Kim Ốc Hận

[1] Núi Bồng Lai hay còn gọi là tiên đảo Bồng Lai, là một
vùng đất truyền thuyết tìm thấy trong thần thoại Trung Quốc, và cũng xuất hiện
trong cả truyền thuyết của Nhật Bản. Theo Sơn hải kinh, núi Bồng Lai nằm trên một
hòn đảo ở phía đông của Bột Hải, cùng với bốn đảo khác: Phương Trượng, Doanh
Châu, Đại Dư và Viên Kiều, là nơi các vị thần tiên cư ngụ.

Nàng nghĩ, nếu lúc còn sống mà được nghe bài thơ như vậy thì
nhất định sẽ bật khóc. Núi Bồng Lai xa xôi, xa xôi đến chừng nào? Có phải như
nàng và Lưu lang, rõ ràng cùng đi ở trong cung Vị Ương, ngước mắt lên sẽ trông
thấy nhau nhưng lòng đã hóa thành một vùng hoang vắng, như hai người xa lạ chưa
từng có những năm tháng tuổi trẻ hạnh phúc. Vẫn gần trong gang tấc vậy mà đôi
khi cũng như xa cách tận chân trời.

Trên đời này, xa nhất không phải tận chân trời, cũng không
phải cách trở âm dương mà là yêu rồi dần hóa thành xa lạ, đến cuối cùng trở mặt
thành thù hận. Còn hôm nay, nàng ở dưới Địa phủ sâu chín vạn thước nhìn lên chứng
kiến chuyện tình của y và người ấy. U minh lạnh lẽo, tịch mịch, tịch mịch đến mức
nước mắt chẳng muốn tuôn rơi.

Chuyện mở đầu là y và người ấy, chuyện kết thúc vẫn là y và
người ấy. Còn nàng chỉ là một khách qua đường đáng buồn cười xen vào chuyện
tình của bọn họ rồi cuối cùng rút lui. Chuyện tình của bọn họ lại bắt đầu, tiếp
diễn, cuộn trào, sâu lắng miên man, cho đến kết thúc vẫn không chút liên quan tới
nàng.

Năm Nguyên Thú đầu tiên, Vệ Tử Phu tự vẫn tại điện Tiêu
Phòng, được chôn cất theo nghi lễ phi tần ở khu lăng mộ. Cho đến lúc chết, Lưu
lang vẫn không tới gặp nàng. Những hồn phách chết oan không được đầu thai. Nàng
dật dờ lưu lạc ở Uổng tử thành suốt bao năm chỉ để chờ đợi. Chờ đợi một ngày
Lưu lang tới đây, nàng sẽ hỏi một câu trước lúc y uống canh Mạnh bà, hỏi rằng y
có từng yêu nàng hay không? Chỉ thế mà thôi.

Nàng ra đời trong một căn phòng dành cho nô bộc ở phủ Bình
Dương hầu hồi Cảnh hoàng đế còn tại vị. Lúc nàng sinh ra, mẫu thân từng thốt
lên: “Xinh quá! Xinh đẹp hơn mẫu thân nhiều.” Đẹp đến mấy thì cũng để làm gì chứ?
Chẳng qua vẫn chỉ là một nô bộc. Thời niên thiếu, nàng từng nghe nói rằng có
người thiếu niên được lập làm Hoàng thái tử ở đế đô Trường An xa xôi đã từng mỉm
cười hứa hẹn với biểu tỷ của cậu ta, “Nếu lấy A Kiều làm vợ thì sẽ xây lầu vàng
cho nàng ở.” Truyền thuyết Kim ốc tàng kiều ấy đẹp biết nhường nào! Nàng đã từng
cảm khái cho hạnh phúc của người thiếu nữ kia, hoàn toàn không biết rằng, trong
tương lai, nàng lại chính là người phá vỡ cái truyền thuyết đẹp đẽ ấy. Vận mệnh
đứng trong bóng tối nhìn theo, mỉm cười đầy ý vị.

Vào một năm, Bình Dương công chúa cành vàng lá ngọc được gả
cho Bình Dương hầu Tào Thọ. Một thiếu nữ từ trên cỗ xe ngựa sơn son thiếp vàng
tráng lệ bước xuống, xinh đẹp như tiên nữ trên trời. Bình Dương trưởng công
chúa Lưu Tịnh chính là người đã thay đổi vận mệnh cuộc đời nàng. Năm đó nàng
còn quá nhỏ tuổi. Một hôm, nữ chủ nhân của phủ Bình Dương hầu nhìn thấy nàng,
ánh mắt sáng rực, thốt lên: “Thật là một mỹ nhân trong tương lai.” Rất nhanh
sau đó, nàng không phải làm công việc hầu hạ nữa. Bình Dương công chúa chuyển
nàng vào nội viện để huấn luyện ca múa.

“Tử Phu đừng phụ sự kỳ vọng của ta nhé.” Công chúa mỉm cười
nói, ánh mắt khó hiểu. Kỳ vọng gì chứ? Nàng không hiểu. Nàng chỉ là một nô tỳ
nhỏ nhoi với ước mơ rất tầm thường, mong sao người nhà mình được bình an, no ấm.

Năm thứ hai, nhị tỷ Vệ Thiếu Nhi của nàng ân ái với viên tiểu
lại Hoắc Trọng Nhụ của huyện Bình Dương rồi sinh ra một bé trai. Hoắc Trọng Nhụ
không thể cưới nhị tỷ của nàng vì hắn đã có vợ. Vệ Thiếu Nhi bế đứa con trai
khóc thầm lặng lẽ, kéo tay nàng nói: “Tam muội, đừng đi theo vết xe đổ của tỷ tỷ
và mẫu thân nhé.”

Khi đó, nàng càng lớn càng xinh đẹp, ca múa cũng dần điêu
luyện, đẹp đến mức tỷ tỷ ruột của mình cũng phải thán phục. “Nhị tỷ yên tâm.”
Nàng vừa mỉm cười vừa nựng đứa cháu trai bé bỏng. Sau một năm tập luyện ca múa,
tầm mắt nàng đã ngước lên cao hơn, dứt khoát không chịu làm một tiện tỳ tư
thông với người khác để đến nỗi cả đời không thể ngẩng đầu. Nhưng con đường
phía trước sẽ như thế nào đây? Tất cả vẫn còn mờ mịt!

