúp đệ ít tiền.
Chủ nhà thúc bách dữ quá mà không biết làm sao.
Cả đêm qua lại bị tiện nội kèo nhèo nhức óc.
Bây giờ lại phiền nhị ca dẫn đệ tới diện kiến Tây Môn Đại quan nhân rồi nói giúp đệ vài câu, nhị ca nghĩ thế nào?
Bá Tước bảo:
- Đã giúp thì phải hết lòng, được rồi, hôm nay tôi sẽ nói với Đại quan nhân giùm cho.
Hai người ăn uống trò chuyện một lúc thì Bá Tước nói là sáng sớm không uống được nhiều.
Trĩ Tiết ép vài chung nữa rồi gọi tửu bảo tính tiền rượu thịt.
Sau đó hai người kéo nhau tới nhà Tây Môn Khánh.
Lúc này là buổi đầu thu, heo may lành lạnh, Tây Môn Khánh say sưa mấy ngày liền, thấy tinh thần giảm sút đôi phần nên muốn nằm nhà nghỉ ngơi.
Chu thái giám mời dự tiệc cũng từ chối, chỉ quanh quẩn trong hoa viên, cùng thê thϊếp dạo chơi ngắm cảnh, đi dưỡng tinh thần.
Bá Tước và Trĩ Tiết tới hỏi, biết là Tây Môn Khánh có nhà thì mừng lắm, bèn vào đại sảnh ngồi chờ, nhưng chờ mãi mà không thấy Tây Môn Khánh ra, mãi sau thấy Thư Đồng và Họa Đồng khiêng hai rương đầy lụa và vải vóc vào nghỉ trước thềm đại sảnh.
Bá Tước liền bước ra hỏi:
- Gia gia ngươi ở đâu?
Thư Đồng đáp:
- Gia gia tôi đang dạo chơi trong hoa viên.
Bá Tước bảo:
- Phiền ngươi vào nói giùm một câu là có chúng tôi đang đợi.
Thư Đồng uể oải đứng dậy, lát sau trở lại nói:
- Gia gia tôi xin nhị vị ngồi chờ một chút, gia gia tôi sẽ ra.
Hai người lại ngồi chờ một lúc thật lâu mới thấy Tây Môn Khánh bước ra, vội đứng dậy vái chào.
Tây Môn Khánh mời hai người ngồi.
Bá Tước hỏi:
- Nghe nói mấy hôm nay đại ca bận rộn tiệc tùng nhiều nơi, hôm nay sao lại rảnh rang ở nhà vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
- Chính vì mấy hôm nay tiệc tùng liên miên, uống nhiều rượu quá, chẳng lúc nào tỉnh, thấy tinh thần mệt mỏi nên nằm nhà nghỉ ngơi, Chu thái giám có cho mời dự tiệc nhưng tôi cũng từ chối.
Bá Tước lại hỏi:
- Mấy rương quần áo vải lụa mới đem vào hồi nãy là ở đâu tới vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
- Thấy trời đã sang thu nên trong nhà ai cũng phải may thêm quần áo để mặc mùa thu.
Hai rương vừa rồi là của đại nương tôi, nhưng cũng mới chỉ may xong có một nửa.
Trĩ Tiết lè lưỡi:
- Quần áo mặc mùa thu của một người mà như vậy còn chưa đủ thì quần áo của sáu phòng trong nhà phải nhiều tới đâu.
Gia đình khác, một xấp vải cũng khó kiếm.
Đại ca quả xứng đáng là một tay cự phú gia địch quốc.
Ba người cùng cười, Bá Tước hỏi:
- Hàng hóa của đại ca ở Hàng Châu đã về tới chưa? Còn Lý Tam và Hoàng Tứ đã đem bạc đến trả cho đại ca chưa?
Tây Môn Khánh đáp:
- Hàng hóa không biết là đang chở tới đâu mà chẳng thấy thư từ báo tin gì cả, thôi thì mặc kệ, lúc nào tới thì tới.
Còn Lý Tam và Hoàng Tứ thì khất đến sang tháng mới trả tiền.
Bá Tước hơi nhỏm người tới mà nói:
- Thường nhị ca đây hôm nọ có thưa chuyện, nhờ đại ca giúp đỡ.
Nay thì chủ nhà hối thúc dữ quá.
