Bạch Thế Tôn! Sự chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát cũng vậy, đối với các pháp Bồ-tát không chấp thủ nên có thể đi từ bờ mê đến bờ giác.
Nếu còn chút ít sự chấp thủ các pháp thì không thể đến bờ giác.
Do nhân duyên này, khi các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không chấp thủ từ sắc cho đến thức.
Cho đến, chẳng chấp thủ vào pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa.
Vì sao? Vì tất cả pháp không thể nắm bắt.Bạch Thế Tôn! Tuy các Đại Bồ-tát không thể nắm bắt đối với tất cả pháp nhưng do thực hành bản nguyện là niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo chưa viên mãn.
Và sở chứng bản nguyện là mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chưa thành tựu, trong giai đoạn giữa không vì không chấp thủ tướng các pháp mà nhập Niết-bàn.Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này tuy có thể viên mãn sự thực hành niệm trụ cho đến chi đạo và có thể chứng mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng nhưng không thể thấy được.
Vì sao? Vì sự thực hành niệm trụ tức phi niệm trụ, cho đến chi đạo tức phi chi đạo.
Sở chứng mười lực tức phi mười lực, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng tức phi mười tám pháp Phật bất cộng.
Vì bản tánh tất cả pháp tức phi pháp, chẳng phải phi pháp.Bạch Thế Tôn! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy Đại Bồ-tát không chấp thủ đối với tất cả pháp nhưng lại thường thành tựu các thắng sự.Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Đại Bồ-tát phải quán sát kỹ thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa? Vì sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa? Ai thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy để làm gì?Bạch Thế Tôn! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát cần phải quán sát kỹ: Nếu pháp không sở hữu, không thể nắm bắt thì đó là Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Trong không sở hữu gạn hỏi chỗ nào?Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Trong đây pháp nào gọi là không sở hữu, không thể nắm bắt?Thiện Hiện đáp:– Gọi Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa là không sở hữu, không thể nắm bắt.
Bởi vì pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không vậy.Này Xá-lợi Tử! Sắc cho đến thức không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Năm loại mắt, sáu phép thần thông không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Chơn như cho đến thật tế không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Quả Dự lưu cho đến quả Ðộc giác không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Chư Phật, Bồ-tát không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Đó là do pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không vậy.Này Xá-lợi Tử! Khi Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu thường quán sát chắc thật như thế thì các pháp sở hữu đều không có sở hữu, không thể nắm bắt.
Tâm vị ấy chẳng lo lắng, chẳng sợ hãi, chẳng chìm đắm, chẳng ưu buồn, chẳng hối hận.
Nên biết Đại Bồ-tát này thường không lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa.Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Bằng cách nào biết được Đại Bồ-tát thường không lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa?Thiện Hiện đáp:– Đại Bồ-tát này như thật biết sắc cho đến thức, lìa tự tánh sắc cho đến thức.
Như thật biết bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, lìa tự tánh bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cho đến, như thật biết mười tám pháp Phật bất cộng, lìa tự tánh mười tám pháp Phật bất cộng.
Cho đến như thật biết thật tế lìa tự tánh thật tế.Này Xá-lợi Tử! Do đó nên biết Đại Bồ-tát này không lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa.Bấy giờ, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Sao gọi là tự tánh của sắc? Cho đến sao gọi là tự tánh của thật tế?Thiện Hiện đáp:– Sắc lấy vô tánh làm tự tánh, cho đến thật tế lấy vô tánh làm tự tánh.
Do đây nên biết sắc lìa tự tánh của sắc, cho đến thật tế lìa tự tánh của thật tế.
Xá-lợi Tử! Sắc cũng lìa tướng của sắc, cho đến thật tế cũng lìa tướng của thật tế.
Xá-lợi Tử! Tướng cũng lìa tự tánh, tự tánh cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tướng, tự tánh cũng lìa tự tánh.Khi ấy, Xá-lợi Tử bảo Thiện Hiện:– Các Bồ-tát học theo pháp này sẽ mau chóng thành tựu trí nhất thiết trí.Thiện Hiện đáp:– Đúng như vậy! Nếu các Bồ-tát học theo pháp này thì sẽ mau thành tựu trí nhất thiết trí.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì các Bồ-tát này biết cả pháp không sanh diệt.Xá-lợi Tử nói:– Vì sao các pháp không sanh, không diệt?Thiện Hiện đáp:– Sắc cho đến thức tự tánh là không, nên dù sanh hay diệt đều không thể nắm bắt.
Cho đến thật tế tự tánh cũng là không, nên dù sanh hay diệt đều không thể nắm bắt.Này Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát học về Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy thì gần trí nhất thiết trí.
Như như cũng đến gần trí nhất thiết trí.
Như vậy, như vậy thành tựu thân, lời nói, ý nghĩ và hình tướng thanh tịnh.
Và như như cũng đạt được tướng thân, lời nói, ý nghĩ bốn thứ thanh tịnh.
Như vậy, như vậy sẽ không khởi tâm tương ưng với tham, sân, si, mạn, dối gạt, xan tham, kiến thú.