Cuối năm đó có đại tang Cảnh hoàng đế, công chúa khuyên bảo
hầu gia chuyển nhà lên Trường An. Hoàng đế mới kế vị đặt niên hiệu là Kiến
Nguyên, lập thái tử phi trong truyền thuyết Kim ốc tàng kiều làm Trung Cung
hoàng hậu. Phẩm cấp của Bình Dương công chúa cũng được nâng lên thành Bình
Dương trưởng công chúa. Bệ hạ niệm tình tỷ đệ, ngầm đồng ý cho tỷ tỷ và cả nhà
tỷ phu ở lại Trường An. Nàng chứng kiến cảnh phồn hoa của Trường An, hiểu rằng
Công chúa nhất định có mưu đồ nên mới huấn luyện ca múa cho các nàng từ rất nhỏ.
Biết vậy nhưng nàng cũng không dám nghĩ quá xa. Dù nàng có mặc y phục hoa lệ,
dung nhan xinh đẹp thì chẳng qua vẫn là một ca cơ như cũ, thấy người thì phải
khẽ cúi đầu gợi lòng trắc ẩn. Người đi bên dòng suối nhỏ trông thấy ngọn núi đằng
xa đã cảm thấy rất cao, sao còn dám ôm mộng bay lên tầng mây? Vận mệnh không biết
là hào hiệp hay tàn khốc đã mở ra một cánh cửa cho nàng. Nàng cứ thế bước tới,
chẳng biết đi đâu về đâu, không thể tự mình quyết định.

Nàng biết rằng bệ hạ và Trưởng công chúa là cùng một mẹ sinh
ra, tình cảm rất sâu đậm. Một hôm bệ hạ tới thăm phủ Bình Dương hầu, Trưởng công
chúa sai mấy mỹ nhân tới hầu hạ, bệ hạ đều nói cười thản nhiên, nhìn không thuận
mắt. Thị nữ thiếp thân A Lan của Trưởng công chúa bảo, “Tử Phu, cô lên phòng
khách ca múa đi.” Vào khoảnh khắc đó, nàng cảm thấy dường như ông trời đã ban
xuống cho mình một cơ duyên, nói không động lòng là giả dối. Người theo học nghề
ca múa thành tài sẽ được bán vào nhà các vương hầu nhưng nàng còn có cả dung
nhan vô song, nếu muốn bán thì cũng phải bán cho đế vương. Lúc bấy giờ, bệ hạ
còn rất trẻ, nàng cũng vậy. Người trẻ tuổi tràn đầy ảo tưởng với tình yêu, cứ
thế lao vào con đường tình ái không hề sợ hãi.

Đế vương ngồi trên cao, cặp lông mày lưỡi mác, đôi môi rất mỏng,
cực kỳ tuấn tú. Chắc y đang ở trong hoàn cảnh bất đắc chí, trên mặt phảng phất
nét buồn.

Đó là người ngồi trên ngôi vị thiên hạ chí tôn! Nàng như người
ngã trong bùn lầy ngước nhìn mây bay trên trời, còn chưa cất tiếng thì lòng đã
tan ra. Nàng quên hết, không còn nhớ mình đã hát, múa như thế nào, chỉ còn nhớ
rằng y ngồi ở trên cao hơi nhướng mày, uống cạn chén rượu, ánh mắt nhìn nàng
lóe lên một tia thưởng thức. Nàng hầu hạ y thay quần áo. Y gỡ chiếc trâm cài
tóc của nàng, khen ngợi, “Mái tóc đẹp quá!” Chuyện xảy ra như một giấc chiêm
bao. Nàng theo người đàn ông này về cung Vị Ương. Nàng vẫn biết, tục danh của
hoàng đế triều Đại Hán hiện giờ là Lưu Triệt, chỉ là từ đó về sau, cái tên này
không chỉ khiến nàng tôn sùng mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều.

Rồi cũng đến lúc nàng nhìn thấy người đó. Cung nữ đến trước
xe ngự bẩm báo, “Hoàng hậu nương nương chờ bệ hạ trở về đã lâu rồi.”

Trong xe ngự yên lặng một lát rồi truyền ra giọng của bệ hạ,
“Vậy à?”


Nàng đứng cuối xe ngự, nghe tiếng nói ở gần trong tấc gang
mà lại xa xăm như tận chốn chân trời.

“A Kiều tỷ”, bệ hạ xuống xe, mỉm cười hỏi, “Bên ngoài gió lớn
thế mà sao nàng còn ở đây?”

Cô gái kia cười duyên dáng quay lại, khẽ nghiêng đầu nói:
“Chàng không ở trong cung, thiếp nhớ chàng nhiều lắm, cứ tính toán từng canh giờ
xem lúc nào chàng trở về để chờ ở đây.”

Đó là người con gái tôn quý nhất mà nàng đã gặp trong cuộc đời
này. Người con gái đó dù gặp bệ hạ cũng chưa từng chịu cúi đầu vẫn tươi cười
chàng chàng thiếp thiếp như thể đó chỉ là phu quân của mình. Đến sau này, nàng
vươn lên được địa vị cao giống người đó nhưng không sao có được khí thế như của
đối phương. Đến cuối cùng thì nàng mới hiểu rằng, nàng – Vệ Tử Phu chỉ là hoàng
hậu của Lưu Triệt, còn Trần A Kiều mới là thê tử của Lưu Triệt.

Vẻ đẹp của Trần A Kiều khác với vẻ đẹp của nàng. Ở Trần A Kiều
là vẻ đẹp cao quý, không người nào có thể phủ nhận được. Có một hoàng hậu xinh
đẹp như vậy thì đương nhiên nàng phải bị vứt bỏ, vào làm nô tỳ trong cung.
Nhưng nàng không cam lòng! Hiến thân cho đế vương không phải để sống lại cuộc sống
nô tỳ thuở trước. Nàng nghe người trong cung nói rằng bệ hạ và hoàng hậu ái ân
nồng thắm, hiếm thấy trong nhà đế vương. Vậy còn nàng thì sao? Vệ Tử Phu này được
xem là cái gì?

Một năm sau, cung Vị Ương loại bỏ những cung nữ lớn tuổi.
Nàng tuyệt vọng, mang lòng quyết tâm không thành công cũng thành nhân vượt qua
bao khó khăn để đến được trước mặt bệ hạ, quỳ gối cầu xin y cho nàng rời đi. Bệ
hạ trông thấy dung nhan vừa quen thuộc vừa xa lạ đang lệ rơi đầm đìa liền sủng
ái lại lần nữa. Lần này thì hoàng hậu nương nương không cách nào nhẫn nhịn. Một
người con gái cao quý sao có thể chịu được cảnh phải cùng chia sẻ phu quân với
một ca cơ có thân phận thấp hèn.