Bây giờ Thường nhị tẩu lại cằn nhằn than thở không thôi.
Bây giờ thu về rồi, trời lạnh mà quần áo của Thường nhị ca còn nằm cả ở tiệm cầm đồ, do đó Thường nhị ca khẩn khoản nhờ tôi dẫn tới đây, xin đại ca gia ơn mà cứu giúp cho khỏi lúc khó khăn này.
Tây Môn Khánh nói:
- Việc đó thì tôi có hứa rồi.
Nhưng sau khi ở Đông Kinh về, tôi phí tổn nhiều quá, mà trong nhà không sẵn, phải đợi Hàn quản lý chở hàng về mới có tiền, ngờ đâu Thường nhị ca lại gấp như vậy.
Bá Tước nói:
- Chẳng những công việc của Thường nhị ca gấp rút, mà còn vì bà chị ở nhà than thở cằn nhằn sốt ruột lắm, cho nên đại ca giúp giùm cho thì quý hóa lắm.
Tây Môn Khánh do dự một lúc rồi hỏi:
- Bây giờ cần một ngôi nhà thế nào thì ở được?
Bá Tước đáp:
- Có hai vợ chồng thì chỉ cần một ngôi nhà nho nhỏ, gồm một phòng khách một phòng ngủ, một phòng chứa đồ đạc và một gian bếp, như vây chừng bốn gian là đủ ở.
Giá cả một ngôi nhà như vậy chỉ chừng ba bốn chục lạng bạc, đối với đại ca thì chẳng nghĩa lý gì, đại ca giúp cho thì thật ơn ấy Thường nhị ca đây ghi nhớ suốt đời.
Tây Môn Khánh bảo:
- Bây giờ hãy tạm cầm ít bạc vụn để sắm sửa trong nhà, chuộc lại áo quần mà mặc, đưa cho chủ nhà ít tiền cho họ tạm êm đi, rồi lúc nào tìm được căn nhà vừa ý, tôi sẽ đưa tiền, vậy được chăng?
Hai người nghe vậy thì hết lời cảm tạ.
Trĩ Tiết ấp úng:
- Thật làm đại ca phí tâm quá.
Tây Môn Khánh quay lại bảo Thư Đồng:
- Vào thưa với đại nương, lấy túi bạc vụn để trong rương ra đây.
Thư Đồng vâng lời vào ngay.
Lát sau trở ra đưa gói bạc cho chủ.
Tây Môn Khánh bảo Thường Trĩ Tiết:
- Túi bạc vụn này là do Thái sư bữa trước thưởng cho tôi tại Đông Kinh, bây giờ cũng còn được mười hai lạng, nhị ca cầm tạm mà chi dùng.
Nói xong lại mở túi bạc ra cho Trĩ Tiết coi rồi đưa cho Trĩ Tiết.
Trĩ Tiết đỡ lấy túi bạc rồi đứng dậy vái tạ.
Tây Môn Khánh bảo:
- Mấy hôm nay không phải là tôi cố ý chậm trễ không cho nhị ca vay tiền, nhưng vì nhị ca chưa tìm được nhà nên tôi còn đợi đó thôi.
Nhị ca cứ tìm nhà đi, tự khắc có tiền cho nhị ca.
Trĩ Tiết không biết nói gì, chỉ lật đật đứng dậy vái tạ.
Ba người lại ngồi uống trà nói chuyện.
Bá Tước nói:
- Ở đời, những người khinh tài trọng nghĩa thì ngày càng có thêm tiền bạc, mà con cháu sau này thế nào cũng vinh hiển.
Trái lại những người biển lận keo kiệt, hà tiện từng đồng từng xu thì bây giờ có của thật đó nhưng sau này con cháu chẳng ra gì, mà cả mồ mả tổ tiên cũng chưa chắc giữ được, thế mới biết đạo trời thật chí công vậy.
Tây Môn Khánh nói:
- Nhị ca nói đúng, trời sinh ra bấy nhiêu của cải, người này tích trữ thì người kia thiếu hụt.
Cho nên bo bo giữ tiền thì quả là có tội.
Lát sau Thư Đồng dọn cơm rượu ra.
Tây Môn Khánh mời hai người cùng ăn uống.
Khi đã no say, Trĩ Tiết mới đứng dậy cáo từ, sau khi đã hết lời cảm tạ.