Các Bồ-tát này do thường không khởi lên những tâm tham, sân, si v.v… nên chẳng đọa trong thai người nữ, thường được hóa sanh, xa lìa cảnh giới hiểm ác, trừ phi vì nhân duyên đem lợi lạc cho loài hữu tình.
Các vị Bồ-tát này từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật, thường chẳng lìa Phật cho đến khi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này do thường học Bát-nhã ba-la-mật-đa không biếng nhác mệt mỏi, nên biết vị ấy gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu hành từ sắc cho đến thức là hành theo tướng của chúng chứ chẳng phải hành theo Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khi hành từ sắc đến thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc viễn ly hoặc không viễn ly, hoặc tịch tịnh hoặc không tịch tịnh ấy là hành theo tướng của chúng chứ chẳng phải hành theo Bát-nhã ba-la-mật-đa.Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, hoặc hành năm loại mắt, sáu phép thần thông Ba-la-mật-đa, hoặc hành mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là hành theo tướng của nó chứ chẳng phải hành theo Bát-nhã ba-la-mật-đa.Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc nghĩ như vầy: Ta hành Bát-nhã ba-la-mật-đa vì có sở đắc nên đó là hành theo tướng.
Nếu nghĩ: Ta là Bồ-tát, vì có sở đắc nên đó là hành theo tướng.
Nếu nghĩ: Ta có khả năng hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, thì đó là Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có sở đắc nên là hành theo tướng.Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát khởi lên các sự phân biệt như thế khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, phải biết Bồ-tát ấy không có phương tiện thiện xảo nên chẳng phải là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Xá-lợi Tử:– Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc đối với sắc cho đến thức, trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Do thực hành như vậy, nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, sầu, than, buồn bực và các thứ khổ.
Hoặc đối với nhãn xứ cho đến ý xứ trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với sắc xứ cho đến pháp xứ trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với nhãn giới cho đến ý giới trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với sắc giới cho đến pháp giới trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với nhãn thức giới cho đến ý thức giới trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với nhãn xúc cho đến ý xúc trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Bởi thực hành như vậy nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, sầu, than, buồn bực và các thứ khổ khác.Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc đối với bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với năm loại mắt, sáu phép thần thông, sáu pháp Ba-la-mật-đa, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Hoặc đối với bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Bồ-tát, Như Lai trụ vào quyết định tưởng thì thực hành trên pháp tưởng đó.
Bởi thực hành như vậy nên không thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, sầu, than, buồn bực và các thứ khổ khác.Này Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo, cho nên không thể đạt đến quả vị của Thanh văn, Ðộc giác, huống chi đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Này Xá-lợi Tử! Nếu với tưởng và quyết định như vậy mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì nên biết Đại Bồ-tát ấy không có phương tiện thiện xảo, nên có làm việc gì cũng không thành tựu.Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Làm sao biết được các Bồ-tát có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa?Thiện Hiện đáp:– Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nếu các Bồ-tát không hành từ sắc đến thức, cũng không theo hành tướng của nó.
Không hành từ sắc đến thức, hoặc thường hoặc vô thường, hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc không hoặc bất không, hoặc có tướng hoặc không tướng, hoặc có nguyện hoặc không nguyện, hoặc tịch tịnh hoặc không tịch tịnh, hoặc viễn ly hoặc không viễn ly đều chẳng hành theo tướng ấy.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì sắc v.v… là không chẳng phải là sắc v.v… Sắc v.v… chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc v.v… Sắc v.v… tức là không, không tức là sắc v.v… đối với các uẩn, xứ, giới, duyên khởi, giác phần, Ba-la-mật-đa, năm loại mắt, sáu phép thần thông, mười lực cho đến pháp Phật bất cộng cũng đều như vậy.Này Xá-lợi Tử! Nên biết các Bồ-tát này có phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Vì các Bồ-tát này có phương tiện thiện xảo nên có thể chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Này Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng chấp hành hay không hành, cũng chẳng chấp có hành, chẳng chấp không hành, chẳng chấp phi hành hay phi bất hành.
Ðối với sự không chấp ấy cũng chẳng có chấp thủ, huống gì đối với các pháp khác mà lại có chấp thủ.Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Do nhân duyên gì mà các Bồ-tát không có sự chấp thủ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa?Thiện Hiện đáp:– Do tự tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể nắm bắt.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng lấy vô tánh làm tự tánh.Xá-lợi Tử! Do nhân duyên này, nên khi các Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc chấp có hành, hoặc chấp không hành, hoặc chấp cũng có hành cũng không hành, hoặc chấp chẳng hành chẳng không hành, hoặc chấp hay không chấp.
Như vậy, tất cả đều chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, đều không có chỗ để chấp thủ, không có chỗ để chấp trước.Xá-lợi Tử! Ðây gọi là Bồ-tát không chấp trước đối với tất cả pháp là vô tánh, vô sanh Tam-ma-địa.
Tam-ma-địa này rộng lớn, thù thắng, vi diệu vô cùng, có khả năng tập hợp không giới hạn và làm việc không ngăn ngại, nhưng không cùng với tất cả Thanh văn, Ðộc giác.
Nếu các Bồ-tát thường trụ không rời Tam-ma-địa này thì sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Các Bồ-tát chỉ cần một pháp đẳng trì thù thắng này thường giữ, không bỏ thì sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hay còn có pháp nào khác?Thiện Hiện đáp:– Không những chỉ đối với một pháp đẳng trì thù thắng này thường giữ, không bỏ, làm cho các Bồ-tát mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mà còn có nhiều pháp khác.Xá-lợi Tử hỏi:– Những pháp khác là gì?Thiện Hiện đáp:– Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát lại có Kiện hành đẳng trì, Bảo ấn đẳng trì, Sư tử du hý đẳng trì, Diệu nguyệt đẳng trì, Nguyệt tràng tướng đẳng trì, Chư pháp hải đẳng trì, Quán đảnh đẳng trì, Pháp giới định đẳng trì, Quyết định tràng tướng đẳng trì, Kim cương dụ đẳng trì, Nhập chư pháp ấn đẳng trì, An trụ định đẳng trì, Vương ấn đẳng trì, Tinh tấn lực đẳng trì, Ðẳng dũng xuất đẳng trì, Nhập từ quyết định đẳng trì, Nhập tăng ngữ đẳng trì, Quán lực đẳng trì, Tổng trì ấn đẳng trì, Vô vong thất đẳng trì, Chư pháp đẳng thú đẳng trì, Biến phú hư không đẳng trì, Kim cương luân đẳng trì, Thắng tràng tướng đẳng trì, Ðế tràng tướng đẳng trì, Nguyệt tràng tướng đẳng trì, Thuận kiên cố đẳng trì, Sư tử phấn tấn đẳng trì, Quảng khai xiển đẳng trì, Xả trần ái đẳng trì, Biến chiếu đẳng trì, Bất tuần đẳng trì, Trụ vô tướng đẳng trì, Quyết định đẳng trì, Ly cấu hạnh đẳng trì, Vô biên quang đẳng trì, Pháp quang đẳng trì, Phổ chiếu đẳng trì, Tịnh tọa đẳng trì, Vô cấu quang đẳng trì, Phát ái lạc đẳng trì, Ðiển đăng đẳng trì, Vô tận đẳng trì, Nan thắng đẳng trì, Cụ oai quang đẳng trì, Ly tận đẳng trì, Vô thắng đẳng trì, Khai hiển đẳng trì, Nhật đăng đẳng trì, Tịnh nguyệt đẳng trì, Tịnh quang đẳng trì, Phát minh đẳng trì, Tác vô tác đẳng trì, Trí tướng đẳng trì, Trụ tâm đẳng trì, Phổ minh đẳng trì, Thiện trụ đẳng trì, Bảo tích đẳng trì, Diệu pháp ấn đẳng trì, Chư pháp đẳng ý đẳng trì, Xả ái lạc đẳng trì, Pháp dũng đẳng trì, Phiêu tán đẳng trì, Phân biệt pháp cú đẳng trì, Nhập bình đẳng tự đẳng trì, Ly văn tự tướng đẳng trì, Ðoạn sở duyên đẳng trì, Vô biến dị đẳng trì, Phẩm loại đẳng trì, Nhập danh định tướng đẳng trì, Vô tướng hành đẳng trì, Ly ế ám đẳng trì, Cụ hạnh đẳng trì, Vô động đẳng trì, Cảnh tướng tịch tịnh đẳng trì, Tập chư công đức đẳng trì, Trụ quyết định đẳng trì, Tịnh diệu hoa đẳng trì, Cụ giác chi đẳng trì, Vô biên biện đẳng trì, Vô đẳng đẳng đẳng trì, Việt nhất thiết đẳng trì, Thiện phân biệt đẳng trì, Tản nghi võng đẳng trì, Vô sở trụ đẳng trì, Nhất tướng trang nghiêm đẳng trì, Dẫn phát hành tướng đẳng trì, Nhất hạnh đẳng trì, Xả hành tướng đẳng trì, Đạt chư hữu để biến dị đẳng trì, Nhập nhất thiết thi thiết ngữ ngôn đẳng trì, Giải thoát âm thanh văn tự đẳng trì, Cụ oai đức đẳng trì, Cự xí nhiên đẳng trì, Tịnh nhãn đẳng trì, Vô trược nhẫn đẳng trì, Nhập chư hành tướng đẳng trì, Bất hỷ nhất thiết đẳng trì, Vô tận hành tướng đẳng trì, Cụ đà-la-ni đẳng trì, Nhiếp phục nhất thiết chánh tà tánh đẳng trì, Ly vi thuận đẳng trì, Ly tắng ái đẳng trì, Vô cấu minh đẳng trì, Cụ kiên cố đẳng trì, Mãn nguyệt tịnh quang đẳng trì, Ðiển quang biện đẳng trì, Ðại trang nghiêm đẳng trì, Chiếu nhất thiết thế gian đẳng trì, Định bình đẳng ý đẳng trì, Vô trần hữu trần bình đẳng lý thú đẳng trì, Vô tránh hữu tránh bình đẳng lý thú đẳng trì, Vô sào huyệt đẳng trì, Vô tiêu xí đẳng trì, Quyết định trụ chơn như đẳng trì, Hoại thân ngữ ý ác hạnh đẳng trì, Như hư không đẳng trì, Vô nhiễm trước như hư không đẳng trì.Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát thường trụ không bỏ đối với các đẳng trì tối thắng như vậy thì sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Xá-lợi Tử! Lại có vô lượng, vô số pháp môn Tam-ma-địa, pháp môn Đà-la-ni khác nữa.
Nếu các Bồ-tát thường học các pháp này thì mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.Bấy giờ, Thiện Hiện nương oai thần của Phật, bảo với Xá-lợi Tử:– Nếu các Bồ-tát an trụ các đẳng trì tối thắng như vậy thì nên biết các vị ấy đã được chư Phật quá khứ thọ ký, cũng được mười phương chư Phật trong hiện tại thọ ký.Xá-lợi Tử! Các vị Bồ-tát này tuy trụ vào các Tam-ma-địa như vậy nhưng không thấy các Tam-ma-địa này, cũng chẳng chấp trước vào danh tự Tam-ma-địa này.
Cũng chẳng nghĩ: Ta đã chính thức vào trong các Tam-ma-địa này.
Cũng không nghĩ chỉ có ta mới có thể vào các định tối thắng này, người khác không thể vào được.
Các vị ấy suy nghĩ phân biệt như vậy, do sức các định nên không khởi lên pháp nào.Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Vì định khác nhau nên có các Đại Bồ-tát an trụ vào các Tam-ma-địa tối thắng như vậy và đã được chư Phật trong quá khứ, hiện tại thọ ký rồi ư?Thiện Hiện đáp:– Không phải vậy.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa, hay Tam-ma-địa, hay các Đại Bồ-tát đều không có sự sai khác thì Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là Tam-ma-địa, Tam-ma-địa tức là các Bồ-tát.
Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp đều bình đẳng.Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:– Nếu Tam-ma-địa không khác Bồ-tát, Bồ-tát không khác Tam-ma-địa, Tam-ma-địa tức là Bồ-tát, Bồ-tát tức là Tam-ma-địa, vì tất cả pháp đều bình đẳng thì các Bồ-tát có thể chỉ rõ sự chứng nhập Tam-ma-địa của mình không?Thiện Hiện đáp:– Không!Xá-lợi Tử hỏi:– Đối với Tam-ma-địa, các Đại Bồ-tát có tưởng và tưởng quyết định như vậy không?Thiện Hiện đáp:– Các Bồ-tát không khởi lên tưởng và tưởng quyết định đối với Tam-ma-địa.Xá-lợi Tử hỏi:– Tại sao các Bồ-tát này không có tưởng và tưởng quyết định đối với chính Tam-ma-địa mình chứng được?Thiện Hiện đáp:– Vì các Bồ-tát này không có sự phân biệt.Xá-lợi Tử hỏi:– Vì sao các vị ấy không có sự phân biệt?Thiện Hiện đáp:– Các Bồ-tát này biết tất cả pháp và Tam-ma-địa đều không có sở hữu.
Ở trong vô sở hữu ấy thì không cho phép phát sanh tưởng phân biệt và tưởng quyết định.Ngay lúc đó đức Thế Tôn khen ngợi Thiện Hiện:– Lành thay! Lành thay! Như điều ông nói.
Ta tuyên bố ông là người tối thắng đệ nhất đã trụ định Vô tránh trong chúng Thanh văn.
Do đây ta nói rõ ý nghĩa tương ưng là trong tánh bình đẳng không có tranh cãi chống đối vậy.Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến bố thí Ba-la-mật-đa nên học như vậy.
Muốn học từ niệm trụ cho đến đạo chi, nên học như vậy.
Muốn học mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng nên học như vậy.Khi ấy, Xá-lợi Tử liền bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Khi Đại Bồ-tát học như vậy là đã học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chăng?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Khi Đại Bồ-tát học như thế là đang học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, dùng vô sở đắc làm phương tiện.Xá-lợi Tử lại bạch Phật:– Khi Đại Bồ-tát học như thế, đều lấy vô sở đắc làm phương tiện để học từ Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng ư?Phật dạy:– Đúng như vậy! Khi học như vậy, Đại Bồ-tát đều lấy vô sở đắc làm phương tiện mà học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.Xá-lợi Tử hỏi:– Vô sở đắc là nói về những gì, bất khả đắc ư?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Vô sở đắc là ngã bất khả đắc cho đến kiến thức bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Các uẩn, xứ, giới và duyên khởi bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Cõi Dục, Sắc và Vô sắc bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Dự lưu cho đến Ðộc giác bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.
Bồ-tát, chư Phật, Bồ-đề, Niết-bàn bất khả đắc, vì chúng rốt ráo thanh tịnh.Xá-lợi Tử hỏi:– Rốt ráo thanh tịnh nghĩa là gì?Phật dạy:– Nghĩa là tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không ra, không vào, vô đắc vô vi.
Như vậy gọi là nghĩa thanh tịnh rốt ráo.Bấy giờ, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:– Khi các Bồ-tát học như vậy thì không học những pháp nào?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát học như vậy thì không được thấy có sự học đối với pháp.
Vì sao? Xá-lợi Tử! Tất cả pháp chẳng phải như vậy nhưng do phàm phu ngu si dị sanh chấp trước nên có sự học các pháp ấy.Xá-lợi Tử hỏi:– Nếu nói như vậy thì tại sao các pháp lại có?Phật dạy:– Các pháp như vô sở hữu như vậy mà có.
Nếu đối với các pháp vô sở hữu này mà không thể thấu rõ thì gọi là vô minh.Xá-lợi Tử hỏi:– Những pháp nào là vô sở hữu, nếu không hiểu rõ thì gọi là vô minh?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Sắc cho đến thức vô sở hữu.
Như vậy cho đến bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều vô sở hữu.
Do pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không.Xá-lợi Tử! Phàm phu ngu si dị sanh ấy không thấu đạt đối với hết thảy pháp vô sở hữu như thế nên gọi là vô minh.
Người ấy do vô minh và sức mạnh của ái nên phân biệt và chấp trước, hai bên đoạn kiến và thường kiến.
Do đó không thấy, không biết tánh của các pháp là vô sở hữu nên phân biệt các pháp.
Do phân biệt nên chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến chấp trước mười tám pháp Phật bất cộng.
Do chấp trước nên phân biệt tánh vô sở hữu của các pháp.
Do đó nên không thấy, không biết đối với các pháp.Xá-lợi Tử hỏi:– Không thấy, không biết đối với các pháp nào?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Không thấy, không biết đối với sắc cho đến thức.
Như vậy, bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều không thấy, không biết.
Vì không thấy, không biết đối với các pháp nên đọa vào phàm phu ngu si dị sanh nhiều lần không thể ra khỏi.Xá-lợi Tử hỏi:– Chúng không thể ra khỏi chỗ nào.Phật dạy:– Đối với cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc chúng không thể ra khỏi được.
Vì không thể ra khỏi ba cõi nên không thể thành tựu quả Thanh văn, Ðộc giác, Bồ-tát và Phật.
Giả như có người thoát khỏi ba cõi mà không thể ra khỏi nhị thừa là do người đó không tin, không hiểu hết giáo pháp thâm sâu.Xá-lợi Tử hỏi:– Giáo pháp thâm sâu thế nào mà không thể tin hiểu được?Phật dạy:– Pháp ấy là sắc không cho đến thức không, không thể tin hiểu hết.
Cứ như vậy cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều là không, không thể tin hiểu hết được.
Do không thể tin hiểu đối với pháp năng giác sở giác không, nên không thể trụ vào pháp cần phải học.Xá-lợi Tử hỏi:– Pháp nào cần phải học mà người ấy không thể trụ vào?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Người kia không thể an trụ đối với bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng không thể trụ vào bậc Bất thối chuyển và vô lượng, vô biên các pháp của Phật.
Do đây nên gọi là phàm phu ngu si dị sanh.
Vì chấp trước các pháp có tánh.
Nghĩa là chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn xứ cho đến ý xứ, sắc xứ cho đến pháp xứ, nhãn giới cho đến ý thức giới, tham, sân, si và các kiến thú, niệm trụ cho đến Bồ-đề, Niết-bàn v.v… đều có tánh.Xá-lợi Tử bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Có Bồ-tát nào học như vậy mà chẳng phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên không thể thành tựu trí nhất thiết trí không?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Có vị Bồ-tát học như vậy nhưng chẳng phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên không thể thành tựu trí nhất thiết trí.Xá-lợi Tử thưa:– Bồ-tát nào học như vậy mà chẳng phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa?Phật dạy:– Này Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo mà lại phân biệt, chấp trước vào Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến phân biệt chấp trước vào bố thí Ba-la-mật-đa.
Hoặc phân biệt chấp trước bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Hoặc phân biệt chấp trước trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Do yếu tố này nên có các Đại Bồ-tát tuy học như thế nhưng chẳng phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên không thành tựu trí nhất thiết trí.Xá-lợi Tử hỏi:– Khi các Bồ-tát này học như vậy, nếu xác định chẳng phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì không thể thành tựu trí nhất thiết trí ư?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Khi các Bồ-tát này học như vậy, thì chắc chắn không phải là học Bát-nhã ba-la-mật-đa, và không thể thành tựu trí nhất thiết trí.Xá-lợi Tử hỏi:– Bồ-tát nào tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là học đúng Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Và khi học như thế thì thành tựu trí nhất thiết trí phải không?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến không thấy trí nhất thiết tướng.
Như vậy, Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khi học như vậy thì thành tựu trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện.Xá-lợi Tử hỏi:– Các Bồ-tát này lấy pháp vô sở đắc nào làm phương tiện?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này khi hành bố thí Ba-la-mật-đa, ngay trong khi bố thí dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Cho đến khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, ngay khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Cho đến khi cầu Bồ-đề, trong khi hành quả Bồ-đề dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Cho đến khi cầu trí nhất thiết tướng, trong khi hành trí nhất thiết tướng dùng vô sở đắc làm phương tiện.Xá-lợi Tử hỏi:– Khi các Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy những vô sở đắc nào làm phương tiện?Phật dạy:– Xá-lợi Tử! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, các Bồ-tát lấy pháp nội Không vô sở đắc làm phương tiện.
Cho đến lấy pháp vô tính tự tính Không vô sở đắc làm phương tiện.
Do nhân duyên đó nên mau thành tựu được trí nhất thiết trí.Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Giả sử có người đến hỏi thế này: Những kẻ do biến hóa, nếu học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, và học niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, người đó có thể thành tựu trí nhất thiết trí không?Bạch Thế Tôn! Nếu được hỏi như vậy con phải trả lời thế nào?Phật bảo Thiện Hiện:– Ta hỏi lại ông đấy? Tùy ý ông trả lời.
Vậy ý ông thế nào? Sắc cho đến thức cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Nhãn xứ cho đến ý xứ cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Sắc xứ cho đến pháp xứ cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Nhãn giới cho đến ý giới cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Sắc giới cho đến pháp giới cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Nhãn xúc cho đến ý xúc cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không? Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cùng với kẻ do biến hóa ấy có gì khác nhau không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Chẳng có gì khác.
Vì sao? Vì sắc không khác kẻ do biến hoá, kẻ do biến hóa không khác sắc.
Sắc tức là kẻ do biến hóa, kẻ do biến hóa tức là sắc.
Cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng lại như vậy.Phật bảoThiện Hiện:– Ý ông thế nào? Các kẻ do biến hóa ấy có nhiễm tịnh không? Có sanh diệt không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không!Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Nếu pháp không có nhiễm tịnh, không có sanh diệt thì pháp ấy có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng và có thể thành tựu trí nhất thiết trí không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không!Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Ở trong năm uẩn khởi lên tưởng, tưởng các loại, tưởng tạo tác, lời nói, giả danh Đại Bồ-tát phải không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Ở trong năm uẩn khởi lên tưởng các loại, tưởng tạo tác, lời nói, giả lập ra pháp có sanh diệt, có nhiễm tịnh, có thể được không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không!Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Nếu pháp không có tưởng, không tưởng các loại, không tạo tác, không lời nói, không giả danh, không có thân, cũng không có thân nghiệp, không ngôn ngữ cũng không ngữ nghiệp, không ý không ý nghiệp, không sanh diệt, không nhiễm tịnh, pháp ấy có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa, và thành tựu trí nhất thiết trí không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không!Phật bảo Thiện Hiện:– Nếu các Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như thế thì nhất định sẽ thành tựu trí nhất thiết trí.Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Nếu các Bồ-tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải như người do biến hóa kia học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Vì sao? Nên biết kẻ do biến hóa kia tức là năm uẩn.Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Nếu năm uẩn như huyễn thì có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa, và thành tựu trí nhất thiết trí không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Năm uẩn như huyễn lấy vô tánh làm tự tánh, vì tự tánh vô tánh không thể nắm bắt.Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Năm uẩn như mộng, như tiếng vang, như quáng nắng, như ảnh trong gương, như biến hóa, có thể học Bát-nhã ba-la-mật-đa và thành tựu trí nhất thiết trí không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Năm uẩn như tiếng vang cho đến như biến hóa lấy vô tánh làm tự tánh, vì tự tánh vô tánh không thể nắm bắt được.Phật bảo Thiện Hiện:– Ý ông thế nào? Năm uẩn như huyễn v.v… tánh mỗi pháp có gì khác không?Thiện Hiện thưa:– Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Sắc v.v… như huyễn tức là sắc v.v… như mộng cho đến như biến hóa vậy.
Năm uẩn, sáu căn cũng không có tánh khác.
Như vậy, tất cả đều do pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không nên tánh không thể nắm bắt.Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Nếu các Bồ-tát mới học Ðại thừa nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu xa như thế, tâm họ có kinh sợ khủng khiếp không?Phật bảo Thiện Hiện:– Các Bồ-tát mới học Ðại thừa, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu không có phương tiện thiện xảo, và không có bạn lành giúp đỡ, khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như thế thì tâm vị ấy kinh sợ khủng khiếp.Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Những Bồ-tát nào tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo, nên nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy thì tâm không kinh khiếp, không sợ sệt, không e ngại.Phật bảo Thiện Hiện:– Bồ-tát nào dùng tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, quán sắc cho đến thức là tướng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, không, vô tướng, vô nguyện, vắng lặng, xa lìa, và không thể nắm bắt được.
Các Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo, nếu nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như thế thì tâm chẳng kinh, chẳng ngại, chẳng sợ.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát quán như vậy rồi, lại nghĩ thế này: Ta phải dùng vô sở đắc làm phương tiện, vì tất cả hữu tình nói năm uẩn này là vô thường cho đến viễn ly tướng cũng không thể nắm bắt được.
Ðây là Bồ-tát không chấp trước bố thí Ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát không vì Thanh văn, Ðộc giác tác ý suy nghĩ năm uẩn có tướng vô thường cho đến viễn ly tướng cũng không thể nắm bắt được.
Vì dùng vô sở đắc làm phương tiện vậy.
Ðây là Bồ-tát không chấp trước tịnh giới Ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, quán sát địa giới cho đến thức giới, tất cả đều vô thường, khổ, không, vô ngã, không nên sân hận, chỉ nên an nhẫn.
Ðây là Bồ-tát không chấp trước an nhẫn Ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát dùng tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, quán sát từ sắc đến thức có tướng vô thường cho đến tướng viễn ly, cũng không thể nắm bắt được.
Tuy dùng vô sở đắc làm phương tiện, mà thường không xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, siêng năng tu tập tất cả thiện pháp.
Ðây là Bồ-tát không chấp trước tinh tấn Ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát không dùng tác ý Thanh văn, Ðộc giác, tâm tán loạn và những tâm bất thiện khác xen lẫn với tác ý thanh tịnh của Bồ-tát thì đây là Bồ-tát không chấp trước tịnh lự Ba-la-mật-đa.Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, như thật quán sát phi không sắc mà nói sắc là không, sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Nhãn xứ cho đến ý xứ, sắc xứ cho đến pháp xứ, nhãn giới cho đến ý giới, sắc giới cho đến pháp giới, nhãn thức giới cho đến ý thức giới, nhãn xúc cho đến ý xúc, các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng lại như vậy.
Ðây là Bồ-tát không chấp trước Bát-nhã ba-la-mật-đa.Này Thiện Hiện! Như vậy, Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo, khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như thế, tâm chẳng e ngại, chẳng khiếp sợ.Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Thế nào là Bồ-tát được bạn lành giúp đỡ, nên nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy mà tâm chẳng e ngại, chẳng khiếp sợ?Phật bảo Thiện Hiện:– Bạn lành của các Bồ-tát ấy là người nào thường dùng vô sở đắc làm phương tiện, nói sắc cho đến thức có tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng bất tịnh, tướng không, tướng vô tướng, tướng vô nguyện, tướng vắng lặng, tướng viễn ly cũng không thể nắm bắt.
Nói nhãn cho đến ý có tướng vô thường cho đến tướng viễn ly cũng không thể nắm bắt được.
Nói sắc cho đến pháp có tướng vô thường cho đến tướng viễn ly cũng không thể nắm bắt được.
Nói nhãn thức cho đến ý thức có tướng vô thường cho đến tướng viễn ly cũng không thể nắm bắt được.
Nói nhãn xúc cho đến ý xúc có tướng vô thường cho đến tướng viễn ly cũng không thể nắm bắt được.
Và khuyên hãy nương vào đây mà siêng năng tu tập căn lành, hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không nên hướng đến địa vị Thanh văn và bậc Ðộc giác.
Phải biết đây là bạn lành của Bồ-tát.Lại nữa, Thiện Hiện! Bạn lành của Bồ-tát là người nào thường dùng vô sở đắc làm phương tiện để nói về sự tu tập bốn niệm trụ, cho đến tám chi thánh đạo không thể nắm bắt được.
Hoặc nói về sự tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện không thể nắm bắt được.
Hoặc nói về sự tu mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không thể nắm bắt được.
Hoặc nói về sự tu tập trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không thể nắm bắt được, rồi khuyên hãy nương vào đây mà tu tập các căn lành để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không nên hướng tới Thanh văn và Ðộc giác.
Phải biết đây chính là bạn lành của Bồ-tát.Này Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát được sự giúp đỡ của bạn lành thì nghe thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy, tâm chẳng ngại, chẳng kinh, chẳng sợ.Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:– Thế nào là Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phương tiện thiện xảo, nên nghe thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nên tâm có e ngại, kinh khiếp và sợ hãi?Phật bảo Thiện Hiện:– Nếu các Bồ-tát dùng có sở đắc làm phương tiện, xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với sự tu hành có sở đắc, có ỷ lại; dùng có sở đắc làm phương tiện, xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, quán sắc cho đến thức, pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, đối với pháp quán không này thấy có sở đắc, có sự ỷ lại; dùng có sở đắc làm phương tiện, quán nhãn cho đến ý, quán sắc cho đến pháp, quán nhãn thức cho đến ý thức, quán nhãn xúc cho đến ý xúc, quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, đối với pháp quán không này thấy có chứng đắc, có sự ỷ lại; dùng có sở đắc làm phương tiện, xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, tu hành bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nhưng đối với sự tu hành ấy có chứng đắc, có sự ỷ lại.Này Thiện Hiện! Bồ-tát như thế tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phương tiện thiện xảo, nên nghe thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy thì sanh tâm e ngại, khiếp sợ.Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:– Thế nào là Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa bị các bạn ác dắt dẫn, nên nghe thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy thì e ngại, kinh sợ?Phật bảo Thiện Hiện:– Bạn ác của các Bồ-tát là kẻ dạy nhàm chán xa lìa Bát-nhã cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, và nói: Thiện nam tử! Các bạn không nên tu học pháp này.
Vì sao? Sáu pháp Ba-la-mật-đa như thế chẳng phải lời Phật nói.
Những văn tụng ấy được sáng tạo một cách giả dối.
Vì thế, nên các ông không nên nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ, nghiên cứu, diễu thuyết cho người khác.
Phải biết đây là bạn ác của Bồ-tát.Lại nữa, Thiện Hiện! Bạn ác của các Bồ-tát là nếu không nói về việc ma, lỗi ma, nghĩa là có ác ma giả dạng đức Phật đến dạy Bồ-tát nhàm chán, xa lìa sáu pháp Ba-la-mật-đa, và nói: Thiện nam tử! Cần gì tu pháp Ba-la-mật-đa này.Lại có ác ma giả dạng đức Phật, đến gặp Bồ-tát giảng nói chỉ bày các pháp tương ưng với Thanh văn, Ðộc giác cho Bồ-tát như là Khế kinh cho đến Luận nghĩa, phân biệt rõ ràng, khiến cho Bồ-tát chuyên tâm tu học.Lại có ác ma giả dạng đức Phật, đến gặp Bồ-tát nói thế này: Ngươi chẳng phải Bồ-tát, người không có tâm Bồ-đề nên không thể an trụ bậc Bất thối chuyển, không thể chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề như đã mong cầu.Lại có ác ma giả dạng đức Phật, đến gặp Bồ-tát nói: Thiện nam tử! Sắc cho đến thức là không, không có ngã và ngã sở.
Nhãn cho đến ý là không, không có ngã và ngã sở.
Sắc cho đến pháp là không, không có ngã và ngã sở.
Nhãn thức cho đến ý thức là không, không có ngã và ngã sở.
Nhãn xúc cho đến ý xúc là không, không có ngã và ngã sở.
Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra là không, không có ngã và ngã sở.
Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là không, không có ngã và ngã sở.
Bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là không, không có ngã và ngã sở, cần gì phải chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.Lại có ác ma giả dạng Ðộc giác đến gặp Bồ-tát và nói: Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ-tát và hàng Thanh văn trên thế giới khắp mười phương tất cả đều không.
Đối với việc này, ngươi nên tin nhận sâu xa, chớ siêng năng khổ cực cầu mong, cúng dường để lắng nghe Chánh pháp và tu hành như đã được dạy.Lại có ác ma giả dạng Thanh văn đến gặp Bồ-tát khiến họ nhàm chán xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, mà siêng năng tu học tác ý tương ưng với Thanh văn và Ðộc giác.Lại có ác ma giả dạng bậc thầy mô phạm đến gặp Bồ-tát khiến cho Bồ-tát nhàm chán cực kỳ các thắng hạnh của Bồ-tát.
Các thắng hạnh ấy là sáu pháp Ba-la-mật-đa, và khiến cho Bồ-tát nhàm chán xa lìa trí nhất thiết trí, đó là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Ác ma chỉ dạy siêng tu bốn niệm trụ v.v… khiến cho họ mau chứng quả Bồ-đề của Nhị thừa, nhàm chán xa lìa sự mong cầu quả Vô thượng thừa.Lại có ác ma giả dạng như cha mẹ đến gặp Bồ-tát bảo: Con ơi! Con phải tinh cần cầu chứng quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán đủ để chấm dứt khổ lớn sanh tử chứ cần gì đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Nếu cầu quả Bồ-đề, con phải trải qua vô lượng, vô số đại kiếp luân hồi sanh tử để giáo hóa hữu tình, xả bỏ thân mạng, cắt bỏ tay chân, tự chuốc lấy khổ nhọc, ai biết ơn con.
Dù quả Bồ-đề mà con cầu được hay không được.Lại có ác ma giả dạng Bí-sô đến gặp Bồ-tát dùng có sở đắc làm phương tiện, nói sắc cho đến thức có tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng bất tịnh, tướng không, tướng vô tướng, tướng vô nguyện, tướng vắng lặng, tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Nói nhãn cho đến ý có tướng vô thường cho đến tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Nói sắc cho đến pháp có tướng vô thường cho đến tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Nói nhãn thức cho đến ý thức có tướng vô thường cho đến tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Nói nhãn xúc cho đến ý xúc có tướng vô thường cho đến tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Nói các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra có tướng vô thường cho đến tướng xa lìa là chân thật có thể nắm bắt.
Dùng có sở đắc làm phương tiện mà nói về bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là chân thật có thể nắm bắt, khiến cho Bồ-tát tu học.
Nếu chẳng vì nói những việc như thế khiến cho Bồ-tát giác ngộ thì phải biết đây là bạn ác của Bồ-tát.Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nếu bị ác ma dẫn dắt, thì nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế tâm họ sẽ e ngại, kinh sợ.
Thế nên, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với bạn ác Bồ-tát nên xét kỹ, phương tiện tránh xa, chớ có gần gũi mà thối mất tâm Bồ-đề, bỏ mất các hạnh của Đại Bồ-tát và không chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề..