Kim Sơn Hồ Điệp

Trong thời loạn thái bình này, con người đâu khác gì cọng cỏ, dẫu bản lĩnh có lớn thế nào thì cũng phải cụp đuôi khi đứng trước mặt người da trắng. Nếu Hồng gia thật sự cũng cho là như vậy, thì trái lại Hoài Chân cảm thấy ông ta đã để mắt đến mình.

Sáng sớm ngày thứ sáu, cậu nhóc rao báo đưa thành tích nhập học đến phố người Hoa, cô đã thi đậu lớp 9 của trường trung học Hiệp Hòa, và cũng đậu lớp cao nhất trường công lập Viễn Đông, kết quả khả quan hơn cô nghĩ nhiều. Cả nhà ở tiệm giặt giũ A Phúc hớn hở không thôi, nói chỉ cần đi học tiếp nửa năm, thi đậu trường cấp ba bên ngoài là sau này có thể đi học cùng Vân Hà rồi.

Chỉ có Hoài Chân là có phần bận tâm, cô đã xem qua chương trình học của trường Hiệp Hòa rồi, có thể miễn cưỡng theo kịp lớp 8. Song nếu lên lớp 9 thì sợ là hơi khó. Ngoài trí nhớ tốt ra, chút ưu điểm ít ỏi của cô chỉ đủ để áng chừng bản thân nặng bao nhiêu mà thôi. Lúc cô cầm tờ giấy thông báo nhập học này, chỉ biết tự trách lúc làm bài thi không biết kiềm chế.

Vân Hà cho rằng cô vẫn còn lo lắng chuyện cô gái được tổ chức Cứu trợ trẻ em đưa đi kia, bèn trấn an cô: “Yên tâm, đợi thứ bảy này Đường hội chính thức sáp nhập vào hội quán Nhân Hòa, thì trên khu vực San Francisco này sẽ không ai dám làm khó em nữa đâu. Nếu có người đến rạp hát đêm đó nhận ra em, thì từ nay về sau cũng không dám nói nhiều một câu.”

Lúc này Hoài Chân mới sực nhớ, cha con nhà họ Hồng đã trở về rồi.

Nhưng trước khi đến Đường hội, cô lại gặp Hồng Lương Sinh trước.

Lập xuân vừa qua, thời gian ngày sáng nhiều lên, nhiệt độ cũng ấm áp hẳn. Có điều trước khi mặt trời ló rạng và sau khi khuất núi, gió biển ở San Francisco thổi đến vẫn lạnh thấu xương.

Hoài Chân nghe theo lời đại phu, cứ đúng sáu giờ mỗi ngày là thức dậy chạy bộ dọc phố Clay đến Sacramento, đi qua đi lại trên mấy con dốc đứng, tới khi về lại phố Grant Ave thì đã đầm đìa mồ hôi. Lúc về còn cầm theo dầu dứa và bình cà phê mới mua, thế là cô đành cởi áo khoác len ra buộc ngang hông. Đang đi trên đường, đột nhiên nghe thấy tiếng thét chói tai của một người phụ nữ nước ngoài từ trong con hẻm gần đó truyền đến, ngay sau đó là tràng cười ha hả của một đám thanh niên.

Hoài Chân lùi về sau mấy bước, lặng lẽ nhìn vào bên trong. Trong đó có một tiệm tạp hóa đánh dấu sơn màu xanh da trời, cùng một đám thanh niên mặc đồ truyền thống vây quanh một người phụ nữ nước ngoài có nước da bánh mật, bọn chúng thốt ra những câu từ cợt nhả bằng tiếng Anh với cô ta. Đám thanh niên ấy khá cao, khiến người phụ nữ da trắng kia trông thật bé nhỏ. Hình như cô ta mang dòng máu Latin, đầu cúi gục, mái tóc xoăn đen che lấp khuôn mặt xinh xắn nhỏ nhắn, hai tay che mắt như có vẻ xấu hổ, lại giống như đang lau nước mắt.

Cô đang mải nghĩ có nên gọi cảnh sát trên phố người Hoa đến hay không, thì bất chợt một ông lão râu quai nón đắp chăn bẩn cạnh thùng rác giật giật, đưa chân gạt trúng cô.

Hoài Chân suýt bị ông ta làm trật chân ngã, cô lập tức thu chân về đứng vững lại, cúi đầu nhìn ông cụ kia.