Nhưng rồi nàng đã mang thai. Từ lúc bệ hạ đăng cơ đến nay chỉ
sủng ái một mình hoàng hậu nhưng vẫn chưa có người nối dõi. Chuyện kế thừa của
hoàng gia cực kỳ trọng yếu. Hoàng hậu nương nương không quản đến mọi việc, chỉ
để ý đến phu quân của mình, nào ngờ vừa tỉnh mắt ra thì ngày đã sang, người đã
khác. Nàng vẫn cho rằng sở dĩ Trần A Kiều thua là bởi vì bệ hạ ở ngôi cửu ngũ
thì không thể nào chỉ có vĩnh viễn một người. Sau này, nàng mới bi thương phát
hiện ra, trên đời này chẳng có chuyện gì là tuyệt đối. Như vậy thì ai đúng ai
sai chẳng phải đã rõ ràng ngay từ buổi ban đầu ?

Hoài Nam quận chúa Lưu Lăng cũng yêu bệ hạ, liên kết với
nàng, lợi dụng người nhà Sở Phục để ép buộc Sở Phục phải đẩy Hoàng hậu nương
nương vào chỗ chết không nhắm mắt. Nàng lạnh lùng theo dõi Lưu Lăng, âm thầm
suy nghĩ xem vì sao cô ta lại phải khổ đến như vậy? Ngay cả đánh đổ Trần A Kiều
thì Lưu Triệt vẫn không thể nào là của cô ta được. Thế thì khổ cực cho ai, vội
vàng cho ai? “Cho nên, Tử Phu, ngươi phải nhớ kỹ.” Nàng tự nói với bản thân
mình, những cô gái đắm chìm trong tình yêu thật quá ngu ngốc, nếu có ngày đó
thì ngươi không được để mình giống như bọn họ. Nào ngờ khi người kia quay trở về,
nàng mới thấu hiểu, có một số chuyện không phải cứ tự cảnh cáo mình là có thể
không phát sinh.

Những năm đó, nàng ở bên cạnh đế vương với thân phận mẫu
nghi thiên hạ, bình thản nhìn đế quốc Đại Hán ngày một cường thịnh. Thời gian
thấm thoắt, nàng cũng dần dà phó thác cả trái tim mình cho y. Tại sao lại phải
yêu chứ? Bởi vì y quá tuyệt tình hay vì thời gian trôi qua quá vô vị? Không một
ai ở dưới vòm trời này có thể đưa ra đáp án.

Song một luồng tình ý cuối cùng cũng đã mất đi. Bọn họ ngửa
tay làm mây, úp tay làm mưa nhưng lại quên mất rằng bệ hạ đang ở bên cạnh lạnh
lùng quan sát. Vào ngày đã quyết định xong ý chỉ phế hậu, bệ hạ tới dùng bữa ở
điện của nàng. Sau khi ân ái, y nhìn dung nhan xinh đẹp của nàng, đột nhiên cười
lạnh nói, “Trẫm thật không nhìn ra khanh lại là người có lòng dạ hiểm độc.”

Nàng kinh hãi, toát mồ hôi lạnh. Đó là hoàng đế của hoàng
triều Đại Hán, thiên hạ đều ở trong tay y. Đến sau này, nàng mới biết, bản thân
tự cho là đắc kế nhưng chẳng qua là vì bệ hạ ngầm đồng ý nên chuyện mới phát
sinh. Người kia là biểu tỷ cùng lớn lên với y từ nhỏ, là người con gái mà y từng
hứa hẹn muôn vàn sủng ái, được người đời ca tụng là đôi đế hậu cầm sắt hòa hợp.
Y lại cứ thế nhìn người đó chầm chậm đi đến vực thẳm, sau đó còn đích thân đẩy
xuống. Nàng vẫn cho rằng mình biết rõ hơn Trần A Kiều về sự vô tình của người
cùng chung chăn gối nào ngờ y không phải là vô tình mà là tuyệt tình. Từ ngày
đó, nàng bắt đầu học theo cách nghĩ của y để hành xử thì y lại dần rời xa nàng.
Nếu không phải bởi vì nàng đang mang thai Chư Ấp, e là trên thế giới này không
có một hoàng hậu tên là Vệ Tử Phu. Trong hậu cung ba ngàn phi tần cung nữ nhưng
có sinh có dưỡng thì chỉ một mình nàng. Sau này ấu đệ Vệ Thanh bắt đầu quật khởi.
Cuối cùng, nàng sinh hạ con trai trưởng Lưu Cứ, được lập làm hoàng hậu. Vào lúc
đó, nàng lại không biết rằng ở Đường Cổ Lạp Sơn xa xôi, Lưu Mạch và Lưu Sơ cũng
đã bắt đầu bi bô học nói.

Từ một ca cơ lên đến ngôi vị hoàng hậu, truyền kỳ về kỳ tích
như vậy đủ để phủ bóng lên câu chuyện cũ Kim ốc tàng kiều. Nàng dần quên mất rằng
thuở bé mình cũng hằng ngưỡng mộ câu chuyện huyền thoại đẹp đẽ này. Cho đến năm
Nguyên Sóc thứ sáu, cái tên bị quên từ lâu lại được nhắc tới một lần nữa. Trở về
theo cái tên đó còn có một công chúa giống mẫu thân của cô như đúc, tên gọi là
Sơ. Cô bé kia nói, chữ “Sơ” này ở trong một câu thơ đẹp đẽ “Nhân sinh nhược
chích như sơ kiến.”

“Nhân sinh nhược chích như sơ kiến.”

“Nhân sinh nhược chích như sơ kiến.”

Khi nàng nghe được câu này thì chỉ cảm thấy buồn cười, đời
người nếu mãi như khi bọn họ vừa gặp nhau thì Vệ Tử Phu nàng sẽ ở đâu? Hoặc nếu
như đời người mãi chỉ như khi nàng vừa gặp bệ hạ thì trên đời này cần gì phải
có một Trần A Kiều? Đều là những chuyện mâu thuẫn. Mà có lẽ, đời người vốn là một
mâu thuẫn lớn nhất. Trong khoảnh khắc đó, nàng mơ hồ cảm thấy lòng đau đớn.

Vốn nàng vẫn luôn tự nhắc nhở mình đừng yêu nhưng cuối cùng
lại vẫn sa vào đó. Thoáng chớp mắt đã từ năm Kiến Nguyên thứ hai đến năm Nguyên
Sóc thứ sáu, được hơn mười năm rồi. Năm tháng dài như vậy, yêu thương cứ lớn
lên từng chút một khiến khi tỉnh ngộ thì chính bản thân mình cũng không thể xóa
bỏ được nữa. Cũng như đời nàng đã được chú định thống khổ, đến chết vẫn không
yên.

Bệ hạ ban cho cô bé kia danh hiệu Duyệt Trữ, ở tại điện
Chiêu Dương, Duyệt Trữ! Duyệt Trữ! “Du duyệt an trữ”[2]. Trong cung Vị Ương
này, ai có thể thực sự vui vẻ an bình? Trong điện có bao nhiêu là người mà cô
bé không hề e ngại dám nói rằng mình nhớ mẫu thân, mẫu thân của mình là người
phụ nữ tốt nhất thiên hạ.


[2] Vui vẻ bình an.

Người phụ nữ tốt nhất thiên hạ? Nàng nhớ lại người con gái
trong ký ức, khuôn mặt như đóa phù dung, cặp mày lá liễu, dĩ nhiên là đẹp tuyệt
trần. Nhưng với tính cách kiêu ngạo tùy hứng như vậy thì có muốn làm trái lương
tâm để nói ra một chữ tốt cũng thấy khó khăn. Chẳng phải bệ hạ cũng bị tính
cách đó của người kia từng bước ép phải rời xa sao?

Tính cách kiêu ngạo đó, sau nhiều năm lưu lạc bên ngoài có
được mài giũa? Đã bước chân ra khỏi thành Trường An, nào ai nguyện ý chịu đựng
người kia thêm lần nữa. Trần A Kiều mất đi tính cách kiêu ngạo rừng rực như lửa
thì có còn là Trần A Kiều như trong ký ức? Nàng cũng chẳng nghĩ được rõ ràng.
Trong lòng nàng, cái tên Trần A Kiều đồng nghĩa với một người con gái luôn kiêu
ngạo, giống như một con phượng hoàng luôn đứng thẳng, kiêu hãnh bay trong biển
lửa không bao giờ chịu cúi đầu, cuối cùng bị đốt thành tro bụi. Ngay cả nàng là
kình địch nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng hình ảnh hủy diệt huy hoàng
đó đẹp đến tột đỉnh. Đẹp đến nỗi không ai có thể trơ mắt lạnh lùng chứng kiến
giây phút cuối cùng. Thế nên, Lưu lang của nàng mới thật là vô tình!

Nàng vẫn ôm mối hận. Đều là phận nữ nhi, đều là hoàng hậu, tại
sao Trần A Kiều lại có thể sống mạnh mẽ, thẳng thắn như vậy còn nàng thì cứ
ngày ngày lặng lẽ, mỏi mòn ở cung Vị Ương phồn hoa để cuối cùng héo hon đi giống
như chiếc bóng mỹ lệ trên tấm màn lụa hàng đêm kéo lên trong điện Tiêu Phòng mà
không hề có sinh khí.

Sau khi nàng sinh Cứ Nhi thì bệ hạ trở nên lạnh nhạt. Nàng
nghĩ, chung quy lại thì y chỉ muốn có một đứa con trai nối dõi mà thôi. Nàng
giúp được y thực hiện hy vọng đó, nên y cho nàng ngồi lên ngôi vị hoàng hậu cao
quý nhất mà cũng cô quạnh nhất ở cung Vị Ương, rồi để mặc nàng cho số phận giày
vò, còn nàng cũng vui vẻ chịu giày vò như thế. Có ai trên cõi đời này không ngưỡng
mộ, có ai ở trong cung Vị Ương không tôn sùng ngôi vị trí hoàng hậu? Người đời
thường nói nó là đại biểu cho ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, nhưng chỉ có người ngồi
trên mới biết được cảm giác bi thương trộn lẫn với hân hoan.

Nàng chiếm được ngôi vị hoàng hậu mà mình ước ao thèm khát
nhưng lại đánh mất sự sủng ái của phu quân. Nàng cũng không biết phải chăng mỗi
người đàn bà đang tranh đoạt ngôi thứ trong cung Vị Ương đều như vậy? Một người
đàn bà có được tôn sùng đến đâu thì trước hết vẫn là một nữ nhân, mà đã là nữ
nhân thì liệu có người nào không mong mỏi được phu quân thương yêu? Người trong
cung Vị Ương thôi không còn nhắc đến Trần hoàng hậu nữa mà bây giờ bọn họ chỉ nói
đến Vệ hoàng hậu ở điện Tiêu Phòng.

“Vệ hoàng hậu là người hiền hậu. Hôm qua ta làm việc trong
ngự hoa viên. Vệ hoàng hậu đi qua còn hơi mỉm cười với ta.”

“Vệ hoàng hậu thật may mắn. Nghe nói, nàng vốn chỉ là một ca
cơ của phủ Bình Dương hầu.”

“Đúng đấy. Nói về thân phận thì Trần hoàng hậu trước kia cao
quý biết nhường nào chứ? Thế mà chẳng phải cũng thua bởi một ca cơ? Có thể thấy
được…”



Cho nên, sinh nam không vui, sinh nữ không giận, ai không thấy
Vệ Tử Phu bao trùm thiên hạ?

Lức nàng mới nghe được bài hát đó thì đột nhiên bật cười. Những
người đó chỉ thấy được bề ngoài rạng rỡ nhưng lại không thấy được bùn lầy bên
dưới. Nàng vẫn luôn nghĩ nếu không có Cứ Nhi, không có Thanh đệ, không có Khứ Bệnh
thì rốt cuộc nàng là cái gì ở trong lòng Lưu lang? Cô bé kia nói suốt nửa năm,
Lưu lang cũng nghe suốt nửa năm, dần thấy người kia quả thật là một người rất tốt.
Người kia trong dĩ vãng luôn kiêu căng tùy hứng làm tổn thương y nhưng đã được
thời gian xóa mờ, giờ trong ký ức chỉ còn lại những gì tốt đẹp.

Trong cuộc đời mỗi người đàn ông đều có một bông hoa hồng
nhung và một đóa hồng trắng. Hoa hồng trắng là dịu dàng, hoa hồng đỏ là nồng
nhiệt. Y rời xa hoa hồng đỏ đã lâu nên coi người đó như một nốt ruồi son trước
ngực, giữ tận trong lòng, nếu không có lại được thì sẽ mãi còn day dứt, Lúc đó,
nàng cũng đã nhìn thấy trước chuyện của mười năm sau nhưng nàng chỉ không đoán
được kết cục, càng không đoán được lòng của Lưu lang. Nếu thật sự là vô tình
thì hãy vô tình đến cùng, sao dần lại có tình, rồi khối tình đó lại dành cho
người khác, khiến cho nàng đã mộng đến nửa đêm lại tỉnh, sao không khỏi đớn
đau?

Nàng vẫn cho rằng Cứ Nhi là chỗ dựa cuối cùng, không thể bị
đánh đổ của mình nhưng nào ngờ cuối cùng nàng lại thất bại, phải tự vẫn cũng vì
nó. Trong đời người có chuyện nào mỉa mai hơn? Năm Nguyên Sóc thứ hai, nàng
sinh Cứ Nhi, đăng cơ làm hoàng hậu. Năm Nguyên Sóc thứ năm, Vương Thấm Hinh
sinh Nhị hoàng tử Lưu Hoành, nhất thời giành được ân sủng của Hoàng thượng. Cứ
Nhi không còn là con trai nối dòng duy nhất của y. Năm Nguyên Sóc thứ sáu công
chúa Duyệt Trữ Lưu Sơ hồi cung. Cuối năm Nguyên Sóc thứ sáu, Trần A Kiều dẫn
theo Lưu Mạch hồi cung. Bọn họ nói, hoàng tử trưởng mới thật sự là giống bệ hạ,
giống từ cặp mắt đến bờ môi. Cuối cùng thì đứa con giống Lưu lang của nàng nhất
vẫn là con trai của người đó. Còn tướng mạo Cứ Nhi một nửa giống Lưu lang, một
nửa giống nàng, lúc bình thường cảm thấy không có gì, nhưng bây giờ nghĩ lại mới
có chút oán hận.

Bệ hạ để cho Trần A Kiều quay về Trường Môn. Nhị tỷ an ủi
nàng rằng như vậy không tốt sao? Điều này nói lên rằng bệ hạ không coi trọng
người kia vì Trường Môn chính là lãnh cung. Nàng cười lay lắt, nói nhị tỷ quả
thật là quá ngây thơ. Trường Môn cũng là nơi người làm hoàng hậu như nàng không
thể quản đến. Từ đó có thể thấy được ý của bệ hạ là muốn bảo vệ cho Trần A Kiều.

Ngẫm nghĩ ra mới thấy thật không công bằng. Nàng ở cung Vị
Ương này đã hơn mười năm vẫn cảm thấy có khoảng cách, không sao vừa mắt Thái hậu.
Nếu không phải vì Cứ Nhi thì e rằng nàng còn chẳng duy trì được ngay cả cái cục
diện không mặn không nhạt như ngày hôm nay. Ấy vậy mà, Trần A Kiều vừa mới trở
về, chưa nói đến mẫu thân là Trưởng công chúa Quán Đào mà ngay cả Vương thái hậu
cũng đối xử bằng ánh mắt khác. Chẳng phải Lưu lang của nàng cũng coi trọng người
kia hơn một chút sao?

Bọn họ cố ý cách ly nàng với người kia, mà ngay bản thân hai
người cũng ngầm thỏa thuận là không gặp nhau. Gặp nhau thì cả hai ắt sẽ đều
lúng túng. Nàng được nghe kể rằng người kia vốn đã xinh đẹp nay càng xinh đẹp,

năm tháng lại ưu ái không để lại bao nhiêu gió sương trên dung nhan, hơn nữa
tính cách đổi thành tao nhã, điềm đạm, chẳng chút nào giống cô gái kiêu ngạo
nông nổi trong ký ức của nàng. Ngay cả nàng cũng không nhịn được tò mò, người
kia trong mấy năm nổi chìm lưu lạc đã xảy ra chuyện gì mà đổi thành dáng vẻ hôm
nay?

Sau khi bệ hạ hồi cung, kết quả của lần đầu tiên đi gặp người
kia là chia tay trong hờ hững. Người kia lén xuất cung bị biết được, vì cung nữ
trong điện Trường Môn nên đành phải tới điện Tuyên Thất cầu tình. Sau đó, bệ hạ
ân xá cho bọn họ, còn đồng ý để người kia xuất cung. Trong đại thọ của Trưởng
công chúa Quán Đào, người kia xuất cung chúc thọ, bệ hạ cũng tới đó rồi được
người kia săn sóc khi bị dị ứng nổi mẩn do uống rượu. Đêm Trừ tịch của năm
Nguyên Thú đầu tiên, bệ hạ ở lại Trường Môn, sáng sớm chia tay trong nặng nề.

Nàng biết nàng không thể oán, không nên oán nhưng từng chuyện,
từng chuyện đều không khỏi gợn lên trong lòng. Dù không đau nhưng nếu cứ kéo
dài mãi thì sẽ khiến nàng trở nên ưu sầu. Nàng muốn nhắm mắt che tai không nhìn
tới, không nghe tới nhưng vẫn tự có người đến báo, còn nàng đành phải gượng giữ
vẻ mặt tươi cười, lắng nghe.

Nàng biết bệ hạ coi trọng Trần A Kiều, không cho phép nàng động
tới người ta. Những năm này, nàng ở trên ngôi vị hoàng hậu nhưng vẫn luôn ghi
nhớ lời giáo huấn năm xưa, một mực án theo ý tứ của y mà hành sự, giữ yên hậu
cung để y có thể an tâm lo chuyện nước. Cũng vì thế nên bệ hạ mới có thể để
nàng ngồi trên ngôi vị hoàng hậu nhiều năm như vậy. Y lại không biết, tuy nàng
mỉm cười nhìn y lui tới các tòa điện trong cung Vị Ương, bề ngoài vẫn tỏ ra
bình thản nhưng trong lòng lại đau nhói. Nếu có thể, sẽ chẳng người phụ nữ nào
nguyện chia sẻ phu quân với người khác, trừ phi người đó không hề có chút tình
cảm. Nàng yêu thương y nên nhất định sẽ đau đớn.

Trước khi Trần A Kiều trở về, nàng cho rằng mình có thể cứ
cười như vậy đến suốt đời, cao cao tại thượng nhưng tịch mịch, đợi chờ Lưu lang
thỉnh thoảng lui đến. Trần A Kiều trở về đã phá vỡ hạnh phúc nhỏ nhoi đó của
nàng.

Giờ nàng mới biết, hóa ra nàng có thể chịu đựng được chuyện
Lưu lang ở chung với những người con gái khác nhưng không thể dễ dàng tha thứ
chuyện Lưu lang quay lại với Trần A Kiều. Điều này không khác một cái tát giáng
thẳng vào nàng, nói cho nàng biết rằng, thắng lợi mà nhiều năm qua ngươi vẫn tự
cho là mình giành được chỉ là giả tạo Người kia đã từ vận mệnh trở về, đòi lại
hết thảy những gì trước đây nàng cướp đi.

Sau này nàng nghĩ, có lẽ lúc đó, trực giác nhạy cảm đã nói
cho nàng biết, Lưu lang đã dần yêu người con gái mà y từng vứt bỏ. Như vậy, khi
chính bản thân y cũng ý thức được điểm này thì chẳng phải người đã từng làm tổn
thương A Kiều là nàng sẽ phải chết không chỗ chôn thây? Thế nên, cuộc đấu của
nàng và người kia còn là cuộc đấu sinh tử,

Nàng cũng không biết sau khi trở về người kia sẽ thế nào nên
mới bố trí một cái bẫy hết sức tinh vi, kết cục mới biết chính bản thân mình lại
là người sập bẫy. Người kia thì sao? Sau khi thắng rồi cũng không thèm đếm xỉa
gì tới nàng mà lại xin bệ hạ một đạo ý chỉ để về phủ Đường Ấp hầu ở tạm. Lần ở
tạm này dài tới một năm.

Trong một năm đó, nàng bị giam lỏng ở điện Tiêu Phòng, đối
diện với cung điện hoa lệ nhưng trống rỗng, bơ vơ không biết bấu víu vào đâu. Mọi
người nói rằng bệ hạ thường tới phủ Đường Ấp hầu thăm người kia, giảm bớt số lần
lưu lại cung Vị Ương.

Nàng chỉ cười dịu dàng, lặng lẽ nghe bọn họ bàn tán, ra vẻ cảm
thông lẫn bất bình thay cho mình, lòng cứ thế nhạt dần, Nàng đã yêu phải một
người chưa bao giờ yêu nàng, vậy thì tình yêu của nàng cứ thế, cứ thế tan biến.
Nếu tình yêu đó chỉ có thể làm cho nàng khổ, làm cho nàng đau thì nàng cũng
không cần nhưng e rằng, nếu vứt bỏ nó thì nàng sẽ đau đớn không chịu nổi, đau đớn
muốn chết đi. Nàng còn có người nhà phải bảo vệ, Cứ Nhi phải che chở, cho nên nàng
không có thời gian để mềm yếu, không có thời gian để héo sầu xuân thu, không có
thời gian để mà khóc cho mối tình đang tàn tạ.

Năm Nguyên Thú thứ hai, trưởng nữ Vệ Trường xuất giá. Đến
con gái cũng đã đến tuổi gả chồng thì nàng coi như đã già rồi. Vệ Trường thật sự
rất giống nàng, giấu kín những bi thương ở trong lòng. Nàng thật sự mến một thiếu
niên, nhưng người thiếu niên đó lại ngại là biểu ca của nó. Cảm mến thì làm
sao? Với tình cảnh của Vệ gia ngày đó thì chuyện hôn nhân của Vệ Trường là cực
kỳ quan trọng với nàng. Nàng không thể để cho tình cảm riêng tư của con gái gây
ảnh hưởng đến mưu đồ toàn cục. Nhưng nàng làm con gái bi thương thì lòng nàng
còn bi thương hơn. Bi thương vì nàng biết rõ Vệ Trường không tình nguyện nhưng
vẫn lựa chọn gả vào Lý gia. Dường như những gì trong đời nàng lại một lần nữa
tái diễn, những gì làm ra hoàn toàn khác với suy nghĩ trong lòng.

Từ phương bắc truyền tin về báo rằng Khứ Bệnh đại thắng. Quả
nhiên Khứ Bệnh là một đứa trẻ xuất sắc, tài hoa rực rỡ, không uổng công Vệ Trường
thương yêu. Vệ Trường thật sự có cặp mắt tốt hơn nàng, nó chỉ là yêu mà không đến
được, còn nàng lại vì yêu mà thành tổn thương.

Trường Tín hầu Liễu Duệ toàn thắng Hung Nô, đem về bào tỷ[3]
của bệ hạ, Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm, kết hôn cầu hòa với Hung Nô đã
nhiều năm. Đồng thời ở thành Trường An, sinh mạng của Vương thái hậu cũng bước
tới giờ phút cuối cùng. Người phụ nữ dù tôn quý đến đâu thì khi tiến gần đến giờ
phút tử vong cũng đều giống nhau. Vương thái hậu vẫn luôn mong ngóng Nam Cung
trưởng công chúa trở về. Nhiều năm trước, bà đã đưa nàng đi Hung Nô kết hôn cầu
hòa trong khi bản thân mình thì an nhàn ngồi trên ngôi vị tôn quý cũng cảm thấy
xót xa. Xót xa cũng chỉ là xót xa, nếu mọi chuyện tái diễn, bà vẫn dứt khoát lựa
chọn đưa đứa con gái yêu của mình ra đi để giúp cho chính bà và đứa con trai.
Cũng giống như nếu được sống lại một lần nữa, nàng vẫn sẽ chọn cách dùng chuyện
Vu cổ hãm hại Trần hoàng hậu. Xét về bản chất thì nàng và Vương thái hậu là
cùng một loại người. Cả hai không phải không có tình yêu, nhưng vì những thứ
quan trọng hơn tình yêu mà đành chôn vùi nó. Chỉ là Vương thái hậu thành công,
còn nàng từ trước tới nay vẫn cho là mình thành công nhưng bây giờ nhìn lại mới
biết nguy cấp như rơi xuống vực thẳm, thế nên hai người luôn không thể gần gũi
nhau.

[3] Bào tỷ: Chị ruột.

Vào ngày Vương thái hậu qua đời, nàng đứng ở ngoài cung Trường
Nhạc với tâm trạng cực kỳ hờ hững, không vui không buồn. Người phụ nữ đang hấp
hối trong cung Trường Nhạc phồn hoa tôn quý là mẫu thân của phu quân nàng. Bà
và nàng sống ở trong hai cung điện suốt bao nhiêu năm qua nhưng tới giờ vẫn như
hai người xa lạ. Bản thân nàng tràn ngập bi thương, chẳng thể nào chia sẻ với
người phụ nữ nửa đời huy hoàng nhưng sắp ra đi kia.

Song, bà lại là mẫu thân của Lưu lang. Vào thời khắc đó, Lưu
lang thật sự bi thương. Dù Lưu lang có tàn nhẫn đến đâu nhưng trong lúc mẫu
thân qua đời thì trái tim y vẫn thoáng có chút mềm yếu. Nàng đi theo y tới
ngoài điện Linh Tâm. Mọi người nói rằng Lưu lang ở tại tòa cung điện này từ nhỏ
đến lớn. Lưu lang của nàng ngồi trong điện Linh Tâm thương tiếc mẫu thân, còn
nàng đứng ở ngoài, chần chừ không dám vào. Thời gian đã mài mòn dũng khí của
nàng. Nàng không còn được như hồi còn trẻ, không hề sợ hãi về tiền đồ phía trước.

Người đời nói rằng, hiểu rõ tâm Hoàng đế nhất trên đời này
chính là Ngự tiền tổng quản Dương Đắc Ý hầu hạ bên cạnh y nhiều năm. Ngày hôm
đó, Dương Đắc Ý đã đi khắp cung điện tìm Trần A Kiều. Nàng đứng tại đình Viễn
Sơn ở rất xa, nhìn Doãn Giai La tiến vào rồi bị bệ hạ nổi trận lôi đình truyền
giải tới Dịch đình. Cuối cùng là Trần A Kiều bước vào.

Nàng cứ đứng chờ mãi ở trong đình, đợi đến khi sắc trời sẩm
tối, đợi đến khi những cơn gió Nam tháng Năm thổi tới, tâm hồn lạnh giá vẫn
chưa thấy người kia đi ra ngoài. “Hoàng hậu nương nương”, Thải Thanh khẽ nhắc,
“Chúng ta trở về thôi.” Nàng quay đầu lại, tựa hồ nghe ra vẻ bất nhẫn trong lời
của Thải Thanh, cười không thành tiếng.


Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm từ nhỏ đã có tình cảm rất
tốt với Trần A Kiều, trước mặt mọi người gây khó xử cho nàng, đối đãi lạnh nhạt.
Sau khi Thái hậu qua đời, nàng chính là người phụ nữ tôn quý nhất Đại Hán nhưng
sao lại phải cẩn trọng hơn so với trước kia? Bệ hạ dẫn Nam Cung trưởng công
chúa và Trần A Kiều tới cung Cam Tuyền nghỉ hè. Sau khi trở về, ân ái càng thêm
nồng thắm. Còn nàng thì trông coi ngôi vị hoàng hậu lạnh lẽo mà dần trở nên mòn
mỏi, gầy yếu đến nỗi chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng ngã.

“Mẫu hậu”, các con gái gọi nàng vẻ lo lắng.

“Không có chuyện gì”, nàng bình thản đáp, vẫn cười dịu dàng.
“Ta đã quen rồi.” Đúng vậy, nàng đã quen. Không phải là nàng nguyện ý quen mà
hiện thực buộc nàng phải như vậy, không chấp nhận thì làm thế nào?

Dương Thạch đã xuất giá, Khứ Bệnh cũng đã mất đi. Không khí
tịch mịch tràn ngập cung Tiêu Phòng. Ngay cả mái hiên thoạt nhìn tráng lệ huy
hoàng trong những năm đầu giờ cũng ảm đạm qua năm tháng bào mòn. Còn nàng càng
ngày càng trở nên thận trọng. Cho tới bây giờ, chỉ cần con gái mạnh khỏe, gia tộc
bình an, nàng sẽ có thể cứ thận trọng như vậy đi hết cuộc đời.

Cuối cùng nàng vẫn không thể chống lại con bão táp bộc phát
trong Thượng Lâm Uyển. Lúc vừa nghe chuyện, nàng rất ngạc nhiên, ngoài nỗi lo lắng
cho gia tộc còn là một thoáng sung sướng. Trần A Kiều kiếp này ngươi luôn thuận
buồm xuôi gió mà cũng có ngày hôm nay sao? Mất đi đứa con kia, nhất định ngươi
sẽ rất đau, rất đau, có đau như ta không?

Nàng gắng sức làm giảm cơn sóng lớn đổ ập vào Vệ gia nhưng
không thể ngăn được nỗi sợ hãi lúc đêm khuya nằm ngủ một mình ở điện Tiêu
Phòng. Chẳng lẽ lần này thật sự không qua được? Năm xưa nàng đối xử với Trần A
Kiều như thế nào thì tới giờ vận mệnh như muốn báo ứng trở lại gấp bội. Người đầu
tiên ra đi là ngoại trưởng tôn.

Sau đó là Dương Thạch, cuối cùng là Cứ Nhi. Vận mệnh nếu muốn
nàng bại lui từng bước, nàng cũng chẳng thể cưỡng nổi. Nàng chỉ có thể ngồi
trên chiếc ghế hoàng hậu giá lạnh, xung quanh chỉ còn mấy đứa con và người
thân. Chỉ sợ sau cơn phong ba này thì chiếc ghế hoàng hậu cũng sẽ mất đi. Sao
nàng có thể cam tâm? Nếu phía sau đã là vực sâu vạn trượng, không thể lui được
nữa thì sao nàng có thể tiếp tục lui cho được? Tiếp đó, chuyện mưu phản, Vu cổ
dồn dập ập đến. Tất cả đều đã sắp đến hồi kết thúc, nàng ngồi gảy đàn trong điện
Tiêu Phòng. Đó là khúc Thượng Tà trong Nhạc phủ.

“Nguyện làm đôi lứa tương tri, trọn đời chẳng phân ly.

Núi sẽ mòn, nước sông rồi cạn,

Đông sấm rền, hè giăng mưa tuyết,

Trời đất sập, mới cùng chàng ly biệt!”

Cuộc đời của nàng, chẳng qua chỉ là một lần đánh cuộc lớn. Nửa
đời trước, nàng thắng nên tới được điện Tiêu Phòng. Nửa đời sau, nàng lại thua
nên tự vẫn, trả giá bằng tính mạng. Cuối cùng cũng đã xa cách với người. Lưu
lang là quân vương, nhưng nàng chỉ mong mỏi y là lang quân của mình. Lúc còn trẻ,
nàng lạnh lùng quan sát cô gái kiêu ngạo kia, thầm giễu cợt cô ta không hiểu
chuyện. Lưu lang của các nàng là bậc đế vương làm chúa tể thiên hạ mà cô ta lại
mong y chỉ sủng ái riêng mình, thế chẳng phải là quá ngây thơ hay sao? Giờ nàng
mới biết, bất kỳ người con gái nào cũng đều nuôi vọng tưởng như vậy trong lòng.
Chỉ là Trần A Kiều thành thực hơn, lại có tư cách để vọng tưởng nên mới nói ra
không hề e ngại. Có thể sống một cuộc đời thẳng thắn như vậy, ai bảo không phải
là hạnh phúc?

Đã đến bước này, nhìn lại hết thảy, nàng chỉ thấy bản thân
mình luôn bị áp chế, dù ngay cả lúc đắc ý nhất là đăng cơ lên ngôi hoàng hậu
thì chung quanh vẫn chỉ là màu xám. Cả đời nàng chỉ duy nhất một lần mang màu sắc
ấm áp. Đó là lúc người kia còn là hoàng hậu, còn nàng mới có Vệ Trường, bệ hạ đến
điện của nàng thăm nom, hai người cùng bế Vệ Trường êm đềm vui vẻ. Cảnh tượng
đó rất giống hồi còn bé, nàng từng thấy một gia đình nông dân ở huyện Bình
Dương, vợ chồng quấn quýt bên nhau, cho đến già vẫn còn trao nhau đầu mày cuối
mắt tràn ngập yêu thương. Chính nàng đã phá vỡ sự ấm áp đó, sắp đặt chuyện Vu cổ
hãm hại Trần A Kiều, đẩy A Kiều khỏi ngôi hoàng hậu. Nếu như mong muốn lớn nhất
trong cuộc đời chỉ là được bên nhau đến già thì lúc ban đầu nàng cần gì phải dốc
hết tâm cơ để giành giật sự yêu thương của bệ hạ. Trong buổi ban đầu đó, rốt cuộc
là vì nàng muốn giành lấy yêu thương của bệ hạ, biến y trở thành Lưu lang của
mình nên mới nảy sinh tình yêu hay là vì nàng nảy sinh tình yêu nên mới quyết
tâm liều mạng giành giật tình cảm của Lưu lang? Điều đó ngay cả bản thân nàng
cũng không biết. Nàng chưa bao giờ nguyện ý đoạn tuyệt, chỉ mong gắn bó cả đời
với y.

“Núi sẽ mòn, nước sông rồi cạn,

Đông sấm rền, hè giăng mưa tuyết,

Trời đất sập, mới cùng chàng ly biệt!”

Nhưng Lưu lang đã đoạn tuyệt trước với nàng. Cõi đời này chỉ
có một Lưu lang, vậy sao đã có một Vệ Tử Phu lại còn sinh ra một Trần A Kiều?
Hoặc là đã có Trần A Kiều rồi thì cần gì phải sinh ra một Vệ Tử Phu? Vận mệnh rất
công bình. Nàng đã có gan đánh cuộc thì phải chịu thua nhưng lại không dứt bỏ
được vì còn bốn đứa con trai con gái lại trên đời. Nếu có thể, kiếp sau nàng nhất
định không quan hệ với nhà đế vương. Nàng đã thoáng suy nghĩ như vậy khi dải lụa
trắng siết qua cổ.

Hồn phách chết oan không được đầu thai nên nàng cứ dật dờ suốt
bao năm, chờ đợi suốt bao năm ở trong Uổng tử thành này, ngày ngày xem cảnh bọn
họ buồn, vui, tan, hợp rồi cuối cùng cũng đến một ngày chờ được Lưu lang của
nàng đến. Quỷ sai đi ngang qua, khẽ báo. “Hiếu Vũ hoàng đế đến rồi đấy.”

Nàng nhìn ra đằng xa, Lưu lang của nàng đã già lắm rồi,
khuôn mặt tiều tụy. Không biết y còn nhớ rằng trong cuộc đời mình từng có một
người con gái tên Vệ Tử Phu hay không. Bao năm rồi, nàng chưa từng rơi lệ, bây
giờ đột nhiên bật khóc. Từng giọt, từng giọt nước mắt chầm chậm lăn xuống, chưa
qua hết gò má đã kết thành băng lạnh.

Hiếu Vũ hoàng đế Lưu Triệt tại vị sáu mươi năm, chiến công
hiển hách. Đám quỷ sai trong chốn U minh cũng nghe danh. Lưu lang cau mày hỏi,
“Khi nào thì hoàng hậu của trẫm mới xuống đây?”

Quỷ sai nói: “Sinh tử có số, đã tới U minh rồi thì hãy tuân
thủ quy củ của chốn U minh. Nếu Hiếu Vũ hoàng đế cùng Hiếu Vũ Trần hoàng hậu
còn có duyên phận thì nhất định có thể gặp được nhau trong cõi âm này.” Y định
hỏi bao nhiêu năm nhưng rồi lại thôi. Hai năm sau thì Trần A Kiều cũng đến.
Khác với Lưu lang, hai người phụ nữ lại có thể nhìn thấy nhau.

“Ta và ngươi tranh đấu suốt bao nhiêu năm qua, ngươi có hận
ta không?” Nàng chẳng biết hỏi gì hơn.

“Nhiều năm như vậy”, Trần A Kiều chỉ cười, đáp ngoài dự tính
của nàng: “Ta đã quên mất từ lâu.”

Bao nhiêu năm đã qua… Đúng vậy, đã qua biết bao năm tháng. Trần
A Kiều đã quên, nàng cũng chẳng nhớ. Tiếp sau là Vệ Trường, Dương Thạch, Chư Ấp
rồi cả Cứ Nhi cũng xuống, tất cả những mối bận tâm của nàng ở trên trần thế đã
hoàn toàn chấm dứt.

Quỷ sai tới trước mặt nàng, nói, “Vệ Tử Phu, ngươi đã có thể
chuyển thế.” Nàng bình thản gật đầu: “Được rồi.” Chờ đợi đằng đẵng quả thật là
một chuyện mỏi mệt, phải nhớ mãi một đoạn ký ức muốn lãng quên lại càng mệt mỏi.

Chầm chậm, chầm chậm, nàng cứ thế uống hết chén canh Mạnh bà
vừa được bưng tới, vùi chôn hết thảy ân oán tình thù trong suốt cuộc đời.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận