Biên tập: Ginny.
Chớp mắt đã đến Trung thu, Trung thu năm đặc biệt hơn những năm trước, năm nay Khánh Tông đế thiết yến trong cung, kinh thành phàm là quan viên có chút thể diện đều có tên trong danh sách những người đến dự, trời chưa kịp tối hẳn các cung điện đã thắp lên đủ loại hoa đăng sắc màu rực rỡ, cung nhân tất bật tới lui, chưa tới giờ mà không khí đã náo nhiệt vô cùng.
Diệp Nham Bách là trọng thần trong triều, Diệp gia hiển nhiên nằm trong nhóm người có mặt sớm nhất, nếu không nhỡ đâu Khánh Tông đế buồn miệng bâng quơ một câu: “Diệp khanh đâu rồi?”, mà thừa tướng đại nhân lại không kịp có mặt để đáp: “Có thần” thì đúng là sự tình đòi mạng, không một hoàng đế nào thích bị xem nhẹ, Khánh Tông đế cũng không ngoại lệ.
Yến hội được tổ chức ở điện Vạn Thịnh, quan viên dẫn theo gia quyến đến sớm được an bài nghỉ ngơi bên Thiên Điện, Diệp Nham Bách cũng thảnh thơi dắt hai cậu công tử nhà mình tới tìm chỗ ngồi xuống uống chén trà thơm, còn An Thị thì vừa nãy đã rẽ qua hậu cung một chuyến rồi.
Chi thứ An gia có một nữ tử dung mạo không tồi, mấy năm trước được hoàng đế nhìn trúng rồi nhét vào hậu cung, hiện là An tần của thánh thượng, tuy không được sủng nhưng mặt mũi nên có thì vẫn có, An Thị trước đó được mẫu thân ghé tai nhắc nhở, nhân dịp này bèn thuận đường sang thăm hỏi vài câu, xem như làm tròn cảm tình người đồng tộc.
Diệp Nham Bách tay phải bế con trai nhỏ ngọc tuyết đáng yêu, tay trái dắt tay con trai lớn sớm đã nổi danh tài trí hơn người, vừa đặt chân vào điện ngay lập tức đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý.
Nghe nói ba năm trước tiểu công tử Diệp gia sinh non, tính mạng nguy kịch, cần một vị thuốc cứu mạng, là Thiên Sơn Tuyết Liên do Tây Vực tiến cống, nghe đâu loại dược này có thể khởi tử hồi sinh, trong tư khố của Khánh Tông đế cộng lại cũng chỉ vẻn vẹn ba gốc, quý hiếm còn hơn trân bảo, nào dễ dàng ban thưởng cho kẻ khác.
Diệp tướng khi ấy vì cầu Khánh Tông đế ban cho một gốc Tuyết Liên đã quỳ trước ngự thư phòng một ngày một đêm, không ăn không ngủ, sau cùng đả động long tâm, được thánh thượng khai ân ban dược cho Diệp gia cứu mạng con trai nhỏ.
Lúc ấy đang ngày hè tháng sáu oi bức, nếu cơ thể không khỏe thì một ngày một đêm không ăn không ngủ của Diệp tướng ngay cả mạng cũng khó giữ chứ nói chi đợi được đến lúc thánh thượng khai ân.
Sau chuyện này, danh tiếng yêu con hơn mạng của Diệp tướng như cơn gió mùa hạ, lan khắp ngõ ngách kinh thành.
Vị tiểu công tử được sủng lên tận trời kia từ khi sinh ra luôn dưỡng bệnh ở khuê phòng, rất khó diện kiến, lúc này lộ mặt, không cần nói cũng biết đã hút tới bao nhiêu ánh mắt hiếu kỳ.
Diệp Trọng Cẩm rúc trong lòng cha thiu thiu ngủ, hôm nay y mặc một bộ cẩm sam lam sắc bằng gấm thiêu vân văn như ý vừa được cắt may mấy hôm trước, mái tóc đen dài buộc ở sau đầu rơi xuống đầu vai nhỏ, quả đầu be bé vì vài lần cựa người tìm vị trí an ổn mà nghiêng qua, lộ ra dúm tóc quăn vô cùng bắt mắt nằm ngay trên trán.
Ánh mắt bé con mơ màng ngập trong hơi nước, có lẽ vừa giật mình tỉnh ngủ, nắm tay nhỏ xíu bấu lấy ngực áo cha mình, cất lên thanh âm non nớt lẫn trong hờn giận: “A Cẩm mệt…”
Gương mặt nghiêm nghị của Diệp tướng nháy mắt sụp đổ, ông dịu dàng vỗ lưng con trai nhỏ dỗ dành: “A Cẩm ngoan, ráng thêm chút nữa, dùng bữa xong chúng ta hồi phủ rồi ngủ tiếp.
”
Diệp Trọng Cẩm hàm hồ đáp một tiếng rồi nhoài người úp sấp lên vai phụ thân mình.
Mới đầu Diệp tiểu công tử rúc trong lòng thừa tướng đại nhân nên không ai thấy rõ diện mạo, chỉ cảm thấy thanh âm mềm mại ấy như cái vuốt mèo gãi cho lòng người ngứa ngáy, đến khi thật sự trông thấy nét mặt mịt mờ ngây thơ ấy, xung quanh như ngẩn ra, khuôn mặt như ngọc tuyết, đôi mắt đen láy to tròn ngập trong hơi nước chớp rồi lại chớp, thật khiến cho người ta tim gan nhộn nhạo.
Một vài đồng liêu chộp lấy cơ hội chạy qua nịnh nọt: “Ôi chao Diệp tướng, lệnh công tử thật đáng yêu, thật chọc người yêu thích.
”
Diệp Nham Bách xua tay, khách khí đáp: “Quá lời rồi, quá lời rồi.
” Trong lòng lại bực bội, cục cưng nhà ta, các người yêu thích làm gì.
Có người không biết điểm dừng vói tay muốn xoa mặt Diệp Trọng Cẩm, Diệp Trọng Cẩm không thích bị người khác động chạm, liên tục ngọ nguậy tránh né, người nọ không những không hiểu lễ nghĩa, ngay cả đầu óc cũng không có, còn khen lấy khen để: “Tiểu công tử lanh lợi quá chừng.
”
Diệp Nham Bách giận tái mặt, nhưng ở đây là hoàng cung, trước mặt đều là đồng liêu trong triều, nói sao cũng không tiện bạo phát, ông bất đắc dĩ thả con trai nhỏ xuống, nhỏ giọng dặn dò: “A Cẩm theo ca ca ra ngoài chơi đi, không được đi quá xa đâu đấy, kẻo phụ thân không tìm được các con.
”
Diệp Trọng Cẩm cũng mất sạch kiên nhẫn, những người kia ỷ vào tuổi tác muốn động tay động chân với y, ở lại chỉ tổ chuốc bực vào mình, y ngoan ngoãn gật đầu với phụ thân rồi theo Diệp Trọng Huy rời khỏi nội điện.
Vị trí Vạn Thịnh điện khá đặc thù, nằm ngay trên con đường đi từ Càn Chính Cung đến hậu cung, hơn nữa chỉ cách nhau bởi một ngự hoa viên.
Diệp Trọng Cẩm nhớ đời trước mỗi dịp đến Trung Thu, mặt sông kéo qua ngự hoa viên sẽ trải đầy hoa đăng thắp sáng, nom cứ như hồng liên đua nhau nở rộ trên mặt nước, lấp lánh dưới trăng, đẹp không tả xiết.
Cả hai đời y được nuông chiều đến vô pháp vô thiên, muốn gì làm đó, nhớ đến cảnh đẹp tuyệt mỹ trong ký ức, y kiềm lòng chẳng đặng kéo ống tay áo Diệp Trọng Huy: “Qua bên kia xem.
” vừa nói vừa giơ cánh tay tròn vo chỉ tới ngự hoa viên.
Diệp Trọng Huy hơi cố kỵ lời dặn của phụ thân, lắc đầu: “Không thể đi quá xa, phụ thân không tìm được.
”
“Phụ thân đang bận, không rảnh để ý đến chúng ta đâu.
” Nói xong, lại mềm mại gọi: “Ca ca…”
A Cẩm đã mở miệng gọi hai chữ “Ca ca”, vậy thì còn do dự gì nữa?
Diệp Trong Huy nắm bàn tay nhỏ của đệ đệ cùng đi về phía ngự hoa viên.
===========
Hết chương 14.
.