Ông ta chậm rãi nói, “Mary là người mới, tối qua mời khách cả đêm nhưng đến nửa thằng cũng không kiếm được, má mì không cho nó vào cửa, ở bên ngoài rét cóng một đêm, cũng sắp điên rồi.”

Hoài Chân nghe thế, lại đứng yên lặng lẽ nghe một hồi.

Ông già nói tiếp, “Không biết tuần sau có bao nhiêu gã da trắng đến phố người Hoa nghỉ chân đây, đám đại thiếu gia này bỏ ra năm đô la để món hàng rẻ bèo này một cơ hội tốt vào khách sạn Trung Hoa giàu có bên cạnh, cô ta nào dám không nghe theo. Bây giờ khách tới cửa, cô đừng có dây dưa vào.”

Tuy trông ông cụ tả tơi vất vả, song lại có thể kể được mấy mẩu chuyện trên phố người Hoa, Hoài Chân lại cảm thấy vui vui. Cô cúi đầu nhìn, thấy trên vầng trán đen thui của ông có mấy nốt mụn ghẻ chốc đầu, nói không chừng chính là Vương Bát bị bệnh chốc đầu mà A Phúc nói.

Cô đang định nhìn kỹ thì dường như gã thanh niên bên kia đã thỏa thuận giá cả xong, xoay người đi ra ngoài. Đi đến là một thanh niên cao gầy mặc đường sam màu tím đậm, cúi đầu châm thuốc, ngậm vào miệng hít một hơi, mới đưa mắt nhìn lên lên thì lập tức bắt được tầm mắt của cô.

Hồng Lương Sinh dừng bước, nhếch mép cười, rất có kiểu của nhị thế tổ.

Hoài Chân bị nụ cười của hắn làm cho run lên, cô hoàn hồn, vội nhấc chân bỏ chạy.

Chạy một mạch qua hai con phố cũng không dám ngoái đầu lại, cho đến khi vào phố Grant Ave thì cô mới nhìn lui, phát hiện không ai đuổi theo, lúc này mới thả lỏng.

Kể ra thì, cô không sợ đại diêm vương Hồng gia cho lắm, song lại sợ Lục thiếu gia không làm việc theo lẽ thường này.

Có điều mấy ngày sau đó không còn đụng hắn ở trên đường nữa, sống yên ổn không chuyện, cho đến ngày đường hội.

Buổi trưa ngày giao thừa, Hoài Chân và Vân Hà cùng ra phố chở chuyến xe đưa quần áo cuối cùng đến cho các nhà rồi quay về, treo tấm biển lên, thông báo năm nay tiệm giặt giũ A Phúc chính thức đóng cửa, hẹn mọi người sang năm gặp lại. Lúc ăn cơm trưa, Quý La Văn cũng xin gia đình người da trắng nghỉ ba hôm, đeo thêm cái sọt dẫn hai cô gái cùng đến miếu Thiên Hậu thắp hương cầu phúc.

Đến gần cửa ải cuối năm, phố phường rộn ràng hơn hẳn. Có vài ba cửa tiệm còn chưa đóng cửa, nhưng các nhà đã bắt đầu vẩy nước nên sân nhà phố phương, quét dọn hội đồng hương tứ ấp cho sạch sẽ. Trên cánh cửa của các đại tộc cũng treo tranh môn thần và câu đối tết năm mới, sau khi đóng cửa, phụ nữ và trẻ nhỏ rối rít đi đến miếu Thiên Hậu rước môn thần năm mới.

Miếu Thiên Hậu cũng bước vào thời kỳ hương khói thịnh vượng nhất trong năm, dâng hương, cúng tế, hóa vàng, vẩy rượu… Dòng người nườm nượp trước bàn thờ Phật, trong âm thanh ồn ào tấp nập, Hoài Chân và Vân Hà mỗi người cầm một bức tranh môn thần và câu đối, đến khi A Phúc mua được chất đốt, nước và nến thì cả nhà cùng đến hội quán Nhân Hòa.

Đứng trên sườn núi cao cao ở đường Stockton, ngửi mùi hương khói ở trong miếu, trên phố người Hoa chữ thập đan xen, đập vào mắt là những đèn lồng đỏ to tướng cùng biểu ngữ đỏ thẫm giăng đèn kết hoa. Dưới mỗi cột đèn đường đều dán kín giấy quảng cáo mới toanh, đa số đều liên quan đến cuộc thi sắc đẹp Miss Chinatown, bên trên viết những lời chúc mừng bằng tiếng Anh như hoan nghênh quan cấp chính phủ thành phố, ngoại tỉnh hay du khách đến, ngoài ra còn có vài tờ quảng cáo bộ phim nhựa “Long Nữ” của Hoàng Liễu Sương.