Vừa về tới nhà đã thấy vợ đang làm ầm lên:
- Ngô đồng rụng lá rồi, trời trở lạnh mà đi đâu mất mặt cả ngày, để tôi đói lạnh một mình ở nhà như thế này hay sao? Bây giờ mò về mặt mày lại còn hí hửng, thật không biết xấu hổ.
Nhà cửa thì không có để vợ chồng chui ra chui vào, để người ta chửi lên đầu lên cổ.
Người ta chửi thì có mình tôi ở nhà nghe mà thôi.
Trĩ Tiết im lặng, mặc cho vợ cằn nhằn xỉ vả, mãi sau mới từ từ lấy túi bạc trong mình ra để trên bàn rồi chỉ vào túi bạc mà nói:
- Bạc ơi, bạc ơi, sao mày lấp lánh thế này? Mày quả là quí nhất trên đời.
Nếu mày đến với tao sớm hơn một chút nữa thì đâu có chuyện con dâʍ phụ kia mồm năm miệng mười như thế này.
Người vợ sửng sốt nhìn túi bạc, trong lòng đoán là cũng phải tới mười hai mười ba lạng, bèn sà tới thò tay mân mê túi bạc.
Trĩ Tiết bảo:
- Nàng chỉ quen thói chua ngoa chửi chồng, nay thấy bạc thì sán lại.
Tôi nói thật, với số bạc này, tôi sẽ may quần áo mặc cho lành lặn rồi đi nơi khác sống cho qua ngày chứ không ở với nàng nữa đâu.
Người vợ cười toe toét hỏi:
- Chàng ơi, sao chàng lại nói vậy? Số bạc này ở đâu đây?
Trĩ Tiết không thèm nói gì.
Người vợ lại nhích tới hỏi:
- Chàng ơi, lẽ nào chàng giận tôi? Tại tôi thấy nhà túng thiếu nên mới buồn bực đấy thôi.
Tôi dẫu sao cũng chỉ là đàn bà, tránh sao được những điều sơ thất.
Chàng mà giận tôi thì giận cả đời hay sao? Bây giờ có tiền bạc thì vợ chồng phải bàn tính cho đàng hoàng chứ lại giận nhau là thế nào?
Trĩ Tiết vẫn im lặng.
Người vợ lại nói ngon nói ngọt một hồi.
Trĩ Tiết vẫn không thèm để ý.
Người vợ thấy vậy hổ thẹn, im lặng mà khóc, Trĩ Tiết thở dài:
- Đàn bà không cày cấy, không tầm tang, chỉ giỏi chửi chồng mà thôi.
Người vợ cứ ngồi yên mà khóc.
Hai vợ chồng cứ yên lặng.Thời gian nặng nề trôi qua, Trĩ Tiết nghĩ thầm:
- Đàn bà thật tệ, mới cực khổ đôi chút đã oán chồng.
Nay mình có tiền mà không ngó ngàng gì tới vợ thì mang tiếng bạc tình, mà Đại quan nhân biết thì lại phiền trách.
Nghĩ xong bèn bảo vợ:
- Tôi chẳng giận gì nàng cả, có điều là nàng cằn nhằn mắng chửi tôi thì tôi muốn đi nơi khác sống mà thôi.
Bây giờ tôi nói thật, sáng nay tôi phải mời Ứng nhị ca ra quán uống rượu rồi nhờ nhị ca dẫn tôi đến năn nỉ với Tây Môn Đại quan nhân.
May là Đại quan nhân từ chối, không đi dự tiệc nên mới có nhà, Ứng nhị ca nói khéo một hồi, Đại quan nhân mới cho ít bạc này.
Đại quan nhân còn hứa là hễ mình tìm được nhà thì Đại quan nhân sẽ đưa tiền cho mà mua, còn số bạc mười hai lạng này thì để chi dùng tạm trong nhà.
Người vợ bảo:
- Thì ra là của Tây Môn Đại quan nhân cho chàng, thôi thế cũng mừng.
Bây giờ có tiền thì phải lo quần áo lạnh để vợ chồng khỏi chết rét mùa đông đã.
Trĩ Tiết nói:
- Tôi cũng đang tính bàn với nàng đây, số bạc này trước hết mình lo quần áo lạnh, rồi sắm sửa ít đồ đạc để đến khi dọn nhà có đồ đạc mà dùng.