Đi xa hơn nữa, những tòa cao ốc đứng lặng bên ngoài bao quanh phố người Hoa bé nhỏ, trên lầu phấp phới lá cờ bốn mươi tám ngôi sao vô cùng bắt mắt, như đang nhắc nhở mọi người rằng: thứ ảo ảnh ngập tràn hạnh phúc này đều được dựng nên trên từng tấc đất của đế quốc chèn ép các người.

Người Hoa cắm rễ ở đây, đến ngày lễ ngày tết lại chu du khắp núi sông, ở ngoại ô cũng không có miếu để cúng bái. Không phải dưới chân thiên tử nhà mình, không quốc không chủ, thậm chí không biết rốt cuộc chúa ban phước cho đất nước nào… Chỉ có luật pháp nghiêm ngặt bóc lột ngăn cách bốn mươi con phố này. Nhưng những người đi qua trước mặt đây, người nào người nấy đều vui vẻ ra mặt.

Đến phố Stockton, cô lập tức trông thấy một tòa kiến trúc Trung Hoa vàng óng vô cùng bắt mắt. Một đôi sư tử bằng gỗ canh giữ ở cửa vào hành lang rộng rãi, ngoài cửa còn có một tấm bia ngựa đá; bên trong cửa treo một dãy đèn lồng cao cỡ nửa người, hai bên đều có câu đối chạm trổ thẳng đứng:

Trời lành ôm vạn dặm, khí ấm tỏa muôn nơi.

Hoài Chân cúi đầu nhìn con sư tử đá kia, nghĩ bụng, ở ngoài mấy căn nhà trong ngõ hẻm Bắc Kinh cũng có sư tử như thế này, nhỏ chừng một thước, thân phận của chủ nhân tòa phủ đệ khác nhau thì kích thước sư tử cũng khác nhau. Mà không biết đôi sư tử đá ở nơi nước ngoài xa xôi thế này có chú trọng như thế không.

Có một thân sĩ trông như lão giả đứng chờ sau cửa, thấy cô quan sát sư tử bèn đi lên nói, “Đừng chỉ mãi nhìn sư tử không thôi, đến xem tấm biển này đi, có nhận ra không?”

Hoài Chân ngẩng đầu, trông thấy bốn chữ “hội quán Nhân Hòa” viết tháu trên tấm biển cũ, không tương xứng với khí thế của hội quán.

Đang không biết ra sao thì lão giả kia nói tiếp: “Chữ đề trên này được chính Quang Tự gia ngự ban.” Thấy cô không biết, ông ta ra vẻ ỉu xìu, đi vượt qua cô hỏi A Phúc: “Mọi người đã đến đông đủ rồi, sao còn không vào?”

A Phúc tìm quanh bốn phía, hỏi, “Huệ gia có đến không? Con gái tôi mới lần đầu đến đây, tôi đang đợi ông ấy đến rồi mới đi vào.”

Lão giả nói, “Có khi Huệ gia đã chờ ở trong rồi đấy.”

A Phúc thoáng do dự, rồi vẫn nhắm mắt dẫn cả nhà đi vào.

Băng qua cửa hành lang, đi vào rồi mới biết bên trong có động tiên khác: trong bốn tầng cao cao, mỗi người khách đến đều ngồi trước bàn vuông uống trà, thấp giọng cười nói; hầu bàn mặc đồ trắng khoác ngoài áo màu đen, hoặc đang loay hoay bận rộn hoặc dựa vào lan can tầng ba xem kịch hay nào đó; những người hầu trà thì cầm một chiếc ấm đồng qua lại giữa khách, nhanh mắt thấy chén trà của ai đã hết thì áng chừng trà trong ấm rồi nghiêng vòi ấm, nước trà từ vòi chảy ra rót đầy chén sứ không một giọt vương, sau đó bọn họ phủi vạt áo, bước chân nhẹ nhàng đi đến nơi khác.

Tân khách trong đại sảnh không hề có chút rối ren lộn xộn, Hoài Chân âm thầm lấy làm kỳ lạ. Đi vào trong nữa, một người trung niên đột ngột đứng lên, hét lớn một tiếng “được!”, sau đó đám đông trong sảnh rối rít vỗ tay hoan hô. A Phúc tìm được một chiếc bàn ở trong góc, kéo cả nhà bốn người nhân lúc này ngồi xuống. Hoài Chân nhìn vào trong sảnh qua đám đông, thấy thì ra là một đứa trẻ hai tuổi của cửa tiệm thợ bạc mới mở mới gia nhập Đường hội, vào đây để bóc thăm, đứa bé ấy bóc được một cuốn sổ kế toán trong đống giấy bút, châu sai, thẻ tre và đồng cent Mỹ.

Cha của đứa trẻ kia mặt mũi đỏ bừng, cầm lấy ly rượu được Hồng gia đưa đến, ngẩng đầu uống một hơi cạn sạch. Đám đông hò reo ủng hộ: “Sau này tất thằng bé sẽ thừa kế nghiệp cha, cửa hàng đồ bạc Giang Thị đã có người nối nghiệp rồi, chúc mừng chúc mừng!”

Hoài Chân vừa nhìn đã biết kết quả, trong tiếng ồn ào, Hồng Vạn Quân đột nhiên gạt mọi người ra nhìn sang bên góc này, tầm mắt nhìn thẳng vào Hoài Chân.

Mọi người đều nhìn theo ông ta, trong thoáng chốc cả đại sảnh lặng như tờ.

Đột nhiên Hồng Vạn Quân mở miệng nói, “Vừa mới đến, nếu đã tới đây thì chi bằng cũng đến rút thăm cầu may mắn đi.”

A Phúc vội nói, “Nha đầu nhà tôi không như đứa trẻ hai tuổi không biết phân biệt đồ vật, đã tuổi này rồi đâu cần phải chơi trò đó nữa?”

Hồng Vạn Quân cười nói, “Nha đầu này, anh nói nó là con gái của người anh em ở quê nhà mình, nhưng ai biết lai lịch của nó ra sao? Nếu phố người Hoa xảy ra chuyện gì vì nó, thì Hồng Vạn Quân ta phải chịu trách nhiệm, hay là Quý Phúc anh chịu trách nhiệm thay nó đây?”

Hồng Vạn Quân nói tiếp, “Không ai gánh được nguy hiểm ấy cả, muốn ở tại phố người Hoa này cũng được thôi, hội phí một tháng ba mươi đô la, anh nộp thay nó, hay Huệ gia nộp thay nó?” Nói đoạn ông ta nhìn sang Hoài Chân, “Hay tự mày nộp?”

A Phúc đang định đứng dậy nói thêm thì La Văn đã nhéo tay ông, đè ông ngồi xuống.

Hoài Chân đứng dậy.

Hồng Vạn Quân thấy vậy bèn giơ một tay lên, tỏ ý bảo cô đi đến, dung mạo hiền hòa song không hề có ý định cho kẻ khác xen vào.

Hoài Chân sợ về sau ông ta lấy chuyện gì đó để gây chuyện với mình, cô vỗ nhẹ vào tay Vân Hà trấn an, rồi không chút do dự lại gần.

Dưới cái nhìn soi mói của hơn ngàn người, Hoài Chân lại lần nữa trở thành tiêu điểm của đám đông.

Vốn trên chiếc bàn dài mấy mét trước bàn thờ đặt quan ấn, dao gỗ đào cùng vài thứ giấy bút bình thường khác. Nhưng đến khi cô lại gần thì chẳng biết đồ trên bàn đã được đổi từ lúc nào. Lúc này, bên trên đang bày biện mấy món đồ: một tờ khế ước bán thân, một tấm thiệp cưới, một tấm thẻ bằng sắt phỏng theo thẻ nội bộ của cảnh sát liên bang, cùng một cuốn “Bản thảo cương mục”*.

(*Đây là sách dược thảo nổi tiếng của Trung Quốc, gồm 52 quyển.)

Những thứ này ắt hẳn đã được chuẩn bị từ sớm, lập tức Hoài Chân hiểu ra trong lòng, cô biết Hồng gia muốn làm gì.