Thật ơn của đại quân nhân lớn lắm, chừng nào có nhà mới, vợ chồng mình phải mời Đại quan nhân tới uống chén rượu để tạ ơn mới được.
Vợ Trĩ Tiết bảo:
- Thì tới lúc đó mình sẽ tính sau.
Vợ chồng bàn tán một hồi, người vợ hỏi:
- Chàng đã ăn cơm chưa?
Trĩ Tiết đáp:
- Ăn uống no say tại nhà Đại quan nhân rồi, nếu nàng đói thì lấy tiền mua gạo về mà nấu cơm.
Người vợ bảo:
- Có tiền cũng phải dè sẻn một chút.
Chàng ở nhà, đợi tôi nhé.
Trong lúc vợ đi mua gạo thì Trĩ Tiết cũng chạy ra phố mua một miếng thịt bê lớn đem về.
Người vợ đã về trước, thấy vậy liền trách:
- Trời ơi, mua thịt làm gì?
Trĩ Tiết cười:
- Nàng cực khổ bấy lâu nay, hôm nay có tiền, tôi mua thịt về đãi nàng đó.
Người vợ dí một ngón tay vào trán chồng:
- Đồ quỷ chàng mà có thương gì đến tôi?
Trĩ Tiết cười:
- Thương hay không thì không biết, nhưng nếu sau này hết tiền thì nàng đói tôi cũng mặc kệ.
Người vợ cười khanh khách đi vào bếp làm cơm.
Lát sau trở ra gọi :
- Chàng ơi vào xơi cơm với tôi.
Trĩ Tiết đáp:
- Tôi vừa ăn no xong, đâu có ăn được nữa? Nàng đói gần chết, sao không ăn đi, còn làm bộ mời mọc.
Trong khi vợ ăn cơm thì Trĩ Tiết ra ngoài phố mua quần áo.
Đi khắp các cửa tiệm chẳng có thứ nào hoàn toàn vừa ý, đành mua một cái áo ấm đàn bà lót lụa xanh, một ái quần màu lục, một cái áo ngắn màu lam, một cái áo bằng sa hồng, một cái quần bằng lụa bạch.
Những thứ đó là mua cho vợ.
Trĩ Tiết cũng mua cho mình ít quần áo và chuộc lại những quần áo đã đem cầm.
Tốn tất cả khoảng năm sáu tiền.
Quần áo gói thành một gói lớn, đem về đưa cho vợ coi.
Người vợ rũ tung hết ra coi từng món rồi hỏi :
- Mua bao nhiêu tiền mà nhiều thế này?
Trĩ Tiết cười:
- Cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Người vợ nói:
- Chàng mua chắc không được rẻ.
Còn bao nhiêu bạc thì phải cất vào rương, để ngày mai mua sắm đồ đạc trong nhà.
Vợ chồng lại bàn tính một hồi nữa.
Trong khi đó, sau khi Trĩ riết ra về, Tây Môn Khánh và Bá Tước tiếp tục trò chuyện.
Tây Môn Khánh nói:
- Tôi tuy chỉ là một chức võ quan, nhưng mọi người tai mắt trong ngoài thành này đều là chỗ quen biết.
Gần đây, sau khi được nhận làm môn hạ của Thái sư thì khách khứa lại càng tới lui tấp nập chẳng lúc nào ngớt.
Công việc giao dịch thù tiếp thật là bận rộn và mệt nhọc, do đó tôi muốn tìm một người có chữ nghĩa để giúp tôi việc viết lách thư từ và các loại thiệp, nhưng chẳng biết ai là người có khả năng, nhị ca biết thì chỉ giùm tôi.
Bá Tước nói:
- Việc chọn một người như vậy không phải dễ dàng như đại ca nghĩ đâu.
Người đó chẳng những có tài học, mà còn phải có nhân phẩm, lại cũng cần có tướng mạo dễ coi, như vậy mới giúp đỡ đại ca được nhiều.
Nếu chỉ chọn người có tài học không thôi thì sau này kẻ đó quen việc, trở chứng làm phản rồi biết làm sao? Hiện tôi có người bạn xuất thân tú tài, nhưng thi cử nhiều lần mà không đậu được cái Cử nhân.
Tài học của người này quả có uyên bác, chỉ vì con đường công danh kém may mắn mất thôi.
Về nhân phẩm thì quả là xứng đáng làm môn đệ Khổng Mạnh.
Người đó và tôi là chỗ anh em thông gia, đi lại rất thân thiết.
Tuy không may mắn công danh, nhưng gia tư cũng có khoảng trăm mẫu ruộng.
Gần đây vì sa sút nên bán dần bán mòn hết.
Tây Môn Khánh hỏi:
- Gia đình người đó thế nào?
Bá Tước đáp:
- Người vợ chỉ ngoài hai mươi, nhan sắc cực kỳ diễm lệ, có hai đứa con khoảng ba bốn tuổi, nhưng một đứa thì bị bệnh mà chết.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
- Người đó họ gì?
Bá Tước đáp:
- Họ Thủy, tài học của người đó quả khó ai bì kịp, nếu đại ca chịu dùng thì chẳng những viết lách giao thiệp, mà còn giúp đại ca làm thơ phú văn chương, có phải người đời sẽ khen Tây Môn Đại quan nhân là người tài cao học rộng hay không.
Tây Môn Khánh cười:
- Người đó có tài văn thơ, vậy đã làm được bài văn bài thơ nào hay không? Nhị ca là chỗ thân tình của người đó thì có nhớ được bài nào không? Đọc thử lên tôi nghe xem sao.
Bá Tước nói:
- Văn tài người đó quả vô song, người đó vẫn nhờ tôi kiếm cho một người chủ tốt mà hầu hạ, tôi thấy không ai hơn đại ca.
Văn thơ thì người đó làm nhiều lắm.
Tôi có đọc nhưng không thuộc được, chỉ nhớ được lá thư mà người đó viết cho tôi, thư viết như thế này:
Thư gửi Ứng ca.
Tuy rằng ở xa.
Nhưng vẫn một lòng nhớ thương quý mến.
Thăm nhị ca được luôn luôn khang kiện,
Nhờ giúp cho chút ít phương tiện,
Thư nói không hết lời.
Đầy giấy chỉ toàn như khói mây thôi.
Tây Môn Khánh cười ha hả:
- Đã nhờ nhị ca tìm công ăn việc làm mà viết thư lại còn làm thơ thì không ra cái gì cả, tài học do đó cũng chẳng tới đâu, mà nhân phẩm chắc cũng chỉ ngang tài học mà thôi.
Bá Tước nói:
- Tại đại ca chưa biết rõ người đó đấy thôi.
Hắn là chỗ thế giao với tôi, tôi biết lắm.
Hồi nhỏ lại cùng học một trường, thầy học vẫn khen hắn thông minh có văn tài, sau này tất thành đạt.
Trong lá thư viết cho tôi, hắn đã làm cả một từ khúc, đọc kỹ thì cũng có chỗ hay chữ sao lại không.
Tây Môn Khánh không muốn dài dòng, bèn hỏi:
- Được rồi, thế còn phẩm cách thì thế nào?
Bá Tước nói:
- Phẩm cách của người đó thì lại còn cao hơn tài học.
Hồi trước có lần người đó ở nhà của Lý Thị bang, trong nhà có tới mấy chục a hoàn, người nào cũng đẹp như tiên giáng trần, vậy mà vị tú tài họ Thủy này ở đó liền trong bốn năm năm, tuyệt nhiên không bao giờ có tà ý gì.
Về sau có mấy con a hoàn trắc nết bày đặt chuyện nói xấu, nhưng Thủy tú tài một lòng nhân từ, không nói gì, bằng lòng bị đuổi khỏi phủ.
Người không biết chuyện bảo là Thủy tú tài là người vô hạnh, nhưng kỳ thật chỉ là bị tiếng oan.
Đại ca cứ cho mời Thủy tú tài tới đây là biết ngay, trong nhà có bao nhiêu a hoàn xinh đẹp, người đó cũng chẳng bao giờ để mắt tới.
Tây Môn Khánh cười: .
- Thôi, hỏi chơi vậy mà thôi, chứ tôi đã có người rồi.
Hôm trước, Nghê tiên sinh, người giúp việc trong nhà của Hạ Đề hình có giới thiệu cho tôi một vị tú tài họ Ôn rồi, tôi cũng đang định mời tới đó.