Từ khế ước bán thân cho đến thiệp cưới, hai thứ này đều là thứ Hoài Chân cá cược với ông ta, và cô may mắn thắng một lần. Lúc này lại bị Hồng gia đặt trên bàn, chẳng qua là đang nhắc nhở cô, nói cho cô biết hai thân phận này là Hồng gia cho cô, về sau khôi phục làm người tự do, có được thân phận con gái bình thường sống ở phố người Hoa, cũng là nhờ Hồng gia cho cô mặt mũi; còn tấm thẻ sau đó là cảnh cáo cô, đừng có cấu kết với cảnh sát ngay dưới mắt ông ta; cuối cùng là bản cương mục, có lẽ là nể mặt Huệ đại phu nên mới đem ra thử lần này trong Đường hội.

Kết hợp với mấy thứ đồ trước mặt, tóm lại ông ta vẫn muốn nói với cô rằng, đừng tưởng đi theo Huệ gia thì có thể đối nghịch với ta, là đầu rắn phố người Hoa, ta không bao che cho mày, nếu xảy ra chuyện thì Huệ a cũng không bao che được.

Hoài Chân đi đến trước bàn, đi từ đầu bàn đến cuối bàn, vừa hay Hồng Vạn Quân đứng bên cạnh cô.

Hồng Vạn Quân hỏi, “Mày không lấy gì hết?”

Hoài Chân nói, “Không lấy.”

“Nghĩ kỹ rồi?”

Hoài Chân gật đầu.

Lúc này Hồng Vạn Quân cười lạnh một tiếng, đi đến bệ thờ lấy một ly rượu to chừng ngón cái đưa cho cô. Hoài Chân nhận lấy, ngẩng đầu uống cạn, chất rượu cay xè từ cổ họng xuống bụng, cô lập tức ngẩn người. Đầu óc nặng trịch bước xuống đại sảnh, nhưng trong người lại thoải mái hơn.

Đầu óc quay cuồng, chỉ nghe thấy đại sảnh lại náo nhiệt, có người ở bên trên hăng say đọc lời chúc thay Hồng Vạn Quân:

“Chúng ta từ Trung Hoa đến nước Mỹ, thay đổi cách phát triển và sinh trưởng dưỡng dục, lặp đi lặp lại các phương ngữ khác nhau, nhưng nay gặp lại vẫn như anh như em… Mọi người tụ họp với tôi, coi như bình đẳng. Bởi vì chúng ta có cùng hy vọng và cùng số phận. Thu kinh phí, dùng làm tiền mướn nhà, tiền lương, công thực. Nếu còn tiền dư thì giữ lại làm từ thiện. Gặp nếu có người nào tranh cãi với nhau vì chuyện nhỏ thì để hội quán ra mặt khuyên giải, để mọi người được sống yên ổn với nhau…”

Hoài Chân uống không dưới bốn ly Ô Long do Vân Hà đưa cho, cho đến khi Đường hội kết thúc một nửa, cô mới miễn cưỡng hoàn hồn.

Buổi chiều ngày Ba mươi Tết, những lớn tuổi vẫn phải ở lại để đi dâng trà ở hội đồng hương. Phụ nữ đánh bài, đàn ông uống rượu, đám con nít thì ăn kẹo ăn bánh, đến tối lại cùng uống canh thịt bò, đây đều là thông lệ của những năm trước, A Phúc và La Văn đều phải đi. Những người tuổi tác xấp xỉ Vân Hà Hoài Chân, hoặc ra ngoài đường chơi hoặc đang ở trường đi học, có người vẫn còn bài tập phải về làm nốt, cũng cần mau chóng về nhà.

Vân Hà cần đi luyện tập cùng dàn nhạc trống, Hoài Chân cũng phải đến khách sạn Trung Hoa làm quen với công việc hai ngày tới. Hai người cùng nhau ra khỏi cửa của hội quán Nhân Hòa, đúng lúc này trên đường phố vắng tanh vang lên tiếng huýt sáo.

Vừa ngoái đầu lại, chưa thấy người đâu thì đã nghe thấy giọng Bắc Kinh vang lên trước.

Nhìn quanh bốn phía, cả hai thấy Hồng Lương Sinh mặc trang phục truyền thống màu đen, dựa vào lối ra ở đầu hẻm, nom dáng vẻ rất vô lại, chặn lại hơn nửa đường đi. Hắn cúi đầu chơi đùa lọ thuốc hít trong tay, thờ ơ nói, “Không chọn thứ gì, xem ra mắt mày không chọn tục vật. Đến cái cuộc thi vớ vẩn bỏ đi đó kiếm mấy đồng bạc lẻ làm gì? Đi theo Tiểu Lục gia mày, không lo ăn không lo mặc, muốn gì có nấy.”

Hồng Lương Sinh lau lọ thuốc rồi cho vào trong túi áo, lại ngẩng đầu lên bắt đầu quan sát Hoài Chân, không hề có ý định dời mắt đi.

Vân Hà chặn trước người Hoài Chân, khí thế hung hăng, “Hôm nay ngay trước mặt mọi người, cha anh đã đồng ý cho Hoài Chân ở lại rồi, anh đừng có giở trò vô sỉ!”

Hồng Lương Sinh giơ tay chỉ vào mũi mình, “Làm chuyện gì cơ?”

Hoài Chân nhớ lại chuyện trong hẻm ngày hôm đó, nói, “Anh mời cô gái Latin kia đến khách sạn Trung Hoa, là vì bạn trai Mexico của cô Diệp sắp đến đúng không?”

Hồng Lương Sinh khinh thường nói, “Liên quan đếch gì đến cô ta?”

Cô nói, “Chỉ biết tìm đường ngang ngõ tắt, còn không bằng quang minh chính đại cạnh tranh công bằng với người ta.”

“Tao cạnh tranh ai, cô ta ư?” Hắn cười phá lên, đưa mắt nhìn Hoài Chân từ đầu xuống chân rồi lại nhìn từ chân lên đầu, “Hôm đó ở rạp hát, cả đại sảnh ai ai cũng háo hức, thế mà chỉ có một mình mày là làm như không liên quan, ung dung bình tĩnh. Mày thú vị hơn cô ta nhiều.”

Vân Hà vội nói, “Em ấy có bạn trai rồi.”

“Tao còn chưa hỏi đấy, ngày đó tiểu tử da trắng bị tao bụp mấy phát, bị tẩn thế đã đã chưa? Lần sau mà để tao gặp lại hắn, tặng hắn thêm mấy cú nữa cho đã nhé?”

Hồng Lương Sinh chắp tay sau lưng, đi vòng hai người một vòng “Kẻ xấu tiêu tiền cho đàn bà mà lại còn keo kiệt, rốt cuộc là tốt ở điểm nào?” Hắn nghĩ ngợi rồi cười hỏi, “Kỹ năng giường chiếu tốt?”

Vân Hà nói, “Lục thiếu, anh tôn trọng người khác tí đi!”

Hoài Chân đứng ngẩn ngơ, đột nhiên nghĩ ra điều gì đó mà bật cười.

Hồng Lương Sinh dừng bước, “Có điều gì khiến mày hài lòng à?”

Hoài Chân cười hỏi, “Nghe nói Lục thiểu hút thuốc phiện.”

“Thỉnh thoảng thôi.”

“Có hay đến nhà thổ không?”

Hồng Lương Sinh nghiêng đầu.

Hoài Chân nói, “Những chuyện khác tôi chưa thấy. Nhưng Lục thiếu phóng túng như thế, sợ rằng kỹ năng có khá đến mấy cũng không chịu nổi dày vò.” Nói đoạn cô sờ khắp mình, phát hiện đã thay bộ đồ khác, không tìm được danh thiếp của phòng khám Huệ Thị đâu, thế là đành cười xòa với hắn, “Chữa liệt dương ấy, tôi nghe nói Huệ đại phu là bậc thầy trong chuyện này đấy nhé. Lần sau Lục thiếu đến, tôi sẽ mời Huệ đại phu kê cho anh mấy bài thuốc bí truyền như ‘nước sinh tinh’ hoặc ‘thuốc tráng dương chiến đấu dài hơi’… Anh không việc gì phải mặc cảm cả.”

“Bà cô của chị ơi, già Huệ dạy em gì thế hả…” Vân Hà ôm trán, cảm thấy lời cô nói quá trắng trợn, bèn kéo cô ra hiệu im miệng.

Hoài Chân vui mừng đắc ý, thậm chí còn quảng cáo thay già Huệ: “Chỉ có trâu chết mệt chứ không có ruộng cày xấu. Không có mưa móc thì cây cỏ không thể sinh trưởng, không có nước biển thì cá tôm nào sinh tồn, không có nước sinh tinh thì cũng sẽ không có…”

Từ đằng xa có người đến, Vân Hà giật mình vội bịt chặt miệng cô, dùng sức lôi cô đi.

Hồng Lương Sinh đứng nguyên tại chỗ không hề đuổi theo. Lúc bị Vân Hà bịt miệng kéo đi, đuôi mắt Hoài Chân như trông thấy anh ta chậm rãi nhếch mép cười, nhìn lại từ đằng xa, ánh mắt rất có lực.

Khách sạn Trung Hoa nằm trên đường chính Sacramento, tổng cộng có ba tầng, phòng ăn ở tầng một phục vụ ba bữa sáng trưa tối, ở tầng hai và tầng ba có bảng hiệu rõ ràng to tướng, chữ “Chop Suey*” bên trên gắn đèn nê ông phát sáng – là một trong những món ăn Trung Hoa nổi tiếng ở Bắc Mỹ.

(*Chop Soey hay món xào thập cẩm, là một món ăn trong ẩm thực Mỹ gốc Hoa và các dạng ẩm thực Trung Quốc khác ở hải ngoại, bao gồm thịt và trứng, nấu nhanh với các loại rau như giá đỗ, cải bắp và cần tây trong một loại sốt sệt từ bột.)

Vào ở khách sạn, ngoài chính khách phú thương nhận lời mời hoặc nghe danh mà đến ra, thì hai mươi tư cô gái tham gia cuộc thi Miss Chinatown cũng đến ở trong khách sạn Trung Hoa. Vì khách đến đông đúc, lại không hạn chế khách đến viếng thăm, thế nên mọi thực đơn trong khách sạn đều đổi sang thực đơn tiếng Anh, những nhân viên phục vụ không biết tiếng Anh cũng đều được điều ra sau bếp hỗ trợ.

Có cả thảy 22 người cùng đến khách sạn nhằm phục vụ cho ngày thứ sáu, bao gồm cả Hoài Chân, mỗi người nam nữ chiếm một nửa, đa số đều mười sáu mười bảy tuổi, đang đi học ở trường công lập Viễn Đông, chỉ có hai người là học ở trường cấp ba bên ngoài. Chủ yếu bọn họ chịu trách nhiệm đưa bữa tối đến phòng do khách chỉ định, sử dụng tiếng Anh lưu loát để giới thiệu các món ăn Trung Quốc cho những vị khách gặp khó khăn khi gọi món, và khi khách cần thì có thể làm hướng dẫn viên du lịch dẫn họ đến phố người Hoa tham quan; mọi người cần nhớ tên và phòng của từng khách đến ở vào ngày hôm đó, sáng sớm thứ bảy đưa khách đến nơi dự thi Miss Chinatown, sau đó kết thúc công việc ở khách sạn. Sau đó mỗi người có thể chọn đến nơi xem dự thi, hoặc hướng dẫn cho du khách nước ngoài.

Tầng hai, tầng ba và nhà ăn tầng một khách sạn đã gác không sớm hai ngày, tiến hành lau chùi sạch sẽ toàn bộ nơi đây, dán tên các thương hiệu nổi tiếng lên cửa theo thứ tự. Tầng một cũng được trang hoàng sắp xếp sàn nhảy và sân khấu, đồng thời còn thuê ban nhạc Trung nổi tiếng nhất trên phố người Hoa cùng đoàn xiếc từ trong nước đến để biểu diễn.

Sau khi hoàn tất quy trình chung, chủ khách sạn đưa mọi người từ tầng một lên tầng ba để làm quen hai lần, sau đó thông báo mọi người sáng sớm thứ sáu đến khách sạn, phát cho mỗi người một bộ đồng phục thống nhất —— một chiếc áo sườn xám màu xanh nhạt cùng một đôi giày đế bằng màu trắng.

Hoài Chân cười to trong bụng, thì ra phải mặc như cây hành thật, không trách được già Huệ.

Dặn dò xong xuôi mọi chuyện, đột nhiên chủ khách sạn gọi Hoài Chân sang một bên, đưa cho cô một tấm bảng số phòng, nói, “Ngài Crawford ở phòng số 312 chỉ đích danh cô, mọi bữa sáng, bữa tối cùng với công việc hướng dẫn ngày hôm sau đều được sắp xếp cho cô.”

Yên tâm về cô thế sao?

Hoài Chân ngạc nhiên, chỉ biết gật đầu đồng ý.

Đêm đó cô xin ông chủ khách sạn một tờ thực đơn để đem về nhà nghiên cứu, ưu tiên gạch bỏ gà Tả Tông Đường, món xào thập cẩm, cơm chiên Dương Châu và canh thịt bò Tây Hồ ra khỏi thực đơn.

Rồi cô đổi bữa sáng thành một chén hai món chân gà tỏi, xương sườn hấp chao, giò heo chiên dầu, bánh bao kim sa, cháo gà cùng một ấm trà Phổ nhĩ hoa cúc, trà ướp hoa, trà thủy tiên, Thiết Quan Âm hoặc trà đen Anh Đức, kèm thêm cháo sò khô tôm nõn để khách lựa chọn. Bữa tối là món nguội điển hình nhất của quán trà Quảng Đông, súp cá nóng, hai món hầm nóng, tôm hùm tỏi biển bào ngư và hỗn hợp các món ăn cùng mắm tôm.

Ngày hôm sau khi cô đưa thực đơn này cho chủ khách sạn, lại được ông ta tán dương một hồi.

Sau đó Hoài Chân lại cố ý hỏi xin ông ấy danh sách tên 24 cô gái tham gia cuộc thi Miss Chinatown, đem về nhà thảo luận về mấy chuyện cười chuyện vui của bọn họ với A Phúc, Vân Hà và La Văn, phòng hôm sau có người hỏi đến, ngoài đánh giá vẻ bề ngoài của các cô ấy ra, cô còn có thể kể vài câu chuyện cười, không đến nỗi để chuyện cụt hứng.

Lúc hỏi đến Hoàng Văn Tâm chị gái của Hoàng Văn Sênh, Vân Hà đột nhiên nhớ ra, “Có một cô gái tên Trần Bối Đế, cũng phục vụ ở khách sạn Trung Hoa với em đấy, cô ta có đến tìm em không?”

Hoài Chân lắc đầu, “Không biết ai hết.”

Vân Hà bận tâm, “Cô ta cũng coi như đẹp xuất sắc, từ nhỏ đã lớn lên cùng Hoàng Văn Tâm, thích so đo mọi chuyện với Văn Tâm. Sau này khi Văn Tâm vào đại học quen bạn trai, cô ta cũng ghen tị miết. Mấy ngày trước cô ấy còn đến hỏi thăm chị về em, hỏi em vì sao quen biết với tiên sinh Andre Crawford. Chị sợ cô ta có tâm tư gì khác nên không để ý đến cô ta, nói không biết gì về chuyện của em.”

Hoài Chân lắc đầu, “Không ai đến tìm em cả.”

Lúc này Vân Hà mới nói, “Chỉ mong là chị nghĩ nhiều.”

Hiếm khi có được mấy ngày nghỉ ăn Tết, hai cô gái ở tiệm giặt giũ A Phúc lại mỗi người làm chuyện mình, không ăn cơm đúng bữa. Cả hai thường xuyên quay về từ dàn nhạc trống hoặc khách sạn, ngồi cạnh bàn ăn ở tầng hai, im lặng ngốn nghiến xử lý đĩa sủi cảo đã nguội ngắt hai tiếng. Chờ cơn đói qua đi, hai người mới lấy lại tinh thần, cùng nhìn nhau phá lên cười.

Trải qua cơn dày vò mấy ngày nay, Hoài Chân không chỉ không thành công tăng cân, mà trái lại còn gầy sọp đi như Vân Hà, làm A Phúc tức điên lên.

Cho đến đêm trước ngày thứ sáu, Vân Hà và Hoài Chân ở trong phòng, thay giày ống đen và com-lê đỏ của dàn nhạc trống cùng sườn xám phục vụ màu xanh vào, đứng trước gương nhíu mày nhăn mặt một hồi.

Vân Hà nói, “Lần đầu tiên chị làm trưởng dàn nhạc, dẫn các cô gái đi khắp hơn nửa San Francisco… Chị có mời cả Hayakawa-kun sáng sớm đến phố người Hoa nữa. Nếu để cậu ấy nhìn thấy chị không khác gì con tôm đi thị chúng cả ngày, chị thật sự không thiết sống nữa.”

Hoài Chân an ủi cô ấy, “Không sao mà, em còn là cọng hành thì sao? Hai ta đi với nhau, đầu tôm xào hành lá.”

Hai người nhìn nhau, ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Vân Hà lại hỏi, “Người da trắng có quen với cảnh sát liên bang kia có đến không?”

Hoài Chân hỏi, “Ai cơ?”

Vân Hà véo cô, “Đừng có giả vờ đánh trống lảng.”

Hoài Chân hoàn hồn, lúc này mới nhớ đến Ceasar.

Kể ra thì cũng đã gần hai tuần không gặp anh rồi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui